Nghị luận xã hội về sự im lặng đáng sợ của người tốt (Dàn ý + 5 mẫu), Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu
Có bao giờ trong cuộc sống bạn tự hỏi, điều gì là đáng sợ nhất? Chúng ta thường nhắc tới những xấu xa, tệ nạn xã hội. Vậy, ta thử hỏi ngược lại, nếu như trong xã hội này chứa đựng toàn người tốt, nhưng bản thân họ lại im lặng trước mọi sự diễn ra trong cuộc đời? Vậy họ là ai? Trả lời cho câu hỏi này, Martin Luther đã từng đưa ra một nhận định: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt.”
Sau đây Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 12 bài văn mẫu Nghị luận xã hội về sự im lặng đáng sợ của người tốt. Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu được chúng tôi tuyển chọn từ các bài văn hay nhất của học sinh trên cả nước. Ngoài ra các bạn học sinh tham khảo thêm một số dạng bài văn mẫu khác tại chuyên mục Văn 12. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Xem Tắt
- 1 Dàn ý nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt
- 2 Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 1
- 3 Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 2
- 4 Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 3
- 5 Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 4
- 6 Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 5
Dàn ý nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt
Dàn ý chi tiết số 1
I. Mở bài
– Giới thiệu hiện tượng cần bàn: Sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu và căn bệnh cô cảm.
II. Thân bài
* Nêu bản chất của hiện tượng – Giải thích hiện tượng:
– Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên luôn luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Vì thế, ta thấy đau lòng vì hàng ngày, hàng giờ vẫn có những nhiều đáng tiếc xảy ra, chà đạp lên các giá trị.
– Sự im lặng của người tốt là sự im lặng đáng sợ vì đó là phản ứng bất bình thường của người người mà từ trước đến nay ta trân trọng -> bệnh vô cảm
=> Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Ý kiến này khẳng định: sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.
* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
– Thực trạng: hiện tượng khá phổ biến trong xã hội
+ Lời nói, hành động của những kẻ xấu (d/c)
+ Sự im lặng đáng sợ của những người tốt – bệnh thờ ơ, vô cảm
– Nguyên nhân của hiện tượng:
+ Những kẻ xấu, những kẻ kém đạo đức. Chúng làm nhiều việc trái với chuẩn mực đạo đức xã hội chỉ mong vụ lợi cho bản thân, không nghĩ đến người khác, không quan tâm tới tập thể (d/c)
– Trước những bất công, vô lí, điều xấu xa đang xảy ra, trước nỗi đau của người khác… người vô cảm không có phản ứng gì bởi vì họ đã không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Tại sao họ im lặng? Vì họ thấy bất lực. Họ thấy cô độc. Họ mất niềm tin…
* Hậu quả của hiện tượng
– Lời nói, hành động của kẻ xấu, sự thờ ơ vô cảm làm cho xã hội trở nên bất ổn, con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp (d/c)
* Giải pháp khắc phục:
+ Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên …cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.
+ Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu, vô cảm
III. Kết bài:
– Phải nhận thức rõ những việc làm tốt – xấu xung quanh cuộc sống của mình. Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, không có thái độ sống thờ ơ, vô cảm
– Ủng hộ việc làm của những người tốt, có ý thức bảo vệ người khác để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Dàn ý chi tiết số 2
I. Mở bài
– Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận
– Trích dẫn câu nói của Martin Luther King: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”.
II. Thân bài
1. Giải thích
– “Kẻ xấu”: là những kẻ có tâm địa độc ác.
– “Lời nói và hành động của kẻ xấu”: những lời phỉ báng, gièm pha, bôi nhọ, vu oan giá hoạ, những hành động côn đồ hung ác làm tổn hại đến người khác.
– “Người tốt”: người nhân hậu, không làm gì tổn hại người khác…
– “Im lặng”: không hành động, phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu hoặc thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của những người xung quanh.
– “Sự im lặng của cả người tốt”: thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, lạnh lùng, vô cảm của những người vốn nhân hậu, không biết làm những hành động sai trái…. Đây cũng là một cách ứng xử tiêu cực
=> Nội dung câu nói bày tỏ thái độ phê phán với những kẻ có tâm địa độc ác dùng lời phỉ báng, gièm pha, bôi nhọ, vu oan và có những hành động côn đồ hung ác làm phương hại đến những người khác; những người có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những bất công, đau khổ của những người xung quanh.
2. Phân tích
– Đây là câu nói đầy tâm huyết của một người suốt đời phấn đấu vì quyền con người. – Câu nói nêu đúng thực trạng đau lòng đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là thời điểm hiện nay.
– Câu nói cho thấy người nói thấu hiểu sự nghiêm trọng của thực trạng đó với đời sống con người. Vì:
– Những lời vu cáo bịa đặt, những lời mạt sát xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, những lời gièm pha…không chỉ làm tổn thương họ mà cũng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây mất đoàn kết trong tập thể…
– Những hành vi côn đồ độc ác, ném đá giấu tay làm tổn hại tinh thần, thể xác và tài sản của con người, gây tâm lý bất an, hoang mang trong xã hội.
– Thái độ thờ ơ trước những sự việc, những hành động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, trái pháp luật, sự vô cảm của con người khiến cái ác lộng hành thống trị xã hội, người tốt, người đáng thương không được bênh vực sẽ bi quan, chán nản, thiếu niềm tin, đạo đức con người bị băng hoại, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
– Vô cảm, thiếu trách nhiệm trước nỗi đau người khác dần làm mất nhân cách của chính mình, nhân lên căn bệnh vô cảm ở mọi người trong xã hội.
– Câu nói nhắc nhở mọi người hướng đến một lối sống tích cực: sống có trách nhiệm, biết quan tâm chia sẻ với những đau khổ, bất hạnh của người khác cũng như kiên quyết đấu tranh chống lại những hành động làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh, chống lại bệnh thờ ơ, vô cảm.
3. Bài học về nhận thức và hành động
– Bản thân cần nhận thức sâu sắc về sự nguy hại của những lời nói, hành động của kẻ xấu và sự thờ ơ, vô cảm.
– Rèn luyện cho mình lối sống tích cực, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ xấu và lối sống ích kỉ, thiếu trách nhiệm.
III. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận
– Liên hệ thực tế bản thân và bài học rút ra
Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 1
Trong thế giới luôn vận động và thay đổi mỗi ngày, tình cảm, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người với cuộc sống ngày càng trở nên cần thiết hơn nữa. Bàn về vấn đề này, một nhà hoạt hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, người được nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1964: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Đây không chỉ là một ý kiến cá nhân nữa mà nó đã trở thành một nhận định đúng đắn về xã hội, lương tâm con người.
Những kẻ xấu là những người có bụng dạ xấu xa, âm hiểm, thâm độc. Những kẻ xấu luôn suy nghĩ và hành động một cách ích kỉ, không quan tâm đến hệ lụy hay những ảnh hưởng đến người khác mà luôn toan tính, bằng mọi cách thực hiện hành động, mục đích của mình. Những kẻ xấu sẵn sàng có những lời lẽ đơm đặt, khích bác, những lời lẽ xúc phạm đến mọi người xung quanh và có nội dung không tốt. Họ hành động cũng không quang minh chính đại, không tốt đẹp mà đều chỉ nhằm mục đích xấu. Lời nói và hành động của kẻ xấu đều làm liên lụy và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, đến xã hội, khiến con người cảm thấy đáng sợ, ghê tởm, xa lánh. Những người tốt ngược lại là những con người có suy nghĩ lành mạnh, trong sáng, không làm gì hại ai, cũng không ảnh hưởng gì đến người khác. Sự im lặng đáng sợ của những người tốt ở đây muốn nói đến sự vô tâm, thói vô trách nhiệm của họ. Mặc dù họ không làm gì hại ai nhưng họ lại quá vô tâm, hờ hững với những gì xảy ra xung quanh mình, và điều đó suy cho cùng, cũng gây ra những hệ lụy, tác hại vô cùng nghiêm trọng.
Sự im lặng của người tốt khiến cho những mối liên hệ, ràng buộc của con người dần trở nên xa cách, tình cảm con người ngày một rạn nứt, những mối liên hệ trong cộng đồng cũng vì vậy mà không còn trở nên nghĩa tình, thắm thiết. Con người vô tâm, vô trách nhiệm thường có suy nghĩ đèn nhà ai nhà nấy rạng, thân ai nấy lo. Bất cứ việc gì không liên quan đến họ, họ đều chẳng mảy may quan tâm. Gặp những số phận bất hạnh, những mảnh đời thương tâm, họ cũng quay lưng làm ngơ vì rằng đó không phải là việc của họ. Nhìn thấy sự sai trái, phạm lỗi ngay trước mắt nhưng họ cũng không lên tiếng đưa sự thật ra ánh sáng không phải vì không liên quan gì đến họ. Họ bàng quan với tất cả mọi thứ và chỉ thực sự để ý đến những gì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Sự im lặng của họ đã cổ xúy cho những hành vi sai trái, khuất tất, những kẻ xấu thừa cơ làm càn. Sự im lặng của họ cũng khiến cho biết bao sự chờ mong, niềm hi vọng của nhiều người bị dập tắt. Nó khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên nguội lạnh, vô cảm, khiến con người ngày càng cách xa nhau hơn.
Đừng nghĩ rằng người tốt im lặng sẽ không ảnh hưởng đến ai, kì thực vì sự im lặng của họ đã kéo theo sự xuống dốc trong đức hạnh, nhân cách, phẩm chất của con người, làm mất đi nét đẹp trong tâm hồn con người. Sự im lặng của họ khiến cho những lời nói và hành động của kẻ xấu được đà lấn tới và làm biến chất nét nhân văn của xã hội. Chính vì vậy mỗi con người cần phải biết đấu tranh với cái xấu, loại bỏ sự im lặng làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm.
Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 2
“Thế giới này” được hiểu là thế giới của con người, ở đó con người tồn tại với những mối quan hệ đời sống. Con người giao tiếp, tác động tới nhau. Quy luật đời sống là sự cạnh tranh, ganh đua, vì nhu cầu tồn tại, nhu cầu sống của mỗi người. Từ đây xuất hiện sự tồn tại không tránh khỏi của “hành động và lời nói của người xấu”. “Hành động và lời nói của người xấu” có thể hiểu là những hành động, lời nói nhằm thực hiện mục đích xấu, gây ảnh hưởng xấu, làm tổn hại đến người khác, đến một cá nhân hoặc một cộng đồng, tập thể. Bên cạnh “những lời nói và hành động của người xấu” ta còn thấy tồn tại cả “sự im lặng đáng sợ của người tốt”. “Người tốt” mà Martin Luther King nói ở đây là người không làm điều xấu, điều ác, họ là người ngoài cuộc, không can dự vào mối quan hệ của người khác. Nhưng liệu rằng thái độ “im lặng” của họ có thực sự là đúng đắn?
“Sự im lặng đáng sợ” có thể hiểu là sự im lặng trước một hành động, lời nói xấu gây tổn thương tới đối tượng mà nó tác động. Cảm giác “xót xa” được gắn với cả hai vế “hành động và lời nói của người xấu” và “sự im lặng đáng sợ của người tốt” trong câu nói, đã ngầm đánh giá đồng nhất cả hai hành vi này.
“Xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu”, đây là cách cư xử thường thấy, không có gì đặc biệt bởi con người cùng tồn tại, chung sống trên Trái Đất, ai cũng có quyền, có nhu cầu sống tốt, thỏa mãn bản thân. Đó là quyền lợi bình đẳng, vì vậy bất cứ hành động, lời nói nào gây tổn hại tới người khác, những hành động xấu, lời nói xấu đều đáng lên án, tẩy chay, và gây cho người khác cảm giác xót xa.
Nhưng điều đáng lưu ý, lưu tâm ở đây chính là “sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Tại sao nó cũng gây trong ta cảm giác “xót xa”? Khi phải chứng kiến một điều xấu, điều ác con người theo tâm lí chung thường có ý tránh né, bao biện “Đó đâu phải chuyện của mình?” mà lẩn tránh, dửng dưng. Nhưng chính thái độ đó lại có thể là mầm mống của điều xấu. điều ác. Là cái nguyên cớ sâu xa khiến điều xấu, điều ác được lộng hành, để rồi từ đây tiếp tục những nỗi đau của người bị hại. Đây là hành vì đồng nghĩa với việc bao che dung túng tội ác. Chợt nhớ về sự kiện đã được thời sự đưa tin không lâu, sự kiện em Vũ Thị Bình bị đái xử tàn bạo, bị đánh đập chà đạp bởi hai vợ chồng người hàng cơm. Dư luận khi đứng trước hành vi bạo hành trẻ em thì lên án gay gắt đối với hai vợ chồng người hàng cơm nhưng có ai thấy rằng chính sự im lặng của người xung quanh cũng là hành vi ngấm ngầm gây tổn hại đến em Bình. Em Bình bị hành hạ nhiều năm trời, lẽ nào những người hàng xóm không ai biết? Và nếu như họ đi báo cho công an với chính quyền địa phương sớm hơn thì có lẽ em Bình sẽ không phải trải qua quá nhiều đắng cay, khổ cục đến thế. Sự im lặng trước hành vi xấu thực sự là sự im lặng đáng sợ, đáng lên án.
Xét về nguyên nhân của “sự im lặng” này, đó là do lối sống vô tâm, ích kỉ của con người. Nhưng ta cũng cần xem xét đầy đủ thấu đáo hơn. ngoài nguyên nhân chủ quan là do ý thức con người còn có nguyên nhân khách quan là do xã hội với ý thức đoàn kết, cộng đồng chưa cao. Khi một người tốt lên tiếng, chắc hẳn điều họ phải đối mặt sẽ là sự trả thù, lúc đó, liệu rằng họ có được che chở, bảo vệ bởi cộng đồng?
Thiết nghĩ, đến loài vật còn có thể bảo vệ đồng loại của mình, vậy tại sao, con người – loài động vật “bậc cao” lại không thể che chở, bảo vệ đồng loại của mình? Tôi đã từng rất ấn tượng với những dòng thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
Con đường hẹp chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chẳng là gì giữa bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa
Thật vậy, cuộc sống vẫn luôn chứa đầy biết bao bất trắc, hiểm hoạ. Con người chỉ bé nhỏ như hạt cát giữa biển trời mênh mông, vì vậy “Con người ơi! Hãy thương lấy con người”.
Câu nói của Martin là lời gợi mở về thái độ đối với hành vi của con người trước điều xấu. Câu nói cũng nhằm nhấn mạnh vế thứ hai: “Sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Có thể nói, Martin đã đưa ra thái độ phê phán đối với cách hành xử mà trước đây không phải ai cũng nghĩ tới. Nó thể hiện tầm hiểu biết, suy nghĩ thấu đáo, sắc sảo, xuất phát từ tình yêu người, yêu đời, muốn bảo vệ con người. Câu nói như một bức thông điệp lên án sự im lặng trước hành vi xấu, hướng con người tới cách hành xử đúng đắn: con người cần biết lên án, cần biết bảo vệ nhau để tránh khỏi những thế lực đen tối chà đạp lên cuộc sống con người, cần xây dựng cộng đồng, tập thể tương thân, tương ái, dũng cảm phê phán hành vi bạo ngược để tất cả chúng ta được sống cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 3
Trong thời đại hôm nay, khi các thông tin được cập nhật liên tục, những tin tức nổi bật luôn được đưa lên các trang nhất của mạng xã hội. Có những việc tốt, gương sáng về lòng quảng đại của những nhà hảo tâm đáng để chúng ta trân trọng và học theo. Bên cạnh đó, cũng không thiếu sự kiện chém giết lẫn nhau, gian dối, lừa bịp để mưa cầu ích lợi cho bản thân. Giới trẻ ngày nay còn truyền tai nhau câu nói: “Thời đại hôm nay mọi thứ đều giả chỉ có gian dối là có thật”. Không phải vô tình mà giới trẻ nói lên câu nói này. Nếu nhìn vào thực tế của cuộc sống hôm nay, ở lĩnh vực nào ta cũng thấy đồ giả tràn lan: bằng cấp giả, thức ăn giả, tem giả, hàng hóa giả. Phác họa sơ qua về “bức tranh muôn màu” của xã hội hôm nay để thấy rằng có vẻ như: xã hội càng văn minh thì con người càng sống trong sợ hãi. Nếu người ta sợ những hành động và lời nói của những người xấu, đó là lẽ thường tình theo bản năng tự vệ của con người. Ngay cả những người tốt người ta cũng sợ. Họ sợ hãi về sự im lặng, dửng dưng của lòng mình. Vì thế, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi M. L. King một người Mỹ gốc Phi đã dành trọn cuộc đời mình để bảo vệ quyền của con người khi nói lên nỗi lòng của mình rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà con vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.” Vậy khẳng định của ông có đúng với thực tế của cuộc sống ngày hôm nay không hay chỉ là một cảm nhận riêng tư của bản thân ông về cuộc sống của con người đương thời?
Có thể nói con người luôn bị chi phối bởi hai yếu tố nội tại và ngoại tại. Yếu tố ngoại tại là những hành động, việc làm bên ngoài mắt ta có thể thấy, tai ta có thể nghe. Còn yếu tố nội tại là những cung bậc, những cảm xúc bên trong mà người đối diện không thể biết và cảm nhận. Nói thế không có nghĩa hai yếu tố này tách biệt biệt, không liên quan đến nhau. Ngược lại, chúng luôn song hành cùng nhau và đều hành động theo sự điều khiển của lý trí. Ví dụ, chúng ta có thể đang làm việc chân tay nhưng trong lòng vẫn có thể hồi tưởng ở quá khứ và ước mơ về tương lai. Nói lên như thế để thấy rằng: việc nhìn nhận, đánh giá một con người qua những hành động bên ngoài để biết người đó là tốt hay xấu thì không đảm bảo. Còn sự im lặng vô cớ của một ai đó đôi khi làm cho chúng ta sợ hãi, vì họ không có một phản ứng nào để có thể quan sát cũng như hiểu được tâm tính của họ, cũng đôi khi sự im lặng của họ là dấu chỉ về mặt bằng chung của một xã hội văn minh hay suy đồi.
Như đã nói, con người được chi phối bởi hai yếu tố bên trong và bên ngoài. Đôi khi hai yếu tố này làm cho con người sợ hãi và rơi vào một bế tắc. Nếu những nỗi sợ hãi thuộc về yếu tố ngoại tại thì ta có thể biết và có thể tìm cách để giảm thiểu những hậu quả mà nỗi sợ hãi này mang lại. Chúng ta lưu thông ngoài đường phố sợ những thanh niên chạy xe lạng lách, đánh võng va chạm vào và gây ra tai nạn, có thể không tham gia giao thông để bớt sợ hãi, thay vì lưu thông bằng xe máy ta có thể đi xe buýt để tránh đi những rủi ro có thể. Ra đường sợ những tên chuyên móc túi, để giảm bớt những âu lo này ta có thể không mang tư trang và tiền bạc lúc ra đường. Để tránh mầm mống của bệnh ung thư do tác dụng phụ ở các chất kích thích có trong rau – củ – quả, thay vì mua ở ven đường ta có thể tự trồng lấy hoặc vào các siêu thị để mua, vì độ an toàn của chúng sẽ cao hơn. Để không trở thành nạn nhân trước những lời “mật ngọt rót vào tai” của những kẻ chuyên lừa bịp, cần phải tỉnh táo trước trước những món hàng không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm nghiệm, đừng vì “thấy rẻ mà ham”. Tất cả những hành động của một số thanh niên chạy xe lạng lách, đánh võng, những tên cướp đường phố, những người chỉ biết kiếm tư lợi cho bản thân, bất chấp luân thường, đạo lý và những kẻ dùng lời nói để đi lừa người khác làm cho chúng ta đôi khi dù muốn hay không muốn cũng phải thu mình vào trong cái “vỏ bọc an toàn” theo quan niệm và suy nghĩ chủ quan của mình. Vì thế, con đường mình đi cứ bế tắc, phía cuối đường hầm tưởng chừng như vẫn là một bầu trời u ám. Đó là hệ lụy của những hành động cũng như lời nói của những kẻ xấu làm cho chúng ta không khỏi tránh những nỗi xót xa về cuộc đời. Còn sự im lặng của những người tốt liệu có đáng sợ và làm cho chúng ta phải thu mình tự vệ để giành lấy quyền của lương tâm và làm chủ chính cuộc sống của mình hay không?
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có đăng tải phóng sự về hành động của ba tên côn đồ tại một bến xe nổi tiếng kia ngang nhiên lấy cắp của hai bà cháu nghèo khổ 73 tờ vé số mệnh giá mười ngàn đồng. Mặc dù hai bà cháu đã la lên để cầu cứu những người xung quanh giúp đỡ, nhưng đáp lại tiếng kêu của hai bà cháu là một sự im lặng đáng sợ của những người xung quanh. Trước hoàn cảnh đáng thương này mà không một ai “ra tay nghĩa hiệp” để giúp đỡ hai bà cháu. Câu chuyện đã để lại trong lòng người viết nhiều trăn trở, băn khoăn về cách sống và thái độ ứng xử của con người ngày nay. Như đã nói, nếu chúng ta cảm thấy sợ hãi và bất lực trước những hành động sai trái của những kẻ thay vì hành động theo lương tâm thì họ lại chi phối bởi “lương tức thời” là lẽ thường tình thì sợ hãi sự im lặng của những người tốt xót xa và nặng nề hơn nhiều.
Trở lại câu chuyện trên, ai dám nói rằng mọi người xung quanh đều là kẻ xấu, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những người có mặt ở đó lại không có người tốt. Vậy đâu là nguyên nhân của sự im lặng nơi những người tốt này? Ai cũng chân nhận rằng, ở một mức độ nào đó, ta có thể định nghĩa về tư cách và phẩm chất của người tốt là người luôn có trách nhiệm trong hành động cũng như lời nói của mình. Nghĩa là những việc họ làm luôn nghe theo sự mách bảo của lương tâm. Vậy phải chăng sự im lặng của những người tốt cũng có nhiều nguyên nhân của nó? Có thể họ im lặng vì cảm thấy cô độc khi thực hiện việc nghĩa mà không có được sự đồng cảm hay ủng hộ của số đông. Cũng có thể họ im lặng để phục vụ cho cái tôi ích kỷ của bản thân. Cũng có thể họ im lặng vì sự bất lực của bản thân trước mặt bằng chung của xã hội. Điều này cũng có nghĩa những kẻ xấu ngày nay quá hung ác và tàn bạo. Nhưng cũng có thể người tốt im lặng vì họ mất niềm tin vào công lý mà những người thực hiện công lý dựa theo tiêu chuẩn của đồng tiền như giới trẻ ngày nay thường truyền tai nhau câu nói: “cái gì không mua được bằng tiền thì hãy mua thật nhiều tiền”. Cũng có thể họ im lặng vì thấy những hành động của mình xuất phát từ lòng nhân ái bị số đông chế nhạo và có khi chính mình phải chịu tổn thất nặng nề.
Từ những nguyên nhân vừa nêu trên phải chăng con người ngày nay không dám đứng lên bênh vực sự thiện, không dám mạnh bạo làm việc nghĩa, hay cái ác, cái gian dối, cái lừa bịp đang từng ngày giết mòn lương tâm con người. Điều đó cũng có nghĩa sự im lặng của những người tốt là dấu chỉ để ta nhận thấy sự bất ổn của xã hội trong khâu quản lý của những nhà chức trách. Vậy làm sao để khắc phục những tình trạng này? Thiết nghĩ trước tiên, là lời kêu gọi ý thức của mỗi cá nhân, dẫu có bị “trầy da” như con cá bơi ngược dòng nước cũng hãy biết đứng lên để bênh vực sự thiện, đừng vì những nỗi sợ không tên, lo âu không tuổi mà để cho sự ác hoành hành. Kế đến, là công việc của những nhà chức trách, những nhà quản lý, thay vì mưu lợi cho bản thân thì hãy mạnh tay với những kẻ xấu, đừng để thế lực của đồng tiền lấn át tiếng nói của lương tâm.
Đôi lúc cứ tưởng rằng câu nói của M. L. King chỉ đúng với cuộc sống đương thời mà ông đã dành trọn cả cuộc đời đấu tranh cho quyền của con người. Vậy khi lắng mình để suy nghĩ về câu nói của ông, ta mới giật mình nhận thấy rằng: dẫu cho cuộc sống con người ngày nay văn minh hơn xã hội đương thời với M. L. King, thì đâu đó sự ác, sự gian dối vẫn đang hoành hành, giá trị của lòng nhân ái đang từng ngày bị bào mòn, đồng tiền đang từng giờ giết chết lương tâm. Nêu lên như thế không phải chúng ta cứ bi quan hay an phận với cuộc sống hiện tại. Ngược lại, hãy luôn ý thức sự cao quý của con người là “bản tính thiện” mà các sinh vật khác trong vũ trụ không có, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hãy mạnh dạn đứng lên, để cho bản năng “thiện” trong con người được hành động, nhằm tiêu diệt cái ác đang hoành hành. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói “thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”, vì khi một ngọn nến đời ta được thắp lên sẽ có vô số ngọn nến khác được đốt cháy, khi đó thay vì một màn đêm u tối thì ta sẽ nhìn thấy một vầng sáng đẩy lui bóng đêm để soi chiếu cho những ai đang lần mò bước đi từng bước trước phong ba bão táp của cuộc đời.
Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 4
Cuộc sống ngày càng hiện đại thì dường như con người lại càng sống thu mình hơn, trốn trong không gian an toàn của chính bản thân mình mà không dám bước ra ngoài để đấu tranh với những cái ác cái xấu. Một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964 – M.L.King đã từng lên án thực trạng đó rằng: “Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt”.
“Xót xa” là một trong những cung bậc cảm xúc của con người, khi mà họ thấy bất lực, thấy đau đớn, nhức nhối trước một sự việc nào đó. Thông thường người ta hay cảm thấy “xót xa” trước một việc, một hành động không tốt nào đó khiến cho cuộc sống của con người trở nên tồi tệ hơn. Nhưng ở đây M.L.King lại xót xa trước sự im lặng của người tốt. Những người được coi là chuẩn mực của xã hội, những con người đáng được trân trọng nhất. Điều đó như muốn lên án vạch rõ lối sống vô cảm, thiếu sự quan tâm giữa con người với nhau của một bộ phận người trong xã hội. Sự sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.
Trong cuộc sống ngày nay, ta có thể bắt gặp vô vàn những biểu hiện của “sự im lặng của người tốt”, xuất phát từ cả suy nghĩ và hành động. Nếu như trước kia, khi thấy tai nạn xảy ra ở trên đường, những người xung quanh ngay lập tức sơ cứu và gọi xe cứu thương để đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời với mục đích nhân đạo, “cứu giúp một mạng người hơn xây bảy tòa tháp” thì giờ đây, cũng là tai nạn giao thông đấy, chứng kiến tận mắt cảnh nạn nhân đau đớn vì gãy tay, gãy chân, thậm chí bất tỉnh, thế nhưng người đi đường chẳng những không cấp cứu kịp thời mà còn xúm đông xúm đỏ gây ùn tắc giao thông, bàn tán chỉ chỏ chán chê rồi may ra mới có người gọi điện cho bệnh viện, đến khi xe cứu thương (phải rất khó khăn mới vượt qua được đám đông gây ách tắc giao thông) đến nơi thì có không ít trường hợp nạn nhân đã tử vong. Câu chuyện đã để lại trong lòng người viết nhiều trăn trở, băn khoăn về cách sống và thái độ ứng xử của con người ngày nay.
Ai dám nói rằng mọi người xung quanh đều là kẻ xấu, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những người có mặt ở đó lại không có người tốt. Vậy đâu là nguyên nhân của sự im lặng nơi những người tốt này? Có thể họ im lặng vì cảm thấy cô độc khi thực hiện việc nghĩa mà không có được sự đồng cảm hay ủng hộ của số đông. Cũng có thể họ im lặng để phục vụ cho cái tôi ích kỷ của bản thân. Cũng có thể họ im lặng vì sự bất lực của bản thân trước mặt bằng chung của xã hội. Điều này cũng có nghĩa những kẻ xấu ngày nay quá hung ác và tàn bạo. Lý giải cho sự “im lặng” đang lan rộng trong xã hội hiện đại, nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra những nguyên nhân khá xác đáng và chuyên biệt. Một chuyên gia xã hội học cho rằng, nguyên nhân bệnh vô cảm có thể bắt nguồn từ: Chất lượng giáo dục ở các nhà trường và gia đình về đạo đức còn hạn chế. Những quan niệm lệch lạc, chỉ chú trọng kinh tế, đặt nặng tiền bạc hơn cả đạo đức; tư tưởng cá nhân chủ nghĩa (hoặc địa phương cục bộ), chỉ lo cho bản thân mình, gia đình mình, tập thể mình; lợi ích nhóm chưa được chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý kịp thời.
Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả, khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển chi phối đời sống, sinh hoạt con người, một số người ngày càng trở nên xơ cứng, vô cảm, thờ ơ trước bất hạnh của kẻ khác. Đây vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Lại vừa là lời kêu gọi, thức tỉnh cái thiện bên trong mỗi con người. đừng vì những nỗi sợ không tên, lo âu không tuổi mà để cho sự ác hoành hành. Hãy đứng lên bảo vệ chính nghĩa, hãy ra tay giúp đỡ những người bị nạn để cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn.
Câu nói của M.L.King không phải để chúng ta cứ bi quan hay sợ hãi với cuộc sống hiện tại. Mà trái lại nó kêu gọi chúng ta hãy luôn ý thức bản tính thiện bên trong mỗi người, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta hãy mạnh dạn đứng lên, để cho bản năng “thiện” trong con người được hành động, nhằm tiêu diệt cái ác đang hoành hành.
Nghị luận về sự im lặng đáng sợ của người tốt – Mẫu 5
Có bao giờ trong cuộc sống bạn tự hỏi, điều gì là đáng sợ nhất? Chúng ta thường nhắc tới những xấu xa, tệ nạn xã hội, những kẻ lưu manh bởi vì chúng làm những điều xấu cho con người. Vậy, ta thử hỏi ngược lại, nếu như trong xã hội này chứa đựng toàn người tốt, nhưng bản thân họ lại im lặng trước mọi sự diễn ra trong cuộc đời? Vậy thì sao? Họ không phải lưu manh, không mang tệ nạn? Vậy họ vẫn là người tốt? Trả lời cho câu hỏi này, Martin Luther đã từng đưa ra một nhận định: “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt.”
Xã hội vốn là nơi tổng hòa giữa cái thiện và cái ác. Trong xã hội, ta không hiếm gặp những trường hợp kẻ lưu manh, cướp giật đồ đạc, đâm thuê chém mướn. Nhưng, cũng không ít những tấm lòng tốt, dám lao xuống sông cứu bạn bị đuối nước, cứu người trong cơn hoạn nạn, nguy nan… Xã hội là vậy, và phải như vậy. Cái xấu không thể lên ngôi, mà phải luôn được duy trì và ngăn chặn bởi cái thiện, có như thế cuộc sống của mỗi chúng ta mới yên ổn và tốt đẹp được…
Nhưng, câu nói của Martin Luther đã nêu bật một khía cạnh khác, một thứ đáng sợ mang tên “vô cảm”, sự lạnh lùng thờ ơ đến tàn nhẫn của con người dành cho nhau. Đó chính là “Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Đúng vậy, trong câu nói của Martin, sự “im lặng” được xem là hành động không bộc lộ những chính kiến, suy nghĩ tích cực, thái độ dửng dưng, vô tâm trước vấn đề thời cuộc. Sự im lặng của người tốt chính là sự lên ngôi của cái xấu, và nếu trong một xã hội, một cộng đồng không có cái tốt, cái thiện, thì xã hội ấy sẽ xuống cấp, đạo đức con người sẽ bị tha hóa, con người bị đối xử đáng thương và tàn nhẫn…
Không một xã hội nào đáng sợ hơn khi nơi ấy chứa đựng sự vô cảm của người tốt. Chính vì thế mà ta trở nên xót xa, căm phẫn, chua xót hơn khi cái thiện bị đè bẹp, khi thứ cần lên tiếng lại không thể, chỉ còn những hành động và lời nói của những con người xấu mà thôi. Câu nói của Martin Luther đã khẳng định thái độ xót xa và đáng lên án của cái tốt khi không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Cuộc sống xung quanh ta diễn ra vô số những hành động việc làm như vậy, tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là mầm mống của thái độ giữ im lặng của lòng tốt. Như khi bạn phạm lỗi kỉ luật, ta thờ ơ và không nhắc nhở bạn. Học sinh quay phao trong giờ, trêu trọc bạn bè, ta cũng im lặng. Những việc làm như vậy đang hằng ngày diễn ra xung quanh ta, bản thân chúng ta không thể vô trách nhiệm với cộng đồng, với chính mình như vậy được. Những sự yếu đuối, lẽ phải, phải được bảo vệ, sự im lặng sợ hãi trước cái xấu đang giết chết dần sự lương thiện trong chúng ta, không được thỏa hiệp và lùi bước trước cái xấu, nếu một ngày việc đó xảy ra với chính người thân của chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có chấp nhận sự thờ ơ của mọi người đối với họ?
Câu nói của Martin cũng đã cho ta thấy một thực trạng hiện nay, khi lòng tốt chưa được xem trọng, dẫn đến tình trạng con người ta dần vô cảm với cái xấu. Sự bất công vẫn xảy ra nên con người ta dần mất đi ý chí, mất đi sự can đảm và thái độ chống lại cái xấu. Đặt ra câu hỏi về đạo đức con người.
Không ai không mong muốn sống trong một xã hội tốt đẹp, khi xã hội đang ngày càng cần thiết và không thể thiếu những mối quan hệ cộng đồng, thì ta hãy cùng nhau, đoàn kết vì không ai có thể đơn độc một mình đứng lên để bảo vệ chính nghĩa được. Mỗi cá nhân hãy có trách nhiệm hơn với cộng đồng mình đang sinh sống, hãy chung tay cùng nhau, hành động từng việc làm nhỏ nhất, để ta thấy rằng cuộc sống này vẫn luôn tốt đẹp biết bao, dành lại chính nghĩa và lẽ phải về cái thiện, không phân biệt giàu sang, tuổi tác, đừng bao giờ thỏa hiệp và làm ngơ trước cái xấu.