Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020 – 2021, Tài Liệu Học Thi xin gửi đến quý thầy cô giáo và các em học sinh Đề thi khảo sát chất lượng
Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020 – 2021 có đáp án chi tiết kèm theo giúp các em học sinh ôn tập các dạng bài tập Ngữ văn chuẩn bị cho bài thi khảo sát chất lượng đầu năm.
Đồng thời giúp các thầy cô có thêm tài liệu tham khảo ra đề kiểm tra cho các em học sinh lớp 11. Sau đây mời các thầy cô cùng các em học sinh tham khảo và tải tài liệu tại đây.
Xem Tắt
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11
Đề khảo sát Ngữ văn 11 – Đề 1
I. Đọc – hiểu: (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
“…Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi…”
(Trích “ Tổ Quốc nhìn từ biển” – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính? (0,5 điểm).
Câu 2. Đoạn thơ trên được làm theo thể thơ gì? (0.5 điểm).
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ ấy trong hai câu thơ sau: (1.0 điểm)
“Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”
Câu 4. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa hai câu thơ:
“Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi.”
(Viết từ 7 đến 10 dòng). (1.0 điểm)
II. Làm văn: (7.0 điểm)
Bức tranh mùa thu làng quê Việt Nam và tâm sự của nhà thơ Nguyễn Khuyến qua bài thơ “Câu cá mùa thu”.
Đề khảo sát Ngữ văn 11 – Đề 2
PHẦN I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4
(1) Nền văn hóa Đông Sơn (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là một nền văn hóa đồ đồng và đồ sắt nổi tiếng trên thế giới. Đủ loại vũ khí, dụng cụ, đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật được phát hiện: đục vũm bằng đồng, lưỡi cày đồng, dao găm đồng, vòng tay đồng, rìu sắt, cuốc sắt. Đặc biệt có những chiếc trống đồng. Chiếc to như chiếc trống đồng Ngọc Lũ, cao 0,63 mét, đường kính mặt trống 0,79 mét. Mặt trống và tang trống trang trí hình người, hình động vật và các đồ dùng khác. Có nhiều hoa văn hình học, hình răng cưa, hồi văn, hình tròn tiếp tuyến. Lại có những cảnh trong đời sống thể hiện phong cách nghệ thuật cách điệu hóa.
(2) Chủ nhân của nền văn hóa ấy không ai khác là người Lạc Việt, sống bao đời nay trên miền trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ buổi đầu thời đại đồng thau cho đến cuối thời đại đồng thau – đầu thời đại đồ sắt. Bấy giờ tổ tiên của chúng ta chưa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Sự tiếp xúc của ta với Trung Quốc chỉ bắt đầu từ khi Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc của vua An Dương, tức là từ thế kỉ thứ II trước công nguyên. Thời kì cực thịnh của nền văn hóa Đông Sơn là thời kì vua Hùng, vua Thục”
(Văn hóa Đông Sơn – Trương Chính, Đặng Đức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa, 1978, tr. 29-30)
1. Xác định nội dung chính và phong cách ngôn ngữ của văn bản (0,25 điểm)
2. Xác định phương thức biểu đạt và chỉ ra biện pháp tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn văn (1)? (0.25 điểm)
3. Trong các di vật tìm thấy ở Đông Sơn, các tác giả quan tâm nhất là vật gì? Vật đó nói lên điều gì về văn hóa Việt Nam? (0,5 điểm)
4. Việc các tác giả khẳng định: “Chủ nhân của nền văn hóa ấy không ai khác là người Lạc Việt. Bấy giờ tổ tiên của chúng ta chưa chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc.”có ý nghĩa gì? Anh/chị có cảm nhận gì về thái độ của các tác giả? (1.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)
5. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ, đâu là phương thức chủ yếu? (0.25 điểm)
6. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ cuối (0.5 điểm)
7. Ghi lại tên hai bài thơ trong chương trình Ngữ văn THCS có nội dung ngợi ca sự cống hiến cao đẹp của những người lính trẻ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước (0.25 điểm)
8.Tác giả đã thể hiện những tâm tư, tình cảm gì khi đứng trước dòng sông Thạch Hãn (0.5 điểm)
PHẦN II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (3 điểm)
Suy nghĩ của Anh/ chị về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống?
Câu 2: (4.0 điểm) Cảm nhận đoạn thơ sau
“Ngày xuân em hãy còn dài
………………
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đề khảo sát Ngữ văn 11 – Đề 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3
“Cuộc cách mạng công nghệ đã đưa lại sự phát triển phi thường trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh những thành tựu to lớn của nhiều ngành khoa học, sự xuất hiện của máy tính điện tử với các thế hệ nối tiếp nhau đã tạo ra các xu thế, các quan hệ hoàn toàn mới lạ trong mọi hoạt động kinh tế- xã hội. Khác hẳn với những máy móc ở thời đại công nghiệp truyền thống làm việc với nguyên liệu, máy tính điện tử làm việc với các tín hiệu gọi là thông tin. Dựa trên công nghệ vi điện tử, máy vi tính điện tử đóng vai trò cốt lõi của một ngành mới là tin học- ngành xử lí thông tin một cách tự động.”
(Trích Lịch sử văn minh thế giới – Vũ Dương Ninh)
Câu 1. Hãy ghi lại câu nêu khái quát chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Cụm từ “ngành xử lí thông tin một cách tự động” là thành phần gì trong câu văn “Dựa trên công nghệ vi điện tử, máy vi tính điện tử đóng vai trò cốt lõi của một ngành mới là tin học – ngành xử lí thông tin một cách tự động.” (0,5 điểm)
Câu 3. Văn bản trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 6
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
(Trích Đồng chí – Chính Hữu)
Câu 4. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)
Câu 5. Tìm trong đoạn thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng? (0,5 điểm)
Câu 6. Nêu ý nghĩa tả thực và ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong đoạn thơ? Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Bạn có bao giờ nói dối? Nếu bạn từng nói dối, bạn sẽ thay đổi ra sao nếu có người nói với bạn “Nói dối là hành vi của hạng người rẻ tiền và đáng bị khinh bỉ”?
Hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên bằng một bài văn nghị luận.
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của mùa thu làng quê Việt Nam qua bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến.
Đáp án đề thi KSCL đầu năm lớp 11 môn Ngữ văn
Đáp án đề Ngữ văn 11 – Đề 1
I. Đọc – hiểu: (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm (0.5 điểm).
Câu 2. Đoạn thơ được viết theo thể thơ: Tự do (hoặc thơ tám chữ) (0.5 điểm).
Câu 3.
– Biện pháp tu từ: So sánh: như áo mẹ bạc sờn (hoặc điệp từ : Biển) (0.5 điểm).
– Tác dụng: Sự trăn trở, lo lắng về tình hình biển đảo đang bị đe dọa bởi các thế lực xâm lăng và sự biết ơn đối với biển đảo quê hương. (0.5 điểm)
Câu 4. Trình bày suy nghĩ: Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng đảm bảo được các ý: (1.0 điểm)
– Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển – đảo ấy là một phần gia tài mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.
– Nhận thức được biển đảo Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những hiểm nguy.
– Ý thức rõ trách nhiệm giữ gìn đất đai Tổ quốc.
II. Làm văn: (7.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết viết bài văn nghị luận văn học
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, diễn đạt.
– Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Khuyến và bài thơ“Câu cá mùa thu” thí sinh cảm nhận được bức tranh làng quê việt Nam và tâm sự của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
b. Bức tranh mùa thu làng quê Việt Nam.
– Bức tranh mùa thu được cảm nhận qua:
Ao nhỏ trong veo.
Thuyền câu bé tí.
Sóng biếc gợn tí.
Lá vàng khẽ đưa.
Tầng mây lơ lửng.
Ngõ trúc quanh co.
→ Cảnh thu vùng đồng chiêm trũng hiện ra với những nét đẹp thanh sơ, yên tĩnh, vắng, buồn. Cảnh vật rất thân thuộc, bình dị nhưng qua ngòi bút của thi nhân lại trở nên trang trọng, thanh nhã.
→ Phải là người yêu mến, gắn bó tha thiết với cảnh, với làng mới cảm nhận được đầy đủ cái hồn điệu riêng, vẻ đẹp riêng cảnh thu nơi thôn dã.
c. Tâm sự của nhà thơ.
– Người đi câu cá:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Tư thế “tựa gối buông cần” là tư thế mang nặng tâm trạng.
Nhà thơ làm ông ngư chỉ vì muốn lánh đời
Câu cá mà không tập trung câu cá.
Cuộc đời ở ẩn không làm tan đi nỗi ưu tư với đời.
→ Dáng ngồi cùng với sự quan sát của nhà thơ: Ông đang tha thiết mong đợi một điều gì đó nhưng thế giới xung quanh là trống vắng.
– Đặt bài thơ vào hoàn cảnh những năm đất nước bị giặc Pháp xâm lược khi Nguyễn Khuyến đã cáo quan về quê, sống với nỗi niềm u uẩn, ta có thể hiểu được nỗi buồn, niềm khao khát ngóng đợi của ông là biểu hiện của nỗi đau đời, của tình yêu quê hương đất nước.
d. Nghệ thuật:
Cách gieo vần độc đáo.
Ngôn ngữ giàu sức gợi.
Lấy động tả tĩnh.
Đối tạo nên sự hài hòa cân xứng.
Mượn cảnh tả tình.
e. Đánh giá chung
3. Thang điểm:
Điểm 6 – 7: Cảm nhận tốt, suy nghĩ sâu sắc, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, còn mắc về một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Văn viết có hình ảnh, cảm xúc.
Điểm 4 – 5: Cơ bản cảm nhận được vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ, còn mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 2 – 3: Chưa làm rõ được vấn đề. Bài viết còn sơ sài, còn mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt.
Điểm 1: Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức, mắc nhiều lỗi về diễn đạt.
Điểm 0: Bài làm bỏ giấy trắng, hoặc viết những điều không liên quan đến đề.
Đáp án đề Ngữ văn 11 – Đề 2
PHẦN I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4
1. Xác định nội dung và phong cách ngôn ngữ của văn bản
– Nội dung văn bản: giới thiệu nền văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa đồ đồng, đồ sắt nổi tiếng của người Lạc Việt (Việt Nam)
– Phong cách ngôn ngữ của văn bản: phong cách ngôn ngữ khoa học
2. Nêu phương thức biểu đạt và chỉ ra biện pháp tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn văn (1)
– Đoạn văn (1) sử dụng phương thức biểu đạt: thuyết minh
– Biện pháp tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn văn (1): Liệt kê một loạt các di vật bằng đồng, bằng sắt được phát hiện (đục vũm bằng đồng, lưỡi cày đồng, dao găm đồng, vòng tay đồng, rìu sắt, cuốc sắt. trống đồng); cấu tạo và các loại hoa văn trang trí trên trống đồng
3. Trong các di vật tìm thấy ở Đông Sơn, các tác giả quan tâm nhất tới trống đồng
Bởi vì, trống đồng phản ánh trình độ văn minh của người Lạc Việt. Những họa tiết trên bề mặt tang trống và mặt trống không chỉ phản ánh sự phát triển của nghề đúc đồng mà còn cho thấy hoạt động văn hóa của người Việt cổ
4. Việc các tác giả khẳng định: “Chủ nhân của nền văn hóa ấy không ai khác là người Lạc Việt. Bấy giờ tổ tiên của chúng ta chưa chiụ ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc.”có ý nghĩa: khẳng định nền văn hóa Lạc Việt là một nền văn hóa độc lập và bác bỏ quan điểm sai trái: người phương Bắc đem kĩ thuật đúc đồ đồng vào Việt Nam thời cổ.
Thái độ của tác giả: vừa khách quan khoa học, vừa bày tỏ niềm tự hào, tự tôn về nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam
Đọc bài thơ Lời người bên sông và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8
5. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ: tự sự, miê tả, biểu cảm. Trong đó phương thức biểu đạt chủ yếu nhất là biểu cảm
6. Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ cuối
– Hoán dụ: Có tuổi hai mươi – cách diễn đạt tuổi hai mươi gợi ra tuổi trẻ; phần đời sôi nổi, nhiệt huyết, ý nghĩa nhất của mỗi người
– Hai câu thơ sử dụng cặp hình ảnh ẩn dụ: sóng nước- bờ để ngợi ca ý nghĩa sự hi sinh của những người lính với dân tộc
– Sóng nước: chỉ sự hóa thân của người lính đã hi sinh
– Bờ: gợi hình dung về quê hương, Tổ quốc
– Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ khiến câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm. Đồng thời tác giả đã thiêng liêng và bất tử hóa sự hi sinh cao đẹp của những người lính vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc
7. Những tâm tư, tình cảm của tác giả khi đứng trước dòng sông Thạch Hãn
– Sự xúc động, xót thương và trân trọng những đồng đội đã hi sinh
– Ca ngợi những cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ để làm nên nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Những người lính đã ngã xuống nhưng tuổi hai mươi của họ sẽ bất tử cùng Tổ quốc
8. Những bài thơ trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có nội dung ngợi ca sự cống hiến cao đẹp của những người lính trẻ: Đồng chí – Chính Hữu, Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật
PHẦN II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1: (3 điểm) Suy nghĩ của anh/ chị về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống?
1. Giải thích ý kiến: (0.5)
- Khát vọng: Là mong muốn những điều lớn lao, tốt đệp với một sự thôi thúc mạnh mẽ
- Tham vọng: Là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, thừng vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được
- Có ý kiến cho rằng: Trong cuộc sống, ai mà chẳng có khát vọng. Nhưng từ khát vọng, biến thành tham vọng và bạn cố bằng mọi cách để đạt tới thì … thật là một thảm họa
2. Bàn luận (2.0)
a. Khát vọng được coi là một biểu hiện tâm lí của con người mang tính tích cực, cao đẹp. Vì vậy, con người nên và cần có khát vọng
- Khát vọng giúp con người có định hướng, phương hướng trong suy nghĩ, hành động. Khát vọng là một động lực vô cùng to lớn. Nó làm cho con người giàu có thêm về sức mạnh, bản lĩnh, nghị lực, niềm tin…Trái tim ta, tâm hồn ta, suy nghĩ của ta… luôn luôn lạc quan, trong trẻo, đi theo hướng tích cực nhờ có khát vọng
- Để có được những điều lớn lao, tốt đẹp như mong muốn con người phải nỗ lực rất nhiều…Khát vọng khi đó lại có khả năng giúp con người tự nâng cao mình hơn lên
- Khát vọng của mỗi cá nhân không chỉ thực sự có ý nghĩa đối với bản thân họ mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước nhất là những khát vọng lớn lao, vĩ đại như khát vọng tự do, hòa bình, khát vọng dựng xây Tổ quốc…
- Cuộc sống không có khát vọng, không có ước mơ sẽ tẻ nhạt…Khát vọng sẽ chắp cánh cho cuộc sống
b. Tham vọng được coi là một biểu hiện tâm lí của con người mang tính tiêu cực. Do vậy, con người không nên kết bạn với tham vọng
- Người có tham vọng không đánh giá đúng được về bản thân mình, sẽ bị ảo tưởng về khả năng thực sự của bản thân
- Tham vọng có khả năng điều khiển, sai khiến con người. Nó khiến con người mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt, tìm đến với những mưu mô, toan tính, thủ đoạn…Khi đó tham vọng không chỉ có hại cho bản thân mà còn có hại đến nhiều người, đến cộng đồng, xã hội…
- Khi tham vọng không được thỏa mãn, con người rất dễ rơi vào trạng thái tâm lí xấu, tiêu cực: bi quan, chán nản, thù ghét… thậm chí có những hành động gây hậu quả khôn lường…
- Phê phán những người có tham vọng vị kỉ; đề cao những con người có khát vọng chính đáng.
3. Bài học nhận thức và hành động (0.5)
- Nhận thức được ý nghĩa to lớn của khát vọng đối với bản thân mỗi người và hậu quả nghiêm trọng của người có tham vọng vị kỉ
- Cần nỗ lực trau dồi năng lực, năng cao trình độ trong học tập và công tác để đạt được khát vọng chân chính; đấu tranh để loại bỏ những tham vọng không chính đáng.
Đáp án đề Ngữ văn 11 – Đề 3
Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1 (0,5)
– Trả lời đúng câu nêu khái quát chủ đề của văn bản: Cuộc cách mạng công nghệ đã đưa lại sự phát triển phi thường trong sản xuất và đời sống. (0,5)
– Trả lời sai hoặc không trả lời (0)
Câu 2 (0,5)
– Cụm từ “ngành xử lí thông tin một cách tự động” đóng vai trò thành phần phụ chú trong câu. (0,5)
– Ghi câu khác hoặc không trả lời. (0)
Câu 3 (0,5)
– Trả lời đúng-văn bản trên bàn về vấn đề: thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. (0,5)
– Trả lời sai hoặc không trả lời. (0)
Câu 4 (0,5)
– Trả lời đúng: (0,5)
+ Thể thơ tự do
+ Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm
– Trả lời sai hoặc không trả lời (0)
Câu 5 (0,5) Người lính trong đoạn thơ được thể hiện qua những hình ảnhnào? Những hình ảnh ấy gợi lên điều gì?
– Trả lời đúng:Người lính trong đoạn thơ được thể hiện qua những hình ảnh: Áo rách vai, quần có hai mảnh vá, chân không giày (0,25)
– Trả lời đúng: Hình ảnh thơ thể hiện sự thiếu thốn, nghèo khó của người lính; đồng thời thể hiện niềm cảm phục và yêu mến nơi người đọc (0,25)
– Trả lời sai hoặc không trả lời (0)
Câu 6 (0,5)
– Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong đọan thơ: (0,5)
- Ý nghĩa tả thực: hình ảnh người lính trong tư thế chiến đấu, súng trong tư thế sẵn sàng, mũi súng hướng về phía vầng trăng. Đêm khuya, trăng xuống thấp dần và ngang tầm mũi súng, tạo cảm giác trăng treo nơi đầu súng.
- Ý nghĩa tượng trưng: Súng tượng trưng cho tinh thần chiến đấu, trăng tượng trưng cho cái đẹp, cuộc sống yên bình. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là biểu tượng đẹp cho tình đồng chí cao đẹp, cho lí tưởng của người lính cầm súng chiến đấu cho cuộc sống thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân.
– Trả lời sai hoặc không trả lời 0
II. Làm văn. 7,0 điểm
Câu 1 (3,0 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
a. (0,5)
– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. (0,5)
– Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn (0,25)
– Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. (0)
b. (0,5)
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5)
– Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. (0,25)
– Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề. (0)
c. (1,0)
– Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.
– Đảm bảo các yêu cầu trên; đây là dạng đề mở, có thể có những cách triển khai bài viết khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản, học sinh cần đáp ứng được một số ý chính sau: (1,0)
– Giải thích:
- Nói dối: lời nói, phát ngôn không đúng với sự thật, nhằm mục đích hướng người tiếp nhận tin vào điều sai khác đó. Đây là hành vi được điều khiển bởi ý thức của con người.
- Nói dối là hành vi của hạng người rẻ tiền và đáng bị khinh bỉ: à Ý kiến này đề cập đến lời nói dối xuất phát từ những động cơ không chính đáng, vị kỉ, mang tính chất lừa dối = nói dối là hành vi tự hạ thấp nhân cách bản thân nên đáng chê trách, lên án. Nói dối là hành vi đáng chê trách, lên án. Người nói dối sẽ bị mọi người coi rẻ.
– Bàn luận:
- Trình bày ý kiến cá nhân về hiện tượng nói dối trong đời sống và những trải nghiệm của chính bản thân về vấn đề được nêu (Có hay không? Tại sao? Tự đánh giá hành vi bản thân)
- Nhận thức về vấn đề:
→ Bày tỏ quan điểm không đồng tình với những biểu hiện dối trá, thiếu trung thực qua hành vi nói dối vì những mục đích cá nhân vị kỉ. Vì sao?
- Tuy nhiên, lời nói dối xuất phát từ một tấm lòng chân thành, bao dung, yêu thương, muốn né tránh đi sự thật quá phũ phàng có thể gây tác động tiêu cực cho người tiếp nhận lại có ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ bởi tình người sẽ được thắp lên từ đấy.
- Suy nghĩ về sự thay đổi của bản thân về vấn đề được đặt ra: sẽ thay đổi ra sao nếu có người nói với bạn “Nói dối là hành vi của hạng người rẻ tiền và đáng bị khinh bỉ”? (Ý kiến cần cụ thể, chân thành, thiết thực, …)
– Rút ra bài học:
- Một trong những phẩm chất gắn với thiên lương con người là lòng trung thực à nói dối có thể làm hoen ố cái thiên lương trong sáng của con người. Nói dối đánh mất chữ tín là tự đánh mất giá trị của bản thân với mọi người.
- Tất cả phải từ ý thức, xây dựng cho mình thói quen “không nói dối” từ những việc nhỏ nhất, việc không quan trọng…
- Cần có thái độ cẩn trọng, cân nhắc khi phát ngôn cũng như khi đánh giá, phán xét mỗi sự việc, hành vi, lời nói
– Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. (0,75)
– Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên (0,5)
– Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,25)
– Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên (0)
d. (0,5)
- Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc, thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5)
- Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,25)
- Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0)
e. (0,5)
- Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể) (0,5)
- Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
- Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0)
Câu 2 (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
a. 0,5
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. (0,5)
- Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. (0,25)
- Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. (0)
b. 0,5
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của mùa thu làng quê Việt Nam qua bài “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến (0,5)
- Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung (0,25)
- Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề. (0)
c. 2,0
– Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng
– Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
2. Vẻ đẹp của mùa thu làng quê Việt Nam qua bài thơ “Câu cá mùa thu”
2.1. Nội dung:
– Cảnh mùa thu với những chi tiết điển hình mang nét đẹp của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ:
- Không khí mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ thanh sơ của cảnh vật. Dịu nhẹ, thanh sơ trong màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt. Dịu nhẹ, thanh sơ trong đường nét, chuyển động: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng,…..
- Nét riêng của làng quê Bắc bộ, cái hồn dân dã được gợi lên từ cái khung ao hẹp, từ cánh bèo, ngõ trúc quanh co,….
– Cảnh thu đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn:
- Không gian tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
- Các chuyển động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng,…
- Tiếng cá đớp càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật.
2.2. Nghệ thuật:
– Bút pháp tả cảnh ngụ tình độc đáo vửa sử dụng bút pháp nghệ thuật cổ điển vừa có những nét sáng tạo riêng
- Bút pháp nghệ thuật cổ điển- hình ảnh ước lệ, bút pháp lấy động tả tĩnh;
- Sáng tạo riêng- hình ảnh, từ ngữ đậm tính dân tộc: chiếc ao nhỏ, nước thu, lá thu,….
- Nghệ thuật sử dụng tiếng Việt điêu luyện:
- Sử dụng thành công nhiều từ láy: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng,….
- Vần “eo”- độc vận được sử dụng thần tình.
3. Đánh giá:
- Vẻ đẹp của mùa thu làng quê Việt Nam qua bài thơ “Câu cá mùa thu” thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên và tâm sự thời thế của nhà thơ.
- Vẻ đẹp của mùa thu làng quê Việt Nam qua bài cho thấy nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc cùng với việc sử dụng tiếng Việt hết sức tinh tế, tài hoa của Nguyễn Khuyến. Bức tranh thu đậm đà tính dân tộc.
- Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. (1,5 – 1,75)
- Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. (1,0- 1,25)
- Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,5 – 0,75)
- Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. (0)
d. 0,5
- Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5)
- Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,25)
- Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0)
e. 0,5
- Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể) (0,5)
- Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)
- Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0)