Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 12 năm 2020 – 2021, Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 12 năm 2020 – 2021 gồm 4 đề thi,
Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 12 năm 2020 – 2021 có đáp án chi tiết kèm theo giúp các em học sinh ôn tập các dạng bài tập Ngữ văn chuẩn bị cho bài thi khảo sát chất lượng đầu năm.
Đồng thời giúp các thầy cô có thêm tài liệu tham khảo ra đề kiểm tra cho các em học sinh lớp 12. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo và tải tài liệu tại đây.
Xem Tắt
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 12
Đề khảo sát Ngữ văn 12 – Đề 1
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
“Bất thần, từ một chỗ ít ai ngờ tới nhất bùng lên một tiếng nổ cùng với những cột đất dựng lên mù mịt. Hiện ra sau những đám khói ấy, bên những ngọn lửa ấy là cô gái mà tôi thường nghĩ đến và đồng đội của cô, là những người thân yêu, những chiến sĩ giữ đường gan góc. Dọc con đường này, họ đã trở nên thân thuộc với anh em lái xe, có khó khăn nào mà chúng tôi không cùng họ san sẻ, có chuyến đi nào mà chúng tôi không cùng ăn dăm ba bữa cơm với họ. Có người chúng tôi gặp luôn, có người chưa bao giờ thấy mặt, nhưng tất cả đều trở nên gần gũi và dễ hiểu, đều trở thành một vẻ đẹp chung gắn bó với mỗi chúng tôi. Một dáng người đứng bên đường vẫy tay chào, một khuôn mặt trầm tư lướt qua cửa xe, một nụ cười của ai mà ta gặp ở đâu rồi, một giọng nói nào giống như giọng nói của người quen mà không kịp nhớ và những đôi mắt của lòng tin cậy biết nói cho ta nghe những chuyện đâu dễ hôm nay đã nói hết được thành lời”
(Đỗ Chu – Ráng đỏ (1-1969)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2 (0,5đ): Nêu chủ đề của đoạn trích.
Câu 3 (1đ): Hình ảnh cô gái và đồng đội của cô trong đoạn trích trên gợi cho anh/chị nhớ tới tác phẩm văn học nào cũng viết về những cô gái như họ? Điểm chung nổi bật ở họ là gì?
Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của anh/chị về những người chiến sĩ thời bấy giờ.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Cá không rời được nước sông, trái tim không thể không mơ ước”.
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Đề khảo sát Ngữ văn 12 – Đề 2
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
Thời gian trôi qua kẽ tay, đưa mùa hạ cuối chợt về ngẩn ngơ chẳng cho ai kịp giữ. Tuổi học trò trôi đi trên từng trang lưu bút, mùa phượng cuối ùa về cho ai tiếc những tà áo dài trắng bay…
Một thời áo trắng trong veo và tinh khôi đến thế, ôm sao cho hết; ôm sao để được tròn đầy cho những gì đã qua.
Cơn mưa cuối chiều chở nhớ và thương, những vòng xe quay đều rồi cuộn những tháng năm hóa thành kỉ niệm.
Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…
Tiếng ríu rít ve sầu kêu trên vòm lá, tiếng mùa hè tại đến, tiếng một mùa học trò nữa lại đi…
Mùa phượng cuối gọi buồn về cho nhưng luyến tiếc thời gian… Mùa không ai bảo ai, mắt buồn ngấn lệ…
Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ, có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về…
Góc sân trường, một cánh hoa rơi mong manh cho mùa hạ cuối… Và còn mãi trong tim ta, những dấu yêu một thời…
(Lạc Hi – Viết cho mùa phượng cuối)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2 (0,5đ): Nỗi buồn ngày chia tay được thể hiện qua những hình ảnh nào?
Câu 3 (1đ): Xác định các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn kể về những kỉ niệm mà anh/chị nhớ mãi khi xa ngôi trường.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Đề khảo sát Ngữ văn 12 – Đề 3
Câu 1 (3,0 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi.
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy tay cười đôi mắt trong.
(Trường Sơn, 12/1974)
1) Dựa vào những thông tin trong tác phẩm, hãy nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của bài thơ. (0,5 điểm)
2) Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)
3) Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ: Em đứng bên đường như quê hương? (0,5 điểm)
4) Chỉ ra các hình ảnh miêu tả thiên nhiên. Các hình ảnh đó tạo nên bức tranh rừng Trường Sơn như thế nào? (0,5 điểm)
5) Không khí hành quân hào hùng, thần tốc được gợi lên qua hình ảnh nào? (0,5 điểm)
6) Hình ảnh “em gái tiền phương” được khắc họa như thế nào? Hình ảnh đó gợi lên cho anh/chị suy nghĩ gì về sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc? (0,5 điểm)
7) Bài thơ từng được cho là có những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. Theo anh/chị điều đó được thể hiện qua câu thơ hoặc hình ảnh thơ nào? (0,5 điểm)
8) Nêu những biểu hiện của không khí sử thi và lãng mạn được thể hiện trong bài thơ (0,5 điểm)
Câu 2 (7,0 điểm)
“Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.”
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Đáp án đề thi KSCL đầu năm lớp 12 môn Ngữ văn
Đáp án đề Ngữ văn 12 – Đề 1
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 2 (0,5đ):
– Chủ đề của đoạn trích: ca ngợi vẻ đẹp của cô gái mở đường thời chống Mỹ.
Câu 3 (1đ):
– Hình ảnh cô gái và đồng đội của cô trong đoạn trích trên gợi cho ta nhớ tới tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê,.. cũng viết về những cô gái như họ.
– Điểm chung nổi bật ở họ là sự dũng cảm, gan góc, hồn nhiên, yêu đời, gắn bó với nhau trong tình đồng chí, đồng đội, luôn sáng một niềm tin ở tương lai.
Câu 4 (1đ):
Suy nghĩ về người lính lúc bấy giờ:
– Họ là những người anh hùng dũng cảm.
– Là những con người mang phẩm chất tốt đẹp, luôn lạc quan và hi vọng vào tương lai tươi sáng.
→ Là tấm gương để chúng ta học tập.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về câu nói: “Cá không rời được nước sông, trái tim không thể không mơ ước”
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Cá không rời được nước sông, trái tim không thể không mơ ước”.
2. Thân bài
a. Giải thích
“Mơ ước” là mong muốn điều tốt đẹp ở tương lai; là điều con người khát khao để từ đó sống đẹp hơn.
→ Câu nói mang ý nghĩa: con người sống có ước mơ là người biết vươn lên và sẽ đạt được những điều tốt đẹp hơn; ước mơ thúc đẩy con người phát triển. Nếu không có ước mơ, chúng ta chỉ là đang tồn tại và sẽ bị thụt lùi về sau so với xã hội.
b. Phân tích
– Có ước mơ thì có hi vọng, có hi vọng thì có khơi mầm sáng tạo.
– Ước mơ là định hướng, dẫn dắt mang lại những hoạt động của con người.
– Ước mơ là điểm tựa để giữ thăng bằng trong cuộc sống, là một động lực thúc đẩy con người tiến về phía trước
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người sống không có ước mơ, bi quan, không tin tưởng vào cuộc sống… → khó có được thành công và cuộc sống tốt đẹp.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Từ ấy.
2. Thân bài
a. Khổ 1
– Hai câu thơ đầu:
Từ ấy” là lúc nhà thơ mới vào tuổi 18 được “mặt trời chân lí” cách mạng soi sáng đường đời.
Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ” tượng trưng cho nguồn nhiệt lượng cách mạng làm bùng sáng tâm hồn nhà thơ.
“mặt trời chân lí”: ánh sáng điệu kì của cách mạng, ánh sáng của tư tưởng cộng sản, của chân lí xã hội.
→ Niềm vui hân hoan của người chiến sĩ được giác ngộ lí tưởng của Đảng.
– Hai câu thơ sau là niềm vui sướng của một tâm hồn tươi mới: Những vang động và vui tươi tràn ngập trong tâm hồn được so sánh bằng những hình ảnh và âm thanh lấy từ thiên nhiên tạo vật: “vườn hoa lá, đậm hương, rộn tiếng chim”.
b. Khổ 2
– Hai câu đầu: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người.
“buộc”: thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua ranh giới của “cái tôi” để chan hòa mọi người.
Tâm hồn nhà thơ vươn đến “trăm nơi” và “trang trải” sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với con người.
– Hai câu thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người:
“Để hồn tôi với bao hồn khổ”: hòa nhập vào những đau thương, mất mát của bao nhiêu kiếp người lầm than.
“Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”: ở gần nhau, đồng cảm, thấu hiểu cho nhau sẽ tạo nên một sức mạnh, một khối đại đoàn kết dân tộc.
→ Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa mình và nhân dân.
c. Khổ 3
Nhà thơ tự nhận mình “là con của vạn nhà” trong nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất để yêu thương, xoa dịu những thiệt thòi mất mát và để gần gũi nhau hơn.
“Là em của vạn kiếp phôi pha”: gần gũi bằng tình cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương.
“Là anh của vạn đầu em nhỏ”: thêm có ý thức trách nhiệm dạy dỗ, dẫn dắt thế hệ sau mình đi theo con đường đúng đắn.
“cù bất cù bơ”: mộc mạc, giản dị.
→ Từ những cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp cống hiến đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã hội tăm tối dưới bóng thù xâm lược.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Đáp án đề Ngữ văn 12 – Đề 2
I. Đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
– Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2 (0,5đ):
– Nỗi buồn ngày chia tay được thể hiện qua những hình ảnh: cơn mưa, ghế đá, vòng xe quay, tiếng ve, ô gạch lát, góc sân trường, cánh hoa rơi,
Câu 3 (1đ):
– Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: liệt kê (các sự vật gắn liền với trường học, với mùa hè), nhân hóa (Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời).
– Tác dụng: làm cho câu văn thêm sinh động hơn, diễn đạt được trọn vẹn thông điệp và thể hiện sự bâng khuâng, rối bời, sự xúc động, nghẹn ngào của tác giả…
Câu 4 (1đ):
Học sinh tự viết về kỉ niệm đáng nhớ của mình.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về câu nói “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
2. Thân bài
a. Giải thích
– “Của cải” là những thứ có giá trị do con người làm ra hoặc có sẵn trong tự nhiên mà con người chiếm lĩnh được và tích lũy thành tài sản của mình.
– “Lời nói” là công cụ, cách thức giao tiếp của con người trong đời sống hằng ngày.
→ Vật chất là do con người tạo ra, nó chỉ làm đẹp hình thức một cách giả tạo chứ không thể làm đẹp được tâm hồn. Chỉ những lời hay ý đẹp ở đời mới thực sự có giá trị gắn kết con người.
b. Phân tích
– Sự thông minh mà người khôn ngoan cho vào lời nói của mình là vô giá, nó thể hiện danh dự, nhân phẩm của mỗi một con người.
– Người khôn ngoan và khéo léo trong giao tiếp thì sẽ dễ có được thành công hơn với sự nhạy bén trong lối nói của mình.
– Khi thật sự biết dùng lời lẽ, chúng ta sẽ hướng mọi người theo suy nghĩ tích cực của mình bằng chính lời nói của bản thân → xã hội tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người không biết ý thức kiểm soát lời nói dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường,… → cần phải điều chỉnh.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ): Dàn ý phân tích bài thơ Tràng Giang
I. Mở bài:
– Giới thiệu những nét chính về tác giả Huy Cận (đặc điểm tiểu sử, con người, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Tràng giang” (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát những nét cơ bản về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)
II. Thân bài:
* Nhan đề và câu thơ đề từ
– Nhan đề:
+ Một từ Hán Việt mang sắc thái cổ kính, với nghĩa là sông dài.
+ Sử dụng hai vần vần mở, có độ vang, độ ngân xa liên tiếp nhau, gợi lên hình ảnh một con sông vừa dài vừa rộng.
– Câu thơ đề từ: Khái quát một cách ngắn gọn, đầy đủ tình và cảnh trong bài thơ
* Khổ 1
– Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ nhất đã mở ra một hình ảnh sông nước mênh mang.
→ Từ “điệp điệp” gợi lên hình ảnh những đợt sóng cứ nối đuôi nhau vỗ vào bờ không ngừng nghỉ, không dứt, tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la.
– Hình ảnh: con thuyền xuôi mái nước gợi lên sự nhỏ nhoi
→ Hình ảnh đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình ảnh con thuyền nhỏ bé càng gợi lên trong chúng ta sự cô đơn, le loi.
– Hai câu cuối:
+ Thuyền và nước như có một nỗi buồn chia lìa đang đón đợi, cho lòng “sầu trăm ngả”. Đặc biệt, giữa cảnh sông nước mênh mông ấy,
+ Hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên trong lòng người đọc ám ảnh khôn nguôi về cõi nhân sinh, lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu
→ Trong khổ thơ thứ nhất, nếu ví dòng tràng giang là dòng đời vô tận thì hình ảnh con thuyền, cành củi khô chính là hình ảnh tượng trưng cho kiếp người nhỏ nhoi, vô định, đồng thời gợi lên nỗi buồn không nguôi, không dứt của tác giả.
* Khổ 2
– Hai câu thơ đầu đã vẽ nên một không gian hoang vắng, hiu quạnh:
+ Nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm đã gợi lên sự thưa thớt, hoang vắng, lạnh lẽo
+ Câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” là câu thơ có nhiều cách hiểu nhưng dẫu hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn, sự hoang vắng, tàn tạ, thiếu vắng đi sự sống của con người
– Hai câu sau, không gian như được mở rộng cả về bốn phía làm cho cảnh vật vốn đã vắng vẻ lại càng thêm cô liêu và tĩnh mịch hơn, từ đó gợi lên cả nỗi buồn, sự cô đơn đến tột cùng của lòng người
* Khổ 3
– Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng”: gợi lên hình ảnh về kiếp người, cõi nhân sinh trôi nổi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu.
– Nghệ thuật phủ định được lặp lại: “không một chuyến đò ngang”, “không cầu”.
→ Ở nơi đây không có bất cứ thứ gì gắn kết đôi bờ với nhau, nó thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người và hơn hết là tình người, mối giao hòa, thân mật giữa con người với nhau
* Khổ 4
– Hai câu thơ đầu khổ thơ: Vẽ nên một bức tranh thiên nhiên chiều tà với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ.
+ Hình ảnh những đám mây trắng cứ hết lớp này đến lớp khác nối tiếp nhau “đùn” lên dưới ánh nắng chiều như tạo nên những quả núi dát bạc.
+ Hình ảnh cánh chim xuất hiện như ánh lên một tia ấm áp cho cảnh vật song nó vẫn không làm vơi đi nỗi buồn trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ.
– Hai câu thơ cuối đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết, cháy bỏng của tác giả
+ Hình ảnh “dờn dợn vời con nước” không chỉ tả những đợt sóng lan xa mà hơn thế nó còn gợi lên cảm giác buồn nhớ đến vô tận của nhà thơ – nỗi buồn của người xa xứ đang nhớ quê hương da diết.
+ Câu thơ cuối đậm chất cổ điển khép lại bài thơ đã diễn tả một cách chân thực và rõ nét niềm thương nhớ quê hương đất nước của nhà thơ
III. Kết bài:
Khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của bài thơ và những cảm nhận của bản thân.
Đáp án đề Ngữ văn 12 – Đề 3
I. Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
– Việc chi tiết hoá điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
– Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,5 (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,5; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,0 điểm).
II. Đáp án và thang điểm
Câu 1 (3,0 điểm) |
Nội dung |
Thang điểm |
– Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: tháng 12/1974. Đó là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mĩ ở giai đoạn gấp rút. Tất cả quân và dân đang dồn sức cho tiền tuyến, tiến về Sài Gòn. Bài thơ được tác giả viết giữa rừng Trường Sơn. |
0,5 |
|
– Bài thơ viết theo thể thơ tự do. |
0,5 |
|
– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: So sánh (em (đứng bên đường) – quê hương) |
0,5 |
|
– Hình ảnh “em gái tiền phương”: Nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi vai áo bạc, quàng súng trường – như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ (0,25đ) – Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ. (0,25đ) |
0,5 |
|
– Bài thơ từng được cho là có những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. điều đó được thể hiện qua câu thơ chào em, em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn. |
0,5 |
|
– Không khí sử thi: Khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc. Trên nền của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, và những đoàn quân hành quân vội vã kéo dài không dứt là hình ảnh của em gái tiền phương gan dạ, dũng cảm (0,25đ) – Cảm hứng lãng mạn: Vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn; niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến (0,25đ) |
0,5 |
|
Câu 2 (7,0 điểm)
|
A. Yêu cầu về kĩ năng – Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. – Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; luận điểm rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng hợp lí. – Lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. – Khuyến khích những bài viết sáng tạo. |
|
B. Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ những ý cơ bản sau: |
|
|
– Giới thiệu vấn đề nghị luận. |
0,5 |
|
– Giải thích: + Người nổi tiếng: Là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến. + Người có ích: Là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội. + Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người: Hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người. |
0,5 |
|
– Bình luận: + Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng: × Tiếng tăm, danh vọng: Thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống. × Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi. × Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa. + Trước hết, hãy là người có ích: × Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống. × Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống. × Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ). + Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội. + Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương. |
3,0 |
|
– Nhận thức và hành động: + Đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá. + Làm sao để là người có ích: × Hãy sống có lý tưởng; × Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm; × Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng; + Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính. |
1,0 |
|
– Khẳng định nội dung vừa phân tích và nói lên suy nghĩ của bản thân. |
2,0 |
|
Lưu ý: Điểm tối đa chỉ dành cho những bài làm đảm bảo yêu cầu về kiến thức, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, lôgíc, có cảm xúc và không mắc nhiều lỗi chính tả. |