Tổng hợp những mở bài về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (15 mẫu), Để giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia cũng như củg cố lại kiến
Hy vọng rằng có thể giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu bài văn mẫu lớp 12: Tổng hợp những mở bài về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Đây là tài liệu vô cùng hữu ích đã được đội ngũ chúng tôi tổng hợp lại, bao gồm 15 mẫu mở bài với những dạng bài văn phân tích liên quan đến bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo.
Xem Tắt
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước – Mẫu 1
Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân. Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng trong Đất nước trích Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm , ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước – Mẫu 2
Đất nước – hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta; vừa cao cả, trang trọng; vừa xiết bao gần gũi. Hình tượng Đất Nước đã khơi nguồn cho bao hồn thơ cất cánh. “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm cũng nằm trong dòng chảy dào dạt ấy và có phần đầy đủ hơn cả khi thống nhất được cội nguồn đất nước và tư tưởng đất nước của nhân dân.
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước – Mẫu 3
Đối với mỗi chúng ta, khi nhắc về đất nước, ta thường đồng nhất khái niệm ấy với những điều thiêng liêng, to lớn, xa xôi, trừu tượng. Nhưng khi đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trích trong trường ca Mặt đường khát vọng ta nhận ra rằng đất nước không trừu tượng, xa xôi như thế, đất nước gần gũi bình dị, thân thương, ân tình và mỗi người đều tìm thấy đất nước trong chính mình. Nó không chỉ là mảnh đất đã ấp ủ, chắt chiu nuôi ta lớn mà hơn thế, đất nước đã trở thành một phần hòa chảy cùng dòng máu nóng trong cơ thể, thành những nhịp đập trong trái tim ta và từ đó trong mỗi chúng ta đều có một phần Đất nước.
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước – Mẫu 4
Đất nước là đề tài muôn thuở của thơ văn Việt Nam. Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu sóng gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài phân tích bài thơ Đất nước – Mẫu 5
Đất nước, đã từ lâu, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có cho mình một lối đi riêng. Đoạn trích “Đất nước” là sự kết tinh của những sáng tạo độc đáo, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân – Mẫu 1
Thơ ca Việt Nam ba mươi năm chiến tranh là một dàn hợp xướng những khúc ca, giai điệu ngọt ngào về đất nước. Ta không thể nào quên một “đất nước hình tia chớp” trong thơ Trần Mạnh Hảo hay một đất nước như “bà mẹ sớm chiều gánh nặng nhẫn nại nuôi con một đời im lặng” trong thơ Tố Hữu. Nhắc đến đề tài Đất nước trong văn học cách mạng sẽ thật là không đầy đủ nếu như ta không nhắc đến Đất nước trích trong Trường ca mặt đường khát vọng với tư tưởng nhân văn tiến bộ: “Đất nước của nhân dân”.
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân – Mẫu 2
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giản dị, giàu chất suy tư. Nguyễn Khoa Điềm đã dành những trang viết đẹp nhất ca ngợi và cổ vũ ý chí ra trận của dân tộc. Mỗi tác phẩm là đều tiếng còi xung trận. Trường ca “Mặt đường khát vọng” là tác phẩm xuất sắc, có những khám phá độc đáo về hình ảnh đất nước và cái nhìn của thời đại. Độc đáo và mới mẻ nhất ở trường ca Mặt đường khát vọng đó là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân – Mẫu 3
Là một trí thức tham gia kháng chiến, trưởng thành trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế, Nguyễn Khoa Điềm còn là nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam. Thơ Nguyễn Khoa Điềm thiên về chính luận kết hợp với trữ tình. Những bài bài thơ của tác giả đều thể hiện khát vọng chiến đấu, một niềm tin cháy bỏng vào đất nước và nhân dân. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân’’ đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ của tác giả. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được thể hiện rõ trong đoạn trích “Đất nước” trích “Trường ca Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân – Mẫu 4
Trong bản hợp xướng của thơ ca chống Mỹ, nổi lên những âm vang trầm hùng, sâu lắng thiết tha về đất nước. Đất nước hiện lên qua màu xanh “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, trong dòng người cuồn cuộn trên “Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh”, “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo. Đất nước đó cũng rung lên mạnh mẽ khi tuổi trẻ không yên những tà áo trắng đã xuống đường trong “Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm. Trong bản trường ca chín chương sôi sục nhiệt huyết của tuổi trẻ trước vận mệnh của dân tộc, ông đã dành hẳn một chương (V) để nói về đất nước.
Mở bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân – Mẫu 5
Đất nước là một chủ đề được quan tâm hàng đầu đối với lịch sử văn học nước ta. Mỗi thời đại có một cách hiểu, cách quan niệm riêng về đất nước. Thời trung đại người ta thường quan niệm đất nước gắn liền với công lao của các triều đại, do các triều đại kế tiếp nhau gây dựng lên. Còn ở thời hiện đại, khi người ta nhìn thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, người ta mới thấy rằng đất nước là của nhân dân. Điều này tất nhiên càng được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn ai hết khi dân tộc ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt chương thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chính là tư tưởng đất nước của nhân dân.
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước – Mẫu 1
Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ trong những năm chống Mĩ cứu nước. Thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, thể hiện tâm tư của người tri thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân, mang màu sắc chính luận. Đoạn trích “Đất Nước” là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông. Đoạn trích thể hiện cái nhìn mới mẻ về Đất Nước, và cái mới mẻ ấy thôi thúc chúng ta đi tìm cội nguồn của Đất Nước. Với 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện quan niệm của mình về cội nguồn của Đất Nước thật đặc sắc.
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước – Mẫu 2
Đất nước, đã từ lâu, là điểm hẹn tâm hồn của biết bao văn nghệ sĩ. Được khơi nguồn từ đề tài quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có cho mình một lối đi riêng. Nguyễn Khoa Điềm từng chia sẻ: “Đất Nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại, của những anh hùng nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân”. “Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước Giản dị, gần gũi nhất”. Rút ra từ trường ca “Mặt đường khát vọng”, đoạn trích “Đất Nước” là sự kết tinh của những sáng tạo độc đáo, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Với 9 câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với lịch sử của dân tộc để trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ:
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước – Mẫu 3
Đất Nước – hai từ thôi mà sao nó thân thương đến thế! Và đó cũng là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ sẽ chọn cho mình một góc nhìn riêng để nói về Đất Nước, nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, bình dị để miêu tả về Đất Nước. Bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã gợi cho người đọc những nét đẹp về văn hóa, truyền thống, phong tục đẹp vô ngần, sinh động lạ thường, mang đậm dấu ấn con người Việt. Với 9 câu thơ mở đầu, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với lịch sử của dân tộc để trả lời cho câu hỏi đất nước có từ bao giờ:
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước – Mẫu 4
Đầu năm 1971, đang công tác trong thành ủy Huế, Nguyễn Khoa Điềm được mời tham gia trại sáng tác tổ chức ở đất bạn Lào. Nhà thơ rất thích nhạc giao hưởng ấy tâm sự: Tôi nghĩ tôi sẽ viết một bản giao hưởng bằng ngôn ngữ. Và trường ca Mặt đường khát vọng đã ra đời. Trường ca gồm chín chương. Đoạn thơ Đất Nước trích từ phần đầu của chương V có tên là Đất Nước. Trong thơ kháng chiến chống Mỹ đất nước là chủ đề bao trùm. Các thế hệ trước nhiều người viết rất hay về đề tài đất nước, cho nên Nguyễn Khoa Điềm tìm cách thể hiện mới, chọn chất liệu từ đời sống dân gian để thấy rằng đất nước là ý niệm thiêng liêng, nhưng cũng thật gần gũi và giản dị.
Mở bài phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước – Mẫu 5
Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là những trang thơ đậm chất suy luận, nhưng lại thấm đẫm, nồng nàn trong cảm xúc. Bởi thế mà dẫu viết về một đề tài đã cũ, đã quen, nhưng cách khai thác chất liệu mới mẻ, sáng tạo đã giúp nhà thơ tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Đặc biệt, 9 câu thơ mở đầu Đất Nước, trong mạch cảm xúc trăn trở, tìm về cội nguồn lịch sử của dân tộc, đã thể hiện rất rõ điều đó.