Soạn bài Điệp ngữ, Tài Liệu Học Thi mời bạn đọc tham khảo tài liệu Soạn văn 7: Điệp ngữ, vô cùng hữu ích dành cho học sinh khi tìm hiểu về biện pháp tu từ này.
Điệp ngữ – một trong những biện pháp tu từ quan trọng sẽ được giới thiệu đến học sinh trong chương trình Ngữ Văn lớp 7.
Dưới đây là tài liệu Soạn văn 7: Điệp ngữ, với mong muốn cung cấp những kiến thức hữu ích đến học sinh.
Xem Tắt
Soạn văn Điệp ngữ
I. Điệp ngữ và tác dụng của điệp ngữ
1. Ở khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài “Tiếng gà trưa” có những từ ngữ nào được lặp đi lặp lại?
– Khổ đầu: “nghe”
– Khổ cuối: “vì”
2. Lặp đi lặp lại từ ngữ như thế có tác dụng gì?
– Cách lặp đi lặp lại từ “nghe”, “vì” như vậy nhằm nhấn mạnh vào nội dung cần diễn đạt, gây ấn tượng với bạn đọc.
=> Tổng kết: Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp lại gọi là điệp ngữ.
II. Các dạng điệp ngữ
So sánh điệp ngữ trong khổ thơ đầu bài “Tiếng gà trưa” với điệp ngữ trong hai đoạn thơ dưới đây, tìm đặc điểm của mỗi dạng.
a.
“Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều
[…]
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy”
(Phạm Tiến Duật)
b.
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
(Đoàn Thị Điểm)
– Điệp ngữ trong hai đoạn thơ bài “Tiếng gà trưa”: nối tiếp
– Điệp ngữ trong câu a: cách quãng
– Điệp ngữ trong câu b: chuyển tiếp (vòng)
=> Tổng kết: Điệp ngữ có nhiều dạng là điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).
III. Luyện tập
Câu 1. Tìm điệp ngữ trong đoạn trích dưới đây và cho biết tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?
* Đoạn trích 1:
– Điệp ngữ: “một dân tộc” và “dân tộc”
– Tác dụng: Tác giả Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh đến đối tượng được hưởng quyền tự do, độc lập, đó chính là dân tộc Việt Nam.
* Đoạn trích 2:
– Điệp ngữ “đi cấy”, “trông”
– Tác dụng: điệp ngữ “đi cấy” nhấn mạnh công việc cần làm, điệp ngữ “trông” nhấn mạnh sự vất vả, cực nhọc của người nông dân.
Câu 2. Tìm điệp ngữ trong đoạn văn sau và nói rõ đấy là những dạng điệp ngữ gì?
“Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.”
(Khánh Hoài)
– Điệp ngữ trong đoạn văn: “xa nhau”, “một giấc mơ”
– Loại điệp ngữ:
- “Xa nhau”: cách quãng
- “một giấc mơ”: chuyển tiếp
Câu 3.
a.
– Việc lặp lại các từ như “mảnh vườn”, “em”, “hái hoa”… không phải là biện pháp điệp ngữ, cũng không có tác dụng biểu cảm.
– Lý do: Bởi đây là lỗi lặp từ – do người viết có vốn từ hạn hẹp hoặc không biết cách diễn đạt, khiến đoạn văn trở nên rườm rà, không có giá trị.
b. Cách sửa:
Phía sau nhà em có một mảnh vườn. Ở đó, em trồng rất nhiều loài hoa: cúc, thược dược, đồng tiền, hoa hồng và cả lay-ơn nữa. Vào ngày Quốc tế Phụ nữ, em đã ra sau vườn nhà hái hoa tặng mẹ và chị gái.
Câu 4. Hãy viết một đoạn văn ngắn có sử dụng điệp ngữ.
Gợi ý:
Cơn mưa rào sáng nay đi qua cuốn theo cái nắng hè oi bức của những hôm trước đi xa. Cánh đồng làng dường như khoác lên mình một bộ áo mới. Mưa đến đem theo làn nước mát tưới tắm cho cánh đồng sau những ngày hè nắng oi ả. Những chú cò trắng nghiêng cánh bay lên đậu xuống. Chim sơn ca véo von ca hát để chào ngày mới. Đồng làng xanh thắm bao la. Lúa phơi phới dâng lên. Ngọn lúa uốn cong như xòe bàn tay lên mừng vui reo hát. Em cùng nhóm bạn trong lòng rủ nhau ra cánh đồng bắt cá ở những con mương nhỏ. Đây chính là thời điểm thu hoạch bội thu nhất của đám trẻ con làng quê chúng em. Nào là những con tôm, con tép, nào là con ốc, con cua, và còn có cả cá rô nữa… Những chiến lợi phẩm ấy khiến chúng em cảm thấy rất thích thú. Sau cơn mưa, cánh đồng quê sẽ chứa đựng rất nhiều điều thú vị.
– Điệp ngữ “nào là… nào là…”
IV. Bài tập ôn luyện
Tìm điệp ngữ trong các câu sau và cho biết đấy là những loại điệp ngữ gì?
a.
“Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt”
(Ca dao)
b. “Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…”
(Mùa xuân của tôi, Vũ Bằng)
c.
“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt.
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây.
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
(Viếng lăng Bác, Viễn Phương)
d.
“Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)
e. “Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào… Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm”.
(Sài Gòn tôi yêu, Minh Hương)
g.
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
(Ca dao)
Gợi ý:
a. Điệp ngữ: “Khăn thương nhớ ai” – điệp ngữ cách quãng.
b. Điệp ngữ “mùa xuân” – điệp ngữ nối tiếp.
c. Điệp ngữ “muốn” – điệp ngữ nối tiếp
d. Điệp ngữ “mai sau” – điệp ngữ nối tiếp
e. Điệp ngữ “tôi yêu” – điệp ngữ nối tiếp
g. Điệp ngữ “nhị vàng” – điệp ngữ chuyển tiếp