Soạn bài Ôn tập truyện dân gian, Tài Liệu Học Thi xin được giới thiệu tài liệu Soạn văn 6: Ôn tập truyện dân gian, có thể giúp ích cho học sinh trong quá trình ôn tập
Các tác phẩm truyện dân gian là một trong những phần kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ Văn lớp 6.
Chính vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 6: Ôn tập truyện dân gian, hy vọng đây sẽ là tài liệu sẽ có ích cho quý bạn đọc.
Soạn văn Ôn tập truyện dân gian
I. Lý thuyết
1. Hãy đọc lại, ghi chép và học thuộc định nghĩa ở những phần chú thích có dấu (*) trong SGK này về các thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười.
– Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể đến.
– Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:
- Nhân vật bất hạnh (như: người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí…)
- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ
- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch
- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người)
– Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn truyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.
– Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
2. Đọc lại các truyện dân gian trong SGK
– Học sinh tự đọc.
– Chú ý ghi nhớ các chi tiết chính trong truyện.
3. Viết lại tên những truyện dân gian (theo thể loại) mà em đã học và đã đọc (kể cả truyện dân gian của một số nước khác).
*Truyền thuyết:
– Các truyện được học:
- Con Rồng cháu Tiên
- Bánh chưng bánh giầy
- Sơn Tinh Thủy Tinh
- Thánh Gióng
- Sự tích Hồ Gươm
– Một số truyền thuyết đã đọc: Chử Đồng Tử, Mị Châu Trọng Thủy…
* Truyện cổ tích:
– Các truyện được học:
- Thạch Sanh
- Sọ Dừa
- Em bé thông minh
- Cây bút thần
- Ông lão đánh cá và con cá vàng
– Một số truyện cổ tích đã đọc:
- Truyện Việt Nam: Hoàng tử cứu mẹ, Mụ yêu tinh và bầy trẻ, Vua heo, Từ Thức gặp tiên, Lọ nước thần…
- Truyện nước ngoài: Công chúa ngủ trong rừng, Cô bé lọ lem, Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và quái vật, Aladin và cây đèn thần….
* Truyện ngụ ngôn
– Các truyện đã học:
- Ếch ngồi đáy giếng
- Thầy bói xem voi
- Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng
– Một số truyện đã đọc:
- Đeo nhạc cho mèo
- Đẽo cày giữa đường
- Vẽ rắn thêm chân
* Truyện cười
– Các truyện đã học:
- Treo biển
- Lợn cưới áo mới
– Các truyện đã đọc: Hổ phụ sinh hổ tử, Trạng Lợn xem bói, Thơ vịnh con chó…
4. Trao đổi ý kiến ở lớp: Từ các định nghĩa và từ những tác phẩm đã học, hãy nêu và minh họa một số đặc điểm tiêu biểu của từng thể loại truyện dân gian.
* Truyền thuyết:
– Thường kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử
– Sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
– Có cơ sở lịch sử, cốt lõi, sự thật lịch sử.
– Người kể, người nghe tin tưởng câu chuyện như là có thật, dù có những chi tiết truyện kì ảo.
– Thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.
* Truyện cổ tích:
– Thường có yếu tố hoang đường.
– Thể hiện ước mơ niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.
* Truyện ngụ ngôn:
– Là truyện kể có ngụ ý (tức là truyện không chỉ có nghĩa đen mà còn có nghĩa bóng mới là mục đích)
- Nghĩa đen: là nghĩa bề ngoài, nghĩa cụ thể của chính câu chuyện
- Nghĩa bóng là ý sâu kín được gửi gắm trong câu chuyện được suy ra từ ý nghĩa của truyện và thường được diễn đạt như những bài học cho con người trong cuộc sống.
– Nêu bài học khuyên nhủ răn dạy con người.
* Truyện cười:
– Truyện cười thường ngắn, nhưng dù ngắn truyện vẫn có kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ để có thể gây cười.
– Nghệ thuật gây cười phải làm cho cái đáng cười được bộc lộ để người đọc, người nghe phát hiện ra nó mà cười.
– Nhằm mua vui hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội từ đó hướng con người đến cái tốt, cái đẹp.
5. Trao đổi ý kiến ở lớp: So sánh sự giống và khác nhau giữa truyền thuyết với truyện cổ tích, giữa truyện ngụ ngôn với truyện cười.
a. So sánh giữa truyền thuyết và cổ tích
– Giống nhau: đều có yếu tố tưởng tượng kì ảo, nhân vật có sự ra đời kì lạ, tài năng phi thường.
– Khác nhau:
- Truyện cổ tích kể về các nhân vật, qua đó thể hiện ước mơ của nhân dân về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
- Truyền thuyết kể về các nhân vật lịch sử , thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với nhân vật sự kiện lịch sử đó.
So sánh giữa truyện ngụ ngôn và truyện cười
– Giống nhau: đều chế giễu, phê phán những hành động, cách ứng xử sai trái
– Khác nhau
- Truyện ngụ ngôn nhằm khuyên răng, dạy bảo con người một bài học nào đó trong cuộc sống.
- Truyện cười nhằm mua vui, chế giễu hoặc phê phán, châm biếm.
II. Luyện tập
Chọn một truyện cổ tích mà em yêu thích và phân tích những đặc điểm của truyện cổ tích qua truyện mà em đã lựa chọn.
Gợi ý:
* Truyện cổ tích: Tấm Cám
* Phân tích:
– Truyện kể về cuộc đời, số phận của nhân vật Tấm, nhân vật thuộc kiểu mồ côi có cuộc sống bất hạnh, khổ cực.
– Những chi tiết tưởng tượng kì ảo như:
- Ông Bụt hiện lên giúp đỡ cô Tấm: biến ra một con cá bống, xương cá bống chôn ở bốn góc chân giường biến thành quần áo, trang sức và đôi hài để cô Tấm đi dự hội.
- Cô Tấm bị mẹ con Cám giết chết: hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, quả thị, rồi hóa lại làm người.
– Thể hiện niềm tin của nhân dân về cái thiện chiến thẳng cái ác (cố Tấm trừng trị mẹ con Cám); ước mơ về một xã hội công bằng (Tấm sống hạnh phúc cùng nhà vua, mẹ con Cám chết).