Văn mẫu lớp 9: Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, Văn mẫu lớp 9: Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều gồm dàn ý, cùng 3 bài văn mẫu, giúp các
Văn mẫu lớp 9: Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều gồm dàn ý, cùng 3 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du.
Xem Tắt
Dàn ý Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều
1, Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm: Truyện Kiều là một áng văn chứa nhiều giá trị, lưu truyền muôn đời.
– Giới thiệu về nghệ thuật miêu tả nhân vật: nghệ thuật miêu tả nhân vật là một trong những điểm sáng. Qua những đoạn trích được học trong chương trình văn 9 kì 1 như “Chị em Thúy Kiều”, “Cảnh ngày xuân”, “Mã Giám Sinh mua Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã phần nào chứng minh điều đó.
2, Thân bài:
a, Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật:
* Thủ pháp ước lệ tượng trưng: Đây là thủ pháp miêu tả được sử dụng trong văn học Trung đại, lấy vẻ đẹp thiên nhiên tả vẻ đẹp con người. Thiên nhiên là trung tâm, là chuẩn mực của cái đẹp.
– Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”: Giới thiệu chị em Thúy Kiều: “đầu lòng hai ả tố nga”, “mai cốt cách tuyết tinh thần” – mĩ từ ca ngợi 2 cô gái đẹp người đẹp nết.
+ Tả Thúy Vân: dùng hình ảnh mây, tuyết, hoa, ngọc để nói về vẻ đẹp trong sáng, hiền hậu, đoan trang của Vân.
+ Tả Thúy Kiều: dùng hình ảnh “làn thu thủy, nét xuân sơn” để tả vẻ đẹp đôi mắt của Kiều, ca ngợi tài năng của Kiều “vốn tính trời”, “nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương”.
– Trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”, tác giả dùng hình ảnh hoa để tả Kiều: “lệ hoa mấy hàng”, “Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”, vừa tả người đẹp, vừa thể hiện nỗi tủi nhục khi phải bán mình chuộc cha.
– Trong đoạn trích Cảnh ngày xuân”: Tả nam thanh nữ tú đi hội đạp thanh là “yến anh”, “tài tử”, “giai nhân”, vẻ đẹp của con người hòa với cảnh sắc thiên nhiên, khiến thiên nhiên thêm sinh động.
⇒ Nhận xét:
– Về ngôn ngữ: tác giả sử dụng ngôn từ trang trọng, mĩ miều, hình ảnh tươi đẹp, trong sáng.
– Hình ảnh: lựa chọn những hình ảnh đẹp trong tự nhiên.
– Qua miêu tả thấy được tuyến nhân vật chính diện, cho thấy tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của tác giả đối với nhân vật.
* Thủ pháp tả thực: tả Mã Giám Sinh.
– Giới thiệu nhân vật: “Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh/ Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
– Ngoại hình, tuổi tác: “Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”.
– Cho thấy phẩm chất con người qua một chuỗi hành động:
+ Không có tôn ti trật tự, con người không có giáo dục: “Trước thầy sau tớ lao xao”, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”.
+ Bản chất chợ búa, con buôn: “Đắn đo cân sắc cân tài” bắt Kiều đàn hát, làm thơ để xem tài, sau khi ưng ý mới “tùy cơ dặt dìu” hỏi giá, tiếp tục “Cò kè bớt một thêm hai”, coi Kiều như một món hàng và trả giá bốn trăm lượng.
⇒ Nhận xét:
– Tác giả sử dụng ngôn từ tả thực, chỉ dùng 2 câu để tả ngoại hình nhân vật, còn lại tả hành động để cho thấy bản chất con người nhân vật Mã Giám Sinh; sử dụng nhiều tính từ như “lao xao”, “sỗ sàng”, đặc biệt động từ “tót” cho thấy một hành động vô phép tắc, dáng ngồi xấu xí.
– Qua miêu tả thấy được nhân vật phản diện, thể hiện sự khinh ghét của tác giả
b, Nghệ thuật miêu nội tâm nhân vật: qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
* Thủ pháp tả cảnh ngụ tình
– Cảnh vật được nhìn qua con mắt của kẻ đang đau buồn như Thúy Kiều tràn ngập 1 màu ảm đạm, u ám, cô liêu: 8 câu thơ cuối bài, cảnh vật được nhìn bằng sự cô đơn, sợ hãi của Kiều, tác giả miêu tả tâm trạng Kiều thông qua những hình ảnh thiên nhiên như thuyền, cánh hoa trôi trên dòng nước, gió thét, sóng gào.
* Thủ pháp độc thoại nội tâm
– Tác giả tả tâm trạng nhớ thương của Kiều với Kim Trọng, với cha mẹ thông qua 8 câu độc thoại nội tâm của Kiều, từ nhớ thương người yêu đến thương xót cho phẩm hạnh, cho mối tình của hai người; từ lo lắng cho cha mẹ đến xót xa đau buồn nghĩ mình khó quay về gặp cha mẹ nữa.
c, Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nhân vật:
– Dùng cách gián tiếp để miêu tả nhân vật chính diện: dùng thiên nhiên tả vẻ đẹp, dùng thiên nhiên tả nội tâm; giọng thơ nhẹ nhàng, trang trọng, ưu ái, thương xót.
– Dùng cách trực tiếp để tả nhân vật phản diện: tả trực tiếp ngoại hình, tính cách, hành động, không sử dụng hình ảnh thiên nhiên trong miêu tả; giọng thơ thể hiện thái độ tức giận, khinh ghét.
– Qua miêu tả dự đoán trước số phận nhân vật.
3, Kết bài:
– Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du qua 1 vài đoạn trích đã được học: kết hợp miêu tả với thể hiện tình cảm bản thân, sử dụng những thủ pháp nghệ thuật truyền thống xen với cảm hứng nhân đạo mới.
– Cho thấy tài năng của Nguyễn Du.
Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều – Mẫu 1
Xanh Bơ-vơ đã nói, đại ý: nếu chọn nhà văn tiêu biểu cho từng nước, nước Anh sẽ không ngần ngại chọn Secxpia, nước Pháp – Môlie và nước Đức – Gớt. Còn tôi, nếu có quyền được chọn, tôi sẽ không đắn đo nêu tên Nguyễn Du cùng kiệt tác Đoạn trường tân thanh. Đó là một trong những đỉnh cao chói ngời của nền văn học Việt Nam, nền văn học thế giới, làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm này có nhiều nguyên nhân song một điều không ai có thể phủ nhận là tài nghệ miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật sắc sảo đến mức các nhà viết tiểu thuyết hiện đại cũng khó lòng theo kịp Nguyễn Du.
Trước hết nói về nghệ thuật miêu tả của cụ Tiên Điền vì ngoại hình một con người bao giờ cũng là cái đập vào mắt, đến với nhận thức chúng ta đầu tiên. Một điều rất dễ nhận thấy là sự khác biệt trong cách miêu tả nhân vật chính điện và nhân vật phản diện của Nguyễn Du. Trong quan niệm của Tố Như, một con người cũng như bao nho sĩ đương thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, các nhân vật mang trong mình đỉnh cao của chân, thiện, mỹ đều được khắc họa bằng hàng loạt điển cố với bút pháp ước lệ. Với chị em Kiều là “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, Kim Trọng phải là :
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ phai màu áo nhuộm non da trời
Còn Từ Hải, người anh hùng cái thế ? Ta lại bắt gặp “Râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, những tiêu chuẩn, những kích thước điển hình của một trang hảo hán. Ngược lại, ở những nhân vật phản diện, bút pháp của Nguyễn Du lại rất thực tế, sinh động đến mức trần trụi. Mã Giám Sinh là con buôn và cũng là gã trai lơ, hẳn cần vẻ ngoài chải chuốt, diêm dúa ư ? Thì đây “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Còn Sở Khanh, kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, Nguyễn Du khoác cho nó cái “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” để đi quyến rũ những “cành phù dung”. Tuy khác nhau đó nhưng Nguyễn Du vẫn khắc họa rất điển hình, chọn lọc chi tiết đến mức gắt gao để làm nổi bật lên dáng vẻ của từng hạng người, Tú Bà, mụ “gái làng chơi đã về già hết duyên”, để lại, không sao xóa nổi nước da “nhờn nhợt” xanh bủng beo của mụ. Và Tú Bà, chủ nhà chứa, quen “ăn gì” nếu không phải là những đồng tiền nhầy nhụa, ăn chơi của chị em những đêm tiếp khách, ních chặt căng đến “đẫy đà làm sao”. Hoạn Bà là một tể tướng phu nhân được Nguyễn Du thắp sáp cho mụ, biến mụ thành một pho tượng bệ vệ, quăng bịch xuống cái “giường thất bảo”giữa cái nhà “ban ngày sáp thắp” kia.
Đặc biệt, làm cho bạn đọc bao thế hệ không ngớt khâm phục là cái tài tả người mà dường như dự báo cho cả cuộc đời nhân vật ở Nguyễn Du. Khi tả Thúy Vân :
Khuôn trang đầy đặn, nét ngài nở nang
…..
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Và khi tả Thúy Kiều đẹp đến mức “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, Nguyễn Du đều có dụng ý cả. Trên thì “thua” “nhường”, sắc trung chỉ hiền, dưới lại “ghen”, “hờn” sắc trung chỉ thánh, tả sắc mà đến bậc thánh hiền thỉ quả là Nguyễn Du đã khổ tâm hun đúc, chọn chữ để tả ra cho rành. Ai đã nhận xét như vậy, quả là chí lý. Chẳng trách sau này, khi cảnh nhà nguy biến, trong khi Kiều “Dầu trong trăng đĩa lệ tràn thắm khăn” bởi “nỗi mình”, “nỗi nhà” thì Vân vẫn ngon lành giấc xuân, trong khi Kiều lênh đênh trong bể đoạn trường thì Vân vãn đề huề sống cùng Kim Trọng. Tả người mà đến mức đó hỏi ai hơn được Nguyễn Du ?
“Văn” đông càng lắc càng đầy ! Đi sang góc độ khắc họa tính cách nhân vật mới thấy hết “tay tiên” của Nguyễn Du “gió táp mưa sa” đến mức nào. Đi vào tính cách, vào nội tâm con người đâu phải chuyện đơn giản nhưng Nguyễn Du đã vượt qua thử thách đó tưởng chừng rất nhẹ nhàng, đơn giản.
Tả tính cách mà giới thiệu thẳng như khi tả Hoạn Thư:
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Không nói làm gì, và nếu chỉ có thế thì Truyện Kiều cũng không còn sống được với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy cùng khám phá cội nguồn làm cho văn Kiều còn dào dạt tuôn chảy đến muôn đời.
Trước hết mượn ngay bút pháp miêu tả Nguyễn Du đã khắc họa rất thành công tính cách nhân vật. Nhà phê bình Xuân Diệu đã từng rất tâm đắc với chữ “thốt” trong bức chân dung nàng Vân
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Quả nếu thay “thốt” bằng “nói” thì thành ra Vân cười cười nói nói suốt ngày, còn đâu vẻ “đoan trang” nữa. Còn “thốt” là thỉnh thoảng mới nói, đúng lúc đó. Có thế mới thấy cái dụng công tột bực của cụ Tiên Điền. Còn Sở Khanh, đàn ông mà “hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”. Mã giám Sinh, đấng mày râu gì mà “mày râu nhẵn nhụi”. Theo cái nhẵn nhụi ấy, theo cái chải chuốt của lụa là mà cũng tuột luôn đi mất cái tính cách của “đấng trượng phu”, chỉ còn lại một gã lái buôn, một kẻ bạc tình.
Cũng chỉ cần vài hành động điển hình thôi, Nguyễn Du cũng đã giúp người đọc đi guốc vào tim gan nhân vật. Với hành động đầy mờ ám : “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, có khó gì không đoán được tâm địa phản trắc đầy âm mưu đen tối của Sở Khanh. Còn Kiều, nếu có đi theo hắn cũng chỉ là “cũng liều nhắm mắt đưa chân” trong cơn tuyệt vọng cùng cực của cô tiểu thư lá ngọc cành vàng thoắt bị xã hội vứt xuống bùn đen mà thôi. Rõ nhất là ở Từ Hải. Dường như sự xuất hiện của con người này luôn luôn đột ngột, bất ngờ :
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi
Sau này, trong lời kể của viện lại họ Đô về Từ Hải cho chàng Kim, ông cũng dùng từ “bỗng”. Từ Hải là thế đó ! Chàng đến, chàng đi đột ngột như cơn gió lốc, quét hết mọi dơ bẩn, đưa lại hạnh phúc cho con người. Chàng như ánh sao băng vụt lóe sáng, xé rách màn đêm đột ngột, đầy ngỡ ngàng, ấm áp, hân hoan. “Bỗng đâu”văn Truyện Kiều bừng sáng sau bao nhiêu “cung gió thảm mưa sầu”.
Ngôn ngữ cũng được Nguyễn Du tận dụng tối đa để làm bật lên tính cách nhân vật. Chỉ đọc những dòng “ghi âm” lời Hoạn Thư :
Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Cũng phải sởn gai ốc vì cái giọng đay nghiến như muốn gí đầu người ta xuống , róc thịt người ta ra của mụ. Và giọng lưỡi Tú Bà :
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma.
Những bài học vỡ lòng trong làng chơi được mụ truyền cho Kiều đã khiến Xuân Diệu cảm thấy mụ chỉ nói trong mấy phút mà bọt mép của mụ văng đến nghìn năm”. Có lẽ, đối với những con “sư tử Hà Đông” đó thì ngôn ngữ lại là cây bút rất tốt để vẽ lên tâm địa của chúng. Và Nguyễn Du đã rất thành công.
Một phương pháp điển hình trong nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật, một bút pháp quen thuộc của các nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình. Kiều là nhân vật được khắc họa đạt nhất bằng bút pháp đó. Nàng là con gái, là phụ nữ. Không gì điển hình hơn khi đặt Kiều trong thế đối lập với lễ giáo phong kiến trước tình yêu chớm nở với Kim Trọng. Lễ giáo phong kiến nghiêm khắc và nghiệt ngã, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nhưng Kiều vẫn chủ động đến với Kim Trọng: ‘Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, đêm về vẫn mơ tưởng:
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
Cách xử thế ấy đã làm bao nhà nho xưa chau mày, bặm môi, và ngay cả đến bây giờ cũng chưa hết khiến chúng ta bàng hoàng. Cũng phải đặt con người “hiếu trọng tình thâm” ấy giữa một bên là cha và em đang chịu cảnh “giường cao rút ngược dây oan” với một bên là mối tình đầu chớm nở mới thấy hết giá trị, sức nặng của câu nói đầy nước mặt: “Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha” của Kiều, mới thấy hết hiếu nghĩa ở người con. Đây cũng là con người sống có trước có sau. Làm sao quên được hình ảnh “Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi”? Khi có quyền hành trong tay, Kiều bỏ ra bao bạc vàng, lụa là đền ơn và kiên quyết tuyên án gia hình “những phường bạc án tinh ma” đã đẩy nàng xuống bùn đen. Chưa bao giờ Kiều hiện lên sắt đá, quyết định đến thế. Thật là con người tình, hiếu, nghĩa vẹn toàn. Đặc biệt tuy là một người anh hùng những là con người biết rung động trước cái đẹp của người phụ nữ yếu ớt. Không gì hơn khi đặt chàng trong cuộc gặp gỡ với Kiều nơi lầu xanh chứ không phải trong cuộc chiến đấu, nơi trận tiền để khắc họa tấm lòng cao quý của người anh hùng ấy. Đó là cái độc đáo, và cũng là sáng tạo rất thành công của Nguyễn Du.
Điều làm ta ngỡ ngàng nhất là “bút pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn”, theo cách gọi của Phan Ngọc, Nguyễn Du. Nhân vật của ông hiện lên theo cách rất người. Trong Truyện Kiều, còn ai được ông yêu thương hơn Thúy Kiều và Từ Hải. Thế nhưng Nguyễn Du vẫn làm chủ được ngòi bút của mình. Cái gì phải đến nó sẽ đến. Con người bao giờ cũng là con người với tất cả cái mạnh, yếu của mình. Đến một lúc nào đó, nàng Kiều sau bao nhiêu “gió dập sóng va” sẽ phải mệt mỏi, hãi hùng, phải “xiêu” trước “lễ nhiều nói ngọt”, trước bả vinh hoa mà Hồ Tôn Hiến đưa ra để khuyên Từ Hải hàng. Và Từ Hải, con người hùng ấy, trước kia đã từng xiêu trước “tấm lòng nhi nữ”, giờ nghe vợ tỉ tê tha thiết đến thế cũng phải lơi lỏng việc quân và cuối cùng ra hàng là điều dễ hiểu. Chúng ta chẳng trách họ, con người chứ có phải gỗ đá đâu. Và ta càng thêm phục Nguyễn Du.
Có người khi nhận xét bức tranh vẽ ngựa nói: “Từ khi có con ngựa ấy trên đời không còn gì đáng gọi là ngựa nữa”. Cũng có thể nói, từ khi các nhân vật Truyện Kiều ra đời, nó mang tính điển hình đến nỗi hễ nói đến chàng bạc tình là nói “Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào” và “Máu ghen Hoạn Thư” cũng trở thành thành ngữ cố định. Thế mới biết tài Nguyễn Du.
Mặt khen nét bút càng nhìn càng tươi
Nét bút Nguyễn Du, nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du sẽ làm cho Truyện Kiều sống mãi.
Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều – Mẫu 2
Nếu như ai đã từng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ đều tâm phục nghệ thuật dẫn truyện tài tình, cách sử dụng ngôn ngữ bác học và bình dân một cách linh hoạt, điêu luyện và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật thật độc đáo và gần với đời sống. Nói về nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có ý kiến cho rằng: “Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã rất tài tình trong việc khắc hoạ nhân vật. Nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài, với ông, tả ngoại hình là để giúp cho người đọc hình dung rõ hơn bản chất, tính cách bên trong của nhân vật”.
Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật của mình tập trung ở hai dạng chính theo quan điểm truyền thống là : nhân vật phản diện và nhân vật chính diện. Nếu ở nhân vật chính diện, tác giả thường sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, xây dựng nhân theo lối lí tưởng hoá thì ở nhân vật phản diện, tác giả thường sử dụng bút pháp tả thực để khắc hoạ. Dù miêu tả nhân vật ở khía cạnh nào, thì ngòi bút của ông cũng đạt đến trình độ bậc thầy về ngôn ngữ, bởi nhân vật hiện lên rất sống động và chân thực.
Về nhân vật chính diện, khi miêu tả Thuý Vân, Thuý Kiều tác giả đã sử dụng bút pháp ước lệ, hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, thủ pháp tiểu đối để gợi tả vẻ đẹp chung của hai nàng. Hai nàng có dáng vẻ mảnh mai thanh tao như cây mai “Mai cốt cách”, tâm hồn trong trắng, ngây thơ như tuyết “Tuyết tinh thần”. Vẻ đẹp của hai nàng đã đạt đến độ tròn trịa, hoàn mĩ “mười phân vẹn mười”. Nhưng mỗi người lại mang một nét đẹp riêng không giống nhau là “mỗi người một vẻ”. Chân dung Thuý Vân được nhà văn Nguyễn Du miêu tả là một người con gái có vẻ đẹp hài hòa, cân đối :
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
Hai chữ “trang trọng” nói nên vẻ đẹp cao sang, quý phái khác thường của nàng. Vẻ đẹp trong sáng, quý phái ấy được Nguyễn Du so sánh với những hình tượng đẹp nhất của thiên nhiên như trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết. Nàng có khuôn mặt dày đặn, tròn trịa như mặt trăng, đôi lông mày sắc nét, miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc, làn da trắng mịn hơn tuyết, mái tóc óng ả hơn mây. Nàng mang một vẻ đẹp trong sáng, phúc hậu, hài hòa khiến thiên nhiên phải “nhường”, “thua”. Qua đó, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc hoạ bức chân dung của Thuý Vân gợi lên một tương lai tươi sáng, bình yên, hạnh phúc.
Vẫn với bút pháp ước lệ, tượng trưng tả vẻ đẹp của Thuý Kiều tác giả lại chỉ miêu tả một cách khái quát mà không đi vào chi, khi miêu tiết như Thuý Vân. Nhà thơ chủ yếu đặc tả đôi mắt của nàng. Bởi đôi mắt vốn dĩ được coi là cửa sổ của tâm hồn, qua đôi mắt, những vẻ đẹp về tâm hồn, trí tuệ của Thuý Kiều được thể hiện một cách đặc biệt.
“Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Thuý Kiều được miêu tả có đôi mắt long lanh, trong sáng, linh hoạt như nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân khiến vẻ đẹp của nàng khiến thế gian phải “nghiêng nước nghiêng thành”. Vẻ đẹp của nàng khiến thiên phải đố kị, hờn ghen. Với cách tả ấy, Nguyễn Du đã vẽ lên bức chân dung của nàng Kiều đẹp như tranh hoạ, vẻ đẹp sắc sảo, rạng rỡ, đài các, kiêu sa nhưng qua đó cũng dự báo về một kiếp hồng nhan truân chuyên, đầy trắc trở, chông gai.
Khi miêu tả chàng Kim Trọng, tác giả lại dùng những đài từ uyên bác để diễn tả xuất thân quyền quý, sự hào hoa phong nhã của nhân vật :
Nguyên người quanh quất đâu xa
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu bậc tài danh
Văn chương nết đất thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong nho nhã ra vào hào hoa
Còn đối với Từ Hải, bậc anh hùng trượng nghĩa, tác giả đã mượn những hình ảnh “Râu hùm, hàm én, mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, để lột tả những đường nét cường tráng, thần thái uy dũng của một trang hảo hán.
Ngược lại đối với những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, tác giả lại dùng những ngôn từ rất bình dân nhưng đã lột tả bản chất thủ đoạn, ranh ma của nhân vật. Với Mã Giám Sinh đôi dòng giới thiệu :
“Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”
tác giả đã lột tả bản chất đều giả, một con người có cách cư xử vô học. Mặc dù đã “trạc ngoại tứ tuần” nhưng dung mạo lại “nhẵn nhụi, bảnh bao” cho thấy tính cách chải chuốt, ăn diện quá mức của y. Bản chất của một con buôn cũng được thể hiện rõ qua cách “Cò kè bớt một thêm hai” cho thấy y là một kẻ rất thủ đoạn, xảo trá và kệch cỡm. Với nhân vật Sở Khanh, một kẻ “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, tác giả dựng lên hình ảnh của một kẻ “Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng” để đi quyến rũ những “cành phù dung”. Khi miêu tả nhân vật Tú Bà, cái hình dáng quá khổ “đẫy đà” qua màu da “nhờn nhợt” đã tố cáo cái nghề buôn bán, kinh doanh trên thân xác của người phụ nữ, khiến người ta mới đọc và hình dung qua một chút thôi cũng đã đủ thấy để ghê tởm. Không những thế mụ còn độc ác, nanh nọc, đanh đá, khi đay nghiến “Phải làm cho biết phép tao” và sấn sổ và đánh Kiều khiến cho người ta phải kinh hãi. Có thể thấy, đối với những nhân vật phản diện, cách sử dụng ngôn từ bình dân tác giả đã khiến nhân vật phải bộc lộ rõ bản chất của mình.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều không chỉ được tác giả khắc hoạ qua việc miêu tả chân dung bên ngoài, mà thành công hơn cả chính là việc miêu tả thế giới nội tâm nhân vật vô cùng phong phú, tinh tế, làm cho nhân vật có đời sống riêng, có sức sống riêng. Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” qua việc miêu tả cảnh ngộ cô đơn buồn tủi đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết, tác giả đã khắc hoạ sâu sắc tấm lòng chung thuỷ, hiếu thảo và vị tha của nàng. Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, nỗi lòng đau đáu về lương duyên với chàng Kim chẳng khi nào nguôi ngoai :
“Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Hay khi miêu tả tính cách của Hoạn Thư, tác giả chẳng ngại ngần mà thể hiện rõ thái độ của mình :
Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già
Bước từ trang thơ qua đến đời thực, hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du còn rất nhiều, nhưng có lẽ chỉ qua vài nét phác hoạ về nhân vật chính diện và nhân vật phản diện bằng ngôn từ điêu luyện, tài năng của Nguyễn Du đã được nhân loại khẳng định là bậc “đại thi hào”. Nhà phê bình Hoài Thanh đã phải rất tâm đắc khi viết nên những lời nhận xét sau “Nguyễn Du đã tái tạo lại một cuộc sống đương thời và sáng tạo ra một thế giới có thật. Trong thế giới ấy có những con người rất sống, rất thật khiến nhiều khi người ta không còn nhớ đó là những con người trong tiểu thuyết”.
Bài thơ Truyện Kiều là tác phẩm nổi bật trong chương trình ngữ văn lớp 9, không chỉ có bài làm làm văn Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, mà thầy cô và học sinh còn có thể tìm hiểu các bài làm văn mẫu khác như Nguồn gốc và giá trị của truyện Kiều, Vẻ đẹp ngôn từ trong truyện Kiều, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong truyện Kiều, Phân tích nhân vật Thuý Kiều để làm nổi bật giá trị nhân đạo của Truyện Kiều, hay cả các phần Soạn bài Truyện Kiều cùng rất nhiều kiến thức hữu ích khác.
Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều – Mẫu 3
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác có một không hai trong lịch sử văn chương Việt Nam. Tài năng xuất sắc của tác giả tạo nên giá trị muôn đời cho Truyện Kiều – kết tinh của tinh hoa Tiếng Việt giàu và đẹp. Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật đã đạt tới trình độ điêu luyện và tinh tế.
Trong đoạn trích Trao duyên, nhà thơ tập trung thể hiện diễn biến tâm trạng phức tạp của Thúy Kiều. Sau cơn vạ gió tai bay bất kì, tổ ấm của gia đình nàng tan tác. Cha và em trai bị đánh đập, giam cầm; của cải bị lũ đầu trâu mặt ngựa vơ vét sạch sành sanh. Để đáp ứng yêu cầu của lũ tham quan ô lại, Thúy Kiều chỉ còn một cách là bán mình để lấy ba trăm lạng vàng chuộc cha.
Suốt đêm: Một mình nàng ngọn đèn khuya, Áo đầm giọt lệ, tóc se mái sầu, Kiều sống với tâm trạng đầy sóng gió và mặc cảm. Trước sự thực phũ phàng là ngày mai nàng sẽ thuộc về tay Mã Giám Sinh, Thúy Kiều cảm thấy như chính mình là người có lỗi trong chuyện tình duyên dang dở, là thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh cho Kim Trọng. Nàng thương mình một, thương người yêu mười nên cắn răng chấp nhận số phận đen bạc, cố quên bản thân để nghĩ đến Kim Trọng:
Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa!
Trời Liêu non nước bao xa,
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi!
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi, còn gì?
Thúy Kiều mang nặng mặc cảm là người có lỗi. Nàng tự hờn trách, dằn vặt vì mình khăng khít khiến người dở dang. Đúng ra là Thúy Kiều, Kim Trọng cùng chủ động đến với nhau, tự nguyện yêu và gắn bó với nhau và cả hai phải được sống hạnh phúc. Kiều có mặc cảm đó là vì nàng luôn nghĩ đến người khác, ngay cả trong lúc đau thương nhất.
Đối diện với với gia cảnh tan tác và tâm trạng rối bời, nàng chỉ biết âm thầm khóc than cho duyên phận, cho số kiếp không may. Đắn đo, suy tính trước sau, nàng thấy chỉ có một cách có thể cứu vãn được phần nào mối lương duyên của mình. Đó là nhờ em gái nối duyên với chàng Kim. Nghĩ là làm, Thúy Kiều đã trao duyên cho Thúy Vân khi cô em gái vừa chợt tỉnh giấc xuân.
Dường như Nguyễn Du đã hóa thân vào Thúy Kiều để thấu hiểu, thông cảm và xót thương cho nàng, thay nàng nói lên những lời làm rung động tâm can người nghe:
Rằng: Lòng đương thổn thức đầy,
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.
Kiều thẹn thùng khó nói vì còn vướng mối tơ duyên với chàng Kim – mối tình đầu trong sáng, nồng nàn mà chỉ mới hai người biết với nhau. Ngỏ chuyện riêng tư với người khác, dù là em gái đi nữa thì cũng không phải dễ dàng. Hơn nữa, mối tình này đã gắn bó đến mức keo sơn, thề nguyền vàng đá dưới Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Vì thế mà nó thiêng liêng, sâu nặng, khó có thể đổi thay.
Kiều rơi vào tình thế khó xử, không nói ra không được, mà nói ra thì e ngại. Nàng băn khoăn, ngập ngừng mãi rồi mới thốt được một câu khiến người ngoài cuộc nghe cũng phải mủi lòng:
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Tội nghiệp thay cho Kiều! Nguyễn Du hiểu tường tận tâm thế, vị thế của nàng lúc này nên mới dùng những từ hàm chứa nỗi đau đớn, chua xót như cậy (tin cậy mà nhờ vả), chịu lời, lạy, thưa. Kiều nói với em gái (bề dưới) mà như nói với bề trên, hơn thế – như một vị ân nhân. Nàng dẫn dắt Thúy Vân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau phút ban đầu khó nói, giờ đây, nàng bộc bạch hết sức chân thành với Thúy Vân về mối tình dang dở của mình:
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn dễ hai bề vẹn hai.
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Nguyễn Du đã đặc tả tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều khi nghĩ tới người yêu giờ đây đang thăm thẳm tận đất Liêu Dương, chưa hề biết đến sự tan vỡ bất ngờ của tình yêu đôi lứa. Kiều có ý coi đây là món nợ tình, kiếp này chưa trả được thì đành mang khối tình theo xuống tuyền đài chưa tan. Thúy Kiều tội nghiệp biết chừng nào và cũng cao cả biết chừng nào!
Trong quá trình diễn biến tâm lí của Thúy Kiều có rất nhiều mâu thuẫn. Nàng chủ động nhờ cậy em gái: Xót tình máu mủ thay lời nước non, thay mình đền đáp nghĩa tình với Kim Trọng. Tin em nên nàng trao lại cả những kỉ vật quý giá:
Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Thế nhưng chỉ sau giây phút tưởng tượng ra cái chết thê thảm thịt nát xương mòn của mình, mình chỉ còn là mảnh hồn oan vật vờ nơi ngọn cỏ, lá cây mỗi lúc hiu hiu gió thì Kiều lại tiếc nuối và đớn đau gấp bội. Đúng là có mâu thuẫn nhưng đó là mâu thuẫn tất yếu của tấm lòng vị tha đáng quý của Kiều. Nàng lo cho người yêu trước rồi mới nghĩ đến mình và nàng thực sự hoang mang, sợ hãi trước tương lai mù mịt. Nỗi đau tinh thần đã quá mức chịu đựng của thể xác người con gái liễu yếu đào tơ:
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng.
Nguyễn Du với ngòi bút kì tài đã miêu tả thành công một cơn khủng hoảng, một trận sóng gió tơi bời trong lòng người con gái tài hoa bạc mệnh. Nàng đau đớn đâu phải vì mình, cho mình mà vì người yêu, cho người yêu. Đức vị tha, nhân ái cao cả ấy của Thúy Kiều khiến cho người đời càng cảm phục và yêu mến nàng hơn.
Đoạn trích Nỗi thương mình kể về chuyện sau khi Mã Giám Sinh đưa Kiều đến lầu xanh của Tú Bà, nàng đã quyết liệt chống lại âm mưu tàn ác của chúng là biến nàng thành kĩ nữ. Nàng định quyên sinh để thoát khỏi thân phận nhuốc nhơ, nhưng vì ngây thơ và cả tin, nàng đã bị tên ma cô Sở Khanh lừa dối, rơi vào cạm bẫy của Tú Bà và buộc phải ra tiếp khách. Tình cảnh trớ trêu khiến nàng chìm đắm triền miên trong nỗi tủi hổ và cay đắng:
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
Chỉ qua bốn câu thơ, Nguyễn Du đã miêu tả thật sống động bức tranh sinh hoạt đặc trưng ở chốn lầu xanh. Những ẩn dụ như bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, hình ảnh Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm và cả điển tích văn chương về Tống Ngọc, Trường Khanh (hai khách phong lưu nổi tiếng) đã phản ánh thú vui trụy lạc chốn lầu xanh. Giữa cái không khí ồn ào, náo nhiệt, lả lơi, dập dìu, sớm đưa, tối tìm ấy, nổi bật lên một nàng Kiều cô đơn, buồn bã:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Hai câu thơ tả tâm lí này cũng có thể coi là tuyệt bút. Nhịp điệu, âm hưởng và phép điệp từ kết hợp hài hoà, tự nhiên đã diễn tả thật chính xác tâm trạng trĩu nặng sầu thương của Thúy Kiều. Đêm khuya thanh vắng, nỗi sầu thương ấy như hiện rõ thành hình, thành khối là Thúy Kiều bằng xương bằng thịt. Đọc hai câu thơ trên, ai cũng phải ngậm ngùi rơi lệ.
Nỗi thương mình là cảm xúc chủ đạo trong đoạn trích này. Thúy Kiều buộc phải xa cha mẹ, xa tổ ấm để bước lên cỗ xe định mệnh: Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh, lao đi trên con đường mịt mù, vô định. Nàng chấp nhận: Thôi đành nhắm mắt đưa chân, Để xem con Tạo xoay vần đến đâu nhưng không thể ngờ rằng mình lại rơi và chốn hang hùm đầy những kẻ bán thịt buôn người trâng tráo và đê tiện. Nàng đang phải sống trong cảnh Chân trời góc biển bơ vơ, không nơi nương tựa, không người an ủi, vỗ về, chia sẻ cho vơi bớt nỗi đau. Mình lại thương mình xót xa là vậy!
Nguyễn Du không chỉ dừng lại ở mức “đọc” được tâm trạng Thúy Kiều mà sâu hơn thế, thi sĩ thực sự thông cảm và rung động trước nỗi khổ tâm của nàng, đồng thời truyền sự rung động mãnh liệt ấy đến trái tim, khối óc người đọc, tạo nên mối dây đồng tình, đồng điệu.
Thúy Kiều cay đắng nghĩ tới sự tương phản giữa quá khứ tươi đẹp, hạnh phúc và hiện thực đen tối, phũ phàng:
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Đằng sau những ngôn từ, hình ảnh ước lệ hoa mĩ ấy là cơn uất hận không nguôi, là những câu hỏi day dứt, dằn vặt muốn thấu tới trời xanh. Bất công thay, trớ trêu thay là Trời già tai ác! Thực ra, Tạo hóa chẳng nỡ đày đọa Thúy Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn, mà chính là cái thế lực vạn ác trong xã hội đã dìm nàng xuống bùn đen nhơ nhớp.
Đau khổ đã biến Kiều thành vô tri vô giác trước những kẻ ăn chơi trụy lạc xung quanh nàng:
Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Hai câu thơ cuối đúc kết tâm trạng cô đơn, đau khổ của Thúy Kiều. Nàng chỉ thực sự sống với nỗi đau thấm thía của mình. Viết được những câu thơ như thế, chứng tỏ ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy trong lịch sử văn chương nước ta.
Trong đời mình, Nguyễn Du đã từng gặp, từng biết nhiều loại người. Có người tốt đáng thương, đáng mến, song cũng có những kẻ xấu xa, đáng ghét. Ông thấu hiểu tính cách và tâm lí của họ đến mức khi cầm bút vẽ lên hạng người nào là đúng chân dung, tính cách và tâm lí của hạng người ấy. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, nhất là miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã tạo nên cho tác phẩm giá trị muôn đời.