Văn mẫu lớp 12: Dàn ý hình tượng người lái đò sông Đà (4 Mẫu), Dàn ý hình tượng người lái đò sông Đà gồm 4 mẫu dàn ý chi tiết, đầy đủ nhất về hình tượng người lái
Dàn ý hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân gồm 4 mẫu dàn ý chi tiết, đầy đủ nhất. Thông qua 4 dàn ý về hình tượng Người lái đó sông Đà giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức nhanh chóng nắm được các luận điểm, luận cứ để biết cách viết bài văn phân tích ngày một hay hơn.
Hình tượng người lái đò sông Đà được đặt trong quan hệ với sông Đà, để qua đó tô đậm, làm nổi bật hình tượng người lái đò. Bởi vậy sông Đà hung dữ, bạo ngược bao nhiêu thì khi vượt qua nó, chiến thắng sức mạnh của nó người lái đò càng thể hiện rõ nét hơn sức mạnh của mình.
Xem Tắt
Hình tượng người lái đò sông Đà dàn ý – Mẫu 1
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà và hình tượng nhân vật người lái đò với những vẻ đẹp tráng lệ: người anh hùng sông nước, người nghệ sĩ tài ba và người lao động bình dị
2. Thân bài
* Nhận xét khái quát về phong cách sáng tác của tác giả Nguyễn Tuân:
– Từ nhan đề, tác giả đã đưa hình tượng con người vào trung tâm, cốt để miêu tả con người
– Phong cách nghệ thuật vốn có của tác giả là hướng tới cái đẹp, cái hoàn mỹ. Ở đây, con người là chủ thể trữ tình và là nhân vật trung tâm, tác phẩm xoay quanh cái đẹp của con người
*Hình tượng người lái đò được xây dựng với những nét đẹp điển hình
– Người lái đò là một người anh hùng trên sông nước.
- Vượt thạch trận sông Đà đã chứng minh sự dũng cảm, kiên cường của nhân vật: Ông nắm chắc từng luồng nước, từng con sóng, binh pháp của thần sông thần đá.
- Ông thuộc lòng từng cửa sinh, cửa tử, từng đá hòn đá tảng, từng cái hút nước trên thạch trận.
- Hình dung ra bộ mặt dữ tợn của nước, đá, sóng, gió, cảm nhận được thái độ giận dữ, tâm trạng cáu kỉnh của nó để rồi có những sách lược chiến thắng từng con thác, từng tảng đá.
– Người lái đò là một người nghệ sĩ.
+ Những hành động đều nhanh gọn, dứt khoát và điêu luyện. “Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép, vút, vút… Cửa ngoài rồi cửa trong cùng. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được.”
– Người lái đò là một người lao động bình dị đã cống hiến thầm lặng mà cao cả.
→ Biểu tượng cho những con người say mê với công việc, tình yêu với nghề nghiệp mà bất chấp hiểm nguy, vất vả. Nguyễn Tuân không gọi nhân vật với cái tên cụ thể, chỉ đơn giản là “ông lái đò”, tên gọi gắn liền với nghề nghiệp để khắc họa hình ảnh người lao động bình dị giống bao người khác.
3. Kết Bài
Khẳng định tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân nói chung và khả năng xây dựng hình tượng nhân vật điển hình của tác giả.
Dàn ý hình tượng Người lái đò sông Đà – Mẫu 2
I. Mở bài
- Nguyễn Tuân là một tác giả tài hoa, uyên bác, luôn kiếm tìm cái đẹp. Trước cách mạng ông tìm kiếm vẻ đẹp trong quá khứ, khi cách mạng thành công ông tìm kiếm vẻ đẹp ngay trong cuộc sống hiện tại. Người lái đò sông Đà là tùy bút tiêu biểu cho những sáng tác sau cách mạng của ông.
- Ông lái đò chính là chất vàng mười đã được thử lửa mà Nguyễn Tuân tìm kiếm, người anh hùng trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Liên hệ hình ảnh người anh hùng trong thơ ca Nguyễn Tuân trước cách mạng (Huấn Cao – Chữ người tử tù)
II. Thân bài
-Công việc: lái đò trên sông Đà, hằng ngày đối diện với thiên nhiên hung bạo.
– Về lai lịch: tác giả xóa mờ xuất thân, tập trung miêu tả ngoại hình để ngợi ca những con người vô danh âm thầm cống hiến: “tay lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, … chất mun”, đó là ngoại hình khỏe khoắn của con người lao động luôn gắn bó với nghề
– Là người có lòng dũng cảm, tình yêu nghề: “giữ mái chèo, nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái”
– Có thể liên hệ đến hình ảnh Huấn Cao – người anh hùng trong quan niệm của Nguyễn Tuân trước cách mạng để dẫn dắt sang hình tượng ông lái đò.
– Công việc: lái đò trên sông Đà, hằng ngày đối diện với con thủy quái hung bạo.
– Là người từng trải, hiểu biết và thành thạo trong nghề lái đò: “trên sông Đà ông xuôi ngược hơn một trăm lần”, “nhớ tỉ mỉ … những luồng nước”, “sông Đà đối với ông lái đò ấy như một thiên anh hùng mà ông đã thuộc … xuống dòng”, …
– Là người mưu trí dũng cảm, bản lĩnh và tài ba:
- Ung dung đối đầu với thác dữ “nén đau giữ mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo …” để phá trùng vi thạch trận thứ nhất,
- Ông lái đò “không chút nghỉ tay, nghỉ mắt phá luôn vòng vây thứ hai và đổi chiến thuật, ông ”“nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước”, động tác điêu luyện “cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác …”
- Là người nghệ sĩ tài hoa: ưa những khúc sông nhiều ghềnh thác, không thích lái đò trên khúc sông bằng phẳng, coi việc chiến thắng “con thủy quái” là chuyện thường: sau khi vượt thác nhà đò đốt lửa nướng cơm lam và toàn bàn về chuyện cá anh vũ, cá dầm xanh, …
– Khái quát về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: là nhà văn tài hoa uyên bác, suốt đời đi tìm cái đẹp, luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa, thẩm mĩ, luôn miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ.
III. Kết bài
- Nêu cảm nhận về hình tượng nhân vật ông lái đò: là đại diện cho con người lao động Tây Bắc trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, là con người vừa có phẩm chất anh hùng vừa tài hoa nghệ sĩ, chứa đựng chất vàng mười đã qua thử lửa.
- Người lái đò sông Đà là tùy bút xuất sắc miêu tả chân thực vẻ đẹp vừa hung bạo vừa trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, giữa nền thiên nhiên nổi bật lên là vẻ đẹp của những người lao động bình dị.
Xem thêm: Phân tích hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà
Dàn ý hình tượng Người lái đò sông Đà – Mẫu 3
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Tuân.
- Giới thiệu chung về văn bản “Người lái đò sông Đà”.
2. Thân bài:
a. Hình tượng con sông Đà
- “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”
- Lời đề từ: Khẳng định vẻ đẹp và sự độc đáo của sông Đà: Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông – Chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc. Trên trang văn Nguyễn Tuân, sông Đà đại diện cho thiên nhiên Tây Bắc và là một sinh thể có hồn, sống động, có tính cách, có tâm hồn, vừa hùng vĩ hung bạo vừa thơ mộng, trữ tình.
* Sông Đà hùng vĩ, dữ dội với tính cách hung bạo:
– Vách đá dựng đứng, kì vĩ: cảnh đá bờ sông dựng vách thành… sang bờ kia.
– Ghềnh Hát Loóng hung dữ: nước xô đá, đá xô sóng… dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
– Hút nước vừa tráng lệ vừa dữ dội: như cái giếng bê tông… ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi.
– Thác đá: nghe như là oán trách… cháy bùng bùng, đá thác từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông… ngỗ ngược, bệ vệ oai phong, hất hàm hiếu chiến.
– Sông Đà bố trí ba thạch trận trùng trùng điệp điệp, đòi tóm lấy mọi con thuyền qua sông.
* Vẻ đẹp thơ mộng và tính cách trữ tình:
– Hình dáng dòng sông mềm mại: như cái dây thừng, như mái tóc tuôn dài…
– Màu nước thay đổi theo mùa: xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ.
– Sông Đà gợi cảm, mang vẻ đẹp đa chiều: như cố nhân, như Đường thi,…
– Vẻ đẹp đôi bờ: êm ả, nguyên sơ, tràn đầy sức sống (cỏ cây, những con vật lành, đàn cá…)
=> Nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Đà: ngôn ngữ điêu luyện, giàu chất tạo hình; so sánh, liên tưởng độc đáo, táo bạo; tiếp cận con sông dưới phương diện cái đẹp, cái tôi trữ tình dạt dào cảm xúc; vận dụng tri thức của nhiều lĩnh vực; giọng điệu phóng khoáng.
=> Ý nghĩa của hình tượng sông Đà: đại diện cho vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, đóng vai trò như bức phông nền kì vĩ, làm nổi bật tài nghệ chèo đò, vượt thác của ông đò.
b. Hình tượng người lái đò sông Đà.
* Vẻ đẹp bình dị của người dân lao động:
– Ông lái đò sinh ra đã gắn bó với dòng sông Đà. Tuổi ngoài 70 nhưng thân hình vạm vỡ như chất sừng mun, giọng nói vẫn khỏe, cặp mắt vẫn tinh tường. Có thể nói ông lái đò là con người của sông nước.
– Ông là người hiểu biết sâu rộng về dòng sông:
- Đó là một người lái đò lão luyện: “Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần…” trong thời gian hơn chục năm làm cái nghề đầy nguy hiểm và gian khổ này.
- Ông hiểu biết sâu rộng và rất thành thạo, thành thạo đến mức sông Đà “đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần… Cho nên ông có thể bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở.”
- Ông có trình độ lái đò hết sức điêu luyện và là vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Giờ đây khi đã rời xa nghề chèo đò nhưng ông vẫn hoài niệm về những ngày tháng gian nan mà vui vẻ đó.
* Là một người nghệ sĩ tài hoa:
– Thủy quái sông Đà: có diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số 1, nguy hiểm và hung bạo, đầy cạm bẫy với những ghềnh, thác, hút nước, sóng nước, với thạch trận trùng điệp, đầy luồng chết chầu chực nuốt chửng, đập tan con thuyền.
– Người lái đò bước vào cuộc vượt thác giống như vị chỉ huy bước vào trận đánh. Phải đặt nhân vật vào trong môi trường chiến trận mới có thể bộc lộ hết phẩm chất của người lái đò:
- Ông đò vượt trùng vây thứ nhất: Đá thác hiếu chiến (bệ vệ oai phong, hất hàm), nước thác làm thanh viện ùa vào đòi bẻ cán chèo, đội thuyền, túm lấy thắt lưng, bóp chặt hạ bộ, ông cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái, tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn tỉnh táo.
- Ông đò vượt trùng vây thứ hai: trùng vây thứ 2 tăng thêm cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh bị bố trí lệch đi, ông đò thay đổi chiến thuật, cưỡi lên thác sông Đà, lái miết một đường chéo, rảo bơi chèo lên… sấn lên chặt đôi ra để mở đường vào cửa sinh.
- Ông đò vượt qua trùng vây thứ ba: vòng 3 bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở giữa bọn đá hậu vệ, ông đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa.. lượn được.
=> Ông đò là người anh hùng, người nghệ sĩ trong công việc chèo đò, vượt thác. Ông đại diện cho con người Tây Bắc và là chất vàng mười của đất nước ta.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận về hình tượng nhân vật ông lái đò
Xem thêm: Cảm nhận hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác
Dàn ý hình tượng Người lái đò sông Đà – Mẫu 4
I. Mở bài
- Nguyễn Tuân là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi hiện đại. Nói đến ông, người ta nghĩ ngay đến một nhà văn tài hoa, uyên bác và có một cách diễn đạt rất độc đáo.
- Người lái đò sông Đà là một tùy bút thành công của Nguyễn Tuân, được rút từ tập tùy bút Sông Đà. Hình tượng nổi lên trong tùy bút đó là hình tượng người lái đò. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, người lái đò trở thành một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác ghềnh. Chỉ có những nghệ sĩ, những kẻ tài hoa tài tử trở thành nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân.
II. Thân bài
A. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT
1. Giới thiệu khái quát
– Đó là một cụ già 70 tuổi người Tây Bắc có cái đầu bạc quắc thước, một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mùn và đôi cánh tay còn trẻ tráng quá.
– Ông là một con người từng trải, hiểu biết rất thành thạo trong nghề lái đò, thành thạo đến mức sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng. Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần… Cho nên ông có thể bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở…
2. Để khắc họa vẻ đẹp người lao động – người nghệ sĩ qua hình tượng ông lái đò sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một cuộc vượt thác sông Đà của ông qua ba trùng vi thạch trận. Một số chi tiết nêu bật cái dũng mãnh, tỉnh táo, sự trầm tĩnh, khôn ngoan của người lái đò khi vượt thác sông Đà:
Vòng thứ nhất
– Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình.
– Nhưng Ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy buồng lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm (…) trên cái thuyền sáu bơi chèo vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái.
Không một phút nghỉ tay, nghỉ mát, phải phá luôn vòng vây thứ hai…
– Ông lái đò nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này.
… ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đứng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liên xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.
Trùng vây thứ ba nữa ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa do… Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong… Thế là hết thác.
– Sau khi vượt thác, người lái đò trở lại phong thái ung dung của một nghệ sĩ:
Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toán bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh… Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua…
B. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT
1. Nhân vật chính điện trong các sáng tác của Nguyễn Tuân thường được mô tả như những con người tài hoa nghệ sĩ. Ở bài tùy bút này, ông lái đò trở thành một nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật vượt thác sông Đà.
2. Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều thể hiện sự tài hoa, uyên bác. Ở bài tùy bút này, cái tài hoa, uyên bác của nhà văn được thể hiện ở nhiều mặt.
– Nhà văn đã sử dụng những tri thức về địa lí, lịch sử, nghệ thuật quân sự, võ thuật, hội họa, điêu khắc, điện ảnh… khi miêu tả thiên nhiên và sự điêu luyện của người lái đò. Tổng hợp những tinh hoa của các loại hình nghệ thuật vào tùy bút của mình là nét hiện đại của tùy bút Nguyễn Tuân.
– Ngôn từ phong phú, điêu luyện: đôi cánh tay trẻ tráng, lái miết một đường chéo, đè sấn lên mà chặt đôi ra, ghì cương lái…
C. QUAN NIỆM VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA TÁC GIẢ
1. Hình dáng người lái đò sông Đà hiện qua ngòi bút của Nguyễn Tuân như một người lao động đầy trí dũng và một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác, leo ghềnh. Người lái đò Sông Đà là một nhân vật chính diện của Nguyễn Tuân – những con người tài hoa nghệ sĩ ở đây có nghĩa rộng: không chỉ là những người làm nghệ thuật mà bao gồm cả những người làm nghề không dính dáng gì đến nghệ thuật, nhưng tất cả đều đạt tới trình độ nghệ thuật tinh vi điêu luyện. Người lái đò sông Đà, trong quan niệm của Nguyễn Tuân, cũng chính là một nghệ sĩ, không phải là người chở đò thông thường, mà đạt tới trình độ cao cường đầy tài hoa mà tác giả gọi là “tay lái hoa”.
2. Nguyễn Tuân cũng ngụ ý rằng chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ có ở chiến trường mà ở ngay trong cuộc sống của nhân dân ta, đang vật lộn với thiên nhiên vì miếng cơm manh áo. Trí dũng tài ba không phải tìm ở đâu, mà ở ngay những người dân lao động bình thường. Người lái đò sông Đà là một biểu tượng của con người chiến thắng và chinh phục thiên nhiên.
III. Kết bài
- Qua hình tượng người lái đò, Nguyễn Tuân bày tỏ quan niệm về con người. Con người, bất kể địa vị nghề nghiệp gì, nếu hết lòng và thành thạo với công việc của mình thì bao giờ cũng đáng trọng. Chính Nguyễn Tuân cũng là một người hết mình và tài ba trong nghề văn.
- Cũng qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà, người đọc thấy rõ tấm lòng nặng nghĩa với cuộc đời, với cái đẹp, với non sông đất nước của Nguyễn Tuân.