Soạn bài Người công dân số Một (Tiếp theo) trang 10, Soạn bài Người công dân số Một (Tiếp theo) trang 10 giúp các em dễ dàng chuẩn bị trước 4 câu hỏi bài tập đọc
Soạn bài Người công dân số Một (Tiếp theo) trang 10 giúp các em dễ dàng chuẩn bị trước 4 câu hỏi bài tập đọc Người công dân số Một (Tiếp theo), cũng như hiểu hơn được ý nghĩa của bài tập đọc lớp 5 tuần 19 Tiếng Việt 5 Tập 2 để chuẩn bị thật tốt bài trước khi tới lớp nhé.
Đồng thời, cũng giúp thầy cô giáo tham khảo, nhanh chóng soạn giáo án bài tập đọc Người công dân số Một (Tiếp theo) cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô cùng các em tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Tài Liệu Học Thi:
Xem Tắt
Tập đọc Người công dân số Một (Tiếp theo)
Bài đọc
Người công dân số Một
(tiếp theo)
Lê: – Phải, chúng ta là con dân nước Việt. Nhưng chúng ta sẽ làm được cái gì nào? cái gì nào? Súng kíp của ta mới bắn được một phát thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên. Những công dân yếu ớt như anh với tôi thì làm được gì?
Thành: – Tôi muốn đi sang nước họ. Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng khí chưa đủ, phải có trí, có lực… Tôi muốn sang nước họ, xem cách làm ăn của họ, học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình…
Lê: – Anh ơi, Phú Lãng Sa ở xa lắm đấy. Tàu biển chạy hàng tháng mới tới nơi. Một suất vé hàng ngàn đồng. Lấy tiền đâu mà đi?
Thành: – Tiền đây chứ đâu? (Xoè hai bàn tay ra) Tôi có anh bạn tên là Mai, quê Hải Phòng. Anh ấy làm bếp dưới tàu La-tút-sơ Tơ-rê-vin. Tôi đang nhờ anh ấy xin cho một chân gì đó….
Lê: – Vất vả lắm. Lại còn say sóng nữa…
(Có tiếng gõ cửa. Anh Mai vào.)
Mai: – (Với anh Lê) Chào ông. (Quay sang anh Thành) Anh Thành ạ, tôi đã xin được cho anh một chân phụ bếp.
Thành: – Cảm ơn anh. Bao giờ phải trình diện?
Mai: – Càng sớm càng tốt. Nhưng đêm nay anh hãy nghĩ kĩ đi đã. Vất vả, khó nhọc lắm đấy. Sóng Biển Đỏ rất dữ dội, có thể chết được. Mà chết thì người ta bỏ vào áo quan, bắn một loạt súng chào, rồi “A-lê hấp!”, cho phăng xuống biển là rồi đời.
Thành: – Tôi nghĩ kĩ lắm rồi. Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta…. Đi ngay có được không, anh?
Mai: – Cũng được.
(Thành cho sách vào túi quần áo, khoác lên vai.)
Lê: – Này… Còn ngọn đèn hoa kì…
Thành: – Sẽ có một ngọn đèn khác anh ạ. Chào anh nhé! (Cùng Mai đi ra cửa)
Lê: – Ch… ào!
(Tắt đèn)
Theo HÀ VĂN CẦU – VŨ ĐÌNH PHÒNG
Từ khó
- Súng thần công: súng lớn thời xưa, đặt trên bệ cố định hoặc trên giá có bánh xe, có đoạn bằng đá, đồng hoặc gang, hình cầu, được nạp từ miệng nòng; tầm bắn xa khoảng hơn 200 mét
- Hùng tâm tráng khí: lòng quả cảm và khí phách mạnh mẽ
- Tàu la-tút-sơ Tơ-rê-vin: một tàu buôn của người Pháp. Trên chiếc tàu này, năm 1911, Bác Hồ rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.
- Biển Đỏ(còn gọi là Hồng Hải) biển thuộc Ấn Độ Dương, nước có sắc đỏ.
- A-lê-hấp(tiếng Pháp): lời thúc giục hành động.
Hướng dẫn đọc
- Đọc đúng các từ khó: La-tút-sơ Tơ-rê-vin, Biển Đỏ, A-lê-hấp.
- Đọc lưu loát toàn bài.
Hướng dẫn giải phần Tập đọc SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 11
Câu 1
Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ có gì khác nhau?
Trả lời:
Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ vẫn có điểm khác nhau. Điểm khác nhau giữa anh Lê và anh Thành là:
Anh Lê: có tâm lí tự ti, cam chịu cảnh sống nô lệ, vì cảm thấy mình yếu đuối, nhỏ bé trước sức mạnh vật chất của kẻ xâm lược.
Trái lại, anh Thành không cam chịu, rất tin tưởng vào con đường mình đã chọn: ra nước ngoài học cái mới để về cứu dân, cứu nước.
Câu 2
Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ nào?
Trả lời:
Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ:
– Lời nói:
+ Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng khí chưa đủ, phải có trí, có lực… Tôi muốn sang nước họ…. học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình…
+ Làm thân nô lệ… yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta…. Đi ngay có được không anh?
+ Sẽ có một ngọn đèn khác anh ạ.
– Cử chỉ: xòe bàn tay ra: “Tiền ở đây chứ đâu?”
Câu 3
“Người công dân số Một” trong đoạn kịch là ai? Vì sao có thể gọi như vậy?
Trả lời:
Người công dân số một trong đoạn kịch là Nguyễn Tất Thành vì ý thức là công dân của một nước Việt Nam độc lập được thức tỉnh rất sớm ở Người. Với ý thức này Nguyễn Tất Thành đã ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho đất nước.
Câu 4
Đọc phân vai theo các nhân vật trong đoạn kịch.
Trả lời:
Con làm theo yêu cầu của bài tập.
Ý nghĩa bài Người công dân số Một (Tiếp theo)
Ca ngợi lòng yêu nước, tầm nhìn xa và quyết tâm cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.