Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Mời các bạn lớp 12 cùng theo dõi bài văn mẫu Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn
Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi là tài liệu cực kì hữu ích mà Tài Liệu Học Thi muốn giới thiệu đến các bạn lớp 12 cùng tham khảo.
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 3 bài văn mẫu phân tích 7 câu thơ đầu bài Đất nước để thấy được tình yêu quê hương của nhà thơ về mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ. Hi vọng thông qua các bài văn mẫu này, các bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm khi triển khai bài viết của mình. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số bài văn mẫu như: phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi, phân tích khổ cuối bài Đất nước. Chúc các bạn làm bài tốt!
Xem Tắt
Dàn ý phân tích 7 câu đầu bài Đất nước
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
– Trích đoạn thơ (7 câu thơ đầu)
2. Thân bài
– Giới thiệu nội dung của bảy câu thơ (nỗi nhớ của người ly biệt trước mùa thu của Hà Nội).
– Hai câu đầu: Mùa thu trong nỗi nhớ
+ “Mát trong”: Không gian mát lành của trời thu, hồn thu của sông núi được tóm gọn lại.
+ So sánh “sáng mát trong như sáng năm xưa”: “Năm xưa”: năm của những ngày Hà Nội trước chiến tranh hay là năm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập?
+ “Hương cốm mới”: Đặc trưng riêng của Hà Nội, thức quà ngon lành, thơm ngát trong gió thu (So sánh với hương ổi trong thơ Hữu Thỉnh).
– Ba câu tiếp: Hồi tưởng về mùa thu của Hà Nội
+ Tác giả đứng ở hiện tại nhớ về quá khứ năm xưa “ngày thu đã xa”.
+ “Nhớ”: Sự hoài niệm từ trong tâm hồn. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật “đồng hiện” tái hiện cả quá khứ và hiện tại trong cùng một khổ thơ.
+ “Những ngày thu đã xa”: Những ngày thu khi nhà thơ còn được ở giữa Hà Nội, cảm nhận sự biến đổi của trời thu Hà Nội => mùa thu in hằn sâu đậm trong tâm trí.
+ “Chớm lạnh”: Vừa mới bước vào cái lạnh, chỉ hơi se sắt, hiu hiu => Một từ gợi tả tinh tế, cảm nhận cái lạnh mơn man da thịt con người.
+ Nhà thơ nhớ tới những con phố dài của Hà Nội đang trong mùa thay lá, xao xác những lá vàng bay trong gió lạnh.
+ “Hơi may”: Gió lạnh – từ Hán Việt, đặt từ “hơi may” vào câu thơ khiến câu thơ nhẹ nhàng, tinh tế hơn (so sánh với thơ Nguyễn Khuyến).
+ “Xao xác”: Từ tượng thanh gợi tả âm thanh của những chiếc lá thu bay>< ở=”đây=” dùng= “cho” “hơi=” “mây” – chuyển đổi cảm giác, cảm nhận được không khí lạnh đang chuyển động.
– Hai câu cuối: Quyết tâm ra đi của chàng trai Hà Nội:
+ “Người ra đi”: Những người con Hà Nội, những chàng trai Hà Nội giã biệt qua hương ra đi vì chí lớn non sông.
+ “Đầu không ngoảnh lại”: Quyết tâm sắt đá, bước đi không chút lưu luyến.
+ Thế nhưng, “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”: Mùa thu còn ở lại phía sau, quê hương thân yêu cũng ở lại phía sau, chút lưu luyến còn lại trong thâm tâm chàng trai trẻ.
=> Nói là đi không lưu luyến nhưng thực trong tâm họ là sự giằng xé nội tâm đến cao độ. Đây là tâm lý chung của lớp thanh niên trí thức ra đi mùa thu năm ấy.
– Kết luận chung:
+ Bảy câu thơ trên thể hiện tình yêu mùa thu của tác giả
+ Mỗi câu thơ chứa chan tình cảm, kết lại bằng lòng quyết tâm ra đi vì sự nghiệp của non sông.
+ Nghệ thuật so sánh, đồng hiện được sử dụng linh hoạt.
+ Ngôn từ đầy biểu cảm, tinh tế.
3. Kết bài
– Tình yêu quê hương của nhà thơ vô cùng sâu sắc thông qua bức tranh về mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ.
Phân tích 7 câu đầu bài Đất nước – Mẫu 1
Thu Hà Nội, hồn thu Thăng Long từng để thương để nhớ vơi đầy trong lòng người đã bao lâu nay. Một dáng liễu Cổ Ngư, một tiếng chuông chùa Trấn Vũ, một “mặt gương Tây Hồ”, một màu vàng “hồn thu thảo”, một ánh trăng thu Cổ thành tất cả “hóa tâm hồn” mỗi chúng ta:
“Trăng ơi đừng bỏ Kinh Thành
Hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa”
(Trăng Kinh thành)
Thu Hà Nội đẹp, một vẻ đẹp mơ màng, thơ mộng man mác bâng khuâng. Thu li biệt Hà Nội trong thơ Nguyễn Đình Thi hơn nửa thế kỉ trước cứ vương vấn mãi hồn ta:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Đoạn thơ gợi lên một nét thu Hà Nội trong tầm hồn “người ra đi” – một khách chinh phu của thời đại mới. Cấu trúc đoạn thơ là cảm xúc thu hiện tại mà “nhớ” những ngày thu đã xa, một mùa thu li biệt Kinh thành ngàn năm. Hai câu thơ mở đầu bài thơ “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi xúc động nói lên cái hồn thơ đất nước muôn đời:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới”
Những buổi sáng mùa thu, thu năm xưa cũng như thu hiện tại, không khí trong lành, bầu trời trong xanh không một gợn mây, thoáng đãng, mênh mông, bao la “xanh ngắt mấy tầng cao” (Nguyễn Khuyến). Gió thu nhè nhẹ thổi mát hồn người và lòng người, ai cũng cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, lâng lâng. Chỉ hai chữ “mát trong” mà nhà thơ đã nhận diện vẻ đẹp của sắc thu, khí thu và hồn thu muôn đời của đất nước. Câu thơ thứ nhất là một so sánh rất gợi: “Sáng mát trong như sáng năm xưa”. Đất nước trải qua những năm dài chiến tranh, bao mùa thu đã trôi qua, nhưng đất nước vào thu vẫn “mát trong”, vẫn đẹp như thế! Đất nước bền vững muôn đời nên thu vẫn đẹp muôn đời.
Câu thơ thứ hai nói lên hương thu của đất nước: “hương cốm mới”. Gió thu thổi qua những cánh đồng, mang theo hương “lúa nếp thơm nồng”, “hương cốm mới” phả vào lòng người, ủ ấp hồn người cái hương vị quyến rũ, đậm đà của quê hương xứ sở. Câu thơ cho thấy chất tài hoa, chất Hà Nội trong hồn thơ Nguyễn Đình Thi. Có lẽ lần đầu tiên “hương cốm mới” hiện diện trong thơ? Trong văn xuôi, Thạch Lam và Vũ Bằng đã viết rất thơ về cốm Vòng Hà Nội. Cốm là “thức quà riêng của đất nước”, là “thức quà thanh nhã và tinh khiết”. Trong cốm có “cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non và trong ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc”…
Với Vũ Bằng, trong những năm dài đất nước bị chia cắt, cùng với nỗi buồn của kẻ xa xứ là nỗi buồn nhớ Bắc Việt, nhớ Hà Nội – quê mẹ mến yêu. Suốt đêm ngày năm tháng, nỗi thương nhớ như trải dài, như dồn tụ lại thành “Thương nhớ mười hai”. Mùa thu chớm đến, ông ao ước “Không biết đến bao giờ mới lại được nghe thấy hơi may về với hoa vàng”? Ông khắc khoải tự hỏi: “Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì mà dìu dịu thế?”. Ông nhớ khôn nguôi “hương lúa ba giăng”. Ông nhớ day dứt cái vị “thơm ngọt ngào mùi chuối trứng cuốc ngon lừ!”. Quân thù nào có thể chia cắt được đất nước, có thể làm vơi cạn, khô kiệt được nỗi nhớ ấy? Qua đó, ta cảm nhận được “hương cốm mới” trên trang văn của Thạch Lam, của Vũ Bằng, trong thơ Nguyễn Đình Thi là nét đẹp của mùa thu đất nước, là hồn thu Thăng Long – Hà Nội mến yêu.
Ba câu thơ tiếp theo nhắc lại nỗi nhớ “những ngày thu đã xa” buổi đầu thu “trong lòng Hà Nội”. Cảm xúc dồn nén, hoài niệm rung lên như dây tơ của cây nguyệt cầm với bao man mác:
“Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”.
“Những ngày thu đã xa” là những ngày thu giã biệt Hà Nội, ra đi vì nghĩa lớn, vì đất nước và dân tộc thân yêu. Cuộc giã biệt ấy đã để lại trong lòng nhà thơ bao nỗi nhớ. “Nhớ” cái “chớm lạnh” buổi đầu thu, cái lạnh se sắt của gió thu hiu hiu. Hai chữ “chớm lạnh” rất tinh tế trong gợi tả và biểu cảm, vừa diễn tả cái lành lạnh những buổi sáng sớm đầu thu, vừa thể hiện chất xúc giác trong cảm nhận. Trong hơi may lành lạnh còn có âm thanh “xao xác” của lá thu bay trong gió, nhẹ cuốn trốn hè phố, trong lòng đường cửa “những phố dài” Hà Nội. Từ láy “xao xác” là tiếng thu, của lá vàng rơi, của những nhánh cây khẽ rùng mình trong hơi may “chớm lạnh” mà thi sĩ Xuân Diệu đã từng xúc động:
”Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
(Đây mùa thu tới)
Thu xưa trong thơ, mùa thu Hà Nội thấm bao nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Thoáng buồn trong “xao xác hơi may” của lá thu bay, của “mái buồn nghe sấu rụng” (Chính Hữu). Chỉ bằng một vài nét vẽ, một vài chi tiết nghệ thuật về những ngày thu Hà Nội “những ngày thu đã xa”, trong đó có cái “chớm lạnh” của heo may cảm được, có cái “xao xác” của lá thu bay nghe được, Nguyễn Đình Thi đã để lại trong lòng mỗi chúng ta cái hồn thu Kinh thành văn hiến ngàn năm. Phải là người tài hoa, mang tình yêu sâu nặng đối với Hà Nội mới viết được những vần thơ hàm súc, đẹp mà buồn như thế. Đoạn thơ ấy đã được khơi nguồn cảm hứng từ bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948), hoài niệm trào dâng, đồng hiện trong một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật đầy ấn tượng:
“Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác hơi may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy”
Hai câu cuối đoạn thơ thể hiện tâm trạng người ra đi từ ngày thu ấy. Giọng thơ lẳng lặng buồn:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
“Người ra đi” theo tiếng gọi của Non Sông, “lên chiến khu?”. “Người ra đi mang theo bao kỉ niệm sâu sắc về mùa thu Hà Nội”. “Hương cốm mới”, cái “chớm lạnh” trong “hơi may” buổi đầu thu, cái “xao xác” của lá me, lá sấu bay trong “những phố dài” Hà Nội đã trở thành hành trang, đã trở thành kỉ niệm sâu sắc, thân thiết. “Người ra đi” ôm “chí nhớn” của một “li khách” với quyết tâm “đầu không ngoảnh lại!”. Câu thơ “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” là một câu thơ thật hay. Có màu vàng nhạt của nắng thu, có sắc vàng tươi của lá thu đã “rơi đầy”, đã trải dài trải rộng trên thềm phố. Câu thơ chứa đầy tâm trạng. Tác giả đã lấy ngoại cảnh, lấy nắng thu, lá thu để gợi tả tình lưu luyến. Ra đi với quyết tâm “đầu không ngoảnh lại” nhưng vẫn cảm nhận được “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” với bao tình lưu luyến, nhớ thương. Vì thế, trải qua bao năm tháng, bao mùa thu trôi qua, đến “mùa thu nay…”, “tôi đứng vui nghe giữa núi đồi” mà vẫn bâng khuâng “nhớ những ngày thu đã xa”. Nhớ thu xa cũng là nhớ Hà Nội, nhớ ngày giã biệt ra đi… Mọi cuộc lên đường đều đáng nhớ. Quên sao được Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội mến yêu! Quên sao được Hồ Tây, Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, Ô Chợ Dừa… “đi học về qua luôn hát vui ca”. Người chiến sĩ từ mọi chiến trường mà nhớ về Hà Nội với tất cả niềm yêu thương tự hào:
– “Từ thuở mang gươm đi giữ nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ)
– “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(Quang Dũng)
– “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa”
Cả Đô thành nghi ngút cháy sau lưng…”
(Chính Hữu)
Đoạn thơ trên đây là phần đầu bài “Đất nước” một bài thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Đình Thi. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả. Cảm xúc dồn nén, hình ảnh và ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Các chi tiết nghệ thuật rất gợi khi nói về thu Hà Nội. Mùa thu “ra đi”, mùa thu giã biệt… Nét thu Hà Nội đẹp mà buồn, man mác trong hoài niệm cũng là hồn thu muôn đời của đất nước. Một cái “chớm lạnh” đầu thu. Một cái “xao xác”của lá thu rơi, một mùi “hương cốm mới” được làn gió thu mang theo và tỏa rộng trong không gian, thấm sâu vào hồn người. Một màu vàng tươi, vàng nhạt của nắng, của lá thu rơi đầy thềm… làm ta vương vấn mãi.
Thơ đích thực làm phong phú, thanh cao tâm hồn. Đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi đem đến cho ta một tình yêu đẹp: yêu Hà Nội mến yêu!
Phân tích 7 câu đầu bài Đất nước – Mẫu 2
Xưa nay, nhiều bài thơ hay lại được nhà thơ viết rất nhanh, có vẻ như “xuất thần”. Trái lại, có những bài thơ được nung nấu kỹ lưỡng khi hoàn thành chưa hẳn làm ưng ý tác giả, nhất là về cảm xúc, sự xộc xệch trong kết cấu. Đất nước của Nguyễn Đình Thi có lẽ là trường hợp ngoại lệ. Nó được thai nghén từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1948,1949) và hoàn thành khi cuộc kháng chiến ấy đã kết thúc (năm 1955). Dĩ nhiên, đó phải là thành công của nhà thơ có tài. Nhưng điều quan trọng hơn chính là do tác phẩm ấy được tạo dựng nên từ những cảm xúc, suy nghĩ của Nguyễn Đình Thi về một chủ đề lớn: Đất Nước !
Khởi đầu bài thơ là những cảm xúc trực tiếp trong một sáng mùa thu, gợi nỗi nhớ về Hà Nội :
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Đó cũng là ấn tượng về một mùa thu Hà Nội: không khí mát trong, gió nhẹ thổi và phảng phất mùi hương cốm mới. Câu thơ gợi tả cả không gian, màu sắc và hương vị, “đồng hiện” cả thời gian về quá khứ và hiện tại, trộn lẫn hình ảnh trong thực tại và hình ảnh trong hoài niệm.
Hương cốm mới là nét đặc sắc của mùa thu Hà Nội. Dường như đó là kết tinh của tất cả hương vị đất trời, cây cỏ mùa thu Hà Nội. Thạch Lam từng viết về cốm, món quà đặc biệt của mùa thu Hà Nội:
Phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ là thức dâng của cánh đồng bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị mà thanh khiết của đồng quê nội cỏ.
Sau này, hương cốm cũng đã đi vào nhạc của Trịnh Công Sơn (Nhớ mùa thu Hà Nội) cùng với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… làm thành nét thanh tao, gợi nhớ mùa thu Hà thành:
Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/cây bàng lá đỏ/nằm kề bên nhau/phố xưa nhà cổ/mái ngói thâm nâu/Hà Nội mùa thu / mùa thu Hà Nội/mùa hoa sữa về/thơm từng cơn gió/mùa cốm xanh về /thơm bàn tay nhỏ/cốm sữa vỉa hè/thơm bước chân qua.
Nguyễn Đình Thi đã đưa vào thơ những gì đặc trưng nhất của mùa thu Hà Nội. Điều đó chứng tỏ nhà thơ là người gắn bó sâu nặng, thiết tha với Hà Nội thấm thía xao xác khi ở xa trông về.
Nguyễn Đình Thi kể, hồi nhỏ đi học trung học, ông thường lên vùng Hồ Tây ngồi ngắm bầu trời và những áng mây bay. Cảm hứng về bầu trời thu, về những làn gió mát, về hương vị cốm xanh và những dòng sông, ruộng đồng ở đoạn sau của nhà thơ “cũng chính là cảm hứng về đất nước” (Nguyễn Đình Thi – Bài thơ Đất Nước)
Dòng thơ thứ ba: Tôi nhớ những ngày thu đã xa là một sự chuyển mạch. Thực ra, ở hai câu thơ đầu đã có hình ảnh mùa thu xưa rồi, nhưng đến đây có lẽ không kiềm được dòng hồi tưởng nên lời thơ như buột phát ra:
Tôi còn nhớ những ngày thu đã xa
Ở đây, còn có một lý do nữa: Trong bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa, vốn là vị trí của câu thơ có hình ảnh đẹp: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em. Câu thơ mang dáng dấp suy nghĩ tình cảm và tình cảm của một trí thức Hà Nội. Thời ấy, có thể không hợp với suy nghĩ của nhiều người trong hoàn cảnh kháng chiến nên Nguyễn Đình Thi đã thay đi. Song, dù sao thì sự chuyển mạch ấy cũng hợp lý, kết nối được hình ảnh toàn bài thơ.
Bốn câu thơ kế tiếp miêu tả về mùa thu Hà Nội xưa:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu Hà Nội hiện lên trong hoài niệm của nhà thơ thật đẹp và thơ mộng, về thời tiết, thiên nhiên, không gian (chớm lạnh, xao xác hơi may, phố dài). Đặc biệt, sự cảm nhận của tác giả thật tinh tế và tài hoa khiến cho mùa thu Hà Nội bỗng nhiên biểu hiện bằng hình khối, màu sắc, ánh sáng. Đó là thứ hình khối, ánh sáng, màu sắc của tâm trạng nên khiến lòng người càng thêm xao động.
Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của Nguyễn Đình Thi vì thế mang vẻ đẹp của tâm trạng. Cảnh thu thường gợi lên trong lòng người những phảng phất buồn bởi sự thay đổi âm thầm, dịu ngọt, chầm chậm của hương vị, hoa lá, cỏ cây, của đất trời, ánh sáng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là do nhà thơ nắm bắt được những phút giây kì diệu ấy của mùa thu. Ở đất nước, Nguyễn Đình Thi không chỉ nắm bắt được thần thái của mùa thu Hà Nội, mà có lẽ mùa thu ấy từ lâu đã là một phần trong tâm hồn nhà thơ.
Thơ xưa viết về mùa thu thường gắn với chia li, những cuộc tiễn đưa. Thơ thu của Nguyễn Đình Thi vô tình có hình ảnh ra đi ấy và vì thế khiến cảnh thu càng thêm xao xuyến:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Đến nay, đã có nhiều ý kiến khác nhau về “người ra đi” trong câu thơ trên. Có người cho đó là người Hà Nội mang tâm trạng, cảnh ngộ rời bỏ thủ đô khi kháng chiến bùng nổ. Lại có ý kiến cho rằng, đó là hình ảnh người lính của Trung đoàn Thủ đô khi rút khỏi Hà Nội. Thực ra, Trung đoàn Thủ đô rời Hà Nội vào mùa xuân sau hai tháng chiến đấu (1947) và cuộc rút lui ấy diễn ra vào ban đêm, dưới gầm cầu Long Biên. Còn nếu gắn việc người Hà Nội ra đi khi kháng chiến bùng nổ càng không đúng vì toàn quốc kháng chiến diễn ra tháng 12 năm 1946. Căn cứ vào cảm xúc và hình tượng thơ có thể khẳng định việc người ra đi ấy diễn ra trước năm 1945. Người ấy có sự dứt khoát về một lựa chọn (đầu không ngoảnh lại) nhưng trong lòng hẳn nhiều vương vấn, luyến lưu nên âm điệu thơ bâng khuâng và cảnh ra đi tuy đẹp nhưng buồn và lặng lẽ. Hình ảnh ấy gần với người ra đi của Thâm Tâm:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
– Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn không về bàn tay không
(Tống biệt hành)
Dù gì đi nữa thì khổ thơ trên vẫn là những câu thơ đẹp nhất của bài thơ Đất Nước. Có những người nói đó là “những câu thơ thật mới mẻ về hình thức, thật mới mẻ về cảm xúc so với thời bấy giờ, và ngay cả bây giờ, nó vẫn nguyên giá trị thơ, như là những giá trị cổ điển vậy” (Tâm Hoàng, Nhân Dân chủ nhật, ngày 11.8.1991).
Phân tích 7 câu đầu bài Đất nước – Mẫu 3
“Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm. “Nhắc về mùa thu của non sông Việt Nam thì chẳng đâu hơn mùa thu của Hà Nội, cái mùa mà mỗi con người Việt Nam luôn cảm thấy bồi hồi, thân thương nhất. Mùa thu của một Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến cứ vấn vương, da diết trong ta biết bao điều. Thu Hà Nội thật đẹp, thật nên thơ, trữ tình. Chẳng vậy mà bất cứ người con nào của Hà Nội đi xa cũng đều nhớ về quê hương, nơi có Hồ Tây chiều hôm, có hương sen thơm, có “hương cốm mới” và có một mùa thu thật dịu dàng. Với Nguyễn Đình Thi cũng vậy, Hà Nội trong ông, quê hương đất nước trong ông là một mùa thu của Hà Nội thật bình yên, vương vấn tâm hồn người:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những con phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Chẳng phải mùa xuân với những đóa hoa thơm rực rỡ khoe sắc màu, không phải mùa hạ với tiếng ve kêu râm ran, cũng chẳng phải mùa đông với những vạt sương bảng lảng trên mặt hồ Gươm buổi sớm, mùa thu của Hà Nội mới là thứ khiến cho Nguyễn Đình Thi luôn bâng khuâng mỗi khi nhớ về. Bởi Hà Nội đẹp nhất, dịu dàng nhất có lẽ chính trong những ngày với sắc trời thu này. Mang tâm sự của một người ra đi, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lại mùa thu ly biệt thật đặc sắc đã từ nửa thế kỉ trước thế mà vẫn khiến tâm hồn người đọc chúng ta vương vấn mãi không thôi.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã viết trong nỗi nhung nhớ đến cháy lòng, nhớ một mùa thu đã xa. Ông đã xúc động mà viết lên cái hồn của đất nước muôn đời để mở đầu cho bài thơ “Đất nước”:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới”.
Những rung động sâu thẳm trong tâm hồn tác giả đã khiến ông tái hiện lên một mùa thu trong nỗi nhớ miên man của mình. Những sáng mùa thu với hương gió lạnh se se áo, với những chùm hoa sữa ngất ngây lòng người, với bầu trời xanh, với khí trong lành. Như Nguyễn Khuyến cũng đã gợi tả:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”
Phải, bầu trời ấy thật trong lành, “mát trong” biết bao nhiêu như những ngày tháng “năm xưa”. Chỉ với hai từ “mát trong” dường như khiến cho tâm hồn của chúng ta được đắm trong cái không khí của làn gió thu mơn man khắp da thịt, thổi mát của tâm hồn con người khiến cho ta thật lâng lâng. Chỉ với hai chữ này thôi, cả một mùa thu với khí thu, hồn thu của sông núi được tóm lại thật gọn gàng, với màu sắc thật đẹp đẽ. Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng phép so sánh giữa hiện tại và quá khứ “sáng mát trong” của ngày hôm nay với “sáng năm xưa”. Đặt vào thời điểm sáng tác bài thơ này, chúng ta mới thật hiểu được ý của tác giả. Bài thơ được sáng tác trong vòng tám năm, tám năm trời thai nghén từ 1948 đến 1955, biết bao mùa thu đã đi qua Hà Nội, có những năm tháng chiến tranh tàn khốc, có những năm tháng thật êm dịu. Thế nhưng, sáng mùa thu này, thu Hà Nội trở lại là thu Hà Nội, dịu dàng, trong trẻo như xưa, như những ngày thu êm đềm, chiến tranh chưa bắt đầu. Hay cũng có thế là mùa thu độc lập đầu tiên sau những năm tháng dài của chiến tranh khi Bác Hồ thân yêu của chúng ta đứng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử dõng dạc đọc bản Tuyên Ngôn khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập tự do? Nhưng dù là gì thì mùa thu Hà Nội vẫn “mát trong” như thế, vẫn đẹp và bình yên như thế.
Câu thơ thứ hai, Nguyễn Đình Thi đã viết:
“Gió thổi mùa thu hương cốm mới”
Nếu nhắc về thu Hà Nội mà không nhắc tới món cốm gói trong lá sen thì có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn. Thế nên, trong cái nhớ lưu luyến của một người sắp đi xa, thức quà đặc sản mà Nguyễn Đình Thi nhớ nhất là món cốm làng Vòng. Hương gió thu thoang thoảng thổi qua đây mang theo “hương cốm mới”. Cái hương cốm ấy quyện sánh lại trong làn gió thu, lướt qua những con phố, phả vào lòng người nỗi nhớ bâng khuâng mùi lúa nếp non, mùi cốm mới thơm nồng. Nó khiến cho con người bừng lên nỗi nhớ da diết không thôi cái hương vị đậm đà của quê hương xứ sở. Người Hà Nội đi đâu cũng không thể nào quên được cái vị thơm nồng của những hạt cốm được gói trong từng lớp lá sen. Cũng như Hữu Thỉnh, ông nhận ra cái thứ mùi riêng biệt, đặc trưng của mùa thu – “hương ổi”, cái mùi hương ấy quấn quýt trong làn gió thu khiến cho ai cũng phải vương vấn:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió thu
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Chẳng phải đến thơ Nguyễn Đình Thi ta mới biết đến món đặc sản ấy của Hà Nội, mà từ trong những bài văn xuôi của Vũ Bằng, của Thạch Lam cũng luôn nhắc nhở rằng: cốm vòng Hà Nội là “thức quà riêng của đất nước”, “thức quà thanh nhã và tinh khiết”. Nhưng đến với thơ Nguyễn Đình Thi, người ta lại cảm nhận được nét đẹp thoáng chút buồn của hồn quê hương đất nước, của Hà Nội trong hương cốm mùa thu.
Dòng hồi tưởng miên man đưa Nguyễn Đình Thi trở về những năm tháng của quá khứ, nhắc ông nhớ tới những hoài niệm xưa kia. Lòng ông trải ra với bao xúc cảm dồn nén, những kỉ niệm xưa ùa về, dâng tràn trong nỗi lòng người thi sĩ:
“Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may”
“Những ngày thu đã xa” mà Nguyễn Đình Thi nhắc tới phải chăng là những ngày thu trước ngày giã biệt quê hương, Hà Nội ra đi vì sông núi non sông, vì dân tộc yêu dấu. Những ngày thu đó giờ đã trở thành miền kí ức “đã xa”, hằn in dấu lên tâm hồn người con của Hà Nội. Ra đi vì chí lớn, nhưng nỗi lòng mang nặng niềm thương với Hà Nội thân yêu, để đền giờ đây bao nhiêu nỗi nhớ cứ ùa về trong lòng thi sĩ, nhắc ông nhớ về sáng thu “chớm lạnh” của thành phố quê hương. Cái “chớm lạnh” se se của đầu thu ấy đã gieo vào lòng người biết bao nhung nhớ. “Chớm lạnh” nghe sao mà gợi tả gợi tình, nó không chỉ diễn tả những cơn gió vừa se se hiu hắt của những buổi sáng mùa thu mà còn ẩn trong đó là cảm nhận của con người. Vậy giữa những ngày “chớm lạnh trong lòng Hà Nội” ấy, ta có gì để nhớ? Ta nhớ “những con phố dài xao xác hơi may”. Hà Nội ba mươi sáu phố phường, mỗi con phố lại gợi lên những cảm giác riêng, không khí riêng, để làm lên cái riêng khác biệt của Hà Nội.Chẳng vậy mà Nguyễn Đình Thi lại nhớ da diết “những con phố Hà Nội” lúc mùa thu “chớm lạnh” đến thế! Bởi hình ảnh của những con đường với những chiếc lá vàng bay trong gió thu, mang theo cái hơi thu hiu hiu, khiến cho lòng người thêm se sắt. Nguyễn Đình Thi đã khéo léo lồng vào trong câu thơ một từ Hán Việt “hơi may”, vừa tinh tế lại quá đỗi giàu sức tưởng. “Hơi may”, cũng có nghĩa là gió lạnh, thế nhưng đọc lên hai tiếng “hơi may”, người ta thấy nó sao tình tứ, ngọt ngào quá! Nếu đặt hai từ “gió lạnh” ở đây để thay thế thì không khí của câu thơ chẳng phải cái không khí se se kia sẽ nhuốm màu lạnh giá hay sao?
Trong thơ xưa, Nguyễn Khuyến cũng đã có lần dùng từ “hơi may” để gợi tả những cơn gió thu, cái từ mà chỉ gợi lên cái không khí lành lạnh, se se chứ không phải cái lạnh giá mang hơi thở của mùa đông:
“Lác đác ngô đồng mấy lá bay
Tin thu heo hắt lọt hơi may”.
Không những vậy, tác giả còn đặt ở đây từ láy “xao xác”. Chỉ nghe thôi người ta đã cảm nhận được âm thanh của những chiếc lá bay, đang nhẹ cuốn trên từng vỉa hè, con phố. Đó là tiếng lá rơi, âm thanh của những nhánh cây đang khẽ rùng mình trong cái “chớm lạnh” đầu thu.
“Những con phố dài xao xác hơi may”
Phố Hà Nội xưa nay luôn nổi tiếng với những vẻ đẹp cổ kính và thu Hà Nội cũng vậy, cũng khiến cho người ta man mác buồn, bâng khuâng một nỗi nhớ tha thiết. Chỉ với vài nét bút, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lên một Hà Nội của “những ngày đã xa” với cái chớm lạnh se sắt đầu thu của những cơn gió thu, với cái âm thanh “xao xác hơi may” của những chiếc lá vàng. Ông đã để lại trong lòng chúng ta một cảm nhận rất riêng về thu Hà Nội. Phải yêu thương Hà Nội đến thế nào, hiểu rõ Hà Nội thế nào, ông mới trân quý, mới gợi tả được mùa thu Hà Nội đẹp đến như thế?
Và hai câu cuối của khổ thơ, Nguyễn Đình Thi lại cất lên nỗi lòng của mình trong tâm trạng của người ra đi. Giọng thơ ông vẫn vậy, vẫn buồn thương da diết, nhưng ở đây, cái buồn ấy như nhân lên gấp bội lần vừa sâu lắng lại vừa thiết tha, năn nỉ:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
“Người ra đi” vì chí lớn non sông, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, biết là thế nhưng sao trong lòng còn vấn vương, còn lưu luyến quá đỗi thế này. Mang trong lòng biết bao kỉ niệm về Hà Nội, về mùa thu của Hà Nội với hương cốm mới, với cái chớm lạnh, cái xao xác của những lá sấu, lá me bay, đó là hành trang để người chiến sĩ bước ra đi. Câu thơ vang lên mà ta nghe thấy cả tiếng lòng quyết tâm đến tột độ của người chiến sĩ. “Không ngoảnh lại” phải chăng đó là sự quyết tâm ra đi để đem về hòa bình, đem về những sáng mùa thu trong mát “như sáng năm xưa”? Nghe đâu đây âm vang của những lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính năm nào!
Câu thơ sau tiếp nối quả là một câu thơ đặc sắc. Người ra đi để lại sau lưng là những giọt nắng thu vương vãi trên thềm nhà, là lá thu rơi trên nền đất, trải rộng trên “những phố dài”. Câu thơ không chỉ dùng để tả cảnh mà còn dùng để nói lên nỗi lòng của chính tác giả. Đó là sự lưu luyến, sự ngập ngừng chẳng muốn rời xa. Mặc dù ra đi với quyết tâm “đầu không ngoảnh lại”, khí thế là thế, nhưng chẳng thể tránh khỏi những phút lưu luyến, nghẹn ngào nhớ thương. Cái quay lưng của người chiến sĩ quyết tâm là thế, nhưng nghe sao bâng khuâng quá đỗi, bởi người thi sĩ – chiến sĩ ấy còn lưu luyến với quê hương, với mùa thu quê nhà. Cảm xúc ấy dường như là cảm xúc chung của lứa thanh niên trí thức ra đi vì Tổ quốc thời ấy bởi Quang Dũng cũng đã từng viết:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Từ chiến khu xa xôi, người chiến sĩ nhớ về quê nhà với bao tình thương mến, nỗi nhớ man mác sâu nặng chứa chan cả niềm tự hào.
Đoạn thơ trên là đoạn mở đầu của tác phẩm “Đất nước” được thai nghén trong vòng tám năm của tác giả Nguyễn Đình Thi. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, không chỉ về mặt ý nghĩa mà là cả nghệ thuật nữa. Đã bao người viết về thu Hà Nội, nhưng chưa ai có cái nhìn vừa cảm quan lại sâu sắc như ông, bởi ông là người con của Hà Nội, gắn bó với Hà Nội suốt những tháng năm tuổi thơ. Mùa thu Hà Nội trong ông mang nỗi buồn day dứt, khó tả, mang theo cả hồn thơ sông núi muôn đời nữa. Một chút “xao xác hơi may”, “hương cốm mới”, cái “chớm lạnh” trên “những phố dài” cổ kính, tất cả đều làm nên một mùa thu khó quên trong lòng người ly biệt. Vậy nên, dù quyết tâm ra đi vì chí lớn non sông, người khách ly biệt cũng chẳng thể nào thôi lưu luyến nắng thu, lá thu đang “rơi đầy” ngoài “thềm” trong gió thu kia.
Đoạn thơ đã gợi tả xuất sắc hình ảnh của mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ của người ly biệt. Nguyễn Đình Thi đã giúp cho chúng ta càng thêm yêu hơn dáng hình non sông quê hương mình, yêu thêm những con phố cổ kính của Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến.