Chính tả bài Buôn Chư Lênh đón cô giáo trang 145, Chính tả bài Buôn Chư Lênh đón cô giáo trang 145 hướng dẫn các em học sinh nắm vững kiến thức về nghe, viết đúng
Chính tả bài Buôn Chư Lênh đón cô giáo trang 145 hướng dẫn các em học sinh nắm vững kiến thức về nghe, viết đúng bài chính tả, trình bày đúng. Đồng thời, biết cách phân biệt âm đầu tr/ch, thanh hỏi/thanh ngã thật tốt.
Qua đó, cũng giúp thầy cô tham khảo để nhanh chóng soạn giáo án cho học sinh của mình. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm bài Tập đọc Buôn Chư Lênh đón cô giáo, Về ngôi nhà đang xây của Tuần 15. Vậy mời thầy cô cùng các em tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Tài Liệu Học Thi:
Hướng dẫn giải Chính tả SGK Tiếng Việt 5 tập 1 trang 145, 146
Câu 1
Nghe-viết: Buôn Chư Lênh đón cô giáo (từ Y Hoa lấy trong gùi ra… đến hết)
Trả lời:
Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc. Y Hoa nghe rõ cả tiếng đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, cô viết hai chữ thật to, thật đậm: “Bác Hồ”. Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng cùng hò reo:
– Ôi, chữ cô giáo này! Nhìn kìa!
– A, chữ, chữ cô giáo!
Câu 2
Tìm những tiếng có nghĩa:
a) Chỉ khác nhau ở âm đầu tr hay ch.
M: trao (trao đổi) – chao (chao liệng)
b) Chỉ khác nhau ở thanh hỏi hay thanh ngã.
M: bảo (bảo ban) – bão (cơn bão)
Trả lời:
a) Chỉ khác nhau ở âm đầu tr hay ch:
nấu cháo/tráo đổi, câu chuyện/truyện ngắn, tra hỏi/cha mẹ, con trăn/chăn bông, chăm sóc/ một trăm, châu chấu/vỏ trấu, che chở/cây tre, cá trê/chê trách, vầng trán/chán nản, trung tâm/chung thủy, buổi chiều/triều đình…
b) Chỉ khác nhau ở thanh hỏi hay thanh ngã:
vất vả/vật vã, vỏ cây/học võ, vẻ đẹp/vẽ tranh, sách vở/ vỡ lở, lỡ xe/lở đất, loang lổ/lỗ thủng, học lỏm/vết lõm, giải thích/giãi bày, hủ tục/hũ bạc, kỉ niệm/kĩ lưỡng, mở mang/mỡ màng, cổ áo/cỗ to, rảnh việc/rãnh nước…
Câu 3
Tìm tiếng thích hợp với mỗi ô trống:
a) Những tiếng có âm đầu là tr hay ch.
Nhà phê bình và truyện của vua
Một ông vua tự … là mình có tài nên rất hay viết truyện. … của vua rất nhạt nhẽo nhưng vì sợ vua nên … ai dám … bai. Chỉ có một nhà phê bình dám nói sự thật. Vua tức giận tống ông vào ngục.
Thời gian sau, vua … lại tự do cho nhà phê bình, mời ông đến dự tiệc, thưởng thức sáng tác mới. Khi vua yêu cầu nhà phê bình nêu nhận xét, ông bước nhanh về phía mấy người lính canh và nói:
– Xin hãy đưa tôi … lại nhà giam!
b) Những tiếng có thanh hỏi hay thanh ngã.
Lịch sử bấy giờ ngắn hơn
Thấy điểm … kết môn Lịch … của cháu thấp quá, ông …:
– Ngày ông đi học, ông toàn được … 9, điểm 10 môn Lịch sử. Thế mà bây giờ điểm … kết môn Lịch sử của cháu … được có 5,5. Cháu suy … sao đây?
Cháu đáp:
– Nhưng thời ông đi học thì lịch sử ngắn hơn bây giờ ạ.
Trả lời:
a)
Nhà phê bình và truyện của vua
Một ông vua tự cho là mình có tài nên rất hay viết truyện. Truyện của vua rất nhạt nhẽo nhưng vì sợ vua nên chẳng ai dám chê bai. Chỉ có một nhà phê bình dám nói sự thật. Vua tức giận tống ông vào ngục.
Thời gian sau, vua trả lại tự do cho nhà phê bình, mời ông đến dự tiệc, thưởng thức sáng tác mới. Khi vua yêu cầu nhà phê bình nêu nhận xét, ông bước nhanh về phía mấy người lính canh và nói:
– Xin hãy đưa tôi trở lại nhà giam!
b)
Lịch sử bấy giờ ngắn hơn
Thấy điểm tổng kết môn Lịch sử của cháu thấp quá, ông hỏi:
– Ngày ông đi học, ông toàn được điểm 9, điểm 10 môn Lịch sử. Thế mà bây giờ điểm tổng kết môn Lịch sử của cháu chỉ được có 5,5. Cháu suy nghĩ sao đây?
Cháu đáp:
– Nhưng thời ông đi học thì lịch sử ngắn hơn bây giờ ạ.