Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ (Dàn ý + 3 mẫu), Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ là một tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học
Hy vọng rằng có thể giúp cho các bạn học sinh có thêm hành trang bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số bài văn mẫu lớp 12: Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ.
Dưới đây sẽ là dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ. Đây sẽ là tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn học sinh có thể củng cố lại kiến thức môn Ngữ văn lớp 12 của mình, sau đây xin mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo tài liệu.
Xem Tắt
Dàn ý phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ
I. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” với chất thơ độc đáo
II. Thân bài:
* Chất thơ trong hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc
– Tây Bắc hiện lên với núi rừng trùng điệp quanh năm ẩn hiện trong mây và sương mù.
– Chất thơ được thể hiện rõ nét khi Tô Hoài miêu tả khung cảnh mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc.
– Những trang văn viết về thiên nhiên rẻo cao và mùa xuân ấy hài hòa, đẹp như bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi.
* Chất thơ qua đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của con người
– Xây dựng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Tây Bắc như ngôi nhà gỗ với bếp lửa bập bùng suốt mùa đông không, công việc cõng nước, quay sợi…
– Ngày Tết: Không giống như người miền xuôi, người vùng cao ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong.
+ Không khí ngày Tết của Hồng Ngài mang đậm hơi thở, hương vị của núi rừng Tây Bắc khi “trai gái tìm nhau để tỏ tình”, chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu…
+ Đặc biệt, tác giả dành nhiều tình cảm và câu chữ cho việc miêu tả tiếng sáo – cầu nói truyền tải ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ cất lên tiếng lòng sâu thẳm, vượt qua dòng chảy thời gian, trở thành dòng chảy tâm hồn của biết bao đôi trai gái miền sơn cước.
* Chất thơ trong con người – Mị
– Mị là cô gái trẻ, nết na xinh đẹp như một bông hoa ban trên rẻo cao Tây Bắc, vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị thống lý Pá Tra bắt về làm dâu trừ nợ và rơi vào cảnh tăm tối. Những tưởng Mị có lẽ sẽ héo hắt, sống mòn mỏi lầm lũi hết cuộc đời song ẩn sau tâm hồn ấy vẫn le lói những ánh lửa của khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
– Vẻ ngoài của Mị đều toát lên vẻ âm thầm nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng kỳ thực bên trong đó lại tiềm tàng 1 sức sống vô cùng mãnh liệt.
– Âm thanh tiếng sáo quen thuộc của núi rừng Tây Bắc ấy đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn Mị, làm rạo rực tâm hồn người con gái trẻ đẹp
=> Chính sức sống tiềm tàng, rạo rực âm thầm cháy tựa như ánh sáng nâng đỡ, ngăn cản sự lụi tàn của tâm hồn. Khi bùng cháy lên lại biến thành sức mạnh có thể xua tan tất cả.
* Chất thơ thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật
– Tô Hoài sử dụng hàng loạt âm thanh cùng nhiều hình ảnh gợi cảm vừa rực rỡ màu sắc vừa rất đỗi nên thơ.
– Ngôn ngữ văn xuôi vừa cụ thể rõ ràng vừa trừu tượng vô hình.
– Âm điệu và tiết tấu cũng như giọng kể nhẹ nhàng theo mạch cảm xúc êm đềm chảy trôi trong tâm trạng
– Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng sự mượt mà của văn phong điêu luyện.
III. Kết bài:
– Đánh giá lại giá trị tác phẩm với nền văn học
Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ – Mẫu 1
Nói về việc sáng tác “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết, “ngoài tài liệu và trên cả sáng tạo”, ông đã đưa vào trong tác phẩm của mình “những ý thơ”: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi”. Thật vậy, cụ thể trong “Vợ chồng A Phủ”, ta bắt gặp một trong những nét đặc sắc nhất của Tô Hoài là biệt tài phát hiện và chuyển tải chất thơ trong cuộc sống bình dị vào trang viết. Chất thơ man mác bao phủ bầu không khí của tác phẩm là sự cộng hưởng hiệu ứng của nhiều thủ pháp nghệ thuật, ánh lên từ tình huống truyện đầy nhân văn, từ ngôn ngữ hàm súc và giọng điệu trần thuật giàu tính nhạc. Để rồi từ đó, hiện lên trong tác phẩm bàng bạc chất thơ này là thiên nhiên, là lối sống, là phong tục và tâm hồn con người không lẫn vào đâu được.
Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài hiện lên trước hết qua hình ảnh thiên nhiên vời vợi với những núi non, nương rẫy, sương giăng… không thể lẫn được với một nơi nào trên đất nước ta. Những chi tiết miêu tả thiên nhiên đan xen, hoà quyện trong lời kể của câu chuyện. Có khi, chỉ một vài điểm nhấn, tác giả đã phác ra được cái nét rất riêng của đối tượng. Những ngày sống trong căn phòng ngột ngạt, tù túng của mình ở nhà thống lí Pá Tra, Mị nhìn ra trời qua khung cửa sổ bé bằng bàn tay, lúc nào Mị cũng “chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Không gian ấy chỉ có thể tìm được ở Tây Bắc bởi núi rừng trùng điệp. Ban ngày, ánh mặt trời cũng khó có thể xua tan những màn sương giăng trắng làng bản. Đêm xuống, sương đêm hòa với ánh trăng tạo nên thứ không gian huyền ảo như trong ảo mộng. Đặc biệt, nhà văn đã có những câu văn thật hay nêu bật được hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên Tây Bắc những ngày giáp Tết: “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”, “trẻ con đốt những lều canh nương”, “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên những mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ, gió và rét rất dữ dội”. Những câu văn mang đầy “ý thơ” đã lột tả được hồn cốt thiên nhiên Tây Bắc với núi rừng trùng điệp, cao rộng vời vợi. Điểm vào cái nền thiên nhiên xanh mướt ấy là những dấu ấn của con người: những nương lúa, nương ngô uốn lượn trên sườn đồi sườn núi; những đống lửa bốc lên từ các lều canh nương; những đám cỏ gianh vàng ửng; những chiếc váy hoa xòe rực rỡ nhiều màu sắc của những cô gái H’mông là điểm nhấn đầy thi vị cho bức tranh thiên nhiên ấy.
Chất thơ còn được nhận ra bởi đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của con người nơi đây. Đọc truyện, ta rất dễ bắt gặp những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày của đồng bào Tây Bắc. Đó là ngôi nhà gỗ với bếp lửa đặt trong nhà suốt mùa đông không tắt hòn than, là những công việc hằng ngày như cõng nước, cắt cỏ cho ngựa ăn, quay sợi,… Trang phục đặc trưng của người phụ nữ H’mông vùng cao này là váy xoè sặc sỡ đi kèm với những chiếc vòng bạc lấp lánh.
Truyện cũng miêu tả rất tinh tế một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao là lễ hội mùa xuân. Tết của người vùng cao không giống tết ở miền xuôi. Người vùng cao có cách tính ngày Tết rất độc đáo thể hiện thuần túy tư duy nông nghiệp. Họ ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Và dù cái Tết năm ấy đến Hồng Ngài “giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội” cũng không ngăn được niềm vui đang trỗi dậy trong tâm hồn những người dân ở đây, đặc biệt là ở những đôi trai gái yêu nhau. Không khí ngày xuân của Hồng Ngài mang những dấu ấn đặc trưng đậm hương vị núi rừng Tây Bắc: Mùa xuân đến, trai gái tìm đến nhau để tỏ tình. Họ bận những bộ quần áo đẹp nhất. Họ chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu,… Tất cả đều mê mải, say sưa trong tiếng sáo dìu dặt, tình tứ.
Tô Hoài đã đặc tả không khí ngày tết với những từ ngữ giàu chất tạo hình, qua đó hiện lên bức tranh ngày tết miền núi tràn ngập màu sắc và âm thanh: “Trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ […] Đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Ông cũng đặc biệt chú trọng đến phong tục của họ qua con mắt tò mò, hóm hỉnh của mình: “Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn”, “Các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn”.
Khi viết về những ngày tết ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài cũng rất chú ý miêu tả tiếng sáo. Sáo H’Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng: “Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Đó là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với con gái trong bản làng. Trong “Vợ chồng A Phủ”, ngòi bút Tô Hoài cũng tỏ ra rất thành công khi lột tả được nét đặc trưng, lột tả được “cái hồn” của tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”, “Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh”. Tiếng sáo còn là cách tỏ tình đặc biệt của người con trai miền núi: “Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách”. Thời gian cứ tiếp nối, những ngày tết vùng cao và đêm tình mùa xuân của ngày xưa và ngày sau dường như vẫn thế. Tiếng sáo gọi bạn tình vượt qua thời gian, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim biết bao chàng trai cô gái miền sơn cước.
Bên cạnh những phong tục đẹp đẽ thể hiện tâm hồn thuần phác, nồng hậu của đồng bào Tây Bắc là những phong tục còn mông muội, chứa nhiều điều bất công vẫn còn tồn tại ở Tây Bắc những năm trước Cách mạng. Đó là sự phân chia đẳng cấp giàu – nghèo rất rõ. Trang phục của con nhà giàu cũng có những dấu hiệu khác: “Rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ mà chỉ riêng con cái nhà quan trong làng mới được đeo”. Đó là tục bắt vợ, cúng ma trình vợ đầy mê tín. Cái hủ tục lạc hậu ấy đã trở thành một thứ thần quyền ghê gớm án ngữ tư tưởng của người lao động nơi này, khiến họ luôn bị bóng đêm của sự mông muội đè nén, giày xéo không sao ngẩng đầu lên được. Đó là cái lệ đi ở trừ nợ: “bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Đặc biệt, hình ảnh ngôi nhà gỗ nghi ngút khói thuốc phiện với bữa tiệc phạt vạ được miêu tả trong câu chuyện không thể tìm thấy được ở vùng đất nào khác. Tài năng của nhà văn tập trung trong việc quan sát, dựng cảnh sắc sảo cảnh xử kiện nhà thống lí Pá Tra. Dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn, hủ tục, lề lối, sự tàn bạo, dã man của thế lực phong kiến miền núi đã được lột tả hết sức sinh động: “Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, chửi, lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ… Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. […] Ngoài nhà vẫn rên lên từng cơn kéo thuốc phiện, như những con mọt nghiến gỗ kéo dài, giữa tiếng người khóc, tiếng người kể lào xào, và tiếng đấm đánh huỳnh huỵch”. Phải thấm thía cảnh sống đau đớn, tủi nhục như thế, ta mới cảm nhận được hết sức mạnh “cởi trói” tựa như bản năng sinh tồn mãnh liệt của những thân phận bị chà đạp.
Tóm lại, nghệ thuật miêu tả sinh hoạt và phong tục của nhà văn đã giúp người đọc có thêm nhiều hiểu biết phong phú về đời sống của đồng bào Tây Bắc. Trong truyện ngắn này, bằng vốn hiểu biết phong phú và khả năng quan sát tinh tế, tác giả đã khắc hoạ lại được những bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, thể hiện được nhiều phong tục độc đáo và miêu tả sinh động những người H’mông hồn nhiên, ngay thẳng. Từ cảnh xuân trên bản đến cảnh vui chơi trong ngày Tết, cảnh xô xát giữa hai đám thanh niên đến cảnh xử kiện,… tất cả đều được phác họa sống động, tài tình, tạo nên phong vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc cụ thể, xác thực.
Nét đặc sắc nhất của chất thơ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” biểu hiện ở tâm hồn nhân vật Mị. Ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi “đến bao giờ chết thì thôi” ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc sống. Ở nhà thống lí Pá Tra, Mị có cái vẻ ngoài âm thầm chịu đựng nhưng bên trong, kỳ thực, đó lại là một sức sống tiềm tàng, rạo rực. Đúng như Tô Hoài đã nói: “Ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng”. Tính nhân văn trong câu chuyện là đây. Chất thơ đặc biệt được tác giả tạo nên là đây. Đó là khi nghe tiếng sáo gọi bạn trong những đêm tình mùa xuân vọng về, lòng Mị lại “thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo giao duyên ấy chạm vào phần sâu kín nhất của tâm hồn Mị, phần tâm hồn rạo rực của cô gái trẻ ngỡ như đã chết đi khi cô mang thân phận con dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng sáo giao duyên ấy đã dẫn lối tâm hồn Mị trở về với ký ức của những ngày tự do xưa: “Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Và tiếng sáo giao duyên ấy thức tỉnh tâm hồn Mị: “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”. Đến đây, ta chợt nhớ lại một câu châm ngôn rằng: “Cái chết không phải là mất mát lớn nhất trong cuộc sống. Mất mát lớn nhất chính là ta để tâm hồn mình lụi tàn ngay cả khi còn sống.” Mị, từ một nhân vật sống không bằng chết, nay đã sống lại trong tâm hồn. Và khi tâm hồn Mị không lụi tàn chính là khi sức sống tiềm tàng, rạo rực trong Mị chỉ chờ cơ hội đến là trỗi dậy mạnh mẽ. Như vậy, trong quá trình xây dựng nhân vật Mị với một cuộc đời đầy bi kịch, nhà văn Tô Hoài đã thật khéo léo thêm vào nhân vật mình một nét tâm hồn rất “thơ” và giàu tính nhân văn. Dù viết về mảng đề tài bi kịch trong cuộc sống của con người, những trang văn của Tô Hoài vẫn thấm đượm chất thơ. Chất thơ ấy chứa đựng trong nỗi khát khao mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho mỗi con người.
Làm nên chất thơ của “Vợ chồng A Phủ” không thể không nhắc đến ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc. Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài ngoài cái ý nghĩa cụ thể trong từng câu chữ còn có một cái vô hình khó chỉ ra nhưng hoàn toàn có thể cảm thấy, đó chính là giọng điệu, là âm điệu câu văn cùng tiết tấu nhịp nhàng của nó. Tiết tấu đó chính là sự thể hiện những điệu tâm hồn, những cung bậc khác nhau trong tình cảm của nhà văn. Những điều này sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau, khi phân tích về nghệ thuật trần thuật của tác phẩm.
Tóm lại, chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài được tạo nên bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện. Đó là kết quả từ việc nhà văn vận dụng các loại hình nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc vào nghệ thuật viết văn; là kết quả của sự cộng hưởng giữa thơ ca và văn xuôi. Chất thơ say đắm lòng người không chỉ ở vẻ đẹp huyền diệu của thiên nhiên mà còn ở những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người. Bên cạnh nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, Tô Hoài còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi khả năng diễn đạt tài tình những rung động sâu xa, tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái của tình cảm. Cảm thức tinh tế của Tô Hoài trong việc nắm bắt và tái hiện sự biến chuyển của màu sắc, âm thanh, ánh sáng, mùi vị trong thiên nhiên là một trong những yếu tố tạo nên bầu không khí trữ tình, trong trẻo, đẹp đẽ bao quanh thế giới nghệ thuật truyện ngắn Tô Hoài. Nhịp điệu, chất nhạc trong văn xuôi Tô Hoài bắt rễ từ vốn hiểu biết tinh tường về ngôn ngữ mẹ đẻ, những trực cảm tinh tế về ngôn ngữ.
Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ – Mẫu 2
Tô Hoài là cây bút nổi tiếng ở thể loại truyện ngắn của văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là nhà văn của núi rừng Tây Bắc. Nhắc đến truyện ngắn của ông không thể không nhắc đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Trong thiên truyện ngày, người đọc không chỉ ấn tượng bởi những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn dễ dàng rung động trước chất thơ thấm đượm qua từng câu chữ.
Chất thơ trong tác phẩm văn học chính là vẻ đẹp lãng mạn. Nó tương phản với đời sống hiện thực nhưng thoát lên từ đời sống hiện thực. Hiện thực là những cái vốn có, chân thật thì chất thơ là ước mơ, lý tưởng nâng đỡ con người. Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, chất thơ bàng bạc bao phủ khắp mọi ngóc ngách, lan tỏa những giá trị vô cùng đẹp đẽ.
Chất thơ trước hết hiện lên qua hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với núi non, nương rẫy, sương mù… đặc trưng, không trộn lẫn với bất kỳ địa danh nào. Khung cảnh nên thơ nên họa được Tô Hoài miêu tả một cách đầy cá tính và sáng tạo. Tây Bắc hiện lên với núi rừng trùng điệp quanh năm ẩn hiện trong mây và sương mù. Ban ngày, dù nắng lên cao cũng không thể xua tan làn sương giăng trắng. Đêm xuống, ánh trăng hòa quyện càng khiến không gian trở nên huyền ảo như chốn vô thực.
Đặc biệt, chất thơ được thể hiện rõ nét khi Tô Hoài lia bút miêu tả khung cảnh mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc. “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”, “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên những mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ, gió và rét rất dữ dội”. Cái hồn cốt của thiên nhiên Tây Bắc đã được lột tả qua những câu văn mang đầy “ý thơ”. Những trang văn viết về thiên nhiên rẻo cao và mùa xuân ấy hài hòa, đẹp như bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi.
Bên cạnh đó, chất thơ còn được bộc lộ qua đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của con người nơi đây. Tô Hoài đã xây dựng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Tây Bắc như ngôi nhà gỗ với bếp lửa bập bùng suốt mùa đông không, công việc cõng nước, quay sợi… lặp đi lặp lại của họ hay những chiếc váy xòe sặc sỡ, vòng bạc lấp lánh – trang phục dân tộc của người phụ nữ H’mông vùng cao.
Mỗi phong tục, mỗi thói quen của con người bước vào trang văn của Tô Hoài đều rất đẹp, rất thơ. Song ấn tượng nhất có lẽ là lễ hội Tết. Không giống như người miền xuôi, người vùng cao ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong. Dù cho Tết năm ấy đến “giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội” cũng không dập tắt được niềm vui đang len lỏi trong tâm hồn. Không khí ngày Tết của Hồng Ngài mang đậm hơi thở, hương vị của núi rừng Tây Bắc khi “trai gái tìm nhau để tỏ tình”, chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu…
Đặc biệt, tác giả dành nhiều tình cảm và câu chữ cho việc miêu tả tiếng sáo – cầu nói truyền tải ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ cất lên tiếng lòng sâu thẳm: “Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Năm tháng trôi qua, tiếng sáo đã trở thành nét độc đáo không thể thiếu của mảnh đất này: “Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách”. Tiếng sáo gọi bạn tình vượt qua dòng chảy thời gian, trở thành dòng chảy tâm hồn của biết bao đôi trai gái miền sơn cước.
Thiên nhiên trong “Vợ chồng A Phủ” mang đầy chất thơ, thiên nhiên lại là cái nôi nuôi dưỡng con người trưởng thành. Đi từ cội nguồn ấy, Tô Hoài bắt đầu hành trình khám phá chất thơ trong con người mà nét đặc sắc nhất được biểu hiện ở tâm hồn nhân vật chính – Mị.
Mị là cô gái trẻ, nết na xinh đẹp như một bông hoa ban trên rẻo cao Tây Bắc, vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị thống lý Pá Tra bắt về làm dâu trừ nợ và rơi vào cảnh tăm tối. Những tưởng ở nơi hang hùm nọc rắn với ựu lăm le hủy diệt bản tính tốt đẹp của cái ác, Mị có lẽ sẽ héo hắt, sống mòn mỏi lầm lũi hết cuộc đời “đến bao giờ chết thì thôi”. Song ẩn sau tâm hồn ấy vẫn le lói những ánh lửa của khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
Ở nhà thống lí Pá Tra, từng hành động, cử chỉ, vẻ ngoài của Mị đều toát lên vẻ âm thầm nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng kỳ thực bên trong đó lại tiềm tàng một sức sống vô cùng mãnh liệt. Đúng như nhà văn Tô Hoài từng nhận định: “Ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng”. Vẻ đẹp nội tâm đáng trân trọng đó chính là tính nhân văn sâu sắc, là chất thơ đặc biệt được tác giả sáng tạo. Khi nghe tiếng sáo gọi bạn trong những đêm tình mùa xuân, lòng Mị “thiết tha bổi hổi”, âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Bắc ấy đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn Mị, làm rạo rực tâm hồn người con gái trẻ đẹp ngỡ như đã chết đi khi về làm dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng sáo giao duyên gợi mở trong tâm trí Mị những hồi ức của ngày xưa cũ, tự do, vui vẻ, ngày mà “Mị thổi sáo giỏi” “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”.
Cũng tiếng sáo ấy đã thức tỉnh tâm hồn Mị, khiến “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước.” Lần đầu tiên sau bước ngoặt làm dâu nhà thống lí, Mị ý thức được bản thân “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”. Từ tình trạng bi kịch sống không bằng chết, sống mà như cái xác không hồn, Mị nay đã sống lại thực sự, sinh động trong tâm hồn và suy nghĩ. Chính sức sống tiềm tàng, rạo rực âm thầm cháy tựa như ánh sáng nâng đỡ, ngăn cản sự lụi tàn của tâm hồn. Khi bùng cháy lên lại biến thành sức mạnh có thể xua tan tất cả. Để rồi từ đó, Tô Hoài đã khéo léo tái hiện nét “thơ” rất đẹp và giàu giá trị nhân văn trong quá trình xây dựng nhân vật. Ngay cả khi cuộc sống bế tắc trong bi kịch thì ông vẫn gửi gắm nỗi khát khao mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho mỗi con người.
Không những thế, chất thơ trong “Vợ chồng A Phủ” còn được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo. Tô Hoài sử dụng hàng loạt âm thanh cùng nhiều hình ảnh gợi cảm vừa rực rỡ màu sắc vừa rất đỗi nên thơ. Ngôn ngữ văn xuôi vừa cụ thể rõ ràng vừa trừu tượng vô hình. m điệu và tiết tấu cũng như giọng kể nhẹ nhàng theo mạch cảm xúc êm đềm chảy trôi trong tâm trạng, tình cảm của người cầm bút. Trong thế giới đa cung bậc và nhiều màu sắc tình cảm, Tô Hoài còn có khả năng diễn đạt rung động, cảm xúc tinh tế một cách tài tình. Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng sự mượt mà của văn phong điêu luyện. Hội họa, âm nhạc được khéo léo lồng ghép trong văn học tạo sự hài hòa cộng hưởng thơ ca và văn xuôi.
“Vợ chồng A Phủ” với chất thơ bàng bạc len lỏi thực sự là tác phẩm văn học chân chính với nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Với những giá trị ý nghĩa về nội dung và sáng tạo mang dấu ấn riêng về nghệ thuật, truyện ngắn xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu nổi bật cho hồn thơ Tô Hoài.
Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ – Mẫu 3
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài tính đến nay đã ngót 80 năm cầm bút. Ông đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ bao gồm hơn 200 đầu sách, hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại phong phú, đa dạng. Mỗi người yêu văn Tô Hoài từ trong tiềm thức của mình, nhắc đến Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”. Sau Cách mạng, ông lại nổi lên với tập “truyện Tây Bắc” với ba truyện tiêu biểu đó là “Vợ chồng A Phủ”, “Cứu đất cứu Mường” và “Mường Giơn giải phóng”.
Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là linh hồn của cả tập truyện. Những năm gần đây người ta lại xôn xao nhắc đến ông với tác phẩm “Cát bụi chân ai” và tiểu thuyết “Ba người khác”. Đến nay “Vợ chồng A Phủ” vẫn là mốc thách thức với chính nhà văn Tô Hoài. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của những người nông dân trên rẻo cao Tây Bắc thông qua Nhân vật Mị – người con gái Mèo nghèo khổ, xinh đẹp, nết na được Tô Hoài xây dựng với sức sống tiềm tàng bất diệt. Toàn nội dung này được bao bọc trong một không khí bàng bạc tựa như sương núi, tựa như ánh trăng. Không khí ấy chính là chất thơ trữ tình – một nghệ thuật đặc sắc của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Nhờ có nghệ thuật này này, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài xứng đáng là minh chứng cho lời nhận định của một nhà phê bình văn học: văn học Việt Nam ở giai đoạn 1945-1975 có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn.
Chất thơ trữ tình có thể được hiểu là vẻ đẹp lãng mạn trong một tác phẩm. Nó là vẻ đẹp bay bổng thơ mộng thoát lên từ đời sống hiện thực. Nó tương phản với đời sống hiện thực nhưng lại trong một thể thống nhất. Nếu hiện thực là miêu tả những cái vốn có, hiện có thì vẻ đẹp lãng mạn là ước mơ, là lý tưởng để nâng đỡ con người vượt qua đời sống hiện thực vốn trần trụi, quen nhàm. Vì vậy, vẻ đẹp lãng mạn hay chất thơ của tác phẩm là đối tượng tìm kiếm của mọi ngành nghệ thuật. Văn xuôi cũng đi tìm cho nó một vẻ đẹp rất riêng.
Một người nghệ sĩ tài ba, một người nghệ sĩ mẫn cảm là người phải tìm thấy chất thơ của cuộc sống, hương vị của cuộc ðời ở những chỗ tưởng chừng như không có một chút thơ mộng nào. Tô Hoài là một nhà văn như thế, bởi “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm thấm đẫm và lai láng chất thơ. Ta nhận thấy từ thiên nhiên nói đây cho đến cuộc sống con người từ tảng ðá, bìa rừng cho đến những nỗi khổ đau của con người nơi đây đều được bao bọc trong một không khí bàng bạc tựa như sương núi, tựa như ánh trăng. Không khí ấy chính là chất thơ trữ tình của nhà văn Tô Hoài. Đây là một trong những lý do tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được giải thưởng văn học năm 1954-1955 và được xem như một truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài miền núi Tây Bắc.
Như đã nói chất thơ hay vẻ đẹp lãng mạn chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình người. Đến với vẻ đẹp lãng mạn trong “Vợ chồng A Phủ”, ấn tượng đầu tiên của người yêu văn đó chính là vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên nơi đây. “Vợ chồng A Phủ” lấy bối cảnh là thiên nhiên rẻo cao Tây Bắc – một khung cảnh vô cùng nên họa nên thơ mà đã hơn một lần bước vào những trang văn của Nguyễn Tuân: nơi ấy có thung lũng lúa chín vàng, có đá chìm đá nổi, có gió cuốn mây bay, có nắng vàng rực rỡ… Khung cảnh thiên nhiên ấy đã được Tô Hoài triển khai một cách rất cá tính, rất sáng tạo. Nói đến thiên nhiên nơi đây thì phải nói đến nơi có ngọn núi quanh năm ngập trong mây và sương mù; nơi có những cánh rừng bạt ngàn nương rẫy khi thì xanh mướt lúa ngô, khi thì sặc sỡ hoa thuốc phiện nơi có những bản làng tụ quanh nguồn nước và dòng suối… Hàng ngày, từng đàn gia súc được lùa ra trên khắp bản làng. Chiều về, cả con người và cảnh vật chìm dần trong hơi sương. Đêm đến, họ vây quanh đống lửa bập bùng.
Đọc những trang văn của Tô Hoài, người yêu văn còn bắt gặp hình ảnh của người dân rẻo cao đi làm nương, đi hái củi, hái lá, trỉa bắp, chăn thả bò ngựa. Đời sống của họ lam lũ, vất vả nhưng nhịp sống của họ đều đặn, êm đềm trôi hết năm này sang năm khác. Chưa một lần đặt chân lên rẻo cao Tây Bắc, chưa một lần đến với con người nơi đây nhưng những trang văn đầy thơ mộng của Tô Hoài đã đưa người yêu văn đến chứng kiến cuộc sống của con người ở rẻo cao này. Từ nhận thức ấy, mỗi người yêu văn tự rút ra cho mình một bài học nhân sinh bởi văn học luôn thanh lọc tâm hồn của người đọc, nó mang đến, chất chứa biết bao nhiêu nỗi khổ đau. Nó như một trang đời mà người yêu văn có thể rút ra những bài học qua từng chữ từng câu.
Không chỉ dừng lại ở đó, chất thơ của câu chuyện còn được bút lực của nhà văn Tô Hoài tập trung miêu tả ở khung cảnh mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc. Có thể khẳng định những trang văn viết về mùa xuân của nhà văn Tô Hoài là những trang văn tuyệt bút. Những trang văn viết về thiên nhiên rẻo cao, viết về mùa xuân ấy chẳng khác nào những bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Nghệ thuật này ta đã từng bắt gặp ở ngòi bút của Thạch Lam trước Cách mạng ở Nguyễn Tuân khi ông viết tùy bút “Sông Đà”.
Năm ấy xuân về sớm hơn mọi năm, Hồng Ngài có tục lệ cứ gặt hái xong là ăn tết. Tác giả miêu tả những làn gió đẹp mùa xuân về trên khắp bản làng. Tất cả không khí nơi đây đều là không khí ngày hội. Trên những bản của người Mèo Đỏ, trai gái mang váy áo ra phơi trên mỏm đá trông sặc sỡ như những cánh bướm khổng lồ. Chất thơ của xứ sở đây còn được tụ vào trong những đám hội. Ban ngày, từng đám thanh niên mặc váy áo mới xòe ô dắt ngựa đến đánh quay, ném pao, tung còng… Tối đến, trong không gian kia những tiếng kèn lá, kèn môi của trai gái gọi bạn tình lại réo rắt đi hết quả đồi này sang quả đồi khác… Tất cả những không khí lễ hội mùa xuân này làm câu chuyện hiện lên không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn đẹp về lễ hội mang tính lịch sử của dân tộc.
Như vậy rõ ràng thiên nhiên trong tác phẩm này mang đầy chất thơ. Mà thiên nhiên lại là cái nôi để con người ta sinh ra và lớn lên trên đó. Đứng trong cái nôi thiên nhiên đầy chất thơ này, nhà văn đã tập trung vào để đi tìm chất thơ trong tâm hồn của con người rẻo cao Tây Bắc: chất thơ của tình người. Nếu đi tìm chất thơ trong một tác phẩm văn xuôi mà ta chỉ dừng lại ở khung cảnh thiên nhiên thôi thì vô hình chung ta đã coi tác phẩm này như một bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi rồi. Trong một tác phẩm văn xuôi, yếu tố quyết định đến sự thành bại của nó không gì khác hơn chính là nhân vật. Nhân vật càng chân thực, sống động bao nhiêu tác phẩm càng thành công bấy nhiêu. Vì vậy, chất thơ trong tác phẩm còn được tập trung ở vẻ đẹp của nhân vật, vẻ đẹp của tình người.
Đầu tiên ta thấy ở đây, nhà văn tập trung miêu tả tình người ở những con người ở rẻo cao Tây Bắc. Họ đang phải sống trong địa ngục trần gian, phải sống ở Hồng Ngài – nơi cái ác hiện lên từng ngày từng giờ và phát triển đến cùng cực. Như đã biết, truyện xoay quanh cuộc đời của Mị – một cô gái nết na xinh đẹp được ví như một bông hoa ban trên rẻo cao Tây Bắc nhưng vì món nợ truyền kiếp mà bố mẹ Mị vay của thống lí Pá Tra, Mị đã bị thống lý bắt về trừ nợ. Ở nhà thống lí – nơi hang hùm nọc rắn, nơi thiên la địa võng, nơi cái ác lúc nào cũng muốn lăm le hòng tiêu diệt bản tính tốt đẹp của con người. Nhưng không phải vì thế mà người dân vùng cao bị sói mòn tình người, bị cằn cỗi tâm hồn. Ngược lại, ngay trong địa ngục trần gian ấy, lòng tốt của con người vẫn được bộc lộ, đức tính tốt đẹp của con người vẫn thăng hoa, cái đẹp vẫn nổi loạn ngay trong lòng cái ác. Điều này được thể hiện rất rõ giữa sự giằng xé của tình phụ tử giữa cha con nhà Mị.
Mị tuy đang sống hạnh phúc trong những ngày với mối tình đầu của mình nhưng vì thương cha Mị đành chấp nhận vào nhà thống lí Pá Tra. Vào cái nơi địa ngục trần gian này, có những lúc Mị tưởng chừng như không tồn tại được. Mị đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng về đến nhà, thấy rõ gia cảnh nhà mình, thấy bố Mị nói như van xin: “Mày về lạy chào tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ. Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!” Mị đã phải đứng trước một tình huống oái oăm, éo le, cay cực: sống không muốn, chết cũng không xong. Cuối cùng, Mị đã không chết bởi Mị không bước qua được tình phụ tử, không bước qua được chữ “hiếu”. Nói cách khác, chữ “hiếu” đã giúp Mị tồn tại để vượt qua cái hang hùm nọc rắn này. Như vậy ở đây, chữ “hiếu” vẫn thăng hoa, lòng tốt của con người vẫn được gìn giữ ngay ở trong địa ngục trần gian.
Còn về phía người cha già cả cuộc đời lam lũ vất vả, mong sao thoát khỏi cảnh nghèo nhưng cũng không xong, bị lâm vào bước đường cùng và phải gả bán con gái cho nhà giàu mà ruột gan tan nát. Như vậy, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện thấy ở đây tình người, tình phụ tử của cha con nhà Mị đã chiến thắng ở trong ngục tối, muốn khẳng định rằng tất cả những gì là tốt đẹp của cuộc đời không bao giờ bị hủy diệt. Cái đẹp luôn luôn tồn tại mãi cùng với thế giới. Dù nó có phải sống trong lòng của ngục tối, trong lòng của cái ác thì cái đẹp cuối cùng vẫn chiến thắng.
Bên cạnh đó, tình người ở đây còn được thể hiện rất rõ ở sự thương cảm Mị dành cho A Phủ. Thân phận của Mị và A Phủ cũng chẳng hơn nhau gì. A Phủ là một đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống bộc trực thẳng thắn. Một lần đánh lại A Sử con quan, A Phủ đã bị bắt về nhà thống lí Pá Tra làm nô lệ. Hàng ngày A Phủ phải đi chăn thả bò ngựa, đi săn bò tót, bẫy nhím…một lần mải mê bẫy nhím, A Phủ đã để hổ vồ mắt một con bò. Nhân sự kiện này, gia đình nhà thống lí Pá Tra đã đánh trói A Phủ giữa những ngày đầy sương muối ở vùng cao.
Đêm nào dậy cời than để hơ tay, Mị vẫn nhìn thấy A Phủ nhưng cô không động lòng thương bởi sống quá lâu trong địa ngục trần gian nơi việc đánh trói con người xảy ra nhiều hơn cơm bữa, lòng thương người của Mị đã bị chai sạn, trơ lì. Hôm nay thì khác. Nghe thấy tiếng thở phì phì của A Phủ, Mị nhìn sang, giật mình nhận thấy chàng trai to khỏe nhất bản giờ đã bị đánh đến tiều tụy. Đúng lúc ấy, hai hàng nước mắt của A Phủ lặng lẽ bò xuống hõm má. Có lẽ hai dòng nước mắt ấy đã thấm sâu vào trong tâm hồn của người con gái Mèo nết na xinh đẹp nhưng đang bị chai sạn, chai lì. Động lòng thương, Mị đã cứu A Phủ và hai người đã giải phóng cho nhau. Tất cả những điều ấy chính là chất thơ của tình người. Nó muốn khẳng định răng cái ác dù hiện ra dưới muôn nẻo của cuộc sống nhưng cuối cùng cũng bất lực trước cái thiện. Cái thiện là bất diệt với cuộc đời.
Một cái nét đẹp nhất trong chất thơ của tình người, quyết định đến tất cả những gì đã nêu trên đó là sức sống tiềm tàng của Mị. Nhân đây ta nhắc qua sức sống tiềm tàng của Mị. Hiểu nôm na, sức sống tiềm tàng sức sống tiềm ẩn dưới đáy sâu tâm hồn của con người. Nó là toàn bộ sức mạnh về tinh thần và thể chất của một con người. Ở nhân vật Mị, sức sống tiềm tàng được biểu hiện là khát vọng cháy bỏng chân chính muốn sống một cuộc đời hạnh phúc trong tự do. Niềm khao khát ấy âm ỉ cháy dưới đáy sâu tâm hồn của Mị như một ngọn lửa chưa bao giờ tắt hẳn, chỉ chờ thời cơ để bùng lên. Nó như một chồi cây đâm sâu trong lòng đất chỉ chờ cơ hội để phát triển.
Giả sử nếu sức sống ấy chết đi, có nghĩa là Mị không tồn tại thì điều đó đồng nghĩa với cái đẹp đã hoàn toàn thất bại trước cái ác, cái ác đã thăng hoa thì đây không còn là một tác phẩm nhân đạo chân chính nữa. Chính sức sống này đã giúp Mị giải thoát người cùng cảnh ngộ và giải thoát được chính bản thân mình. Chính sức sống ấy đã đưa hình tượng người nông dân trước Cách mạng tăm tối như cuộc đời của Chí Phèo, của chị Dậu, của Anh Pha đến với ánh sáng của Cách mạng. Sức sống ấy đã đưa ra chân lý của thời đại: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (Nguyễn Khải)
Heming way đã từng nói: “Các cuốn sách có sự bất tử của nó. Đó là sản phẩm bền vững của lao động con người. Các đền đài sụp đổ, các tranh tượng rồi tiêu tan, nhưng sách thì tiếp tục tồn tại”. Một trong những cuốn sách ấy là “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài. Ai đã từng một lần đọc tập “Truyện Tây Bắc” hẳn sẽ chẳng thể nào quên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” với cảnh sắc thiên nhiên con người Tây Bắc và con người nơi đó. Và để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí người có lẽ là chất thơ, chất Tây Bắc đậm đặc của thiên truyện. Mang đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về miền đất cực Tây của Tổ quốc.
“Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm văn chương đậm đà chất thơ. Chúng ta đã biết văn xuôi là sợi cốt còn thơ là sợi ngang… “Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc giục, không dẫn dắt ta đi đâu cả”. Phađê ép khẳng định: “Văn vuôi cần phải có cánh. Đôi cánh ấy chính là chất thơ, chất thơ chính là chiếc cầu mềm mại đưa văn xuôi vào hồn người êm ái, dịu dàng”. Bằng tài năng cùng sự nhậy cảm với cuộc đời của mình, Tô Hoài chắp cánh cho những trang văn của mình để chất thơ được bay cao và tỏa sáng một tâm hồn mẫn cảm.
Sự xâm nhập mạnh mẽ của yếu tố trữ tình và chất thơ vào văn xuôi, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn đã làm cho truyện của Bunhin có sức cuốn hút và lay động tâm hồn người đọc, tạo nên đặc sắc trong văn xuôi của ông. Nhà văn K.Pautốpxki cho rằng: “Văn xuôi là sợi cốt, thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa chất thơ sẽ trở thành thô thiển”. Chất thơ như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng văn xuôi làm cho thể loại này trở nên nhẹ nhàng đằm thắm, bay bổng và dễ đến với tâm hồn đọc giả. Đối với truyện ngắn thì chất thơ và tính trữ tình lãng mạn càng hết sức quan trọng. Về vấn đề này, nhà văn R.Gamzatốp khẳng định: “Truyện ngắn hay nhất nếu bị ghép vần có thể biến thành bài thơ dở nhất. Thơ trong truyện có lẽ như muối trong thức ăn”. Ở một cách hiểu rộng hơn về văn chương đồng thời khẳng định vai trò của chủ thể sáng tạo, M.Prisvin chỉ ra: “Văn chương, đó là thơ ca của cuộc sống nhẹ nhàng. Còn như nghệ thuật, nó thực sự đi ra từ cuộc sống bên trong, một cuộc sống biểu lộ trong ấy cái cảm hứng của con người trước sự bất tử”. Sự thống nhất giữa cái đẹp của đời sống hiện thực và cái đẹp của tâm hồn nhà văn trên cơ sở trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ là biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi Bunhin. Sự giao hòa giữa tâm hồn nhạy cảm của tác giả với vẻ đẹp của con người và thiên nhiên cũng là một nhân tố tạo nên chất trữ tình sâu lắng.
Rõ ràng “Vợ chồng A Phủ” mãi mãi là hành trang để chúng ta bước vào cuộc sống. Mỗi một tác phẩm văn học chân chính là một lời đề nghị về cách sống, có khả năng nhân đạo hóa con người. “Vợ chồng A Phủ” là một tác phẩm như vậy.