Các phương thức biểu đạt trong văn bản, Các phương thức biểu đạt trong văn bản là kiến thức quan trọng giúp ích cho học sinh khi làm một bài văn. Mời bạn đọc tham
Khi làm một bài văn, học sinh cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng phương thức biểu đạt sao cho hợp lí.
Chính vì vậy, Tài Liệu Học Thi muốn giới thiệu tài liệu tổng hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản, nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về các phương thức biểu đạt trên.
Xem Tắt
I. Một số kiến thức chung
– Văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp.
– Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)…
– Phương thức biểu đạt là cách mà người viết, người nói truyền tải những thông điệp đến với người đọc, người nghe nhằm thể hiện những tâm tư, những suy nghĩ, tình cảm của chính người nói, người viết.
– Có 6 phương thức biểu đạt chính: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính công vụ.
II. Các phương thức biểu đạt
STT |
Kiểu văn bản, phương thức biểu đạt |
Mục đích giao tiếp |
Ví dụ |
1 |
Tự sự |
Trình bày diễn biến sự việc |
Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thủy Tinh… |
2 |
Miêu tả |
Tái hiện trạng thái sự vật, con người |
Tả một người thân mà em yêu quý, tả một loài hoa mà em yêu thích… |
3 |
Biểu cảm |
Bày tỏ tình cảm, cảm xúc |
Ca dao, dân ca, thơ tình… |
4 |
Nghị luận |
Nêu ý kiến đánh giá, bình luận |
Thành ngữ, Tục ngữ, Tuyên ngôn độc lập… |
5 |
Thuyết minh |
Giới thiệu đặc điểm, tính chất, phương pháp |
Thuyết minh về chiếc nón lá, thuyết minh về con trâu… |
6 |
Hành chính – công vụ |
Trình bày ý muốn, quyết định nào đó, thể hiện quyền hạn, trách nhiệm giữa người và người |
Đơn xin việc, Quyết định kỷ luật, Báo cáo kết quả học tập… |
III. Các loại văn bản tương ứng
1. Văn bản tự sự
– Là trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, một ý nghĩa.
– Ví dụ: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh Thủy Tinh…
2. Văn bản miêu tả
– Là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh… làm cho những cái đó hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.
– Ví dụ: Tả một người thân mà em yêu quý, tả một loài hoa mà em yêu thích…
3. Văn bản biểu cảm
– Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.
– Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình, bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút…
– Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn.
– Ngoài cách biểu cảm trực tiếp qua tiếng kêu, lời than… văn biểu cảm còn sử dụng các bộ lộ gián tiếp thông qua biện pháp tự sự, miêu tả để khêu gợi tình cảm.
– Ví dụ: Cảm nghĩ về người mẹ thân yêu, Cảm nghĩ về cuốn sách em yêu thích, Cảm nghĩ khi về một loài cây em yêu thích, Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền quê em…
4. Văn bản nghị luận
– Nghị luận là xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó.
– Văn nghị luận có luận điểm, luận cứ rõ ràng, chính xác và lập luận thuyết phục.
– Ví dụ: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng), Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)…
5. Văn bản thuyết minh
– Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và các sự vật trong tự nhiên xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
– Tri thức trong văn bản thuyết minh đòi hỏi khách quan, xác thực và hữu ích cho con người.
– Văn bản thuyết minh cần được trình bày chính xác, rõ ràng và chặt chẽ.
– Ví dụ: Thuyết minh về chiếc áo dài, Thuyết minh về con trâu, Thuyết minh về nón lá…
6. Văn bản hành chính – công vụ
– Là loại văn bản dùng để truyền đạt những nội dung và yêu cầu nào đó từ cấp trên xuống hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.
– Được trình bày theo một số mục nhất định:
- Quốc hiệu tiêu ngữ
- Địa điểm, ngày tháng làm văn bản
- Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản
- Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản
- Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo
- Chữ ký, họ tên người gửi văn bản
– Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt hành chính – công vụ: Các nghị định của nhà nước, thông tư được ban hành, văn bản báo cáo trong các công ty, các hợp đồng thuê, mua bán, sở hữu…
IV. Cách nhận biết các phương thức biểu đạt
1. Tự sự
Các yếu tố quan trọng trong một văn bản tự sự:
– Nhân vật
– Cốt truyện, sự kiện.
– Trình tự kể: theo thời gian, không gian, tâm tưởng, kết hợp thời gian, không gian…
– Phương thức trần thuật (ngôi kể)
2. Miêu tả
– Sử dụng nhiều động từ, tính từ, các biện pháp tu từ.
– Thường có những câu văn diễn tả hình dáng bên ngoài, hay thế giới nội tâm của con người; hoặc tái hiện lại cảnh vật, đặc điểm sự vật.
3. Biểu cảm
– Có nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình.
– Mang đậm dấu ấn chủ quan của người viết.
4. Thuyết minh
– Ngôn ngữ sáng rõ, cụ thể, trong sáng, câu văn gãy gọn, có thể sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê…)
5. Nghị luận
– Bao gồm luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng
– Bố cục chặt chẽ, lập luận thuyết phục
6. Hành chính – công vụ
Một số mục bắt buộc phải có:
- Quốc hiệu tiêu ngữ
- Địa điểm, ngày tháng làm văn bản
- Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản
- Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản
- Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo
- Chữ ký, họ tên người gửi văn bản
V. Luyện tập
Câu 1. Cho biết các tên văn bản, đề bài sau thuộc kiểu văn bản và phương thức biểu đạt nào?
1. Đơn xin nghỉ học
2. Bánh chưng bánh giầy
3. Tả cô giáo mà em yêu quý
4. Thuyết minh về chiếc bút bi
5. Cảm nhận của em về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)
6. Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
Gợi ý:
1. Hành chính – công vụ
2. Tự sự
3. Miêu tả
4. Thuyết minh
5. Biểu cảm
6. Nghị luận
Câu 2. Cho các tình huống giao tiếp sau, hãy lựa chọn kiểu phương thức biểu đạt phù hợp:
1. Tường thuật lại diễn biến của hội thi học sinh thanh lịch.
2. Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của trường.
3. Bày tỏ lòng yêu mến với một ca sĩ nổi tiếng.
4. Đồng tình với ý kiến bảo vệ môi trường là nói không với rác thải nhựa.
5. Tả hình ảnh hoàng hôn trên biển.
6. Xin phép được sử dụng nhà thi đấu để tổ chức thi đấu cầu lông.
Gợi ý:
1. Tự sự
2. Thuyết minh
3. Biểu cảm
4. Nghị luận
5. Miêu tả
6. Hành chính – công vụ