Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết (Dàn ý + 5 mẫu), Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết là tài liệu cực kỳ hữu ích mà Tài Liệu Học Thi muốn
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết là tài liệu cực kỳ hữu ích, gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 12 có thêm nhiều tài liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, củng cố kiến thức để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi THPT Quốc gia 2021 sắp tới.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý viết đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết
- 2 Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 1
- 3 Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 2
- 4 Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 3
- 5 Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 4
- 6 Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 5
Dàn ý viết đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết
1. Giải thích:
– Đoàn kết là sự hợp tác chung tay góp sức để kết thành một khối thống nhất về cả tư tưởng lẫn hành động nhằm thực hiện một mục đích chung, đem lại lợi ích vì sự phát triển của tập thể. Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể, nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn.
2. Phân tích, bình luận:
– Đoàn kết là tập hợp mọi người thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần, đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống.
– Tại sao đoàn kết lại có sức mạnh to lớn như vậy? Nó kết hợp được nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra tùy theo khả năng mà mỗi người có thể. Vậy nên, thành công nằm trong tầm tay của họ.
– Đoàn kết chung với nhau không có nghĩa là nhất thiết phải chọn được người toàn diện. Và nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân sẽ khó đi đến thành công nếu không có sự kết hợp, nên sự đoàn kết mang chúng ta đến gần nhau hơn để dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau. Thế nên, sự bền vững của tinh thần đoàn kết cũng có vai trò quan trọng trong tập thể, xã hội.
– Khi đất nước có giặc ngoại xâm, toàn thể đân tộc đoàn kết, đồng lòng chống giặc cứu nước, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc.
– Khi đất nước hòa bình, tinh thần đoàn kết thể hiện trong những hành động chung tay xây dựng tổ quốc, khắc phục những khăn của đất nước sau chiến tranh,
– Trong bối cảnh ngày nay, tinh thần ấy một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ. Hành động chung tay góp sức ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền trung vượt qua bão lũ.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Cần phân biệt đúng sai, tốt xấu trong các mối quan hệ xã hội, giữa cá nhân với cộng đồng.
– Rèn luyện bản lĩnh sống, nâng cao tinh thần tự chủ.
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 1
Tục ngữ có câu: “Đoàn kết thì sống, chia rã thì chết”. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh đó là một chân lí vô cùng đúng đắn. Đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay.Đoàn kết là sự hợp tác chung tay góp sức để kết thành một khối thống nhất về cả tư tưởng lẫn hành động nhằm thực hiện một mục đích chung, đem lại lợi ích vì sự phát triển của tập thể. Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện qua sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng những hành động cụ thể, nhất là những khi gặp hoạn nạn, khó khăn.Đoàn kết là tập hợp mọi người thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách dời, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần, đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống. Phải biết đoàn kết để cùng bảo về nền hòa bình dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 2
Trong cuộc sống của chúng ta, tinh thần đoàn kết là một trong những đức tính tốt mà chúng ta cần phải trang bị cho mình. Nó giúp cho chúng ta vượt qua bao phong ba bão táp của cuộc đời. Đôi khi trong công việc để thành công chúng ta không thể dựa vào sức mạnh của cá nhân mà phải cần đến sức mạnh của tập thể, của sự đoàn kết. Vậy đoàn kết có giá trị như thế nào trong xã hội của chúng ta? Vậy đoàn kết là gì? Nghĩa là những cá nhân riêng lẻ cùng nhau hợp sức lại, tạo nên một sức mạnh vững chắc giải quyết tốt vấn đề mà tập thể đang muốn thực hiện. Tại sao chúng ta phải có tinh thần đoàn kết trong mọi việc thì sẽ dễ dẫn đến thành công? Trước hết, tinh thần đoàn kết thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Đó chính là yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công trong mọi công việc. Ví như khi ta đang cần giải quyết một bài toán, nhưng ta không thể giải quyết được nó vì nó quá khó cho nên nếu họp nhóm lại thì mỗi người thêm một suy nghĩ thì chắc chắn đáp án sẽ được giải quyết nhanh gọn thôi. Đó là thể hiện của sự đoàn kết trong học tập. Trong lịch sử xa xưa, nếu nhân dân ta không trên dưới một lòng, không đoàn kết, nắm tay lại với nhau thì không thể nào đánh đuổi được giặc ngoại xâm hung tàn, ác bá. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ ông bà ta cũng có những câu thể hiện nội dung của sự đoàn kết như “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, “Chung lưng đấu cật”, “Nhiều tay vỗ nên kêu”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Góp gió thành bão”,…Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn đâu đó những con người đoàn kết lại để làm việc xấu, gây phương hại đến những người khác. Trong trường học, nhiều học sinh tự chia nhau thành các nhóm riêng rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ trong lớp khiến cho tình cảm bạn bè bị sứt mẻ. Có học sinh chỉ vì lợi ích của cá nhân bàn ra tán vào gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần đoàn kết của cả lớp. Những trường hợp như vậy thật đáng bị phê phán.Tinh thần đoàn kết là một trong những đức tính tốt và quý báu mà ta cần gìn giữ và phát huy, nhân rộng đến mọi người xung quanh. Bản thân em cũng sẽ luôn gắn kết, hòa hợp với mọi người xung quanh tạo nên tính đoàn kết theo đúng nghĩa vốn có của nó.
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 3
Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Quả đúng như vậy! Đoàn kết quả thực là một điều cần thiết trong bối cảnh xã hội của chúng ta ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi trọng tinh thần đoàn kết. Bác Hồ- vị cha già kính yêu của chúng ta cũng từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Sở dĩ, Bác nói như vậy vì Bác hiểu rất rõ đoàn kết là điều rất cần thiết để tạo nên sức mạnh của một cộng đồng. Như đã nói, chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội, mà ở đó, mỗi cá nhân là một phần tử nhỏ bé của xã hội ấy. Nếu ta chỉ sống một cách đơn lẻ, độc lập thì rất dễ bị bắt nạt, bị yếu thế trong môi trường chung của cộng đồng. Bởi vậy, chúng ta phải đoàn kết với nhau, chung sức đồng lòng để tạo nên sức mạnh to lớn. Sức mạnh ấy sẽ giúp mọi thành viên trong tập thể có được sức mạnh chung to lớn để vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những thành quả to lớn. Đoàn kết cũng giúp ta phát huy cao độ tinh thần vì tập thể, dẹp bỏ ích kỉ cá nhân để đưa tập thể cùng phát triển. Bởi vậy, chúng ta cần đoàn kết lại với nhau và tránh những hành động chia bè, kéo phái. Và tôi xin kết lại quan điểm của mình bằng một câu thơ: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 4
Không ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta. Chính tinh thần đoàn kết khơi dậy và phát huy sức mạnh trong mỗi cá nhân. Hiểu đơn giản, đoàn kết là sự thông cảm, chia sẻ và có việc làm cụ thể giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Tinh thần đoàn kết giúp ta hòa thuận, hợp tác với mọi người, tạo ra sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng nghịch cảnh. Sống không có tinh thần đoàn kết là tự tách mình ra khỏi tập thể, cộng đồng, bị mọi người xa lánh và khinh ghét, nhất định sẽ thất bại. Lịch sử dân tộc ta là minh chứng hùng hồn sức mạnh của tinh thần ấy. Dù bé nhỏ, nhưng dân tộc ta đã biết đoàn kết lại, góp nhỏ thành lớn và đánh bại mọi cuộc xâm lăng của kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại. Mỗi học sinh phải luôn rèn luyện mình để trở thành người biết đoàn kết; xây dựng lối sống thân ái, giàu tình yêu thương, biết giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn; đồng thời quyết liệt phê phán những hành động gây mất đoàn kết trong tập thể, để xây dựng một tập thể trong sạch, vững mạnh. Nơi nào có sự đoàn kết, nơi đó sẽ có chiến thắng. Bởi thế, nắm chặt tay nhau, đoàn kết lại để tăng cường sức mạnh, hoàn thành tốt nhất công việc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Đoạn văn nghị luận về tinh thần đoàn kết – Mẫu 5
Từ xưa đến nay, con người Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết trong mọi công việc. Đây là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta. Phẩm chất này đã được ông cha ta đúc kết thành câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để dạy bảo con cháu về phẩm chất tốt đẹp này. Quả thật vậy, “một cây” thì không thể làm nên núi non nhưng “ba cây” – tượng trưng cho nhiều cây thì có thể hình thành nên không chỉ là ngọn núi thấp mà còn là núi cao. Từ “một cây” đến “ba cây” số lượng đã thay đổi nên chất lượng cũng thay đổi “ba cây chụm lại” thể hiện tinh thần đoàn kết cùng chung sức cùng làm việc. Chính sự thay đổi ấy đã mượn chuyện về cây cối để nhắc nhở chúng ta phải biết đồng sức, đồng lòng, noi theo tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Tinh thần đoàn kết của dân tộc ta đã được chứng minh bằng sự phát triển của nó qua quá trình dựng và giữ nước của ông cha ta. Từ các đời vua Hùng Vương nhân dân ta đã biết đứng dậy cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu… cho đến Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng những vị anh hùng kiên cường bất khuất này có được chiến thắng không chỉ nhờ vào chiến lược hay mà chiến thắng của họ có được còn nhờ vào sự ủng hộ, tinh thần đoàn kết quyết tâm chống giặc của nhân dân ta. Đó cũng chính là động lực giúp nhân dân ta vượt qua mọi rào cản ngoại xâm và ngày càng khẳng định rõ hơn về quyền lãnh thổ của đất nước bằng sự chung sức, chung lòng. Tinh thần ấy ngày càng được nâng cao khi nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bằng những vũ khí thô sơ nhưng một nước nhỏ bé lại có thể chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh với những trang bị vũ khí hiện đại tất cả đều nhờ vào tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Những chiến thắng trong lịch sử đã một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của câu ca dao: ”Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của ông cha ta. Dù việc khó đến mấy thì khi có tinh thần đoàn kết ta cũng dễ dàng thực hiện được. Tinh thần đoàn kết là rất cần có và trong một tập thể thì vai trò của tinh thần đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn nữa vì nếu mọi người cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết thì mối quan hệ giữa mọi người càng trở nên tốt đẹp hơn. Thể hiện tinh thần đoàn kết còn là biểu hiện của người có văn hóa, tri thức. Vậy mà trong tập thể vẫn còn có “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Họ luôn tìm cách chia bè phái gây mất đoàn kết, từ đó hình thành nên những mâu thuẫn, hiềm khích không đáng có. Thái độ và hành động đó cần được phê phán. Đoàn kết là một đức tính cần thiết trong việc xây dựng và hình thành tính cách con người. Bản thân em để xây dựng tinh thần đoàn kết em sẽ cùng các bạn trong lớp, trường thắt chặt tình đoàn kết để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp. Em sẽ vận động các bạn trong một lớp cùng chơi với nhau chứ không chia ra chơi theo nhóm để rồi người này nói không tốt về người kia gây ra hiểu lầm. Không chỉ thế, em còn tạo mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè thế giới về con người Việt Nam thân thiện nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết. Tinh thần đoàn kết luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc được mọi người coi trọng và đề cao. Ngày nay, tinh thần đoàn kết cũng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi người. Thực hiện tốt tinh thần đoàn kết là ta còn làm tốt điều thứ ba trong năm điều Bác Hồ dạy.