Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân (Dàn ý + 3 mẫu), Tài liệu tham khảo Bài làm văn mẫu lớp 9: Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, gồm dàn
Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 9: Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, giới thiệu cho các bạn cách làm một bài văn nghị luận xã hội.
Tài liệu này gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 9 Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, kính mong các bạn và quý thầy cô cùng tham khảo.
Xem Tắt
Dàn ý nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
I. Mở bài
– Mỗi người sinh ra, không ai là hoàn hảo: có điểm mạnh thì cũng có điểm yếu.
– Điều quan trọng là mỗi người phải ý thức được điều đó, tích cực thay đổi để hoàn thiện bản thân.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Điểm mạnh là những lợi thế, điểm tốt đẹp cần được phát huy.
– Điểm yếu là những hạn chế, những gì còn thiếu và chưa tốt.
=> Mỗi con người không ai sinh ra là hoàn hảo. Ai cũng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng.
2. Bình luận
– Đối với điểm yếu:
- Mỗi người cần nhìn nhận điểm yếu theo chiều hướng tích cực.
- Điểm yếu là một điều gì đó mà bạn có thể thay đổi được, nếu bạn thực sự khao khát thay và cố gắng thay đổi nó.
- Thay đổi một điểm yếu sẽ khiến bản thân tự tin hơn, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
– Đối với điểm mạnh:
- Mỗi người cần tập trung vào phát triển điểm mạnh của bản thân.
- Tận dụng điểm mạnh của bản thân vào việc định hướng phát triển nghề nghiệp.
- Khi biết cách phát triển điểm mạnh, mỗi người sẽ thành công hơn.
=> Mỗi người cần thành thật với chính mình, vạch rõ điểm mạnh điểm yếu để có thể thay đổi và hoàn thiện bản thân.
3. Liên hệ mở rộng
* Một số điểm mạnh điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam:
– Điểm mạnh
- Con người Việt Nam thông minh, nhạy bén và dễ nắm bắt cái mới.
- Cần cù sáng tạo.
- Người Việt Nam có truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau.
- Khả năng thích ứng tốt và nhanh.
– Điểm yếu:
- Thiếu đi những kiến thức cơ bản, hạn chế về khả năng thực hành.
- Thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương.
- Thiếu tính cộng đồng trong làm ăn, hay “ghen ăn tức ở” làm giảm hiệu suất lao động.
- Hạn chế trong thói quen nếp nghĩ, quen với lối sống cào bằng, rất sùng ngoại nhưng có khi lại bài ngoại đến mức cực đoan, hay khôn vặt, ít giữ chữ “tín”.
* Liên hệ với bản thân:
– Đối với một học sinh như tôi vẫn đang luôn cố gắng khắc phục điểm yếu của bản thân như: khả năng thuyết trình không tốt, kiến thức ở các môn tự nhiên còn kém; phát huy những điểm mạnh: khả năng ghi nhớ tốt, kiến thức các môn xã hội phong phú.
– Từ đó, tôi đã tìm ra định hướng phù hợp cho bản thân trong tương lai.
III. Kết bài
– Hãy là một người thông minh khi biết xác định rõ điểm mạnh điểm yếu của chính mình để hướng tới hoàn thiện bản thân.
Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân – Mẫu 1
Mỗi người sinh ra không có ai là hoàn hảo, có điểm mạnh cũng có điểm yếu. Điều quan trọng nhất là bản thân chúng ta phải tự ý thức được điều đó, tích cực thay đổi để hoàn thiện bản thân.
Có thể hiểu đơn giản, điểm mạnh là những lợi thế của riêng bản thân mỗi người, điều đó giúp chúng ta làm một công việc gì đó dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Còn điểm yếu là những mặt hạn chế còn thiếu sót và chưa thực sự tốt. Con người đều có những điểm mạnh điểm yếu cần được thay đổi hay phát huy.
Thay vì tập trung vào “điểm yếu” như là một yếu tố đem lại cảm giác tiêu cực. Con người có thể suy nghĩ về chúng như là lĩnh vực mà mình có thể phát triển hoặc cải thiện. Điều này sẽ giúp mỗi người tập trung vào tương lai, vào những điều mà bản thân có thể làm một cách tốt nhất. Chẳng có điểm yếu nào không thể thay đổi, trừ khi con người không cố gắng để thay đổi nó. Bạn hãy nhìn nhận điểm yếu như một điều gì đó ở bản thân mà bạn có quyền cải thiện, miễn là nó liên quan đến ước mơ của bạn, hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn thay đổi nó. Nhưng để thay đổi một điểm yếu cần đến sự kiên trì, nỗ lực. Khi có thể biến điểm yếu đó trở thành một điểm mạnh, tự nhiên mỗi người sẽ cảm thấy tự tin hơn và cuộc sống cũng trở nên dễ dàng, tốt đẹp hơn. Nếu một người có khả năng thuyết trình không tốt, sợ đứng trước đám đông nhưng lại có mơ ước trở thành một diễn giả. Khi nhìn nhận điểm được hạn chế của chính mình và muốn thay đổi, người đó sẽ nhanh chóng tìm ra cách để thay đổi. Bằng cách không ngừng luyện tập hằng ngày như: đứng thuyết trình trước gương để rèn luyện sự tự tin, khả năng nói trôi chảy; tham gia nhiều hơn các hoạt động tập thể, tích cực trò chuyện với mọi người để bản thân cởi mở hơn không còn sợ đám đông. Dần dần, người đó trở nên tốt đẹp hơn, tiến gần với đích thành công hơn. Chính bằng cách cố gắng thay đổi, mỗi người sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn.
Không chỉ thay đổi những điểm yếu mà việc tập trung vào phát triển điểm mạnh của bản thân sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Chúng ta có thể xem điểm mạnh là một tài năng hay một yếu tố bẩm sinh mà có thể đối với người khác điều đó rất bình thường. Nói cách khác chúng là điều mà bạn sẽ tự tin nói rằng: “Tôi không phải mất quá nhiều thời gian để thực hiện một cách tốt đẹp công việc đó”. Khi chú ý đến điểm mạnh nhiều hơn, bản thân sẽ có định hướng để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Nếu bạn biết nhận thấy mình là một người có khả năng truyền đạt tốt, dễ hiểu và cộng thêm chút hài hước. Bạn muốn lựa chọn một công việc ổn định và lâu dài, việc có những lợi thế trên sẽ giúp bạn lựa chọn ra một ngành nghề mà bạn phù hợp và có thể rất thành công trong lĩnh vực đó – trở thành một giáo viên chẳng hạn. Quá trình bạn học tập và rèn luyện để trở thành một giáo viên sẽ không mất quá nhiều thời gian khi bạn có được những điểm mạnh sẵn có đấy.
Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều tấm gương trong cuộc sống. Không thể không kể đến Oprah Winfrey – nữ hoàng truyền hình. Bà có một tuổi thơ u ám khi phải lớn lên trong nghèo đói và bị lạm dụng tình dục. Winfrey đã nỗ lực hết sức mình để có thể trở thành một phóng viên truyền hình nhưng bà từng bị sa thải bởi lý do “không phù hợp với các chương trình truyền hình”. Tuy nhiên, Oprah Winfrey đã không gục ngã và từ bỏ. Bà đã tự làm người dẫn chương trình và sản xuất chương trình của chính mình mang tên “Oprah Winfrey Show”. Bằng việc tập trung vào các vấn đề đưa người xem quan tâm như chính trị, sức khỏe, tâm linh và từ thiện, chương trình của Winfrey trở thành một trong những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất tại Mỹ. Ở Việt Nam có thể kể đến cái tên Nguyễn Công Phượng. Trong kì thi đầu vào của lò đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, cầu thủ này đã bị đánh trượt vì không đủ thể lực. Biết được mặt hạn chế của mình, cầu thủ này đã không ngừng dày công rèn luyện cả về thể chất và kỹ thuật. Để đến ngày hôm nay, cái tên Nguyễn Công Phượng đã trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam. Có thể thấy, những con người này luôn nhận ra được thế mạnh của mình nằm ở đâu để tiếp tục phát triển nó. Cũng như khi nhìn thấy hạn chế phải thay đổi nó. Nếu mỗi người có ý thức được như vậy, thì thành công sẽ luôn ở phía cuối con đường.
Người Việt Nam từng được gọi là người Do Thái của châu Á. Bản thân người Việt Nam cũng mang trong mình những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Con người Việt Nam rất thông minh, nhạy bén nhưng lại thiếu đi kiến thức cơ bản và hạn chế trong kỹ năng thực hành. Hay chúng ta là dân tộc nổi tiếng cần cù sáng tạo nhưng thiếu đi sự tỉ mỉ. Từ lâu đời, Việt Nam đã nổi tiếng với tinh thần đoàn kết đùm bọc sẻ chia nhưng trong làm ăn lại thiếu đi tính cộng đồng, hay ghen ăn tức ở khiến cho hiệu suất làm việc không cao. Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen, ít giữ chữ “tín”. Là một người Việt Nam, tôi cũng ý thức được những hạn chế của mình, và đang cố gắng từng ngày để thay đổi.
Như vậy, hãy là một người thông minh khi biết xác định rõ điểm mạnh điểm yếu của chính mình. Từ đó hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh.
Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân – Mẫu 2
“Chờ đợi sự hoàn hảo chẳng bao giờ thông minh bằng việc có được sự tiến bộ” (Seth Godin). Mỗi con người trên thế giới, không một ai thực sự hoàn hảo. Việc tồn tại trong mình cả điểm mạnh và điểm yếu là một điều bình thường. Nhưng chúng ta có thể thay đổi để bản thân trở nên tốt hơn.
Trước hết, điểm mạnh được hiểu là những lợi thế của riêng bản thân mỗi người, điều đó giúp chúng ta làm một công việc gì đó dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn. Còn điểm yếu là những mặt hạn chế, còn thiếu sót và chưa thực sự tốt. Mỗi một cá nhân đều có điểm mạnh điểm yếu riêng, không ai thực sự giống ai.
Không nên tập trung vào điểm yếu như một điều gì đó xấu, gây ra cảm giác tiêu cực. Mà cần phải nhìn nhận đó là một thứ có thể thay đổi được và cần phải thay đổi. Điều này sẽ giúp mỗi người tập trung vào tương lai, vào những điều mà bản thân có thể làm một cách tốt nhất. Chẳng có điểm yếu nào không thể thay đổi, trừ khi con người không cố gắng để thay đổi nó. Bạn hãy nhìn nhận điểm yếu như một điều gì đó ở bản thân mà bạn có quyền cải thiện, miễn là nó liên quan đến ước mơ của bạn, hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn thay đổi nó. Nhưng để thay đổi một điểm yếu cần đến sự kiên trì, nỗ lực. Khi có thể biến điểm yếu đó trở thành một điểm mạnh, tự nhiên mỗi người sẽ cảm thấy tự tin hơn và cuộc sống cũng trở nên dễ dàng, tốt đẹp hơn. Một người quá nóng tính khi làm lãnh đạo sẽ dễ dàng đem cảm xúc tiêu cực của bản thân lên nhân viên khiến họ cảm thấy sợ hãi, hiệu quả công việc sẽ giảm sút. Đó chính là điểm yếu của một người lãnh đạo.
Ngoài việc thay đổi hạn chế của bản thân, việc phát triển những điểm mạnh cũng rất quan trọng. Hãy cho rằng, điểm mạnh là một tài năng hay một yếu tố bẩm sinh của riêng bản thân mình. Và mỗi khi làm đến một công việc có liên quan đến thế mạnh của mình thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Một ví dụ đơn giản, nếu bạn khéo léo và giỏi làm đồ thủ công, khi được giao cho những công việc trang trí đồ thủ công thì sẽ dễ dàng hoàn thành tốt. Khi chú ý đến điểm mạnh nhiều hơn, bản thân sẽ có định hướng đúng đắn trong học tập và công việc. Giả sử, bạn có khả năng chạy với tốc độ cao thì điều cần làm là nên phát triển điều đó, hướng tới con đường trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, đam mê cũng là một yếu tố rất quan trọng để quyết định bạn có muốn duy trì và phát triển điểm mạnh đó không.
Không ít những câu chuyện về những con người đã biết khắc phục những hạn chế của bản thân, không ngại khó khăn và tìm đến thành công. Đoàn Nguyên Đức hay còn được gọi là Bầu Đức – Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông đã từng thi trượt đại học đến bốn lần. Nhưng không chán nản, ông đã quyết tâm thay đổi, từ hai bàn tay trắng cố gắng bươn chải khắp nơi để rồi trở thành một người rất thành công bây giờ. Nếu như theo dõi VietNam’s Next Top Model mùa đầu tiên, chắc chắn không ít người sẽ kinh ngạc vì sự bứt phá quá ngoạn mục của Trang Khiếu. Người từng trở thành trò cười trong phần thi tuyển của cuộc thi, liên tục lọt vào tốp thí sinh nguy hiểm ở các tuần đầu tiên. Nhưng nhờ có sự quyết tâm, không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng cá nhân mà cô mới có được sự nghiệp thành công như hiện tại. Nếu mỗi người tự ý thức được những điểm mạnh điểm yếu của bản thân, thay đổi nó theo chiều hướng tích cực thì thành công sẽ luôn chờ đợi phía cuối con đường.
Bản thân người Việt Nam cũng mang trong mình những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Con người Việt Nam rất thông minh, nhạy bén nhưng lại thiếu đi kiến thức cơ bản và hạn chế trong kỹ năng thực hành. Là dân tộc nổi tiếng cần cù sáng tạo nhưng thiếu đi sự tỉ mỉ. Từ lâu đời, Việt Nam đã nổi tiếng với tinh thần đoàn kết đùm bọc sẻ chia nhưng trong làm ăn lại thiếu đi tính cộng đồng, hay ghen ăn tức ở khiến cho hiệu suất làm việc không cao. Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen, ít giữ chữ “tín”. Đối với một học sinh như tôi cũng luôn ý thức được thế mạnh và điểm yếu của mình: khả năng thuyết trình không tốt, kiến thức ở các môn tự nhiên còn kém; phát huy những điểm mạnh: khả năng ghi nhớ tốt, kiến thức các môn xã hội phong phú. Từ đó, tôi đã tìm ra định hướng phù hợp cho bản thân trong tương lai.
Quả thật không có ai là hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể thay đổi để bản thân trở nên tiến bộ hơn. Rồi từ đó, đích đến thành công sẽ ở ngay phía trước, mỗi người cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nghị luận về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân – Mẫu 3
Điều gì làm nên sự thành công ở mỗi con người? Có lẽ đó là khi chúng ta có thể khắc phục được những điểm yếu của bản thân và phát huy những điểm mạnh. Điều này thực sự quan trọng trong cuộc sống của người.
Điểm mạnh và điểm yếu là hai yếu tố đối lập với nhau, cùng tồn tại trong một con người, mức độ cũng khác nhau. Điểm mạnh được hiểu là những lợi thế của riêng bản thân mỗi người. Còn điểm yếu là những mặt hạn chế, còn thiếu sót và chưa thực sự tốt. Ở mỗi cá nhân khác nhau, điểm mạnh và điểm yếu cũng là khác nhau. Có điểm mạnh của người này nhưng lại là điểm yếu của người kia.
Chúng ta không nên tập trung vào điểm yếu. Mà cần phải nhìn nhận đó là một thứ có thể thay đổi được và cần phải thay đổi. Điều này sẽ giúp mỗi người tập trung vào tương lai, vào những điều mà bản thân có thế nếu như thay đổi những hạn chế đang có. Chẳng có điểm yếu nào không thể thay đổi, trừ khi con người không cố gắng để thay đổi nó. Khi có thể biến điểm yếu đó trở thành một điểm mạnh, tự nhiên mỗi người sẽ cảm thấy tự tin hơn và cuộc sống cũng trở nên dễ dàng, tốt đẹp hơn. Một người không giỏi viết lách có thể thay đổi bằng cách rèn luyện. Đọc nhiều những bài viết hay, học theo cách viết, cách diễn đạt dùng từ của người đó. Sau đó dần tìm ra phong cách viết cho bản thân mình.
Nếu chỉ cố gắng thay đổi bản thân là chưa đủ, việc biết được bản thân có thế mạnh ở đâu để tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt hơn sẽ giúp chúng ta dần đến với ngưỡng cửa của sự hoàn hảo. Trong bóng đá, nếu bạn là một cầu thủ có kỹ thuật tốt thì cần phải phát huy thế mạnh đó. Sử dụng những pha tranh chấp đầy kỹ thuật, đẩy đối thủ vào thế bị động để giành chiến thắng.
Cuộc sống đã có biết bao nhiêu tấm gương về sự không ngừng học hỏi và thay đổi bản thân. Khi còn nhỏ, nhà bác học Einstein bị coi là một cậu bé lười biếng và chậm chạp. Đến năm 16 tuổi, ông thi trượt trong kì thi tuyển sinh vào đại học bách khoa Zurich và phải ghi danh vào một trường nhỏ hơn. Những không vì thế mà ông cảm thấy chán nản. Trong giai đoạn từ năm 1901-1905, ông luôn tập trung vào các bài báo và công trình nghiên cứu của mình (bao gồm cả nghiên cứu về Thuyết tương đối). Và cho đến ngày nay, Einstein đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại của thế giới. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy mình không còn là cậu bé lười biếng và chậm chạp năm xưa. Ngoài ra, còn có rất nhiều người, mỗi ngày họ luôn cố gắng hoàn thiện mình để trở thành những phiên bản tốt hơn.
Là một học sinh – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, tôi vẫn luôn ghi nhớ những điểm mạnh của người dân Việt Nam để tiếp tục phát hay và cả những điểm yếu vốn có để tránh mắc phải. Trải qua mỗi giai đoạn khác nhau, tôi luôn dành thời gian ngồi nhìn lại và ghi ra giấy những điều mình đã thay đổi và những điều còn hạn chế. Mỗi lần như vậy, tôi lại tìm ra được mục tiêu cho bản thân và tiếp tục cố gắng để trở thành một phiên bản tốt đẹp mà mình đang theo đuổi.
“Hạnh phúc không có nghĩa là mọi việc đều hoàn hảo. Nó có nghĩa là bạn đã quyết định nhìn xa hơn những khiếm khuyết” (Khuyết danh). Thật vậy, mỗi người hãy luôn cố gắng nhìn nhận bản thân với những điểm mạnh điểm yếu đang tồn tại, từ đó thay đổi nó một cách tích cực. Có như vậy, chúng ta mới dần chạm đến thành công.