(VTC News) – Đó là chứng tích của một tội ác kinh hoàng, man rợ, tưởng như chỉ có ở thời nguyên thủy.
Kỳ 1: Ám ảnh lọ mỡ ở Bảo tàng Hà Giang
Bảo tàng tỉnh Hà Giang khá sơ sài, ít vật dụng trưng bày và sự thực là khách tham quan vắng tanh. Nhưng nhắc đến bảo tàng Hà Giang, người dân vùng địa đầu đều biết đến cột đá giết người và những câu chuyện ly kỳ, liêu trai, ghê rợn quanh nó.
Nhưng ít ai biết rằng, trong góc sâu của bảo tàng tỉnh, có một cái lọ đựng mỡ, mà kinh hoàng thay, đó là mỡ người. Đó là chứng tích của một tội ác kinh hoàng, man rợ, tưởng như chỉ có ở thời nguyên thủy.
Chẳng lẽ, ở vùng cao nguyên đá xa xôi này, từng có chuyện con người giết nhau, rán mỡ người? Nhìn cái lọ mỡ người nằm im lìm trong tủ kính, những người yếu bóng vía có lẽ phải dựng tóc gáy, thậm chí chẳng dám nhìn.
Cột đá giết người ở Hà Giang
Cả ngày chẳng có khách viếng thăm, nên khi hỏi chuyện, cô hướng dẫn viên xinh đẹp của vùng cao nguyên đá giới thiệu khá nhiệt tình: Năm 1959, có vụ bạo loạn của phỉ, xảy ra vào tháng 12. Bọn phỉ đã cướp cửa hàng lương thực ở Lũng Phìn (Đồng Văn), giết 2 cán bộ của ta làm nhiệm vụ bán hàng ở đó.
Tên Giàng Mí Thưng, là tư lệnh phó của phỉ ở Đồng Văn đã dùng dao giết người, xẻo thịt các cán bộ. Chúng treo 2 đồng chí lên cây rồi xẻ thịt để đe dọa cán bộ, nhân dân ta, nhằm phá cách mạng. Chúng còn rán mỡ cán bộ để đe dọa.
Bảo tàng dân tộc học Việt Bắc của tỉnh Hà Tuyên đã sưu tầm được lọ mỡ này. Khi tách tỉnh Hà Tuyên thành Hà Giang và Tuyên Quang, Bảo tàng Việt Bắc đã trả lọ mỡ về cho Hà Giang vào năm 1991.
Bảo tàng Hà Giang cũng nhận được một tập tài liệu báo cáo của ngành văn hóa, trong đó có phần nói về cuộc triển lãm lưu động vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, có vài dòng nhắc đến lọ mỡ người.
Theo đó, các cụ ở Lũng Phìn (Đồng Văn) phản ánh rằng, bọn phỉ đựng mỡ người trong ống bương rồi treo lên cây, chứ không phải đựng trong lọ thủy tinh như trưng bày của bảo tàng. Các cụ già phản ánh là chính xác.
Lọ mỡ người trong Bảo tàng Hà Giang
Việc đựng mỡ người trong ống bương khiến lượng mỡ hao hụt nhanh, nên bảo tàng Việt Bắc đã bảo quản bằng lọ thủy tinh. Khi chuyển lọ mỡ về Bảo tàng Hà Giang, lọ mỡ vẫn tiếp tục hao hụt, nên các cán bộ bảo tàng phải dùng xi măng trát kín lại. Mặc dù vậy, mỡ trong lọ vẫn hao hụt, giờ chỉ còn 30% so với ngày xưa.
Lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên khiến tôi dựng tóc gáy. Lọ mỡ người nằm im lìm trong tủ kính, trong ánh sáng mờ ảo của những bóng đèn quả nhót càng khiến cảm giác thêm ớn lạnh.
Thông tin chỉ có vậy, cô hướng dẫn viên nói như một cái máy. Hỏi thêm bất cứ thứ gì, cô cũng lắc đầu không biết.
Tôi mang chuyện lọ mỡ này gặp các các bộ sưu tầm, gặp một đồng chí phó giám đốc, cũng không nhận được thông tin gì mới hơn, thậm chí, các lãnh đạo của bảo tàng còn nhờ cô hướng dẫn viên ghi chép lại thông tin, rồi chuyển cho nhà báo.
Hẹn hò mấy lần, rồi tôi cũng gặp được ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng Hà Giang. Đã có tuổi, song ông Hợp vẫn phải dầm mình trong tất cả các hang hốc, hố khai quật. Ông Hợp cũng buồn bã khi thú nhận với tôi rằng, hiện ông vẫn chưa tìm được cán bộ khảo cổ đủ năng lực giúp việc cho ông.
Xét xử phỉ nổi loạn ở Đồng Văn
Hỏi về lọ mỡ người, ông Hợp cũng không nắm được thông tin nhiều hơn cô hướng dẫn viên ở bảo tàng. Có được chút thông tin nào, ông đều đã cung cấp cho cô hướng dẫn viên.
Ông Hợp lục tung mấy tủ sách, tìm cho kỳ được tập tài liệu in năm 1961 có tên Báo cáo ngành văn hóa, ghi vài dòng như lời cô hướng dẫn viên đã nói ở trên.
Theo ông Hợp, ông và một cán bộ tên là Toán đã trực tiếp nhận chuyển giao các cổ vật từ Bảo tàng dân tộc Việt Bắc vào năm 1991. Khi đó, ông Hợp cũng hết sức ngạc nhiên về lọ mỡ người này.
Từ 20 năm nay, ông vẫn để tâm nghiên cứu, nhưng thông tin thu thập được không đáng kể, vẫn dậm chân tại chỗ. Điều lạ lùng là, Bảo tàng dân tộc học Việt Bắc khi chuyển giao lọ mỡ người năm 1991, thì lọ mỡ vẫn đầy.
Lọ mỡ này gom được từ năm 1961, khi tiễu phỉ thành công. Bảo tàng Việt Bắc đổ từ ống bương sang lọ thủy tinh.
20 năm ở Bảo tàng Hà Giang, lọ mỡ người chỉ còn lại chừng này
Khi Bảo tàng Hà Giang nhận lọ mỡ, thì lọ mỡ vẫn đầy nguyên. Nghĩa là, khi lọ mỡ ở Bảo tàng dân tộc học Việt Bắc, đặt tại Tuyên Quang suốt 30 năm, lọ mỡ vẫn đầy, nhưng khi về Bảo tàng Hà Giang, thì sau hơn 20 năm, lọ mỡ cứ thế vơi dần.
Điều khó hiểu hơn nữa, đó là, Bảo tàng Việt Bắc chỉ bảo quản lọ mỡ bằng nút gỗ. Khi nhận lọ mỡ vào năm 1991, thấy lọ mỡ bịt bằng nút gỗ, sợ mỡ bốc hơi, hao hụt, nên một năm sau, tức năm 1992, ông Hợp đã trực tiếp dùng xi măng gắn lại, để mỡ được bảo quản tốt hơn, không thể bay hơi được.
Nhưng chuyện không ai giải thích được, đó là lọ mỡ bốc hơi nhanh hơn khi được bịt kín. Từ một lọ mỡ đầy, giờ chỉ còn ít như vậy (xem ảnh).
Khi tìm hiểu, trưng bày lọ mỡ, ông Hợp rất quan tâm thu gom ý kiến của những người già, lãnh đạo ngày xưa. Nhiều người nhận chính mình là người thu lọ mỡ từ bọn phỉ giao cho bảo tàng, tuy nhiên, khi ông Hợp điều tra, tìm hiểu, thì đều không phải.
Còn tiếp
Bình Thủy
Video liên quan