Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người (Dàn ý + 6 mẫu), Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người, đây là tài liệu cực kỳ có ích
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến cho tất các thầy cô và các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người, đây là tài liệu vô cùng hữu ích được đăng tải tại Tài Liệu Học Thi.
Với dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người, chúng tôi hy vọng rằng có thể giúp cho mọi người bổ sung thêm nhiều cách viết văn nghị luận xã hội. Sau đây, xin mời tất cả thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý nghị luận về câu nói Phong cách chính là người
- 2 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 1
- 3 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 2
- 4 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 3
- 5 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 4
- 6 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 5
- 7 Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 6
Dàn ý nghị luận về câu nói Phong cách chính là người
I. Mở bài:
– Phong cách chính là nét độc đáo và phần đóng góp riêng của nhà văn cho đời sống văn học.
– Phong cách của nhà văn được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật.
II. Thân bài:
– Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay chỉ làm theo một vài kiểu mẫu…
+ Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” với nhà văn Nam Cao, ông đòi hỏi ở mỗi người cầm bút một sự sáng tạo riêng cho mình, để lại cho văn học những gì là của riêng mình.
+ Nhà văn Pháp Buy-phông thì quan niệm “Phong cách chính là người”.
– Phong cách bao gồm cả phương diện nội dung và nghệ thuật:
+ Trong câu nói của Buy-phông, “Phong cách” là những nét độc đáo của riêng mỗi nhà văn thể hiện trong văn học. Đó là “những nguồn chưa ai khơi” nhưng nhà văn đó đã khơi tìm và hưởng được sự ngọt mát của nó.
+ Cần hiểu rằng, phong cách của nhà văn được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật. Trong nội dung, phong cách nhà văn in đậm trong quan niệm về cuộc sống con người, việc lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề, cách lý giải vấn đề về cuộc sống con người…
– Độc đáo về nội dung thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, cách lý giải những vấn đề về cuộc sống và con người…
Phong cách của nhà văn in đậm lên từng trang viết. Đến lượt mình, phong cách văn học của mỗi tác giả lại in sâu vào lòng người đọc tạo nên mối đồng cảm sâu sắc giữa những nhà văn, nhà thơ và những độc giả chân thành.
– Độc đáo về nghệ thuật thể hiện ở phương thức biểu hiện, ở việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ….
– Điều thú vị khi đọc tác phẩm văn học là phát hiện được những nét độc đáo trong phong cách của mỗi nhà văn.
III. Kết bài:
– Đưa ra một nhận định đúng đắn, Buy-phông định hướng cho những nhà văn hay những người ôm mộng văn chương phải biết định hình cho mình một phong cách riêng nổi bật. Đó phải là phong cách của riêng anh để người đọc nhận ra đó là anh chứ không phải là người khác. Đến lượt mình, mỗi độc giả cần là một người đọc thông minh biết tìm tòi, suy nghĩ phát hiện nét phong cách riêng của mỗi nhà văn.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 1
L. Tolstoy từng nói: “Khi một nhà văn mới bước vào làng văn, điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là anh sẽ mang lại điều gì mới cho văn học”. Quy luật đào thải của văn chương vốn đầy khó khăn và nghiệt ngã. Bởi lẽ “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Cũng phát biểu về vai trò của phong cách đối với người nghệ sĩ, Buy- phông từng nói: “Phong cách chính là người”.
Phong cách chính là những nét riêng, độc đáo của nhà văn trong cách cảm nhận và tái hiện cuộc sống, được thể hiện qua các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật cụ thể. Theo ý kiến của Buy- phông, qua phong cách, chúng ta sẽ nhận ra những đặc điểm của người nghệ sĩ, cả tư tưởng cũng như thế giới tình cảm của anh ta.
“Phong cách chính là người” bởi lẽ phong cách bộc lộ cách cảm nhận của người nghệ sĩ về cuộc sống. Hoài Thanh từng nói: “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng”. Vì sáng tạo chính là bản chất của văn học, anh không thể thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào. Sao chép cách nhìn, cách cảm, người nghệ sĩ sẽ tự biến mình tác phẩm của mình thành thứ sản xuất hàng loạt, biến văn học thành nông trang tập thể. Cùng viết về cái đói, thế nhưng ta thấy Nam Cao và Kim Lân đều có những cách tiếp cận khác nhau bởi “cuộc thám hiểm thực sự không nằm ở vùng đất mới mà nằm ở đôi mắt mới”. Nam Cao nhìn cái đói như thứ thuốc thử đối với phẩm giá, nhân cách con người. Còn với Kim Lân, từ cái đói, ông thấy le lói hạt mầm của sự sống, khát vọng sống đang bừng thức ở những người nông dân nghèo khổ. Và cũng từ đó, Nam Cao bộc lộ sự sắc sảo, lạnh lùng bên ngoài nhưng ấm nóng bên trong, Kim Lân lại cho thấy một tấm lòng nhân hậu, “một lòng đi về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy của làng quê Việt Nam”.
Phong cách còn thể hiện nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, khẳng định bản lĩnh, đồng thời tìm tòi cái mới của nhà văn để tạo nên tính hấp dẫn và sức sống cho tác phẩm. Người nghệ sĩ không thể chỉ biết theo đường quen lối cũ, đi vào lối mòn mà người khác đã khai sơn phá thạch. Trong khu rừng có nhiều lối đi, họ phải tìm “lối đi chưa có dấu chân người”. “Văn học sẽ chẳng ai giống ai và không ai muốn giống ai cả”. Không có nổi một sự tìm tòi, đổi mới, liệu mai này hậu thế sẽ còn nhớ đến anh, hay lớp bụi thời gian đã vĩnh viễn xóa nhòa tên tuổi của anh khỏi tượng đài của nền văn học. Không chỉ vì thôi thúc tự bên trong, tìm tòi, đổi mới còn là cách để chứng tỏ họ luôn theo sát dòng chảy của thời đại, không bị bỏ lại bên lề của cuộc sống. Sau năm 1975, văn học bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn với những nhân vật anh hùng được lí tưởng hóa không còn phù hợp với cuộc sống hậu chiến nhiều phức tạp và lắm rối ren. Trước sự thay đổi đó, Nguyễn Minh Châu đã trở thành “người mở đường tinh anh và tài năng” của nền văn học Việt Nam. Vẫn là sự dũng cảm nhưng điềm đạm trong lối nghĩ, lối viết, ông từng bước thay đổi đề tài cũng như cách thể hiện. Những biểu tượng đa nghĩa trong tác phẩm của ông như là một minh chứng cho một Nguyễn Minh Châu ưa suy tư và giàu tính triết lí. Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên đầy thi vị, lãng mạn mà còn là những chiêm nghiệm, chân lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Qua cái nhìn từ một khoảng cách xa, chiếc thuyền hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng như bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng chụp được. Thế nhưng, ở bên trong con thuyền ấy còn chứa đựng biết bao sự thật của cuộc sống còn lắm đắng cay, khổ cực. Chiếc thuyền ngoài xa vì thế là lời mời gọi người nghệ sĩ hãy lặn vào đáy sâu hiện thực để khám phá cuộc sống vốn đa sự, đa đoan.
“Qua giọng hát ta nhận ra người hát
Qua nét khắc ta nhận ra người thợ bạc”
Và qua phong cách, ta nhận ra người nghệ sĩ. Đúng như M. Proust từng nói: “Thế giới được tạo lập không chỉ một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là lại một lần thế giới được tạo lập”.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 2
Có một nghệ sĩ đã từng nói: “Làm thơ mà không có giọng riêng, chả khác này nhảy xuống dòng sông cuồn cuộn chảy mà không biết bơi”. Phong cách người nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Phong cách của một nghệ sĩ sẽ thể hiện hết thảy con người anh ta và là dấu ấn để độc giả nhận ra sự hiện diện của nghệ sĩ.
Phong cách nghệ thuật của một nhà văn là tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ, chưa từng có về cuộc sống về con người thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và phương thức, phương tiện đặc thù, in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Cái nhìn và phương thức độc đáo phải được lập đi lập lại, ổn định trong phong cách nghệ thuật qua các tác phẩm. Phong cách nghệ thuật có thể được biểu hiện qua 3 cái nhìn, cách cảm thụ đầy tính khám phá, qua giọng điệu, cách lựa chọn, xử lý đề tài, xây dựng chủ đề, xây dựng đối tượng miêu tả.
Hoài Thanh từng nói “Thích một bài thơ là thích một cách nhìn, một con người”. Bởi khi làm thơ, người nghệ sĩ gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình trong từng câu thơ, cũng chính là gửi gắm tâm hồn mình mình mình vào bài thơ. Thơ ca là công cụ để bộc lộ một con người. Phong cách nghệ thuật mà người nghệ sĩ bộc lộ trong tác phẩm của mình mình không đâu khác chính là tâm hồn mình, là con người mình. Khi ta đọc một tác phẩm văn học tức là gặp gỡ một tâm hồn người. Khi ta nhận ra một phong cách, tao đang nhận ra một con người. Phong cách chính là người.
Đó là lý giải cho việc tại sao người dễ dàng nhận ra Xuân Quỳnh thông qua “Sóng” và dễ dàng nhận ra Nguyễn Tuân thông qua người lái đò sông Đà. Đọc “Sóng”, người đọc thấy ở đó toát lên sự nữ tính, sự khát khao hạnh phúc đời thường, một vẻ đẹp truyền thống kết hợp với hiện đại. Đó là phong cách thơ Xuân Quỳnh. Đọc những đoạn văn dữ dội sóng nước Đà giang trong “Người lái đò sông Đà”, người đọc cũng nhận ra cái tài hoa uyên bác trong văn Nguyễn Tuân với một đôi mắt luôn kiếm tìm những vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội và bậc nhất. Điều này hoàn toàn dễ phân biệt với sự tài hoa lịch lãm, trữ tình đằm thắm trong văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện qua “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.
Vậy nên mới nói, điều quan trọng đối với nhà văn là giọng nói của riêng mình. Phong cách chính là yếu tố đầu tiên và duy nhất để độc giả nhớ đến nghệ sĩ, là thứ mà người nghệ sĩ ghi dấu trong lòng độc giả. Phong cách cũng chính là hóa thân của tâm hồn nhà văn, là bộc lộ một phần con người của người nghệ sĩ. Có thể nói tất cả phong cách của người nghệ sĩ đều xuất phát từ chính con người nghệ sĩ. Một Xuân Diệu với tình yêu mãnh liệt luôn thường trực, với khát khao cháy bỏng về tuổi trẻ và tình yêu mới có được những câu thơ: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Một Quang Dũng lãng mạn hào hoa mới viết được những câu thơ: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” ngay bên cạnh những câu thơ của khói bom, bệnh tật. Phong cách chính là con người của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có tâm hồn ra sao, trên trang văn, trang thơ đều biểu hiện như vậy.
Văn cũng không đâu khác là người. Bởi vậy, văn chương vô cùng quan trọng phong cách. “Khi một nhà văn xuất hiện, điều mà cần hỏi anh ta đó là anh ta đã đem đến một cái gì mới mẻ cho cuộc sống”. (Macxen Prut). Từ đây, rút ra bài học cho người sáng tạo đó là cần đưa phong cách riêng của mình vào tác phẩm. Và người đọc khi thưởng thức một tác phẩm văn học cũng cần chú trọng phong cách thể hiện qua tác phẩm ấy.
“Phong cách chính là người”. Làm người cần có phong cách mà làm nghệ sĩ càng cần phải có phong cách. Nếu không có phong cách, nghệ sĩ chỉ như đom đóm sáng lên rồi lại vụt tắt.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 3
Con người sinh ra không phải ai cũng giống nhau, mỗi người đều có những khác biệt tạo nên cái riêng của mình cái riêng đó thường được gọi là phong cách. Như nhà văn Pháp nổi tiếng Buy-phông có viết: “phong cách chính là người”
Đúng vậy! Phong cách là người, phong cách của một người phản ánh chính con người đó. Vậy chúng ta hiểu phong cách là gì? Theo nghĩa hẹp, phong cách là là cách thức riêng của một tác giả, một nghệ sĩ thể hiện trong sáng tạo một tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật. Đó là những biểu hiện mang tính chất hệ thống về tư tưởng nghệ thuật, các đặc trưng mang tính thẩm mỹ, ổn định về nội dung và hình thức thể hiện tạo nên giá trị độc đáo của tác giả. Theo nghĩa rộng, Phong cách là phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả hoạt động sống của chủ thể, tạo nên những giá trị riêng, những đặc trưng của họ. Phong cách được hiểu như một nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người và trở thành thói quen, nề nếp ổn định khi suy nghĩ, diễn đạt và hoạt động thực tế. Đối với mỗi người thì phong cách của họ gần với đặc điểm truyền thống, thói quen, hoàn cảnh sống quy định, đồng thời mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Mỗi người, từ bé thơ lớn lên đã có phong cách của mình. Phong cách nào cũng có sự tự tin của mình.
Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta được nghe rất nhiều về phong cách, nào là phong cách thời trang, phong cách sống, phong cách nghệ thuật,… Nói về trang phục, chúng ta cũng thường nghe thấy rất nhiều người nghe đến việc nhận xét phong cách ăn mặc của một người chẳng hạn như phong cách baby doll, phong cách bánh bèo,… Theo những lời nhận xét đó ta có thể thấy, mỗi người hoặc mỗi lớp người đều chọn cho mình một phong cách ăn mặc riêng mà họ cảm thấy yêu thích. Có người chọn phong cách sexy gợi cảm, có người lại thích phong cách dễ thương, có người lại thích phong cách giản dị, trong sáng… Không chỉ trong trang phục thường ngày ta còn thường bắt gặp phong cách của những ca sĩ. Phong cách của ca sĩ được thể hiện trong những bài hát của họ. Người ca sĩ hát nhạc ballad trữ tình sẽ khác với người hát nhạc rock hay nhạc cách mạng… Mỗi người ca sĩ ngoài gu ăn mặc, người ta sẽ nhớ đến họ theo một dòng nhạc nào đó. Mà chính những điều đó làm nên phong cách riêng của một người ca sĩ.
Trong văn học cũng vậy, phong cách phong cách của nhà văn được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật. Trong nội dung, phong cách nhà văn in đậm trong quan niệm về cuộc sống con người, việc lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề, cách lý giải vấn đề về cuộc sống con người… Có thể thấy rõ điều này ở nhiều nhà văn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Chí Minh… Nguyễn Tuân thường nhìn mọi sự vật, sự việc dưới góc độ của sự tài hoa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn tìm thấy sự tài hoa của những nhà Nho hết thời trong những thú chơi tao nhã của họ: thả thơ, uống trà, ngâm vịnh… Sau Cách mạng, nhà văn lại say mê với sự tài hoa của những con người Việt Nam trong lao động, sản xuất… Nam Cao lại khác. Trước Cách mạng, ông đau đáu với đề tài về những người nông dân Việt Nam nô lệ bị tha hóa về tinh thần, nhân phẩm hay những nhà trí thức Việt Nam quằn quại trong nỗi đau vì bị “áo cơm ghì sát đất”… Về nghệ thuật, phong cách nhà văn cũng được thể hiện đa dạng ở nhiều phương diện: phương thức biểu hiện, lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, cách tổ chức kết cấu, tổ chức ngôn ngữ… Điều này cũng rất dễ nhận biết đặc biệt ở những tác giả lớn. Nhà thơ Tố Hữu thường chọn thể thơ lục bát, giọng điệu tâm tình ngọt ngào để thể hiện tình cảm tha thiết, chân thành của nhân vật trữ tình. Nhà văn Nam Cao lại rất dễ “bị” nhận ra bởi lối kể chuyện đảo trình tự tuyến tính hiện đại hay cách liên kết đoạn văn rất tài tình… Mỗi nhà văn lại có những ý tưởng độc đáo khác nhau trong cách thể hiện tác phẩm của mình. Và với độc giả, khi đọc một truyện ngắn, thưởng thức một bài thơ… không gì thích thú là việc phát hiện ra những nét đặc sắc về phong cách của các tác giả. Những nhà văn, nhà thơ có tài năng thực sự mới có thể định hình phong cách riêng của mình. Và giữa phong cách của mỗi tác giả lại có mối quan hệ chặt chẽ tới bản thân cá tính mỗi nhà văn. Trong văn học, phong cách được thể hiện sinh động như một thực thể bộc lộ những quan niệm cá nhân về văn học. Trong truyện ngắn của mình, Nam Cao luôn có vẻ khách quan, hờ hững với nhân vật. Ông gọi họ là “y”, là “thị”, miêu tả họ với những hình hài xấu xí, thậm chí là ghê rợn (đặc biệt là những người nông dân). Nhưng đằng sau những trang văn tưởng như lạnh lùng, khinh thị ấy là tấm lòng đồng cảm thấu suốt là tình thương đến nhói buốt của một tấm lòng đồng ái, đồng chủng. Ngoài đời, con người Nam Cao cũng có dáng vẻ giống như giọng điệu văn chương của ông trong truyện ngắn. Nhắc đến Nam Cao, những người bạn văn nhớ đến một dáng vẻ trầm lặng, ít nói, nhưng thực chất, ẩn đằng sau dáng vẻ phẳng lặng, im ắng ấy là một tinh thần sôi nổi, quyết liệt. Chỉ có những tính cách mạnh mẽ mới có thể phát biểu thế này: “Sống đã rồi hãy viết”! Phong cách của nhà văn in đậm lên từng trang viết. Đến lượt mình, phong cách văn học của mỗi tác giả lại in sâu vào lòng người đọc tạo nên mối đồng cảm sâu sắc giữa những nhà văn, nhà thơ và những độc giả chân thành.
Tất cả những phong cách trong các lĩnh vực, khía cạnh đời sống con người đều nói lên một điều rằng, phong cách chính là con người. Phong cách nó phản ánh một con người, nó tạo nên sự khác biệt giữa con người với nhau, tạo nên sự đa dạng của cuộc sống. Điều đó một lần nữa khẳng định ý kiến của nhà văn Pháp Buy – phông là đúng và có ý nghĩa.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 4
Mỗi một con người khi đến với thế giới này đều như một trang giấy trắng đẹp trong ngần và vô cùng thanh khiết, dẫu vẫn biết rằng không phải ai cũng có cùng một xuất phát điểm công bằng, bởi đó là sự phân cấp xã hội khó có thể xóa nhòa. Thế nhưng trong giai đoạn hoàn thiện bản thân để trưởng thành và bước chân vào một thế giới nhiều màu sắc, tôi chắc rằng mỗi con người đều có ý thức xác định cho mình một phong cách riêng bằng thứ mực nước và bút vẽ của bản thân để hóa mình thành một mảnh ghép khác biệt và có một vị trí nhất định trong cuộc đời. Bởi không ai muốn sống nhạt nhòa, ai cũng mang trong mình một cái tôi cá nhân với khao khát được bùng cháy, được khai phá. Nói về phương diện phong cách của con người Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng đã có một phát biểu vừa trừu tượng lại vừa rõ ràng như một định nghĩa về nhân loại: “Phong cách chính là người”.
Vậy phong cách là gì? Một định nghĩa chung được đưa ra rằng phong cách chính là tổng hòa những nét riêng trong cung cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử để tạo nên bản ngã của một con người hoặc một nhóm người nhất định có tính chất phân biệt với những cá thể khác. Và con người khi làm việc hoặc sinh sống họ lại có nhiều những khái niệm phong cách khác nhau, ví dụ phổ biến và hay được nhắc đến là phong cách ăn mặc, phong cách trang điểm, phong cách sống,… đôi lúc người ta vẫn thay cách gọi trịnh trọng “phong cách” này thành một từ có vẻ bình dân và dễ hiểu hơn ấy là “lối” như lối sống, lối ăn mặc, lối trang điểm, lối nói,… Trong văn học nghệ thuật người nghệ sĩ phải được khẳng định thông qua các tác phẩm với phong cách nghệ thuật, phong cách ngôn từ, phong cách sáng tác, phong cách diễn đạt,… Nói chung trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ có thể xuất hiện từ phong cách và dường như chính phong cách đã làm nên cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên đa màu đa vẻ và có thể phân biệt. Vậy nên câu nói của Buy-phông “Phong cách chính là người” là một quan niệm đúng, một con người sẽ bao gồm nhiều phong cách trong các lĩnh vực khác nhau, kết hợp với nhau tạo nên cái tôi cá nhân của con người, và ngược lại chính phong cách đã đóng góp từng viên gạch nhỏ để dựng lên một cá thể hoàn chỉnh trong xã hội. Làm người ai cũng có cho mình một phong cách, quan trọng là họ có nắm bắt và nhận ra hay không thôi.
Trước hết bàn về phong cách của những con người bình thường trong xã hội, chúng ta có nên sống mà không cần xây dựng cho mình một phong cách hay không? Bởi có đôi lúc tôi vẫn nghe được những ý kiến rằng phong cách là cái gì đó quá xa rời thực tế, người bình thường thì nên bình bình đạm đạm mà sống, cớ sao phải đua đòi vẽ vời phong cách này nọ, màu mè và dở hơi. Thế nhưng đó là quan điểm quá sai lầm, sai lầm thứ nhất là đa số chúng ta vẫn chưa hiểu được định nghĩa phong cách, họ vẫn lầm tưởng phong cách chỉ dành cho những con người nổi tiếng, người làm nghệ thuật với những cụm từ nhan nhản báo đài ví như “phong cách sexy”, “phong cách thiếu nữ”, “phong cách thời trang”,… hoặc trong giới văn chương, học sinh vẫn quen thuộc nhất với cụm từ “phong cách nghệ thuật”. Điều đó vô hình chung làm chúng ta trở nên ra rời chính việc khẳng định cái tôi cá nhân của bản thân thông qua việc gây dựng phong cách mà thường đi lệch hướng bằng những hành động có vẻ như là khẳng định bản thân nhưng thực tế là ấu trĩ và hài hước. Mỗi chúng ta cần biết rằng, phong cách cá nhân là điều cơ bản và vô cùng quan trọng nó làm nên vẻ đẹp, cái duyên dáng thu hút của mỗi chúng ta, nếu thiếu phong cách bạn sẽ trở nên nhạt nhòa, thiếu hấp dẫn. Và quan trọng nhất là một cuộc sống thiếu phong cách sẽ khiến chúng ta chán nản, không thú vị, bởi trên hết có một phong cách riêng chính là đang thỏa mãn cái tôi của bạn một cách âm thầm, khiến bạn cảm thấy hài lòng vì chí ít cũng được khẳng định bản thân theo một phương diện nào đó.
Tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy tầm quan trọng của phong cách trong một vài lĩnh vực, tiêu biểu nhất và quen thuộc nhất có lẽ chính là văn chương. Người ta thường nhắc đến tác phẩm như là cả một gia tài tâm huyết của người nghệ sĩ, trong đó nổi lên hai mặt là nội dung và nghệ thuật, về nội dung thì muôn kiểu thế nhưng vẫn có nhiều nhà văn cùng cày cấy trên một chủ đề, một lĩnh vực. Tuy nhiên có một cái hay là dù chung đề tài nhưng mỗi một tác giả lại vẫn ghi dấu trong lòng người đọc những ấn tượng nhất định, tất cả đều nhờ vào phong cách nghệ thuật và cách nhìn nhận chủ đề mà họ đã tự tạo tập cho mình trong quá trình sáng tác. Tôi lấy ví dụ như Thạch Lam có phong cách viết truyện không cần cốt truyện, độc tác phẩm của ông người ta luôn thấy một cái gì đó lãng mạn, man mác buồn và đặc biệt Thạch Lam thích viết về những cái gì nhỏ nhặt, tầm thường tuy nhiên lại mang những ý nghĩa lớn. Mà theo như tác giả nói: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chỉnh ở chẽ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Hoặc nói đến Nguyễn Công Hoan chẳng hạn, ông viết về đề tài những con người khốn khổ dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến bằng một giọng văn hóm hỉnh, nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi niềm đau xót cho số phận những con người dưới đáy xã hội. Khác với Nguyễn Công Hoan thì Vũ Trọng Phụng cho người ta thấy tiếng trào phúng một cách gay gắt hơn rất nhiều, mà đôi lúc người ta còn cảm thấy hơi sốc với lối văn quá đỗi “trần truồng”. Còn Nam Cao là giọng văn bình dị, cảm động, và ẩn chứa nhiều triết lý về cuộc sống cũng như cung cách làm văn,… Trong thi ca Việt Nam hiện đại, người ta sẽ thấy bật lên một Quang Dũng tài hoa, lãng mạn, một Tố Hữu ân tình, lý tưởng cách mạng, đất nước và nhân dân sâu sắc, một Nguyễn Khoa Điềm với phong cách triết luận trữ tình sâu sắc bằng chất liệu văn hóa dân gian,…. Nói chung rằng nhà văn, nhà thơ đều phải có phong cách cho riêng mình, một phong cách thể hiện lối suy nghĩ, quan niệm sống, mà chân dung tâm hồn để thu hút độc giả và dựng lên cho mình một vị trí trong giới nghệ thuật, nếu không rõ ràng rằng họ sẽ bị chìm nghỉm trong một loạt các cây bút tài năng khác.
Đó là là văn nhân, thi sĩ, bây giờ tôi sẽ nói đến những con người làm trong lĩnh vực nghệ thuật khác như ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Các bạn, đặc biệt là giới trẻ như chúng ta sẽ chẳng bao giờ lạ lẫm với nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, hàng năm hàng trăm nhóm nhạc lớn nhỏ ra đời thế nhưng chỉ một số ít trong đó là có thể bật lên trở thành ngôi sao thế hệ mới. Vậy họ đã làm gì để trở nên nổi tiếng? Chỉ có một cách duy nhất ấy là khẳng định phong cách âm nhạc và phong cách của thần tượng, nhạc có thể chọn pop ballad, dance, rock,… khí chất thần tượng có thể là trẻ trung năng động, ngây thơ dễ thương, mạnh mẽ nam tính hoặc ấm áp như chàng trai nhà bên,… Hai yếu tố tổng hòa lại sẽ gây dựng nên một ấn tượng trong lòng khán giả để khi nhắc về một ca sĩ, nhóm nhạc nào đó họ có thể dễ dàng nhận định và phân biệt, điều này vô cùng có lợi cho việc khẳng định tên tuổi.
Như vậy các bạn có thể thấy rõ ràng được tầm quan trọng trọng việc tạo dựng phong cách của nghệ sĩ, và những ví dụ trên rõ ràng đã chứng minh được ý phong cách làm nên con người của Buy-phông, thậm chí trở thành một biểu tượng của người đó khi nhắc đến. Vậy trong cuộc sống các bạn có muốn được chú ý, được nhắc đến, được khẳng định cái tôi cá nhân của mình không? Tôi nghĩ rằng ít nhiều cũng có, tuy nhiên chúng ta phần lớn đều không phải nghệ sĩ nên chúng ta sẽ không tạo dựng phong cách thông qua tác phẩm mà thay vào đó là thông qua cuộc sống thường ngày. Hoặc nếu muốn bạn cũng có thể coi cuộc đời mình là một vở kịch vĩ đại và mỗi chúng ta sẽ là một nghệ sĩ với phong cách sáng tác riêng biệt (cười). Chúng ta sẽ xây dựng phong cách sống của mình thông qua việc thể hiện bản sắc cá nhân trong việc giao tiếp ứng xử hằng ngày với mọi người xung quanh, bạn có thể thẳng thắn bộc trực, cũng có thể có lối nói ý nhị; trong phong cách làm việc ví dụ như nhanh nhẹn tháo vát, cẩn trọng chắc chắn, độc lập kiên cường,…; trong lối ăn mặc trang điểm có thể là phong cách dịu dàng trang nhã, năng động trẻ trung, hoặc phong cách hoài cổ, kín đáo,…; trong lối sống bạn có thể chọn cho mình một cuộc sống yên tĩnh, bình lặng hoặc một cuộc sống sôi nổi, rộn ràng,… Và dĩ nhiên phong cách sống của một con người không chỉ có bấy nhiêu bình diện mà còn vô số những khía cạnh khác ví như phong cách ẩm thực, quan điểm trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quan điểm thẩm mỹ, thường thức, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan, quan niệm về tình cảm,… Tất cả nhiêu đó sẽ tổng hòa và làm nên phong cách sống của một con người, như một vở kịch đặc sắc, như một bức họa nhiều màu, như một bài hát lắm giai điệu, như một dấu vân tay, như một loại đặc tính làm nên thương hiệu để nhận định từng cá thể trong xã hội.
Nếu đọc qua phân tích của tôi về phong cách con người ở trên có thể các bạn thấy mình cũng có phong cách riêng đúng không, thế nhưng các bạn không hiểu tại sao bản thân mình vẫn vô cùng mờ nhạt trong xã hội, bạn vẫn luôn tự hỏi tại sao cùng là học sinh nhưng có bạn được chú ý, có bạn thậm chí giáo viên không nhớ mặt gọi tên. Điều đó thực tế khá phổ biến trong xã hội, bởi bộ não con người thường chỉ nhớ những cái gì gây cho họ một ấn tượng sâu sắc, ví dụ như ngoại hình, năng lực, và những quan điểm nổi bật của một ai đó. Thế nên bạn cũng không nên quá tự ti về bản thân mình mà thay vào đó bạn hãy cố gắng cải thiện và tìm cách nhấn mạnh cũng như đánh dấu phong cách cá nhân ở một vài khía cạnh để cải thiện nhất, ví dụ như tư tưởng, phong cách làm việc, gu thời trang,… Và tuyệt nhiên bạn không nên cố bắt chước một ai đó, bạn có thể tham khảo nhưng không thể chép y nguyên phong cách của người khác vào cuộc sống của mình, bởi vì bạn sẽ lập tức trở thành một bản sao lỗi ngay. Tôi nói điều đó bởi vì phong cách không pahir tự nhiên có, mà nó nằm ở tâm hồn và nội hàm của mỗi con người, mỗi người sẽ có một cách khác nhau, thứ của người khác chưa chắc đã hợp với bạn và ngược lại. Vì thế tốt hơn hết chúng ta hãy cố gắng dùng màu sơn và cây cọ của mình để tự tô vẽ nên một phong cách riêng biệt, không nhầm lẫn, không nhạt nhòa và có độ nhận diện cao bạn nhé.
Nói tóm lại quan điểm của Buy-phông “Phong cách chính là con người” đúng trong mọi trường hợp và trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ riêng gì giới văn nhân nghệ sĩ. Chúng ta sống trên đời dù có muốn một cuộc sống bình đạm qua ngày thì chí ít cũng phải xây dựng cho mình một phong cách sống đẹp, để lại cho người xung quanh những ấn tượng tốt. Bởi ai trong chúng ta sinh ra trên đời đều là một sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa, thế nên chúng ta phải sống thật sự chứ không nên chỉ tồn tại một cách vô nghĩa nhạt nhòa.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 5
Nhận định về con người nhà văn Pháp nổi tiếng Buy – phông có nhận xét rằng: “Phong cách chính là người”. Ta có thể hiểu câu nói trên như thế nào? Nói đến con người người ta nghĩ ngay đến những nhận thức xã hội, đó là những thứ khiến cho con người khác biệt với con vật. Một trong những thứ khiến cho con người khác con vật chính là phong cách.
Trước hết ta cần phải hiểu phong cách là gì? Hiểu một cách nôm na phong chính là tác phong, vẻ bề ngoài của con người, cách là cách thức con người thể hiện ra ngoài và tạo nên một nét riêng biệt của bản thân mình. Vậy phong cách có nghĩa là chính là nét riêng biệt của mỗi người, nó thể hiện được tính cách, bản chất, sở thích của con người.
Trong cuộc sống chúng ta, từ phong cách được thể hiện rất nhiều. Nói về trang phục, chúng ta cũng thường nghe thấy rất nhiều người nói rằng: “Chị kia thật phong cách”, “Anh ấy chạy theo phong cách thời trang Hàn Quốc”, “Em ấy có phong cách dễ thương”… Theo những lời nhận xét đó ta có thể thấy, mỗi người hoặc mỗi lớp người đều chọn cho mình một phong cách ăn mặc riêng mà họ cảm thấy yêu thích. Có người chọn phong cách sexy gợi cảm, có người lại thích phong cách dễ thương, có người lại thích phong cách giản dị, trong sáng…
Không chỉ trong trang phục thường ngày ta còn thường bắt gặp phong cách của những ca sĩ. Phong cách của ca sĩ được thể hiện trong những bài hát của họ. Người ca sĩ hát nhạc ballad trữ tình sẽ khác với người hát nhạc rock hay nhạc cách mạng… Mỗi người ca sĩ ngoài gu ăn mặc, người ta sẽ nhớ đến họ theo một dòng nhạc nào đó. Mà chính những điều đó làm nên phong cách riêng của một người ca sĩ.
Trong văn chương cũng vậy, nếu Xuân Diệu xuất hiện với phong cách nghệ thuật nhìn đời bằng con mắt tươi xanh biếc rờn, thơ Xuân Diệu lúc nào cũng chứa chan niềm yêu thương cuộc sống, yêu đến cuồng nhiệt, yêu đến say mê thì Nguyễn Khoa Điềm lại nghiêng về phong cách thơ trữ tình chính luận, Xuân Quỳnh góp vào nền thơ ca Việt Nam một phong cách thơ tha thiết, giàu cảm xúc.
Tất cả những phong cách trong những lĩnh vực, khía cạnh đời sống con người đều nói lên một điều rằng, phong cách chính là con người. Nói cách khác chỉ con người mới có phong cách, đó là điểm khác biệt giữa con người và loài vật. Như vậy, ta có thể khẳng định rằng lời nhận xét của nhà văn người Pháp Buy-phông hoàn toàn đúng đắn và chính xác.
Nghị luận về câu nói Phong cách chính là người – Mẫu 6
“Phong cách (…) cũng như màu sắc đối với người họa sĩ, không phải là một vấn đề về kỹ thuật mà là về cách nhìn. Nó là một phát lộ, vốn sẽ không thể có được bằng những phương tiện trực tiếp và hữu thức, về sự khác biệt về chất có trong cách mà thế giới hiện ra với mỗi chúng ta, sự khác biệt mà nếu không có nghệ thuật thì sẽ mãi là bí mật vĩnh hằng của mỗi con người”
Nói cách khác, phong cách tác giả không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay chỉ là lớp vỏ ngoài trang trí cho tác phẩm văn chương mà nó là cách nhìn rất riêng của mỗi người về thế giới, phân biệt với cách nhìn của những người khác.
Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có riêng trong mình một khí chất, năng lực và kinh nghiệm để có thể tiếp thu những cái tốt đẹp và loại trừ những cái xấu. Quá trình đó dần hình thành trong mỗi chúng ta một vốn cá tính đặc biệt mà ta hay gọi là phong cách. Xét trên bình diện này, Buy-phông – một nhà văn nổi tiếng của Pháp từng nói: “Phong cách chính là người”. Quả thật trong cùng một hoàn cảnh nhưng phong cách của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, mà nó chính là bản thân người mang phong cách đó. Cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm về câu nói của Buy-phông để mỗi chúng ta có thêm những hiểu biết và dần định hình trong mình một phong cách riêng. Trong cuộc sống, người ta thường định hình phong cách theo hai nghĩa. Một là, phong cách nghệ thuật. Đó là phong cách của một nhà văn, nhà thơ, nhà kiến trúc… hoặc phong cách của một thời đại nào đó.
Hai là, tác phong, tính cách của một người hay một lớp người nào đó trong xã hội được hình thành một cách tương đối ổn định, làm nên phong cách riêng của một người hay một lớp người đó.
Phong cách tuy đa dạng như vậy nhưng nhìn chung khi nhắc đến phong cách ta vẫn thường nhắc đến dấu ấn cá nhân của sự vật. Ngoài ra một điểm chung của bất kỳ loại phong cách nào là cũng đều chịu tác động mạnh mẽ sâu sắc của môi trường sống. Đó là những tác động của truyền thống văn hoá, đạo đức, tâm lý nghề nghiệp. Nhìn từ bình diện văn học, phong cách cũng đa dạng nhưng không kém phần sâu sắc.
Buy-phông đã rất tinh tế khi nhìn nhận “Phong cách chính là người”. Trong văn học, phong cách là yếu tố cấu thành tác phẩm không thể thiếu. Độc giả cũng như mọi nhà lý luận văn học mỗi khi nhìn nhận một tác phẩm, người ta thường hay chú ý đến hai phương diện quan trọng của phong cách văn học là: nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, phong cách là dấu ấn thể hiện cách nhìn nhận con người và cuộc sống, cách lý giải cuộc sống và con người… Về nghệ thuật, phong cách là cách lựa chọn những thủ pháp nghệ thuật, kết cấu ngôn từ, sử dụng ngôn ngữ… Một tác phẩm hay chỉ được đánh giá khi tạo ra được dấu ấn riêng, mang lại cho người đọc những lay chuyển xúc cảm nhẹ nhàng mà tinh tế. Chính vì vậy, dù trên bất cứ bất cứ bình diện nào, khi đánh giá tác phẩm hay con người, phong cách cũng vừa là tiêu chí quan trọng, vừa là nơi thể hiện cái tính cách cũng như tâm hồn trong tác giả. Xin một lấy một góc nhỏ của nền văn học Việt Nam để chứng minh và làm rõ hơn khi nhìn nhận “Phong cách chính là người”.
Nhắc đến văn học Việt Nam, nhắc đến phong cách con người tôi dần mường tượng ra sợi dây liên kết giữa chúng. Nguyễn Đăng Mạnh trong “Nhà văn, tư tưởng và phong cách” đã gắn phong cách với cá tính nhà văn khi ông xác định: “Văn chương là một hình thái ý thức xã hội có đặc trưng riêng. Đây là lĩnh vực cần đến năng khiếu và tài nghệ, cần cá tính và phong cách”. Rồi sau đó, trong “Nhà văn Việt Nam hiện đại: chân dung và phong cách, ông lại một lần nữa coi phong cách “phụ thuộc vào những thói quen tâm lý và những sở trường riêng của nhà văn”. Từ đó, “dựng” nên phong cách nhà văn, như Nguyễn Tuân ngông, Quang Dũng tài hoa, tài tử, phong tình và lãng mạn, Nguyễn Đình Thi nhà thơ của đất nước tươi đẹp và hùng tráng đau thương, thơ Hoàng Cầm là linh hồn của quê hương Kinh Bắc cổ kính, đầy huyền thoại, cổ tích và chứa chan chất nhạc, chất thơ. Nguyên Ngọc là cây bút sử thi – lãng mạn, một chủ nghĩa lãng mạn anh hùng đầy chất thơ… Rồi Đào Thái Tôn trong Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục, khi đi tìm một cơ sở để lựa chọn thơ nôm truyền tụng của nữ sĩ đã “dùng phong cách Lưu Hương ký để xác định phong cách “thơ nôm truyền tụng” của Hồ Xuân Hương”.
Phong cách ở mỗi bình diện đều đa dạng và sâu sắc. Văn học chỉ là một trong số những bình diện mà tôi muốn vay mượn nhằm đánh giá đúng và chính xác khi nhìn nhận con người. Tôi dần nhận ra câu nói của Buy-phông hết sức chập chờn. Bởi vì như tôi đã nói các định ngữ đã để định nghĩa chập chờn. Như tôi đã nói về một số phong cách như thơ Hồ Xuân Hương vui mà không buông tuồng, thơ Hoàng Cầm là linh hồn của quê hương Kinh Bắc cổ kính… có thể đóng vào con người Hồ Xuân Hương, con người Hoàng Cầm cũng được, mà vào thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hoàng Cầm cũng chẳng sao. Chính sự “nhập nhằng” này làm cho các định nghĩa trên không có giá trị khái niệm hóa đã đành, mà cả giá trị thao tác cũng không rõ ràng. Đó chính là sự chập chờn trong câu nói “Phong cách chính là người” của Buy-phông: Nó tạo cho những người đọc cho ta nhiều cách nhìn nhận riêng. Đó là sự tinh tế và óc sáng tạo khi nhìn nhận vấn đề của Buy-phông.
Dĩ nhiên, không phải công trình nghệ thuật nào cũng có phong cách. Một tác phẩm chỉ có phong cách khi nó đạt được tính cấu trúc, tức có sự thống nhất hữu cơ của các bộ phận trong một chỉnh thể. Bởi vậy, chỉ cần biết một bộ phận là có thể suy ra cái toàn thể, như lý thuyết toàn đồ đã chứng minh. Chính vì phong cách là một phạm trù chất lượng, nên trong nghệ thuật có được phong cách là một hiện tượng rất quý. Và, vì thế, không phải tác giả nào cũng có phong cách, thể loại nào cũng có phong cách và thời đại nào cũng có phong cách.
Chính từ đó, mỗi học sinh chúng ta, nhìn nhận từ câu nói của Buy-phông, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần tập riêng cho mình thói quen nhìn nhận và đánh giá mọi vấn đề trong cuộc sống một cách rõ ràng, tinh tế. Đồng thời cần không ngừng trau dồi vốn từ và sử dụng nó một cách linh hoạt. Đó chính là điều kiện dần cần và đủ để ta đã hình thành trong mình một phong cách nhỏ, nơi thể hiện cái tôi cá nhân của ta trong cuộc sống.
“Phong cách chính là người” – Buy-phông đã cho ta một nhận định sâu sắc, một bài học khi ta bước vào cuộc sống. Riêng tôi, nỗ lực để tạo riêng cho mình một phong cách, một cá tính sẽ là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống!