10 câu hỏi thường gặp khi dạy Tiếng Việt 1 sách Cánh diều, 10 câu hỏi thường gặp khi dạy Tiếng Việt 1 sách Cánh diều giúp thầy cô giải đáp những thắc mắc, những
10 câu hỏi thường gặp khi dạy Tiếng Việt 1 sách Cánh diều giúp thầy cô giải đáp những thắc mắc, những băn khoăn trong quá trình dạy môn Tiếng Việt 1. Cũng bởi là năm đầu tiên phát hành sách giáo khoa mới, nên rất nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ. Vậy mời thầy cô cùng tham khảo nội dung bài viết:
Hỏi đáp môn Tiếng Việt 1 sách Cánh diều
Câu 1: Tôi thấy trong tiết dạy minh họa, cô giáo hướng dẫn đánh vần theo kiểu công nghệ (sử dụng động tác tay), tại sao phải làm thế? Những tiếng có dấu thanh và các vần có 3 âm, dùng động tác tay thế nào? Tôi không sử dụng động tác tay khi dạy học sinh đánh vần được không?
Trả lời:
– Trong bài b – bễ, cô giáo hướng dẫn đánh vần bê – ngã – bễ là kiểu của sách Công nghệ GD. Cách làm này có tác dụng phân tích tiếng bễ bằng cách so sánh nó với bê: Bễ khác bê ở thành ngã. Vì vậy, từ tiếng bê có thể đánh vần bê – ngã – bễ. Sau đó, cô hướng dẫn gộp 2 bước đánh vần thành bờ – ê – bê – ngã – bễ. Thêm nữa, việc sử dụng thao tác tay là cách vận dụng lí thuyết hoạt động chuyển từ ngoài vào trong, dễ cho học sinh khi mới bắt đầu. Đây là điểm hay, ta có thể vận dụng.
– Đánh vần kết hợp động tác tay không áp dụng được trong các trường hợp tiếng có dấu thanh và các vần có 3 âm (o-a-nờ-oan). Đánh vần kết hợp đông tác tay chỉ áp dụng ở giai đoạn đầu để thực hiện quá trình chuyển vào trong. Sau một vài bài đầu (phần dạy chữ), ko cần áp dụng nữa.
– Đánh vần kết hợp động tác tay chỉ là một kĩ thuật nhỏ để hỗ trợ việc dạy học. Thầy cô không nhất thiết phải áp dụng.
Câu 2: Tại sao môn Tiếng Việt lại dạy viết chữ số? Tại sao chỉ dạy viết kiểu 1 (giống kiểu chữ in) mà không dạy viết kiểu 2? Tại sao dạy viết chữ số cao 4 ô ly trong khi sách BT Toán chữ số chỉ cao 2 ô ly?
Trả lời:
Tại sao môn TV dạy viết chữ số?
Đó là quy định của Chương trình. TV dạy viết chữ thì dạy luôn viết chữ số để môn Toán tập trung dạy khái niệm số, không lẫn khái niệm số với chữ số.
Tại sao chỉ dạy kiểu 1 (giống chữ in) mà ko dạy kiểu 2?
Kiểu 1 dễ viết. Trong quá trình học, gv sẽ hướng dẫn viết chữ số kiểu 2.
Tại sao chữ số cao 4 ô li (2 đơn vị, kiểu chữ cỡ to), trong khi chữ cái viết 2 ô li (cỡ vừa)?
Ví dụ trên phông hội nghị: “Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 6 năm 2020” các bạn nhìn thấy chữ hoa và chữ số cao gấp đôi chữ 1 đơn vị. Nghĩa là khi ta dạy viết cỡ vừa thì chữ số phải viết cỡ to; chữ cái viết cỡ nhỏ thì chữ số phải cỡ vừa mới bảo đảm thẩm mĩ.
Còn khi làm toán, chỉ toàn chữ số thì viết cỡ nào cũng được, tuỳ theo giai đoạn (học kì 2 viết chữ cỡ nhỏ).
Câu 3: Có nhất thiết phải dạy theo quy trình trong sgv?
Trả lời:
Đó là quy trình tối ưu. Tuy nhiên, gv có thể vận dụng linh hoạt cho phù hợp đối tượng. Sgk không phải pháp lệnh. Sgv càng ko phải. Điều quan trọng nhất là hs phải đạt đc yêu cầu đã quy định trong Chương trình.
Câu 4: GV ghi bảng thế nào?
Trả lời:
Giờ dạy không phải giờ trình diễn của gv mà là giờ học của hs. Điều quan trọng nhất là hs phải hoạt động và đạt được yêu cầu. GV chỉ cần ghi thứ, ngày, tháng, năm, tên bài. Giờ học chữ, học vần thì có mô hình đánh vần, có chữ mẫu.
Câu 5: Có nhất thiết phải giải nghĩa từ, tìm hiểu nội dung bài đọc?
Trả lời:
– Nhất thiết. Dạy chữ phải đi kèm dạy nghĩa. Câu hỏi tìm hiểu bài ở phần học vần rất đơn giản (ghép, sắp xếp ý,…). Sang phần Luyện tập thì mới có khoảng 2, 3 câu hỏi đơn giản.
Câu 6: Tại sao trong sách Tiếng Việt 1 của Cánh diều tôi đã thấy có các chữ hoa? Có phải dạy học sinh viết chữ Hoa không?
Trả lời:
Nhóm tác giả sách Tiếng Việt bộ Cánh diều xác định sách giáo khoa phải chuẩn mực, các tên riêng, các tiếng đầu câu và sau dấu chấm phải được viết hoa, khác với trước đây sách TV1 viết thường cả những chữ lẽ ra phải viết hoa.
TV1 Cánh diều không dạy học sinh viết chữ hoa. Chữ hoa chỉ được giới thiệu ở chân trang tương ứng với chữ được học. Ví dụ khi dạy chữ a, ta giới thiệu A. Mục đích của việc này là giúp học sinh có thể đọc các văn bản có chữ hoa. Khi học sinh tập viết hoặc viết chính tả, các chữ hoa đã được in sẵn trong vở luyện viết, học sinh không cần phải tự viết các chữ hoa đó. Trong trường hợp học sinh phải viết vào vở ô ly, không có chữ viết sẵn, giáo viên có thể viết hộ học sinh chữ hoa, hoặc nếu học sinh viết chữ hoa bằng chữ in hoa như khi các em được làm quen, chúng ta cũng chấp nhận điều này.
Câu 7: Sao các tác giả không làm sách thiết kế bài giảng? Có sách giáo viên rồi có cần soạn giáo án không? Giáo án có cần soạn dài không?
Trả lời:
– Sách giáo viên chính là bản thiết kế tốt nhất, do chính các tác giả sách giáo khoa viết ra. Quy trình trên SGV là tối ưu, chúng ta chỉ cần vận dụng linh hoạt các hướng dẫn đó để dạy mà không cần thêm bất cứ một quyển sách thiết kế nào.
– Mặc dù sách giáo viên đã xây dựng quy trình cho từng bài, nhưng quan điểm của nhóm tác giả là “Giáo viên đi dạy thì nên soạn giáo án”, soạn giáo án chính là chúng ta chuẩn bị cho tiết dạy tốt nhất. GV cũng tùy vào tình hình thực tế mà điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp, không nên máy móc làm theo SGV.
– Giáo án soạn thế nào là do quy định của chuyên môn mỗi địa phương. Về quan điểm chúng tôi, thì giáo án chỉ cần soạn ngắn gọn, rõ ràng về mục tiêu, các hoạt động chính (trừ các tiết thao giảng dự giờ, thi giáo viên giỏi người ta chấm giáo án thì phải soạn chi tiết).
Câu 8: Khi dạy học, tôi không dùng vở luyện viết và các tài liệu bổ trợ, tham khảo được không?
Trả lời:
Được, nhưng như thế đồng nghĩa với việc giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, vở Luyện viết đã in sẵn các chữ mẫu, nếu không dùng vở Luyện viết, giáo viên phải viết mẫu cho học sinh trong lớp, nếu lớp có chừng 50 học sinh, bạn có thể tưởng tượng khó khăn của giáo viên thế nào.
Câu 9: Khi dạy các bài tập Mở rộng vốn từ (tìm tiếng có âm, dấu thanh…) ta có thể viết chữ ghi các tiếng đó để học sinh dễ nhận thấy được không?
Trả lời:
Không! Trong quy trình dạy học vần, dạy viết là bước cuối cùng trong 1 tiết. Các bài tập mở rộng vốn từ là để học sinh phát hiện âm (qua việc nghe bạn nói hoặc mình tự nói). Cần phân biệt âm và chữ, âm là cái ta nghe thấy, chữ là thứ ghi lại âm (nhìn thấy). Dạng bài tập này lúc đầu có thể hơi khó với học sinh vì các em chưa quen, nhưng qua một hai tuần các em sẽ làm tốt.
Câu 10: Có thể dùng điện thoại để vào sách điện tử được không? Khi gặp vấn đề với sách điện tử, tôi phải làm thế nào?
Trả lời:
– Sách điện tử được thiết kế nhằm phục vụ học sinh, vì thế chỉ chạy trên trình duyệt máy tính, không mở trên điện thoại được. Sách điện tử liên tục cập nhật và hoàn thiện để phục vụ việc dạy và học, vì thế có những lúc sẽ tạm ngưng để bảo trì, cập nhật mới. Khi gặp khó khăn với sách điện tử, bạn có thể gọi số đường dây nóng +84 89 6688786.