Nghị luận xã hội Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố (9 mẫu), Nghị luận xã hội: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu
Cuộc sống đầy những chông gai thử thách, bạn đừng bao giờ đầu hàng trước số phận mà hãy tự vươn lên đối đầu với mọi chông gai. Với ý nghĩa đó, câu nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” (Đặng Thuỳ Trâm) thực sự đã mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa.
Sau đây Tài Liệu Học Thi giới thiệu đến các bạn lớp 12 bài văn mẫu Nghị luận xã hội Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố. Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 9 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ bài làm hay nhất của học sinh trên toàn quốc. Ngoài ra bạn đọc tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác tại chuyên mục Văn 12 để có nhiều tài liệu học tập, trau dồi vốn từ khi viết văn.
Xem Tắt
Dàn ý Nghị luận Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố
I. Mở bài:
– Giới thiệu câu nói
II. Thân bài
a. Giải thích các khái niệm
+ Giông tố: những gian nan, thử thách, những khó khăn xảy ra với con người trong cuộc sống.
+ Cúi đầu: đầu hàng, lùi bước, chấp nhận thất bại
→ Câu nói khuyên con người không đầu hàng, lùi bước trước những khó khăn, thất bại trong cuộc đời, dám chấp nhận giông tố.
b. Bàn luận
+ Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của câu nói: cuộc đời con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, thăng trầm
+ Phân tích,chứng minh, đánh giá biểu hiện
– Cuộc sống không bao giờ bình lặng mà luôn có vô vàn những khó khăn, thử thách, có thành công – thất bại, hạnh phúc – khổ đau,….
– Phải trải qua giông tố giúp con người trưởng thành, vững vàng về mọi mặt (tự hiểu về mình, cuộc sống, có kinh nghiệm,…)
– Vượt qua khó khăn, thử thách không phải là điều dễ dàng, song ta phải luôn luôn dũng cảm đối mặt, không được hèn nhát, nao núng, né tránh.
+ Bàn bạc vấn đề:
– Nhưng để làm được điều đó, con người cần có bản lĩnh, nghị lực, kỹ năng, tri thức.
– Trong thực tế cuộc sống, có biết bao những tấm gương về những con người có nghị lực, bản lĩnh, vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh (các tấm gương xưa và nay).
– Phê phán lối sống thiếu nghị lực, bản lĩnh. Bên cạnh đó, ta không khỏi đau lòng cho những người, đặc biệt là các bạn trẻ thiếu nghị lực, bản lĩnh, sống ích kỷ, dựa dẫm.
c. Bài học nhận thức, hành động
– Muốn thành công, con người phải trải qua nhiều sóng gió. Trước sóng gió, mỗi người phải tự vươn lên bằng niềm tin và nghị lực bản thân, vượt qua những yếu đuối, hèn nhát của chính mình
– Gian nan chính là môi trường rèn luyện, tôi luyện ý chí của con người
– Nếu có ý chí nghị lực, vượt khó thì công việc nào cũng đi đến đích
III. Kết bài: Suy nghĩ của em về câu nói đó.
Nghị luận Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố
Bài làm số 1
Cuộc sống có muôn vàn khó khăn thử thách, con người cần biết vượt qua, kiến kiếng đứng vững mới có thể tồn tại được. Không lùi bước, không khuất phục, dám chấp nhận thử thách, dám kiên cường đối đầu với khó khăn là phẩm chất cần có của con người. Như Đặng Thùy Trâm từng nói: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
Trước hết cần hiểu câu nói có ý nghĩa là gì? “Giông tố” là một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, trong câu nói của Đặng Thùy Trâm, nó biểu tượng cho những khó khăn, thử thách có thể xảy ra với cuộc sống của con người. Còn “Cúi đầu” ám chỉ hành động chấp nhận, đầu hàng trước khó khăn, trước số phận. Cả câu nói của Đặng Thùy Trâm có ý nghĩa khuyên con người không đầu hàng, lùi bước trước khó khăn, thử thách của cuộc đời. mỗi người cần trải qua khó khăn như một lẽ tự nhiên của cuộc sống.
Quả đúng như vậy, cuộc đời là một chuỗi những khó khăn, thăng trầm. Để có được thành công không ai là không cần vượt qua những khó khăn ấy. Thất bại luôn đi kèm với thành công, sau khổ dau là những hạnh phúc. Nếu cuộc đời quá bình lặng chúng ta cũng không cảm nhận hết ý nghĩa của thành công. Để vượt qua giông tố không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên mỗi người cần dũng cảm đối mặt, không được chấp nhận thất bại, không né tránh vấn đề. Không chỉ có vậy, mỗi người cần có kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm cùng ý chí, nghị lực.
Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều những tấm gương biết cách thích nghi, vượt qua “giông tố” cuộc đời để vươn tới niềm vui hạnh phúc, thành công. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, cuộc đời đã không ban cho thầy đôi tay nhưng nhờ thái độ sống tích cực, ý chí, nghị lực phi thường thầy đã học làm mọi thứ bằng đôi chân. Lúc đầu tuy có nhiều đau đớn nhưng thầy cũng vượt qua. Thậm chí vì muốn tìm đến nguồn sáng của tri thức và muốn truyền dạy tri thức thầy còn học viết bằng chân, từ đó trở thành thầy giáo ưu tú, mẫu mực. Hay như Bác Hồ, Bác đã trải qua bao khó khăn hiểm nguy trên con đường tìm ra ánh sáng chân lí, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc. Bằng ý chí nghị lực phi thường, bằng tình yêu và lòng quả cảm cùng tài năng vượt trội, Bác đã thành công trên con đường ấy, Bác đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giả sử nếu thầy Nguyễn Ngọc Kí hay Bác Hồ không có đủ dũng khí, sức mạnh và lòng tin, để vượt qua nghịch cảnh, liệu chúng ta có thể có được một thầy giáo ưu tú, một con người vĩ đại như Bác khiến cả thế giới nể phục hay không?
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có một số người sống lay lắt, thiếu nghị lực, đứng trước một chút ít khó khăn đã nản lòng, chán nản và đổ lỗi cho số phận… Có một số người khác lại sống ích kỉ, dựa dẫm vào người khác. Có khó khăn là nhờ mọi người giúp đỡ, còn mình thì không làm gì cả. Nếu không được giúp đỡ sinh ra oán hận, chán ghét. Cách sống đó thực sự không tốt, các bạn cần thay đổi để hướng tới lối sống tích cực, đáng nể phục hơn.
Như vậy, muốn thành công con người phải biết cách đương đầu với sóng gió, có bản lĩnh để vượt lên sóng gió. Bản thân tôi cũng có những giây phút chán nản, thiếu sự kiên trì trước mỗi bài toán khó. Hay khi gặp khó khăn tôi chỉ biết than thân trách phận. Đó là những lúc tôi thực sự yếu đuối, hèn nhát. Tôi nhận thấy, gian nan chính là môi trường tốt để thử thách con người. Nếu có ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn thì thành công sẽ đến với chúng ta sớm hơn.
Tóm lại, ý kiến của Đặng Thùy Trâm: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” thực sự là bài học ý nghĩa, giản dị mà sâu sắc. Đây là chân lí mà cũng là bài học bổ ích chúng ta có thể coi đó làm phương châm sống và hành động của mình.
Bài làm số 2
Trong cuộc đời mỗi con người chắc hẳn ai cũng vấp phải những khó khăn, sự cản trở để bước đến thành công như thất bại trong công việc, gia đình bị đổ vỡ, tình yêu bị phản bội… khi đó có người cảm thấy bất lực trước cuộc sống, họ tìm đến rượu để giải sầu, thậm chí tìm đến cái chết để không phải đối diện với sự thật. Nhưng nhà văn Đặng Thùy Trâm – một cô y tá dũng cảm đã chứng kiến bao nhiêu sự mất mát của đồng chí, đồng đội trong chiến tranh, cô dám đương đầu với sóng gió của cuộc đời và đã đưa ra chân lý sống cho chính bản thân mình: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố. Chân lý này cũng là lời khuyên, bài học bổ ích, chúng ta có thể lấy làm phương châm sống để sống tốt hơn.
Trước khi hiểu hơn về câu nói của Đặng Thùy Trâm, chúng ta cần hiểu giông tố là gì? Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội, mãnh liệt. Câu nói đó đã khẳng định cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng trước những thử thách mà hãy dũng cảm đối đầu với những thử thách, khó khăn đó.
Chúng ta hãy cùng nhau quay ngược dòng thời gian để trở về với hai cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam đó là cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc chiến tranh này đã làm cho cả dân tộc ta phải sống trong sự lầm than, cực khổ nhưng vì hòa bình, độc lập, tự do mà cả một thế hệ, cả dân tộc đã đoàn kết đứng lên đấu tranh để lấy lại những gì thuộc về chúng ta. Lòng hy sinh, sự kiên cường, bản lĩnh của người lính, hậu đã giúp đất nước chúng ta vượt qua giông tố để đứng hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Không những thế, toàn thế giới phải nghiêng mình kính phục đất nước nhỏ bé của chúng ta – những con người quả cảm, yêu nước, luôn biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích dân tộc.
Khi đất nước hòa bình, con người trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người có một cuộc sống riêng, một nỗi lo riêng. Có người luôn gặp những bất hạnh trong cuộc sống, họ cảm thấy tạo hóa đang đẩy họ đến bước đường cùng, họ tuyệt vọng khi không đạt được ước mơ, họ cảm thấy bất lực khi không lo được cho vợ con một cuộc sống hạnh phúc, có người cảm thấy lạc lõng cô đơn trước cuộc sống hiện tại. Tất cả những điều đó phải chăng là những thử thách của cuộc đời dành cho họ hay là do con người trong cuộc sống ngày nay ngày càng trở nên vô cảm và chính con người đã đẩy mình vào những khó khăn đó. Đứng trước những điều đó, đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta cần phải bình tĩnh, phải suy xét và phải mạnh mẽ đương đầu với nó, như thế chúng ta mới không bị những giông tố kia làm hại cuộc đời ta.
Nếu trong chiến tranh cả một thế hệ phải đương đầu với sóng gió, khi hòa bình lập lại, mỗi cá nhân phải tự mình trải qua những thử thách, dù trong hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi chúng ta đừng nhụt chí mà hãy bước tới nó, đi qua nó và đạt được thành công. Như vậy, gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người.
Câu nói của Đặng Thùy Trâm đúng với mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng và qua câu nói đó giúp cho chúng ta thấy rằng: Đó là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp nhưng họ sống thật đẹp và hào hùng, đồng thời câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
Bài làm số 3
Không biết từ khi nào, con người gặp lúc khó khăn, đau khổ lại mượn hiện tượng dữ dội của tự nhiên là “giông tố” để ẩn dụ. Không hiểu tại sao khi em bé vừa thoát thai, chưa kịp mở mắt nhìn đời, đã bật thành tiếng khóc? Phải chăng, cuộc sống đâu chỉ có toàn hoa tươi thắm, trải thảm cho ta đi, mà còn có biết bao chuyện bất toàn. Không vì những bất toàn, những lúc không bình yên, hay một cơn giông gió của cuộc đời mà ta dừng bước. Với Đặng Thuỳ Trâm, bằng sự trải nghiệm của đời mình trong bão tố chiến tranh; bằng nghị lực sống kiên cường và tâm hồn cao đẹp, chị đã đúc kết rằng: “Đời phải trải qua giông tố, nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”.
L.Aragông từng viết rằng “Các anh tin hay không lời tôi nói; Tôi đã khổ đau nên có đủ quyền; Dù mặt trời cứ xa, khi người ta bước tới; dù cổ con người nằm trong tay đao phủ; Hai cánh tay bị đinh đóng treo lên; Thì hạnh phúc trên đời vẫn có, và tôi tin”. Đó là biểu hiện về một nghị lực phi thường trước giông tố’ cuộc đời giông Đặng Thuỳ Trâm quan niệm. Đó là một bài học quý giá về sự nhận thức cuộc sống và dám đối mặt với nó, để tiếp bước trên những dặm dài của cuộc đời về hướng tươi sáng.
“Giông tố” là những khó khăn, thử thách của cuộc đời mà con người phải vượt qua, phải đối mặt với nó. “Chấp nhận” giông tố là biết chấp nhận bão táp của cuộc đời, nhìn thấy được mọi việc khó khăn trước mắt mà không lùi bước, vẫn tiến lên, đi tiếp những con đường đang mở ra đầu chông gai.
Không cúi đầu trước giông tố” là không dậm chân tại chỗ trước bão táp phong ba, phải có niềm tin, lạc quan trong cuộc sống, đừng thấy khó khăn mà nản chí, phải cố gắng vươn lên dù cho đầy rẫy những hiểm nguy phía: trước. Chúng ta phải biết chấp nhận giông tô’ vì một khi chấp nhận nó thì ta sẽ biết cách để vượt qua bằng chính nghị lực của bản thân, phải biết đối diện với mọi thử thách trong cuộc sống. Trong việc học, khi ta bị điểm kém, có thể trong mỗi chúng ta ai cũng có cảm giác buồn, nhưng khi ta biết chấp nhận nó, cố gắng học tập để vươn lên, rồi mai sau ta sẽ gặt hái được rất nhiều thành quả tốt hơn, và có nhiều kinh nghiệm hơn trong học tập. Nếu ta không chấp nhận giông tố, con người sẽ trở nên lo sợ, yếu đuối trước mọi khó khăn, thử thách ở phía trước, nó sẽ làm ta không tiến đến được những ước mơ xa xôi mà ta mong muốn. Nếu cứ sống mãi trong cảm giác lo sợ trước những cái khó khăn thì con người sẽ không bao giờ hoàn thiện được mình. Nếu không có giông tố trên thế gian này thì sẽ không ai biết được rõ năng lực của mình, con người sẽ sống một cuộc sống bình lặng, êm đềm mà không hề có bão táp, gian lao, mọi thứ sẽ trở nên nhàm chán vì không có thử thách gì để cho ta vượt qua nó, thể hiện bản thân mình. Chúng ta phải có một ý chí vững mạnh trước những khó khăn, không để bị khuất phục trước nó. Con người sẽ cảm thấy nản chí một khi đứng trước những thất bại, tồi tệ của mình. Con người cần phải đối mặt với nhiều giông tô’ nhưng ta vẫn phải vững niềm tin, lạc quan, đối mặt với những nghịch cảnh khắc nghiệt mới thấy được sức mạnh của mình. Chúng ta phải có niềm tin với cuộc sống, coi thất bại là mẹ của thành công, vì có thất bại chúng ta mới biết làm việc chăm chỉ hơn, biết cố gắng bằng chính sức mình để đạt được cái mà mình mong muốn. Người ta chỉ thất bại khi họ không biết đứng lên trên chính thất bại của mình để nỗ lực, phấn đấu hơn. Thomas Edison đã từng nói: “Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi, mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ”. Con người sống trên đời này ai cũng mắc phải lỗi lầm của mình, nhưng vấn đề là ta phải biết chấp nhận lỗi lầm đó để cố gắng biến nó trở nên tốt đẹp hơn. Không có truyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết nên. Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian lao, hi sinh vất và cuộc đời chẳng có bước đường cùng, chỉ có những ranh giới, cốt là ta có đủ sức mạnh để vượt qua cái ranh giới đó hay không. Hồ Chí Minh từng khổ đau trước giông tô’ nô lệ của dân tộc. Và bằng lòng yêu nước nhiệt thành, tình yêu dân tộc tha thiết, bằng trí tuệ tuyệt vời và đặc biệt là nghị lực phi thường, đã mang lại cho dân tộc ta ánh sáng tự do. Một dân tộc như cách nói của Nguyễn Đình Thi: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Cuộc sống luôn đem đến cho ta nhiều điều bất ngờ trong đó là những khó khăn, thử thách mà bắt buộc ta phải vượt qua để thành công hơn trong mọi việc và cũng để thành người. Nhìn vào mẹ ta còng lưng trên cánh đồng “một nắng hai sương”, gương mặt khắc khổ và đôi bàn tay khô queo mà nuôi ta thành người; nhìn vào những thanh niên của thời “chinh chiến” đã ngã xuống vì Tổ quốc giữa tuổi thanh xuân; nhìn vào những em thơ vừa học vừa bán hàng rong khắp hang cùng ngõ vắng, và nhiều hình ảnh vượt khó ta từng nghe, từng thấy, rồi ta sẽ có một bài học nghị lực cho chính mình khi đứng trước “bão giông” của cuộc đời.
Bài làm số 4
Có bao giờ bạn nghĩ xem sự sống tồn tại như thế nào? Phải chăng sự sống chỉ có ở những nơi trù phú, tươi đẹp? Vậy bạn nghĩ gì khi thấy những loài cây vẫn vươn lên trong cái khắc nghiệt của sa mạc; khi biết có những vi sinh vật vẫn tồn tại từ vùng cực băng giá đến miệng núi lửa lên tới vài ngàn độ?
Sự sống là cả quá trình đào thải và thích nghi. Tự nhiên luôn có sự biến đổi, chỉ những sinh vật có khả năng thích nghi cao mới có thể tồn tại được. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy.
Không chỉ có những thành công, có những tiếng cười mà xen lẫn vào đó là những khó khăn, thử thách, những giọt nước mắt của sự mất mát. Điều quan trọng là chúng ta đối diện với nó như thế nào.Với ý nghĩa đó, trong cuốn nhật kí của mình, Đặng Thùy Trâm đã từng viết “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
Theo cách nghĩ mộc mạc nhất, giông tố chỉ là một hiện tượng tự nhiên, là những cơn gió, cơn bão sẽ hủy đi những cánh đồng lúa, những ngôi nhà, những công trình, mà con người dày công xây dựng. Còn nói đến giông tố trên đường đời, đó chính là những gian nan, thử thách mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Nó có thể là khó khăn trong học tập, thất bại trong kinh doanh, tan vỡ gia đình, những căn bệnh hiểm nghèo, sự mất mác.
Nhưng dù nói thế nào đi nữa thì giông tố vẫn diễn ra hằng ngày trên thế gian này. Dù chẳng ai muốn nhưng nó vẫn tồn tại như một sự thật hiển nhiên. Đâu có ai muốn có bão lụt, hạn hán nhưng nó vẫn diễn ra hằng năm trên thế giới. Cướp đi bao nhiêu của cải vật chất và cả sinh mạng con người. Ai cũng muốn công việc suôn sẻ, gia đình ấm êm nhưng đâu phải ai cũng có được. Để có được cũng không thật sự đơn giản.
Giông tố luôn tồn tại ngoài ý thức của con người. Chúng ta không thể xóa bỏ nhưng không bao giờ được cúi đầu trước nó. Sự cúi đầu sẽ biến chúng ta thành kẻ thất bại.
Có những con người chỉ biết than trách cho thân phận nghèo của mình, tự đưa mình vào con đường rượu chè, cờ bạc và chỉ biết đổ lỗi cho cái số nghèo bị người ta khinh mạc. Có lắm bạn trẻ muốn học đòi ăn chơi với lí do bị bỏ bê, không được quan tâm. Và không ít những bạn trẻ lầm đường lạc lối, có những bạn kết thúc cuộc đời với án tù chung thân. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, phải nhận thức rõ đúng sai, không để bản thân mình sa đà. “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Nếu không tự làm chủ mình thì giông tố cuộc đời sẽ hủy diệt mình. Số phận của chúng ta phải do chính chúng ta nắm giữ.
Bạn có biết Billgate, Chung Ju Yung hay Louis Pasteur. Họ là những con người đã để lại nhiều tiếng vang nhưng đằng sau đó là cả một chặng đường gian khổ và những niềm đau chôn dấu. Bill Gates từng bỏ dở giấc mơ đại học và thành lập công ty, nhiều lần thất bại nhưng không nản, cuối cùng trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft. Chung Ju Yung, trước khi là chủ tịch tập đoàn Hyundai Hàn Quốc từng là một nông dân, rồi công nhân của một kho gạo ở Seoul. Louis Pasteur người đã tìm ra vacxin ngừa bệnh dại và nhiều nghiên cứu của ông đóng góp thiết thực cho nhân loại. Thế nhưng, nhà khoa học này phải cô độc với nỗi đau mất người thân, chứng kiến vợ mình, con mình lần lượt ra đi vĩnh viễn. Sau khi ông mất, người ta phát hiện ra rằng nhà khoa học này chỉ có nửa não so với người bình thường.
Không chỉ có những bậc đại tài, mà xung quanh chúng ta cũng có nhiều rất nhiều người bình thường, cố gắng vượt lên số phận. Trải qua cấp tiểu học, không ai không biết câu chuyện về Nguyễn Ngọc Ký với đôi chân kì diệu. Những khó khăn, thất bại từ những ngày đầu tập viết đã không làm lung lạc tinh thần học hỏi và cuối cùng thầy đã trở thành một nhà giáo, là tấm gương cho bao thế hệ sau này.
Ở thế hệ chúng ta bây giờ cũng không ít bạn trẻ làm được điều đó. Có bao giờ các bạn nghe đến tên Nguyễn Tấn Hiền và những bức tranh của anh không? Người có đủ mười ngón tay, nhưng nếu không có “hoa tay” và sự kiên trì học hỏi thì chưa chắc có thể trở thành họa sĩ.
Thế nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tấn Hiền (SN 1978, quê thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) chỉ có duy nhất một ngón tay còn khả năng cử động được lại chọn nghề vẽ.
Suốt 6 năm kể từ ngày gặp tai nạn khiến anh tàn phế, ngồi trên xe lăn trong Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, Hiền đã vẽ được hàng trăm bức tranh và tác phẩm của anh được nhiều người tìm mua. Không dừng lại ở đó, Hiền còn tham gia khóa học tâm lí, và trở thành tình nguyện viên, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ vượt qua khỏi mặc cảm, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bạn đã từng nghe đến sự thành công của bài múa “Hand in hand” đã đoạt giải chung kết cuộc thi múa năm 2007 tại Trung Quốc chưa? Hai nghệ sĩ múa tài năng, Mã Lệ – Trạch Hiếu Vỹ đã chinh phục hàng triệu con tim. Khán giả im lặng dõi theo và xúc động đến rơi lệ. Số phận của một nữ diễn viên múa 18 tuổi, chính tai nạn đã lấy đi của cô gái trẻ đẹp này cánh tay phải. Còn bạn diễn của cô là một chàng trai mất chân trái do một tai nạn năm 4 tuổi.
Định mệnh đã cho họ gặp nhau, và 2 con người đầy nghị lực này quyết tâm theo đuổi ước mơ của họ. Ai cũng biết nghề múa đòi hỏi ngoại hình và sự tỉ mỉ trên từng đường nét cơ thể. Thế nhưng, sự khuyết tật đó không đánh gục được niềm tin và sức trẻ trong họ. Họ đã làm được điều tưởng chừng như không thể và họ đã thành công.
Tôi cũng trải qua 20 năm, không đủ dài để hiểu hết sự đời nhưng cũng không quá ngắn để cảm nhận cuộc đời. Tôi vẫn ước mơ trở thành một họa sĩ nhưng con đường hiện tại đưa tôi đi quá xa ước mơ đó. Có những lúc tôi dùng lí lẽ của sự “may rủi” để tự lừa dối bản thân mình.
Hiện tại kết quả học tập của tôi không tốt, và đã có thời gian tôi cho rằng tại số phận đưa tôi đến con đường không thuộc về tôi. Tôi hoàn toàn không hợp với nghề giáo. Nhưng tất cả chỉ là ngụy biện, chính tôi đã không chuyên tâm cho con đường mình đang đi, tôi quá tham lam nên làm mọi thứ dang dở. Không đủ tự tin và tình yêu cho ước mơ của mình. Cho đến hôm nay khi tự mình ngẫm lại, rõ ràng tôi có thể làm tốt hơn, tôi có thể không để xảy ra những cái “rủi” đó nhưng chính tôi đã không đủ khả năng điều khiển việc làm của mình.
Câu nói cửa miệng của chúng ta vẫn là: “trong cái rủi vẫn luôn có cái may”. Nhưng không đơn thuần là phó mặc cho “may rủi” mà nói như vậy để thấy rằng :”Không phải tất cả mọi việc đều tệ hại. Nó vẫn chất chứa, ít nhất là một điều tuyệt vời trong đó!”.
Hãy luôn cố gắng, đừng bao giờ từ bỏ!
Chỉ cần chúng ta thật vững tin để tiến về phía trước! Tương lai tươi sáng luôn mở cửa chào chúng ta!
Bài làm số 5
Cuộc sống đầy những chông gai thử thách, bạn đừng bao giờ đầu hàng trước số phận mà hãy tự vươn lên đối đầu với mọi chông gai. Với ý nghĩa đó, câu nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố ” (Đặng Thuỳ Trâm) thực sự đã mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa.
Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội đến với chúng ta trong cuộc sống. Đó có thể là một căn bệnh hiểm nghèo, một đổ vỡ trong kế hoạch làm ăn, một thất bại trong học tập, một phá sản trong kinh doanh. Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan.
Bạn thấy đấy, xung quanh chúng ta, cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục. Khi gặp khó khăn trở ngại, bạn hãy tự vươn lên bằng chính niềm tin của mình. Thất bại là mẹ thành công, thất bại là môi trường tôi luyện ý chí của con người như Bác Hồ đã từng nói “Gian nan rèn luyện mới thành công” hoặc “không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Cuộc đời của con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta phải biết vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, đừng vì khó khăn, trắc trở ngay trước mắt mà vội vàng từ bỏ. Đừng bao giờ “ngại núi, e sông” hoặc “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Giông tố, gian nan thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện cho ý chí ta thêm vững bền.
Cuộc đời vốn nhiều thử thách, chông gai, chúng ta phải luôn tìm cách vượt qua, chứ đừng thấy cái khó khăn trước mắt thì bỏ cuộc. Câu răn đầu tiên của Đức Phật trong 14 điều răn: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, con người có thể làm được tất cả, chỉ cần lòng người có ý chí quyết tâm, có nghị lực kiên cường thì không gì có thể ngăn cản được họ. Những khó khăn, gian khổ mà con người cần vượt qua có thành công hay không là do chính bản thân họ, cho dù có khó đến đâu nhưng lòng người có ý chí vững vàng, niềm tin vào bản thân và cố gắng hết sức vượt qua thì cũng sẽ thành công, còn ngược lại, không có lòng quyết tâm, ý chí tin vào chính mình, không cố gắng hết sức thì cũng sẽ không làm được gì.
Xung quanh ta đã có rất nhiều người vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời tưởng chừng như là không thể vượt qua được như thầy Nguyễn Ngọc Ký, “vẽ cuộc đời từ chính đôi chân”, cho dù đã bị liệt hai tay nhưng thầy đã dùng chân của mình để viết và giờ thầy đã là một người thầy giáo được nhiều người biết đến và khâm phục. Bill Gates từng bỏ dở giấc mơ đại học và thành lập công ty, nhiều lần thất bại nhưng không nản, cuối cùng trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft. Chung Ju Yung, trước khi là chủ tịch tập đoàn Hyundai hàn quốc từng là một nông dân, rồi công nhân của một kho gạo ở Seoul. Đó chính là những tấm gương vượt khó thành tài đáng khâm phục.
Ngược lại, lại có những con người chỉ vì cái nghèo khó mà đã làm những việc trái với pháp luật đạo lý con người, họ đi cướp bóc, trấn lột để kiếm cái ăn cho mình mà không nghĩ gì đến sự mất mát của người khác. Vì vậy, ngay từ trong ghế nhà trường, chúng ta cần phải rèn luyện ý chí bền bỉ, phải noi theo những gương sáng trong cuộc sống, trong học tập, cần học thật tốt để vững vàng cho mình hành trang vào đời thêm vững bước. Trong xã hội, chúng ta nên san sẻ với những người còn khó khăn, thiếu thốn để giúp họ vượt lên chính mình.
Câu nói trên là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng. Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh. Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên.
Bài làm số 6
Cuộc đời mỗi con người đều có những thăng trầm biến động, chẳng có con đường nào đi đến thành công mà bằng phẳng và trải sẵn hoa hồng. Có trải qua khó khăn, thử thách và biến cố của cuộc đời, con người ta mới thấu hiểu và ngộ ra nhiều thứ, trong cuốn nhật ký của nữ anh hùng Đặng Thùy Trâm có câu “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Câu nói mang ý nghĩa nhắc nhở con người ta hãy ngẩng cao đầu, đấu tranh hết mình với bão giông cuộc đời.
Nếu những cơn bão, lốc xoáy và giông tố là những mối nguy hiểm về thời tiết đối với con người thì giông tố cuộc đời chính là những khó khăn, thử thách gian nan và biến cố lớn xảy ra trong cuộc sống. Thời tiết không thể mãi một mùa, không thể cứ nhẹ nhàng, dễ chịu cũng như cuộc đời con người không thể cứ yên ổn, phẳng lặng mà luôn thăng trầm ẩn chứa nhiều sự biến hóa khôn lường. Hành động “cúi đầu” thể hiện sự đầu hàng, chấp nhận, không dám đối diện, né tránh, dừng bước hoặc lùi bước. Cúi đầu trước giông bão cuộc đời chính là đầu hàng trước khó khăn, lùi bước và không dám đương đầu với thử thách.
Câu nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” vừa khẳng định ý nghĩa của những giông tố xuất hiện trong cuộc đời, vừa khuyên răn con người ta phải mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn và giải quyết khó khăn trong cuộc sống của mình. Cuộc đời muôn màu muôn vẻ, ngày hôm nay bình yên nhưng ngày mai liệu có còn “biển yên sóng lặng” hay “bão giông cuồn cuộn”, chẳng ai biết trước được và cũng chẳng có ai tránh khỏi được bão giông cuộc đời. Giông tố cuộc đời có thể xuất hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời và ở bất cứ đâu trong cuộc sống của bạn. Có thể là thất bại trong công việc, học tập, mất đi niềm tin, gặp nhiều khó khăn trong công việc hay những nỗi đau thương mất mát… Tất cả đều có thể diễn ra trong cuộc đời của bạn, và cuộc đời phải có những giông tố đó mới “đủ vị”.
Dù cuộc đời có thử thách bạn đến đâu, bạn cũng phải kiên cường ngẩng cao đầu chấp nhận và nỗ lực hết mình khắc phục, vượt qua thử thách. Để cho bản thân trải qua sương gió của phong ba bão tố cuộc đời mới thực sự có được sự trưởng thành và vững vàng ý chí, khi ấy đứng trước cuộc đời bản thân mới có năng lực, dày dạn kinh nghiệm và giàu sự trải đời. Đó là những bài học đường đời vô giá mà không có cách nào chúng ta mua được nếu chúng ta không đối đầu, nếu cứ mãi lùi bước, không chấp nhận khó khăn thử thách bạn sẽ mãi yếu đuối, “mỏng manh dễ vỡ”, dễ bị quật ngã trước giông tố cuộc đời. Để có thể đối đầu trước giông tố tuy không dễ dàng gì, có thể phải đánh đổi đi nhiều thứ, nhưng không vì thế mà chúng ta lùi bước, càng phải trả giá cho giông tố bao nhiêu ta càng nhận được giá trị gấp đôi cái giá đã trả. Để làm được điều đó, bản thân mỗi người phải rèn luyện bản lĩnh, nghị lực của mình bao gồm cả tri thức, kĩ năng và kinh nghiệm. Trước khó khăn không nên né tránh, nao núng mà phải quyết tâm vượt lên hoàn cảnh của chính mình, dựa vào khả năng của chính mình chứ không phải dựa dẫm, ỷ lại, núp dưới bóng người khác.
Quả thực câu nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” muôn đời vẫn chính xác, có thất bại mới có thành công và có đương đầu, đối diện và khắc phục thất bại mới mang lại những điều kiện cần và đủ để tạo dựng nên thành công. Muốn tô đẹp cho thành công của mình càng rực rỡ thì càng phải để bản thân trải qua nhiều giông tố cuộc đời, rèn luyện được bản lĩnh đương đầu khó khăn thì cái đích nào ta cũng có thể vươn đến.
Nghị luận xã hội là dạng đề không thể thiếu trong các bài kiểm tra 45 phút, học kì. Để trau dồi kiến thức, củng cố kĩ năng viết bài nghị luận, bên cạnh bài Nghị luận xã hội Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội về hạnh phúc, Nghị luận xã hội về mái ấm tình thương, Nghị luận xã hội về thành công qua câu nói, Nghị luận xã hội về chủ quyền biển đảo.
Bài làm số 7
Thượng đế đã ban cho chúng ta một sinh mệnh để chúng ta có quyền được sống, được yêu thương và yêu lại người khác. Bên cạnh ấy ngài đã đặt mỗi con người chúng ta vào những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời. Thế nhưng dù ở bất kì một hoàn cảnh khác nhau đi nữa thì con người ta sẽ luôn phải gặp khó khăn thử thách. Đứng trước những khó khăn thử thách chông gai chúng ta phải biết vượt qua bằng chính nghị lực, sức mạnh với lòng tin tưởng của bản thân, như thế chúng ta mới thành công và hạnh phúc. Trong nhật kí Đặng Thùy Trâm có một câu nói: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
Cuộc đời của mỗi con người không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng cho chúng ta bước đi. Rồi sẽ có những lúc chúng ta trở nên bế tắc khỏi khó khăn của cuộc sống này. Chúng ta muốn trốn tránh tìm một lối thoát nhưng cứ mãi tìm cũng không ra lối thoát ấy. Chúng ta cứ phải nằm trong bánh xe thử thách của cuộc đời. Vậy tại sao chúng ta không đối mặt với nó? Tự bản thân mình vươn lên dù là trở ngại thế nào thì chúng ta cũng can đảm vượt qua, tôi chắc rằng bạn sẽ thành công bất cứ điều gì. Đúng với câu nói của Đặng Thùy Trâm “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Không phải ai cũng có được thành công và hạnh phúc cho riêng mình đều không làm gì cả. Chính họ những con người nhận thức được bản thân cần phải đối mặt bước tiếp về phía trước nên học mới được như thế. Định mệnh lắm khi buộc ta phải lùi bước, nhưng trước sự kháng cự mãnh liệt của con người chúng cũng sẽ bỏ cuộc. Vì vậy muốn chiến thắng số phận ta phải tấn công nó trước. Nếu chúng ta yếu hèn phó mặc cho số phận thì tôi tin rằng bạn sẽ mãi mãi đắm chìm dưới lòng đại dương bao la của đắng cay, đau khổ và gian nan mãi cũng không vùng lên được, bóng tối đáng sợ ấy sẽ dần dần ăn mòn con người bạn. Rồi đây bạn sẽ không biết cái gì là hạnh phúc, là yêu thương, đồng thời cũng chẳng biết đến cái vẻ đẹp thật sự của cuộc sống. Không chỉ như vậy từ cái hèn nhát không dám đối mặt với chính nó chúng ta sẽ càng hèn nhát hơn nữa. Cho nên câu nói của Đặng Thùy Trâm là một minh chứng khuyên con người chúng ta phải biết can đảm vươn lên đối đầu với giông tố, không được chịu thua nó và làm nô lệ cho nó suốt cuộc đời này. Chúng ta hãy biết làm chủ lấy bản thân, nhận thức về mình từ đó tìm cách giải quyết, không nên trốn tránh.
Trong thực tế cũng vậy câu nói của Đặng Thùy Trâm là một câu nói đầy triết lí nhân sinh: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Bạn có biết không? Cuộc sống này là muôn màu muôn vẻ. Khi chúng ta hạnh phúc mọi thứ đều êm đềm như làn nước. Thì bỗng từ đâu đó có một giông bão ùa kéo đến. Lúc ấy bạn không hiểu rằng thượng đế ngài ấy đang thử thách chúng ta. Bạn đường sợ bạn nhé! Hãy dũng cảm đi nào! Bởi vì nếu bạn vượt qua được nó thì có lẽ thượng đế của chúng ta sẽ ban tặng cho mình một món quà từ cuộc sống mà chúng ta không ngờ tới đấy. Chúng ta hãy dùng hết sức lực, sức mạnh trong con người chúng ta để làm hành trang đối đầu với going tố. Bạn hãy nhìn ngoài kia, xã hội của chúng ta đang có nhiều con người đang gặp khốn khổ nhưng họ đã không bỏ cuộc vì họ không muốn phó mặc cho số phận đẩy đưa vào bước đường cùng. Điển hình là những người mẹ, người cha trong cuộc sống. Có những bóng hình của người mẹ phải còng lưng để đi bán hàng rong nuôi con đi học. Những người cha phải đi xa ngoài biển khơi nguy hiểm để kiếm tiền nuôi gia đình. Chắc rằng mỗi một công việc của mẹ hoặc là cha của chúng ta đều có những khó khăn riêng. Thế nhưng học không bao giờ nản lòng. Luôn luôn biết vùng lên đấu tranh với số phận, khó khăn gian nan của mình. Đấy là ý chí kiên cường và nghị lực phi thường khiến cho giông tố đôi khi cũng phải chào thua và nhường bước cho họ đi. Song song cùng đó có những con người mang cho mình bệnh tật. Thế mà học vẫn sống vui vẻ, đối mặt với bất hạnh của mình đấy thôi! Còn chúng ta tại sao lại không được như họ nhỉ? Có phải chăng chúng ta rất hèn nhát và sợ sệt. Đôi khi đi trên đường ta bắt gặp nhiều con người ăn xin. Dù họ có tay chân làm việc nhưng họ trốn tránh chỉ biết nhờ người qua đường cho họ. Những ngời như thế rất đáng để lên án. Gần gũi nhất trong cuộc sống quanh ta là các bạn học sinh. Chỉ gặp chút khó khăn trong cuộc sống luôn sợ sệt, lười biếng trốn tránh, không biết vượt qua. Nhưng bên cạnh những bạn như thế ta lại thấy được những bạn học sinh biết vượt qua khó khăn mặc dù nghèo đói, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Mỗi một con người chúng ta nếu muốn có được món quà tuyệt vời của thượng đế ban tặng, chúng ta phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lực của mình.
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Trong xã hội hiện nay thật đáng chê trách những con người không biết vươn lên, chỉ biết dựa dẫm vào người khác, đôi khi còn ảnh hưởng đến những người xung quanh phải bận tâm. Chúng ta đừng làm như thế bạn nhé! Con người ai cũng phải trải qua những năm tháng khó khăn, thử thách nhưng dù vậy thì sao? Chúng ta phải biết vươn lên, đối mặt với kẻ thù ấy. Như thế chúng ta mới trưởng thành, mới rèn luyện được ý chí và bản thân chúng ta và dẫn đến con đường thành công.
Đừng bao giờ để bóng tối bao trùm lấy bạn. Giống như câu nói của Đặng Thùy Trâm nhắn nhủ chúng ta như một bài học về cuộc sống sâu sắc và triết lí. Chúng ta nên hiểu rằng, chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất. Cúi đầu trước giông tố có nghĩa bạn là kẻ thua cuộc và vô dụng.
Bài làm số 8
Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều kì diệu, mà đôi khi ta phải đánh đổi bằng chính bản thân mình, dám vượt qua những thử thách khó khăn, dũng cảm đối mặt để dành lại thành công cho chính mình. Đọc xong câu nói của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ta càng thêm cảm phục với câu nói của chị: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố.”
Cuộc sống là một chuỗi những bộn bề lo toan và suy tính. Hôm nay có thể là thành công may mắn, nhưng chắc gì ngày mai niềm vui ấy sẽ còn mãi như vậy. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bằng chính sự trải nghiệm của mình trong cuộc sống chiến tranh, đã cho ta thấy tầm quan trọng của lòng dũng cảm, dám vượt qua thử thách cuộc đời.
Câu nói ngắn gọn, nhưng nếu hiểu kĩ sẽ mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Từ “đời” được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, ở đây chỉ cuộc đời rộng lớn nói chung, và cũng để ám chỉ cuộc sống của riêng mỗi người. Đời người phải trải qua “giông tố” nhưng không được cúi đầu trước nó. Giông tố vừa mang ý nghĩa của hình ảnh của hiện tượng thiên nhiên dữ dội, vừa để chỉ những hoàn cảnh thử thách, những đau thương mất mát, những khó khăn thách thức nghiệt ngã trong cuộc sống mỗi con người, nếu hiểu rộng ra, đó còn để chỉ cuộc sống chung của cộng đồng, sự sống của dân tộc, nhân loại. Câu nói càng nhấn mạnh hơn, khi sử dụng hai từ “cúi đầu”, cuộc sống dù có phải trải qua muôn trùng khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không được giữ thái độ hèn nhát, sự cam chịu, khuất phục trước thử thách ấy. Một câu nói không chỉ mang nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc, mà còn nổi bật được khí thế, tâm thế của một người con gái gan dạ, quả cảm. Câu nói của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, suy cho cùng muốn nhấn mạnh tới cuộc đời con người có thể trải qua nhiều gian nan nhưng con người không được đầu hàng, khuất phục trước thử thách. Con người cần tập cho mình một bản lĩnh sống, có như vậy chúng ta mới có thể đạt được thành công, một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa.
Cuộc sống con người là như vậy, không phải nơi đâu cũng trải đầy hoa hồng, mà luôn có những thách thức vây hãm xung quanh. Cuộc sống dạy cho ta bài học trưởng thành, và chỉ khi nào ta dám dũng cảm đối mặt với khó khăn, ta mới có thể trưởng thành và thành công như mình mong đợi. Qua đó, dạy cho ta một bài học sống, phải tập cách vượt lên trên chính mình, sống có lý tưởng khát vọng hoài bão. Phê phán những ai có thái độ sống ươn hèn, thụ động, thiếu bản lĩnh và không có ý chí .
Đặng Thùy Trâm là một bác sĩ giỏi thời chiến, câu nói của chị vì thế càng mang nhiều tầm vóc lớn của một nhân cách cao đẹp. Qua đó vừa dạy cho ta bài học nhận thức, vừa giúp ta hiểu được cuộc sống của một thế hệ đã dũng cảm vượt qua bom đạn chiến đấu giữa sự sống và cái chết. Càng cho ta thêm nghị lực và quyết tâm đem lại cuộc sống tươi đẹp cho đất nước, tiếp bước cha anh.
Bài làm số 9
Cuộc đời của mỗi con người không phải ai cũng thuận buồm xuôi gió để bước đến thành công bởi trên con đường đó còn chứa rất nhiều những chông gai và thử thách. Thế nhưng điều quan trọng nhất là việc bạn vượt qua nó để hướng tới thành công như thế nào mà thôi. Trong quyển nhật kí Đặng Thùy Trâm chị từng viết : “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Nó như một lời đúc kết sâu sắc trong những năm tháng vô cùng cực khổ của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, để lại cho thế hệ sau những trăn trở lớn.
Cuộc sống của mỗi người không lúc nào là êm xuôi và bằng phẳng. Cũng như một nhà văn nào đó từng nói rằng “Con đường thành công không phải là con đường trải đầy hoa hồng”. Nếu nó quá bình dị thì sẽ chẳng ai biết được cảm giác của chiến thắng lại ngọt ngào và hạnh phúc đến thế. Để hiểu câu nói của Đặng Thùy Trâm trước hết ta cần phải hiểu thế nào là giông tố. “Giông tố” ở đây chính là những diễn biến thất thường của thời tiết, nó mang đến cho con người rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt. Thế nhưng đặt trong câu nói này giông tố còn được hiểu chính là những thử thách, những biến cố của cuộc sống mà con người sẽ gặp phải trong cuộc đời. “Cúi đầu” tức là việc con người phải thất bại trước nó, và gục ngã trước số phận. Câu nói của Đặng Thùy Trâm có ý nghĩa đó là Cuộc sống của mỗi người sẽ trải qua rất nhiều những khó khăn vất vả nhưng đừng bao giờ chúng ta chịu gục ngã trước nó, hãy đứng dậy và vươn mình bước tiếp về phía trước.
Bất kể chúng ta là ai, bất kể chúng ta đứng trên đỉnh vinh quang nào thì tôi dám cá rằng để chạm tay vào ánh hào quang chúng ta đã phải nỗ lực vượt qua một chặng đường rất dài và gian truân. Vinh quang mà chúng ta đạt được ngày hôm nay không chỉ có những giọt mồ hôi mà còn có cả máu và nước mắt của cá nhân và đồng đội mình. Trên thực tế cuộc sống, sẽ chẳng có gì dễ dàng đạt được nếu con người không chịu đánh đổi.
Thực tế lịch sử cho chúng ta một bài học đầy sâu sắc. Dân tộc ta đã trải qua chiều dài bốn ngàn năm lịch sử trong bốn ngàn năm đó chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu giông tố. Đó là những cuộc xâm chiếm của giặc ngoại xâm của bè lũ bán nước và cướp nước. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay khi chúng ta được hít thở một bầu không khí xã hội chủ nghĩa, đất nước không một bóng quân thù ta mới hiểu được giá trị của hai từ hạnh phúc. Đó chính là những năm tháng gian khổ cần lao của những người anh hùng như chị Đặng Thùy Trâm như là anh Nguyễn Văn Thạc cùng với rất nhiều những con người thầm lặng nữa. Và nếu như chúng ta cúi đầu trước những giông tố ấy liệu có được độc lập dân tộc hôm nay?
Trong thực tế đời sống mỗi người ai cũng sẽ phải trải qua những giông tố những khó khăn của cuộc sống. Đơn giản là những thất bại trong việc giải một bài toán, một bài văn là những lần khảo sát điểm thấp thế nhưng điều quan trọng nhất sau đó không phải là điểm số. Mà là chúng ta đã vượt qua nó như thế nào. Đứng lên ra sao và gặt hái thành quả như thế nào. Sẽ chẳng ai quan tâm đến việc chúng ta thất bại cả họ chỉ nhìn vào những gì mà con người đạt được mà thôi. Và nếu bạn không thể vượt lên chính mình thì có nghĩa là bạn đã hoàn toàn thua cuộc.
Có ai đó đã từng nói rằng chiến thắng ngọt ngào nhất không phải là khi ta đánh bại kẻ thù nào mà là ta đã chiến thắng chính bản thân mình. Có lẽ trong cuộc đời mỗi người bạn sẽ vấp phải khó khăn thử thách không chỉ là một lần thậm chí là rất nhiều lần. Nếu bạn chỉ biết ngủ vùi trong thất bại thì có nghĩa là bạn đang tự giam cầm chính cuộc đời mình. Chúng ta chỉ được phép đứng dậy và vượt qua nó một cách mạnh mẽ và bản lĩnh nhất. Như giáo sư Ngô Bảo Châu đã chiến thắng chính mình bằng niềm đam mê toán học, như nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven đã vượt lên hoàn cảnh bằng nghị lực phi thường và rất nhiều những tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Họ đã thất bại nhưng thất bại đó chính là bàn đạp để họ gặt hái được thành công một cách vang dội hơn.
Câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chứa đựng trong đó là rất nhiều suy ngẫm sâu sắc. Nhắc nhở những thế hệ đi sau hãy vững vàng tư tưởng để vươn đến những thành công. Chúng ta hãy tiếp bước những thế hệ đi trước để xây dựng đất nước ngày một văn minh và giàu đẹp hơn.