Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng (Dàn ý + 2 mẫu), Hôm nay, chúng tôi xin mời tất cả các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 2, 3 và 4
Để giúp cho các bạn học sinh có thêm hành trang để bước vào kỳ thi THPT tốt nghiệp Quốc gia sắp tới, thì sau đây chúng tôi xin giới thiệu dàn ý chi tiết và bài văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng.
Hy vọng rằng với tài liệu này sẽ giúp cho các bạn học sinh sẽ củng cố lại kiến thức Ngữ văn lớp 12 của mình. Sau đây, xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Dàn ý phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng
I. Mở bài:
– Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:
+ Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ chống Mĩ với hồn thơ rất đỗi trẻ trung, tươi mát, đầy nữ tính.
+ Có thể nói, cùng với “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, bài thơ “Sóng” đã kết tinh được tất cả những gì là sở trường nhất của hồn thơ Xuân Quỳnh.
– Khái quát nội dung khổ 2, 3 và 4: hình tượng sóng đã thể hiện niềm khao khát của người thiếu nữ muốn được yêu, được sống trong một tình yêu hạnh phúc thủy chung.
II. Thân bài:
* Khái quát về hình tượng “sóng”
– Hình tượng trung tâm và nổi trội trong bài thơ là hình tượng “sóng”, bao trùm cả bài thơ là hình tượng sóng.
+ Sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ trẻ cũng như mọi sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ đều gắn liền với hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả.
+ “Sóng” là một trong những hình tượng ẩn dụ, nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh. “Sóng” và “em”, vừa hòa hợp là một, lại vừa phân đôi để soi chiếu, cộng hưởng. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng để biểu hiện những trạng thái của lòng mình.
-> Với hình tượng sóng, có thể nói Xuân Quỳnh đã tìm được một cách thể hiện thật xác đáng tâm trạng của người phụ nữ trong tình yêu.
– Hình tượng sóng đã gợi ra trong cả bài thơ bằng âm điệu: Bài thơ có một âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng, lúc sôi nổi trào dâng, lúc thì thầm sâu lắng, gợi âm hưởng của những đợt sóng miên man, vô tận. Âm hưởng ấy được tạo dựng nên bởi thể thơ năm chữ, với những câu thơ liền mạch, từng không ngắt nhịp, các khổ thơ được gắn kết với nhau bằng cách nối vần (“Khi nào ta yêu nhau”… “Con sóng dưới lòng sâu”).
-> Nhịp sóng đó cũng chính là nhịp lòng của tác giả, một tâm trạng đang xao động, trào dâng, miên man và chất chứa những khát khao, rạo rực.
* Đoạn thơ là một khám phá về sóng, mỗi khổ thơ sóng lại hiện ra một ý nghĩa khác
– Khổ 2: Biển chính là hình ảnh của sự bất diệt. Đối diện với những sự bất diệt có thực của biển, Xuân Quỳnh liên tưởng đến sự bất diệt khác: sự bất diệt của khát vọng tình yêu. Biển ngàn đời vẫn cồn cào, xáo động, cũng như tình yêu muôn đời vẫn bồi hồi vỗ sóng“ trong ngực trẻ:
“Ôi con sóng… ngực trẻ”
– Khổ 3 + 4: Đến khổ ba của bài thơ, sóng lại hiện lên với một ý nghĩa khác: Nguồn gốc của sóng cũng là nguồn gốc bí ẩn của tình yêu. Đứng trước biển, người phụ nữ muốn cắt nghĩa về nguồn gốc của sóng để tìm lời đáp cho câu hỏi về sự khởi nguồn của tình yêu trong trái tim mình.
“Sóng bắt đầu… ta yêu nhau”
-> Mọi nỗ lực để cắt nghĩa về tình yêu của Xuân Quỳnh cuối cùng trở nên bất lực. Nhà thơ “thú nhận” thành thực, hồn nhiên mà không kém ý nhị, sâu sắc: “Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau”.
III. Kết bài:
– Khái quát lại nội dung 3 khổ thơ.
– Cảm nhận của em: Tình yêu luôn luôn quan trọng với cuộc sống của mỗi con người, mỗi chúng ta ai cũng có quyền yêu và được yêu. Và tình yêu của tuổi trẻ là tình yêu mãnh liệt và cảm xúc trong sáng nhất.
Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng – Mẫu 1
“Sóng” là bài thơ tình tuyệt bút của Xuân Quỳnh (1942-1988). Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn thiên trường gồm có 38 câu thơ. Qua hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã thể hiện niềm khao khát của người thiếu nữ muốn được yêu, được sống trong một tình yêu hạnh phúc thủy chung.
Bốn khổ thơ dưới đây trích trong phần đầu bài thơ. Hình tượng “sóng” trong sự liên hệ đối sánh với nhân vật trữ tình “em” đã đem đến cho tâm hồn ta bao gợi cảm phong phú bất ngờ:
“Ôi con sóng ngày xưa
…
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Sóng là hiện tượng muôn đời của đại dương bao la. Còn vũ trụ, đất trời thì còn có đại dương; đại dương còn thì còn “muôn trùng sóng bể”. Sóng là sức sống vĩnh hằng, kì diệu của biển, trường tồn trong dòng chảy thời gian: “Ôi con sóng ngày xưa – Và ngày sau vẫn thế Từ “ôi” cảm thán cất lên đầy xúc động ngây ngất của một nỗi niềm. Sóng của biển cũng như tình yêu là chuyện muôn đời của lứa đỏi, là “khát vọng” của trai gái xưa nay. Sóng reo, sóng vỗ trên biển cả mênh mông cũng như “con sóng” tình yêu biến hóa vô cùng, lúc thì “dữ dội và dịu êm”, lúc thì “ồn ào và lặng lẽ” làm cho trái tim tuổi trẻ rung động, xao xuyến, “bồi hồi”:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”.
Hình tượng “sóng” trong những vần thơ ngọt ngào thiết tha đầy gợi cảm mang tính nhân văn. “Trước muôn trùng sóng bể” của đại dương mênh mông, lớp lớp sóng Hên hồi, vô tận, thiếu nữ “bồi hồi” nghĩ về quy luật của sự sống, về sự trường tồn của đại dương, về nguyên nhân kì diệu nào mà có “sóng lên”. Rồi thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối nhân duyên của mình, về tình yêu của “em” và “anh”. Điệp ngữ: “Em nghĩ về … Em nghĩ về … kết hợp với câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?” đã làm cho giọng thơ nồng nàn, say đắm,cảm xúc bâng khuâng triền miên dào dạt dâng lên. Hình tượng “sóng” và sự liên tưởng phong phú được diễn tả một cách thi vị:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên”.
Hỏi sóng rồi hỏi gió: “Gió bắt đầu từ đâu?”. Rồi thiếu nữ lại tự hỏi trái tim mình, tự hỏi lòng mình: “Khi nào ta yêu nhau”. Đó là tâm trạng của “em”, của bất cứ chàng trai cô gái nào trong tình yêu. Và phải là mối tình mới có câu hỏi ấy. Tinh yêu đã đến với “em” tự bao giờ, nhưng cái khắc khoải “thắm lại” của hai tâm hồn “anh” và “em”, đâu dễ trả lời. Ông chúa thơ tình Xuân Diệu đã viết: ” Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”… Tuy không trả lời được câu hỏi: “Khi nào ta yêu nhau?” nhưng cái khoảnh khắc thần tiên của mối tình đầu mãi mãi được ghi sâu trong lòng người:
“Cái thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?”
(Thế Lữ)
Sức gợi cảm của hình tượng “sóng” thật phong phú và bất ngờ. Sóng tồn tại trong trạng thái “động”, trong mọi không gian “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước” tầng tầng lớp lớp “muôn trùng sóng bể”. Có sóng ngầm và nhấp nhô sóng biếc. Sóng được nhân hóa, sóng thao thức suốt đêm ngày trong mọi thời gian: “Sóng nhớ bờ”, trong mọi trạng thái: “Sóng không ngủ được”. Sóng được cảm nhận bằng thính giác, bằng thị giác, bằng tri giác và cả bằng tâm hồn. Hình tượng “sóng” càng trở nên thơ mộng gợi cảm:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
Cấu trúc song hành, đối xứng: “dưới lòng sâu // trên mặt nước”, “ngày // đêm”, “nhớ bờ // không ngủ được” và điệp ngữ “con sóng” đã làm cho ngôn ngữ thơ cân xứng hài hòa, âm điệu, nhạc điệu thơ nhịp nhàng, uyển chuyển, say đắm và ngọt ngào. Nhạc của thơ, vị ngọt tình yêu như được hòa quyện trong không gian, trong thời gian, và cả trong lòng người.
Xuân Quỳnh có lúc mượn “thuyền” và “biển” làm ẩn dụ để nói lên nỗi nhớ thương của lứa đôi:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ…”.
(Thuyền và biển)
Từ hiện tượng “sóng nhớ bờ”, nữ sĩ liên tưởng đến nỗi nhớ “em nhớ đến anh”, một nỗi nhớ da diết, triền miên, bồi hồi khôn xiết kể, cả trong cõi thực và cả trong cơn mơ, trong ý thức và cả trong tiềm thức:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Sóng là quy luật vận động của vũ trụ, của đại dương. Tưởng tượng “sóng nhớ bờ” rồi liên hệ, đối sánh với “em”, với nỗi niềm “lòng em nhớ đến anh…” thật bất ngờ, thú vị. Ca dao nói nhiều về nỗi nhớ của trai gái làng quê. Có nỗi nhớ day dứt khôn nguôi: “Nhớ ai nhớ mãi thế này?- Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”. Có nỗi nhớ bồn chồn, ngẩn ngơ: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ- Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”. Có nỗi nhớ bồi hồi: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi – Như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Qua đó, ta mới cảm thấy nỗi nhớ của “em”, nhân vật trữ tình trong bài thơ “Sóng”: “Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức” là sâu sắc, bất ngờ, mới mẻ.
Năm 1962, thi sĩ Xuân Diệu viết bài thơ tình “Biển” trong đó hình tượng “sóng” là ẩn dụ về chàng trai đa tình, yêu say đắm, nồng nhiệt:
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”…
Bài thơ “Biển” là một thử thách lớn đối với Xuân Quỳnh. Năm năm sau, bài ra đời, ẩn dụ “sóng” nói về thiếu nữ trong mối tình đầu với bao phẩm chất tốt đẹp. Đó là sáng tạo, có thể nói là “bất ngờ”.
Người thiếu nữ trong bài thơ “Sóng” đã “tự hát” về nỗi khao khát được yêu thương, được sống thủy chung trong tình yêu hạnh phúc. Hình tượng “sóng” gợi lên bao cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn, phong phú và bất ngờ. Sóng thật mãnh liệt. Em thật nồng nàn say mê bởi lẽ với em thì tình yêu là “khát vọng”.
Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng – Mẫu 2
Trong các nhà thơ nữ, Xuân Quỳnh được xem là nữ hoàng của tình yêu. Xuân Quỳnh viết nhiều đề tài về cuộc sống đời thường nhưng tình yêu có lẽ là đề tài thành công, gây được tiếng vang lớn nhất trong sự nghiệp văn học của bà. Trong tiếng thơ của Xuân Quỳnh luôn thổn thức nỗi lòng yêu thương chân thành, mãnh liệt nhưng chứa chan âu lo, dự cảm chẳng lành. Đến với Sóng, hồn thơ ấy lại được thể hiện đậm nét hơn qua bốn khổ thơ đầu của bài thơ. Bốn khổ thơ chứa chan khát vọng tha thiết, nhiệt thành và cả những chông chênh của người phụ nữ trong tình yêu.
Trong bài thơ nổi bật lên là hai hình tượng sóng và em. Song hành với sóng là em. Em là cái tôi người phụ nữ trong tình yêu. Và để đối chiếu với em, soi chiếu rõ nét cho em, nhà thơ đã mượn hình ảnh của sóng. Dù là em hay là sóng quy tụ lại cũng chính là biểu trưng cho cái tôi của chính tác giả, cho tình yêu nồng nàn, mãnh liệt đắm say của bà.
Biểu hiện đầu tiên đó chính là những khát khao về tình yêu và hạnh phúc đời thường của người phụ nữ.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Bốn tính từ đặc tả: “dữ dội; dịu êm; ồn ào; lặng lẽ” đã cho ta thấy trạng thái phong phú, thất thường của những cơn sóng trên mặt biển khơi xa: khi thì dữ dội khi thì lặng lẽ. Và tâm trạng người phụ nữ trong tình yêu có lẽ cũng vậy khi thì nồng nhiệt, say đắm khi lại xa xôi, nhạt nhòa. Tuy nhiên đằng sau cái thất thường ấy lại muốn nói lên điều gì? Há chẳng phải muốn chỉ ra rằng tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu là tâm hồn mỏng manh, nhạy cảm, và rất dễ tổn thương hay sao. Nhưng dù bình yên dù dữ dội thì vẫn là sóng và dù mãnh liệt hay lạnh nhạt thì đó vẫn là tình yêu. Tuy xa mà gần, tuy nhìn sóng xa mà lại nói lên nỗi lòng, tâm tư đau đáu.
Có lúc dữ dội có lúc ồn ào nhưng kết lại vẫn là “lặng lẽ” và “dịu êm”. Đằng sau những biểu hiện thất thường trong tình yêu, sau tất cả về sâu thẳm người phụ nữ cũng chỉ muốn kiếm tìm cho bản thân một bến bờ tình yêu hạnh phúc, an yên. Đó có lẽ là ý nghĩa sáng nhất mà Xuân Quỳnh muốn nhắn gửi qua đôi dòng thơ mở đầu.
Và rồi người phụ nữ đã mạnh dạn hơn, chủ động hơn:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Hai câu thơ xuất hiện hai không gian tương phản: “sông” biểu trưng cho không gian nhỏ bé, chật hẹp, “bể” gợi một không gian lớn hơn, sâu hơn. Ở trong lòng sông chật hẹp, tù túng, sóng không thể hiểu nổi mình, không thể thỏa những ước mong của mình nên sóng đã chủ động tìm ra tận bể để tự khám phá, để khát khao. Sóng muốn được sống thỏa là mình, được đắm say với những ước mơ tình yêu vĩ đại của bản thân. Cũng giống như tâm tình người phụ nữ khát khao cháy bỏng vượt qua giới hạn để kiếm tìm sự tri âm tri kỷ, được sống là chính mình, được vươn ra cái đích trong cuộc sống nhân duyên. Người phụ nữ luôn hiền hòa nhưng trong tình yêu họ lại quyết liệt và chủ động vô cùng.
Trong đoạn thơ ta đã thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu: một tâm hồn mong manh và một khát khao mãnh liệt nhất, tự do và phóng khoáng nhất được đắm chìm, đam mê trong tình yêu sẻ chia, đích thực.
Nỗi khát vọng tình yêu luôn rạo rực trong trái tim mỗi con người:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Con sóng đặt giữa hai trạng từ chỉ thời gian: “ngày xưa – ngày nay”, triệu triệu năm trước và hàng ngàn năm sau những con sóng vẫn cứ ngày đêm dạt dào trên mặt biển. Sóng là em, soi chiếu cho em và cũng chính vì thế những con sóng cũng chính là những con sóng lòng, con sóng tình yêu lúc nào cũng dạt dào, cuộn trào trong trái tim nhiệt thành của người phụ nữ. Ngày xưa thế và ngày sau vẫn thế. Tình yêu là vĩnh hằng và vô tận.
Ý niệm vĩnh hằng không chỉ hiện qua thời gian mà còn hiện qua không gian. Biển tựa như lồng ngực lớn lao đất trời. Nhịp đập của sóng giống như hơi thở cồn cào của biển. Còn biển còn sóng và còn con người thì sẽ mãi còn yêu thương bất diệt. Chữ “trẻ” được khéo léo đặt cuối dòng thơ như muốn nhấn mạnh tình yêu là sức sống, là nhịp đập của tuổi trẻ, tình yêu mang đến sự tươi tắn, viết lên thanh xuân có ý nghĩa cho cuộc đời mỗi người phụ nữ. Xét đi xét lại thì xét cho cùng không chỉ riêng nhà thơ mà bất cứ ai cũng đều khát khao cháy bỏng một tình yêu vĩnh hằng, trường tồn với không gian, thời gian.
Cái đam mê khao khát trong tình yêu đã được thể hiện một cách thật đẹp, thật tài tình và chân thành. Người phụ nữ trân trọng tình yêu và vì thế họ luôn muốn được tìm tòi những bí mật trong tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng biển
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Tự khi nào sóng lên?”
Hàng loạt các câu thơ được bắt đầu bằng cấu trúc: “Em nghĩ” gợi đến biết bao những trăn trở, nghĩ suy trong trái tim người phụ nữ. Trăn trở được kiếm tìm, được giải đáp bao âu lo suy tư trắc trở. Không còn ẩn mình trong hình tượng sóng nữa, hình ảnh em ở đây đã được nổi lên, đặt trước cái mênh mông đất trời. Đối diện với không gian rộng lớn, bao la, nhà thơ bất giác đối sánh chiếu với cái mênh mông, vô hạn của tình yêu. Nhưng đâu chỉ mênh mông đâu chỉ vô tận, đại dương đầy bão tố kia chứa đựng biết bao bí ẩn, khiến cho trong lòng người phụ nữ lúc này dâng lên bao trăn trở, băn khoăn, mong muốn kiếm tìm lời giải đáp. Có lẽ rằng chỉ khi yêu con người ta mới khao khát đến thế, khao khát được khám phá, được giải đáp và được thấu hiểu đến tận cùng cội nguồn của nó. Hình ảnh người phụ nữ ở đây hiện lên thật đẹp, nét đẹp đặc biệt, thật thân thiện và đáng trân trọng.
Nối tiếp những suy nghĩ đó là câu đáp:
“Sóng bắt đầu từ gió”
Câu trả lời chóng vánh nhưng những trăn trở nào đâu có dừng lại ở đó. Cũng giống như những cơn sóng miên man, dập dìu nỗi băn khoăn của người phụ nữ cũng vì thế mà nối tiếp đến vô tận:
“Gió bắt đầu từ đâu”
Sóng từ gió còn gió lại từ đâu? Sự vật nối tiếp như dồn dập để rồi đáp lại bằng sự bối rối nghẹn ngào:
“Em cũng không biết nữa”
Hình ảnh em lại xuất hiện thế nhưng xuất hiện với cái lắc đầu ngượng ngùng bất lực, cái lắc đầu nũng nịu nhưng đầy bối rối và hạnh phúc. Tuy thế lại vô cùng đặc biệt bởi cái lắc đầu được đặt chơi vơi giữa hai câu hỏi:
“Khi nào ta yêu nhau”
Không biết chơi vơi giữa gió và tình yêu. Không biết gió có từ đâu và càng không thể cắt nghĩa được hạnh phúc, không biết được khi nào ta yêu nhau? Vì sao ta yêu nhau? Đó cũng chính là những bí ẩn ngàn đời của tình yêu và chính những bí ẩn này đã làm nên những quyến rũ rất riêng của tình yêu. Cũng giống như ông hoàng Xuân Diệu từng nói: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Tình yêu là thế, dù rằng có không thể hiểu nhưng vẫn bất chấp thả mình, đắm say trong nó. Tình yêu khiến cho trực cảm luôn đi trước lý trí. Đây cũng chính là lúc con người sống thật nhất với cảm xúc của mình. Tình yêu vượt qua mọi lý trí, mọi logic mọi quy luật trần thế.
Trôi chảy theo mạch xúc cảm, bốn khổ thơ đầu đã vẽ nên nét đẹp rất Á Đông của người phụ nữ trong tình yêu. Đó là khát khao được dâng hiến, đắm chìm trong tình yêu dạt dào, nồng nàn và vĩnh cửu. Bài thơ còn toát lên nét đẹp hiện đại, rất riêng tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh thời kỳ đầu. Sau này dù cho nhiều đắng cay nhưng khát khao đó vẫn cháy bỏng trong trái tim nhiệt thành của nhà thơ.