Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Chiếu cầu hiền, Kính mời thầy cô và bạn đọc cùng tham khảo Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng vua
Văn bản “Chiếu cầu hiền” được học trong chương trình Ngữ Văn lớp 11. Qua tác phẩm này, người đọc đã thấy vẻ đẹp của vua Quang Trung.
Tài Liệu Học Thi mời bạn đọc tham khảo Bài văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Chiếu cầu hiền, bao gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu được chúng tôi đăng tải dưới đây.
Dàn ý hình tượng Quang Trung trong Chiếu cầu hiền
1. Mở bài
– Giới thiệu văn bản “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.
– Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Hình tượng Quang Trung hiện lên là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng, biết trọng dụng người tài.
2. Thân bài
– Vua Quang Trung nhận thức được tầm quan trọng của hiền tài
– Ông nhìn nhận những khó khăn trong việc thu phục nhân tài.
– Tấm lòng mong mỏi chiêu mộ người có tài ra giúp nước cứu đời.
– Đường lối cầu hiền đầy tiến bộ: bất kỳ ai có học thuật không phân biệt quan lại hay thứ dân…
3. Kết bài
– Ý nghĩa hình tượng của vua Quang Trung: thể hiện một tư tưởng tiến bộ, đúng đắn và nhân cách cao đẹp.
Hình tượng Quang Trung trong Chiếu cầu hiền – Mẫu 1
“Chiếu cầu hiền” là một trong những văn kiện quan trọng đã thể hiện được chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn khi động viên những trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước. Qua bài chiếu, ta thấy được hình tượng vua Quang Trung hiện lên là một con người có tầm nhìn xa trông rộng.
“Chiếu cầu hiền” ra đời như một lời kêu gọi người tài ra giúp nước, ngay phần mở đầu, người đọc có thể thấy được quan niệm về người hiền – kẻ sĩ đời xưa của vua Quang Trung: “Người hiền xuất hiện ở trên đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao tất phải chầu về Bắc thần, người hiền tất phải do thiên tử sử dụng”. Nhà vua đã nhận thức được tầm quan trọng của người hiền đối với vận mệnh của đất nước. Cũng như mối quan hệ khăng khít của hiền tài đối với một bậc thiên tử – “hiền tài là sứ giả của thiên tử”. Người đứng đầu đất nước dù có giỏi đến đâu cũng cần phải có sự giúp sức của người tài đến từ bốn phương. Đối với nhà vua, người tài thì phải đem tài năng của mình ra giúp đời, giúp người. Nếu “che mất đi ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp” thì chẳng khác nào là làm trái với ý trời. Vua Quang Trung đã bày tỏ tấm lòng mong mỏi “trẫm hiện đương ngồi bên mép chiếu, chăm chú lắng nghe, sớm hôm mong mỏi”. Nhưng thực tế thì “người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến”. Câu hỏi “Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá hay chăng?” như một sự suy ngẫm, phán xét chính mình. Cũng là để đánh vào những kẻ sĩ có lương tâm không thể nhắm mắt làm ngơ trước tấm lòng của một bậc đế vương.
Một lòng lo cho đất nước còn đang “đương ở buổi đầu của nền đại thịnh, công việc vừa mới mở ra”, “kỷ cương triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan”, “dân còn nhọc mệt chưa lại sức” mà việc giáo hóa “đạo đức còn chưa thấm nhuần”. Bài chiếu đi sâu vào tấm lòng của mỗi người bởi sự chân thành, tha thiết của một bậc quân vương – vốn có quyền lực tối cao và toàn dân phải kính nể: “Trẫm nơn nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh” khiến cho người đọc người nghe phải tự vấn lại bản thân đã xứng đáng với đất nước, nhân dân. Hình ảnh mà vua Quang Trung đưa ra: “Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình… Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?”. Nhà vua coi trọng sự đoàn kết của dân tộc, cũng như khẳng định rằng có những người tài năng hơn ông.
Điều đáng ca ngợi nhất là bài chiếu đã thể hiện quan điểm công bằng trong việc chiêu mộ nhân tài. “Ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc”. Vua Quang Trung không phân biệt “quan thường hay thứ dân”, miễn là có tài năng có thể giúp ích cho đất nước. Việc dùng nhân tài thì “người có lời lẽ có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, người có lời lẽ không dùng được thì để đây, chứ không bắt tội nói viển vông, không thiết thực”. Ông cho phép “các quan văn, quan võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tùy tài lục dùng”. “Người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín” có thể tự dâng sớ tự tiến cử… Điều này cho thấy một tầm tư tưởng vô cùng dân chủ của Quang Trung. Ông trọng dụng người tài nhưng để cho họ có quyền dân chủ để từ đó mà phát huy hết tài năng của mình.
Như vậy, qua phân tích trên, người đọc có thể thấy được một nhân cách cao đẹp của vua Quang Trung với tấm lòng kêu gọi người tài ra giúp nước cứu đời.
Hình tượng Quang Trung trong Chiếu cầu hiền – Mẫu 2
“Chiếu cầu hiền” đã khắc họa cho mỗi người đọc thấy được hình ảnh Quang Trung với một tấm lòng yêu nước, một tư tưởng đầy tiến bộ.
Tác phẩm được Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung vào khoảng năm 1788 – 1789 nhằm kêu gọi trí thức Bắc Hà ra cống hiến sức mình để xây dựng đất nước.
Biết trọng dụng người tài luôn là một trong những cách ứng xử sáng suốt của những người lãnh đạo, đặc biệt là đối với bậc thiên tử. Bởi mối quan hệ giữa hiền tài với thiên tử vô cùng gắn bó – “hiền tài là sứ giả cho thiên tử” như quan điểm mà vua Quang Trung đã nêu trong bài “Chiếu cầu hiền”. Đối với ông, người tài phải được đời dùng chẳng khác nào là trái với ý trời. Đem tài năng của mình ra xây dựng đất nước – đó là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của mỗi người tài đối với quốc gia, dân tộc. Hình tượng vua Quang Trung hiện lên ở đây giống như “ngôi sao Bắc thần” chói sáng, rực rỡ đầy anh minh, sáng suốt để cho người tài khắp nơi như sao sáng về chầu.
Nhưng thực tế lại khiến ông vô cùng băn khoăn lo lắng. “Thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đương phải kiêng dè không dám lên tiếng. Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời”. Họ sống ẩn dật để giữ vẹn khí tiết với một vương triều đã suy tàn. Hoặc họ ra làm quan mà không dám thể hiện tài năng, bày tỏ chính kiến… Đó là cách ứng xử bất đắc dĩ. Thấu hiểu được điều đó, vua Quang Trung luôn canh cánh một tấm lòng mong chờ người hiền ra cứu nước, giúp đời: “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi…”. Lời nói đầy tha thiết khiến cho người đọc người nghe phải lay động tâm can. Cùng với đó là sự băn khoăn day dứt của nhà vua: “Hay trẫm là người ít đức, không xứng để những người ấy phò tá hay chăng?”, “Hay đương thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?”. Một cách nói đầy khiêm nhường dường như là đang tự vấn lại bản thân. Mà cũng như đầy oán trách – đánh vào tâm lí của những bậc hiền tài trong thiên hạ nếu còn lương tâm chắc chắn sẽ không thể thờ ơ.
Đồng thời, Quang Trung đã đưa ra những lời khẳng định họ sẽ không còn sợ bị lãng quên, bị bỏ rơi, bị bạc đãi… như trong thời buổi suy vi. Sĩ phu Bắc Hà sẽ có cơ hội thể hiện tài năng, tâm huyết và khát vọng lập công, lập danh khi đất nước “đang ở buổi đầu của nền đại định, công việc vừa mới mở ra”, “ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh”…
Đường lối cầu hiền cũng vô cùng tiến bộ và dân chủ đã được Quang Trung nêu ra. “Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật… mà rao bán”. Vua Quang Trung coi trọng tài năng, đạo đức mà không quan tâm đến xuất thân của họ. Chỉ thành tâm khuyên họ ra giúp đỡ đất nước. Những điều này đã cho thấy một tấm lòng vì dân vì nước. Một con mắt biết nhìn xa trông rộng. Cũng như tài năng dùng người của một bậc đế vương.
Tóm lại, “Chiếu cầu hiền” đã cho người đọc thấy được hình ảnh vua Quang Trung với một nhân cách cao đẹp, một tấm nhìn chiến lược và một tấm lòng yêu nước tha thiết.