Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích nhân vật Dế Mèn trong truyện Bài học đường đời đầu tiên, Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích Bài học đường đời đầu tiên là tài liệu rất hữu
Nhằm giúp các em ôn tập và rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức môn Ngữ Văn để chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu tài liệu bài văn mẫu lớp 6: Phân tích nhân vật Dế Mèn trong truyện Bài học đường đời đầu tiên của Tô Hoài.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 3 bài văn mẫu. Mời các bạn học sinh lớp 6 cùng tham khảo nội dung chi tiết bài văn mẫu phân tích nhân vật Dế Mèn tại đây.
Xem Tắt
Dàn ý chi tiết Phân tích nhân vật Dế Mèn
1. Mở bài:
Giới thiệu nhân vật Dế Mèn: Chương đầu tiên của chuyện là “Bài học đường đời đầu tiên” đã miêu tả rõ nét cả ngoại hình và tính cách của Dế Mèn, đồng thời đó cũng là câu chuyện về bài học đầu tiên của Dế Mèn
2. Thân bài:
– Phân tích ngoại hình Dế Mèn:
+ Dế Mèn là một chú dế khỏe mạnh, cường tráng và có lối sống khoa học: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”, “chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng”.
– Phân tích tính cách Dế Mèn:
+ Dế Mèn là một chú dế tự tin, yêu đời và luôn tự hào về bản thân mình, luôn hãnh diện với bà con hàng xóm vì vẻ ngoại hình và sức mạnh của mình.
+ Dế Mèn tự cao, tự đắc, kiêu căng và xốc nổi
– Phân tích bài học đầu tiên của Dế Mèn:
+ Chỉ đến khi Dế Choắt thoi thóp, Dế Mèn mới ân hận nhận ra lỗi lầm, tuy vậy cũng nhờ có Dế Choắt mà Dế Mèn có được bài học quý giá: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn cũng mang vạ vào mình đấy”
3. Kết bài:
– Ý nghĩa nhân vật Dế Mèn: Bằng nghệ thuật miêu tả tài tình và bút pháp nhân hóa so sánh điêu luyện, nhà văn Tô Hoài đã cho người đọc thấy được chân dung sống động về một chú dế, bên cạnh đó còn rút ra những bài học sâu sắc trong cuộc sống, đó là phải luôn biết khiêm tốn, giúp đỡ người khác và khi mắc lỗi phải biết sửa chữa lỗi lầm.
Phân tích nhân vật Dế Mèn – Mẫu 1
Truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí” là một tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Đây là một câu chuyện đầy thú vị và hấp dẫn về hành trình phiêu lưu của Dế Mèn qua nhiều vùng đất của các loài vật khác nhau. Chương đầu tiên của chuyện là “Bài học đường đời đầu tiên” đã miêu tả rõ nét cả ngoại hình và tính cách của Dế Mèn, đồng thời đó cũng là câu chuyện về bài học đầu tiên của Dế Mèn.
Ngay phần mở đầu, nhà văn đã giới thiệu một cách chi tiết về chú dế này. Dế Mèn là một chú dế khỏe mạnh, cường tráng và có lối sống khoa học: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”, “chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng”. Dưới cái nhìn tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, kĩ lưỡng, Tô Hoài đã tái hiện chân chung của một chàng dế thanh niên thật đẹp và sinh động: thân hình cường tráng, đôi càng mẫm bóng, những vuốt ở chân và ở khoeo cứng và nhọn hoắt “chỉ cần lia qua là những ngọn cỏ đã ngã rạp xuống”…
Dế Mèn luôn tự tin về bản thân mình, mỗi bước đi của cậu trở nên “trịnh trọng, khoan thai”, cho ra cái dáng điệu của “con nhà võ”. Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả hình dáng bên ngoài của Dế Mèn, nhà văn còn đi sâu vào tính cách của chú dế này, cho người đọc cảm nhận một chú dế nhỏ bé cũng có những nét tính cách khác nhau. Dế Mèn là một chú dế tự tin, yêu đời và luôn tự hào về bản thân mình, luôn hãnh diện với bà con hàng xóm vì vẻ ngoại hình và sức mạnh của mình. Nhưng chính từ sự tự hào và tự tin thái quá của tuổi trẻ mà Dế Mèn lại trở thành kiểu tự cao, tự đắc, kiêu căng và xốc nổi.
Dế Mèn đem cái sức mạnh của mình đi để chòng ghẹo hàng xóm chứ không phải là giúp đỡ, hàng xóm chỉ là nhường nhịn không thèm chấp với Mèn nhưng chú lại nghĩ đó là họ sợ mình, không ai dám đối đầu với mình. Chính vì thế sự ảo tưởng ngông cuồng của Dế Mèn lại càng được đà đẩy lên cao, bản thân tự cho mình là “một tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Rồi chính bản tính kiêu căng, hống hách và ngông cuồng ấy của Dế Mèn đã để lại cho chú dế một bài học nhớ đời, bài học đắt giá ấy đã đánh đổi bằng cả mạng sống của anh bạn hàng xóm là Dế Choắt.
Trái ngược hoàn toàn với Dế Mèn, Dế Choắt là một kẻ gầy gò, ốm yếu, bộ dạng không có sức sống lại không có sức làm, Dế Mèn là hàng xóm nhưng lại chỉ biết chê bai, khinh bỉ, khi Dế Choắt nhờ giúp cũng chẳng bận tâm. Bản tính ngông cuồng của Dế Mèn đã nảy ra ý tưởng trêu chị Cốc, hắn rủ Dế Choắt nhưng Dế Choắt thì sợ không dám, còn căn ngăn nhưng không được. Sau khi trêu chị Cốc, Dế Mèn thì chui tọt vào hang sâu của mình lẩn trốn, mà đâu ngờ người bị chị Cốc tóm được lại là Choắt, Dế Choắt đã gánh chịu mọi hậu quả từ trò đùa dại dột của Dế Mèn. Chỉ đến khi Dế Choắt thoi thóp, Dế Mèn mới ân hận nhận ra lỗi lầm, tuy vậy cũng nhờ có Dế Choắt mà Dế Mèn có được bài học quý giá: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn cũng mang vạ vào mình đấy”.
Bằng nghệ thuật miêu tả tài tình và bút pháp nhân hóa so sánh điêu luyện, nhà văn Tô Hoài đã cho người đọc thấy được chân dung sống động về một chú dế, bên cạnh đó còn rút ra những bài học sâu sắc trong cuộc sống, đó là phải luôn biết khiêm tốn, giúp đỡ người khác và khi mắc lỗi phải biết sửa chữa lỗi lầm.
Phân tích nhân vật Dế Mèn – Mẫu 2
Dế Mèn phiêu lưu kí là truyện thiếu nhi đặc sắc nhất của nhà văn Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí là câu chuyện đầy thú vị, hấp dẫn về hành trình phiêu lưu của chú Dế Mèn qua nhiều vùng đất và thế giới của các loài vật khác, nhằm thể hiện khát vọng tươi đẹp của tuổi trẻ. Bài học đường đời đầu tiên là đoạn trích miêu tả sinh động vẻ đẹp ngoại hình của chàng dế mới lớn nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi, sau một lần ngỗ nghịch dại dột đáng ân hận suốt đời đã rút ra bài học đầu tiên cho chính mình.
Gia đình Dế Mèn có ba anh em, sau vài ngày hạ sinh mẹ Dế Mèn quyết định cho anh em nhà dế ra ở riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để Dế ta có thể thoải mái khám phá thế giới, trải nghiệm cuộc sống đầy màu sắc và thú vị.
Ngay đoạn văn mở đầu Tô Hoài đã cho người đọc thấy Dế Mèn cũng là người biết sống khoa học: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”, chính nhịp sinh hoạt đều đặn như vậy mà “Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng”. Bằng sự quan sát tỉ mỉ, kĩ lưỡng nhà văn đã tái hiện chân dung của một cậu chàng dế mới lớn thật đẹp đẽ, sinh động. Thân hình chú cường tráng, đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ ngày một cứng dần lên và nhọn hoắt chẳng khác nào một lưỡi kiếm, chỉ cần lia qua là những ngọn cỏ đã ngã rạp xuống. Đôi cánh dài, kín xuống tận chấm đuôi. Thân hình mang một màu nâu bóng mỡ, có thể soi gương được trông rất khỏe khoắn, chính vậy cậu chàng rất tự tin và nhận xét bản thân là rất ưa nhìn. Sợi râu dài, uốn cong, hàm răng đen nhánh như hai lưỡi máy làm việc, làm cho Dế Mèn càng tự hào hơn nữa về bản thân mình, bởi vậy mỗi bước đi của Mèn cũng trở nên trịnh trọng, khoan thai cho ra dáng kiểu cách con nhà võ.
Không dừng lại ở đó, qua các chi tiết miêu tả về ngoại hình Tô Hoài còn hé lộ những nét tính cách khác nhau của Dế Mèn. Mèn là thanh niên tự tin, yêu đời, luôn tự hào về bản thân, “hãnh diện” với bà con, hàng xóm về cặp râu dài uốn cong của mình, tự hào về vẻ đẹp khỏe khoắn với thân hình mang màu nâu bóng mỡ, răng như hai lưỡi liềm máy. Nhưng khốn nỗi, Mèn còn là một kẻ kiêu căng, xốc nổi, dám đi chòng ghẹo những người hàng xóm mà không biết rằng kì thực họ chỉ nhường nhịn và không muốn chấp với mình. Bản thân luôn tự cho rằng mình là một tay ghê gớm, “có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi” .
Bản tính kiêu căng, hống hách đã khiến cho Dế Mèn có bài học nhớ đời, bài học đắt giá ấy phải trả bằng mạng sống của người bạn hàng xóm – Dế Choắt. Dế Choắt là một kẻ gầy gò, ốm yếu (cái cánh ngắn hủn hoẳn, người dài lêu nghiêu như gã nghiện thuốc phiện, ăn ở luộm thuộm,…) đã có lần nhờ Mèn ta giúp đỡ, nhưng trái lại với sự khẩn cầu của mình, Choắt chỉ nhận được thái độ khinh thường và từ chối của Dế Mèn. Nhưng Dế Mèn không hề quan tâm đến chuyện ấy. Bản tính kiêu ngạo đã khiến Dế Mèn dám cả gan trêu chị Cốc và rủ Dế Choắt tham gia cùng. Sau những lời chọc ghẹo ngu dại của mình, Mèn ta chui vào hang sâu nằm khểnh mà không lường được trước rằng Dế Choắt lại là người phải gánh chịu hậu quả của trò đùa dại dột ấy. Chỉ đến khi nhìn thấy Dế Choắt tắt thở, lúc bấy giờ Dế Mèn mới ân hận, nhưng sự ân hận đã quá muộn màng. Trước khi chết Dế Choắt có nói: “ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn cũng mạng vạ vào mình đấy” . Câu nói vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời Dế Choắt đã làm cho Dế Mèn thức tỉnh, rút ra bài học sâu sắc cho bản thân về thái độ sống, về lòng tốt với những người xung quanh, và về tình bạn chân thành.
Nghệ thuật nhân hóa tài tình, với óc tưởng tưởng phong phú, những hình ảnh so sánh độc đáo, giàu chất tạo hình. Ngoài ra, vốn ngôn từ đa dạng với hệ thống động từ, tính từ phong phú, sinh động cùng với lời kể dung dị, tự nhiên, như lời ăn tiếng nói hàng ngày “con nhà võ” “mưa dầm sùi sụt” … tác giả đã làm nổi bật chân dung cũng như tính cách của Dế Mèn.
Bằng nghệ thuật miêu tả tài tình, bút pháp nhân hóa, so sánh điêu luyện, qua nhân vật Dế Mèn, Tô Hoài không chỉ cho ta thấy chân dung của một cậu chàng thanh niên khỏe mạnh cường tráng, tự tin. Mà còn để lại cho người đọc những bài học sâu sắc trong cuộc sống: sống ở đời phải biết khiêm nhường, luôn quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, khi mắc lỗi sai phải biết hối cải và sửa chữa những lỗi lầm đó.
Phân tích nhân vật Dế Mèn – Mẫu 3
“Dế Mèn phiêu lưu kí” là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi (truyện đồng thoại). Trong truyện, Dế Mèn là nhân vật chính đã trải qua những cuộc phiêu lưu lí thú, đầy mạo hiểm. Sự trải nghiệm cuộc đời của Dế Mèn, những bài học mà Dế Mèn rút ra qua bao nhiêu hiểm nguy sóng gió chính là hành trang để Mèn bước vào đời và trỏ thành một chàng Dế cao thượng. Chính vì thế, có thể nói rằng cuộc đời của Dế Mèn là một bài học lớn : đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Từ những ngày đầu, Dế Mèn được mẹ cho ra ở riêng, sống độc lập đế sau này ra đời khỏi bỡ ngỡ, Dế Mèn đã thấy được cuộc sống phức tạp như thế nào! Những suy nghĩ đầu tiên của chú là ý thức được rằng khổ quá, những kể yếu đuối vật lộn cật lực mà cũng không sống nổi. Thế nhưng một sự kiện đau lòng xảy ra và là một bài học lớn cho Dế Mèn. Đó là cái chết của Dế Choắt. Lần đầu tiên trong đời, Dế Mèn gây ra tội lỗi. Chỉ vì sự trêu chọc của chú với chị Cốc mà Dế Choắt chết oan. Những lời nói cuối cùng của Dế Choắt ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy đã là bài học đường đời đầu tiên mà Dế Mèn không thể nào quên. Nó ám ảnh Dế Mèn suốt đời về thói hung hăng, không biết suy nghĩ của tuổi trẻ. Những giọt nước mắt hối hận của Dế Mèn cũng là sự thức tĩnh lương tâm trên chặng đường vào đời của Mèn. Rồi sự sôi nổi, bồng bột của Mèn tưởng có thế làm lu mờ biến cố đầu tiên ấy. Nhưng cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của Dế Mèn khi bị bọn trẻ bắt làm đồ chơi với sự xuất hiện của anh Xén Tóc đã làm cho Mèn thêm một bài học nữa.
Dế Mèn đã biến mình thành một thứ trò chơi cho bọn trẻ con mà không hề hay biết. Mèn rất tự hào và kiêu hãnh ở vị trí của một con dế cụ bách chiến bách thắng, nông cạn và không biết suy nghĩ. Dế Mèn đã trở nên nhỏ bé, ích kỷ và tàn nhẫn. Nó thẳng tay đánh cả những con dế nhỏ bé, yếu đuối để đổi lấy những lời khen ngợi làm Mèn phổng mũi. Thế rồi! Theọ quy luật của cuộc đời, những kẻ hay cậy sức đi áp bức kẻ khác thì sẽ có kẻ mạnh hơn trị lại. Dế Mèn đã được anh Xén Tóc thức tình. Hai cái râu cụt là bài học đích đáng cho Mèn. Dế Mèn đã hiểu ra, nhận thức được lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa chữa. Cuộc đời này tuy không thuận lợi, dễ dàng nhưng cũng đã đem đến cho Dế Mèn bao nhiêu là bài học. Mèn nhận thấy cần phải đi nhiều hon nữa: Đời trai mà không biết bay nhảy, không biết đi đó đi đây thì cuộc sống nhạt nhẽo lắm.
Trốn thoát, trở về quê, Dế Mèn trở thành một chàng trai đứng đắn, làm nhiều việc nghĩa, trừng trị những kẻ hay bắt nạt chị Nhà Trò yếu ớt. Sau bao lần lầm lỗi, với việc làm nhân nghĩa, Dế Mèn đã lớn lên rất nhiều và nhận ra ích lợi của việc “đi” trong cuộc đời. Cuộc phiêu lưu lần- thứ hai của Dế Mèn mà chú mong mỏi đã xảy ra, đem lại bao bài học, bao nhiêu tri thức mới mẻ thú vị trong cuộc đời. Đúng là càng đi, tầm mắt của Dế Mèn càng được mở rộng. Những cuộc phiêu lưu dũng cảm đã náng Mèn lớn lên, dần dần hoàn thiện tính cách tốt đẹp của một thanh niên.
Nhưng trong cuộc sống không ít những kẻ thiển cận theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Đó là người anh trai của Dế Mèn sống cuộc đời vô nghĩa, nhàm chán, “đớn hèn” và ốm yếu. Người anh cả tuy khoẻ mạnh, khá giả nhưng chỉ quanh quẩn bắt nạt những kẻ khác. Đó cũng chính là bài học của sự “không đi”. Ngạo mạn, khinh bỉ những kẻ không muốn mở mang trí óc, Dế Mèn lại ra đi. Lần này ra đi, Dế Mèn lại có thêm người bạn đồng hành là Dê, Trũi. Trũi tính tình cũng thẳng thắn và hay đi đây đó. Trải bao sóng gió Mèn đã “lớn lên” thực sự, nhất là sau mười ngày lênh đênh trên nước, không ăn. Mười ngày đáng nhớ đem đến cho Mèn ý thức yêu mến cuộc sống, tinh thần vươn lên để chống trọi khó khăn đôi khi tưởng không chịu nối ở đời. Dế Mèn hiểu được sức mạnh của tình bạn, của lòng kiên trì, và niềm lạc quan tin tưởng.
Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn còn đánh dấu những giây phút thiêng liêng của tình bạn. Dế Mèn bằng tất cả sức mình, cứu Trũi thoát khỏi cái chết, điều mà trước đây, Mèn đã không thể làm được với Dế Choắt. Chính cuộc đời này, chính cuộc hành trình trên đường đời đã rèn luyện để Mèn có một trái tim cao thượng. Hành động anh hùng, lòng nhân ái nơi Mèn là ở sự phát triển nhân cách cao nhất sau những chuyến đi ấy.
Những trang cảm động nhất của Tô Hoài là những trang miêu tả tâm trạng Dế Mèn thương nhớ Trũi. Với tình cảm chân thành và lòng tin tưởng vào cuộc sống, Mèn đã chiến thắng. Sau bao chặn đường chông gai vất vả, Mèn và Trũi lại được gặp nhau. Sự hoàn thiện tính cách của Trũi cũng được hoàn thiện sau chuyên đi này. Trũi không còn bồng bột nữa, đã trở thành “người” chín chắn sau chuyên phiêu lưu thứ hai. Tất cả Dế Mèn, Dế Trũi, Xén Tóc đã trở thành những “người” có tâm hồn đầy nhân ái, tấm lòng cao thượng và trái tim dũng cảm. Dế Mèn đã rút ra được nhiều bài học thấm thìa qua bao nhiêu “ngày đàng”. Mèn và các bạn đã lớn lên cả về thể xác và tâm hồn. Cuộc phiêu lưu thứ ba là sự nối tiếp của tính cách ham học hỏi hiểu biết của Dế Mèn, với mục đích cao quí hơn đó là làm “sứ giả hoà bình”.
Câu tục ngữ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn đã được chứng minh thật sống động qua tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” mà tập trung cao độ ở nhân vật Dế Mèn.
Nhân vật Dế mèn trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí” là một nhân vật văn học quen thuộc, thân yêu của các em thiếu nhi. Qua những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn, ta nhận ra rằng: trường đại học chân chính nhất để rèn luyện con người chính là cuộc đời. Trải qua những cuộc phiêu lưu mạo hiếm với đường đời đã giúp Dế Mèn thực sự trở thành một chàng dế “bình thường” chứ không “tầm thường” với trái tim “nhân ái, cao thượng”. Đó cũng chính là con đường mà mỗi chúng ta đã và sẽ đi.