Nghị luận về câu “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống’, Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói: “Ta không được chọn nơi mình
Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”, sẽ vô cùng hữu ích trong quá trình ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Tài liệu gồm dàn ý và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”, mời các em học sinh cùng tham khảo.
Xem Tắt
Dàn ý nghị luận về câu nói
I. Mở bài
Giới thiệu về câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”.
II. Thân bài
1. Giải thích
– “Nơi mình sinh ra”: chỉ xuất thân của mỗi con người (bố mẹ, gia đình, quê hương)
– “Không được chọn”: không có quyền chủ động lựa chọn, phụ thuộc vào sự sắp đặt của số phận.
– “Cách mình sẽ sống”: cách ứng xử với cuộc đời của bản thân.
– “Được chọn”: có quyền chủ động, tự lựa chọn điều mà bản thân mong muốn.
=> Con người khi sinh ra không thể lựa chọn cho mình vạch xuất phát điểm ban đầu (nguồn gốc, xuất thân) nhưng lại có thể lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với bản thân để trở thành một người có ích, thành công.
2. Chứng minh
* Ta không chọn được nơi mình sinh ra:
– Mỗi người đến với cuộc đời sự một sự sắp đặt kỳ diệu của số phận, không ai lựa chọn được bố mẹ là ai, gia đình như giàu có hay nghèo khổ, quê hương ở đâu…
– Đôi khi con người đến với cuộc đời phải chịu những khiếm khuyết mà bản thân không mong muốn: những người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam, những căn bệnh bẩm sinh…
=> Tất cả đều xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, con người không thể thay đổi được.
* Ta được lựa chọn cách sống:
– Nhân cách, đạo đức của một con người có thể được định hình và thay đổi theo thời gian.
– Khi con người được định hướng và lựa chọn một lối sống đúng đắn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và thành công hơn.
– Khi con người bị ảnh hưởng hay lựa chọn một lối sống lệch lạc, sai trái thì cuộc đời sẽ đối mặt với thất bại.
3. Bình luận
– Câu nói muốn hướng con người đến một cách sống tích cực, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh.
– Mỗi người hãy tự ý thức lựa chọn cách sống lạc quan, biết cống hiến và hưởng thụ để trở thành người có ích cho xã hội.
– Liên hệ bản thân: học sinh cần lựa chọn lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
III. Kết bài
– Câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn.
– Để lại cho mỗi người những bài học sâu sắc.
Ta được chọn cách mình sẽ sống – Mẫu 1
Cuộc đời của mỗi người giống như một cuốn tiểu thuyết, không ai giống ai. Cũng giống như câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống”. Câu nói trên đã để lại trong chúng ta nhiều suy tư sâu sắc.
Trước hết cần hiểu được “nơi mình sinh ra” chỉ hoàn cảnh xuất thân của mỗi người (bố mẹ, gia đình, quê hương…). Và chúng ta thì “không được chọn” có nghĩa là không có quyền chủ động lựa chọn, điều này phải phụ thuộc vào sự sắp đặt của số phận. Nhưng những yếu tố đó hoàn toàn là khách quan, không thể quyết định trực tiếp đến tương lai của mỗi người. Còn “cách mình sẽ sống” là cách ứng xử với cuộc đời của bản thân. “Được chọn” là có quyền chủ động quyết định điều mà bản thân mong muốn. Như vậy, câu nói trên khẳng định rằng con người khi sinh ra không thể lựa chọn cho mình vạch xuất phát điểm ban đầu (gốc gác, xuất thân) nhưng lại có thể lựa chọn cách sống sao cho phù hợp để trở thành một người có ích.
Mỗi người đến với cuộc đời là một sự sắp đặt kỳ diệu của số phận. Không có một ai được tự lựa chọn bố mẹ của mình là ai, gia đình của mình giàu có hay nghèo khổ, quê hương của mình ở đâu. Có đôi lúc, con người đến với cuộc đời còn phải chịu những khiếm khuyết chính họ không hề mong muốn. Đó có thể là người khuyết tật, hay những nạn nhân chất độc màu da cam, những người mắc phải những căn bệnh bẩm sinh… Chẳng có một ai không muốn mình là một người bình thường. Và họ đã phải chịu đựng điều đó ngay từ khi mới sinh ra. Tất cả đều xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, không thể thay đổi.
Nhưng có nhiều thứ trong cuộc đời mà con người có thể lựa chọn. Một trong những thứ đó chính là cách sống. Nhân cách, đạo đức của một con người có thể được định hình và thay đổi theo thời gian. Khi con người được định hướng và lựa chọn một lối sống đúng đắn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và thành công hơn. Chắc hẳn chúng ta không ai không biết đến cái tên Đỗ Nhật Nam. Cậu bé được mệnh danh là thần đồng khi còn rất nhỏ tuổi. Nhiều người cho rằng chính vì được sống trong một môi trường tốt (bố mẹ đều là giảng viên đại học) nên cậu mới giỏi giang và tài năng như vậy. Không thể phủ nhận đó là một yếu tố làm nên sự thành công. Nhưng quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào chính việc lựa chọn cách sống của bản thân. Nếu như bản thân Đỗ Nhật Nam không tự ý thức được con đường mình sẽ bước đi và lựa chọn điều đúng đắn thì sự định hướng của bố mẹ sẽ chẳng còn tác dụng. Khi con người bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc quyết định lựa chọn một lối sống lệch lạc, sai trái thì cuộc đời sẽ chỉ đối mặt với thất bại và đau khổ. Trong xã hội ngày nay, nhiều bạn trẻ lựa chọn lối sống thực dụng, chạy theo những ham muốn về vật chất. Họ không chịu cố gắng trau dồi kiến thức cũng như phẩm chất đạo đức. Cách sống như vậy sẽ chỉ khiến tương lai phía trước trở nên xấu xí hơn.
Như vậy, câu nói trên muốn hướng con người đến một cách sống tích cực, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh. Chúng ta có thể khác nhau ở điểm xuất phát nhưng trên con đường bước đến đích của thành công, không có dấu chân của những kẻ lười biếng hay tự ti chỉ vì hoàn cảnh sống của mình. Mỗi người hãy tự ý thức lựa chọn cách sống lạc quan, biết cống hiến và hưởng thụ để trở thành người có ích cho xã hội. Đối với một học sinh như tôi, tôi luôn cảm thấy tự hào về gia đình. Tuy rằng không sống trong một cuộc sống giàu có nhưng tôi luôn lấy đó làm động lực để phấn đấu cho cuộc sống tương lai. Tôi lựa chọn cho mình cách sống cống hiến: nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức và nâng cao kỹ năng mềm để trở thành một phiên bản tốt hơn. Từ đó, đem sức lực của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Qua phân tích, có thể thấy câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Cuộc sống có hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Ta được chọn cách mình sẽ sống – Mẫu 2
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng: “Nếu có thể lựa chọn, hãy chọn những thứ tốt nhất; Nếu không có lựa chọn, vậy hãy cố gắng làm thật tốt”. Cũng đồng quan điểm với câu nói trên, câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” đã đem đến cho chúng ta nhiều bài học quý giá về sự lựa chọn trong cuộc sống.
Mỗi người sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh sống riêng. Chẳng ai có thể tự vẽ ra cho bản thân rằng bố mẹ của ta sẽ là ai, gia đình của ta sẽ như thế nào, quê hương nơi ta sinh sống ở đâu. Xuất thân chính là điều mà con người không có quyền được lựa chọn. Nhưng con người có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Lựa chọn làm một người có ích, biết vượt lên trên mọi khó khăn nghịch cảnh. Hay chỉ làm một người tự ti, mặc cảm với xuất thân và coi đó là nguyên nhân để bản thân tìm đến với con đường sai trái? Con người có quyền lựa chọn họ sẽ trở thành ai trong xã hội này.
Hãy kể đến những cái tên nổi tiếng trên thế giới. Họ chính là những tấm gương điển hình cho câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Abraham Lincoln – tổng thống thứ 16 của nước Mỹ – là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người thành công. Ông cũng xuất thân từ gia đình nghèo khổ, khó khăn và thiếu thốn đủ điều. Cha mẹ Lincoln cũng là những nông dân thất học và mù chữ. Bản thân ông cũng không được đến trường thường xuyên. Năm 21 tuổi, ông phải đánh xe bò và bắt đầu cuộc đời tự lập cho chính mình. Sau một thời gian trải qua nhiều nghề nhưng thất bại, ông phát hiện ra mình thích ngành luật. Vào năm 1836, ông đậu kỳ thi trở thành luật sư và bắt đầu hành nghề. Cuộc đời của A. Lincoln từng gặp phải nhiều thất bại nhưng ông chưa bao giờ lựa chọn từ bỏ bản thân. Sau mỗi thất bại, bài học rút ra được luôn nhiều hơn những gì mất đi. Hay như Albert Einstein – một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại. Ông được coi là khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 với những phát minh, khám phá diệu kỳ làm thay đổi nền văn minh nhân loại. Ít ai biết rằng, từ khi còn nhỏ, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí là phát triển trí tuệ rất chậm. Ông không thể nói cho đến lúc lên bốn và chỉ đọc được mặt chữ khi lên bảy. Cha mẹ, giáo viên cùng những người xung quanh đều cho rằng ông bị thiểu năng và không thể hòa nhập cùng xã hội được. Trong quãng thời gian đi học, ông rất sợ phải đến trường chỉ vì những lời trêu đùa của bạn bè. Thế nhưng nhờ sự động viên rất lớn của mẹ, ông dần khắc phục được khuyết điểm, tự tin hơn. Cũng từ đó, ông nhận ra giá trị của bản thân và lựa chọn cho mình cách sống một cuộc đời ý nghĩa. Rõ ràng, những con người trên, họ không có một xuất phát điểm tốt. Nhưng chính nhờ vào việc lựa chọn cách sống đúng đắn cho bản thân mà họ đã trở thành những người không chỉ thành công trong lĩnh vực của mình mà còn được toàn thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
Ngược lại, không ít người trong xã hội lựa chọn cách sống phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhiều người sống trong hoàn cảnh nhung lụa, có cuộc sống đầy đủ thì chỉ biết hưởng thụ, không chịu cố gắng rèn luyện. Nhiều người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khổ thì lại cảm thấy tự ti về xuất thân của mình. Họ luôn lấy hoàn cảnh để biện minh cho những lựa chọn sai trái. Những cô gái chỉ vì muốn đổi đời mà quyết định lấy chồng nước ngoài dù chưa cả hai chưa từng gặp mắt cũng chẳng có tình yêu. Nhiều người chỉ vì muốn có cuộc sống giàu sang mà sẵn sàng làm chà đạp lên tính mạng người khác. Những thanh niên sa ngã vào tệ nạn xã hội… Quả thật, con người cần phải tránh xa lối sống đó.
Còn đối với một học sinh như tôi là thế hệ tương lai của một đất nước. Tôi tự nhủ bản thân luôn cảm thấy biết ơn bố mẹ đã ban cho tôi sinh mệnh này, cố gắng đem lại cho tôi những điều kiện tốt đẹp nhất. Để từ đó, trên đường đời phía trước, tôi có thể tự mình lựa chọn một cách sống ý nghĩa.
Như vậy, câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” đã đem đến cho chúng ta một bài học nhận thức đầy quý giá. Lựa chọn nào cũng luôn khó khăn, nhưng hãy lựa chọn để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Ta được chọn cách mình sẽ sống – Mẫu 3
Có ai đó đã từng nói rằng: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Quả vậy, con người không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng lại có quyền lựa chọn cách mình sống.
“Nơi mình sinh ra” chỉ xuất thân của mỗi người (bố mẹ, gia đình, quê hương). Và chúng ta thì “không được chọn” có nghĩa là không có quyền chủ động lựa chọn, mà phải phụ thuộc vào sự sắp đặt của số phận. Những yếu tố đó hoàn toàn là khách quan, không thể quyết định trực tiếp đến tương lai của mỗi người. Còn “cách mình sẽ sống” là cách ứng xử với cuộc đời của bản thân. “Được chọn” là có quyền chủ động quyết định điều mà bản thân mong muốn. Như vậy, câu nói trên khẳng định rằng con người khi sinh ra không thể lựa chọn cho mình vạch xuất phát điểm ban đầu (gốc gác, xuất thân) nhưng lại có thể lựa chọn cách sống sao cho phù hợp với bản thân để trở thành một người có ích, thành công.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện nọ. Có một cậu bé mới chỉ mười tuổi đã mất đi cánh tay trái của mình trong một vụ tai nạn. Cậu rất yêu thích môn võ Judo và quyết định đăng ký lớp học của một võ sư người Nhật.
Trong suốt ba tháng học đầu tiên, thầy giáo chỉ dạy cho cậu một thế võ duy nhất. Vì quá thắc mắc về điều đó, cậu bé hỏi thầy:
– Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?
Người thầy trả lời:
– Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.
Vì con nhỏ nên không hiểu hết ý nghĩa trong câu nói của thầy nhưng cậu vẫn tiếp tục kiên trì học tiếp.
Nhiều tháng sau, cậu được thầy giáo đưa đến tham dự một cuộc thi đấu. Hai trận đầu tiên diễn ra với thắng lợi khá dễ dàng khiến cậu rất ngạc nhiên. Đến trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, khi đối phương đã mất kiên nhẫn. Cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ mà mình được học và giành chiến thắng. Cậu bé ghi danh mình vào trận chung kết.
Ở trận chung kết, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và có nhiều kinh nghiệm. Trận đấu vừa bắt đầu thì đối phương đã liên tiếp tung ra những thế đánh áp đảo. Sang đến hiệp thứ hai, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn. Chiến thắng đã gọi tên cậu bé nọ.
Trên đường về nhà, cậu thu hết can đảm hỏi thầy điều thắc mắc bấy lâu nay:
– Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?
– Con chiến thắng vì hai lý do. Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại.
– Mà con lại không có tay trái?
Vậy là đôi khi một điểm yếu của bản thân lại dễ dàng trở thành điểm mạnh. Quan trọng là cách chúng ta đối diện với điều đó và biết cách biến đó thành lợi thế của chính mình.
Như vậy, “Ta không thể lựa chọn nơi mình sinh ra” hiểu rộng ra có nghĩa là con người không thể lựa chọn được những điều sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Tất cả những khó khăn nghịch cảnh đều là những yếu tố khách quan đã xảy ra và không thể thay đổi được. Nhưng “ta được lựa chọn cách mình sẽ sống”, đó là có thể lựa chọn cách đối mặt với những nghịch cảnh ấy, lựa chọn con đường sẽ bước đi để trở thành ai trong thế giới rộng lớn này. Trong “Thép đã tôi thế đấy”, nhân vật Paven đã từng nói: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”. Câu nói trên đã khẳng định lựa chọn về cách sống của nhân vật Paven – đó là cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trở về với mảnh đất Việt Nam kiên cường, trong suốt những năm tháng chiến tranh, cả một thế hệ trẻ cùng chung một lựa chọn – họ đã sống và cống hiến cho đất nước. Họ lựa chọn ra đi với tinh thần: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Còn trong hôm nay, khi đất nước đang phải đối đầu với đại dịch Covid – 19, không ít người đã lựa chọn cách sống cao đẹp. Hàng trăm sinh viên y khoa ghi danh lên tuyến đầu chống dịch, hàng trăm chiến sĩ bộ đội phải ngày đêm canh giữ vùng biên giới… Họ là những con người đã đem tên mình ghi danh vào cuộc đời đầy ý nghĩa.
Là một học sinh, tôi luôn ý thức được về việc lựa chọn cách sống. Tôi lựa chọn cho mình cách sống cống hiến: nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức và nâng cao kỹ năng mềm để trở thành một phiên bản tốt hơn trong tương lai. Từ đó, đem sức lực của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tóm lại, câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” đã để lại cho mỗi người bài học sâu sắc. Mỗi người hãy lựa chọn cho mình một cách sống đúng đắn để cuộc đời trở nên ý nghĩa.