Tập làm văn lớp 5: Kể về một việc làm tốt của bạn em, Tập làm văn lớp 5: Kể về một việc làm tốt của bạn em gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu được Tài Liệu Học Thi
Tập làm văn lớp 5: Kể về một việc làm tốt của bạn em là tài liệu hữu ích mà Tài Liệu Học Thi muốn giới giới thiệu đến các em học sinh lớp 5 cùng tham khảo.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu được Tài Liệu Học Thi tổng hợp từ các bài văn mẫu hay nhất của các em học sinh trên toàn quốc. Hy vọng với tài liệu này các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo, củng cố kiến thức trau dồi vốn từ để biết cách lam bài văn kể chuyện. Mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.
Xem Tắt
Dàn ý kể về một việc làm tốt của bạn em
1. Mở bài:
– Em chọn người bạn nào đã làm việc tốt để kể?
+ Bạn cùng lớp, trường.
+ Bạn cùng làng, phố, khu tập thể.
2. Thân bài:
– Em kể về việc làm tốt nào của bạn?
+ Giúp đỡ bạn học tập tiến bộ.
+ Giúp đỡ người già.
+ Cứu bạn thoát hiểm.
+ Tự vượt khó vươn lên để học giỏi.
– Bạn em đã làm việc tốt đó như thế nào?
+ Hoàn cảnh, tình huống dẫn đến việc làm của bạn.
+ Suy nghĩ, hành động, lời nói cụ thể của bạn.
+ Kết quả việc làm của bạn.
3. Kết bài
– Trao đổi với các bạn cảm nghĩ của em về việc làm tốt của bạn em.
Kể về một việc làm tốt của bạn em – Mẫu 1
Trước đây, tôi thường nghĩ rằng trong cuộc sống hằng ngày, không phải ai cũng có cơ hội để làm việc tốt. Nhưng rồi một chuyện đã xảy ra tuần trước khiến tôi hiểu là không phải như vậy đâu các bạn ạ. Tôi đã được chứng kiến một tấm gương người tốt việc tốt ngay tại lớp tôi. Tôi xin kể lại về tấm gương ấy là bạn Ngô Xuân Anh.
Hôm ấy là tiết 4 môn sinh học thứ 3 ngày 12 tháng 1 năm 2015. Sau giờ ra chơi, Xuân Anh vào phòng bộ môn sinh cùng với các bạn trai và nhặt được tờ tiền 200.000 đồng. Cả lớp ồ lên có bạn còn nói: “Tại sao mình lại là người không nhặt được số tiền ấy nhỉ?” Thấy bạn Xuân Anh đưa mắt nhìn sau đó suy tư một
hồi lâu như đang nghĩ: “Trả hay không trả? Có tiền, chắc là bạn sẽ mua truyện này, mua quần áo mới này và mua những đồ chơi ao ước từ bấy lâu,…” Thấy Xuân Anh cười tủm tỉm Một bạn trai liền nói: “Xuân Anh ơi, đừng đưa tiền cho cô giáo mà dùng tiền khao cả lớp trà đá đi.” Một nửa lớp đồng thanh nói: “Ừ đúng rồi, Xuân Anh ơi đừng trả.” Đột nhiên một bạn nói: “ Bạn Xuân Anh ơi, hãy đưa lại tiền cho cô giáo để cô trả lại cho người mất đi. Cậu còn nhớ phong trào nhà trường phát động không đó là: nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất.”
Còn một nửa kia của lớp cũng đồng ý, ý kiến của bạn đó. Một nửa lớp thì bảo không trả còn nửa kia của lớp thì bảo trả. Xuân Anh chỉ cười không nói, rồi đứng dậy xin phép cô Ngọc ra ngoài. Tôi nhìn theo và nghĩ “Hình như bạn muốn trả lại cho người mất hay sao ấy”. Một lúc sau bạn lặng lẽ quay trở về phòng tiếp tục học với nét mặt thanh thản.
Quả nhiên, sáng thứ 2, bạn Xuân Anh được cô hiệu trưởng tuyên dương trong giờ chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến Xuân Anh vô cùng xúc động. Việc làm của bạn ấy đã đánh thức trong tôi sự thật thà trả lại người mất dù là những vật nhỏ bé trong lớp. Tôi chợt hiểu ra rằng ai cũng có cơ hội để làm việc tốt, chỉ cần mình có một trái tim nhân hậu.
Kể về một việc làm tốt của bạn em – Mẫu 2
Năm lớp Hai, có một chuyện mà đến giờ em vẫn nhớ trong câu chuyện đó em đã đấu tranh với sai lầm của chính mình.
Hôm đó, cô gọi các bạn lên bảng chữa bài tập toán, khi cô gọi bạn Thảo Hương lên chữa bài, em nhìn thấy bạn lúng túng nói gì đó với bạn bên cạnh, lúc bạn lên đến bàn em, bạn nói thầm vào tai em: Phương Anh ơi! Cho tớ mượn vở nhé! Em hơi lưỡng lự rồi đưa cho bạn vở của mình. Các bạn chữa bài xong, cô bảo cả lớp thu vở lúc đó em mới lên nói với cô là Thảo Hương quên vở, cô hỏi: Thế sao lúc này bạn lại có vở và lên chữa bài? Em trả lời là em không biết. Vừa lúc đó, tiếng trống trường từ báo hiệu giờ ra chơi, cô cho các bạn ra chơi, thế là cả lớp ùa ra ngoài như những chú chim non rời tổ, em cũng ra theo. Ra chơi vào, cô trả vở và gọi các bạn đọc điểm, cô gọi đến Thảo Hương thì bạn lí nhí trả lời: Thưa cô, em… em quên vở ạ. Thế là cô cho bạn điểm kém, bạn rất buồn.
Về đến nhà, em kể chuyện của bạn cho mẹ, mẹ bảo em: Con nên đến thú thật với cô thì chắc cô sẽ không nói gì đâu. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ được. Hôm sau, em đến nói thật với cô là chính em đã cho bạn mượn vở. Chẳng ngờ cô đã không mắng em mà còn khen em trong tiết học sinh hoạt lớp. Hôm đó em rất vui, khi vừa đến gặp mẹ ở nhà em đã tíu tít kể chuyện và em thấy mẹ nói rất đúng.
Câu chuyện đó luôn khắc sâu trong tâm trí em em rất tự hào vì mình đã làm một việc tốt.
Kể về một việc làm tốt của bạn em – Mẫu 3
Thủy là một người bạn chơi với em từ nhỏ. Hàng ngày hai đứa cùng vui chơi cùng đi học với nhau. Từ trước đến nay, Thủy vẫn luôn là cô bé ngoan ngoãn, chăm học và luôn giúp đỡ mọi người. Có rất nhiều câu chuyện hay về Thủy, nhưng mới đây nhất em ấn tượng bởi câu chuyện Thủy giúp em bé bị lạc tìm mẹ khiến em càng yêu quý Thủy hơn.
Hôm đó, tan học tôi và Thủy còn rủ nhau ở lại làm nốt mấy bài toán khó vì sợ về nhà không có người trao đổi sẽ không làm được. Bởi vậy ra khỏi trường đã gần 12 giờ trưa, vừa đói vừa mệt, tôi chỉ muốn mau chóng về đến nhà để được ngồi vào mâm đánh chén một bữa no nê, ngủ một giấc chiều còn đi học tiếp.
Buổi trưa, trời nắng, nóng nên đường vắng tanh, tôi và Thủy mải miết đi về phía nhà mình. Bỗng từ xa, chúng tôi thấy một em bé đứng ở giữa đường khóc và gọi mẹ. Lúc đó, Thủy bảo tôi đợi ở gốc cây rồi cô ấy chạy lại gần chỗ em bé và hỏi:
– Làm sao mà em lại khóc? Sao em lại đứng ở giữa trời nắng như vậy?
Đứa bé không trả lời mà càng khóc to hơn.
Từ xa tôi gọi Thủy nhanh đi về nhà nghỉ. Còn Thủy vẫn kiên nhẫn dỗ dành em và hỏi lại. Lần này, em bé ngoan ngoãn trả lời:
– Em đi chơi nên bị lạc mất đường về. Em sợ lắm. Em muốn về với mẹ.
Thủy thấy thương nó quá nhưng biết nó là con nhà ai mà đưa về bây giờ. Thủy hỏi tiếp:
– Thế mẹ em tên gì? Nhà em ở đâu để chị đưa về?
Nghe Thủy nói vậy thằng bé mừng lắm nhưng vẫn còn mếu máo:
– Chị nói thật đấy nhé! Mẹ em tên là Lan, nhà em ở mãi đằng kia kìa…
Thủy lại hỏi:
– Thế nhà em ở ngõ nào, em có biết không?
Em bé lắc đầu và nói:
– Em không nhớ đâu.
Nói xong cậu bé lại oà khóc và gọi: Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Thủy lại phải dỗ dành:
– Em nín đi, đừng khóc nữa chị sẽ đưa em về với mẹ. Chị em mình vừa đi vừa hỏi vậy.
Nói xong, Thủy ngoảnh lại nói với tôi:
– Hà về trước đi, Thủy phải đưa em nhỏ này đi tìm mẹ đã. Để em vậy tội nghiệp lắm.
Đứng đợi giữa cái nắng gắt, tôi gắt lên với Thủy:
– Bên đường có phường công an đấy, hay mình đưa em bé sang đó nhờ các chú công an tìm để mình về chiều còn đi học.
Thủy ngần ngại và nói:
– Em ấy bảo nhà em ấy đằng kia, nên Thủy nghĩ nên đưa em ấy về, đưa em ấy vào phường công an sẽ làm em ấy sợ hơn lại khóc nhiều hơn đấy.
Thế là tôi miễn cưỡng cùng Thủy đưa em ấy đi tìm mẹ. Cũng may, đi được một đoạn, chúng tôi gặp được cô hàng xóm của em bé đi qua. Cô mới chỉ địa chỉ nhà em cho chúng tôi biết. Vậy là chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà cho em. Mẹ em bé tìm được con vui mừng không xiết và cảm ơn rối rít.
Chúng tôi xin phép ra về, trên đường đi tôi cảm thấy hơi ngại với câu nói lúc nãy của mình, và cảm thấy vui vì có người bạn như Thủy.
Cho đến lúc này, tôi vẫn luôn luôn quý trọng Thủy. Một cô bạn xinh xắn, ngoan ngoãn lại học giỏi. Từ khi quen Thủy, tôi nhận thấy mình đã học được từ Thủy rất nhiều điều. Hi vọng, Thủy sẽ mãi là người bạn tốt của mình.
Kể về một việc làm tốt của bạn em – Mẫu 4
Nhân dịp kỉ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác, trường em đã phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Do đó, ai cũng hăng hái học tập và tham gia các hoạt động của trường. Và trong một lần tham gia sinh hoạt đội, Hoàng đã làm được một việc tốt được thầy cô khen ngợi đó là nhặt được chiếc ví của người mất và đã trả lại cho họ.
Vào chiều thứ 6 tuần qua, toàn trường tổ chức sinh hoạt đội để nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện về Bác Hồ. Đúng 4 giờ 30 phút, một hồi trống trường vang lên, tất cả các bạn học sinh từ các lớp đổ ra tập trung vào sân trường. Hoàng và Hải cũng vội vàng cất sách vở vào cặp và ra tập trung. Đang vội vã chạy, bỗng Hoàng thấy một chiếc ví nằm ở dưới đất ngay bồn hoa của lớp mình. Hoàng vội cầm lên giở ra thì thấy trong ví có một khoản tiền kha khá và một chiếc thẻ ngân hàng có ghi tên Trịnh Bá Quân. Hoàng chạy lại nói với Hải:
-Tớ vừa nhặt được chiếc ví trong đó có nhiều tiền lắm
Hải vừa ngạc nhiên vừa hí hửng nói:
-Thích nhỉ, thế tý về phải khao tớ ăn kem đấy.
Hoàng vừa suy nghĩ vừa nói:
– Không được, tớ nghĩ tớ phải tìm cách trả lại cho người mất. Vì chắc giờ họ cũng đang buồn lắm đấy.
Hải bĩu môi:
– Ôi giời ôi, bao nhiêu là người biết là của ai. Mình nhặt được thì mình dùng sao đâu, có phải mình ăn cắp đâu mà sợ.
Đang bàn cãi thì tiếng loa cô phụ trách đội vang lên thúc dục các bạn khẩn trương vào vị trí. Bỏ qua chuyện chiếc ví, Hải và Hoàng chạy vội vào hàng của lớp mình.
Trước khi bước vào buổi sinh hoạt, cô phụ trách đội có thông báo với toàn trường, bác Trịnh Bá Quân cựu chiến binh của phường là khách mời hôm nay của trường không may đánh rơi một chiếc ví. Ai có nhặt được thì cho bác Quân xin lại.
Cô vừa dứt lời, Hoàng vội vàng đứng dậy và tiến thẳng lên chỗ phía cô và nói:
– Thưa cô, lúc nãy ra tập trung, em có nhặt được chiếc ví ở ngay bồn hoa lớp em. Em xin gửi lại cô nhờ cô gửi lại cho bác Quân ạ!
Cả trường đồng thanh vỗ tay, bác Quân cũng tiến lại gần xoa đầu Hoàng và không quên gửi lời cảm ơn đến Hoàng. Hoàng quay trở lại chỗ ngồi với một một nụ cười tươi trên môi.
Qua câu chuyện trên, em thấy Hoàng là một học sinh rất ngoan, vâng lời thầy cô và bố mẹ. Nhặt được của rơi, Hoàng tìm cách trả lại cho người mất chứ không giữ cho riêng mình. Hoàng xứng đáng là một tấm gương sáng để các bạn noi theo, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.
Kể về một việc làm tốt của bạn em – Mẫu 5
Hôm qua là ngày đến phiên Nam làm trực nhật. Nhưng Nam đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà Nam không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Bởi Nam đã làm được một việc làm tốt, giúp đỡ cụ già mà Nam gặp trên đường.
Hôm qua, do ảnh hưởng của dãy áp thấp nên trời mưa dầm dề suốt cả ngày. Nam vẫn phải thức dậy lọ mọ chuẩn bị đồ đến lớp làm trực nhật. Nam mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chân thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt Nam nhìn thấy từ xa một cụ đã cao tuổi, vất vả chống chiếc gậy mò mẫm từng bước đi trong mưa. Nam vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:
– Bà ơi, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?
Bà cụ ngước lên, tay lau nước mưa nhìn Nam, móm mém cười:
– À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm, chồng đi công tác xa, nhà chỉ có mỗi hai mẹ con. Bà lo quá nên sang xem sao.
Nam vừa ngoảnh lại nhìn con đường đi sang làng bên vừa suy nghĩ. Đường đi còn xa và khó khăn quá, nếu để cụ đi một mình nhỡ có chuyện gì thì sao? Nhưng nếu mình đưa cụ đi ai sẽ làm trực nhật cho mình, nếu thế cô giáo sẽ phạt mình. Nhưng lúc đó, Nam lại nghĩ đến câu nói của mẹ, khi mình làm được việc tốt mình sẽ cảm thấy vui. Thế rồi, không cần suy nghĩ, Nam nhoẻn cười và nói với cụ:
– Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!
Bà cụ mừng rỡ:
– Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.
Thế là Nam dìu bà đi từ từ sang bên làng bên. Trên đường đi, bà vừa đi vừa hỏi thăm Nam, vừa kể chuyện về người con gái của bà. Đi chừng hơn 30 phút, Nam đã đưa cụ tới nhà của cô con gái. Nam lễ phép chào cụ và đi tới trường.
Nhìn đồng hồ Nam vừa lẩm bẩm: Lần này thì xong rồi, cô giáo sẽ phạt mình vì tội không làm vệ sinh rồi còn đi muộn nữa. Càng nghĩ, Nam càng đạp xe nhanh hơn. Nhưng trống đã điểm vào lớp, Nam lóc cóc dắt xe vào bãi rồi đi vào lớp.
Vừa đến cửa lớp, chưa kịp xin, cô giáo đã lên tiếng:
– Nam hôm nay em không những không làm vệ sinh mà còn đến muôn hơn 30 phút. Cô phạt em lên phòng bảo vệ viết bản tường trình xong về nộp cho cô.
Nét mặt đang vui tươi lúc nãy bỗng chùng xuống, Nam xin phép cô rồi đi viết bản tường trình. Trong đó, Nam có nêu rõ nguyên nhân mình không làm vệ sinh và còn đi học muộn. Sau đó, Nam quay về lớp nộp cho cô giáo. Đọc bản tường trình, nét mặt cô giáo cũng thay đổi. Cô tiến lại gần Nam và nói:
– Cô xin lỗi, em không đáng bị phạt mà em xứng đáng được khen ngợi. Em vào lớp đi.
Nam cảm ơn cô và đi vào chỗ ngồi.
Cả lớp đang hoang mang không biết chuyện gì. Cô giáo mới kể lại câu chuyện của Nam. Không nói gì, mọi người nhìn nhau vỗ tay tán thưởng Nam. Nét mặt Nam lại vui vẻ như trước.
Qua câu chuyện trên em thấy, Nam là một bạn học sinh ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người lớn tuổi. Bạn xứng đáng được thầy cô và các bạn khen ngợi và là tấm gương sáng để mọi người noi theo.