Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm (Dàn ý + 7 mẫu), Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm là một đề bài hay và có tính mở để học sinh có thể thoải mái đưa ra những bình
Cùng với lòng nhân ái, vị tha, đức tính trung thực, lòng dũng cảm luôn là điều mà mỗi nhân cách chân chính luôn cố gắng vươn tới. Nhưng có phải tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về phẩm chất cao cả này?
Sau đây Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 10 tài liệu Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm. Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 7 bài văn mẫu được chúng tôi tuyển chọn từ bài làm hay nhất của học sinh trên toàn quốc. Ngoài ra bạn đọc tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác tại chuyên mục Văn 10. Chúc các bạn học tốt.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý nghị luận xã hội về lòng dũng cảm
- 2 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 1
- 3 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 2
- 4 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 3
- 5 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 4
- 6 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 5
- 7 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 6
- 8 Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 7
Dàn ý nghị luận xã hội về lòng dũng cảm
Dàn ý chi tiết số 1
A. Mở bài:
– Giới thiệu được vấn đề nghị luận lòng dũng cảm
– Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người.
– Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm.
B. Thân bài:
+ Giải thích được : Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa
+ Khẳng định và chứng minh: Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại:
– Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ( lấy dẫn chứng)
– Ngày nay: trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm ( nêu một vài tấm gương tiêu biểu của chiến sĩ cảnh sát, bộ đội…)
– Trong cuộc sống hàng ngày: cứu người bị hại, gặp nạn
+ Mở rộng, liên hệ thực tế: Liên hệ tình hình biển Đông hiện nay, lòng dũng cảm của các chiếnsĩ cảnh sát biển. đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
+ Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
+ Bài học nhận thức và hành động của bản thân:
– Liên hệ bản thân đã dũng cảm trong những việc gì…
+ Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ khuyết điểm của bạn
+ Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc
C. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận
Cuộc sống ngày càng khó khăn, để tồn tại con người phải đối diện với rất nhiều thử thách, gian nan. Nếu không có đủ nghị lực và nếu không có lòng dũng cảm, chúng ta sẽ rất khó có được sự thành công trong cuộc sống. Dũng cảm là một phẩm chất mà chúng ta có thể bồi dưỡng thông qua rèn luyện
Dàn ý chi tiết số 2
1. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm.
2. Thân bài:
a) Định nghĩa về lòng dũng cảm
– Là dám làm một việc gì đó mà không sợ nguy hiểm, khó khăn.
– Là một phẩm chất quan trọng mà mỗi người cần có để chung sống với cộng đồng.
– Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa
b) Những biểu hiện đẹp của lòng dũng cảm
– Trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tuổi xuân và tính mạng của mình cho độc lập tự do của dân tộc. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều những hành động dũng cảm: cứu người hoạn nạn, truy bắt tội phạm, tố cáo tiêu cực…
– Những con người dũng cảm luôn vượt lên trên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, họ được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh.
– Trong xã hội ngày nay, lòng dũng cảm không ngừng đứng trước những thử thách hiểm nguy, những sự mặc cảm cả của các thế lực đen tối, con người phải cân nhắc nhiều hơn khi hành động, tuy vậy vẫn có vô số tấm gương về lòng dũng cảm đáng ngợi ca.
c) Những tiêu chí để trở thành người dũng cảm
– Phải có bản lĩnh, niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, chân lí, vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
– Phải biết nhận thức, đánh giá đúng về cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai…
– Trên cơ sở của nhận thức đúng, phải vững tin vào hành động để bảo vệ chân lí, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
– Như vậy người dũng cảm không đơn thuần là người có hành động xả thân, mà còn phải là người biết xả thân vì lẽ phải, vì chính nghĩa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
d) Giá trị của lòng dũng cảm
– Lòng dũng cảm trở thành một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá nhân cách con người. Hồ Chí Minh đã căn dặn các thế hệ học sinh phải có lòng dũng cảm để sống tốt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Trong cuộc sống hàng ngày: cứu người bị hại, gặp nạn,…
e) Bàn luận mở rộng
+ Liên hệ tình hình biển Đông hiện nay, lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
+ Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí.
+ Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
g) Bài học nhận thức và hành động
– Liên hệ bản thân đã dũng cảm trong những việc gì…
– Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ khuyết điểm của bạn
– Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Dũng cảm là một đức tính vô cùng cần thiết trong cuộc sống, vì vậy chúng ta cần rèn luyện lòng dũng cảm để trở thành một người công dân có ích cho đất nước, đồng thời xây dựng một cuộc sống, xã hội ngày càng tươi đẹp.
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 1
Cùng với lòng nhân ái, vị tha, đức tính trung thực, lòng dũng cảm luôn là điều mà mỗi nhân cách chân chính luôn cố gắng vươn tới. Nhưng có phải tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về phẩm chất cao cả này?
Con người có muôn vàn điều tốt đẹp và lòng dũng cảm chính là một nét phẩm chất cao quý trong nhân cách đạo đức con người. Thực ra không khó để nhận diện nó bởi từ thuở bé thơ, ai cũng từng được biết đến lòng dũng cảm qua những nhân vật cổ tích, thần thoại đáng yêu như chú lính chì, chú bé Tí hon, Thánh Gióng. Tên gọi khác của lòng cũng cảm là sự quả cảm, kiên cường, anh hùng – lòng dũng cảm gần gũi với nghị lực, với ý chí sắt đá. Nó hoàn toàn đối lập với sự hèn nhát, khiếp hãi. Lòng dũng cảm tôn vinh nhân cách con người trong khi đó, sự đớn hèn lại hạ bệ con người xuống vực sâu của sự thảm bại, đáng thương.
Tất nhiên, không phải lúc nào lòng dũng cảm của con người cũng lộ diện. Nếu cuộc sống của mỗi người chỉ toàn những điều bình yên, may mắn, tốt đẹp thì có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết đến, cần đến lòng dũng cảm. Một em bé đang sang đường, cùng lúc đó, chiếc ô tô tải cũng chuẩn bị lao tới. Ngay lập tức, một cậu thanh niên nhanh nhẹn băng mình đẩy em bé đó ngã nhanh về phía bên kia đường. Em bé được cứu sống trong tích tắc. Khi Bác Hồ đến thăm lớp mẫu giáo và chia kẹo cho các bạn nhỏ, cậu bé Tộ không chìa tay để nhận kẹo của Bác vì em tự nhận thấy mình chưa ngoan, còn mắc lỗi khiến cô giáo quở trách.
Những mẩu chuyện nhỏ đó cho chúng ta thấy về lòng dũng cảm. Và bất cứ ai cũng đều có thể nhận thấy rằng chỉ trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, những thử thách, gian truân, lòng dũng cảm mới có điều kiện bộc lộ qua những hành động cụ thể. Người mang trong mình phẩm chất cao quý đó là người không e ngại vất vả, hi sinh, họ luôn nhanh nhẹn ứng phó và biết quên mình trong các tình huống hiểm trở để khẳng định lẽ phải, sự công bằng, khẳng định cái thiện, bênh vực cái yếu. Hình ảnh chú bé liên lạc trong bài thơ Lượm (Tố Hữu) băng mình qua mưa bom bão đạn, cô gái thanh niên xung phong “lấy thân mình hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ), hình ảnh ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, người chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai chẳng phải là những biểu tượng tuyệt đẹp của lòng dũng cảm đó sao? Lòng dũng cảm còn hiện diện trong những hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ công an đang ngày đêm gìn giữ trật tự an ninh cho đất nước. Nó có mặt ở cả sự không ngừng vươn lên của những con người phải sống trong bệnh tật, đói nghèo. Nó nằm trong hành động lao mình vào dòng xoáy nước dữ dội để giành lại đứa em thơ từ tay thần chết. Thực sự không có chiếc túi thần kì nào có thể chất chứa cho hết lòng dũng cảm của nhân loại, không giấy bút nào có thể lưu danh cho hết những con người mang trong mình nét nhân cách cao đẹp đó.
Con người luôn cần và luôn hướng tới cái đẹp – đó là quy luật của cuộc sống. Cùng với những phẩm chất cao quý khác của nhân cách con người, lòng dũng cảm cần được giữ gìn, vun đắp để nó tồn tại mãi trong cuộc đời này. Lý do nào khiến mỗi người phải nhận thức rõ ràng về điều đó?
Cuộc sống con người vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, dễ dãi. Không phải khi nào chúng ta cũng “thuận buồm xuôi gió” trong mọi công việc, mọi hành động. Khó khăn, bất trắc là những điều chúng ta không thể không đối mặt. Chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo là kẻ thù truyền kiếp của loài người. Con người có thể tồn tại, phát triển như ngày nay không thể không kiên cường đối diện với chúng. Nghị lực là yếu tố đầu tiên mỗi người cần có nhưng lòng dũng cảm mới là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định sự chiến thắng hay thất bại. Dũng cảm để chiến đấu nên nhân dân Việt Nam mới giành chiến thắng trước những tên đế quốc sừng sỏ như Pháp, Mĩ, mới được sống cuộc đời độc lập, tự do thực sự. Dũng cảm thế chấp nhà đất đỏ vay vốn ngân hàng nên nhiều hộ nông dân Việt Nam mới thoát khỏi cảnh nghèo đói, khổ cực. Dũng cảm đối diện với bệnh tật nên Nguyễn Ngọc Kí mới trở thành người thầy giáo mẫu mực như chúng ta vẫn thấy. Lòng dũng cảm là động lực đưa con người đứng cao hơn hoàn cảnh, đứng lên trên những khó khăn, gian khổ, thậm chí mất mát, hi sinh trong cuộc sống. Không có nó, có lẽ con người luôn bị nhấn chìm trong tiếng khóc oán thán, trong nỗi đau, trong sự thảm hại khôn cùng.
Hiển nhiên, không phải suốt cuộc đời lúc nào chúng ta cũng phải đối phó với những tai ương, bất trắc. Ý nghĩa cuộc sống con người còn nằm ở việc sáng tạo, khám phá những điều mới mẻ xung quanh. Nếu Cô-lôm-bô không mạo hiểm đưa con tàu của mình đến châu Mĩ, liệu rằng chúng ta có thể biết đến những người thổ dân da đỏ nơi đây? Nếu Ga-ga-rin không bay vào vũ trụ, nếu các phi hành gia không thám hiểm các hành tinh khác, liệu rằng loài người có bao giờ biết đến những điều mới lạ bên ngoài Trái Đất của mình? Nếu Ê-đi-xơn không có những vụ nổ kinh hoàng trong phòng thí nghiệm, liệu rằng nhà bác học này có thể phát minh ra nhiều điều kì diệu cho nhân loại đến thế? Lòng dũng cảm là một trong các nhân tố khiến họ dám thực thi những điều chưa từng có tiền lệ. Mấy thế kỉ qua, loài người đã làm được bao nhiêu điều bất ngờ. Nếu không có lòng dũng cảm, chân trời hiểu biết của con người có thể rộng mở đến thế? Như vậy, lòng dũng cảm cần có để con người khám phá thêm cho cuộc sống này những điều mới lạ, bổ ích, để cuộc sống nhân loại không nhàm chán, tẻ nhạt mà ngày càng giàu có hơn, phong phú hơn.
Ai đó từng nói: “Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình”. Điều đó hoàn toàn chính xác bởi con người thường không dám thừa nhận, không dám trực diện đối mặt với những khuyết điểm của chính bản thân. Chẳng thế mà Kinh Phật đã bàn về một thói xấu của con người: “Lỗi người ta tìm bới/ Như sàng trấu trong gạo/ Còn lỗi mình giấu biệt/ Như kẻ gian giấu bài”. Chẳng thế mà xưa kia các nhà nho chân chính thường tự răn mình: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao tinh thần phê và tự phê của các cán bộ cách mạng nói riêng và của mỗi người dân nói chung. Nhưng quả thực không dễ dàng để mỗi chúng ta có thể tự giác nhận thức được lỗi lầm của mình. Có thể vì sợ hãi hoặc vì thành tích mà đôi khi chúng ta không dám thừa nhận những thói xấu, những nhược điểm. Đó là vì chúng ta không có lòng dũng cảm, không dám chịu trách nhiệm với chính bản thân. Nhất thời, điều đó có thể không gây hại nhưng về lâu dài, nó nhất định ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con người trong cuộc sống. Những người hèn nhát như thế sẽ không thể nào gặt hái được thành công, không thể có hạnh phúc trọn vẹn được. Chỉ khi nào dũng cảm nhận ra những lỗi lầm của mình, con người mới có cơ hội hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách đạo đức của chính mình.
Lòng dũng cảm giúp nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn Bức tranh (Nguyễn Minh Châu) nhìn nhận được phần thiếu sót, sai lầm trong hành động của mình. Lòng dũng cảm khiến các bạn học sinh không ngại ngần viết vào bản tự kiểm điểm cá nhân những tồn tại trong quá trình học tập và rèn luyện đạo đức. Hành trình hoàn thiện nhân cách của mỗi con người không thể không có mặt lòng dũng cảm. Mỗi chúng ta chỉ có thể sống tốt hơn, cuộc sống của chúng ta chỉ ý nghĩa hơn khi mỗi người nhận thức một cách cao độ về lòng dũng cảm trong chính bản thân.
Thực ra, trước những vấn đề mang tính xã hội, mỗi người chỉ có thể góp phần sức lực nhỏ bé của mình. Muốn lòng dũng cảm trở thành tinh thần dân tộc, tinh thần nhân loại, trước hết toàn thể cộng đồng phải ngợi ca, nêu cao nó để mọi người có thể noi gương học tập. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện cảm động về tinh thần dũng cảm vẫn được kể lại. Chỉ cần gõ ba chữ “lòng dũng cảm” lên trang web Google chúng ta có thể nhận được hàng trăm bài viết trên các báo điện tử có nội dung đó. Biện pháp tuyên truyền này sẽ góp phần xây dựng trong lòng mỗi người ý thức về tinh thần quả cảm, kiên cường. Tất nhiên việc ngợi ca, nêu gương đó phải đi liền với thái độ phê phán, thậm chí lên án những hành động hèn nhát, yếu đuối của con người. Có như vậy, nhận thức về lòng dũng cảm mới đầy đủ, toàn diện.
Với tư cách cá nhân, mỗi người cũng cần tự giác rèn luyện cho mình lòng dũng cảm. Điều này cực kì quan trọng bởi nó có ý nghĩa trước hết với chính cuộc sống của chúng ta. Trước khi vị tha, lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vững vàng trước những khó khăn trong cuộc sống của chính mình. Dám đương đầu với tất cả những thách thức trong học tập, rèn luyện đạo đức là cách tốt nhất để chúng ta gây dựng lòng dũng cảm cho bản thân. Chiến thắng sự cám dỗ của những trò chơi điện tử, của thói bạo lực trong học đường lẽ nào không cần đến lòng dũng cảm? Nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” lẽ nào không cần tinh thần dũng cảm? Những trở lực trong học hành, thi cử, những áp lực tinh thần từ xã hội, gia đình, bản thân sẽ giúp những người có lòng dũng cảm khẳng định được bản tính của mình.
Sự nỗ lực rèn luyện lòng dũng cảm của mỗi chúng ta không thể tách rời việc tự giác nhận thức, học tập, làm theo những tấm gương dũng cảm trong xã hội. Không học hỏi, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm, không thể nhanh nhạy trong cách ứng phó với các hoàn cảnh thử thách. Lòng dũng cảm cần được biến thành hành động và hành động đó phải mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta không thể lao xuống nước để cứu người bị nạn khi chúng ta không biết bơi. Trong những tình huống như thế, tỉnh thần dũng cảm cần được hỗ trợ bởi trí thông minh, sự nhanh nhẹn.
Thật khó tưởng tượng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không tồn tại lòng dũng cảm. Có lẽ bóng tối, cái ác, sự bất công tất cả những gì xấu xa nhất sẽ có cơ hội hoành hành, đàn áp con người. Trong bạn, lòng dũng cảm có ngự trị không? Hãy cố gắng giữ gìn, phát huy để nó mãi là một trong những nét đẹp trong nhân cách của chúng ta.
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 2
Cuộc sống là một cuộc hành trình mà trên đó con người sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Khó khăn trong việc chiếm lĩnh tri thức, khó khăn trong việc xử lí các mối quan hệ, thậm chí là khó khăn trong việc giữ gìn và bảo vệ cuộc sống. Vậy điều gì tạo nên sức mạnh cho con người tồn tại và sống tốt trong cuộc đời? Đó là lòng dũng cảm.
Dũng cảm nghĩa là có dũng khí vươn lên, đối đầu với nguy hiểm, khó khăn để làm những việc có ích cho cuộc sống của chính mình cũng như cho xã hội. Ta thấy những người dũng cảm có ở mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, có lòng nhân ái thiết tha nên sẽ là cơ sở để sinh ra lòng dũng cảm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã biết đến nhiều gương các anh hùng đã dũng cảm hi sinh thân mình để bảo vệ đất nước. Đó là những La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Lê Văn Tám. Các anh đã cho ta một bài học về sự dũng cảm. Biết đương đầu với hoàn cảnh, ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm sẽ làm nên những điều giá trị. Đứng trước quân thù tàn ác mà họ không bao giờ khuất phục, các chiến sĩ vẫn hô vang những khẩu hiệu cổ vũ đấu tranh giành độc lập. Hay những thiếu niên nhi đồng tuổi chưa đến chín mười, ra tay giết giặc diệt loài xâm lăng. Anh đội viên Kim Đồng rất dũng cảm, giặc đến nhà vẫn cố sức giấu cán bộ, anh ngã xuống mà không một tiếng kêu. Còn chú bé Lượm tuổi nhỏ mà vượt qua mặt trận, Đạn bay vèo vèo, không sợ nguy hiểm, đi vào chốn bom rơi lửa đạn mà vẫn vui tươi, yêu đời, đến khi ngã xuống mà chú vẫn còn cầm chắc trong tay ngọn lúa, vẫn giữ lòng dũng cảm. Phải có một tinh thần, một nghị lực, một lòng yêu nước lớn lao thì mới có những sự hi sinh, cống hiến như vậy.
Dũng cảm còn biểu hiện trong sự lựa chọn con đường đi cho mình, dù biết rằng con đường đó gian nan, là dao kề cổ súng kề thân. Là thân sống chỉ như một nửa, nhưng họ vẫn quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng. Vì họ có lòng tin vào lí tưởng của Bác, của Đảng Cộng sản, vào lòng tin của chính mình. Còn nhớ ngày nào chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mà chỉ đưa hai bàn tay ra mà nói: Đây! Tiền đây…Phải dũng cảm, sáng suốt lựa chọn lắm thì Người mới ra đi tìm đường cứu nước trong hoàn cảnh như vậy. Trên mặt trận ta có những anh hùng, trong lao động sản xuất ta cũng có những anh hùng lao động. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận hậu phương, dù không tay gươm tay súng nhưng họ có tay cuốc tay cày dũng cảm vẫn làm việc trong bom đạn ào ào dội xuống. Bà má Hậu Giang, những chị Hai năm tấn là những tấm gương về một hậu phương giỏi, một hậu phương dũng cảm kiên cường. Họ vừa phải chiến đấu, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ mà hậu phương giao phó, trong chiến tranh họ vẫn chắc tay súng, vững tay cầy.
Chiến tranh thường tạo nên những anh hùng, nhưng không phải chỉ chiến tranh mới có anh hùng. Ngay trong thời bình thì những tấm gương về người dũng cảm, về anh hùng thời đại mới cũng rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam còn là nước nghèo, mặc dù đã phát triển nhưng đời sống ở một số nơi vẫn còn khó khăn. Điều đặc biệt là những nơi khó khăn như vậy lại thường ươm mầm cho những sự vượt khó, sáng tạo. Và vì thế sự dũng cảm còn là sự vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để sống tốt hơn, con người biết vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Chúng ta đã chứng kiến nhiều những bạn tật nguyền nhưng không mặc cảm mà đã tự mình học tập, phấn đấu để trở thành những “hiệp sĩ” trong các ngành khoa học. Họ đã dũng cảm vượt lên số phận của mình để hòa nhập với cuộc sống xã hội. Nhiều thanh niên sau khi học ở thành phố đã quyết định đi lên những vùng khó khăn để làm kinh tế. Hay những cô giáo chịu bỏ lại cuộc sống đầy đủ của mình nơi đô thị phồn hoa để gánh cái chữ lên non dạy cho các em vùng cao. Tất cả đã hi sinh cuộc sống riêng tư của mình để cống hiến cho Tổ quốc. Hay một cậu bé đã nhảy vào dòng lũ để cứu bạn mình, đã làm chúng ta phải cảm động vô cùng.
Xã hội ta đang đứng trước nhiều tệ nạn, sự phát triển của các tệ nạn này càng lan rộng. Có những cá nhân lại thờ ơ lãnh đạm trước những tiêu cực đang diễn ra trước mắt mình. Nhưng cũng có người mạnh dạn tố cáo những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của bọn xấu. Chúng ta được biết đến một thầy giáo ở tỉnh Hà Tây đã đưa ra những tiêu cực trong thi cử tại tỉnh nhà mà không sợ một thế lực nào cả. Ai cũng nhìn thấy nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Đó là sự dũng cảm biết đứng lên tố cáo, đưa cái xấu ra trước pháp luật. Những việc như vậy rất được xã hội tuyên dương. Còn nhiều tấm gương sẵn sàng đứng về phía lẽ phải, họ đã lên tiếng nói những lời nói mà trước kia nhiều người muốn nói nhưng không nói được.
Đối với những học sinh thì sao? Lòng dũng cảm được thể hiện trong sự vươn lên học tập tốt trong hoàn cảnh khó khăn, rồi biết đấu tranh cho những tiêu cực ở học đường. Trong các ngôi trường không thiếu những bạn học sinh đã mạnh dạn tố cáo những hành vi sai trái của bạn bè cũng như của giáo viên. Gần đây ở một số trường cao đẳng, đại học xảy ra tình trạng sinh viên dùng tiền để mua điểm, hay giáo viên có những hành vi trái với đạo đức nghề nghiệp làm xã hội rất bức xúc. Những người trong cuộc thường làm ngơ, vì sợ nếu tố giác những việc làm trái với nguyên tắc đó. Họ không một chút nghi ngại mà thẳng thắn trình bày trước cơ quan pháp luật, với mong muốn làm trong sạch ngành Giáo dục. Là một học sinh thì không chỉ biết tránh xa những tiêu cực, mà còn phải dũng cảm đưa chúng ra ánh sáng. Lòng dũng cảm cũng sẽ trở nên gần gũi hơn khi bạn biết nói ra những gì sai trái xung quanh mình.
Dũng cảm không là những gì xa xôi, nó ở ngay trong chính mỗi người, điều quan trọng là phải thể hiện và rèn luyện nó ra sao mà thôi. Sự dũng cảm sẽ giúp gì cho ta? Tất cả những tấm gương về lòng dũng cảm ở trên đều cho ta thấy rằng lòng dũng cảm đã nâng giá trị của bản thân lên rất nhiều. Nó khẳng định sức mạnh của con người trước những thế lực của tự nhiên và xã hội. Như chúng ta biết, sự đấu tranh giữa kẻ xấu và người tốt là cuộc đấu cần đến sự chấp nhận đương đầu với gian nguy, có khi là một mất một còn. Nhưng nếu ta dũng cảm chiến đấu đến cùng thì cái xấu bao giờ cũng tiêu diệt. Và khi đó con người thật là vĩ đại, vì ta làm được những gì mà người khác sợ không thể làm. Chính đó sẽ giúp cho xã hội của ta thêm phát triển, ngày càng tốt đẹp hơn. Vì xã hội sẽ ngày càng loại dần tiêu cực, bất công nhờ sự dũng cảm của mỗi người. Nếu được như vậy, con người sẽ có lòng tin vào cuộc sống hiện tại, họ sẽ vui sống để đón chờ một tương lai tươi sáng phía trước. Sự dũng cảm còn giúp con người tạo dựng những giá trị vật chất và tinh thần. Một người có hoàn cảnh khó khăn mà dũng cảm vượt qua mọi thử thách họ sẽ lớn lên nhiều, họ có thể tự tạo lập cho mình cuộc sống riêng. Như vậy lòng dũng cảm còn thúc đẩy sự tự lập trong mỗi con người. Khi họ thành công họ sẽ tin vào bản thân, tin vào khả năng có thực của mình và họ sẽ tiếp tục dũng cảm vượt lên trên cuộc sống.
Nói về lòng dũng cảm nghe ta rất dễ, nhưng để rèn luyện và thực hiện nó thì không phải đơn giản. Trong thời chiến thì đó được làm nên từ lòng yêu nước, yêu cách mạng, nhưng trong thời bình lòng dũng cảm cần được bồi đắp bằng lòng yêu thương con người, yêu cái thiện, yêu cái đẹp, ghét cái xấu. Đặc biệt, cần biết được đâu là cái ác, cái xấu để đứng lên đấu tranh, thì cần có một kiến thức, vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội. Những thứ ấy đâu mà có? Không có ở đâu khác có từ sách vở, từ những bài học giáo dục công dân, bài văn, bài sử cho ta thấy đâu là chân, thiện, mỹ. Những kiến thức đã có thì cần phải rèn kĩ năng, thái độ cho mình để có niềm tin rằng mình sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách.
Lòng dũng cảm màn giá trị lớn lao. Nơi nào có sự dũng cảm thì nơi đó cái xấu sẽ không có cơ hội xuất hiện. Nhưng để có lòng dũng cảm thì không phải dễ dàng. Thế hệ trẻ ngày nay vẫn phải biết hoàn thiện lòng dũng cảm của mình. Lòng dũng cảm sẽ giúp hình thành một nhân cách tốt cho thế hệ trẻ. Nếu thế hệ trẻ ngày nay không dũng cảm đương đầu với thử thách thì họ sẽ không đưa được đất nước của mình phát triển, họ sẽ trở thành những người sống thu mình, khép kín, luôn trong sự lo lắng, sống thiếu bản lĩnh. Mỗi người cần quyết tâm rèn luyện lòng dũng cảm, để chúng ta sống tốt hơn, để xã hội của ta hoàn toàn trong sạch, thực sự có đủ điều kiện để chúng ta phát triển toàn diện.
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 3
Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm biết bay. Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày để thành cây cứng cáp. Những thử thách đã làm nên giá trị của sự thành công và ta sẽ không thể vượt qua được những thử thách ấy để thành công nếu không có lòng dũng cảm.
Dũng cảm là dám đương đầu với mọi khó khăn, gian lao vất vả, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì công lí, không sợ hãi, hèn yếu mà bỏ cuộc;dám vượt qua mọi thử thách, thậm chí là giới hạn của chính mình, chiến thắng bản thân để hoàn thành mục đích đề ra.
Dũng cảm là một đức tính cao đẹp, vô cùng cần thiết, luôn được đề cao từ xưa đến nay. Thế nên mới nói, dũng cảm ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi con người. Lòng dũng cảm giúp ta chấp nhận hậu quả sau mỗi quyết định, dám đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, đương đầu với những nỗi khổ đau và quan trọng hơn hết là tạo cho ta sức mạnh để chiến thắng chính mình, vượt qua số phận mà đến với thành công. Không chỉ vậy, lòng dũng cảm còn là động lực giúp ta đứng lên bảo vệ công lí, động cơ nâng cao tình thần tương thân tương ái giữ người với người và cuối cùng nâng cao hơn là tình yêu Tổ quốc. Ta có thể thấy dù trong thời kì nào đi chăng nữa thì luôn có sự hiện diện của lòng dũng cảm. Thời xưa thì có Trần Bình Trọng thà “ làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”, thời chống Pháp, chống Mỹ thì có anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để đoàn quân tiến về phía trước hay các cô gái Ngã ba Đồng Lộc không ngại hiểm nguy phá đá mở đường cho đoàn xe tiến tới.Và trong cuộc sống hiện nay của thời kì đổi mới, lại cũng có không ít những tấm gương về lòng dũng cảm vô cùng đáng khâm phục như các bác xe ôm Võ Việt Cường ở chợ Tân Định tay không bắt cướp, cậu học trò Phạm Văn Phong cứu sống cả ba người bị chết đuối trong lúc đang đi bắt ốc trên ghe. Bởi vậy nếu nói rằng lòng dũng cảm quả thực trở thành phẩm chất tạo nên những bậc anh hùng thì quả thực không sai.
Lòng dũng cảm cần thiết là vậy nhưng đáng buồn thay khi cũng vẫn còn đó những con người hèn nhát nhu nhược. Họ mới gặp chút khó khăn đã sớm chán nản,thoái lui rồi càng dấn sâu vào con đường sai trai hay tự kết liễu đời mình như những trường hợp tự tử vì thi rớt đại học hay thất tình mà ta vẫn thường nghe thấy trên báo đài.Bên cạnh đó, ta cũng cần phân biệt lòng dũng cảm thực sự với sự bồng bột liều lĩnh nhất thời hùa theo những điều sai trái, bất chấp lời khuyên răng của mọi người để rồi không chỉ hại người mà còn hại đến mình.
Vậy làm sao để rèn luyện được lòng dũng cảm?Thế nên học sinh chúng ta cần phải có đủ bản lĩnh, không sợ hãi khi đối đầu với khó khăn mà và cố gắng học tập thật tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần rèn luyện lòng dũng hằng ngày, từ những việc nhỏ nhất.
Người có lòng dũng cảm, dám hy sinh lợi ích cá nhân của mình đấu tranh vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội sẽ được mọi người kính trọng mến phục. Do đó, ngày nay thì tuổi trẻ chúng ta cần phải không ngừng rèn luyện cho mình lòng dũng cảm, cùng với các đức tính khác ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày càng hoàn thiện bản thân,sớm trở thành một người thành công,công dân tốt phục vụ cho xã hội, cho đất nước.
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 4
Mấy tháng trước, đài báo đưa tin về một anh thanh niên tay không săn bắt cướp ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần gia nhập một tổ chức công an hay dân phòng nào, cũng không phải để lấy thù lao hay ơn huệ. Hằng ngày, chúng ta nghe biết được có những bạn trẻ nhảy xuống sông cứu người sắp chết đuối, có những tình nguyện viên không quản ngại gian khổ nguy hiểm đến với các bệnh nhân trại phong, vào các bệnh viện truyền nhiễm hoặc đến với đồng bào dân tộc miền núi cần sự giúp đỡ. Và chúng ta gọi họ là những người có lòng dũng cảm.
Vậy thế nào là lòng dũng cảm? Tại sao từ xưa đến nay con người luôn đề cao và kêu gọi lòng dũng cảm? Tôi hiểu về lòng dũng cảm chính từ những sự việc nhỏ bé mà tôi chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày với những người thân yêu nhất.
Vốn là một cô bé nhút nhát yếu đuối, không ít lần tôi từng đau khổ vì tính cách “trời sinh” này của mình. Còn nhỏ, hồi bé tôi sợ nhiều thứ lắm, nào sợ chuột, sợ gián, sợ dơi, sợ nhện, sợ đến cả mấy con tò vò hay bay vào góc nhà tôi xây tổ. Đến bây giờ tôi vẫn còn rất sợ ma, sợ tối. Anh trai tôi hay cười giễu tôi là đồ nhát như cáy ngày, đồ thỏ đế, đổ mít ướt. Còn mẹ tôi thì cười khích lệ: “Con phải dũng cảm lên chứ”! Dần dần, lớn lên tôi ngày càng nhận thấy, sự thiếu can đảm, con người ta sẽ rất khó sống. Mẹ tôi chính là tấm gương đầu tiên cho tôi soi để thấy lòng dũng cảm của con người. Mặc dù mẹ tôi từng phải trải qua chiến tranh. Mẹ không phải là cô giao liên, cô thanh niên xung phong mở đường cho chị cứu thương băng minh qua mưa bom bão đạn góp phần làm nên cuộc sống hòa bình hôm nay. Mẹ chỉ là một người phụ nữ nông dân bình thường, sớm tối miệt mài công việc gia đinh, đồng áng. Mẹ lội ruộng sâu khi mưa lũ tràn về mùa gặt, nước ngập ngang lưng, bất chấp những con vật mà tôi thường kinh hãi như đỉa, vắt, rắn, rết, mẹ cố sức đẩy thuyền lúa về nhà. Mẹ không khỏe lắm mà vẫn cố đẩy thêm vài thuyền lúa nữa giúp bác hàng xóm già yếu neo đơn dù mẹ đã rét run cầm cập. Có lần giữa đêm mưa lớn, nghe tiếng người kêu cứu ngoài mương, mẹ không quản ngại sấm chớp, lao ra khơi cửa. Mẹ bảo: “Thấy người cần giúp, sức mình cố giúp được mà không giúp là “phải tội”. Và tôi nghĩ mẹ chính là người dũng cảm nhất. Cô giáo tôi thường khuyên những bạn trót mắc lỗi hãy dũng cảm nhận lỗi. Một bạn nam thuộc loại “cá biệt” trong lớp tôi, một lần viết bậy lên tường, nhưng cô giáo lại tưởng thủ phạm là bạn khác và sắp sửa đưa hình thức kỷ luật cho bạn đó. Bạn “cá biệt” có thể im lặng nhưng cuối cùng đã dám nói ra sự thật, xin lỗi của mình. Cả lớp tôi bắt đầu nhìn bạn “cá biệt” bằng con mắt khác, “không cá biệt” nữa. Một anh thanh niên tay không bắt sống bọn cướp giật ngoài phố, lấy lại đồ đạc mà không sợ chúng trả thù. Một cậu bé dám nhảy xuống sông cứu người sắp chết đuối trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể được chứng kiến nhiều hành động sáng ngời lòng dũng cảm như thế. Lòng dũng cảm càng bộc lộ rõ hơn khi con người bị đẩy vào những hoàn cảnh đặc biệt bất thường. Đó là tấm gương quên mình hi sinh cho cuộc chiến tranh tranh độc lập dân tộc, tự do dân tộc của các thế hệ anh hùng đất Việt, từ Trần Đình Trọng cho đến Nguyễn Trung Trực, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình. Đó còn là những con người sẵn sàng xả thân vì công lí, lương tri và nghệ thuật điện ảnh thế giới đã tái hiện lại trong hình tượng thanh tra Ka-ta-nhi-a một mình chống lại ma-phi-a bất chấp cái chết đêm ngày rình rập. Từ nhỏ đến lớn, tất cả những con người và hành động đó chính là hiện thân của lòng dũng cảm.
Như vậy, có thể hiểu lòng dũng cảm là dám sống mạnh mẽ, không sợ khó khăn gian khổ, không sợ chết, dám hi sinh vì mục đích của mình, được không? Có thể nói những người lính đánh thuê cho quân đội Mĩ đem thân làm bia đỡ đạn hòng xâm lân đất nước khác là có lòng dũng cảm được không? Hay những lẽ đánh bom tự sát phục vụ cho một vài tổ chức khủng bố trên thế giới cũng thể hiện lòng dũng cảm? Phải chăng nhóm phi công cảm tử lái máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở Niu – Oóc ngày 11 tháng 9 năm 2001 là những người dũng cảm nhất thế giới? Tôi không cho rằng khái niệm lòng dũng cảm mở rộng đến vậy. Anh trai tôi cũng là một chàng trai đầy nam tính, rất dũng cảm, khi đi đâu có anh đi cùng là tôi hoàn toàn yên tâm. Có một lần, nhóm bạn cùng lớp của anh thách đố nhau về lòng dũng cảm, thử xem ai dũng cảm nhất. Điều kiện của cuộc thi dũng cảm là bơi qua sông Hồng vào lúc sáng sớm tinh mơ chưa rõ mặt người. Bôn người “dám” thi trong đó có cả anh trai tôi đã suýt mất mạng nếu không may mắn được một bác thuyền chài cứu kịp. Chỉ sót lại một người “hèn nhát” không dám tham dự thì không gây nên phiền hà.
Bạn có cho rằng bốn người thanh niên đó dũng cảm không? Theo tôi, nên gọi họ là bọn “liều thân ngốc nghếch” thì đúng hơn. Tôi không có lòng dũng cảm trong những hành động vô nghĩa lí như vậy. Lòng dũng cảm không chỉ có nghĩa là không sợ khổ, không sợ chết mà nó còn gắn với mục đích tốt đẹp, ý nghĩa cao cả. Lòng dũng cảm tốt đẹp khi nhờ có nó, con người có đủ ý chí vươn lên vượt mọi gian khổ, thử thách để khẳng định phẩm giá, năng lực của bản thân.
Lòng dũng cảm cao cả khi nhờ có nó, con người dám quên mình vì việc nghĩa, dám hi sinh tính mạng vì sự sống còn của đất nước, của người thân cũng như đồng bào, đồng đội. Như thế lòng dũng cảm luôn gắn liền với ý thức về nhân cách, phẩm giá làm người. Lòng dũng cảm còn đi liền với tình yêu thương, đức vị tha, khi nó thực sự cảm hóa con người. Lòng dũng cảm xa lạ với sự yếu hèn, bạc nhược không dám đối mặt với thử thách cũng như những thói hư tật xấu.
Cuộc sống luôn đầy những bất trắc, thử thách.
Mỗi khoảnh khắc sống là mỗi khoảnh khắc vượt lên nỗi sợ hãi, sự yếu đuối của chính mình. Và mỗi khi phải đối mặt với những sự thật không mong muốn, tôi lại tự nhủ với chính mình: Can đảm lên! Vì can đảm là cội nguồn của cái đẹp!
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 5
Theo Nho giáo, đạo lí làm người đề cao năm đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân để thành người tốt. Nghĩa để thu phục nhân tâm. Lễ để luyện tâm chính. Trí để được thành danh. Tín để đạt thành công. Tuy không nhắc đến dũng nhưng tinh thần của dũng lại thấm nhuần trong tất cả các đức tính nêu trên.
Vậy thế nào là dũng cảm? Dũng cảm là có dũng khí dám đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm. Ví dụ như: người chiến sĩ dũng cảm; dũng cảm bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu thế. Tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng lòng dũng cảm lại được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể trong cuộc sống. Người xưa khẳng định: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. (Thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng khí). Mà như vậy thì chẳng xứng mặt anh hùng, cúi xuống thẹn đất, ngửa lên thẹn trời, bị người đời chê trách, phỉ nhổ.
Trong văn chương, có rất nhiều nhân vật tiêu biểu cho lòng dũng cảm, dám xả thân để cứu khốn, phò nguy. Lục Vân Tiên, chàng học trò trên đường lên kinh ứng thí, gặp bọn cướp Phong Lai đang ức hiếp dân lành đã một mình tả đột hữu xông, đánh tan bọn chúng, cứu Kiều Nguyệt Nga và nữ tì Kim Liên. Lúc Kiều Nguyệt Nga cảm tạ và muốn đền ơn, Lục Vân Tiên khẳng khái đáp:
Làm ơn há dễ trông người trả ơn…
Hành động quên thân vì nghĩa của Lục Vân Tiên là biểu hiện của dũng khí – một trong những đức tính cao quý của các bậc chính nhân quân tử trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Từ Hải – nhân vật lí tưởng trong Truyện Kiều cũng là điển hình của lòng dũng cảm:
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Chàng không chấp nhận triều đình thối nát đương thời, nên đã lập ra:
Triều đình riêng một góc trời.
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
Đòi phen gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì!
Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!
Từ Hải khẳng định phẩm chất cao quý của người anh hùng là trọng nghĩa: Anh hùng tiếng đã gọi rằng:
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
Chàng đã đưa Thúy Kiều từ thân phận tủi nhục của một kĩ nữ chốn lầu xanh lên địa vị cao sang của một bậc phu nhân quyền quý. Chàng giúp nàng báo ân, báo oán – cũng là thực hiện ước mơ công lí, chính nghĩa của nhân dân.
Đó là trong văn chương. Còn trong thực tế cuộc sống cũng có rất nhiều gương sáng về lòng dũng cảm. Điển hình là tấm gương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, chỉ với lí tưởng cứu dân cứu nước và hai bàn tay trắng mà đã dám dấn thân vào con đường đầy gian lao, thử thách. Năm 1911, anh rời bến cảng Nhà Rồng, xuất dương để tìm chân lí cách mạng giải phóng dân tộc, giành chủ quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Người bạn thân hỏi lấy tiền đâu mà đi, Nguyễn Tất Thành chìa hai bàn tay thay cho câu trả lời. Lòng yêu nước, khát vọng tự do đã tạo nên dũng khí và sức mạnh, giúp người thanh niên ấy đương đầu và vượt qua trăm ngàn khó khăn, nguy hiểm, để rồi ba mươi năm sau, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự do, độc lập. Viết về Bác Hồ thời kì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam trên đất Trung Quốc, Quách Mạt Nhược – một học giả nổi tiếng đã kính phục tôn vinh Bác là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Còn nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác những vần thơ đẹp nhất để ca ngợi con người Việt Nam đẹp nhất là Bác Hồ:
Người trông gió bỏ buồm chọn lúc,
Nước cờ hay, xoay vạn kiêu binh.
Lòng dũng cảm quyết không khuất phục,
Yêu hòa bình, đâu sợ chiến chinh!
(Theo chân Bác)
Lòng dũng cảm chính là chất thép trong khí tiết của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Chất thép ấy có khi chứa đựng trong một ẩn dụ đầy tính nghệ thuật, một lời tự khuyên mình:
Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân ?
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.
Hoặc trong những bài thơ đề cao tinh thần chiến đấu và ý chí chiến thắng không gì lay chuyển nổi của người tù cách mạng:
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao.
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao.
Tinh thần dũng cảm còn được thể hiện qua lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước của hàng triệu thanh niên thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Họ rời đồng ruộng, nhà máy, trường học, tình nguyện vào mặt trận với quyết tâm tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Ngày nay, trong cuộc sống hòa bình, lòng dũng cảm được thể hiện qua ý chí và quyết tâm làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhiều trí thức ngày đêm nghiên cứu khoa học với nhiệt tình say mê, ý chí bền bỉ, phương pháp đúng đắn để có được những cống hiến hữu ích cho xã hội.
Công việc khoa học nghiêm túc đòi hỏi họ phải có lòng dũng cảm, chấp nhận đương đầu với mọi cản trở trên bước đường tìm tòi, sáng tạo. Dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến sức lực, trí tuệ và tuổi thanh xuân cho khoa học, đó là dũng khí.
Có một danh nhân đã nói: Chiến thắng chính mình là chiến thắng khó khăn và vinh quang hơn cả. Đúng như vậy! Đầu thế kỉ XX, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Bá Học đã có lời khuyên thanh niên: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Người ngại núi e sông là người thiếu dũng khí, thiếu tự tin vào chính bản thân, chưa làm đã sợ thất bại. Mà như thế thì không bao giờ đạt được thành công trong cuộc đời. Những gương sáng kiên trì phấn đấu vượt lên số phận bất hạnh như chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông cụt cả hai chân vẫn nhiệt tình là công tác từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Như các anh Nguyễn Công Hùng, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Đức, như các bạn Trương Thị Thương, Nguyễn Văn Thọ (nạn nhân chất độc màu da cam) vẫn cố gắng học tập và làm việc để trở thành người hữu ích. Muốn đạt được mục đích ấy, họ phải nỗ lực gấp mười, gấp trăm lần người khỏe mạnh.
Lòng dũng cảm còn thể hiện ở những lời nói, hành động rất bình dị, đời thường. Một lời xin lỗi khi mắc lỗi; biết sửa sai kịp thời; không quay cóp khi không thuộc bài; biết kiềm chế trước sự quyến rũ của những thói hư tật xấu cũng rất cần đến lòng dũng cảm.
Như vậy, dũng cảm là yếu tố cần thiết để tạo nên nhân cách tốt đẹp. Nhưng lòng dũng cảm không tự nhiên mà có bởi nó là kết quả của một quá trình tu dưỡng, rèn luyện lâu dài. Nếu có lúc nào nản lòng nhụt chí, chúng ta hãy nhớ tới câu: Mất tiền là chuyện nhỏ, mất danh dự là chuyện lớn, mất dũng khí là mất tất cả (Ngạn ngữ Đức). Các bạn ơi! Đừng bao giờ để mất dũng khí trong cuộc đời đầy thử thách này
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 6
Dù ở nơi đâu, khi làm bất cứ một việc gì, con người đều cần lòng dũng cảm. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc chúng ta đã có rất nhiều những tấm gương dũng cảm, vì nước quên thân, luôn sẵn sàng đối mặt với kẻ thù, với khó khăn gian khổ, thậm chí cả hy sinh mất mát. Những anh vệ quốc quân, giải phóng quân đã trở thành những biểu tượng đẹp về lòng dũng cảm.
Lòng dũng cảm là một trong những phẩm chất vô cùng quan trọng của con người. Bởi trong cuộc đời mình, chúng ta luôn phải đối diện với khó khăn, thử thách. Lòng dũng cảm là nghị lực, là sức mạnh, là ý chí kiên cường để con người có thể vượt lên mọi gian nan thử thách, để có được sức mạnh chế ngự thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù và nhiều khi là để chiến thắng chính bản thân mình. Người chiến sĩ ung dung, bình thản, không hề run sợ trước mũi súng quân thù, đó là dũng cảm. Chú bé thoăn thoắt bước đi dưới làn đạn quân thù để đưa cho được bức thư đề “thượng khẩn”. Chị Trần Thị Lí không hề run sợ và không chịu khuất phục trước những đòn tra tấn dã man của giặc. Trước những khó khăn, hiểm nguy, con người vẫn quyết tâm làm việc, hoàn thành nhiệm vụ, đó là dũng cảm. Dũng cảm là sẵn sàng đối diện với gian khó để thực hiện cho được mục đích đề ra.
Trong cuộc sống hoà bình, chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ chứng kiến những hành động dũng cảm. Dũng cảm vạch trần những việc làm sai trái của người khác dù đó là những kẻ có chức có quyền, những chiến sĩ công an dũng cảm bắt tội phạm để giữ cho nhân dân có cuộc sống thanh bình, một bạn học sinh sẵn sàng lao xuống dòng nước chảy xiết đề cứu bạn. Những con người dũng cảm ấy đã góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Chiến thắng được người khác đã rất khó khăn, nhưng chiến thắng được chính bản thân mình còn khó khăn hơn nhiều. Dũng cảm để nhìn ra và công nhận những sai lầm khuyết điểm của mình. Dũng cảm để chiến thắng những ham muốn cá nhân, những tham vọng và những nhu cầu vô tận của mình. Không đủ nghị lực để vượt qua khó khăn đã bao người rơi vào cạm bẫy của những cám dỗ, để rồi trở nên nghiện ngập, trộm cắp. Không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật, để sửa chữa sai lầm mà bao người ngày càng dấn sâu vào con đường tội lỗi để rồi khi có đủ dũng khí nhìn lại thì đã quá muộn.
Chúng ta đã nghe nói rất nhiều đến lòng dũng cảm. Đó là một phẩm chất của những người anh hùng, làm nên những tấm gương anh dũng, song đó cũng là phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người. Cuộc sống ngày càng khó khăn, để tồn tại con người phải đối diện với bao nhiêu thử thách, gian nan. Nếu không có đủ nghị lực và nếu không có lòng dũng cảm, chúng ta sẽ rất khó có được sự thành công trong cuộc sống. Dũng cảm là một phẩm chất mà chúng ta có thể bồi dưỡng thông qua rèn luyện. Cùng với lòng trung thực, dũng cảm sẽ là tố chất để mỗi người có thể là một người tốt.
Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm – Mẫu 7
Ai từng cắp sách đến trường đều thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy:
“Yêu tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Năm điều Bác dạy đã trở thành chuẩn mực đạo đức mà mỗi học sinh luôn phấn đấu và rèn luyện, trong đó, dũng cảm là một phẩm chất đạo đức quan trọng mà mỗi người cần có để chung sống với cộng đồng.
Dũng nghĩa là “không sợ nguy hiểm, khó khăn”; cảm nghĩa là “dám”, là sự can đảm. Dũng cảm là dám làm một việc nào đó mà không sợ nguy hiểm, khó khăn.
Lịch sử dân tộc ta đã ghi công bao anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi trẻ và tính mạng của mình cho nền độc lập tự do của tổ quốc, cho chúng ta có được cuộc sống như hôm nay. Đối với họ, dũng cảm không chỉ là không sợ hiểm nguy, mà là sẵn sàng hi sinh tính mạng cá nhân vì mục đích cao cả nhất: độc lập dân tộc. Đó là hành động anh hùng.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta từng chứng kiến rất nhiều hành động dũng cảm: một người đi đường sẵn sàng đuổi theo bọn cướp, giành lại tư trang cho người bị mất; một em thiếu niên dám lao ra giữa dòng nước xoáy cứu người chết đuối mà không sợ sức vóc mình nhỏ bé: một chiến sĩ công an truy bắt kẻ buôn lậu ma túy mà không sợ nguy cơ lây nhiễm HIV, một thầy giáo dám chỉ rõ những sai sót, gian lận trong thi cử với mong muốn lập lại kỉ cương trong nhà trường. Có rất nhiều hành động “dũng cảm” khác nhau được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh. Họ đã vượt lên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, hành động đúng với nguyên tắc đạo đức mà họ nhận thức trong cuộc sống.
Xã hội ngày càng phát triển, nhưng mặt trái của nó cũng không thể tránh khỏi. Những mối hiểm nguy đối với con người ngày một nhiều hơn. Những thử thách đối với lòng dũng cảm cũng ngày đa dạng hơn. Các thế lực đen tối không chỉ đe dọa tính mạng cá nhân của mỗi người, chúng còn dùng sự an nguy của người thân, những tổn thất về kinh tế, sự xúc phạm đến uy tín, đến danh dự cá nhân để mặc cả đối với lòng dũng cảm. Nghĩa là sự nguy hiểm không chỉ đối với bản thân một người mà ảnh hưởng tới nhiều người, buộc người hành động phải cân nhắc, phải đắn đo. Lòng dũng cảm đã bị buộc phải lựa chọn.
Thế nhưng, dù phải lựa chọn, vẫn có không ít người đã hành động vì lẽ phải. Những tấm gương chống tham nhũng, chống tệ nạn xã hội, chống chặt phá rừng trái phép mà các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hàng ngày đưa tin là những minh họa đẹp đẽ cho sự chiến thắng của lương tri. Đó là lòng dũng cảm, cao hơn thế, đó là hành động anh hùng đáng được ngợi ca.
Để trở thành người dũng cảm mỗi người phải có đầy đủ bản lĩnh, có niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, vào chân lí, và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống: phải biết nhận thức, đánh giá chính xác về cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai. Đó sẽ là căn cứ để mỗi người vững tin vào hành động bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải của mình, dám làm và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Như vậy, một con người dũng cảm không đơn thuần là người có hành động xả thân mà phải là con người biết xả thân vì lẽ phải, vì chính nghĩa, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một điều tôi tin chắc chắn rằng, người dũng cảm, bằng cách này hay cách khác, bao giờ cũng có những tác động tích cực tới sự phát triển của đời sống xã hội.