Nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn (Dàn ý + 3 mẫu), Để giúp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia
Tài Liệu Học Thi, sau đây xin giới thiệu đến tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn, đã được chúng tôi đăng tải tại đây.
Để có thể giúp cho tất cả các bạn học sinh lớp 12, bổ sung thêm nhiều kiến thức Ngữ văn và chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới thì, sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn.
Xem Tắt
Dàn ý nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn
I. Mở bài:
– Trong cuộc sống, đôi lúc bạn cũng phải học cách để tâm hồn mình tĩnh tại và lắng nghe nhiều hơn từ thế giới xung quanh, để có những khoảnh khắc tâm hồn được thanh thản, được thấy bình yên giữa cuộc sống vốn rất ồn ào, nhộn nhịp.
– Trong sự lắng nghe ấy có một quan điểm khá hay rằng: “Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn”.
II. Thân bài:
* Giải thích câu nói:
– Sử dụng cách nói tăng tiến khá phổ biến là “càng…càng” nhằm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa sự tĩnh lặng và việc lắng nghe của mỗi cá thể.
– Trên tất cả trong cuộc sống, lắng nghe thực sự là một nghệ thuật và là một kỹ năng sống cần thiết cho con người.
* Thực trạng cuộc sống đối với việc lắng nghe:
– Cuộc sống tấp nập, bộn bề, khiến việc lắng nghe trở nên khó khăn và xa xỉ.
– Ai cũng bận rộn, chìm đắm vào cuộc sống của riêng mình, chẳng lúc nào ngơi nghỉ hay rảnh rang mà nghe ngóng những âm thanh từ thiên nhiên, từ cuộc sống.
– Ai cũng bận rộn trong những cuộc hội họp, những cuộc vui đùa, trong những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, người ta cốt chỉ nghĩ sao cho mình được phát biểu nhiều hơn, chứ chẳng bao giờ nghĩ cách làm sao cho mình được lắng nghe nhiều hơn cả.
=> Hậu quả của lối sống vội, sống nhanh, chạy đua với thời gian, với cuộc sống mà quên mất rằng tâm hồn của chúng ta đôi lúc cũng cần lắng lại để được lắng nghe.
* Chúng ta im lặng và lắng nghe những gì?
– Lắng nghe những người xung quanh:
+ Để nhìn nhận phân biệt bản chất của họ
+ Lắng nghe để an ủi, sẻ chia.
+ Lắng nghe tích cực là sự tôn trọng tối thiểu dành cho người khác, cung cấp cho họ sự tự tin để tiếp tục chia sẻ.
– Lắng nghe những âm thanh từ cuộc sống:
+ Lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng sóng biển, lắng nghe màn đêm trong tĩnh lặng.
=> Khiến tâm hồn của bạn được nuôi dưỡng bởi sự an yên, tĩnh lặng, tạm xa khỏi những bộn bề, mệt mỏi ngoài kia. Bạn có cơ hội để sắp xếp lại tất thảy những suy nghĩ đang chạy loanh quanh trong đầu, đủ thời gian, đủ tỉnh táo để nghĩ thông suốt một vài chuyện đang bế tắc. Đôi lúc sự tĩnh lặng còn là cơ hội ươm mầm cho sự sáng tạo, tìm ra những điều mà ở xã hội ồn ào kia ta không thể nào với đến.
– Lắng nghe chính bản thân trong tĩnh lặng để:
+ Tìm được cái tâm hồn nguyên thủy nhất, tìm được những bản năng sâu thẳm chưa từng được bộc lộ bao giờ.
=> Đó chính là lúc trực giác và trái tim của chúng ta nhạy bén nhất, cũng hiểu rõ nhất được những khao khát đang ẩn sâu trong tâm hồn, cũng nhìn nhận được những gì mà thông thường ta không nhìn thấu.
III. Kết bài:
– Chỉ khi chúng ta khiến lòng mình yên lặng, thì việc lắng nghe mới trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn hẳn.
– Việc lắng nghe như thế đem lại cho mỗi con người những lợi ích tích cực, những giá trị mới mẻ, rèn cho con người đức tính nhẫn nại, sự quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh và cả óc quan sát cuộc sống, bởi nghe còn đi kèm với nhìn nữa.
Nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn – Mẫu 1
Trong xã hội hiện đại, nhịp sống xô bồ, hỗn tạp, con người ta thường chăm chú vào việc thể hiện bản thân, thể hiện cái “tôi” cá nhân, thích được người khác lắng nghe mình chia sẻ những phiền não, mệt mỏi xung quanh cuộc đời, thích sống trong ồn ào, náo nhiệt. Thế nhưng, ít ai có ý thức về việc đôi lúc bạn cũng phải học cách để tâm hồn mình tĩnh tại và lắng nghe nhiều hơn từ thế giới xung quanh, để có những khoảnh khắc tâm hồn được thanh thản, được thấy bình yên giữa cuộc sống vốn rất ồn ào, nhộn nhịp. Trong sự lắng nghe ấy có một quan điểm khá hay, sâu sắc rằng: “Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn”.
Câu nói trên sử dụng cách nói tăng tiến “càng…càng” nhằm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa sự tĩnh lặng và việc lắng nghe của mỗi một cá thể. Lắng nghe nghe có vẻ dễ, nhưng đó lại là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm rõ được, bởi con người thường thích nói hơn thích nghe, trong khi bản thân lại có hai tai và một miệng. Có chăng là thượng đế đã sắp đặt để khiến con người ta nghe nhiều hơn, thay vì nói qua chi tiết ấy? Khi ta nói ta chẳng tiếp thu được điều gì nhiều từ bên ngoài, vì đơn giản ta chỉ tập trung vào bản thân mình, thế nhưng khi lắng nghe, đôi tai sẽ linh động, chắt lọc những thông tin mà ta cần, đồng thời bộ óc sẽ tiến hành phân tích, thu lại cho chúng ta những thức hữu ích nhất từ bên ngoài. Quả thật, tĩnh lặng để lắng nghe là một kỹ năng sống mà bất cứ người nào cũng cần trang bị cho mình, nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cuộc sống vẫn luôn tấp nập, bộn bề như thế, buổi sáng đã nghe tiếng cha mẹ gọi con cái dậy đi học, ngoài đường tiếng xe cộ chen chúc, bấm còi liên hồi, rồi thì trong các quán xá tiếng nhạc không du dương, trầm bổng thì cũng xập xình, sôi động, trong lớp học tiếng giáo viên giảng bài, tiếng học sinh xì xầm nói chuyện, ngoài chợ thì tiếng kì kèo mặc cả, ngã giá,… Dường như tất cả những âm thanh của cuộc sống đã át hết đi cái âm thanh đến từ tự nhiên, đã bao lâu rồi người ta không còn để ý đến tiếng chim hót, tiếng ong vo ve, tiếng gió thổi vi vu, tiếng hàng cây xào xạc cành lá? Ai cũng bận rộn, chìm đắm vào cuộc sống của riêng mình, chẳng lúc nào ngơi nghỉ hay rảnh rang mà nghe ngóng những âm thanh từ thiên nhiên, từ cuộc sống. Ai cũng bận rộn trong những cuộc hội họp, những cuộc vui đùa, trong những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, người ta cốt chỉ nghĩ sao cho mình được phát biểu nhiều hơn, chứ chẳng bao giờ nghĩ cách làm sao cho mình được lắng nghe nhiều hơn cả. Đó là hậu quả của lối sống vội, sống nhanh, chạy đua với thời gian, với cuộc sống mà quên mất rằng tâm hồn của chúng ta đôi lúc cũng cần lắng lại, cần dừng lại một chút, một chút thôi, để được nghe và lắng nghe, để được sống chậm lại và nghĩ khác đi.
Người ta vẫn nói rằng lời nói thốt ra là bạc, nhưng quên mất vế sau rằng im lặng mới thực sự là vàng. Cuộc sống có những lúc con người ta cần dừng lại, để không hùa vào những cuộc tranh đấu, ồn ào, náo nhiệt nữa, mà phải đặt mình ra ngoài cái vòng ấy để cảm nhận, để lắng nghe. Chúng ta lắng nghe những gì? Thứ nhất là lắng nghe cuộc sống, lắng nghe những điều mà mọi người đang thảo luận, rồi suy ngẫm, rồi chiêm nghiệm, để hiểu sâu sắc hơn về thái độ của những con người xung quanh chúng ta, để nhận ra rằng ai mới là người bạn tốt, ai là kẻ lòng dạ dối gian. Đôi lúc sự im lặng lắng nghe của chúng ta chính là một liều thuốc tốt, một niềm an ủi vô hạn đối với người đang chia sẻ nỗi đớn đau trong lòng với chúng ta, mà không một từ ngữ, hay cách thức nào khác có thể thay thế và làm tốt hơn cả. Lắng nghe cũng là một cách mà chúng ta tôn trọng người đối diện, chúng ta chân thành lắng nghe một cách tích cực sẽ giúp người nói có được sự tự tin hơn để tiếp tục chia sẻ và chính bản thân chúng ta cũng nhờ việc lắng nghe mà có thể thu thập được nhiều thông tin bổ ích hơn cả.
Rồi thì ngoài việc lắng nghe những điều mà mọi người chia sẻ, ta cũng cần lắng nghe cả thiên nhiên nữa, tự hỏi rằng đã bao lần, bạn bỏ xuống công việc đang bộn bề, gia đình đang náo nhiệt, những buổi tụ họp sôi động để tìm một góc quán vắng, lắng nghe những chuyển động của không gian, của thời gian. Hay đã có lúc nào bạn bật dậy giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ để lắng nghe màn đêm, hay đã có lúc nào bạn thức dậy thật sớm chỉ để lắng nghe tiếng chim hót, lắng nghe những âm thanh đầu tiên của cuộc sống. Dù có hay không nhưng chắc chắn rằng, việc lắng nghe trong tĩnh lặng như vậy cũng phần nào khiến tâm hồn của bạn được nuôi dưỡng bởi sự an yên, tĩnh lặng, tạm xa khỏi những bộn bề, mệt mỏi ngoài kia. Bạn có cơ hội để sắp xếp lại tất thảy những suy nghĩ đang chạy loanh quanh trong đầu, đủ thời gian, đủ tỉnh táo để nghĩ thông suốt một vài chuyện đang bế tắc. Đôi lúc sự tĩnh lặng còn là cơ hội ươm mầm cho sự sáng tạo, tìm ra những cái mà ở xã hội ồn ào kia ta không thể nào với đến.
Và cuối cùng, ta còn phải lắng nghe chính bản thân mình nữa, hãy để tâm hồn mình lắng lại và lắng nghe xem con tim chúng ta thật sự muốn gì, cần gì. Sự tĩnh lặng chính là một điều kỳ diệu, là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho mỗi con người, ở giữa khoảng trống ấy, ta tìm được cái tâm hồn nguyên thủy nhất, tìm được những bản năng sâu thẳm chưa từng được bộc lộ bao giờ. Đó chính là lúc trực giác và trái tim của chúng ta nhạy bén nhất, cũng hiểu rõ nhất được những khao khát đang ẩn sâu trong tâm hồn, cũng nhìn nhận được những gì mà thông thường ta không nhìn thấu.
Chúng ta có thể lắng nghe trong ồn ào không? Điều đó có thể, nhưng những gì chúng ta nghe được thật hỗn tạp và rối rắm, chỉ khi chúng ta khiến lòng mình yên lặng, thì việc lắng nghe mới trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn hẳn. Việc lắng nghe như thế đem lại cho mỗi con người những lợi ích tích cực, những giá trị mới mẻ, rèn cho con người đức tính nhẫn nại, sự quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh và cả óc quan sát cuộc sống, bởi nghe còn đi kèm với nhìn nữa.
Nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn – Mẫu 2
Đất nghe tiếng thì thầm của cỏ. Non cao nghe tiếng du dương của rừng thông. Ghềnh đá nghe tiếng róc rách của dòng suối. Gió nghe tiếng diều sáo thổi vi vu. Rừng thu nghe tiếng mùa thay lá. Vườn hoa nghe tiếng vội vã của bầy ong. Vạn vật trong vũ trụ lắng mình để nghe thanh âm của loài khác. Muôn loài trong trời đất yên lặng để thấu hiểu cảm giác của vũ trụ. Trong chiều hướng đó, không lấy làm ngạc nhiên khi người ta nói “Biết lắng nghe. Điều kỳ diệu của cuộc sống”. Vậy ta hiểu câu nói này thế nào? Đâu là ý nghĩa của việc lắng nghe?
Nếu trong nguyên tắc yêu thương cần có đối tượng để thương yêu thì trong nguyên tắc lắng nghe cũng cần có đối tượng để lắng nghe. Vì yêu thương không chỉ là việc riêng của chủ thể và lắng nghe không chỉ là điều riêng của bản thân. Nếu ta yêu thương ai thì người đó là đối tượng để thương yêu. Nếu ta lắng nghe ai thì người kia là đối tượng đang cần sự cảm thông, chia sẻ của ta. Nếu ta được yêu thương thì ta là đối tượng của người kia. Còn ta đang được người khác lắng nghe thì ta là người đang cần sự sẻ chia của người khác. Vì thế, trong nguyên tắc yêu thương và lắng nghe được hiểu từ hai phía là: chủ thể và đối tượng. Nếu ta là chủ thể thì người kia là đối tượng hay hiểu theo ngược lại.
Người Mỹ dùng chữ “listening deeply” (nghe thật sâu) nghĩa là, chỉ mới biểu lộ thiện chí muốn nghe chứ không có thái độ toàn tâm, toàn ý khi nghe. Còn chữ “lắng nghe” của người Việt được hiểu rất hay, phải “lắng” thì mới “nghe” được. Chữ “lắng” ở đây là để cho lòng mình yên tĩnh, không để những mưu cầu hay chống đối làm phân tâm. Còn chữ “nghe” là đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng. Hiểu theo nghĩa này thì “lắng nghe” là lắng mình xuống, không suy tư, không cố chấp, buông bỏ mọi thành kiến hay những phiền muộn trong tâm để nghe người khác với tất cả lòng thành. Vì thế, “nghe thật sâu” của người Mỹ không mạnh bằng ý nghĩa “lắng nghe” của người Việt.
Hiểu theo nguyên ngữ của việc lắng nghe là vậy, nhưng thực tế thì khác xa, vì con người trong xã hội ngày nay phần nhiều chạy theo nhu cầu hưởng thụ. Ngay cả những người thân bên cạnh ta cũng không có thời gian để lắng nghe vì cứ mải mê lo kiếm tiền. Thế giới này chắc sẽ không có ánh sáng để vơi bớt tối tăm trong đêm đen nếu không có những người như bà Nancy, mẹ của Edison. Bà đã luôn lắng nghe, động viên và chia sẻ với Edison trong cuộc sống. Trong tiểu sử của Edison có kể lại giai thoại: “Một hôm, khi nhân viên thanh tra vào kiểm tra lớp học, thầy giáo của Edison chỉ vào cậu bé và nói: Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn. Edison rất căm giận hai chữ “điên khùng” và mang chuyện về kể với mẹ”. Và mẹ của Edison đã lắng nghe với tất cả tấm lòng cùng sự cảm thông chia sẻ, nhằm giúp đỡ Edison vượt qua mọi khó khăn.
Bên cạnh đó, lắng nghe không chỉ hiểu ở lĩnh vực tâm lý mà còn diễn tả ở con đường sự nghiệp. Vì sinh ra trong đời hầu như ai cũng được sự chỉ bảo của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Chỉ xét thái độ của người lắng nghe, nghĩa là phần lớn những người được thụ huấn nếu biết kiên trì học hỏi và đem ra thực hành những gì mình nghe được thì đường thành công vẫn luôn mở rộng. Để có được thành công trên con đường sự nghiệp như hôm nay Ánh Viên đã luôn biết lắng nghe và thực hành những lời bảo ban của thầy cô giáo cũng như các huấn luyện viên, nhất là mỗi lần gặp khó khăn thì gia đình vẫn luôn là nơi để cô tìm lại những “năng lượng đã bị mất”.
Mặt khác, lắng nghe không chỉ là tương quan của hai chủ thể mà nó còn là một tiếng nói nhiệm màu chỉ bản thân mới cảm nhận được. Trong bài hát “Tôi đang lắng nghe” cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng những ca từ rất hay “Tôi im lặng để nghe tiếng thở dài, im lặng để nghe lời của dòng sông, im lặng để nghe tiếng thở than của ngọn đồi, im lặng để nghe nỗi đau trên một bàn tay”. Hiểu theo nghĩa này thì “lắng nghe” để nhìn lại bản thân, cảm nhận tiếng động xung quanh, dù đó là tiếng thở dài, lời của dòng sông hay tiếng than vãn của ngọn đồi.
Cuộc sống có những biến đổi bất thường, dòng đời cũng lắm xoay chuyển không nguôi. Có những biến cố xảy đến làm ta sợ, có những bất ngờ không lường trước làm ta bơ vơ. Vì thế, không phải lúc nào con người cũng đủ tự tin để làm chủ bản thân, đủ vững chãi để bước đi trong cuộc sống. Lúc bơ vơ ta cần có ai đó để chia sẻ, lúc không vững chãi cần có một người để lắng nghe. Chia sẻ, lắng nghe trở thành nhu cầu của con người trong cuộc sống. Nếu chia sẻ làm cho con người bớt sầu khổ thì lắng nghe làm cho ta vơi đi niềm đau. Dung lượng trái tim của mỗi người có một giới hạn nhất định. Một nỗi khổ nếu được chứa đựng bởi hai trái tim thì sẽ vơi đi niềm đau. Nỗi đau quá lớn không được một ai ngồi bên cạnh để lắng nghe dễ làm người ta rơi vào trầm cảm và thường tự giam hãm trong ‘ốc đảo” của riêng mình. Nhất là trong xã hội ngày nay, khi con người luôn chạy theo sự quyến rũ của tiền bạc, cứ hối hả làm việc “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Vì thế, xã hội hôm nay có nhiều người đang bị trầm cảm, đủ mọi thành phần. Có những đứa bé bị hiểu lầm hay không được bố mẹ quan tâm nên chúng tự nhốt bản thân trong phòng từ ngày này qua ngày khác, hoặc lao vào những thú chơi “ngông”. Có những người già không có được sự quan tâm của con cháu nên phải tìm đến những thú nuôi để tâm sự cho nguôi ngoai nỗi cô đơn. Có những bạn trẻ vì ôm mối sầu đau quá lớn, không biết bày tỏ cùng ai nên họ thường tìm đến cái chết. Có những cặp vợ chồng không tìm được sự đồng cảm và tiếng nói chung từ người bạn đời nên họ thường tìm đến với những người bạn thân hay những chuyên gia tâm lý để “trút bầu tâm sự”. Vì thế, lắng nghe là điều cần thiết của cuộc sống, nó không chỉ giúp ta hiểu được chính bản thân, sự vật xung quanh, giúp người khác vơi đi niềm đau, giúp người đối người được trải lòng mình. Ngoài ra biết lắng nghe và đem nó áp dụng vào cuộc sống còn giúp ta thành công trên con đường sự nghiệp.
Lắng nghe là nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Nỗi đau nếu được ai đó lắng nghe nó sẽ nhẹ thêm, nỗi thống khổ nếu được người khác sẻ chia nó sẽ vơi đi. Biết lắng sẽ giúp nhau dắt dìu bước qua những ngày tháng vất vả. Biết sẻ chia giúp những người xung quanh vượt qua tháng ngày gian nan. Vì thế, ngại ngùng gì ta không dừng lại để sẻ chia với người thân cận, mất mát chi không lắng mình xuống để nghe người xung quanh. Hiểu được tận cùng ý nghĩa của lắng nghe, ta sẽ thấy cuộc đời vẫn đẹp, trên vách đá vẫn có cành nở hoa đẹp tươi.
Nghị luận về câu Càng tĩnh lặng bạn càng lắng nghe được nhiều hơn – Mẫu 3
Tôi rất thích cảm giác ngồi ở một nơi nào đó yên tĩnh, chỉ có gió thoảng qua, vài tiếng chim kêu, trước mặt là mặt hồ phẳng lặng… và suy ngẫm. Tôi cũng cảm giác có thể bỏ ngoài tai tất cả mọi thanh âm xô bồ của cuộc sống, tìm kiếm và lắng nghe những âm thanh nhỏ bé, trong trẻo. Và tôi nhận ra rằng: “Càng trong tĩnh lặng, bạn càng lắng nghe được nhiều hơn”.
Là một cư dân thủ đô, tôi có rất nhiều may mắn: tôi có nhiều cơ hội để học hành, nhiều cửa hàng để mua sắm và được tiếp xúc với nhiều công nghệ hiện đại. Nhưng nhiều lúc tôi cũng thèm được như những đứa trẻ chăn trâu, có thể chạy nhảy, nô đùa dọc theo những cánh đồng lúa chín hay nằm trên những cỏ xanh mà ngắm bầu trời cao rộng. Sống giữa đô thị tôi cũng quen dần cái ồn ã, sự bon chen xô bồ. Ra ngoài đường tôi nghe thấy những tiếng xe tiếng còi, tiếng hò hét. Ra chợ, tôi nghe thấy những tiếng mời chào, mặc cả, chửi bới. Tôi cũng hòa vào cuộc sống ấy như một quy luật. Lên xe buýt điều tôi quan tâm là lên thật nhanh để có ghế ngồi. Và tôi học, học như nhiệm vụ tối thượng, vươn lên vị trí thật cao. Tôi cũng không còn nhớ đã bao lâu rồi tôi không nghe thấy tiếng gió, tiếng của những chú ong,… Dường như nhịp sống gấp gáp của đô thị đã lấn át đi tất cả. Tôi luôn trân trọng mỗi dịp hè về quê nội. Khi ấy, tôi không phải lo lắng những bài kiểm tra, không phải chen lấn trên xe buýt. Tôi lắng nghe lòng mình, lắng nghe một cuộc sống thanh bình vẫn thì thầm với tới, khiến lòng tôi khoan khoái và dễ chịu. Tôi nhận ra cuộc sống này thật bình dị – đẹp trong sự bình dị.
Sự náo nhiệt đã từng làm tôi thích thú – những buổi vui chơi, hò hét, những cuộc bàn cãi… Và một ngày, tôi đi về một mình trên con đường quen thuộc, tôi nhìn thấy một cậu bé ăn xin đưa cái mũ về phía mình. Một lời thỏ thẻ yếu đuối “Chị ơi!”! Hắn lời nói ấy đã lọt thỏm đi giữa những câu chuyện bạn bè sôi nổi. Tôi chợt nhớ, đã bao lần tôi chạy theo cuộc sống sôi động mà không nghe thấy tiếng thở dài của cha mẹ tôi. Những bước chân nặng nhọc của cha chưa bao giờ làm tôi mất ngủ. Thời gian xây nhà mới, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, cha đâm ra hay cáu bẳn. Cha mắng mỏ mẹ con tôi, toàn những lời cáu gắt. Tôi không hề nghe thấy trong lời nói của cha sự mệt mỏi. Một ngày kia, tôi chợt nhận ra tóc cha bạc đi nhiều. Tôi cũng rất nhớ một kỉ niệm với em gái tôi. Đó là năm tôi lên cấp ba, những điều mới mẻ và lạ lẫm dường như choán hết tâm trí của tôi. Tôi không nghe thấy tiếng em tôi thở dài thất vọng khi tôi đi chơi với bạn thay vì đưa em đi đọc sách ở thư viện. Tôi cũng không nghe thấy trong những lời giận dỗi của em nhu cầu được quan tâm. Và tôi tình cờ đọc được bài văn em tôi viết về người mà nó yêu thương nhât. Đó là tôi. Thì ra trong mắt nó, tôi rất tuyệt, rất giỏi. Còn tôi, tôi thấy mình thật tồi.
Đôi khi sự tĩnh lặng không nằm ở thế giới bên ngoài. Nó nằm trong mỗi chúng ta. Gác lại những cuộc hẹn, sống chậm lại một chút, chúng ta sẽ lắng nghe được lòng mình. Cha mẹ thường bảo tôi: “Con lên phòng học bài đi…” Nhưng lòng tôi lại nói: “Tôi thích đọc tiểu thuyết thay vì đi học thêm, tôi xem phim thay vì chúi đầu vào bài vở. Tôi thích đánh cầu lông với em tôi vì kèm nó học tới khuya, tôi thích ăn những món do chính mình sáng chế. Trong những gì lòng tôi nói với tôi có những điều ích kỷ. Nhưng tôi không thích chúng, cũng không ghét chúng. Đôi khi tự lắng nghe mình một chút, mình muốn gì, mình cần phải làm gì cũng khiến tôi tự tin hơn. Tự tin vào chọn lựa và con đường mình đang đi!
Trong cuộc sống, ta phải lắng nghe rất nhiều điều. Có những chuyện làm ta khó chịu, nhưng cũng có những thứ khiến ta thoải mái. Song mọi sự trên không phải lúc nào cũng dễ dàng đoán định. Giống như thất bại chưa hẳn là điều xấu và thành công chưa hẳn đã là hạnh phúc. Sự tĩnh lặng luôn cần thiết cho một sự suy xét toàn diện.
Tôi rất thích câu nói trong bộ phim hoạt hình nọ: “Hôm qua đã là quá khứ ngày mai là một điều bí ẩn và hôm nay chính là một món quà”. Có lẽ món này sẽ chỉ được nhận ra khi chúng ta bình tâm là lắng nghe cuộc sống, nghe chính mình. Bởi khi ấy sẽ không có điều gì khiến ta bỏ lỡ và tìm thấy sáng ở tương lai. Tâm hồn của chúng ta sẽ giàu lên qua từng ngày ta sống trọn vẹn với mình.