Đề thi thử vào lớp 10 trường THCS Nghĩa Đức, Nghệ An, Đề thi thử vào lớp 10 trường THCS Nghĩa Đức, Nghệ An là tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn dành cho các bạn
Tài Liệu Học Thi xin mời các bạn học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tham khảo Đề thi thử vào lớp 10 trường THCS Nghĩa Đức, Nghệ An.
Thông qua việc ôn tập với đề thi này sẽ giúp các bạn chủ động hệ thống lại kiến thức của môn văn, đánh giá năng lực bản thân và có hướng ôn luyện phù hợp cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Chúc các bạn ôn tập và đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn
PHÒNG GD & ĐT NGHĨA ĐÀN |
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 |
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (2 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Pa-xcan
Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.
Cần gì cả vũ trụ tòng hành nhau mới đè bẹp cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn, vì khi chết thì hiểu biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia, khỏe hơn mình nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.
Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng.
Ta cậy cao dựa vào tư tưởng, chứ đừng dựa vào không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta hãy rèn tập để biết tư tưởng cho hay, cho đúng, đó là nền tảng của nhân luân.
Tôi không căn cứ vào không gian để thấy giá trị của tôi, mà tôi trông cậy vào sự quy định của tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là “giàu hơn”, vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm toàn vũ trụ.
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.114)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì?
Câu 3. Trong câu văn: “Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng” tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì?
Câu 4. Qua hình ảnh “cây sậy có tư tưởng”, anh/chị rút ta bài học gì về cách nhìn nhận của con người?
II. LÀM VĂN ( 8 điểm)
Câu 1: (3 điểm)
Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”. Ý kiến của em về câu nói trên?
Câu 2: (5 điểm)
Nêu cảm nhận của em về nhân vật cậu bé Xi- Mông trong tác phẩm “ Bố của Xi- Mông” của tác giả Guy đơ Mô- pa- xăng.
………………o0o………………….
HƯỚNG DẪN CHẤM
A. YÊU CẦU CHUNG
Giáo viên nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khách quan, tổng thể, tránh đếm ý cho điểm. Giáo viên cần vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết hiểu, cảm thụ văn học tốt và có sáng tạo.
Lưu ý: Điểm bài kiểm tra có thể lẻ đến 0,5 điểm và không làm tròn số.
I/ PHẦN ĐỌC – HIỂU
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận. ( 0,5đ)
2. Giá trị của con người là ở tư tưởng. (0,5đ)
3. Biện pháp so sánh. ( 0,25đ)
4. Bài học:
+ Nhận thức: nhìn nhận tầm vóc của con người thông qua giá trị tư tưởng mà người đó cống hiến và để lại. ( 0,25đ)
+ Thái độ: đừng đánh gía hay coi trọng con người thông qua giá trị vật
chất. ( 0,25đ)
+ Hành động: rèn luyện bản thân để có tư tưởng tích cực, lành mạnh, giàu có. ( 0,25đ)
II. LÀM VĂN
Câu 1 :
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận tư tưởng đạo lý với đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. 0,25 đ
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ. 0,25 đ
c.Triển khai các vấn đề nghị luận thành các luận điểm theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt thao tác lập luận để triển khai luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng phù hợp. 2,0 đ
+ Giới thiệu vấn đề cần bàn luận:
Bàn về vẻ đẹp của tình mẫu tử, Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.
+ Giải thích ý nghĩa câu nói
– Câu nói của Bersot đã ca ngợi và khẳng định tình cảm thiêng liêng trong trái tim của người mẹ dành cho con trong cuộc đời. Chúng ta hiểu câu nói trên như thế nào?
+ Bàn luận mở rộng vấn đề:
– Kỳ quan có thể là một công trình kiến trúc hoặc cảnh vật đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy. Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan” có nghĩa cái đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy (ở những công trình kiến trúc hay cảnh vật tự nhiên) là không ít, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim người mẹ. Trái tim người mẹ ở đây là tình cảm của mẹ dành cho con. Trái tim người mẹ – trái tim tràn đầy ấm áp, là nơi để ta trở về sau mỗi chuyến đi xa mệt mỏi, là nơi nâng đỡ ta sau mỗi bước đường vấp ngã.
– Trong thực tế, người mẹ nào cũng luôn yêu thương con mình. Bởi lẽ, những đứa con chính là món quà vô giá mà Thượng đế ban tặng cho họ. Nhưng không phải người con nào cũng hiểu được sự thiêng liêng vô giá từ tình thương của mẹ. Câu nói của Bersot là lời khẳng định và ngợi ca, tôn vinh sự cao đẹp của tình mẹ.
– Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những bà mẹ bỏ rơi con cái của mình từ khi mới sinh ra, hoặc vì một ham muốn tầm thường, thấp kém nào đó mà lợi dụng con cái của mình. Đó là hiện tượng cá biệt cần phê phán, lên án. Bên cạnh đó cũng thức tỉnh, nhắc nhở nhẹ nhàng những người làm con nào còn vô tâm, bất hiếu với bậc sinh thành ra mình…
+ Rút ra bài học ý nghĩa
– Đây là một câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa…về đạo lý ở đời của tất cả những ai là con trên thế gian này với người mẹ của mình. Chúng ta cần phải có những suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực của mình để đáp lại tình cảm thiêng liêng của mẹ đã dành cho con. Mẹ chính là quê hương, là xứ sở, là bến lành để ta trở về sau những ngày tháng đau buồn. Tình yêu của mẹ nâng đỡ ta, chở che cho ta, là bước tựa vững chắc để ta vươn tới với cuộc đời. Trái tim mẹ luôn bao dung, thứ tha cho ta mọi lỗi lầm. Với mẹ, ta luôn là đứa trẻ bé bỏng cần được yêu thương.
d. Sáng tạo: có cách diến đạt mới mẻ( có thể trong cách dúng từ, đặt câu, đặt vấn đề…), thể hiện sâu sắc vấn đề nghị luận. 0,25 đ
e. Đúng chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25 đ
Câu 2:
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Học sinh biết làm đúng kiểu bài nghị luận về một tác phẩm văn học.
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
– Học sinh có thể triển khai suy nghĩ cảm nhận của mình theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo một số nội dung cơ bản.
* Yêu cầu về kiến thức:
1. Mở bài: ( 0,5đ)
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: “Bố của Xi -Mông” là một tác phẩm hay của nhà văn tên tuổi Mô- Pa- Xăng người Pháp. Ông là một nhà văn, nhà tiểu thuyết vĩ đại, cuộc đời ông gắn liền với những thân phận con người khốn khó. Trong văn ông luôn chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, tình yêu thương với con người trong cộng đồng.
– Tác phẩm “Bố của Xi-Mông” kể về một đứa trẻ không có cha, những nỗi buồn nỗi tủi nhục của đứa trẻ khi bị bạn bè trêu chọc, và rồi một ngày em đã tìm được một người cha cho mình. Niềm vui của em cũng chính là niềm vui của tác giả.
2. Thân bài: ( 4đ)
– Khái quát qua nội dung truyện: Câu chuyện xoay quanh nhân vật Xi-Mông một em bé được sinh ra ngoài giá thú, bởi một người mẹ đơn thân là chị Blăng.( 0,5đ)
– Làm rõ sự cô đơn trong tâm hồn cuộc đời hai mẹ con vô cùng đơn độc. Hai mẹ con chị sống trong một ngôi nhà nhỏ sạch sẽ. Người mẹ đã làm việc rất vất vả để nuôi con trưởng thành, trong sự chỉ trích của người đời. ( 0,5đ)
– Tuổi thơ của Xi- Mông lớn lên chỉ có mẹ, em không được nhận tình thương của một người cha. Và em cũng không biết cha mình là ai. Bạn bè, hàng xóm xung quanh nhà em thì chỉ coi em là một đứa trẻ “con hoang” nên họ ghẻ lạnh với em.( 0,5đ)
– Hoàn cảnh nảy sinh cao trào dẫn tới việc Xi-Mông tìm được một người cha? Xi-Mông thường xuyên bị bạn bè học cùng trường trêu chọc, những đứa trẻ xấu tính, và không hề biết chia sẻ, chúng thường xuyên bắt nạt em, hành hạ em, khiến cho cuộc đời Xi-Mông càng trở nên bi đát, tâm hồn thì vỡ nát. Xi-Mông trong một phút bồng bột đã quyết định tìm tới cái chết. ( 0,5đ)
– Tính cách ngây thơ của Xi-Mông được khắc họa chi tiết khi em cất tiếng vui vẻ hỏi chú thợ rèn rằng “Chú có muốn làm bố cháu không?”. Chú thợ rèn vui vẻ bế bổng Xi-Mông cao lên trời kèm theo một cái thơm vào đôi má ngây thơ của em chú thợ rèn đáp “ Có chứ, chú có muốn”. ( 1đ)
– Xi-Mông là một cậu bé ngây thơ, đáng yêu ước nguyện có một người cha của em là một ước nguyện hoàn toàn chính đáng “Có cha có mẹ vẫn hơn, không cha không mẹ như đàn đứt dây” đàn dứt dây rồi làm sao mà còn tạo ra những nốt nhạc du dương cho cuộc đời được nữa. ( 1đ)
3. Kết bài: ( 0,5đ)
– Đọc xong tác phẩm “Bố của Xi-Mông” người đọc bị ám ảnh bởi những tình tiết đầy xúc động, giàu tính nhân văn mà nhà văn Mô- Pa-Xăng đã khắc họa cho các nhân vật của mình.
– Tuy nhiên, đâu đó trên trái đất vẫn có những em bé không được hưởng trọn vẹn tình yêu đó nhưng bằng tác phẩm của mình Mô-Pa-Xăng hy vọng sẽ phần nào an ủi được tâm hồn của các em.