Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội, Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội, chúng tôi hi vọng đây sẽ là tài liệu giúp
Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại chính vì vậy xuất hiện một số người bên ngoài thì đối xử tốt với mọi người nhưng bên trong lại làm nhiều điều không tốt đẹp và chúng ta thường gọi là nhân cách giả.
Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội là tài liệu được chúng tôi chọn lọc từ những bài văn hay của các bạn học sinh giỏi văn trên toàn quốc. Tài liệu này là những bài văn mẫu nghị luận về nhân cách giả trong xã hội, mời các thầy cô và các bạn cùng tham khảo.
Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội – Mẫu 1
Mạng sống con người đang bị đe dọa từng ngày bởi những vấn đề toàn cầu như chiến tranh, bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, vấn đề dân số,… nhưng đó chưa phải là tất cả vì hiện nay vấn đề về nhân cách con người đang đặt ra một câu hỏi lớn cho xã hội. Đó là những lo lắng về nhân cách giả trong xã hội hiện đại, con người trở nên giả dối, che giấu đi bản chất thật của mình thay vì đối diện với sự thật và từng bước sửa chữa để hoàn thiện bản thân.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề, trước tiên chúng ta phải hiểu về khái niệm nhân cách. Vậy nhân cách là gì, tại sao con người lại trở nên giả dối trong nhân cách của chính bản thân họ? Thứ nhất nhân cách là cái riêng biệt của bản thân mỗi người, là phẩm chất, lối sống, tư tưởng của mỗi người. Nhân cách con người cũng bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và môi trường sống, thế nhưng cũng có những người vẫn giữ được phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy phải chăng nhân cách của mỗi người là do bản thân họ quyết định. Đúng vậy, không có ai có thể bắt bạn trở thành tội phạm, không ai khiến bạn rơi vào con đường tội lỗi. Con người thường đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến họ thay đổi, họ bắt buộc phải thay đổi để thích nghi nhưng tự bản thân họ có thể chọn hướng đi cho mình cơ mà, ai cũng có những cách giải quyết vấn đề khác nhau vậy nên mới có những người đáng kính và những kẻ đáng khinh. Và trong xã hội ngày nay câu chuyện về những kẻ nhân cách giả không thiếu.
Người ta thường nói nên phát huy điểm mạnh và cải thiện những điểm còn yếu kém thế nhưng với một số người dường như họ lại nhầm lẫn về điểm mạnh của bản thân họ. Nhiều người có tài ăn nói và bắt đầu đi tiếp thị sản phẩm. Thay vì bán sản phẩm tốt và chất lượng cho người tiêu dùng, họ lại dùng tài ăn nói của mình để bù đắp cho phần chất lượng yếu kém. Rồi đến khi nhiều người biết được chiêu trò lừa bịp ấy thì họ lại di chuyển đến những vùng nông thôn kiến thức hạn hẹp. Họ tự tâng bốc sản phẩm của mình, nào là cho dùng thử, mua một tặng một thế nhưng đằng sau những lời ngon ngọt đầy uy tín ấy lại là bộ mặt của kẻ xảo trá lừa gạt những người dân nghèo khó.
Nhưng thế chưa đủ, xã hội ngày nay vẫn có những kẻ muốn ăn không của người khác. Bên ngoài giả bộ tri thức, là con người với nhân cách cao cả thế nhưng khi lột lớp mặt nạ da người ấy ra lại toàn giả dối. Nhiều kẻ vì lòng tham sinh trộm cắp, cướp của giết người, nhiều kẻ máu lạnh cướp đi mạng sống của những người vô tội mà chẳng chút động lòng hay ghê tay. Chúng chẳng hay nghĩ đến nỗi mất mát tột cùng của những người kém may mắn bị chúng tước đi mạng sống, chẳng ai trên đời xứng đáng có cái quyền phán xét hay tước đoạt đi hạnh phúc của người khác và tuyệt nhiên không kẻ nào có quyền cướp đi mạng sống của một con người khỏe mạnh. Chúng ta đều là con người, chúng ta may mắn sinh ra đầy đủ các bộ phận thế sao lại có những kẻ muốn ăn không của xã hội, sao không lao động để làm giàu cho xã hội và cho bản thân mình. Đồng tiền lương thiện bằng chính sức lực của mình chẳng phải tốt hơn hay sao?
Lại kể đến câu chuyện của những người kém may mắn vì chất độc hay một nguyên do nào đó mà cơ thể thiếu sót trở thành người khuyết tật. Bản thân họ đã chẳng may mắn gì, vậy thay vì chế giễu và phân biệt đối xử với họ như nhiều người thường hay làm thì tại sao chúng ta không có nhiều hoạt động bổ ích và thiết thực hơn để họ có thể hòa nhập với cộng đồng và xoa dịu mặc cảm, nỗi đau trong họ. Người ta kém may mắn trở nên khuyết tật hay chẳng may mất đi khả năng lao động phải đi ăn xin đã đành vậy mà trong xã hội lại có những người lợi dụng lòng thương của người khác để kiếm tiền. Nhiều kẻ giả vờ khuyết tật, khó khăn để lừa gạt kiếm tiền, nhiều kẻ tinh vi hơn thì mang danh nghĩa từ thiện để vận động quyên góp rồi bỏ túi riêng để rồi sau này khi người ta muốn làm việc tốt, muốn đóng góp cho xã hội thì lại e ngại, chần chừ vì sợ lừa gạt, bởi xã hội có quá nhiều kẻ lừa đảo, nhân cách giả.
Chúng ta thường hay tự hào về đội ngũ tri thức của mình, thế nhưng bây giờ liệu chúng ta có còn cái tự tin ấy nữa? Bởi chăng học không giỏi cũng có thể thành giỏi, việc gì không mua được bằng tiền sẽ có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Chắc các bạn cũng đã nghe báo đài nói về vụ việc gian lận thi cử của cả một tỉnh ở nước ta. Từ những học sinh hết sức tầm thường và học kém thế nhưng qua bàn tay của những cán bộ “nhiệt huyết” và “đầy trách nhiệm” thì chỉ sau đợt chấm thi, các sĩ tử của chúng ta đã được hô biến trở thành những thủ khoa với thành tích đáng nể. Và đáng nể hơn cả là khi sự thật được phơi bày thì có nhiều thủ khoa lại chưa đủ điểm tốt nghiệp, tại sao đối với những việc giả dối, con người ta lại trở nên nhanh nhạy đến vậy? Chúng ta thường không hay quan tâm đến quá trình và chỉ quan trọng đến kết quả, vậy nên đa số cố gắng đều được đánh giá qua điểm số, điều này gây áp lực đến rất nhiều bạn học sinh, và đặc biệt cũng vì điểm số mà bao nhiêu câu chuyện thương tâm đã xảy ra với những tâm hồn nhỏ bé.
Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội – Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển không ngừng với hàng loạt những dự án, những công trình kiến trúc kĩ thuật, những khoa học kĩ thuật hiện đại tiên tiến…tất cả đều đang gia tăng một cách chóng mặt, nhu cầu của con người về cả mặt vật chất lẫn tinh thần ngày càng cao… Cuộc sống ngày càng phát triển nhưng đồng hành với nó là con người ngày càng xuống cấp. Chúng ta đang bị tha hóa dần nhân phẩm, tính cách tốt đẹp ngay trong chính cuộc sống mà chúng ta gọi nó là cuộc sống hiện đại, cuộc sống tốt đẹp…
Xưa nay người ta vẫn chỉ quen nghe với cụm từ tha hóa nhân phẩm trong các tác phẩm văn học của Nam Cao, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Tất Tố… Đó là sự tha hóa của con người trong xã hội xưa khi mà cái đói đang hoành hoành , người ta chen nhau, xô đẩy nhau để giành lấy miếng ăn. Chính cái đói và miếng ăn đã biến những người nông dân lương thiện kia trở thành những con người thủ đoạn, bần tiện, xấu xa bỉ ổi… Còn trong cuộc sống hiện đại này tìm đâu ra một người phải sống trong cái đói, phải tranh giành từng miếng ăn? Rất hiếm. Người ta vẫn thường nghĩ chỉ có cái đói mới làm con người ta tha hóa đi nhưng đâu ai đặt ra vấn đề rằng chính chúng ta- những con người hiện đại của cuộc sống hiện đại với cuộc sống đầy đủ ấm no đang bị tha hóa dần, tha hóa mòn? Sự tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại thậm chí còn tồi tệ, xấu xa hớn cả sự tha hóa của những người nông dân trong xã hội xưa.
Sự tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại chính là sự tha hóa về nhân cách làm người, suy thoái về đạo đức, cách sống và lối sống. Tha hóa về nhân cách là vấn đề lớn dường như ai cũng biết nhưng lại chẳng có mấy người chịu chấp nhận rằng mình đang dần bị tha hóa và cũng chẳng có mấy ai đứng lên chống lại sự tha hóa ấy. Họ mặc nhiên thừa nhận và tiếp tục sống một cách bình thường như thể đó là một quy luật tất nhiên, thiết yếu của tự nhiên hay là cho rằng nó chẳng ảnh hưởng và cũng chẳng liên quan tới mình… Cả thế giới họ vẫn sống như vậy cớ gì mình phải đứng lên thay đổi chuyện được cả thế giới chấp nhận? Và thế là chúng ta vẫn từng ngày sống trong sự tha hóa, trong những đạo đức giả, con người giả… Vấn đề tha hóa nhân cách không chỉ tồn tại ở các tầng lớp trẻ mà tồn tại ở hầu khắp mọi tầng lớp, mọi nơi, mọi người. Sự tha hóa đấy đang ngày càng đi sâu vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nếp sống văn hóa của người Việt. Nếu một ngày nào đó cả xã hội này tồn tại trong sự tha hóa, bê tha, thối nát, chẳng nhẽ ta vẫn mặc nó mà sống bình yên như vậy sao? Không thể nào!
Sự tha hóa trong nhân cách của con người tồn tại nhiều nhất ở các tầng lớp trẻ, học sinh, sinh viên… Đó là những người trí thức, có ăn học, được giáo dục đoàng hoàng nhưng lại chính là những người tha hóa nhất, mất nhân tính nhất. Những câu chửi tục, những lời nói thiếu văn hóa, những đoạn clip học sinh đánh nhau, chửi nhau… không khó để tìm kiếm trên các trang mạng xã hội hay trên chính những con đường, góc phố ngay nơi bạn ở. Những lời nói vô lễ, thiếu văn hóa ấy chúng ta vẫn phải nghe hàng ngày. Nó truyền tai từ người này qua người khác nhưng chẳng ai bảo gì. Tất cả đều thờ ơ, mặc nhiên công nhận những lời nói vô giáo dục đó. Bây giờ để tìm một học sinh gương mẫu, không văng tục, chửi bậy quả thực là rất khó. Ban đầu chỉ là một người, một nhóm nói tục sau đó giới trẻ nhanh chóng bắt kịp “trào lưu” này và rồi ai cũng có thể văng tục bất cứ câu gì, ở bất cứ đâu, trên đường cái, trong lớp học, ở nhà… Trước kia người Việt ta tự hào về sự giàu có và trù phú của Tiếng Việt bao nhiêu thì ngày nay lại xấu hổ, tự ti bấy nhiêu. Sự trong sáng và giàu có của tiếng việt đang bị giới trẻ làm mất dần và ngày càng suy thoái. Không chỉ ngôn ngữ bị suy thoái mà cả hành động và suy nghĩ cũng đang bị tha hóa. Đó là sự vô tâm, mất nhân tính của các bạn trẻ. Họ khinh bỉ trước những cái xấu, họ chế nhạo những người già chân tay lụ khụ chống gậy bước qua đường, họ cười chê những bạn học có ngoại hình xấu, nhà nghèo, quần áo cũ rách… Họ thờ ơ, vô tâm những những mảnh đời đang phải sống một cuộc sống lay lắt khó khăn, phớt lờ những lời cầu xin, giúp đỡ của người khác. Họ bênh vực cho cái xấu, họ lấy những việc tốt ra làm trò hề, làm cái để mua vui cho họ. Trong xã hội này, giới trẻ lấy cái đẹp làm chuẩn mực cho mọi cái khác, chỉ cần bề ngoài đẹp thì bên trong dù có thối nát thế nào cũng vẫn được người ta ca ngợi, bênh vực. Còn những người xấu dù có tốt đến thế nào vẫn không thể thay đổi cái xấu trong mắt người khác. Lối nghĩ tiêu cực đó dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của giới trẻ, làm sói mòn tha hóa đi những suy nghĩ tốt đẹp. “Một người nghệ sĩ thật sự là người nhìn thấy cái đẹp của những người xấu.” Đúng vậy. Một con người thực sự sẽ không nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá một con người. Họ phải tìm hiểu, phải mở hồn mình đón nhận những suy nghĩ, rung cảm của người khác, phải thoát khỏi những suy nghĩ phàm tục, tầm thường mới xứng đáng làm một người nghệ sĩ. Nhưng giới trẻ thì không làm được như vậy. Đặc biệt bệnh vô cảm ở giới trẻ đang ngày càng nghiêm trọng. Họ thờ ơ với tất cả, coi đó không phải là việc của mình, không muốn trút thêm phiền phức cho bản thân. Họ sẵn sàng bỏ thời gian của mình vào những trò chơi vô bổ chứ không bao giờ chịu bỏ ra dù chỉ một phút để giúp đỡ những người xung quanh họ. Thờ ơ, vô tâm đến lạnh lùng đáng trách! Không khó để thấy những đoạn clip đánh nhau của học sinh với một đám đông đứng ngoài vây quanh xem rồi cổ vũ, khích lệ. Thực sự họ không cảm thấy xót thương trước những cú đấm đầy bạo lực này sao? Thực sụ họ không cảm thấy trái với lương tâm, phẩm chất của mình sao? Không hề có một ai như vậy. Họ chứng kiến vụ việc một cách thản thiên đầy phấn khích. Họ lấy những cuộc bạo lực học đường đó là những cuộc hài mua mui cho họ. Họ đâu có quan tâm đến người trong cuộc là ai, họ đâu có quan tâm người trong cuộc thế nào… Những nếp sống quan điểm đó cứ hàng ngày tồn tại trong học đường, càng ngày càng suy thoái, càng ngày càng xuống cấp.
Nói về sự xói mòn đạo đức của con người chắc người ta sẽ nghĩ đến ngay một số tầng lớp giới trẻ, học sinh ngày nay. Nhưng trong xã hội hiện đại này đâu phải chỉ có giới trẻ mới bị tha hóa nhân phẩm? Chính những người lớn tuổi, đầu hai màu tóc cũng đang bị tha hóa dần, tha hóa mòn. Bằng những là những vụ giết người, cướp giật… Cùng là con người với nhau cùng sống trong một xã hội vậy mà họ cũng có thể giết chết một mạng người, cướp đi sự sống của một con người. Họ không cảm thấy hối hận, day dứt với lương tâm của mình sao? Họ không cảm thấy sợ hãi khi chính mình đã giết chết đồng loại của mình sao? Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, có hệ thống pháp luật, giáo dục đoàng hoàng nhưng nhân cách của con người lại không bằng một phần của xã hội xưa. Khi chiến tranh vẫn còn đang xảy ra, cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, tuy cuộc sống của con người vẫn còn nghèo khó nhưng vẫn giữ được nhân cách cao đẹp. Trong thời chiến, con người đùm bọc nhau, yêu thương nhau cùng chống lại quân giặc. Tình yêu thương cao cả giữa con người với con người đó đã trỗi dậy tinh thần đoàn kết kháng chiến của cả dân tộc. Và chính các nước trên thế giới cũng phải công nhận tình thương của dân tộc Việt Nam. Đó là một truyền thống tốt đẹp, tồn tại lâu đời của người Việt. Nhưng trong xã hội hiện đại hóa này, tình thương ấy lại đang bị suy giảm một cách nhanh chóng. Người ta sẵn sàng hãm hại nhau, lừa dối nhau thậm chí là giết người để đạt được mục đích của mình. Con người ngày nay coi cái tôi là tất cả, lấy cái tôi của mình chà đạp lên cái tôi của người khác một cách tàn nhẫn và độc ác. Dường như tình thương giữa người với người ấy đã mất thật rồi!
Sự tha hóa về nhân cách của con người có thể nói là một hiện tượng, “trào lưu” người này truyền qua người khác rồi lan rộng ra cả xã hội. Nguyên nhân của sự tha hóa cũng là một vấn đề được nhiều người bàn cãi, tranh luận. Có người cho rằng đó là do giáo dục của xã hội, do pháp luật của nhà nước chưa nghiêm. Có người cho rằng do ý thức, suy nghĩ không chín chắn của từng cá nhân. Cũng có người trách gia đình đã không khuyên bảo mỗi người làm người thiện người đúng đắn và còn rất nhiều ý kiến khác nữa. Suy cho cùng nếu giáo dục của xã hội có tốt đến đâu mà mỗi cá nhân không tự ý thức được đâu là việc tốt, đâu là việc xấu thì cũng chẳng thể giúp ích được gì. Vì vốn dĩ xã hội này không bao giờ hết được những điều xấu, những con người xấu, những hành vi xấu và những đạo đức xấu.
Nghị luận về nhân cách giả trong xã hội – Mẫu 3
Nhân cách, phẩm giá là vô cùng quý báu, không có ngọc lụa, vàng bạc nào mua được. Nếu chúng ta tự hủy hoại nhân cách, phẩm giá của mình, đánh mất bản thân mình thì có khác gì coi mình là đồ vật, là thương phẩm mang ra chợ bày bán.
Phần đông trong chúng ta, dù vị thế xã hội có khác nhau, nhưng đều có lòng tự trọng, luôn luôn rèn luyện đạo đức, giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình, biết vươn lên trong cuộc sống, ngẩng cao đầu trước đồng loại. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “mài sắt nên kim”, “Ngọc kia có giũa có mài. Mới thành hữu dụng, kẻo hoài ngọc đi” – là những bài học mà chúng ta đã khắc sâu trong lòng để rèn luyện nhân cách, nâng cao phẩm giá của mình. Càng khôn lớn lên, càng trưởng thành, mỗi người trong chúng ta càng cảm thấy được sống bình đẳng với mọi người bằng lòng tự trọng, bằng nhân cách, phẩm giá trong sạch của mình và coi đó là điều hạnh phúc nhất của đời mình.
“Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” là tâm thế cao đẹp của các bậc sĩ quân tử xưa nay. Tô Hiến Thành đời Lí, không vì ngọc lụa mà thay đổi di chiếu của Tiên đế, một gương sáng để lại cho muôn người và muôn đời mai sau.
Trần Bình Trọng vẫn hiên ngang trước lưỡi gươm và lời đường mật của lũ giặc Mông Nguyên, một lòng một dạ nêu cao lòng trung nghĩa sắt son: “Ta thà làm quỷ nước Nam quyết không thèm làm vương đất Bắc”. Sử sách đã ghi lại và ngợi ca bao tấm gương sáng của các bậc danh sĩ suốt đời giữ trọn phẩm giá, thanh danh của mình.
Mỗi lần nghĩ đến phẩm giá, nhân cách, tôi lại nhớ đến những vần thơ “tự khuyên mình’’ cùa Bác Hồ trong tập Nhật kí trong tù:
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần,
Qua đó, ta càng thấm thía bài học tự rèn luyện nhân cách, phẩm giá để “ngọc càng mài cùng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Tôi thường tự hỏi: Tại sao. người ta không lấy tên những kẻ như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Lê Hoan, Phạm Quỳnh,… mà đặt tên trường, tên đường phố? Tại sao Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… lại được nhân dân ta ngường mộ, ngợi ca?
Lao động cần cù để ấm no. Đem tài trí đua tranh với đời, để phục vụ nhân dân, góp phần làm cho đất nước phồn thịnh, hùng cường. Kinh doanh làm giàu, để phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt của quê hương… Đó là những việc làm tốt đẹp, những gương sáng được xã hội tôn vinh.
Trái lại, những kẻ vì tham vọng vật chất mà đánh mất bản tính của mình, mà làm điều phi nghĩa, sa chân vào vòng lao lí, gông cùm. Cái bả lợi danh đã làm cho không ít người bị choáng, đúng là “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Những quan lại tham nhũng, những cán bộ, đảng viên tham ô bị tố cáo, bị tù tội, những kẻ cướp của giết người mà đài, báo từng vạch mặt, chỉ tên… càng cho ta thấy việc giữ gìn nhân cách, phẩm giá là việc quan trọng.
Phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình như bảo vệ con ngươi đôi mắt của mình. Chữ hiếu, chữ trung, chữ cần kiệm, trung thực, lương thiện – là những điều mà mồi chúng ta nên biết, nên tu dưỡng.
Ông nội tôi trước lúc qua đời chi có một mảnh vườn, một căn nhà cấp bốn để lại, nhưng đã nhắc đi nhắc lại, thiết tha căn dặn cha mẹ tôi, anh chị em tôi là phải biết học lấy điều hay, tốt đẹp của thiên hạ, mà giữ lấy nếp nhà, giữ lấy nhân cách, phẩm giá, để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cho đến nay, cha mẹ tôi, anh chị em tôi vẫn khắc cốt ghi tâm lời ông tôi dạy bảo. Và tôi càng đinh ninh: Nhân cách, phẩm giá là cao quý, người nào có nhân cách cao thượng, có phẩm giá sáng trong, ắt người đó được đồng loại yêu mến, quý trọng, được xã hội tôn vinh.
…………..
Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!