Văn mẫu lớp 12: Phân tích khổ 5 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích khổ 5 bài Sóng gồm dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫy hay nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 12
Phân tích khổ 5 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được nỗi nhớ của người con gái trong tình yêu. Khi đọc “Sóng” của Xuân Quỳnh, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy rung động trước những cung bậc cảm xúc đầy yêu thương của tình yêu.
Phân tích khổ 5 bài Sóng gồm dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫy hay nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi ngôn ngữ, rèn kỹ năng viết văn ngày một hay hơn để đạt được kết quả cao trong bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Nội dunhg chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Dàn ý phân tích khổ 5 bài Sóng
1, Mở bài
– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
– Giới thiệu về khổ thơ năm của bài thơ “Sóng”
2, Thân bài
* Khổ 5: Nỗi nhớ trong tình yêu
a, Bốn câu thơ đầu
– Nỗi nhớ bờ âm ỉ, tha thiết của sóng
b, Hai câu thơ cuối
– Nỗi nhớ của “em”
* Khái quát cuối
– Đánh giá về nội dung, nghệ thuật
– Phong cách của tác giả
– Liên hệ mở rộng: người phụ nữ trong thơ xưa
3, Kết bài
Kết luận vấn đề, nêu cảm nghĩ
Phân tích khổ 5 bài Sóng hay nhất
Sóng là tiếng thơ tha thiết của Xuân Quỳnh về tình yêu, và cũng ở đó, nhà thơ thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về quy luật muôn thuở của tình yêu – một địa hạt đã được nhiều cây bút đào xới, kiếm tìm. Đặc biệt, bằng cách phổ vào trong Sóng điệu tâm hồn của riêng nữ thi sĩ, cho nên dẫu viết về xúc cảm muôn thuở của đôi lứa yêu nhau ấy là nỗi nhớ, thì nó vẫn có những nét đặc sắc riêng.
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Sóng mang trong mình nỗi nhớ, và sóng chính là nỗi nhớ. Con sóng đập cồn cào da diết hay chính là nhịp thở của đại dương bao la, là những khắc khoải và nhớ thương mà con sóng gửi vào biển cả bất tận. Mượn hình ảnh con sóng cồn cào, con sóng trên mặt nước và cả dưới lòng sâu để diễn tả về nỗi nhớ, Xuân Quỳnh hẳn đã tìm thấy sự đồng điệu của mình trong sóng. Vì thế mà sóng là sự hóa thân, là thân phận của cùng một cái tôi Xuân Quỳnh đã phả vào hình tượng sóng điệu hồn nồng nàn của mình, do vậy tái tạo nó, khiến nó như mới được sinh ra lần đầu trong tình yêu và nỗi nhớ. Nỗi nhớ, hay tên gọi khác là tương tư, là cảm xúc muôn thuở của đôi lứa yêu nhau.
Ca dao đã từng tương tư:
“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”
Và cố thi cũng đã từng tương tư:
“Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm tương giang thủy”
Và chàng thi sĩ chân quê Nguyễn Bính cũng góp vào từ điển tình yêu với nỗi nhớ thầm đầy duyên dáng, đằm thắm thôn quê:
“Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Nhưng để ý có thể thấy, nếu trước Xuân Quỳnh, cái người đọc cảm nhận là sự da diết của nỗi nhớ, thì đến Xuân Quỳnh với hình tượng sóng, nhà thơ đẩy liên tưởng của người đọc đi xa hơn. Nỗi nhớ của nhân vật trong sóng bao trùm, chế ngự cả không gian và thời gian, xâm chiếm toàn bộ thế giới vô biên của tâm hồn, nỗi nhớ cụ thể trong ý thức, nỗi nhớ mơ hồ trong tiềm thức, nỗi nhớ hiện hữu trong từng ý nghĩ, nhịp thở. Cái cồn cào da diết, mãnh liệt cuộn trào của cơn sóng lòng như đã cuốn nhịp thơ nhanh, dồn dập. Chính điều này cũng tạo nên sự khác biệt trong mạch cảm xúc của Xuân Quỳnh, mạch chảy của trái tim bao trùm, chi phối toàn bộ mạch cảm xúc của đoạn thơ, nó không phải là nhịp điệu của bằng trắc một cách cứng nhắc, mà là nhịp điệu của tâm hồn, do đó dễ khơi gợi sự đồng điệu, thấu cảm, và là cây cầu bắc liên tưởng đến cho người đọc.
Nỗi nhớ trong Sóng cứ như thế miên man vỗ những nhịp đập bất tận vào tâm hồn người đọc, để dẫu đời thơ Xuân Quỳnh có ngừng, thì sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn chảy mãi, vẫn da diết và ngân vang những giai điệu riêng của nỗi nhớ trong tâm hồn những kẻ đang yêu.