Văn mẫu lớp 6: Kể về ông của em (Dàn ý + 8 mẫu), Văn mẫu lớp 6: Kể về ông kính yêu của em gồm dàn ý chi tiết kèm theo 8 bài văn mẫu được Tài Liệu Học Thi tổng hợp từ
Mời quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 6 tham khảo bài văn mẫu: Kể về ông của em được Tài Liệu Học Thi đăng tải trong bài viết dưới đây.
Kể về ông kính yêu của em gồm dàn ý chi tiết kèm theo 8 bài văn mẫu giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, có nhiều ý tưởng hay cho bài viết số 3 của mình. Bên cạnh đó các bạn tham khảo thêm bài văn kể về mẹ, kể về bà, kể về bố. Chúc các bạn học tốt.
Xem Tắt
Dàn ý kể về ông của em
I. Mở bài
– Giới thiệu về người ông của em: Ông em là người mà em yêu nhất trong nhà và cũng là người chăm sóc, cưng chiều em nhất khi em còn nhỏ.
II. Thân bài
1. Tả hình dáng:
– Ông bao nhiêu tuổi, khoẻ hay yếu, có những nét gì đặc biệt?
(Ông năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Ông thường mặc áo ông ba trắng với quần dài đen rất giản dị)
– Những biểu hiện của tuổi già qua mái tóc, nếp nhăn trên mặt, ánh mắt, miệng, răng, lưng, da dẻ, dáng đi…
– Dáng người nhỏ nhắn, thanh tú.
+ Mái tóc ngắn nhưng bạc phơ giống như những ông tiên trong truyện cổ tích. Khuôn mặt có nhiều nếp nhăn, mỗi khi ông cười những nếp nhăn đó hằn lên rất rõ.
+ Đôi mắt ông còn rất sáng.
+ Nước da đã chuyển sang màu nâu có điểm những chấm đồi mồi.
+ Ông tay nổi rõ những đường gân xanh.
2. Tả tính tình:
– Những thói quen và sở thích của ông: mặc dù đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn thích đi xe đạp, dạo bộ. Ông thích ăn trầu mặc dù chỉ còn vài cái răng. Ông thích trồng cây và chăm sóc cây cối trong nhà.
– Mối quan hệ của ông với con cháu, hàng xóm.
III. Kết bài: Tình cảm của em đối với ông.
– Em yêu quý ông, mong ông sống thật lâu, thật khoẻ mạnh bên gia đình em. Em cố gắng học giỏi, nghe lời người lớn để ông vui lòng.
Kể về ông nội kính yêu của em
Kể về ông nội – Mẫu 1
Ông nội tôi, một người thầy cao cả nhất, người đã khiến tôi yêu quý nghề giáo hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn không thể nhớ nổi người ông mà mình yêu quý nhất đã xa từ lúc nào, chỉ biết là đã rất lâu tôi không được nhìn thấy khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, không còn được làm nũng và đòi ông đưa đi mua quà vặt lẫn đồ dùng học tập nữa. Thực sự tôi luôn có cảm giác rằng ông vẫn theo bước tôi đi, vẫn bên cạnh tôi bất cứ lúc nào.
Có lẽ, những ngày tháng ở với ông, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được và trân trọng những gì ông đã làm cho mình. Ông nội là thầy giáo dạy toán ở trường đại học, ông có cả một lớp dạy thêm toán ở nhà. Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi hay chạy lại đứng cạnh cửa sổ và xem ông dạy học, những lúc như thế ông thường đuổi tôi ra vì không muốn tôi làm các anh chị mất tập trung.
Lúc đấy, tôi thấy giận ông lắm. Trong đầu tôi cứ hiện ra những suy nghĩ: “Tại sao ông không dành thời gian ở bên tôi, ông quý tôi nhất mà, quý tôi hơn những anh chị đang ngồi đằng kia. Vậy mà tại sao ngày nào ông cũng dành rất nhiều thời gian để dạy học, hết lớp này đến lớp khác, để rồi ông chẳng đưa tôi đi mua được thứ gì”.
Ngày đó, tôi quý ông lắm vì ông hay đưa tôi đi mua hết thứ này đến thứ khác, những gì đòi mẹ mua không được, tôi đều vòi ông đưa đi mua. Ông chẳng bao giờ từ chối tôi bất cứ thứ gì cả. Nhiều lần tôi bị mẹ mắng vì cứ suốt ngày đòi ông mua lung tung, mẹ nói ông làm gì có tiền mà cứ nhõng nhẽo. Tôi thấy mẹ nói dối, ông không có tiền làm sao mà sẵn sàng mua cho tôi nhiều thứ như vậy được. Bà tôi thì hay mắng ông vì ông chiều quá đâm nó sinh hư, vì thế nên mỗi lần đi mua gì hai ông cháu cũng đi bí mật, không cho ai biết. Ông bảo tôi sau khi mua phải giấu đi kẻo bà thấy lại mắng ông, những lúc ấy tôi thấy vừa buồn cười, vừa thương ông. Ngày ấy, ông hay ngủ ở nhà bác tôi để trông nhà hộ bác, thế mà từ ngày ông chuyển đi, cả đống sách vở ông cũng đem theo luôn, rồi tôi cũng gặp ông ít hơn, chỉ thỉnh thoảng ông mới về vì ông đi dạy ở trường suốt. Thỉnh thoảng ông đèo tôi đi học bằng xe đạp, từ nhà tôi đến trường phải đi qua một con dốc rất cao, cứ mỗi lần đạp xe đến gần dốc là ông lại phải xuống để dắt bộ. Lúc ấy, tôi nhận ra rằng sức khỏe của ông không còn tốt nữa. Tôi nói ông để tôi xuống rồi dắt xe đi cho nhẹ nhưng ông luôn nói rằng “cứ ngồi đấy ông sẽ dắt lên được”, nhưng mỗi lần dắt lên dốc, tôi lại thấy ông thở rất nhiều. Từ sau lần ấy, tôi đều tự động nhảy xuống để dắt xe cùng ông, tôi đẩy đằng sau, còn ông dắt. Có lần, tôi đã hỏi ông rằng ông dạy lớp mấy, ông bảo ông dạy cấp 3, tôi nói rằng vậy khi nào tôi lên cấp 3 thì ông lại đèo tôi đi học nhé, rồi ông còn phải dạy toán cho tôi nữa, ông cười rồi và trả lời rằng tất nhiên rồi, ông sẽ dạy học cho tôi. Đó là lời hứa duy nhất của ông mà tôi chưa bao giờ quên. Rồi một ngày tôi biết tin ông bị ung thư đại tràng, mọi người phải chạy chữa cho ông ở viện này tới viện khác.Tôi nghe lén cuộc nói chuyện của bà với mẹ, bà bảo những ngày ở nhà bác, ông hay đi dạy về muộn, rồi thức đêm, chỉ ăn qua loa bánh mì, không ăn đầy đủ chất.
Ông biết rõ là bị bệnh nhưng lại giấu vì sợ mọi người lo, ông chỉ mua thuốc rồi uống chứ không đi khám nên bệnh tình mới trở nặng. Những ngày ông nằm giường bệnh, tôi thấy lo cho ông lắm, chẳng biết làm cách nào để giúp ông khỏi bệnh. Thấy mẹ chiều nào cũng khuấy bột sắn cho ông nên tôi tranh làm và nói rằng sẽ đảm nhiệm công việc này. Dù tôi làm hôm thì nhạt quá, hôm thì ngọt quá nhưng ông chẳng chê gì mà vẫn kêu ngon. Thấy ông hay ăn bánh mì, tôi nghĩ ông phải mê nó lắm nên ngày nào cũng ăn. Tôi ăn cùng ông rồi cũng nghiện món ấy, chẳng có gì, tôi và ông chỉ thích ăn bánh mì không, vừa ăn hai ông cháu vừa trò chuyện rất vui vẻ. Rồi ông được viện trả về, tôi không biết tại sao, chỉ thấy mọi người bảo thế, tôi thấy thích lắm vì tôi sẽ được ở cạnh ông nhiều hơn. Rồi mọi người muốn cho ông đi du lịch, chuyến du lịch dài ngày, ông trở về với tâm trạng thoải mái hơn. Cho tới giờ tôi mới biết đó là chuyến du lịch cuối cùng của ông.
Những ngày tháng cuối đời, dù bị những cơn đau bụng quằn quại, tôi thấy ông vẫn cố chịu đựng. Những lúc đau, ông lại đuổi tôi về vì không muốn tôi thấy ông như thế. Ông còn bảo tôi đem sách vở toán sang ông dạy, những ngày ông dạy tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù đau bụng nhưng ông vẫn cố ngồi dạy tôi làm toán. Tôi thấy thương ông lắm mà chẳng làm gì được. Rồi cái ngày đáng sợ nhất cũng đến, ông ra đi trong sự thương tiếc của gia đình và học trò. Cho tới những giây phút ấy, tôi cũng không tin vào mắt mình rằng người ông mà tôi yêu quý nhất đã bỏ tôi mà đi. Còn lời hứa với tôi thì sao? Ông còn chưa thực hiện lời hứa với tôi mà đã ra đi như thế, tôi ghét ông lắm vì ông đã không giữ lời hứa với tôi.
Sau này khi đã lớn, tôi mới biết ông thực ra không thích ăn bánh mì, ông chỉ ăn vì nó giúp ông đỡ đau bụng hơn mà thôi. Cái giá sách của ông nào là sách triết, nào là sách toán các loại, nào là giấy khen, giờ nó đã đóng bụi hết cả. Tôi tự nhủ với lòng mình rằng tôi sẽ cố gắng học tốt để không phụ công lao của ông, tôi vẫn thường hay mượn sách tham khảo từ giá sách của ông để tự học môn toán.
Vậy đấy, người ông cao cả của tôi, người luôn hy sinh thầm lặng cho học trò cũng như cho gia đình, người đã khiến tôi thêm trân trọng nghề giáo biết nhường nào. Nhiều lúc bản thân tôi thấy rất ghen tị với những người còn có ông bên cạnh, tôi chỉ mong các bạn hãy trân trọng thứ tình cảm thiêng liêng đó mà biết quý trọng người ông của mình.
Kể về ông nội – Mẫu 2
Được sinh ra trên cuộc đời này tôi đã thấy rất hạnh phúc rồi, nhưng được những người sinh ra mình quan tâm chăm sóc mình thì thôi càng cảm thấy yêu cuộc sống này biết bào. Và tôi muốn cho cả thế giới này biết rằng tôi rất hạnh phúc. Đặc biệt ngoài sự yêu thương của cha mẹ, anh chị em trong gia đình thì tôi còn được sự yêu mến của ông nội tôi. Ông như một tấm gương sáng để tôi noi theo về phẩm chất và tích cách tuyệt vời ấy.
Ông có một khuôn mặt rất đẹp theo như nhiều người nhận xét là như thế. Khuôn mặt của ông mang một vẻ đẹp rất riêng rất đàn ông và lịch lãm. Cũng chính vì vẻ đẹp ấy mà bà nội tôi đã phải lòng ông. Gò má hơi cao cộng thêm đôi môi đẹp và chiếc mồm rộng khiến cho ông tôi thật đẹp cả đến khi ông già đi như bây giờ mà tôi vẫn thấy được vẻ đẹp đó. Người ta nói đàn ông mồm rộng thì sang phải chăng ông tôi sang trọng lịch lãm nhờ cái mồm.
Ông tôi giờ đã chín mươi tuổi, ông vẫn hồng hào trông ông như một ông bụt, ông tiên trong truyện cổ tích chui ra. Mái tóc ông bạc phơ như sợi cước, tùng mảnh trắng bạc phơ như màu của đám mây. Thỉnh thoảng có những sợi tóc lạc đàn phất phơ trước gió mềm như mây vậy. Dù già đi nhưng ông tôi vẫn rất khỏe ông vẫn đi lại bình thường, vẫn mang về cho tôi những món quà kẹo ngon ngọt của trẻ con. Mắt ông tinh lắm, tôi mới ít tuổi đầu mà đã cận trong khi ông tôi mắt sáng mở to tròn khi nào mà bị ông dọa cho thì sợ phải biết. ông rất hiền chả bao giờ chùng mắt với tôi, nhưng khi ông dọa ma thì nhìn đôi mắt to của ông hơi sợ. Ông tôi gầy lắm chỉ có bốn lăm cân thôi, nhìn thân hình ông chỉ còn có da bọc sương thế nhưng ông vẫn ngày ngày tập thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe.
Trên khuôn mặt ông còn có điểm nhấn là bộ râu. Ông tôi để râu trông thật hiền lành, bộ râu ấy cũng bạc phơ như mái tóc trông thật như phật sống. Đôi lông mày cũng chuyển sang màu trắng nhìn ông với mái tóc bộ râu đôi lông mày cùng nước da hồng hào ấy nhìn thật đẹp lão biết bao. Ông là một người liêm khiết nhất mà tôi từng thấy. Khi nhà nước tặng ông một mảnh đất trên thủ đô thì ông lại từ chối. Ai cũng bảo rằng ông quá liêm khiết nếu như ông nhận miếng đất ấy thì bây giờ con cháu có thể sung sướng trên hà nội rồi. Bởi dẫu gì có một mảnh đất trên thủ đô cũng rất có giá. Thế nhưng ông nhất định không nhận, ông quả thật là liêm khiết hết mức. Và điều đó rất đáng để tôi học tập và noi theo. Mỗi khi buồn tôi thường đến bên ông để vuốt ve mái tóc bạc trắng ây, vuốt râu của ông và nghe giọng cười khanh khách giòn giã của nội. Những nét đẹp trên khuôn mặt nội hay vẻ đẹp tâm hồn đều làm cho tôi thấy yêu quý và khâm phục trân trọng nội tôi nhiều hơn.
Kể về ông nội – Mẫu 3
Trong gia đình có ông bà và bố mẹ, đôi khi người mà ta dành tình cảm nhiều nhất lại không phải là bố mẹ mà là ông hay bà. Bởi vì ông, bà là người chăm sóc chúng ta có khi nhiều hơn cả bố mẹ. Bản thân em cũng vậy, trong gia đình ông nội là người em kính trọng và yêu quý nhất vì ông luôn lo lắng, chăm sóc em mỗi khi bố mẹ bận bịu với công việc của mình.
Ông nội em năm nay đã bảy mươi tuổi, cái tuổi vẫn còn khá trẻ so với các cụ già. Dáng ông thấp và hơi gầy, chắc tại do ông hơi còng nên nhìn mới thấp như vậy. Ông kể trước kia lúc còn trẻ ông không gầy như bây giờ, cũng có thể tại tuổi già ông không ăn được nhiều nên mới thế. Mặc dù tuổi khá cao nhưng da dẻ ông vẫn rất hồng hào chứ không nhăn nheo, thỉnh thoảng có những chấm đồi mồi biểu hiện của tuổi già. Tóc ông cũng đã bạc khá nhiều, tuy vậy nhưng răng vẫn còn chắc và mắt còn rất tỉnh chứ không như các cụ ông khác là răng rất yếu hoặc có thể đã bị rụng một vài cái. Ông với cặp kính của mình vẫn có thể đọc rành mạch từng chữ trong một tờ báo hay quyển sách mặc dù chữ khá nhỏ.
Bố mẹ em đều rất mừng vì điều đó. Ông mặc rất giản dị, ông hay mặc bộ quần áo nâu và có đôi dép xốp vào mùa hè, mùa đông thì ông mặc áo bông, đội mũ len và vẫn đôi dép ấy nhưng có đeo tất. Ông có sở thích là cắt tỉa cây cảnh, biết được sở thích của ông nên bố em có thói quen sưu tầm cây cảnh vừa để làm phong phú khu vườn và cũng giúp ông vơi đi phần nào nỗi cô đơn của tuổi già.
Em nhớ lúc còn bé, bố mẹ thì lúc nào cũng tất bật với công việc của mình, bà nội là hội trưởng hội thanh niên xung phong của xã và tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh nên cũng khá bận với công việc của mình thì ông là người chăm sóc em, ông nấu cháo cho em ăn, đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện cổ tích, quạt cho em những khi mất điện với chiếc quạt nan quen thuộc của mình.
Lớn hơn một chút ông cho em theo ông ra vườn tỉa cây cảnh với ông. Ông tỉa cây còn em thì nhổ cỏ, ông bảo nhờ có em mà lúc nào ông cũng cảm thấy vui và bớt hiu quạnh. Bây giờ em đã đi học, những lúc bà bận việc ông lại ở nhà một mình chỉ biết làm bạn với vườn cây. Biết ông buồn, tan học là em về với ông, nhổ tóc sâu cho ông và kể cho ông nghe những chuyện trên lớp học của mình. Những ngày em được nghỉ học em và ông hay đi bộ tập thể dục buổi sáng, em bảo ông tập thể dục sẽ rất tốt cho sức khỏe nhưng ông bảo những hôm em đi học có một mình nên ông không tập. Trong gia đình ông luôn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, khuyên răn con cái không được làm điều gì sai trái, đi ngược lại với đạo lí con người.
Em rất yêu quý và kính trọng ông, mong ông luôn khỏe mạnh để còn chăm sóc cháu nữa. Cháu sẽ thường xuyên đi tập thể dục với ông, học cách tỉa cây cùng ông để ông không cảm thấy buồn những lúc bà vắng nhà nữa ông nhé!
Kể về ông kính yêu của em
Kể về ông ngoại – Mẫu 1
Điều tuyệt vời nhất với em mỗi kì nghỉ hè là được về quê thăm ông ngoại. Năm nào cũng vậy, bố mẹ đều cho em về quê thăm ông dịp nghỉ hè. Một tháng được hưởng trọn vẹn tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của ông là một món quà có ý nghĩa rất lớn với em. Không có gì ngạc nhiên khi ông là người em yêu quý và kính trọng nhất trong gia đình.
Ông ngoại em năm nay đã 83 tuổi rồi. Những nếp nhăn trên mặt cứ ngày một nhiều nhưng chúng chẳng thể giảm đi sự hiền dịu trong nụ cười của ông. Ông em rụng gần hết răng rồi nhưng vẫn còn rất mê ăn trầu nên đi đâu ông cũng mang theo mình chiếc cối gỗ giã trầu. Em rất thích mùi thơm từ mùi gỗ quyện lẫn với mùi trầu cay. Thứ mùi vị đặc biệt ấy đã đi vào giấc ngủ của em từ rất lâu rồi, giờ nó quen thuộc với em lắm. Ở cái tuổi này rồi, tóc ông em cũng bạc hết. Trông cái dáng đi chầm chập của ông cạnh chiếc gậy tre và mái tóc bạc, em nghĩ ngay tới ông Bụt hiền từ trong các câu chuyện cổ tích. Tuổi cao sức yếu nhưng mắt ông em vẫn còn tinh tường lắm. Ông có thể đọc báo mỗi sáng mà không cần kính. Ông bảo em rằng, đôi mắt là thứ quý giá của con người, nó là cửa sổ tâm hồn, đừng là hỏng nó. Mỗi lần em học bài hay ngồi trước màn hình máy tính, ông đều căn dặn em nhớ để mắt được nghỉ ngơi. Đến giờ, các bạn của em biết bao đứa bị cận, ấy vậy mà mắt em vẫn rất tốt.
Ông em có nuôi một em chim chích chòe nhỏ, em gọi nó là Ki. Nó hót rất hay. Mỗi khi ông đi đâu về, nó nhảy nhót, hót loạn cả lên, trông mà đáng yêu. Em cũng rất thích chó, ông em có một con chó ta rất khôn, tên nó là Vện. Vẫn cứ lẽo đẽo theo ông em cả ngày, khi ở bàn uống nước, khi lại mon men theo ông ra vườn. Con Vện như là vệ sĩ cho ông em vậy. Ông em có một vườn cây hoa quả sau nhà rất xanh tốt. Chị Lan của em rất thích ăn na, ông em trồng rất nhiều na trong vườn xem với những bụi chuối tây. Bác Bình thường trêu rằng, “trẻ trồng na, già trồng chuối” ông em trồng cả na cả chuối thì không phân biệt già hay trẻ! Ông em thường bảo rằng, ông già không ăn được thì còn các con các cháu, cứ trông đấy để con để cháu ăn thì đi đâu mà thiệt. Mọi người trong xóm ai cũng kính trọng ông, không chỉ ông là người cao tuổi mà bởi ông là người sống có chừng mực và gương mẫu. Ai mà vứt rác bừa bãi, ông em nhắc nhở ngay.
Ông em là một người tuyệt vời như thế đấy. Em yêu ông vô cùng. Em rất mong ngóng đến hè để được về thăm ông và khoe với ông thành tích học tập của mình. Ước sao ông sống khỏe mạnh mãi với cháu như bây giờ, ông ơi.
Kể về ông ngoại – Mẫu 2
Trong gia đình, tôi yêu quý tất cả mọi người, nhưng người mà tôi yêu mến nhất, kính trọng nhất vẫn là ông ngoại. Bất cứ lúc nào, hình ảnh của ông cũng thật ngọt ngào trong trái tim tôi.
Ông tôi chưa già lắm đâu, chỉ mới ngoài bảy mươi thôi. Dáng ông tầm thước như bao cụ già khác. Khuôn mặt sắt lại với nhiều nếp nhăn của những ngày tháng khó khăn, vất vả. Gian khổ nhất là những năm tháng trong chiến trường miền Đông Nam Bộ xưa kia. Khuôn mặt vuông vuông chữ điền, nước da sạm lại với nhiều chấm đồi mồi, đuôi mắt lại đầy những vết chân chim; vậy mà ông tôi trông vẫn đẹp lão lắm. Đặc biệt là với tôi, ông quả thật đẹp. Hạnh phúc nhất là được nằm trong lòng ông, tay vuốt ve chòm râu điểm bạc, ngước nhìn đôi mắt ấm áp, hiền từ của ông. Lúc đó tôi có cảm giác như đang ở trong truyện cổ tích, như có ông Bụt ở bên với bao phép màu tốt lành và đẹp đẽ.
Tôi rất thích nắm tay ông, được thấy hơi ấm nóng từ tay ông truyền sang, thật là khoan khoái. Bố mẹ đi làm suốt ngày, ông với tôi sao mà thân thiết thế. Giọng nói của ông trầm trầm và rất truyền cảm, bởi hồi trẻ ông đã là một cây” kịch nói nghiệp dư nổi tiếng của trung đoàn. Chính vì thế, ông ru hoặc kể chuyện, lũ cháu chúng tôi nghe, chỉ được một lúc là díp cả mắt lại. Ông tôi nhiều con cho nên cũng lắm cháu. Tôi chưa thấy ai yêu và quyến luyến với lũ cháu như ông. Ông thường thẳng thắn bộc bạch: Khi có cháu, lại thấy yêu cháu hơn con rất nhiều!”. Lũ chúng tôi cũng yêu quý và gắn bó với ông lắm. Nhất là tôi, thằng cháu “đích tôn” như ông vẫn trìu mến gọi vậy.
Lại một bất ngờ nữa khiến các bạn khó tin, chính ông tôi chứ không phải ai khác trong gia đình này là người nội trợ chính. Đứng cạnh Ông, bà tôi trở nên vụng về, lúng túng, như bà thường tự nhận “Bà của cháu mồ côi sớm nên việc bếp núc, nội trợ đoảng vị quá!”. Cứ sáng sớm, sau khi tập thể dục, luyện vài bài dưỡng sinh là ông lại xách giỏ đi chợ. Ong đâm nghiện những tiếng chào mời, lời kì kèo qua lại của cái chợ nhỏ nằm tại khu chung cư của chúng tôi. Những thứ ông mua đều tươi rói, vừa ngon lại vừa đẹp mắt bởi nhiều màu sắc. Ong nấu nướng ngon lắm, mời các bạn đến nhà tôi mà xem, ông tôi sẽ trổ tài nghệ tuyệt vời của mình để các bạn thưởng thức. Đố có mà chê nổi.
Tôi còn quên chưa nói tới sự quan tâm đặc biệt nữa của ông mình về tình hình thời sự trong và ngoài nước. Không có chương trình thời sự nào của Truyền hình, của Đài Tiếng nói Việt Nam, của báo chí nào mà ông bỏ qua. Đã thế ông còn năng trao đổi với bạn bè, không gặp gỡ, không họp hành thì ông lại gọi điện thoại. Có lẽ, điện thoại của ông tôi chỉ để làm hai việc, hỏi thăm con cháu và bàn bạc về thời sự nóng hổi. Khi nói, ông tỏ ra say sưa, nhiệt tình như có bạn mình ở trước mặt vậy. Hầu hết các thông tin về thời sự, tôi được biết qua ông mình. Mĩ đánh I-rắc cũng khiến ông tôi buồn bực, phiền muộn vô cùng, làm cả nhà xót cả ruột.
Trong nhà tôi, ông thường coi vườn cây xanh trên tầng thượng là tài sản của mình. Trên đó có bao nhiêu là cây, là hoa. Thứ nào ngoài tên ra cũng đều có lí lịch riêng của nó. Nào là kỉ niệm ngày ở chiến trường về, ngày thăm Điện Biên Phủ, ngày sinh đứa cháu đầu. Công ông tưới bón, chăm chút, bắt sâu, tạo nên vườn cây này.
Sinh nhật vừa rồi của tôi, ông tặng một chiếc kèn nhỏ xinh. Tôi tự mày mò và bây giờ đã thổi được bài “Nhạc rừng” mà ông yêu thích. Ỏng tôi tự hào lắm, cứ khoe khắp khu nhà về tài của cháu mình. Nhưng tôi hiểu không phải vậy, chẳng qua ông yêu tôi quá thôi!
Tôi yêu quý và kính mến ông rất nhiều và cũng biết ông yêu lại tôi như vậy. Ông là người hay là ông Bụt, tôi cũng không biết nữa. “Cháu sẽ phải cố gắng nhiều để làm vui lòng ông, ông ơi!”. Tôi vẫn nhủ thầm như vậy.
Kể về ông ngoại – Mẫu 3
Cứ đến dịp nghỉ hè, bố mẹ lại cho tôi về quê. Bước vào trong nhà, một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên và kèm theo một cái xoa đầu: “Ôi! Đứa cháu yêu của ông đã về, năm nay kết quả học tập của cháu thế nào, có tốt không?” Đó chính là giọng nói của ông tôi đấy và cũng là người mà tôi yêu quý nhất trong nhà.
Năm nay, ông tôi đã chín mươi hai tuổi rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông không còn khỏe mạnh như xưa nữa mà gầy hẳn đi. Khuôn mặt in sâu những nếp nhăn vất vả. Đôi mắt đã mờ đục, không còn được tinh nữa nên mỗi khi đọc báo thì phải đeo kính, nhưng đôi mắt ấy luôn luôn nhìn tôi với một vẻ trìu mến, hiền từ. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm ông giống như một ông bụt có tấm lòng nhân hậu trong những câu chuyện cổ tích bước ra vậy. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương, rám nắng, luôn run run mỗi khi làm việc. Nước da không còn hồng hào nữa mà đen sạm đi vì nắng. Răng của ông đã rụng nhiều nhưng nhờ đeo thêm hàm răng giả nên nụ cười vẫn còn tươi. Ông ăn mặc rất giản dị, với những bộ quần áo được may bằng vải thô màu sang và đi đôi dép cao su màu nâu của bộ đội.
Vào những buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu từ từ nhô lên sau những dãy núi, màn sương trắng mỏng của ban đêm còn chưa tan hết thì đấy là lúc ông tỉnh dậy và cũng là người dậy sớm nhất nhà. Ra sân, ông hít căng lồng ngực tận hưởng không khí trong lành dễ chịu của buổi sáng. Năm nay, tuổi của ông đã cao mà vẫn dậy sớm để tập thể dục. Nhìn động tác ông xoay người, cúi xuống thì mới thấy hồi còn trẻ ông rất dẻo dai và nhanh nhẹn làm sao. Sau khi tập thể dục xong, ông thường làm bữa sáng cho cả nhà.
Mặc dù năm nay ông đã chín mươi hai tuổi, nhưng ông vẫn rất chăm chỉ. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các chương trình của nhà văn hóa đề ra. Có một lần ông nói với tôi rằng: “Từ hồi còn nhỏ ông đã là một cậu bé rất yêu quý thiên nhiên”. Cho nên ông rất thích trồng cây, chăm sóc cây cảnh những chú sâu tinh nghịch nào mà đến quấy phá khu vườn của ông là ông đi bắt luôn rồi lấy nước đi tưới cho cây. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là ông lại ngồi vót tre hoặc đi cho gà ăn. Vào những buổi trưa hè nóng bức, ông thường lấy chiếc võng, chiếc quạt nan và chiếc đài ở trong nhà ra và chọn những chỗ có bóng râm của cây để mắc võng rồi nằm lên, nghe đài phát thanh, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Vào những đêm trăng, ông thường lấy cái ghế mây trong nhà ra hiên ngồi kể chuyện cổ tích cho tôi và một vài đứa trẻ con trong làng nghe. Con cháu nhà mình mà có làm điều gì sau trái thì ông không hề quát mắng, trách móc mà nhẹ nhàng ôn tồn giảng giải, khuyên bảo. Ông rất nhiệt tình khi hàng xóm nhờ một việc gì đó nên mọi người trong làng ai cũng kính trọng và quý mến ông.
Mọi người ai ai cũng chúc thọ cho ông nhưng riêng tôi, tôi sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn để làm ông vui lòng, sống lâu trăm tuổi. Tôi rất yêu quý và kính trọng người ông của mình.
Kể về ông ngoại – Mẫu 4
“Một hai ba, một hai ba, một hai ba…”. Nghe tiếng hô nhịp nhàng quen thuộc vang lên ngoài sân, em bừng tỉnh giấc. Kim đồng hồ chỉ 5 giờ 5 phút. Thôi chết, muộn rồi! Em thu dọn chăn màn rất nhanh rồi chạy vội ra sân tập thể dục cùng ông ngoại. Hai ông cháu tập xong bài thể dục buổi sáng thì bắt đầu chạy bộ dọc theo đường Thanh Niên, hít thở không khí trong lành. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch mặt nước giăng giăng sương phủ. Khung cảnh ven hồ buổi bình minh tuyệt đẹp, rất hợp với tâm hồn nghệ sĩ của ông. Nhắc đến nghệ nhân cây cảnh Thanh Tâm, tức ông ngoại của em, quanh vùng Nhật Tân, Hữu Tiệp, Nghi Tàm này rất nhiều người biết. Từ thuở ấu thơ, em đã được sống với ông bà ngoại trong ngôi nhà đơn sơ, giữa khu vườn quanh năm sực nức hương hoa. Tình cảm ông cháu gắn bó vô cùng thân thiết.
Năm nay, ông em đã bảy mươi tư tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và trí nhớ còn minh mẫn lắm. Là con người của công việc nên ít khi ông ở trong nhà. Khách tìm ông, cứ ra vườn là gặp. Vườn hoa, cây cảnh không chỉ là nguồn thu nhập hằng ngày mà hơn thế, nó là niềm vui, là lẽ sống của đời ông.
Em thường ra vườn xem ông làm việc. Đôi tay khéo léo, tài hoa của ông uốn từng nhánh cây, tỉa từng chiếc lá, nâng niu vun xới từng gốc hoa. Ông giải thích cặn kẽ cho em ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong mỗi hình dáng mà ông mất bao công phu để tạo nên. Cây si bonsai đặt trong chiếc khay gốm hình bầu dục có năm tầng lá so le, ông bảo rằng tượng trưng cho năm điều cốt yếu trong đạo làm người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hai gốc đinh lăng, gốc cao gốc thấp, ông tỉa thành dáng phụ tử tình thâm. Mấy cây đào bích có thế rồng bay, phượng múa.
Cảm động biết bao khi em được ông cầm tay, dạy cho cách uốn những sợi dây thép vô tri thành hình những chú nai, chú hươu xinh xắn, để làm khung cho cây mọc theo ý muốn người trồng, ông bảo em rằng nghề làm vườn bắt buộc con người phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là phải thật sự yêu mến thiên nhiên, trái tim dễ dàng rung động trước một nụ hồng vừa hé nở, lóng lánh sương đêm; một bông đào thắm rung rinh trong gió sớm, báo hiệu mùa xuân sắp trở về. Em thích được nghe ông giải thích ý nghĩa một số loài cây, loài hoa quý như tùng, cúc, trúc, mai, liên (sen), tượng trưng cho cốt cách thanh cao, khí tiết hiên ngang và quan niệm sống trong sạch của bậc chính nhân quân tử. Em tin lời ông khẳng định là cây và hoa cũng biết vui buồn giống như con người vậy. Chúng có đời sống riêng, có tiếng nói riêng. Nếu chịu khó quan sát, lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu.
Có lẽ tình yêu thiên nhiên tha thiết của ông đã dần dần thấm vào máu thịt đứa cháu trai mà ông quý mến. Nhiều lần, ông dẫn em đi chơi chợ hoa ngày Tết, hoặc đến tham quan Hội chợ hoa của Thủ đô. Em chụp ảnh cùng ông bên những cây cảnh mà ông mang đến dự thi và được tặng huy chương.
Không thể kể hết những kỉ niệm vui buồn về tình ông cháu. Rất giản dị, tự nhiên, ông ngoại đã truyền cho em ngọn lửa đam mê cuộc sống và những bài học quý báu trên đường đời. Em thấm thía lời dạy tâm huyết của ông: “Không có gì sung sướng bằng được hưởng thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra, cháu ạ!”. Được ông ngoại hết mực yêu thương, em thấy quả là hạnh phúc!
Kể về ông ngoại – Mẫu 5
Mỗi chúng ta, ngay từ khi còn bé xíu đã được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người, đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình. Ngoài bố mẹ chở che, mỗi đứa trẻ còn được ông bà yêu quý. Em cũng là một đứa trẻ may mắn như thế. Với em, bên cạnh bố mẹ, ông ngoại cũng là người vô cùng quan trọng.
Ông ngoại kính yêu của em đã qua đời tròn một năm. Nhưng tất cả những kỉ niệm về ông em vẫn ghi nhớ mãi. Ông là một cựu chiến binh, nhập ngũ thời nhân dân ta đánh Mĩ, bước ra từ hiện thực cuộc chiến khốc liệt, chiến tranh đã nhẫn tâm tàn phá cơ thể khỏe mạnh của ông. Khi em lên 6 tuổi ông đã bước sang tuổi 70, mẹ bảo hồi mới đi lính ông còn trẻ và dáng người cao lớn, mạnh mẽ lắm. Vậy mà sau chiến tranh, ông gầy đi rất nhiều và lưng thì hơi còng xuống. Tuy không được nhanh nhẹn nhưng bước chân ông vẫn vững chắc, chỉ cần thêm một chiếc gậy chống dưới tay là ông có thể đi cả ngày khắp làng trên xóm dưới, gặp những người bạn của ông.
Trong trí nhớ của em, khuôn mặt ông vuông chữ điền chất phác, tuy nhiên hai gò má hơi gầy, đôi mắt đen ấy vậy mà sáng lắm, ông có thể nhận ra từng đứa cháu dù khoảng cách xa mỗi lần các anh chị đến thăm. Mái tóc ông đã bạc trắng như cước, chỉ thấp thoáng vài sợi tóc đen. Ông lúc nào cũng cười hiền từ giống như ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích ngày xưa.
Tuy vậy, xuất thân từ một chiến sĩ, mẹ bảo ông luôn nghiêm khắc trong việc dạy dỗ mẹ và các cậu trong nhà. Mẹ em là con gái duy nhất nhưng ông lúc nào cũng giám sát, yêu cầu, nhiều lúc giống hệt như phép tắc trong quân đội. Các cậu nhờ vậy đều rất chính trực, có ý chí, được mọi người kính trọng, yêu quý. Mãi sau này, khi cháu chắt lần lượt ra đời, ông ngoại dường như bớt nghiêm khắc hơn, chỉ hay ôn tồn giảng giải ý nghĩa sau mỗi câu chuyện, động viên em và các anh chị phải chăm ngoan, cố gắng trở thành người đàng hoàng, liêm khiết và nhân hậu.
Ông đặc biệt quan tâm và yêu thương cháu chắt trong nhà. Có đồ gì ngon, hiếm lạ mà bạn bè, đồng chí hay họ hàng xa biếu tặng, ông đều để phần chia cho cháu chắt. Những anh chị lớn rồi thì ông không cho, chỉ cho tiền mỗi khi các anh chị đi học xa về thăm hoặc lấy vợ, sinh con. Còn bánh kẹo, đồ ăn vặt thì cho hết mấy đốm nhỏ như em. Mẹ bảo ngày em còn bé xíu, bố mẹ bận làm ăn, ông bà nội mất sớm, một mình ông nội chăm sóc em cả thời gian dài. Vì thế nên lớn hơn, em lúc nào cũng quấn quýt bên ông cả ngày, xem ông tỉ mỉ tỉa cây, theo ông đi đến nhà đồng chí cùng chiến đấu ngày xưa và đòi ông kể những câu chuyện về kháng chiến.
Ông ngoại không bao giờ khoe khoang chiến tích của bản thân lúc đánh giặc. Những câu chuyện ông kể chỉ là những kỉ niệm của ông về những người đồng chí, về xóm làng nơi ông hành quân rồi dừng chân nghỉ tạm. Có những người đồng chí còn sống như ông, cũng có những người đã hi sinh. Một lần, ông kể về nữ đồng chí duy nhất trong tiểu đội của ông, ông kể bà ấy gan dạ, dũng cảm, còn trẻ tuổi hơn ông mà giỏi lắm. Nhưng một lần giặc ném bom, bà hi sinh trong lần giải cứu đồng đội ngày ấy. Ông vừa hoài niệm vừa xót xa, em giật mình thấy khóe mắt ông rưng rưng. Mẹ bảo ông kiên cường lắm, vậy mà nhớ về đồng đội, ông đã khóc.
Nhờ có ông, em mới hiểu được phần nào những năm tháng kháng chiến gian khổ, những hi sinh, mất mát mà bao nhiêu người đã phải trả giá để đổi lấy độc lập tự do. Ông dạy em cách sống nhân hậu và ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, sống sao cho xứng đáng với công ơn của họ.
Sau Tết Nguyên Đán năm em học lớp 5, ông đổ bệnh nặng, nằm cả ngày trên giường vẫn hỏi thăm từng đứa cháu. Dặn dò đủ việc, đến hè năm ấy, ông qua đời. Ai cũng tiếc thương, hàng xóm láng giềng yêu mến kính trọng cách làm người, cách hành xử tốt bụng của ông nên đến đưa tiễn rất đông.
Dù ông ngoại đã đi xa nhưng tình yêu thương của ông dành cho con cháu em vẫn ghi nhớ mãi. Em vô cùng kính trọng và quý mến ông, sâu trong nội tâm em vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng sống như những gì ông đã dặn dò để ông ngoại tự hào về cháu gái yêu quý của ông.