- Tin tức
Số 20 – Về sự điều chỉnh chiến lược của một số nước lớn sau chiến tranh lạnh
03:39 22/03/2012
Về sự điều chỉnh chiến lược của một số nước lớn sau chiến tranh lạnh
Tác giả: Phan Doãn Nam.
Bảy tám năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt và sự tan rã của hệ thống thế giới 2 cực. Tuy nhiên, cho đến nay chưa ai vẽ được rõ nét hình thù của hệ thống thế giới mới được mọi quốc gia chấp nhận. Một số người cho rằng thế giới hiện nay là đơn cực với một lẽ đơn giản Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại và trong vòng 15 – 20 năm tới chưa một nước nào có thể thách thức vai trò siêu cường của Mỹ. Một số khác lại cho rằng thế giới đơn cực ngày nay phải hiểu theo nghĩa thế giới phương Tây là một cực bao gồm 3 trung tâm tư bản phát triển nhất là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Một số học giả Trung Quốc thì nói rõ hơn thế giới hiện nay gồm một siêu và nhiều cường. Về hiện tượng, có thể các bức tranh trên đều đúng. Song nói đến hệ thống thế giới hay trật tự thế giới, người ta muốn biết thực chất của hệ thống mới đó là gì, những nước nào chi phối quan hệ quốc tế, ai là kẻ đặt ra và kiểm soát luật chơi mới ? Do đó những bức tranh nói trên về một hệ thống thế giới mới sau chiến tranh lạnh chưa giải đáp được các vấn đề thực chất nêu trên, và những người đưa ra những bức tranh đó vẫn mang nặng tư duy của hệ thống thế giới cũ, nghĩa là vẫn xem các nước lớn có vai trò quyết định công việc thế giới. Thực tế tình hình thế giới trong 7 năm qua cho thấy các nước lớn trước hết là Mỹ vẫn còn có tiếng nói quan trọng, và trong một số trường hợp có tính chất quyết định đối với việc giải quyết công việc thế giới. Nhưng bên cạnh đó vai trò của các nước trung bình ngày càng tăng. Trong một số trường hợp các nước bậc trung đã có thể đóng góp vai trò chủ đạo, nhất là trong các vấn đề an ninh khu vực. Ngoài ra người ta cũng đã phải chú ý hơn đến vai trò các nước đang phát triển. Điều này được thể hiện không những trong việc xử lý các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo trong thế giới đang phát triển, mà còn được thể hiện qua đề nghị của Tổng thư ký Liên Hợp quốc về việc dành cho các nước đang phát triển ở Châu A’, Châu Phi và Mỹ Latinh 3 ghế tại Uỷ ban thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Trước khi đi sâu vào xem xét hệ thống nào đang thay thế cho hệ thống thế giới 2 cực trong chiến tranh lạnh, có lẽ cần nhìn lại những nét lớn của tình hình kinh tế và chính trị thế giới kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.
1. Về kinh tế :
Sau chiến tranh lạnh, vấn đề kinh tế là nhân tố hàng đầu đối với sự hưng vong của mỗi dân tộc. Chính phủ nào cũng đặt vấn đề phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động của mình. Điều đó xuất phát từ ba lý do. Một là, bất cứ chính phủ nào muốn đứng vững và duy trì được sự ổn định chính trị thì vấn đề hàng đầu là phải cải thiện được đời sống của các tầng lớp nhân dân. Hai là, bất cứ nước nào muốn có một vị thế nhất định trong hệ thống quốc tế mới, muốn mở rộng giao lưu và hội nhập vào cộng đồng quốc tế thì trước hết phải có lực lượng kinh tế và nay là thời cơ để làm việc đó. Ba là, trong thời đại ngày nay, an ninh kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong nền an ninh của mỗi nước.
Điểm nổi bật của tình hình kinh tế thế giới thời gian qua từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc là sự tăng trưởng tương đối liên tục tuy không cao và chưa thật ổn định. Đó là do chiến tranh lạnh kết thúc đã phá vỡ bức tường ngăn chia kinh tế thế giới thành hai nền kinh tế song song và về cơ bản đối lập nhau. Kinh tế thế giới trở thành một thị trường thống nhất cùng với khoa học công nghệ không ngừng phát triển đã giải phóng sức sản xuất của toàn thế giới. Tương ứng với việc phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất thế giới được cơ cấu lại theo hướng liên kết hoá và toàn cầu hoá đã đẩy mạnh quá trình giao lưu kinh tế quốc tế, trước hết là thương mại và đầu tư, làm cho tính phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành một quy luật cho sự phát triển. Một nhân tố khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là sự tăng nhanh của nền thương mại thế giới theo hướng tự do hoá.
Tuy nhiên nhìn lại sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong thời gian qua có thể thấy rõ sự phát triển không đồng đều giữa các nước vẫn tiếp tục là một xu hướng không thể đảo ngược. Điều nghịch lý là càng phát triển thì hố ngăn cách giữa các nền kinh tế lại có xu hướng càng rộng ra. Quá trình nhất thể hoá nền kinh tế thế giới cũng diễn ra không đồng đều. Từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, quá trình này chủ yếu chỉ diễn ra ở 3 trung tâm tư bản chính là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, và các công ty đa quốc gia là người trực tiếp thực hiện quá trình này. Sau chiến tranh lạnh, tình hình cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Trừ EU, quá trình liên kết kinh tế ở các khu vực hoặc đại khu vực cũng chỉ mới ở trình độ thấp dưới dạng khu vực tự do mậu dịch hay là liên minh quan thuế. Có thể nói, sau chiến tranh lạnh, toàn cầu hoá đã có bước phát triển mới với việc hầu hết các nước trước đây theo nền kinh tế tập trung bao cấp nay đều chuyển sang nền kinh tế thị trường và trở thành những thành viên mới của các tổ chức, tài chính thương mại thế giới như WB, IMF, WTO hoặc tổ chức khu vực như APEC, AFTA, NAFTA v.v… Nhưng về bản chất, việc tham gia của các thành viên mới này chưa làm thay đổi tính chất và cơ cấu của các thể chế quốc tế này. Luật chơi vẫn nằm trong tay các nước giàu. Nga tuy được tham gia G7 nhưng với địa vị thấp, do đó G7 chưa biến thành G8. Trung Quốc có nền kinh tế lớn phát triển năng động nhất thế giới không những không được mời tham gia G7 mà việc trở thành thành viên WTO vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những điều kiện chủ yếu do Mỹ đưa ra. Về cơ bản vẫn chưa có sự hội nhập Bắc – Nam. Trật tự kinh tế thế giới mới đã được người ta nói đến trong 30 năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai hình dung được bóng dáng của nó là như thế nào. Đó đây đã có tiếng nói bi quan về quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá, kể cả trong các nước phát triển, vì bên cạnh những mặt tích cực thì mặt thách thức của nó cũng rất lớn. Nó làm cho sự cạnh tranh giữa các nước và giữa các khu vực trở nên hết sức khốc liệt và có xu hướng dẫn đến chế độ bảo hộ mậu dịch khu vực mà phần thiệt thòi luôn thuộc về những nền kinh tế yếu kém hơn.
Tuy vậy, cần thấy rằng quá trình liên kết khu vực và toàn cầu là một xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới khi lực lượng sản xuất đã vượt qua biên giới quốc gia của một nước để trở thành một lực lượng quốc tế do sự phát triển của cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là cách mạng tin học. Cuộc cách mạng này đã tạo điều kiện cho tất cả các nước có thể thực hiện những bước nhảy vọt trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, đồng thời đòi hỏi tất cả các nước phải cơ cấu lại nền kinh tế của mình và luôn đặt tất cả các nước trước một nguy cơ tụt hậu, đặc biệt là các nước đang phát triển. Song, không ai có thể cưỡng lại xu thế này. Vấn đề đặt ra là, các nước có nền kinh tế yếu kém làm thế nào để vượt qua được những thách thức trong khi tận dụng được những mặt lợi của quá trình hội nhập và những thành tựu mới của khoa học – công nghệ. Bản chất và cơ cấu của các thể chế kinh tế, tài chính và tiền tệ thế giới vẫn chưa có gì thay đổi về cơ bản, bởi nền kinh tế của các nước thành viên mới hội nhập, dù là nước lớn như Trung Quốc, vẫn chưa đủ sức mạnh để làm thay đổi chúng theo hướng dân chủ và bình đẳng hơn. Nhưng điều này chắc chắn sẽ xảy ra sau vài ba thập niên nữa khi mà vốn và công nghệ không còn là món hàng độc quyền của câu lạc bộ các nước giàu.
2. Nét nổi bật nhất trong nền chính trị thế giới kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt là sự điều chỉnh chiến lược của tất cả các nước, nhất là của các nước lớn nhằm giành cho mình một vị trí tối ưu trong hệ thống quan hệ quốc tế đang trong quá trình cơ cấu lại. Tuy sự điều chỉnh chiến lược này xuất phát từ những lợi ích dân tộc khác nhau, nhưng nó lại được thúc đẩy bởi những nhân tố khách quan chung: Một là, chiến tranh lạnh chấm dứt, sự đối đầu đặc biệt là đối đầu về ý thức hệ cũng đang dần mất đi. Điều này không có nghĩa là hiện nay cuộc đấu tranh về ý thức hệ không còn nữa. Nó vẫn tiếp tục nhất là trong nội bộ từng nước. Trên phạm vi quốc tế, trong quan hệ giữa các nước với nhau cuộc đấu tranh ý thức hệ không còn ở vị trí hàng đầu mà diễn ra dưới những hình thức khác ít bạo lực hơn, dưới chiêu bài đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ, đa nguyên, đa đảng v.v… Do đó về cơ bản thế giới đã chuyển từ thời kỳ đối đầu sang thời kỳ vừa đấu tranh vừa hợp tác trong cùng tồn tại hoà bình hoặc ít nhất là tránh đối đầu. Hai là sự tan rã của thế giới hai cực. Sự sụp đổ của Liên Xô làm cho Mỹ trở thành siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc xem trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh là trật tự thế giới một cực, bởi lẽ rất đơn giản là Mỹ không còn đủ sức cả về kinh tế lẫn chính trị để điều khiển thế giới theo ý muốn của mình. Không những các nước lớn như Trung Quốc, Â’n Độ không làm theo gậy chỉ huy của Mỹ, mà ngay những nước vốn là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh lạnh ngày nay cũng dám đứng lên thách thức sự lãnh đạo của Mỹ. Nhân tố này đang đóng một vai trò quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược của các nước theo hướng đa phương, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Ba là, nhân tố kinh tế và khoa học công nghệ ngày càng có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế. Sẽ là quá cường điệu khi nói rằng trong thế giới ngày nay ai giàu nhất và làm chủ được khoa học công nghệ thì người đó sẽ lãnh đạo thế giới, nhưng cần phải thấy rằng sự lạc hậu về khoa học công nghệ và chậm tiến về kinh tế là nguy cơ hàng đầu đối với nền an ninh của tất cả các nước.
Những nhân tố trên đây vừa thúc đẩy quá trình điều chỉnh hay đổi mới trong chính sách đối ngoại của các nước vừa vạch ra những giới hạn và thách thức mà các nước phải vượt qua trong khi phải thực hiện những mục tiêu chiến lược của mình. Điều này thể hiện khá rõ qua việc xem xét quá trình điều chỉnh chiến lược của các nước lớn từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.
a) Mỹ: Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ và thất bại của Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh, George Bush vội vàng tuyên bố về “một trật tự thế giới mới” tức là trật tự thế giới một cực. Cực đó là Mỹ. Nhưng “trật tự thế giới mới” đó đã sớm sụp đổ cùng với thất bại của người chủ xướng ra nó trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (1992). Từ việc thất cử của George Bush và thắng cử của Bill Clinton có thể rút ra 2 kết luận bổ ích về chính trường Mỹ. Một là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhân dân Mỹ sau chiến tranh lạnh là các vấn đề nội bộ, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Những vấn đề đối ngoại ít có tác động đối với cử tri Mỹ. George Bush bị thất cử chính là do nền kinh tế Mỹ lúc này đang trong cơn suy thoái. Hai là thời thế đã thay đổi, nhân dân Mỹ cũng muốn có sự thay đổi. George Bush, một cựu chiến binh của chiến tranh lạnh cần nhường chỗ cho một người lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ hơn.
Là người được sinh ra sau chiến tranh thế giới thứ II và là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, Bill Clinton có tham vọng để lại dấu ấn trong lịch sử nước Mỹ bằng một chiến lược mới thay thế cho chiến lược “ngăn chặn” của thời kỳ chiến tranh lạnh. Ngày 27/9/1993 ông ta cho công bố chiến lược mới này trong diễn văn đầu tiên đọc trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc dưới cái tên là chiến lược “mở rộng dân chủ”. Ngày nay người ta gọi là “Học thuyết Clinton”. Theo những người đã tham gia soạn thảo thì nội dung chủ yếu của chiến lược “mở rộng dân chủ” tập trung vào 4 điểm : 1) Tăng cường các “nền dân chủ thị trường”. 2) Thúc đẩy và củng cố các nền dân chủ mới và các nền kinh tế thị trường ở nơi nào có thể. 3) Chống lại sự xâm lược và ủng hộ việc tự do hoá các Nhà nước thù địch với nền dân chủ, và 4) Giúp nền dân chủ và các nền kinh tế thị trường bám rễ vào những khu vực có “mối quan tâm nhân đạo lớn nhất”. Trong phát biểu tại Liên hợp quốc, Clinton nói rõ : “Trong chiến tranh lạnh chúng ta tìm cách ngăn chặn mối đe doạ đối với sự sống còn của các thể chế tự do… Giờ đây chúng ta tìm cách mở rộng tập hợp các quốc gia sống dưới các thể chế tự do đó”. Như vậy Mỹ đã chuyển từ chiến lược “ngăn chặn” trong chiến tranh lạnh sang chiến lược “mở rộng” và chuyển vai trò của Mỹ trên thế giới từ “sen đầm quốc tế” sang “người lãnh đạo thế giới”. Để tiếp tục giành quyền lãnh đạo thế giới và ngăn chặn không cho bất kỳ quốc gia nào có thể nổi lên thách thức vai trò của Mỹ, hoạt động ngoại giao của Mỹ theo học thuyết Clinton trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào 3 hướng: Một là củng cố, nâng cấp và mở rộng hệ thống các Hiệp ước an ninh đã có từ thời chiến tranh lạnh. Hai là Mỹ thúc đẩy việc hình thành một loạt các khu vực mậu dịch tự do như NAFTA ở Bắc Mỹ, FTAA cho toàn châu Mỹ, TAFTA cho hai bờ Đại Tây Dương, APEC cho Châu A’ – Thái Bình Dương, WTO cho toàn thế giới v.v… Mỹ tin rằng thông qua việc buôn bán tự do sẽ dẫn đến việc tự do hoá nền chính trị của các nước và thông qua việc phát triển kinh tế sẽ dần dần tạo ra một tầng lớp trung lưu, ngay cả ở những nước trước kia theo nền kinh tế bao cấp, tán thưởng những giá trị dân chủ của Mỹ và phương Tây. Ba là, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ra toàn thế giới và sử dụng chiêu bài này để mặc cả với các nước muốn có đầu tư công nghệ và buôn bán với Mỹ. Còn quá sớm để có thể kết luận học thuyết của Clinton sẽ thành công hay thất bại. Nhưng qua thực tiễn cho đến nay có thể thấy số phận của học thuyết này không may mắn gì hơn các học thuyết trước đây của Mỹ. Trước hết là chính giới và dư luận quần chúng Mỹ cho rằng chiến lược “mở rộng” của Clinton không phải là một học thuyết mà cùng lắm nó chỉ là một “nguyện vọng” thôi. Chính Warren Christopher, ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Clinton cũng không tán thành. Ông ta chủ trương một nền ngoại giao tình huống thực tế. Ông ta cho rằng cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề thế giới là phải giải quyết từng vụ từng việc một. Ông ta đã 22 lần đến Syrie để tìm biện pháp hoà bình cho vấn đề Trung Đông. Bà Madeleine Albright lên thay Warren Christopher lại tiếp tục công việc ngoại giao của thời này. Trên thực tế trong nhiệm kỳ đầu của Clinton ngoại giao Mỹ mang tính chất tình thế hơn là vận hành theo một chiến lược hoạch định sẵn. Do học thuyết của Clinton coi nhẹ vấn đề này nên thực tế trong suốt thời gian dài người ta cho rằng chính quyền Clinton không có chính sách ngoại giao của riêng mình, mà chủ yếu chạy theo chữa cháy những vấn đề do các chính quyền trước để lại. Việc chính quyền Clinton thực hiện mở rộng NATO và nâng cấp Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật đang gặp phải sự chống đối của Nga và Trung Quốc cũng như nhiều nước khác và kể cả trong nước Mỹ. Sự can dự của Mỹ vào việc giải quyết các cuộc xung đột khu vực tuy đã giúp cho các bên tranh chấp đi vào thương lượng, nhưng rõ ràng không thể giúp giải quyết dứt điểm từ vấn đề Trung Đông đến Bosnia, bắc Ireland, bán đảo Triều Tiên v.v… Việc Mỹ tránh can dự vào cuộc xung đột ở Châu Phi cho thấy sự hạn chế của Mỹ do “hội chứng Somalie”. Trên vấn đề nhân quyền, dân chủ, Mỹ cũng có bước lùi rõ rệt. Clinton từ chỗ tuyên bố rất gay gắt trong diễn văn tranh cử đối với việc “Trung Quốc vi phạm nhân quyền” đến việc buộc phải tuyên bố không gắn vấn đề nhân quyền với quan hệ kinh tế, và việc Mỹ phải thừa nhận Châu A’ có quan niệm khác Mỹ với vấn đề dân chủ, nhân quyền… là một ví dụ. Cho đến nay có lẽ vấn đề thành công nhất của chính quyền Clinton trên mặt trận đối ngoại là vấn đề tự do hoá thị trường thế giới. Bản thân Clinton cũng giành nhiều công sức thúc đẩy vấn đề này như ký NAFTA với Mexico và Canada, triệu tập Hội nghị cấp cao APEC đầu tiên ở SEATLE và thúc đẩy việc thành lập WTO thay cho GATT. Tuy nhiên vai trò của Mỹ trong các tổ chức này cũng gặp nhiều hạn chế. Thủ tướng Malaysia tẩy chay Hội nghị SEATLE ; Trung Quốc vẫn từ chối chấp nhận những điều kiện do Mỹ đặt ra để Trung Quốc trở thành thành viên của WTO trong lúc Nhật tỏ ý nhân nhượng ; ở Đông Nam A’ tuy không chấp nhận việc ASEAN kết nạp Myanma nhưng Mỹ vẫn phải dự Hội nghị ASEAN PMC và tham gia ARF do ASEAN chủ trì.
Tuy là siêu cường duy nhất còn lại sau chiến tranh lạnh, nhưng có nhiều nguyên nhân khiến Mỹ không phát huy được sức mạnh của mình để lãnh đạo thế giới hay đưa thế giới đi theo một trật tự mong muốn. Một là tuy sức mạnh quân sự Mỹ là vô địch song sau chiến tranh lạnh nó không thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề thế giới. Hai là tính độc lập tự chủ của nhân dân thế giới sau chiến tranh lạnh rất cao, họ không dễ gì chấp nhận sự áp đặt của Mỹ, không chỉ các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Châu Âu mà ngay cả các nước đang phát triển. Ba là về mặt kinh tế Mỹ không còn mạnh như hồi sau chiến tranh thế giới thứ 2 để tài trợ cho vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trước sự suy yếu về kinh tế, nhân dân Mỹ có xu hướng muốn chính quyền Mỹ chú ý hơn đến các vấn đề trong nước vì đối với học mối đe doạ của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản nay không còn nữa.
Mặt khác cũng cần phải thấy rằng với sức mạnh của mình, tiếng nói của Mỹ vẫn còn tiếp tục có trọng lượng trên trường quốc tế. Tuy không còn đủ sức một mình giải quyết công việc thế giới và không thể tẩy chay không can dự vào những vấn đề diễn ra không hoàn toàn theo ý mình nhưng một số vấn đề phức tạp trên thế giới sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Mỹ.
b) Trung Quốc: Khách quan mà nói thì việc kết thúc chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo một môi trường quốc tế hết sức thuận lợi cho Trung Quốc để thực hiện kế hoạch 4 hiện đại hoá nhằm đưa Trung Quốc sớm lên vị trí cường quốc thế giới. Về mặt lý thuyết, hình như Trung Quốc không phải điều chỉnh gì cả vì từ 1982 Trung Quốc đã chủ trương một chính sách ngoại giao độc lập tự chủ không liên minh với bất cứ một nước nào. Công cuộc hiện đại hoá ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1978 và nền kinh tế Trung Quốc từ đó đã từng bước đi theo kinh tế thị trường. Song thực tế không hẳn như vậy. Sau 10 năm cải cách, bên cạnh một số thành tựu, kinh tế Trung Quốc đã gặp những khó khăn lớn nếu không nói là khủng hoảng. Việc chạy theo tốc độ phát triển cao làm cho nền kinh tế Trung Quốc quá nóng, thất nghiệp và lạm phát cao, sản xuất nông nghiệp trì trệ, sự mất cân đối trong nền kinh tế và giữa các khu vực của đất nước ngày càng trầm trọng. Về mặt đối ngoại, việc Liên Xô tan rã và nước Nga suy yếu là có lợi cho Trung Quốc về mặt an ninh ở phía Bắc, nhưng những đảo lộn ở Liên Xô và Đông Âu cộng với sự bất mãn của một bộ phận nhân dân nhất là giới trí thức và sinh viên đã khởi mầm cho cuộc bạo loạn mùa hè 1989, đặc biệt là vụ Thiên An Môn. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng làm cho giá trị của Trung Quốc trong chiến lược của Mỹ ở Viễn Đông bị suy giảm và làm cho Mỹ xem Trung Quốc từ chỗ như một bạn đồng minh thực tế trong suốt gần 20 năm cuối của chiến tranh lạnh, đang biến thành vật cản đường của chủ nghĩa bá quyền Mỹ ở Châu A’ – Thái Bình Dương. Mỹ lấy cớ vụ Thiên An Môn để áp đặt lệnh cấm vận và cô lập Trung Quốc, đồng thời tăng việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan. Trước tình hình đó Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của mình cho phù hợp với tình hình mới. Nhờ sự điều chỉnh đó (thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội 14 Đảng Cộng sản Trung Quốc – 1992) nền kinh tế đã có những bước phát triển ngoạn mục và có thể trong 1 – 2 thập kỷ tới Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về mặt đối ngoại, việc khẳng định lại chính sách ngoại giao độc lập tự chủ trong môi trường sau chiến tranh lạnh đã làm cho không gian chiến lược của ngoại giao Trung Quốc rộng rãi hơn và Trung Quốc có nhiều khả năng lựa chọn hơn trong việc hội nhập quốc tế. Trung Quốc theo đuổi một chính sách ngoại giao năng động tích cực và thực dụng hơn. Vấn đề quan tâm hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để hậu thuẫn cho chính sách mở cửa và 4 hiện đại hoá. Vì vậy, mặc dù không hài lòng với trật tự và thể chế quốc tế hiện nay, nhưng Trung Quốc vẫn chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, vì chỉ bằng con đường này Trung Quốc mới có một vai trò tích cực trong việc xây dựng hệ thống quốc tế mới. Đối với các nước công nghiệp phát triển phương Tây, mặc dù bất đồng và cạnh tranh là mặt không bao giờ bị triệt tiêu, song Trung Quốc vẫn chủ trương cải thiện quan hệ vì biết rằng công cuộc hiện đại hoá Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào vốn, công nghệ và thị trường các nước này. Đặc biệt đối với Mỹ, Trung Quốc cũng tỏ ra rất mềm mỏng. Tuy 2/3 thời gian sau chiến tranh lạnh, quan hệ Trung – Mỹ xấu đi, nhưng Trung Quốc đã tránh không biến quan hệ trở lại thời kỳ đối đầu.
Đối với các nước đang phát triển, Trung Quốc cũng có những sự điều chỉnh đáng chú ý. Tuy vẫn xem mình là một nước đang phát triển nhưng Trung Quốc không còn tự nhận là đại diện hoặc muốn trở thành người lãnh đạo của thế giới các nước đang phát triển. Trung Quốc không còn viện trợ đáng kể cho các nước đang phát triển mà trái lại trong nhiều trường hợp còn trở thành đối thủ cạnh tranh về thương mại. Trung Quốc không hài lòng về những bất công đang tồn tại trong hệ thống KT – TM thế giới, nhưng cũng không hô hào phải xây dựng một trật tự kinh tế quốc tế mới. Là hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng Trung Quốc nhiều lần không chống lại các nghị quyết cho phép Mỹ can thiệp vào các nước đang phát triển.
Trong việc điều chỉnh chiến lược của mình, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ quốc tế ở Châu A’ – Thái Bình Dương và Đông Nam A’, Trung Quốc tham gia vào các diễn đàn chính trị, kinh tế, an ninh khu vực, tham gia vào việc làm dịu tình hình ở bán đảo Triều Tiên, bình thường hoá và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, là đối tác đối thoại với ASEAN, tham gia diễn đàn ARF và chủ trương gác vấn đề chủ quyền và giải quyết hoà bình vấn đề tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên bên cạnh những chính sách và hành động tích cực, dư luận thế giới vẫn còn nhiều lo ngại đối với Trung Quốc. Việc Trung Quốc phấn đấu trở thành một cường quốc giàu mạnh nhất nhì thế giới là điều chính đáng. Nước nào cũng làm như vậy. Đi đôi với việc hiện đại hoá kinh tế thì việc hiện đại hoá quân sự là một điều tất yếu. Song người ta vẫn còn nghi ngại về ý đồ lâu dài của Trung Quốc không phải vì thuyết “mối đe doạ của Trung Quốc” do Mỹ và phương Tây nêu ra. Báo chí Trung Quốc nêu ra phương châm xử thế đối với tình hình thế giới hiện tại là “Bình tĩnh quan sát, dấu mình cho kỹ và không bộc lộ lực lượng” làm cho người ta dù muốn hay không cũng phải suy nghĩ ý đồ của Trung Quốc. Đối với khu vực Đông A’, những hoạt động của Trung Quốc cũng gây nhiều lo lắng như việc quốc hội Trung Quốc thông qua Pháp lệnh lãnh hải (2/1992) đặt gần 3 triệu km2 Biển Đông Trung Quốc và Biển Đông Việt Nam vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc; việc hải quân, tàu khoan dầu và tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải Việt Nam, Philippines v.v… Tuy vậy người ta vẫn còn có thể tin rằng lợi ích của Trung Quốc là hoà bình ổn định trên thế giới cũng như ở Châu A’ – Thái Bình Dương để phục vụ công cuộc 4 hiện đại của Trung Quốc. Thành công của Đại hội 15 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy tình hình Trung Quốc về cơ bản là ổn định và Trung Quốc cam kết tiếp tục con đường cải cách và hiện đại hoá. Mọi hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đều phải tập trung vào mục tiêu chiến lược hàng đầu này. Song điều làm người ta lo ngại và cái cớ để các thế lực thù địch Trung Quốc lợi dụng là đôi khi lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm. Điều đó cắt nghĩa tại sao một số nước ở Đông A’ muốn duy trì sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực này.
c) Nhật:Tuy là một cường quốc ở Châu A’, nhưng sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật bị phụ thuộc vào thế giới phương Tây về kinh tế thị trường, công nghệ và an ninh nhất là với Mỹ, và bản thân Nhật cũng tự xem mình là thành viên của thế giới phương Tây. Chiến tranh lạnh chấm dứt và sự sụp đổ của Liên Xô làm cho chất keo gắn bó quan hệ Nhật – Mỹ và nội bộ đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) đột nhiên biến mất khiến cho Nhật trở thành nước phương Tây chịu tác động mạnh mẽ nhất khi bước vào thời kỳ phát triển mới sau chiến tranh lạnh. Dưới sức ép của Mỹ, Nhật phải nâng cao giá đồng Yên và mở cửa cho hàng Mỹ, đưa đến cuộc suy thoái 1993 – 1994. Thế nhưng việc nâng giá đồng Yên vẫn không cải thiện được cán cân buôn bán giữa Nhật với Mỹ. Quan hệ kinh tế – thương mại Mỹ – Nhật xấu đi trong lúc quan hệ thương mại giữa Nhật với Châu A’ đặc biệt với Trung Quốc và 4 con rồng châu A’ tăng gấp đôi. Nội bộ Đảng LDP mâu thuẫn. Một bộ phận lớn đảng viên do Ichiro Ozawa tách ra khỏi LDP và lập một liên minh 7 đảng. Sau gần 4 thập kỷ cầm quyền, LDP đã để mất quyền lãnh đạo.
Để đảm bảo vai trò là cường quốc châu A’ và thế giới, Nhật chủ trương “tái châu A’ hoá”, đồng thời điều chỉnh lại quan hệ với Mỹ. Nhật coi trọng và cố gắng cải thiện và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga, Â’n Độ, ASEAN không những về mặt kinh tế, thương mại đầu tư mà còn trong một số vấn đề chính trị như nhân quyền, dân chủ, Nhật cũng ủng hộ cách đề cập của các nước châu A’ chống lại lập trường của phương Tây. Đối với Mỹ, một mặt Nhật chủ trương nâng cấp quan hệ an ninh để Nhật có vai trò lớn hơn không phải chỉ ở vùng chung quanh nước Nhật mà ra cả Châu A’ – Thái Bình Dương, mặt khác Nhật tìm cách tách khỏi Mỹ khi tỏ thái độ đối với một số vấn đề ở châu A’ như thuyết phục các nước G7 bỏ cấm vận đối với Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn, vấn đề Campuchia, Nhật hoàng thăm Trung Quốc, Nhật tham dự đầy đủ việc chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc v.v… Nhật cũng chủ trương cải thiện quan hệ với Nga mặc dù “lãnh thổ phương Bắc” vẫn chưa được giải quyết. Thái độ của Nhật đối với Bắc Triều Tiên cũng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt Nhật chú trọng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, thực hiện cái mà học thuyết Fukuda đã không thực hiện được ở Đông Nam A’ cách đây 20 năm, bằng chuyến đi thăm lịch sử của Thủ tướng Hashimoto và diễn đàn đối thoại Nhật – ASEAN.
Phần lớn các nước châu A’, kể cả Trung Quốc đều ủng hộ Nhật trong việc giành chiếc ghế uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Tuy nhiên dư luận trong nước và châu A’ không đồng tình với việc nâng cấp quan hệ an ninh Nhật – Mỹ theo thoả thuận ký ngày 24/9/1997. Trung Quốc phê phán mạnh mẽ việc Nhật muốn dùng việc nâng cấp Hiệp ước này để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc trong quan hệ với Đài Loan. Người ta cũng rất lo ngại chủ trương của một số phe phái chính trị ở Nhật, biến quan hệ an ninh Nhật – Mỹ thành một kiểu liên minh Anh – Mỹ trong hiệp định phòng thủ chung và Nhật sẽ tham gia cùng với quân Mỹ trong các cuộc hành quân ở CA-TBD chứ không chỉ đóng khung trong việc phòng thủ quần đảo Nhật Bản. Nỗi lo sợ đó là có căn cứ, không phải chỉ qua việc nâng cấp Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ, mà qua cương lĩnh 3 giai đoạn của LDP thì giai đoạn thứ 3 trong chiến lược quốc tế của Nhật là sau khi giành được vai trò chính trị trên thế giới (trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ) Nhật phải tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang của mình như một “quốc gia bình thường”. Người ta nhớ rằng ngân sách quốc phòng của Nhật tuy chỉ chiếm trên dưới 1% GDP nhưng về con số tuyệt đối thì chỉ đứng sau Mỹ.
d) Nga: Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc nhất kể từ 1917: kinh tế suy sụp; quân đội không có lương và tính sẵn sàng chiến đấu bị suy giảm, trật tự xã hội rối loạn, chính trị không ổn định v.v… Tuy nhiên, nếu chỉ với những khó khăn này thì vị thế quốc tế của Nga không bị giảm sút đáng kể,và Nga vẫn là thành viên thường trực của HĐBA LHQ và có kho vũ khí hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới. Vả lại trong 1/2 thế kỷ qua, hầu hết các nước lớn đều trải qua những cuộc khủng hoảng không kém phần trầm trọng. Điều làm cho uy tín quốc tế của nước Nga bị giảm sút một cách nghiêm trọng xuống gần với vị thế của một cường quốc loại hai là sự rối loạn- nếu không muốn nói là những sai lầm trong chiến lược đối ngoại. Đã có lúc, một số người lãnh đạo chủ chốt của nước Nga mới, đặc biệt là cựu ngoại trưởng Cô-dư-rép chủ trương đi hẳn với phương Tây, tự tuyên bố Nga là một nước thuộc thế giới phương Tây và ảo tưởng rằng với chủ nghĩa chống cộng và nhân nhượng phương Tây kể cả việc hy sinh lợi ích an ninh của nước Nga và các nước đang phát triển -vốn là đồng minh của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thì phương Tây sẽ đưa ra một kế hoạch Mác-san nào đó nhanh chóng vực nước Nga dậy như đối với Đức và Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng họ đã vỡ mộng. Phương Tây chỉ dùng viện trợ nhỏ giọt làm cái mồi thúc đẩy Nga đi sâu vào con đường chống chủ nghĩa xã hội, cắt giảm dần dần đi đến thủ tiêu kho vũ khí hạt nhân, biến các nước Đông Âu trong khối Vacsovie cũ thành thành viên của NATO hoặc EU, tách biệt hẳn Nga với châu Âu. Chính sách đối ngoại có tính chất đầu hàng phương Tây cộng với tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài làm cho tiếng nói của Nga không còn trọng lượng đáng kể trên trường quốc tế. Sự bất mãn của nhân dân trước khó khăn kinh tế cộng với thể diện quốc gia bị xúc phạm đã làm cho mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga trở nên sâu sắc và biến thành sự đối đầu giữa ngành hành pháp và lập pháp và giữa giới cầm quyền với đại bộ phận nhân dân. Chủ nghĩa dân tộc Nga đã bùng nổ dữ dội gây nên một sức ép lớn buộc những người cầm quyền Nga phải điều chỉnh chiến lược cả về đối nội và đối ngoại. Tuy vẫn còn nhiều chính sách nhân nhượng và xoa dịu phương Tây, đặc biệt đối với Mỹ (vấn đề NATO mở rộng, vấn đề hiệp ước SALT 2, 3 v.v…) nhưng Nga đang từng bước lấy lại vị thế quốc tế của mình. Nga chủ trương xây dựng một thế giới đa cực, trong đó Nga là một cực. Ưu tiên chiến lược hàng đầu của Nga là củng cố và tăng cường quan hệ với các nước trong Liên Xô cũ mà Nga gọi là những nước ngoài gần gũi thông qua SNG hoặc các hiệp định hợp tác tay đôi. Trong số các nước này, Nga xem Ucraina và Kazakhtan có tầm quan trọng chiến lược đối với nền an ninh của Nga. Một ưu tiên chiến lược khác không kém phần quan trọng là điều chỉnh quan hệ giữa Nga với các nước lớn nhằm phục hồi lại vị trí của Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn. Về mặt địa lý – chính trị, Nga vẫn xem mình là một nước châu Âu và nói rõ các vấn đề châu Âu không thể giải quyết mà không có tiếng nói của Nga. Mặt khác Nga phát triển mạnh quan hệ của mình sang phía Đông mặc dù tính chất châu A’ của Nga sau khi Liên Xô tan rã đã giảm nhiều do tất cả các nước cộng hoà Trung A’ đều trở thành các quốc gia độc lập, phần lãnh thổ còn lại duy nhất gắn liền Nga với châu A’ là khu vực Viễn Đông. Để bù lại sự mất mát về lãnh thổ châu A’, thời gian qua Nga đã ra sức củng cố quan hệ với các nước Trung A’, Â’n Độ, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Đông Nam A’, v.v…
Tuy còn bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trong nước kiềm chế, song trên trường quốc tế, chiến lược của Nga đã rõ khiến tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn đều phải tính đến nhân tố Nga trong việc xây dựng một trật tự quốc tế mới.
e) Liên Hiệp châu Âu (EU): Chiến tranh lạnh kết thúc tạo điều kiện cho EU phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay EU bao gồm 15 nước, trong đó có cả những nước như Thuỵ Điển, Phần Lan… vốn muốn giữ thái độ trung lập trong chiến tranh lạnh nên đã từng từ chối gia nhập EU. Ngoài ra còn có khoảng 10 nước khác đang đệ đơn. Giấc mơ của những nước sáng lập Thị trường chung Châu Âu (EEC) cách đây 40 năm về một châu Âu thống nhất đang từng bước trở thành hiện thực, đặc biệt là việc thông qua Hiệp ước Maastricht (1992) và Hiệp ước Amsterdam (1997) nhằm thực hiện một đồng tiền chung của châu Âu (1999) và sau đó là đi đến thống nhất về cả các mặt an ninh và đối ngoại. Đây là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu để đưa EU vào thế kỷ 21, cho nên nó cũng là ưu tiên số một trong chính sách đối nội và đối ngoại của các nước thành viên đòi hỏi những nỗ lực lớn để vượt qua nhiều thách thức. Trước hết là về kinh tế – tài chính. EU hiện nay có số lượng người thất nghiệp lớn nhất trong các nước tư bản phát triển. Do những khó khăn kinh tế nên trừ CHLB Đức còn ở phần lớn các nước khác khủng hoảng trong giới cầm quyền hầu như là một bệnh kinh niên, khiến cho chính phủ liên tục thay đổi. Mặt khác để đạt được mục tiêu về một đồng tiền chung 1999, Hiệp ước Maastricht quy định các nước thành viên không được để bội chi ngân sách vượt quá 3% và nợ công cộng không được quá 60% GDP. Hiện nay chưa có một nước thành viên nào của EU đạt tiêu chuẩn này kể cả Pháp và Đức. Về mặt chính trị, tuy đã thành lập Nghị viện châu Âu nhưng thực chất đây chỉ mới là một cơ quan để các nước đến đó đọc diễn văn chứ chưa phải là một cơ quan hoạch định chính sách. Do đó, trong việc giao dịch với EU, các quyết định vẫn tuân theo chính sách riêng rẽ của từng nước thành viên. Trong lúc phải ưu tiên mọi nỗ lực nhằm thực hiện liên kết, EU cũng còn phải đối phó với các vấn đề do việc chấm dứt chiến tranh lạnh sinh ra như cuộc khủng hoảng ở Nam Tư cũ, vấn đề quan hệ với Mỹ và NATO, quan hệ với Nga v.v… ở đây người ta thấy thái độ của EU tỏ ra rất lúng túng và vai trò bị hạn chế ngay cả trong việc giải quyết các vấn đề châu Âu. Một mặt, về kinh tế – tiền tệ, EU muốn tạo cho mình một thế có thể cạnh tranh với Mỹ bằng việc mở rộng Liên minh và nhất là tạo cho châu Âu một đồng tiền mạnh, mặt khác trong các vấn đề EU vẫn phải tiếp tục dựa vào Mỹ như việc mở rộng NATO và tìm giải pháp cho vấn đề Bosnia – Herzegovina. Hiệp định Dayton (1995) cho thấy nếu không để cho Mỹ tham gia với tư cách là người lãnh đạo, thì bản thân EU dù có tham gia lực lượng giữ gìn hoà bình của LHQ cũng không giải quyết được cuộc khủng hoảng này giữa lòng châu Âu. Tuy vậy những người lãnh đạo châu Âu cũng thấy được rằng dù sự nghiệp liên kết châu Âu thành công thì trong thế giới tuỳ thuộc lẫn nhau hiện nay, muốn phát triển họ không thể chỉ quanh quẩn ở châu Âu mà phải có quan hệ với các châu lục khác, nhất là khu vực châu A’ – Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc Hội nghị A’ – Âu (ASEM), người lãnh đạo một số nước châu Âu chủ yếu như Pháp, Đức, Anh v. v… đã tiến hành hàng loạt cuộc đi thăm và ký kết hiệp định hợp tác với các nước châu A’.
3. Những nét phác thảo trên đây về chiến lược của một số nước lớn, tuy chưa thật chính xác, nhưng cũng cho thấy tất cả các nước lớn đang ra sức tận dụng những biến đổi trên thế giới trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh để xây dựng lực lượng nhằm biến mình thành một trung tâm hoặc một cực độc lập, bình đẳng với các cực khác trong việc giải quyết công việc thế giới. ở mức độ khác nhau, tất cả các nước đều thừa nhận rằng một hệ thống quốc tế đa cực đang trong quá trình hình thành. Điều này đã được khẳng định rõ trong tuyên bố chung Nga – Trung (23/4/1997) và trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo các nước Tây Âu và Nhật Bản khi họ phản ứng lại các chính sách có tính chất bá quyền của Mỹ (cấm vận Cuba, vấn đề Pháp tham gia xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho Iran v.v…). Về phía Mỹ, tuy họ vẫn khăng khăng đòi áp đặt trật tự quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mỹ nhưng trên thực tế họ đã phải thừa nhận vai trò của các cường quốc khác, thậm chí vai trò của các nước trung bình trong việc giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực (vấn đề mở rộng NATO, vấn đề bán đảo Triều Tiên, vấn đề an ninh ở Đông Nam A’ v.v…). Sở dĩ nói hệ thống quốc tế mới đang trong quá trình hình thành là vì nhiều lý do. Một là, các thể chế và cơ chế điều hành nền chính trị thế giới hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ II vẫn tồn tại. Bộ máy giữ gìn an ninh thế giới lớn nhất là Liên Hợp quốc cũng đang trong quá trình cải tổ. Hai là, nhiều diễn viên chính của hệ thống quốc tế đa cực vẫn đang trong quá trình chuyển đổi. Trung Quốc, Â’n Độ hiện nay về cơ bản vẫn là một nước đang phát triển, EU đang trong quá trình hội nhập mà liệu có thành công hay không vẫn còn là vấn đề bàn cãi. Vai trò của Nhật và Đức sẽ như thế nào sau khi họ trở thành thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Ba là, một số vấn đề do chiến tranh lạnh để lại vẫn chưa được giải quyết hoặc tìm ra hướng giải quyết (vấn đề bán đảo Triều Tiên, vấn đề thống nhất Đài Loan với Trung Quốc, chính sách thù địch của Mỹ đối với Cuba v.v…). Tất nhiên không phải giải quyết xong tất cả các vấn đề nói trên thì quá trình quá độ từ hệ thống thế giới hai cực sang thế giới ba cực kết thúc vì những mối quan hệ lớn trong hệ thống thế giới mới về cơ bản đã định hình.
Trước hết là quan hệ giữa các nước lớn. Trong phạm vi một bài báo không thể đề cập một cách sâu sắc và toàn diện các mối quan hệ này. Chỉ xin tập trung phân tích 2 sự kiện lớn diễn ra trong thời gian gần đây. Đó là việc Mỹ mở rộng và nâng cấp các Hiệp ước an ninh đã ký với đồng minh trong thời kỳ chiến tranh lạnh và sự hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung cho thế kỷ 21.
a) Quan hệ giữa Mỹ với Tây Âu và Nhật: Như trên đã nói, mục tiêu chiến lược hàng đầu của Mỹ trong việc củng cố, mở rộng và nâng cấp hệ thống các hiệp ước an ninh mà Mỹ đã ký với đồng minh trong thời kỳ chiến tranh lạnh là nhằm duy trì sự có mặt và quyền lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu cũng như châu A’ trong thời kỳ mới, khi mà mối đe doạ trực tiếp đối với các nước này không còn nữa. Mỹ sẽ không còn có lý do để duy trì sự có mặt quân sự ở các khu vực này nếu không tiếp tục các quan hệ an ninh. Mục tiêu thứ hai của Mỹ là nhằm ngăn chặn sự nổi lên của Đức, Nga ở châu Âu và Trung Quốc, Nhật ở châu A’, thách thức quyền lực của Mỹ. Riêng ở châu Âu, việc mở rộng NATO sang các nước Đông Âu XHCN cũ nhằm ngăn chặn các nước này trở lại liên minh với Nga hoặc quay lại con đường XHCN. Một mục tiêu khác của Mỹ là tận dụng quan hệ an ninh là thế mạnh của Mỹ để mặc cả với đồng minh trên các vấn đề kinh tế thương mại là mặt yếu của Mỹ. Về phía các nước Tây Âu và Nhật Bản, việc nâng cấp quan hệ an ninh của Mỹ cũng làm cho họ an tâm, vì thế giới vẫn đầy bất trắc, họ không phải chi những khoản quá lớn cho quốc phòng trong lúc cạnh tranh kinh tế ngày càng ác liệt trên thế giới. Với Tây Âu, việc mở rộng NATO sang phía Đông tạo cho họ một khu đệm cách biệt với nước Nga mà tương lai còn đầy bất trắc và ngăn chặn một nước Đức thống nhất ngóc đầu dậy liên minh với Nga hoặc lại xung đột với Pháp. Mặt khác châu Âu sau chiến tranh lạnh còn đầy rẫy những điểm nóng tiềm tàng dễ nổ ra xung đột, mà nếu không có Mỹ, các nước Tây Âu không thể tự giải quyết. Riêng Nhật, việc nâng cấp quan hệ an ninh với Mỹ sẽ làm cho các nước châu A’ an tâm, không sợ chủ nghĩa quân phiệt Nhật ngóc đầu dậy trong lúc Nhật ung dung tăng cường vai trò quân sự theo yêu cầu của các cam kết an ninh mới. Mặt khác cũng cần thấy rằng trong lúc tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ, các nước Tây Âu và Nhật tuy có ý đồ răn đe Nga và Trung Quốc, nhưng họ không muốn làm xấu quan hệ với hai nước này. Do đó đồng thời với việc liên kết với Mỹ họ đã có những bước đi đáng kể tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Nga và Trung Quốc.
b) Quan hệ Nga-Trung: Một số người cho rằng việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau và thiết lập sự hợp tác chiến lược giữa hai nước tiến vào thế kỷ 21 là nhằm đối phó hoặc làm đối trọng đối với việc NATO mở rộng và việc nâng cấp quan hệ an ninh Nhật – Mỹ. Có lẽ không đơn giản như vậy. Trước hết hợp tác chiến lược Nga – Trung không phải là một liên minh quân sự như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Xô – Trung năm 1950. Hai là, Nga, Trung, Mỹ, EU, Nhật tuy có bất đồng và ra sức kiềm chế nhau nhưng không bên nào muốn quay trở lại đối đầu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thực tế Mỹ hoan nghênh hợp tác Nga – Trung. Nga phản ứng việc NATO mở rộng sang phía Đông nhưng Trung Quốc chưa có phát biểu gì. Trong lúc đó Trung Quốc chỉ chống lại Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ ở điểm liên quan đến eo biển Đài Loan. Trung Quốc không tán thành sự có mặt quân sự của Mỹ ở Đông A’ nhưng chưa có một tuyên bố nào đòi Mỹ rút quân khỏi khu vực này. Mặt khác cho đến nay Nga chưa tỏ thái độ đối với việc nâng cấp an ninh Nhật – Mỹ. Do đó cần đánh giá quan hệ hợp tác Nga – Trung trên một bình diện rộng hơn. Trước hết cần đặt quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung trong bối cảnh các hoạt động của hai nước này trong thời gian qua nhằm cải thiện và tăng cường quan hệ với một loạt các nước châu A’ chủ yếu như Â’n Độ, 3 nước Trung A’ (Kazakhtan, Kyrgykistan và Tajikistan), Nhật Bản, hai nước Triều Tiên, Đông Nam A’ v.v… Các hoạt động này đã tạo ra được một không gian chiến lược rộng lớn có lợi cho Nga – Trung trước khi bước vào thế kỷ 21. Một châu A’ ổn định trong đó Nga, Trung Quốc và Â’n Độ nắm quyền chủ đạo sẽ đảm bảo cho hoà bình và phát triển ở châu lục này, làm thất bại mọi âm mưu bao vây và cô lập Nga – Trung đồng thời đặt ra cho các nước khác nguy cơ bị cô lập khỏi châu A’. Mặt khác việc thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược Nga – Trung còn xuất phát từ lợi ích cụ thể của 2 nước. Về kinh tế, hai nước đã giảm được một khoản chi tiêu khổng lồ dành cho việc tăng cường quân sự vùng biên giới. Về thương mại, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho công nghiệp vũ khí của Nga và là nguồn cung cấp hàng tiêu dùng cho Nga với phương thức thanh toán hàng đổi hàng, giải quyết được cho Nga vấn đề thiếu ngoại tệ cứng. Hợp tác Nga – Trung, nhất là việc ký hiệp định về xây dựng lòng tin có 3 nước Cộng hoà Trung A’ tham gia đã đảm bảo an ninh không những cho 3 nước Trung A’ mà cả cho Trung Quốc và Nga chống lại các âm mưu gây rối về sắc tộc và tôn giáo có sự xúi giục từ bên ngoài vào khu vực có tầm quan trọng về chiến lược này. Có lẽ chúng ta cần tiếp tục phân tích thêm mối quan hệ chiến lược này thì mới thấy rõ giá trị của nó không chỉ dừng ở sự phản ứng tức thời mà cho cả thế kỷ 21.
c) Quan hệ Mỹ-Trung: Mặc dù đã được đề cập rải rác trong bài này, nhưng vì tầm quan trọng và tính đặc thù của nó đối với việc xây dựng một trật tự thế giới mới, nên trong phần này không thể không nói đến quan hệ Trung – Mỹ. Tuy hiện nay Trung Quốc chưa phải là đối thủ của Mỹ, nhưng trong khoảng 20 – 25 năm tới nếu không có gì đột biến thì Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với 1,5 tỉ dân với quốc phòng hiện đại. Do đó, dù muốn hay không Trung Quốc vẫn là chướng ngại tự nhiên đối với mưu đồ lãnh đạo thế giới của Mỹ. Thêm vào đó giữa Mỹ và Trung Quốc đang tồn tại nhiều vấn đề dễ dẫn tới xung đột như vấn đề Đài Loan, vấn đề Trung Quốc quan hệ với Hồng Kông, vấn đề nhân quyền, vấn đề cán cân mậu dịch v.v… Do nội bộ Mỹ phức tạp nên chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không nhất quán. Trên thực tế Mỹ vừa thi hành chính sách gọi là “can dự tích cực” vừa tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì tin rằng Mỹ đang thi hành chính sách nhằm chia cắt Trung Quốc, ít nhất là duy trì một Đài Loan độc lập trên thực tế (de facto) đối với Trung Quốc, làm sụp đổ chế độ xã hội và phá công cuộc 4 hiện đại hoá của Trung Quốc. Mặc dù gần đây cả hai bên đều cố gắng cải thiện quan hệ bằng việc tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao, nhưng sự nghi kỵ lẫn nhau vẫn là nhân tố làm cho quan hệ Trung – Mỹ không ổn định. Tuy vậy nhìn về lâu dài, hai bên không chỉ có bất đồng. Trong thế giới tuỳ thuộc lẫn nhau như hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh đối đầu. Chỉ trong một thế giới hoà bình và ổn định họ mới có thể thực hiện được những mục tiêu chiến lược của mình. Hơn nữa cả hai bên vẫn cần nhau. Trung Quốc cần công nghệ và đầu tư của Mỹ và phương Tây cho công cuộc 4 hiện đại hoá. Thị trường Mỹ rất cần cho việc tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc và giúp Trung Quốc tránh được sức ép của Tây Âu và Nhật Bản. Mỹ cần thị trường Trung Quốc để cạnh tranh với các nước khác và cần sự ủng hộ của Trung Quốc với tư cách là uỷ viên thường trực HĐBA LHQ trong việc giải quyết các vấn đề thế giới. Chính do sự đan chéo giữa lợi ích và mâu thuẫn nói trên mà quan hệ Trung – Mỹ sẽ không bằng phẳng. Điều này sẽ góp phần làm cho hệ thống quốc tế mới phức tạp hơn là hệ thống 2 cực.
d) Trong lúc quan hệ giữa các nước lớn luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết công việc thế giới thì cái mới nổi lên trong hệ thống quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh là vai trò ngày càng tăng của các nước trung bình. Với sức mạnh kinh tế, trình độ cao về khoa học và công nghệ, các nước tầm trung như Australia, Canada, ASEAN v.v… ngày càng có vị trí lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Môi trường chiến lược của thế giới sau chiến tranh lạnh tỏ ra rất thuận lợi cho các nước bậc trung trong việc tác động đến chính sách của các nước lớn cũng như các nước nhỏ hơn. Các nước tầm trung trở thành đối tượng tranh thủ của các nước lớn cũng như các nước nhỏ hơn. Việc gần 100 nước thoả thuận ký Hiệp ước Oslo cấm mìn sát thương bất chấp sự phản đối của Mỹ và việc không tham gia của Nga và Trung Quốc, cũng như hầu hết các nước lớn đều tham gia ARF do ASEAN giữ vai trò chủ đạo để bàn về các vấn đề an ninh ở CA-TBD là một vài ví dụ chứng minh vai trò quốc tế ngày càng lớn của các nước tầm trung.
4. Qua những điều phân tích trên, có thể rút ra một số kết luận sơ bộ sau đây :
Một là chúng ta đang sống trong một thời kỳ quá độ từ hệ thống quốc tế 2 cực sang hệ thống quốc tế đa cực. Hệ thống mới đang trong quá trình hình thành. Tuy nhiên do tính chất phức tạp của hệ thống quốc tế mới chúng ta không nên chờ đợi sẽ có một hình ảnh rành rọt của hệ thống quốc tế mới như hệ thống 2 cực.
Hai là về mặt địa lý hệ thống quốc tế đa cực cũng sẽ không đồng đều. Trên bình diện quốc tế nó là đa cực. Nhưng nó không giống nhau cho các khu vực khác nhau; ở châu Âu, vai trò của Mỹ, EU và Nga là chủ đạo. Trái lại ở châu A’ vai trò của Mỹ, Trung, Nhật, Nga (và sau này là Â’n Độ) sẽ đóng phần quyết định. Trong lúc đó ở châu Mỹ, vai trò của Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế.
Ba là, trật tự quốc tế mới tuy phức tạp nhưng dân chủ hơn. Sự bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế chưa thể xoá bỏ “một sớm một chiều” nhưng điều này đang từng bước diễn ra.
Bốn là, có sự khác nhau rất cơ bản giữa hệ thống thế giới đa cực sau chiến tranh lạnh với các hệ thống quốc tế đa cực trước chiến tranh lạnh. Tất cả các hệ thống thế giới đa cực trước chiến tranh lạnh đều dẫn đến chiến tranh giữa các nước lớn. Thế giới ngày nay đã thay đổi: sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong thế giới hiện đại ngày càng lớn ; toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế trở thành một xu thế của thời đại, quan niệm về an ninh của các dân tộc đã thay đổi: một nền an ninh toàn diện… Tất cả những điều đó đã làm cho quan hệ quốc tế hiện đại thay đổi theo hướng vừa cạnh tranh vừa hợp tác, cạnh tranh là để tăng cường hợp tác và để cùng phát triển chứ không phải để tiêu diệt lẫn nhau. Do đó hệ thống quốc tế đa cực sau chiến tranh lạnh không chứa đựng những nhân tố dẫn đến chiến tranh qui mô lớn, nhất là giữa các nước lớn./.
Tweet
Video liên quan