Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2018 trường THPT Chuyên Thái Bình – Lần 1 (Có đáp án), Mời các bạn học sinh cùng tham khảo Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2018
Ngày thi THPT Quốc Gia đang tới gần. Hãy chăm chỉ nâng cao kiến thức, thử làm quen với: ” Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2018 trường THPT chuyên Thái Bình – Lần 1có đáp án kèm” đươc Tài Liệu Học Thi tổng hợp đăng tải ngay sau đây.
Hy vọng đây là tài liệu bổ ích giúp các bạn học sinh lớp 12 rèn luyện kỹ năng làm bài và làm quen với cấu trúc đề thi. Chúc các bạn đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
THPT Chuyên Thái Bình |
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 LẦN 1 |
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích cho hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới – Bill Gates – từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?
Nhưng cũng có những người con sẵn sàng từ chối thứ mà “đời bố hi sinh” để “củng cố” cho mình. Stephen Covey – người từng được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 25 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới, tác giả cuốn sách nổi tiếng 7 thói quen để thành đạt – viết di chúc để lại tiền cho con và ra đi năm 2012. Cả chín người con không ai nhận tiền. Họ lý giải rất giản dị rằng họ là những người bình thường và hoàn toàn có thể tự lao động, tự kiếm sống được.
Tương tự, tỉ phú Warren Buffett viết di chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện. Tuy nhiên, ba người con, dù không phải quá giàu có, cũng từ chối và dành luôn số tiền đó cho từ thiện.
[…] Có người nói rằng có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.
(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, dân theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 2: Theo tác giả, vì sao những người cha như tỉ phú Yu Pang-Lin, Bill Gates không muốn để lại tiền cho con.
Câu 3: Việc không nhận tài sản kế thừa của những người con có phải là do họ không coi trọng tiền bạc hay không? Vì sao?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Có người nói rằng có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm” không?
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1: Đoạn trích phần đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tính tự lập của con người, nhất là tuổi trẻ? Hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị.
Câu 2: Sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu là ở chỗ những tình cảm chính trị được truyền tải bằng giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
Anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:
– Mình về mình có nhớ ta,
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi.
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 tập 1, NXB Giáo dục 2010, tr 109 )
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Yêu cầu chung:
– Học sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản; có thể trả lời theo các cách khác nhau, miễn là đảm bảo nội dung thông tin.
– Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi diễn đạt, chính tả.
Yêu câu cụ thể:
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ: báo chí.
Câu 2: Những người cha như tỉ phú Yu Pang-Lin, Bill Gates không muốn để lại tiền cho con vì họ cho rằng: Nếu con cái họ giỏi thì sẽ không cần đến tiền của họ, nếu chúng kém cỏi thì tiền sẽ chỉ làm hại chúng và mỗi con người đều phải lao động kiếm sống để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và thúc đẩy xã hội phát triển.
Câu 3:
Không nhận tài sản do cha để lại không phải là hành động không coi trọng tiền bạc.
Vì: Họ hiểu được một điều vô cùng quan trọng đó là năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân mình, rồi sau đó là chịu trách nhiệm với gia đình, xã hội,… Hơn thế nữa, họ còn nhận ra những hiểm họa khi tiêu sài đồng tiền không phải do mình làm ra. Chỉ có bằng lao động và thông qua lao động để kiếm tiền họ mới biết trân trọng và sử dụng đồng tiền đúng cách.
Câu 4: Đồng ý với nhận xét trên.
Phần II: Tự luận (7 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2 điểm)
Trong đoạn văn khoảng 200 chữ, anh/ chị hãy viết đoạn văn nêu suy nghĩ của mình về tính tự lập của mỗi con người.
– Yêu cầu chung: Thí sinh biết vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng viết đoạn và nghị luận một vấn đề xã hội để tạo một đoạn văn hoàn chỉnh. Bài viết phải đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
– Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
c) Triển khai vấn đề thành các luận cứ phù hợp; các luận cứ được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
Có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giới thiệu vấn đề.
* Giải thích vấn đề: Tính tự lập
Tính tự lập là không dựa dẫm vào người khác, sử dụng tài năng, bản lĩnh của cá nhân để làm chủ cuộc sống của mình.
=> Tự lập là một đức tính quan trọng, cần thiết đối với mỗi cá nhân đặc biệt là các bạn trẻ trong xã hội hiện đại.
* Phân tích vấn đề
– Biểu hiện của tính tự lập: Tính tự lập được thể hiện ở sự tự tin, bản lĩnh cá nhân, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.
+ Tự lập trong học tập: học tập không cần sự nhắc nhở của cha mẹ; có ý thức phấn đấu, vươn lên để đạt thành tích cao hơn,…
+ Tự lập trong cuộc sống: Tự chăm lo cho bản thân, hoàn thành các công việc được giao phó, giúp đỡ những người xung quanh,…
– Vì sao phải rèn luyện tính tự lập?
+ Rèn luyện đức tính tự lập sẽ giúp cá nhân có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến thành công.
+ Giúp chúng ta trưởng thành, bản lĩnh, vững vàng hơn trong cuộc sống.
+ Đức tính tự lập giúp chúng ta làm chủ cuộc sống của chính mình.
+ Đức tính tự lập giúp ta sẵn sàng đối đầu thách thức và đảm nhận trách nhiệm.
+ Người có tính tự lập là một hình ảnh đẹp, một tấm gương tốt để mọi người học tập và noi theo.
* Dẫn chứng:
Đỗ Nhật Nam, cậu bé được coi là thần đồng tiếng anh, 13 tuổi em đã sống tự lập ở Mỹ, không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tích đáng khích lệ. Không chỉ vậy, cậu bé còn có những đóng góp cho xã hội khi mở lớp học tiếng anh miễn phí ở Hà Nội cho các bạn nhỏ.
* Bàn luận, mở rộng vấn đề.
– Hiện nay, còn có rất nhiều bản trẻ có tính ỷ lại, thụ động không biết phấn đấu, vươn lên làm chủ cuộc sống của bản thân. Đó là một hành động đáng chê trách và lên án,
– Muốn có đức tính tự lập các bạn trẻ cần chủ động trong mọi việc, sẵn sàng hăng hái tham gia mọi hoạt động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
* Liên hệ bản thân
Anh/chị có phải là một người có tính tự lập? Anh/chị sẽ làm gì để rèn luyện, nâng cao tính tự lập của bản thân?
* Kết luận
Mỗi chúng ta cần tự rèn luyện cho mình đức tính tự lập. Đức tính này chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi người.
Câu 2:
Yêu cầu chung
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng để viết một bài văn nghị luận văn học.
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, lập luận thuyết phục, diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
– Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát tác phẩm; kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận.
Yêu cầu cụ thể
– Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận: Có đủ các phần Mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề.
– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu là ở chỗ những tình cảm chính trị được truyền tải bằng giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
– Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Để đảm bảo yêu cầu trên, học sinh có thể trình bày theo định hướng sau:
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào và hình thức nghệ thuật giàu tính dân tộc.
II. Thân bài
1. Giải thích khái niệm.
– Tình cảm chính trị trong thơ Tố Hữu nói chung tình cảm Cách mạng còn trong bài thơ Việt Bắc đó là tình quân dân.
– Giọng thơ là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng của mỗi người đối với hiện tượng được miêu tả. Nó được thể hiện trong lời thơ: trong quy định về cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm,… Ngoài ra, giọng điệu còn phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà thơ và tác dụng truyền cảm cho người đọc.
Giọng tâm tình, ngọt ngào: giọng của tình thương mến, tự nhiên, đằm thắm, chân thành.
– Tính dân tộc trong văn học là một khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng thẩm mĩ chỉ mối liên hệ khăng khít giữa văn học và dân tộc, thể hiện qua những đặc điểm độc đáo, tương đối bền vững chung cho các sáng tác của một dân tộc, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử và phân biệt với văn học các dân tộc khác… Tính dân tộc thể hiện ở mọi yếu tố từ nội dung đến hình thức của sáng tác văn học.
Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc (tính dân tộc thể hiện ở hình thức nghệ thuật): mỗi nền văn học dân tộc có hệ thống thể loại truyền thống, có các phương tiện miêu tả, biểu hiện riêng, nhất là có ngôn ngữ dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn của dân tộc mình, góp phần làm giàu có kho tàng nghệ thuật và thi pháp của thơ ca dân tộc.
=> Đoạn thơ trên trích trong bài Việt Bắc rất tiêu biểu cho hai nét phong cách thơ Tố Hữu: giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật.
2. Chứng minh
2.1 Giọng thơ tâm tình ngọt ngào
– Thể thơ lục bát mang âm điệu nhẹ nhàng, trầm lắng.
– Từ láy: bâng khuâng, bồn chồn.
– Cách ngắt nhịp 2/2/2 tạo nên âm điệu nhẹ nhàng, mang đến giọng điệu tâm tình, ngọt ngào.
– Cặp đại từ mình – ta trong ca dao, tạo nên kiểu kết cấu đối đáp quen thuộc, như những lời tâm sự thủ thỉ, đầy tình nghĩa.
2.2 Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật
– Thể thơ:
Tố Hữu đã sử dụng thể thơ truyền thống: lục bát. Ông đã sử dụng rất nhuần nhuyễn, thuần thục thể thơ này. Không chỉ áp dụng thành thục mà Tố Hữu còn có những biến đổi, sáng tạo sao cho phù hợp với nội dung, tình ý câu thơ. – Kết cấu:
Kết cấu theo lối đối đáp. Đây là lối kết cấu phổ biến trong ca dao giao duyên của đôi nam nữ. Đây là kết cấu mang đậm tính dân tộc, thể hiện được những tình cảm cảm xúc, điệu tâm hồn của con người Việt Nam.
– Hình ảnh: Tố Hữu có tài sử dụng hình ảnh dân tộc một cách tự nhiên và sáng tạo trong bài thơ:
+ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
+ Hình ảnh áo chàm.
– Ngôn ngữ và các biệp pháp tu từ :
+ Tính dân tộc được thể hiện rõ nhất trong cặp đại từ nhân xưng” ta – mình, mình – ta” quấn quýt với nhau và đại từ phiếm chỉ ”ai”. Đây là một sáng tạo độc đáo và cũng là một thành công trong ngôn ngữ thơ ca của Tố Hữu. Các biện pháp tu tù quen thuộc: sử dụng từ láy, điệp từ, so sánh, nhân hoá, hoán dụ,…
– Nhạc điệu: Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc từ thể thơ lục bát: nhịp nhàng tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa, sáng tạo, không đơn điệu.
* Kết luận: Tất cả những biểu hiện trên về hình thức đều tập trung thể hiện tình cảm quân dân thiết tha, gắn bó…
III. Kết bài:
Giọng thơ tâm tình ngọt ngào và nghệ thuật tiêu biểu giàu tính dân tộc của Tố Hữu đã góp phần quan trọng vào
thành công của bài thơ Việt Bắc làm cho nó nhanh chóng đến với người đọc và sống lâu bền trong lòng độc giả.