Bài văn mẫu lớp 6: Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng, Bài văn mẫu lớp 6: Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng được Tài Liệu Học Thi sưu tầm, tổng hợp giúp các em
Bài văn mẫu lớp 6: Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng là tài liệu cực kì hữu ích mà Tài Liệu Học Thi muốn giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 6 cùng tham khảo.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Xem Tắt
Dàn ý kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng
A. Mở bài
– Giới thiệu truyền thuyết “Thánh Gióng”.
B. Thân bài (Diễn biến sự việc)
– Mở đầu
– Đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng …
– Thắt nút – Giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta.
– Phát triển
– Nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước.
– Đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con người sắt và một tấm áo giáp sắt”.
– Mở nút
– Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng nhiên biến thành tráng sĩ.
– Kết thúc
– Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ.
C. Kết bài
– Ý nghĩa câu chuyện: Tinh thần đoàn kết chống giặc cứu nước.
Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng – Mẫu 1
Chuyện xưa kể rằng, vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng. Gióng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là nhân hậu, phúc đức, nhưng họ buồn vì tuổi đã cao mà chưa có được mụn con nối dõi tông đường.
Một hôm, bà vợ ra đồng, bỗng nhìn thấy một vết chân to lạ thường. Tò mò, bà đặt chân mình vào ướm thử. Không ngờ bà thụ thai và sau mười hai tháng sinh hạ được một cậu con trai bụ bẫm, khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm, thầm cảm ơn Trời Phật đã ban phúc cho gia đình họ. Nhưng khổ thay ! Đứa bé đã lên ba mà vẫn không biết đi, không biết nói, không biết cười, cứ đặt đâu nằm đấy.
Lúc bấy giờ, giặc Ân lăm le xâm chiếm nước ta. Thế giặc rất mạnh. Nhà vua lo sợ bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng rao của sứ giả, cậu bé đang nằm ngửa trên chiếc chõng tre chợt cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây!”. Bà mẹ ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Sứ giả vào, cậu bé bảo: “Ông về tâu với vua cấp cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.
Sứ giả vô cùng kinh ngạc và mừng rỡ vội về tâu vua. Nhà vua ra lệnh triệu tập những thợ rèn giỏi trong cả nước, ngày đêm làm gấp những thứ chú bé dặn.
Điều kỳ lạ nữa là sau khi gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không đủ no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Cha mẹ cậu làm lụng quần quật vẫn không kiếm đủ gạo để nuôi con. Thấy vậy, dân làng vui lòng xúm vào góp gạo nuôi cậu bé. Ai cũng mong cậu giết giặc, cứu nước.
Giặc Ân đã tràn đến núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người lo lắng. Vừa lúc đó sứ giả mang giáp sắt, roi sắt và ngựa sắt tới. Cậu bé bỗng vùng dậy, vươn vai một cái biến thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, tay cầm roi sắt, cưỡi lên mình ngựa sắt. Chàng thúc vào mông ngựa, ngựa sắt hí vang, phun lửa và phi nhanh ra chiến trường. Với chiếc roi sắt trong tay, tráng sĩ vung lên, quật tơi bời vào quân giặc. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ cụm tre bên đường đánh tiếp. Giặc hoảng loạn giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết như ngả rạ. Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ phi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Giặc tan, muôn dân được sống yên bình. Nhà vua ghi nhớ công lao của tráng sĩ, phong cho tước hiệu Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ.
Từ bấy đến nay, hằng năm cứ đến tháng tư là làng mở hội Gióng. Dân chúng khắp nơi nô nức kéo đến dự hội và tưởng niệm, tri ơn người anh hùng cứu nước. Dấu ấn trận đánh ác liệt năm xưa còn để lại trong màu vàng óng của những bụi tre đằng ngà, tục truyền là bị cháy do ngựa sắt phun lửa. Những dãy hồ ao liên tiếp chính là vết ngựa chiến thuở nào và tương truyền rằng, khi ngựa thét ra lửa đã thiêu rụi cả một làng, đó là làng Cháy.
Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng – Mẫu 2
Vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức, nhưng lại không có con. Họ buồn lắm. Một hôm, bà lão ra đồng thấy một vết chân to khác thường. Thấy lạ, bà lão đặt bàn chân mình vào để ước chừng bàn chân mình nhỏ hơn bao nhiêu. Thấm thoát thời gian trôi đi, bà lão có thai, rồi mười hai tháng sau bà sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú. Hai vợ chồng già mừng lắm. Nhưng lạ thay, đứa bé đã lên ba mà không biết nói, không biết cười, không biết đi, đặt đâu thì nằm đấy. Vợ chồng ông lão đâm lo?
Bấy giờ giặc Ân thế mạnh như chẻ tre tràn vào xâm lược nước ta. Nhà vua túng thế, bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng loa của sứ giả, bỗng cựa mình và cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả lấy làm kinh ngạc và cũng tỏ ý vui mừng, vội về tâu với vua. Nhà vua chấp nhận và sai người ngày đêm làm đủ những vật mà chú bé yêu cầu.
Từ hôm gặp sứ giả, chú bé bỗng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn không biết no, áo vừa mới mặc đã chật. Hai vợ chồng làm lụng cực nhọc mà không đủ nuôi con. Bà con xóm làng thấy thế, bèn xúm vào kẻ ít người nhiều nuôi chú bé.
Giặc Ân đã đến chân núi Trâu, tình thế đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Ai nấy đều lo lắng, sợ sệt. Vừa lúc, sứ giả mang đủ các thứ mà chú bé đã dặn. Chú bé vươn vai, trong phút chốc đã trở thành tráng sĩ thật oai phong, thật lẫm liệt. Tráng sĩ vỗ mạnh vào mông ngựa sắt, ngựa hí vang dội cả một vùng. Tráng sĩ mặc áo giáp cầm roi sắt nhảy lên lưng ngựa. Ngựa phi nước đại, phun lữa xông thẳng vào quân giặc hết lớp này đến lớp khác. Bỗng roi sắt bị gãy, tráng sĩ liền nhổ những bụi tre ven đường quất vào quân giặc. Thế giặc hỗn loạn, tan vỡ. Đám tàn quân dẫm đạp lên nhau mà tháo chạy. Tráng sĩ đuổi quân giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn) thì dừng lại, rồi một mình, một ngựa lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt để lại ngựa sắt và tráng sĩ bay lên trời.
Để tưởng nhớ người tướng sĩ có công đánh tan giặc Ân xâm lược. Nhà vua phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.
Hiện nay vẫn còn dấu tích đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Hàng năm, đến tháng tư là làng mở hội tưng bừng để tưởng nhớ người tráng sĩ Thánh Gióng. Và để ngắm nhìn những dấu tích mà tráng sĩ và ngựa sắt đã đánh tan giặc Ân, đó là tre đằng ngà, những ao hồ liên tiếp…
Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng – Mẫu 3
Dưới thời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão hiền lành mà chưa có đứa con nào để nối dõi. Một hôm, bà lão ra đồng ướm thử bàn chân mình lên những vết chân lạ, về nhà mang thai đến mười hai tháng mới sinh hạ một đứa con trai khôi ngô. Nuôi đến ba tuổi, đứa bé vẫn nằm một chỗ, chưa biết đi đứng, cười nói.
Gặp lúc giặc Ân quấy nhiễu, vua sai sứ giả đi rao khắp nơi tìm bậc hiền tài ra đánh giặc cứu dân. Nghe tin, cậu bé làng Gióng bỗng bật lên tiếng nói nhờ mẹ mời sứ giả vào. Cậu yêu cầu sứ giả xin vua đúc cho ngựa sắt, roi sắt áo giáp sắt để mình dẹp tan giặc dữ. Từ đó, cậu lớn nhanh, ăn mạnh đến nỗi dân làng phải rủ nhau góp cơm gạo đến giúp.
Nhận được đủ lễ vua ban, cậu bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai nghi lẫm liệt. Nai nịt xong, chàng lên ngựa, vung roi vun vút. Ngựa phun lửa xong thẳng vào đội hình giặc khiến chúng ngã chết như rạ.
Roi gãy, tráng sĩ nhổ những bụi tre bên đường. Quân giặc thua to, tan vỡ cả, đám sống sót tìm đường lẫn trốn. Tráng sĩ đuổi theo đến chân núi Sóc, cởi áo giáp bỏ lại, cả người lẫn ngựa bay vút lên trời.
Vua Hùng nhớ ơn phong làm Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà. Từ đó hàng năm vào tháng tư, ở đây hội Gióng được mở ra tưng bừng, nô nức, thu hút người khắp nơi về tham dự.
Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng – Mẫu 4
Từ thuở còn trong nôi, em đã được bà kể cho nghe nhiều câu chuyện lắm. Nhưng câu chuyện mà em nhớ nhất là truyện Thánh Gióng.
Truyện kể rằng: Đời Hùng Vương thứ sáu, ở một làng kia có hai vợ chồng ông lão, chăm chỉ làm ăn lại có tiếng là phúc đức. Nhưng đến lúc sắp già mà vẫn chứa có nấy một mụn con. Một ngày kia bà vợ ra đồng trông thấy một bước chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà mang thai. Nhưng không ngờ, khác với người thường, đến mười hai tháng sau bà mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô. Cậu bé ra đời là niềm mơ ước cả đời của hai vợ chồng nên ông bà mừng lắm. Nhưng chẳng biết làm sao, dù đã ba tuổi nhưng cậu bé Gióng (tên cậu do ông bà đặt) vẫn chẳng biết nói, biết cười, cứ đặt đâu nằm đó. Ông bà buồn lắm.
Cũng năm ấy, giặc Ân sang xâm lược bờ cõi nước ta. Chúng gây bao nhiêu tội ác khiến dân chúng vô cùng khổ sở. Thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp nước cầu hiền tài. Đi đến đâu sứ giả cũng rao:
– Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước.
Nghe tiếng rao, cậu Gióng đang nằm trên giường bèn cất tiếng:
– Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.
(Ngày xưa khi để cho em nghe đến chỗ này, bao giờ bà cũng thêm vào: Tiếng nói đầu tiên của cậu Gióng là tiếng nói yêu nước đấy. Phải nhớ lấy cháu ạ!)
– Nghe tiếng con, vợ chồng lão nông dân thấy lạ đành mời sứ giả vào nhà. Cậu Gióng liền yêu cầu sứ giả về chuẩn bị ngay: roi sắt, ngựa sắt, áo giáp sắt để cậu đi phá giặc.
Càng lạ hơn, từ lúc cậu Gióng gặp sứ giả, cậu cứ lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cậu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Vợ chồng ông bà nọ đem hết gạo ra nuôi mà không đủ bèn nhờ hàng xóm cùng nuôi cậu Gióng. Trong làng ai cũng mong cậu đi giết giặc cứu nước nên chẳng nề hà gì.
Giặc đã đến sát chân núi Trâu. Người người hoảng sợ. Cũng may đúng lúc đó, sứ giả mang những thứ cậu Gióng đã đề nghị đến nơi. Cậu bèn vươn vai đứng dậy như một tráng sỹ, khoác vào áo giáp, cầm roi rồi nhảy lên ngựa phi thẳng tới trận tiền. Bằng sức mạnh như cả ngàn người cộng lại, chẳng mấy chốc cậu đã khiến lũ giặc kinh hồn bạt vía. Đang đánh nhau ác liệt thì roi sắt gãy, cậu bèn nhổ ngay từng bụi tre ở bên đường quật vào lũ giặc. Quân giặc bỏ chạy toán loạn nhưng rồi cũng bị tiêu diệt không sót một tên.
Dẹp giặc xong, cậu Gióng không quay về kinh để nhận công ban thưởng mà thúc ngựa đến núi Sóc, bỏ lại áo giáp sắt, một người một ngựa bay thẳng về trời. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu trụi một làng nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau.
Câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng đã không chỉ còn là niềm yêu thích của riêng em, mà nó đã là niềm say mê của bao thế hệ học trò.
Kể diễn cảm truyền thuyết Thánh Gióng – Mẫu 5
Đó là vào thời Vua Hùng thứ sáu. Đất nước thật thanh bình, mọi người đều hưởng ấm no hạnh phúc. Thế nhưng vợ chồng già chúng tôi chứ cui cút trong gian nhà tranh vắng tiếng trẻ con. Một hôm, tôi đi ra đồng thấy một dấu chân khác lạ. Phần thì tò mò, phần thì vừa thấy thần báo mộng trong đêm, tôi đặt chân ướm thử. Không ngờ về nhà thụ thai.
Chờ hết chín tháng mười ngày vẫn chưa sanh, ông nhà tôi lo quá. Nhưng đến tháng mười hai thì vợ chồng tôi đã có con. Chao ôi, một đứa bé mặt mũi khôi nhô như một tiên đồng. Chúng tôi mừng lắm. Nhưng chăm chút hoài mà thằng bé vẫn cứ như lúc lọt lòng. Đã ba năm tuổi mà nó không biết đi, không biết nói, biết cười.
Rồi một hôm loa sứ giả truyền tin giặc Ân đã đến xâm phạm bờ cõi, vua Hùng đang kén chọn người tài giỏi ra công giết giặc. Thằng bé nhà tôi bỗng níu tay áo, và nó cất tiếng: “Mẹ ơi, mẹ ra mời sứ giả vô đây cho con”. Hai vợ chồng tôi bàng hoàng nhìn nhau, tôi vội chạy ra mời sứ giả vào nhà. Thằng bé mắt long lanh và nói sang sảng như phán truyền: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, áo giáp sắt, ta sẽ phá tan giặc!”. Sứ giả sửng sốt rồi kính cẩn chào chúng tôi ra về. Tôi và chồng tôi chạy lại ôm con mà mừng khôn xiết. Từ đó thằng bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã đứt chỉ. Bà con lối xóm biết chuyện họ rất phấn khởi ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho thằng bé rất chu đáo. Ai cũng hi vọng Gióng sớm ra giết giặc trừ họa cho mọi người.
Giặc đã đến chân núi Châu Sơn. Mọi người hoảng hốt nhìn Gióng như cầu cứu. Cũng may nhà vua đã cho đưa đến con ngựa sắt, áo giáp sắt và roi sắt. Thằng bé bỗng đứng dậy vươn vai một cái, nó to lớn và mạnh mẽ khác thường. Nó mặc giáp sắt, cầm roi sắt và leo lên ngựa sắt. Nó vỗ vào mông ngựa, ngựa hét vang phun một luồng bão lửa về phía trước. Trông thằng Gióng giờ đây oai phong lẫm liệt như tướng nhà Trời. Nó khẽ gật đầu chào mọi người rồi phi như bay ra nơi có giặc.
Nghe mấy người đi theo Gióng, cùng Gióng giết giặc kể lại thì nó đã cầm roi sắt tả xung hữu đột vào giặc chết như rạ. Đang xông xáo như vậy thì roi sắt va vào núi và bị gãy. Gióng nhà tôi mới nhổ bụi tre bên đường quật một đám tan quân còn lại. Nó truy đuổi giặc đến núi Minh Sóc và tại đây có cởi áo giáp sắt để ngay ngắn trên tảng đá rồi cùng ngựa sắt bay về Trời.
Mọi người đã lập đền thơ ngay trong làng. Và vua Hùng cũng phong cho tôi là Phù Đổng Thiên Vương.
Nghe nói ở Gia Bình có những bụi tre đằng ngà màu vàng óng. Chính ngựa Gióng đã phun lửa mà nó cháy sém như vậy đấy.
Và bà con có biết không? Những ao hồ chi chít ở địa phương ta là dấu chân của con ngựa sắt ghê gớm mà Gióng cưỡi đấy. Tôi cũng muốn lưu ý mọi người cái làng Cháy hiện nay sở dĩ có tên gọi như vậy là do ngựa Gióng phun lựa và đốt trụi cả một làng. Cũng may là bà con đã chạy giặc hết rồi không thì thật là thảm họa.
Vợ chồng ta rất tự hào vì đã có một đứa con dũng cảm giết giặc bảo vệ cuộc sống ấm no cho mọi người. Chúng tôi thật tự hào bởi mỗi lúc ra đường mọi người đều kính nể và nói: “Hai người ấy là cha mẹ của Phù Đổng Thiên Vương đó”. Đó bà con hãy chờ coi, thằng Gióng nhà tôi trước lúc bay về trời có nhắm rằng khi nào cha mẹ già yếu nó sẽ trở lại chăm sóc chúng tôi. Chúng tôi đang chờ và cái ngày ấy rồi sẽ đến thôi phải không bà con?