Bài thơ Phò giá về kinh, Để giúp cho các bạn học sinh có thể hiểu hơn về bài thơ Phò giá về kinh, sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo nội dung của tác
Phò giá về kinh của Trần Quang Khải là một bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình, thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.
Hôm nay, Tài Liệu Học Thi xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu bài thơ Phò giá về kinh bao gồm: Đôi nét về tác giả Trần Quang Khải và nội dung của tác phẩm này.
Xem Tắt
I. Đôi nét về tác giả Trần Quang Khải
Trần Quang Khải (1241-1294) tự là Chiêu Minh, sinh vào mùa đông năm Tân Sửu (1241), mất ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (26-7-1294), là con trai thứ ba Trần Thái Tông.
Dưới triều Trần Thánh Tông (1258-1278), ông làm Tướng quốc thái uý, tước Đại vương; đến triều Nhân Tông (1279-1293) lại được thăng chức Thượng tướng thái sư. Cùng với Trần Quốc Tuấn, ông cũng là một nhân vật trọng yếu của vương triều, đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước đương thời. Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1284-1285, 1287-1288), Quang Khải là một trong những người đóng vai trò chủ chốt. Ông có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng và đã tham gia trận phản công lớn, đánh tan quân giặc ở Hàm Tử, Chương Cương giải phóng kinh thành Thăng Long.
Trần Quang Khải học rộng biết nhiều, chẳng những là một tướng cầm quân giỏi mà còn là một nhà ngoại giao có tài, một nhà thơ với những vần thơ “sâu xa lý thú”. Ông là một trong những tác gia tiêu biểu của văn học thời thịnh Trần. Trong thơ văn ông có thể tìm thấy một tinh thần yêu nước kiên cường, một tấm lòng gắn bó với con người và tạo vật, một khí phách anh hùng tiêu biểu cho dân tộc.
II. Nội dung của bài thơ Phò giá về kinh
1. Hoàn cảnh sáng tác:
– Bài thơ “Phò giá về kinh” được làm khi ông đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285
– Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật
2. Bố cục:
– Phần 1 (hai câu thơ đầu): Hào khí chiến thắng của quân ta
– Phần 2 (hai câu còn lại): Khát vọng muôn đời thái bình, độc lập
3. Bài thơ Phò giá về kinh
Phiên âm:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san.
Dịch nghĩa:
Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương,
Bắt quân Hồ ở cửa Hàm Tử.
Thái bình rồi nên dốc hết sức lực,
Muôn đời vẫn có non sông này
Dịch thơ:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.