5 lưu ý không thể bỏ qua khi làm bài thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, với thời gian làm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài là 120 phút. Để làm tốt môn Văn thi THPT Quốc gia 2020 các em cần lưu ý 5 điều quan trọng dưới đây:
Xem Tắt
5 lưu ý không thể bỏ qua khi làm bài thi tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngữ văn
1. Phần đọc hiểu
Ở phần Đọc hiểu, đề bài có thể là một đoạn văn xuôi (khoảng 250 đến 300 chữ) hoặc một bài thơ, đoạn thơ và yêu cầu trả lời 4 câu hỏi nhỏ theo ma trận: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).
- Câu 1: Ở mức độ nhận biết, thí sinh cần nắm chắc một số đơn vị kiến thức có liên quan như: thể thơ (nếu ngữ liệu cho bài thơ/đoạn thơ), phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ… Chẳng hạn đề bài yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản, thì cần trả lời duy nhất phương thức biểu đạt trong số các phương thức: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.
- Câu 2: Thường có dạng như “trong đoạn trích, tác giả cho rằng…”, thí sinh phải ghi lại quan điểm của tác giả có sẵn trong ngữ liệu, chứ không phải quan điểm của bản thân. Thí sinh cần trả lời ngắn gọn, trọng tâm, để trong ngoặc kép quan điểm của tác giả, tránh trả lời lan man, dài dòng dẫn tới lạc đề.
- Câu 3: Ở mức độ cao hơn so với câu hỏi 1 và 2, kiểu như “anh/chị hiểu như thế nào về câu…”, thí sinh cần trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý, cần diễn đạt khoảng 3 đến 5 câu là đạt yêu cầu.
- Câu 4: Ở mức độ vận dụng nhưng có độ mở rộng, kiểu như “anh/chị có đồng tình với quan niệm… không, vì sao”? Thí sinh trả lời khoảng 3 đến 5 câu, có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần nào đó nhưng cần lí giải cho hợp lí.
2. Phần Làm văn
Còn ở phần Làm văn, có 2 câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Câu nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ được tích hợp một vấn đề, khía cạnh từ ngữ liệu Đọc hiểu.
- Hình thức: Viết một đoạn văn (không xuống dòng) khoảng 1 mặt giấy thi, trình bày theo một trong những cách: Diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành – nhưng tốt nhất nên viết theo tổng – phân – hợp. Như vậy, câu chủ đề của đoạn văn phải mang luận điểm chính, sau đó giải thích (tùy theo đề), bàn luận và cuối cùng là kết đoạn văn.
- Nội dung: Xác định cho được vấn đề cần nghị luận để viết chính xác, trọng tâm. Trong quá trình triển khai đoạn văn, thí sinh cần vào đưa những chứng gần gũi, thiết thực, chắt lọc để làm sáng tỏ yêu cầu cần nghị luận.
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man, sơ sài.
3. Nắm chắc kiến thức khái quát
Những kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm, những giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung của tác phẩm là những mảng kiến thức cần đặc biệt lưu ý khi ôn luyện. Bởi đề bài đưa ra kiểu dạng như thế nào: Cảm nhận về một đoạn văn/ đoạn thơ…; Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật…; Phân tích một yếu tố nghệ thuật hoặc nội dung nào đó của tác phẩm (nghệ thuật xây dựng tình huống/ giá trị nhân đạo…) đều không thể không dựa vào những vấn đề đó.
4. Phân bổ thời gian hợp lý
Phân bổ thời gian hợp lý giữa các phần của bài thi: Đọc hiểu văn bản (20 phút), nghị luận xã hội (20 phút), nghị luận văn học (80 phút).
5. Trình bày sạch đẹp
Tránh tẩy xóa, diễn đạt lan man, mơ hồ, sai chính tả, đưa ra những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, trái với thuần phong mĩ tục của Việt Nam.