Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại (4 mẫu), TOP 4 đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng
TOP 4 đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng mới để viết đoạn văn 200 chữ về ỷ lại thật sâu sắc. Nhờ đó, sẽ ngày càng học tốt môn Văn 9.
Sống ỷ lại là phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác. Lối sống ỷ lại rất đáng phê phán, trở thành gánh nặng cho xã hội. Vậy các em suy nghĩ gì về lối sống ỷ lại? Với 4 đoạn văn nghị luận lối sống ỷ lại dưới đây sẽ giúp các em nhanh chóng hoàn thiện bài viết của mình:
Đề bài: Em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu suy nghĩ của mình về lối sống ỷ lại.
Xem Tắt
Đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại – Mẫu 1
Có rất nhiều lối sống xấu, đáng chê trách của con người, một trong số đó là lối sống ỷ lại. Sống ỷ lại là phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác, luôn chờ sự giúp đỡ của người khác. Nó giống như một lưỡi dao khiến con người ta ngày càng mất dần khả năng tự lập. Nguyên nhân chính của lối sống này này là do sự lười biếng trong cả tư duy lẫn hành động. Nó có rất nhiều tác hại. Người sống ỷ lại không làm chủ được cuộc đời, không có bản lĩnh, không có sáng tạo, dễ gặp thất bại trong mọi việc. Những con người không biết vươn lên sẽ kéo sự phát triển của xã hội đi xuống. Vì vậy, mỗi người cần học cách tự đứng trên đôi chân của mình. Hãy luôn là người có bản lĩnh, chủ động đưa ra những quyết định sáng suốt trong mọi việc.
Đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại – Mẫu 2
Trong muôn vàn những lối sống đẹp thì đâu đó vẫn còn tồn tại những lối sống đáng phê phán, một trong số đó là lối sống ỷ lại. Sống ỷ lại là dựa dẫm vào người khác, bản thân không có trách nhiệm, không cố gắng mà luôn trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Ta có thể bắt gặp được biểu hiện của lối sống này một cách dễ dàng như thờ ơ với cuộc sống, công việc của chính mình, luôn để cho người khác tự ý sắp xếp hay thả trôi theo cuộc đời,… Và nguyên nhân chính của lối sống đáng phê phán này là do sự lười biếng trong cả tư duy lẫn hành động. Đây là lối sống đáng phê phán bởi những tác hại mà nó gây ra. Trước hết, người sống ỷ lại, quen dựa dẫm thường lười lao động, suy nghĩ, tư duy, thiếu năng lực đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh cần thiết. Từ đó, họ không làm chủ được cuộc đời, không có bản lĩnh, không có sáng tạo,… dễ gặp thất bại trong mọi việc. Là người có ý chí, có quyết tâm, ắt hẳn họ sẽ không để những điều này xảy ra với bản thân mình. Không những thế họ còn trở thành gánh nặng cho xã hội. Những con người không biết vươn lên sẽ kéo sự phát triển của xã hội đi xuống, dẫn đến ngày càng tụt hậu. Đặc biệt là những thanh niên, những chủ nhân của đất nước. Vì vậy, mỗi người cần học cách tự đứng trên đôi chân của mình, không được tự biến mình thành cây tầm gửi trong cuộc sống.Thế hệ trẻ hôm nay cần tích cực rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống thật tốt để luôn là người có bản lĩnh, có chính kiến và chủ động đưa ra những quyết định tỉnh táo, sáng suốt trong mọi việc. “Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến thành công”, vì vậy hãy mạnh mẽ vứt bỏ hòn đá ấy để con đường đến thành công bớt gập ghềnh hơn.
Đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại – Mẫu 3
Đi ngược lại với câu thành ngữ “Tự lực cánh sinh”, xã hội ngày nay nổi lên lối sống tiêu cực, thụ động, được gọi là lối sống ăn bám. “Ăn bám” ở đây là cách nói chỉ hành động, lối sống thích phụ thuộc, dựa dẫm, sống nhờ gần như hoàn toàn vào người khác mà không chịu làm việc, hoạt động. Lối sống ăn bám được biểu hiện ở việc không chịu làm việc kiếm tiền, chỉ biết ngửa tay ra xin tiền, không có chính kiến và quan điểm riêng mà chỉ phụ thuộc vào sự sắp xếp của người khác. Lối sống này chủ yếu có trong gia đình bởi đó là nơi mà những người thân đùm bọc, che chở nhau hết mực. Lợi dụng tình thân đó, nhiều người đã tự cho mình cái quyền “được người khác nuôi” và ỷ lại, không chịu học tập, làm việc. Những người sống ăn bám, lười biếng chắc chắn sẽ không nhận được sự kính trọng, kiêng nể, tin tưởng từ những người xung quanh. Vậy nguyên nhân bùng phát lối sống tiêu cực này là gì? Theo tôi, nguyên nhân không chỉ đến từ bản thân người có lối sống ăn bám mà còn xuất phát từ sự chiều chuộng, nâng niu quá mức từ người thân mà chủ yếu là bố mẹ, ông bà. Lối sống ăn bám là lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người và sự văn minh, giàu đẹp của xã hội, bởi lối sống đó sẽ là mầm mống cho nhiều tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp,… Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần tránh xa lối sống ăn bám bằng cách tự nhận thức giá trị của bản thân, luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng để xây dựng cuộc sống riêng của mình.
Đoạn văn nghị luận về lối sống ỷ lại – Mẫu 4
Trong xã hội hiện nay, lối sống ỷ lại đang trở thành một trong những chủ đề đáng được quan tâm. Ỷ lại là sống dựa dẫm vào người khác và không biết tự lực cánh sinh. Lối sống ỷ lại được thể hiện qua việc không nỗ lực hoạt động, rèn luyện mà luôn trông chờ, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ và giúp đỡ của người khác. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, đây là lối sống tiêu cực và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, lối sống ỷ lại sẽ tạo nên sự trì trệ, thụ động trong mọi công việc và cản trở sự phát triển của con người. Thái độ ỷ lại và không biết tự lập chính là nguyên nhân dẫn đến việc con người không có động lực để học hỏi, rèn luyện kĩ năng, từ đó đánh mất giá trị tồn tại của bản thân. Đồng thời, khi trông chờ vào thành quả do người khác tạo ra, con người sẽ trở nên yếu đuối và dễ dàng từ bỏ, thất bại, gục ngã trước những khó khăn thử thách. Mặt khác, lối sống ỷ lại sẽ biến chúng ta trở thành gánh nặng của người khác và cản trở sự phát triển của xã hội. Lối sống này xuất phát từ tâm lí hưởng thụ, không muốn nỗ lực, cố gắng của con người. Bởi vậy, chúng ta cần xác lập cho bản thân lí tưởng sống đúng đắn, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Đồng thời, luôn tích cực, chủ động trong mọi tư duy, hành động và việc làm. Là học sinh, chúng ta cần nỗ lực trong học tập, lao động và xác lập lối sống tự lập, tự lực.