35 đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4, 35 đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4 là tài liệu ôn tập và luyện thi học kỳ môn Tiếng Việt lớp 4 dành cho các em học sinh. Mời các
Đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4
Nhằm giúp các em học sinh ôn tập và củng cố kiến thức của môn Tiếng Việt trước khi bước vào kỳ thi học kì 2, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các em Bộ 35 đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 4. Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo.
Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 4 năm 2016 – 2017 theo Thông tư 22
Đề thi giữa học kì 2 môn Toán lớp 4 năm học 2016 – 2017
Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm học 2016 – 2017
35 ĐỀ ÔN LUYỆN TIẾNG VIỆT LỚP 4
ĐỀ 1
I. Đọc thầm và làm bài tập:
Câu chuyện về túi khoai tây
Vào một buổi học, thầy giáo tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên những người mình không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí, có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.
Sau đó thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi cùng bạn bè cũng phải mang theo.
Chỉ sau mộ thời gian ngắn, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tồi tệ hơn khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết chỗ khoai tây ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.
Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: “Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chụi ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà nó còn là một món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình.”
Lại Thế Luyện
Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
1. Thầy giáo mang tíu khoai tây đến lớp để làm gì?
a. Để cho cả lớp liên hoan.
b. Để giáo dục cho cả lớp một bài học về lòng vị tha.
c. Để cho cả lớp học môn sinh học.
2. Túi khoai tây đã gây ra điều gì phiền toái?
a. Đi đâu cũng mang theo túi khoai tây kè kè phiền toái.
b. Các củ khoai tây thối rữa, rỉ nước.
c. Cả hai ý trên.
3. Theo thầy giáo, vì sao nên có lòng vị tha, cảm thông với lỗi lầm của người khác?
a. Vì oán giận hay thù ghét người khác không mang lại điều gì tốt đẹp mà chỉ gây thêm phiền toái cho chúng ta.
b. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta troa tặng mọi người, mà đó còn là một món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình.
c. Cả hai ý trên.
4. Cách giáo dục của thầy giáo có điều gì thú vị?
a. Thầy tự mang khoai tây đến lớp mà không bắt bạn nào phải mua.
b. Thầy không bắt ai phải tha thứ nhưng bằng hình ảnh những củ khoai tây thối rữa, thầy đã giúp cả lớp hiểu ra giá trị của sự tha thứ, lòng vị tha và sự cảm thông với lỗi lầm của người khác.
c. Thầy không cho làm bài vào vở mà viết lên khoai tây.
5. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
a. Con người sống phải biết tha thứ cho nhau.
b. Con người sống phải biết thương yêu nhau.
c. Con người sống phải biết chia sẻ cho nhau.
II. Luyện từ và câu:
1. Từ nào sau đây có đủ cả ba bộ phận của tiếng?
a. ta b. oán c. ơn
2. Trong ba bộ phận của tiếng, bộ phận nào có thể không có?
a. Vần b. Thanh c. Âm đầu
3. Bộ phận âm đầu của tiếng “quà” là gì?
a. q b. qu c. Cả hai ý trên
4. Bộ phận vần của tiếng “oán” là gì?
a. oa b. an c. oan
5. Tiếng “ưa” có những bộ phận nào?
a. Âm đầu “ưa”, vần “a” , thanh ngang.
b. Âm đầu “ưa”, vần ưa”, không có thanh.
c. Không có âm đầu, vần” ưa”, thanh ngang.
III. Cảm thụ văn học:
Trong câu chuyện trên, người thầy giáo có nói: “Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà nó còn là một món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình.“
Theo em, vì sao thầy giáo lại cho rằng tha thứ lại chính là món quà tốt đẹp dành tặng cho chính bản thân chúng ta? Em hiểu lời nói của thầy giáo có ý nghĩa gì?
IV. Tập làm văn:
Em hãy kể lại Câu chuyện về túi khoai tây bằng lời kể của thầy giáo.
ĐỀ 2
I. Đọc thầm và làm bài tập:
SỰ SẺ CHIA BÌNH DỊ
“Đôi khi một cử chỉ nhỏ của bạn cũng có thể làm thay đổi
Hoặc tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.”
Tôi đứng xếp hàng ở bưu điện để mua tem gửi thư. Ngay sau tôi là một người phụ nữ với hai đứa con còn rất nhỏ. Hai đứa nhỏ khóc lóc, không chịu đứng yên trong hàng. Bà mẹ trông cũng mệt mỏi và nhếch nhác như mấy đứa trẻ. Thấy thế, tôi liền nhường chỗ của tôi cho bà. Bà cảm ơn tôi rồi vội vã bước lên.
Nhưng đến lượt tôi thì bưu điện đóng cửa. Khi đó tôi cảm thấy thực sự rất bực mình và hối hận vì đã nhường chỗ cho người khác. Chợt người phụ nữ quay sang tôi nói: “Tôi cảm thấy rất ái ngại! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ti điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi.”
Tôi sững người, không ngờ rằng chỉ đơn giản bằng một hành động nhường chỗ của mình, tôi đã giúp người phụ nữ ấy và hai đứa trẻ qua được một đêm giá rét. Tôi rời khỏi bưu điện với niềm vui trong lòng. Tôi không còn có cảm giác khó chịu khi nghĩ đến việc lại phải lái xe đến bưu điện, tìm chỗ đậu xe và đứng xếp hàng nữa mà thay vào đó là cảm giác thanh thản, phấn chấn.
Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm nhận được sự quan tâm của mình đến mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu biết quên mình đi và biết chia sẻ với người khác vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một cử chỉ nhỏ, bình dị của mình cũng có thể làm ấm lòng, làm thay đổi hoặc tạo nên sự khácc biệt và ý nghĩa cho cuộc sống của một người khác.
Ngọc Khánh
Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
1. Vì sao nhân vật “tôi” trong câu chuyện lại nhường chỗ xếp hàng cho mẹ con người phụ nữ đứng sau?
a. Vì thấy mình chưa vội lắm.
b. Vì người phụ nữ trình bày lí do của mình và xin được nhường chỗ.
c. Vì thấy hoàn cảnh của mẹ con người phụ nữ thật đáng thương.
2. Sau khi nhường chỗ, vì sao nhân vật “tôi” lại cảm thấy bực mình và hối hận?
a. Vì thấy mẹ con họ không cảm ơn mình.
b. Vì thấy mãi không đến lượt mình.
c. Vì bưu điện chỉ làm việc đến mẹ con người phụ nữ là họ đóng cửa.
3. Việc gì xảy ra khiến nhân vật “tôi” lại rời khỏi bưu điện với “niềm vui trong lòng”?
a. Vì biết rằng việc làm của mình đã giúp cho một gia đình tránh được một đêm đông giá rét.
b. Vì đã mua được tem thư.
c. Vì đã không phải quay lại bưu điện vào ngày hôm sau.
4. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
a. Cần phải biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người khác.
b. Muốn được người khác quan tâm, cần phải biết quan tâm giúp đỡ người khác.
c. Giúp đỡ người khác sẽ được trả ơn.
II. Luyện từ và câu:
1. Dấu hai chấm trong đoạn văn sau có tác dụng gì?
Chợt người phụ nữ quay sang tôi nói: “Tôi cảm thấy rất ái ngại! Chỉ vì nhường chỗ cho tôi mà cô lại gặp khó khăn như vậy. Cô biết không, nếu hôm nay tôi không gửi phiếu thanh toán tiền gas, thì công ti điện và gas sẽ cắt hết nguồn sưởi ấm của gia đình tôi.”
a. Báo hiệu bộ phận đứng sau dấu hai chấm là lời nói trực tiếp của nhân vật.
b. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau dấu hai chấm là lời giải thích cho bộ phận đứng trước nó.
c. Cả hai ý trên.
2. Các cụm từ có trong ngoặc đơn có thể điền vào chỗ trống nào trong đoạn văn sau:
Kể từ ngày hôm đó, tôi cảm nhận được………… đến mọi người có giá trị như thế nào. Tôi bắt đầu…………và …………….. vì tôi nhận ra đôi khi chỉ một ………………… của mình cũng có thể làm …………, làm……………… hoặc tạo nên sự khác biệt và ………………………………của một người khác.
(sự quan tâm của mình; biết quên mình đi; biết chia sẻ với người khác; cử chỉ nhỏ; bình dị; ấm lòng; thay đổi; ý nghĩa cho cuộc sống)
3. Nội dung câu chuyện trên phù hợp với câu tục ngữ nào dưới đây?
a. Ở hiền gặp lành.
b. Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
c. Thương người như thể thương thân.
III. Cảm thụ văn học:
Trong câu chuyện trên, nhân vật “tôi” nói rằng mình đã biết “quên mình đi”, em hiểu điều đó có ý nghĩa gì?
IV. Tập làm văn
Em hãy kể lại câu chuyện trên bằng lời của người phụ nữ có con nhỏ.