Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 – 2017, Với mong muốn giúp các bạn học sinh làm quen, luyện tập cũng như hệ thống lại kiến thức, thử sức trực tiếp
Để học tập tốt môn Ngữ văn lớp 6 và đạt điểm cao trong kì thi học kì 1 các bạn học sinh ngoài việc phải đáp ứng đủ về mức độ kiến thức thì cần có kỹ năng giải đề thi. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn: Bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2016 – 2017. Hi vọng, đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc ôn tập của các bạn.
ĐỀ SỐ 1
PHÒNG GD&ĐT ĐẤT ĐỎ | KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 6 Thời gian làm bài: 90 phút |
Câu 1: (1,0 điểm) Trong truyện Em bé thông minh, em bé đã vượt qua nhiều thử thách. Em hãy kể lại những thử thách đối với em bé theo đúng trình tự.
Câu 2: (2,0 điểm) Truyện Ếch ngồi đáy giếng ngụ ý phê phán những người như thế nào? Qua truyện này, em rút ra bài học gì cho bản thân?
Câu 3: (2,0 điểm) Nêu nghĩa khái quát của lượng từ. Tìm lượng từ trong các phần trích sau:
a) ”Các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng”.
(Thạch Sanh)
b) ”Tình thương bao la với dân, với nước trước hết phải xuất phát từ tình nghĩa đối với những người thân trong gia đình. Bác Hồ bằng những hành động quan tâm đến người cha đã mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc về đạo làm con”.
(Theo Những kỉ niệm cảm động về Bác Hồ)
Câu 4: (5,0 điểm) Kể lại một kỉ niệm sâu sắc giữa em với thầy giáo hoặc cô giáo.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 6
Câu 1
* Những thử thách đối với em bé:
- Câu hỏi của viên quan: Trâu cày một ngày được mấy đường?
- Câu hỏi của nhà vua: Nuôi làm sao để trâu đực đẻ được con; làm ba cỗ thức ăn bằng một con chim sẻ?
- Câu hỏi của sứ thần: Làm cách nào để xâu được sợi chỉ qua con ốc vặn rất dài?
* Lưu ý: Học sinh kể lại đủ những thử thách đối với em bé nhưng không theo đúng trình tự: Trừ 0,25 điểm.
Câu 2
- Truyện Ếch ngồi đáy giếng ngụ ý phê phán những người hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang.
- Rút ra bài học, học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những ý chính sau:
- Hoàn cảnh sống hạn hẹp sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về chính mình và thế giới xung quanh.
- Không được chủ quan, kiêu ngạo, coi thường người khác.
- Phải biết hạn chế của mình và phải mở rộng tầm hiểu biết bằng nhiều hình thức khác nhau.
Câu 3
- Nghĩa khái quát của lượng từ: Chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật.
- Lượng từ trong phần trích:
a) Các
b) Những, những.
Câu 4
I. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách viết bài văn tự sự có bố cục hợp lí; văn phong mạch lạc, không sai lỗi chính tả, lỗi dùng từ,…
II. Yêu cầu về kiến thức:
- Kể một kỉ niệm sâu sắc giữa em với thầy giáo hoặc cô giáo.
- Chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “em” hoặc xưng “tôi”.
- Bài làm cần hướng vào những ý chính sau:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về kỉ niệm với thầy giáo hoặc cô giáo.
- Ấn tượng chung về kỉ niệm.
2. Thân bài: Kể lại diễn biến chi tiết về kỉ niệm giữa em với thầy giáo hoặc cô giáo theo trình tự hợp lí:
- Kỉ niệm xảy ra khi nào? Khi đó em học lớp mấy? Trường nào? Đó là kỉ niệm buồn hay vui?…
- Câu chuyện diễn ra như thế nào? Điều gì khiến em ghi nhớ mãi?…
3. Kết bài:
- Suy nghĩ của em về kỉ niệm, mong ước em dành cho thầy giáo hoặc cô giáo.
- Những việc làm, hành động em có thể làm để đền đáp tấm lòng của thầy giáo hoặc cô giáo
* Lưu ý: Trên đây chỉ là những gợi ý mang tính định hướng chung. Giáo viên căn cứ vào những bài làm cụ thể của học sinh, linh hoạt chấm điểm cho phù hợp, khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo.
ĐỀ SỐ 2
PHÒNG GD&ĐT TÂN HIỆP | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2016 – 2017 Môn: Ngữ Văn – lớp 6 Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (1,5 điểm) Truyện cổ tích là gì? Kể tên các truyện cổ tích đã học?
Câu 2: (1,0 điểm) Nêu ý nghĩa văn bản “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng”.
Câu 3: (1,5 điểm)
a/ Động từ là gì?
b/ Tìm động từ trong câu sau và sắp xếp các động từ ấy vào 2 loại chính?
”Bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúc nhích”.
Câu 4: (1,0 điểm) Cho danh từ học sinh, hãy phát triển thành cụm danh từ và đặt câu với cụm danh từ ấy?
Câu 5: (5,0 điểm) Nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5/2016 (thứ bảy và chủ nhật), các thành viên trong gia đình em đều về sum họp bên nhau. Hãy kể về ngày chủ nhật đáng nhớ này.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 6
Câu 1
- Truyện cổ tích là truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc (nhân vật bất hạnh; nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng, kì lạ; nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch; nhân vật là động vật). Truyện thường có yếu tố hoang đường, thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.
- Các truyện đã học: Thạch Sanh, Em bé thông minh…
Câu 2: Ý nghĩa:
- Truyện ca ngợi vị Thái y lệnh không những giỏi về chuyên môn mà còn có lòng tấm lòng nhân đức, thương xót người bệnh.
- Câu chuyện là bài học về y đức cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau
Câu 3
- Động từ là những từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật.
- Sắp xếp:
- Động từ tình thái: Định, dám
- Động từ hành động, trạng thái: Ăn, run, sợ, nhúc nhích
Câu 4
- Học sinh có thể có nhiều cách phát triển thành CDT
VD: Một học sinh; học sinh ấy…
- Đặt câu phải có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ
VD: Học sinh ấy rất chăm ngoan.
Câu 5
* Hình thức:
- Bài văn có bố cục ba phần rõ ràng, chặt chẽ. Trình bày hợp lý. Không mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
- Kể về một chuyện đời thường.
- Ngôn ngữ trong sáng, nội dung cụ thể rõ ràng.
- Kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm (không yêu cầu cao).
* Nội dung (một vài gợi ý sau)
1. Mở bài: Giới thiệu về ngày nghỉ lễ, sự sum họp gia đình và ấn tượng chung của mình.
2. Thân bài:
- Gia đình sum họp đông vui, các hoạt động, sinh hoạt của gia đình;
- Cả nhà quây quần bên mâm cơm, lời chúc lời dặn dò của ông bà cha mẹ;
- Lời hứa, sự quyết tâm của con cháu
- Chia tay (đi học, trở về nơi công tác…)
3. Kết bài: Ấn tượng sâu sắc về ngày chủ nhật đáng nhớ này.
* Biểu điểm:
- Điểm 5: Bài viết đúng thể loại, bố cục rõ ràng. Nội dung nổi bật, sâu sắc. Diễn đạt lưu loát. Kết hợp các yếu tự sự miêu tả, biểu cảm. Trình bày sạch đẹp, đúng chính tả, đúng ngữ pháp.
- Điểm 4: Hành văn mạch lạc, bố cục bài hợp lý, nội dung đầy đủ. Có kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm. Còn mắc một vài lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 2 – 3: Bài viết đủ ba phần, nội dung còn sơ sài, còn mắc một vài lỗi chính tả.
- Điểm 1: Bố cục chưa hoàn chỉnh, diễn đạt yếu, còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc lạc đề.