Tập làm văn lớp 5: Tả cái tủ sách của em, Xin giới thiệu đến các bạn Bài văn mẫu lớp 5: Tả cái tủ sách của em được chúng tôi tổng hợp chi tiết, chính xác bao gồm
Nhằm mang đến cho quý thầy cô cùng các em học sinh có thêm nhiêu tư liệu tham khảo. Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các bạn Bài văn mẫu lớp 5: Tả cái tủ sách của em được chúng tôi tổng hợp có chọn lọc những bài văn mẫu hay nhất của học sinh. Hy vọng qua bài viết này các em học sinh có thể dễ dàng viết cho mình một bài văn hay hoàn chỉnh súc tích cho riêng mình.
Xem Tắt
Đề bài: Em hãy tả cái tủ sách của em hoặc của gia đình em
Dàn ý chi tiết.
1. Mở bài gián tiếp : (3-4 dòng)
Giới thiệu về tủ sách (Đồ vật em định tả là gì? Tại sao em có nó? Có nó vào thời gian nào?)
2. Thân bài
a. Tả bao quát : (3-4 dòng) : Hình dáng, kích thước, màu sắc
b. Tả chi tiết : (10 – 15 dòng) : Tả các bộ phận của đồ vật (khoảng 3-5 bộ phận, mỗi bộ phận tả từ 2-3 câu)
c. Tả công dụng của đồ vật (5-10 dòng): từ 2-3 công dụng
d. Hoạt động hoặc kỉ niệm của em với đồ vật đó (3-4 dòng)
3. Kết bài mở rộng : (2-4 dòng)
Nêu cảm nghĩ của em với đồ vật (Em hãy coi nó như là một người bạn của mình.
Bài làm 1
Cái tủ sách mà mẹ em vẫn dùng lâu nay là của ông ngoại để lại. Cùng với cái tủ là 12 quyển sách tiếng Pháp, quyển nào ở trang đầu, ông cũng ghi rõ ngày tháng năm mua và kèm theo chữ kí của ông ngoại.
Cái tủ sách rộng 1,2m; cao 1,8m; bề sâu là 0,6m. Phần trên có 4 lớp, lớp nào cũng chia làm 2 ngăn. Phía trước là cửa kính. Phần dưới cũng chia làm 2 ngăn, có 2 cánh cửa gỗ, có thể đựng được nhiều thứ lặt vặt khác.
Cái tủ được làm bằng gỗ lim, đánh véc-ni màu nâu sẫm rất bóng. Nó rất nặng, phải 4 người lớn mới khiêng được cái tủ không. Tủ được kê sát tường, cạnh bàn làm việc của mẹ. Rất ít khi nó được di chuyển.
Các ngăn 4 lớp trên đều được xếp sách, gáy hướng ra ngoài, 12 quyển sách của ông ngoại để lại, và một ít sách tiếng Nga của bố được mẹ xếp vào lớp trên cùng. Hai lớp giữa là sách và tài liệu giảng dạy của mẹ. Mẹ là giáo viên Ngữ văn trường Trung học cơ sở, nên sách của mẹ toàn là sách văn học.
Các cuốn thơ Hồ Chí Minh, các tuyển tập của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tố Hữu, v..v… mẹ đều có cả. Lớp cuối cùng, mẹ xếp sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, là sách đọc của hai chị em. Mẹ không cho phép hai chị em lục lọi sách của ông, của bố, của mẹ; cần quyển nào ở ngăn sách của mẹ phải xin phép mẹ. Sách của hai chị em, sau khi đọc xong phải xếp gọn vào tủ, không được mang sách đến trường.
Cái tủ sách qua bao tháng năm vẫn đứng trầm mặc ở một góc phòng. Mỗi lần đứng trước tủ sách, ngước nhìn và nhẩm đọc các tên sách, em tưởng như mình đang được trò chuyện với người xưa, những danh nhân văn hóa, những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của đất nước.
Ông và bố đã mất, những cuốn sách của ông và bố để lại trở thành kỉ vật thiêng liêng của ba mẹ con em. Em đã nhiều lần thấy mẹ và chị Đào đứng lặng trước tủ sách, hướng nhìn lên lớp sách trên cùng. Mỗi lần nhìn vào tủ sách, em vẫn nhớ lời bố dặn trước ngày bố mất: “Hai chị em phải ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành, làm cho mẹ vui…”.
Bài làm 2
Bước vào phòng làm việc của gia đình em, vật đập vào mắt em là cái tủ sách. Cái tủ được kê sau bàn làm việc của bố, choáng gần hết bức tường phía trái căn phòng.
Cái tủ sách hình khối chữ nhật đứng, cao một phẩy chín mươi lăm mét, rộng một phẩy sáu mét, bề rộng của hông tủ độ năm mươi xăng-ti- mét. Tủ được làm bằng gỗ quý, đánh véc-ni bóng loáng, nổi vân gỗ nâu sậm trên nền gỗ vàng màu hổ phách. Cửa tủ lắp kính trong suốt. Mỗi cánh cửa tủ có một tay nắm khắc chạm hình giọt nước. Phần trên của tủ có ba ngăn, mỗi ngăn cao bốn mươi xăng-ti-mét. Phần dưới tủ không lắp kính, chia thành hai ngăn. Tay nắm ở mỗi cánh cửa tủ ở ngăn dưới cũng được tiện khắc theo hình giọt nước. Hông tủ và lưng tủ đều được làm bằng gỗ quý, nổi vân lụa loang loáng như mặt hồ chiều thu trước lúc hoàng hôn. Các đường hoa văn trên cánh cửa tủ đơn giản nhưng sắc sảo và đẹp. Ở mỗi cánh cửa tủ, người ta khắc hai đường chỉ lõm, song song theo chu vi của tủ. Ngăn cách giữa phần tủ lắp kính và phần dưới cùng của tủ được khắc chỉ nổi bằng gỗ trắc. Người thợ mộc khéo tay đã chọn lấy phần gỗ nửa trắng nửa nâu của cây trắc nên mặt tủ vừa đơn giản, vừa đẹp một cách độc đáo, riêng biệt. Ba ngăn trên bố em xếp sách vào đó, gáy sách hướng ra ngoài, muốn lấy sách cũng rất thuận tiện. Mẹ đặt vào tủ sách một chú gấu bông và một đoá hồng làm bằng vải, cắm trong chiếc bình thuỷ tinh thon nhỏ, thẳng đứng.Tủ sách sáng lên dưới ánh đèn phòng. Nhất là vào buổi sáng, khi nắng mai chiếu rọi vào phòng từ cửa sổ, bình thuỷ tinh hoa hồng có những viên bi li ti đủ màu sắc sáng lấp lánh. Tủ sách như được treo đèn màu thật đẹp. Hai ngăn dưới cùng, bố em để sách cũ, tài liệu in thành tập và hộp mi-ca đựng bút viết, kẹp giấy văn phòng. Tủ sách lớn này được tích luỹ từ hồi ông nội em chưa mất. Tất cả sách được bảo quản ở tủ này đều là sách để học tập, tài liệuquý báu dành để tra cứu, sách “Bách khoa toàn thư”, “Đại Việt sử ký” và nhiều tập sách quý mà ông nội em giữ gìn trong mấy chục năm qua. Và giờ đây, nối tiếp ông nội, bố em và em cùng tất cả các thành viên trong nhà rất quý tủ sách mà ông nội để lại.
Cùng với niềm đam mê tích luỹ sách quý, tự học của gia đình em, cái tủ sách chứa đựng vào lòng nó mọi tri thức qua nhiều thời đại. Nó giúp gia đình em giữ sách khỏi bị mối mọt, ẩm mốc. Hàng tuần, em giúp mẹ lau dọn bàn làm việc của bố và tủ sách bằng một mảnh vài mềm nên tủ luôn sáng bóng như mới. Bố em luôn bảo: “Sách tốt là bạn tốt”. Cái tủ sách đẹp như thế nhưng nó chỉ khiêm tốn thầm thì cùng em: “Tôi sẽ giúp ông bà chủ và cậu chủ giữ gìn những pho sách quý.”.
Bài làm 3
Ông nội em làm nghề dạy học. Tài sản quý báu nhất của ông bà để lại cho con cháu là cái tủ sách. Cha mẹ em nâng niu, giữ gìn từng quyển sách một.
Cái tủ sách bằng gỗ sến, có hai cửa kính. Vài năm, bố em thuê thợ đánh véc-ni lại một lần, nên cái tủ vẫn bóng và đẹp. Phần trên, mỗi bên có năm tầng, ngăn cách bởi những tấm kính dày ba, bốn li. Gần hai trăm cuốn sách, cuốn sách nào cũng có chữ viết và chữ kí của ông lưu lại. Có những cuốn dày cộp như Từ -điển Pháp — Việt, Hán – Việt tự điển, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm,… nay đã ố vàng. Lâu lâu, bố lại đem phơi từng chồng sách, sau đó xếp vào theo thứ tự. Bố vẫn đọc, vẫn tra cứu trong nhiều quyển sách cũ của ông. Có hôm, bố lấy ra quyển sách Phong dao (Nguyễn Văn Ngọc), Quốc văn giáo -hoa thư nhắc các con đọc. Bố nói có nhiều bài trong hai cuốn sách ấy, bố đã buộc lòng từ thuở bé thơ, nay vẫn còn nhớ.
Cái tủ sách của ông để lại được đặt trong phòng học của anh Cảnh và của em. Nó trở thành vật kí thác thiêng liêng của ông nội. Bố vẫn nhắc hai con: “Phải biết đọc sách, biết học theo sách và làm theo sách”. Mỗi lần mở một cuốn sách của ông, em cảm thấy một rạng đông bừng sáng cả tâm hồn thơ bé.