So sánh cảnh thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ (Dàn ý + 2 Mẫu), Để giúp cho các bạn có thêm nhiều kiến thức Ngữ Văn lớp 12, sau đây chúng tôi xin
Hy vọng rằng có thể giúp cho các bạn bổ sung thêm nhiều kiến thức Ngữ văn lớp 12, chúng tôi xin giới thiệu một số bài văn mẫu lớp 12: So sánh cảnh thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ.
Trước đây chúng tôi đã giới thiệu đến tất cả mọi người một số bài mẫu So sánh hình ảnh thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ. Hôm nay, chúng tôi lại tiếp tục mời các bạn tham khảo dàn ý và một số bài văn mẫu So sánh cảnh thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ.
Dàn ý thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ
I. Mở bài
– Giới thiệu hai tác giả:
+ Quang Dũng (1921 – 1988), tên thật là Bùi Đình Diệm, quê ở huyện Đan Phượng nay thuộc Hà Nội, là một người tài hoa và đa tài.
+ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, quê ở Quảng Bình, là một nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới 1932 – 1940.
– Giới thiệu hai bài thơ
+ Tây Tiến được in trong tập Mây đầu ô và được Quang Dũng sáng tác tại Phù Lưu Chanh, 1948 khi ông rời binh đoàn Tây Tiến.
+ Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ điên.
– Hai đoạn thơ
+ Đoạn trích bài thơ Tây Tiến thuộc khổ thơ thứ 6 trong bài thơ.
+ Đoạn trích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ thuộc khổ thứ 2 trong bài thơ.
II. Thân bài
* Ý khái quát: một vài nét về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn thơ cần phân tích
* Phân tích, cảm nhận từng đoạn thơ:
– Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến là cảnh sông nước miền Tây hoang sơ, thơ mộng, trữ tình.
+ Giữa khói sương của hoài niệm, Quang Dũng nhớ về một “chiều sương ấy” – khoảng thời gian chưa xác định rõ ràng nhưng dường như đã khắc sâu thành nỗi niềm thương nhớ trong tâm trí nhà thơ.
+ Quá khứ vọng về là những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, lung linh huyễn hoặc: “hồn lau nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc” và “hoa đong đưa”.
+ Cảnh vật hiện lên: dù rất mong manh mơ hồ nhưng lại giàu sức gợi, rất thơ, rất thi sĩ, đậm chất lãng mạn của người lính Hà Thành: “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc”.
+ Câu hỏi tu từ: “có thấy”, “có nhớ” dồn dập như gọi về biết bao kỉ niệm của một thời đã xa.
+ Nhân hóa: hình ảnh cây lau tưởng chừng như vô tri vô giác cũng mang hồn. Cách nhân hóa có thần đã khiến cho thiên nhiên trở nên đa tình và lãng mạn hơn.
+ Hình ảnh con người thấp thoáng trở về trong hồi ức của nhà thơ. Dáng ngồi “độc mộc” tạo nên hai cách hiểu: đó là vẻ đẹp riêng của con người Tây Bắc hay cũng là tư thế của những chiến sĩ Tây Tiến đang phải đối mặt với thách thức của thiên nhiên dữ dội? Dù hiểu theo cách nào, dáng người trong thơ Quang Dũng cũng luôn khắc sâu trong tâm trí nhà thơ, luôn hiên ngang kiêu hùng mà uyển chuyển, tài hoa và khéo léo.
+ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”: Hình ảnh đắt nhất: đóa hoa giữa dòng là hội tụ của cái nhìn đa tình vốn có trong tâm hồn người lính Hà Thành trẻ tuổi và vẻ thơ mộng của cảnh sắc nơi đây.
Hình ảnh “hoa đong đưa” khi đang “trôi dòng nước lũ” là hình ảnh không thể có trong thực tại nhưng lại rất hợp lý khi đặt giữa mạch cảm hứng trữ tình của bài thơ.
Bằng bút pháp lãng mạn và biện pháp nhân hóa, tác giả đã vẽ nên nét vẽ thần tình, thâu tóm trọn vẹn vẻ đẹp của Tây Bắc, gửi gắm vào đó cả nỗi niềm thương luôn cháy bỏng trong trái tim ông.
Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hóa thần tình, cách dùng điệp từ khéo léo đã quyện hòa với nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi ngoai trong sâu thẳm tâm trí nhà thơ về đồng đội và thiên nhiên miền Tây Tổ quốc, tất cả tạo nên điểm sáng lấp lánh của tâm hồn một người chiến sĩ thiết tha với Tây Tiến, với quê hương.
– Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là khung cảnh sông nước xứ Huế qua cảm nhận của cái tôi trữ tình đầy tâm trạng.
+ Khổ thơ thứ nhất nói về cảnh vật thôn Vĩ khi “nắng mới lên”… Ở khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử nhớ về miền sông nước mênh mang, bao la, một không gian nghệ thuật đầy thương nhớ và lưu luyến. Có gió nhưng “gió theo lối gió”, cũng có mây nhưng “mây đường mây”. Mây gió đôi đường đôi ngả: “Gió theo lối gió mây đường mây”.
+ Cách ngắt nhịp 4/3, với hai vế tiểu đối, gợi ta một không gian gió, mây chia lìa, như một nghịch cảnh đầy ám ảnh.
+ Chữ “gió” và “mây” được điệp lại hai lần trong mỗi vế tiểu đối đã gợi nên một bầu trời thoáng đãng, mênh mông.
+ Không có một bóng người xuất hiện trước cảnh gió mây ấy. Mà chỉ có “Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay”. Cảnh vật mang theo bao nỗi niềm. Sông Hương lững lờ trôi xuôi êm đềm, trong tâm tưởng thi nhân đã biến thành “dòng nước buồn thiu” càng gợi thêm sự mơ hồ, xa vắng.
+ Hai câu thơ 14 chữ với bốn thi liệu (gió, mây, dòng nước, hoa bắp) đã hội tụ hồn vía cảnh sắc thôn Vĩ. Ngoại cảnh thì chia lìa, buồn lặng lẽ biểu hiện một tâm cảnh: thấm thía nỗi buồn xa vắng, cô đơn.
+ Hai câu thơ tiếp theo: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay?”
Chữ “đó” cuối câu 3 bắt vần với chữ “có” đầu câu 4, âm điệu vần thơ cất lên như một tiếng khẽ hỏi thầm “có chở trăng về kịp tối nay?”
“Thuyền ai” phiếm chỉ gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, tưởng như quen mà lạ, gần đó mà xa xôi.
Cả hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, câu nào cũng có trăng. Ánh trăng tỏa xuống dòng sông, con thuyền và bến đò. Con thuyền không chở người mà chỉ chở trăng, chở những cách xa và mong đợi sau nhiều năm tháng.
Sau cảnh gió, mây, là con thuyền, bến đợi và sông trăng: cảnh mộng ảo gợi nên nỗi niềm, tâm trạng cô đơn, mong nhớ đối với cảnh và người xứ Huế.
– Nét tương đồng và khác biệt:
+ Tương đồng:
Cả hai đoạn thơ đều là sự cảm nhận của cái tôi trữ tình về khung cảnh sông nước quê hương.
Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh.
Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.
+ Khác biệt:
Đoạn thơ trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mang màu sắc tâm trạng chia li, mong nhớ khắc khoải.
Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến mang nỗi nhớ da diết về thiên nhiên miền Tây, về kỉ niệm kháng chiến.
– Lý giải sự tương đồng và khác biệt
– Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa.
– Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước khung cảnh sông nước.
– Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ.
III. Kết bài
– Hai đoạn thơ thể hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của hai nhà thơ ở hai thời cuộc, hai cảnh ngộ khác nhau.
– Hai đoạn thơ kết tinh tài năng nghệ thuật của Hàn Mặc Tử và Quang Dũng.
Thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 1
Những bài thơ xuất sắc của văn học Việt Nam thường có những câu thơ miêu tả thiên nhiên cảnh vật nhưng qua đó nói lên tâm trạng chủ thể. Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ chính là hai bài thơ như thế.
Nhà thơ Quang Dũng viết Tây Tiến với dòng hồi tưởng và những tình cảm về đoàn quân Tây Tiến của mình. Ở đó không chỉ vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc mà cả tình cảm của những người lính cũng đều được khắc họa. Nhà thơ đã miêu tả nỗi nhớ về những bóng hình con người trên vùng đất Tây Bắc, đó là dáng người tha thướt, uyển chuyển và đầy dịu dàng trên con thuyền độc mộc. Dáng người ấy liệu có phải là dáng người con gái đã từng e ấp trong điệu múa Viêng Chăn khiến nhà thơ khi về xuôi vẫn ấn tượng mãi không quên. Dáng người ấy cũng được miêu tả trong làn sương mờ ảo, trong cảnh vật nên thơ lãng mạn của một buổi chiều buồn. Thực tại đã không thể quay lại, đó là những hình ảnh mà nhà thơ chỉ có thể lưu giữ trong tâm trí vì vậy những tình cảm và cảnh tượng ấy càng trở nên đặc sắc nhưng cũng rất xa vời.
Với Hàn Mặc Tử, nhà thơ viết về nỗi nhớ và khát khao được về bên người thương của mình. Sống ở Bình Định xa xôi với căn bệnh hiểm nghèo, nhà thơ đã gửi nỗi nhớ thương và tình cảm tha thiết của mình với người con gái xứ Huế qua những giấc mơ và lời tự hỏi. Cảnh vật trong khổ thơ này được miêu tả với một nét buồn cô quạnh, trầm mặc, chia lìa: “Gió theo lối gió mây đường mây / Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Có thể vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ cho nên cảnh vật trong thơ Hàn Mặc Tử cũng bị ngăn cách, xa vời đầy cách trở. Chỉ có nhà thơ với nỗi nhớ bồi hồi, da diết cháy bỏng, khao khát được ngay lập tức về bên người mình thương. Cũng giống như Quang Dũng, nhà thơ Hàn Mặc Tử đang mơ về một giấc mơ xa vời và khó thành sự thực. Những con người ấy chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ ảo ảnh của chàng trai mà thôi.
Cả hai khổ thơ trong Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ đều sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng, đều mượn cảnh mà tả tình. Ở Tây Tiến là những hình ảnh thuyền độc mộc, dòng nước, nhành hoa thường thấy trong thơ Đường khi miêu tả sự chảy trôi, buông xuôi theo dòng đời thì ở Đây thôn Vĩ Dạ, đó là hình ảnh gió mây, sông, dòng nước, bóng trăng; cũng là những hình ảnh tượng trưng quen thuộc ấy nhưng cảnh vật dường như tâm trạng hơn, day dứt hơn. Qua đó, người đọc có thể thấy được tình cảm chân thành của người viết. Hẳn họ phải rất bứt rứt, rất trăn trở trong nỗi cô đơn và tâm trạng khi nhớ về cảnh vật và con người của vùng đất nơi mình từng gắn bó.
Qua hai đoạn thơ, người đọc đều có thể thấy được sự chia cắt giữa hai bờ, hai vùng đất của các chàng trai. Thế nhưng ở họ có một điểm chung đó là tình cảm thủy chung không thay đổi, là tình cảm cháy bỏng và mãnh liệt mà tác giả gửi đến vùng đất và con người nơi xa. Dù là một bài thơ tả cảnh mà đong đầy tình cảm, khiến người đọc rung động trong từng câu chữ. Đây quả là những tác phẩm đặc sắc không chỉ đối với hai tác giả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử mà còn là những dòng thơ xuất sắc để lại cho thơ ca Việt Nam.
Thiên nhiên trong bài Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ – Mẫu 2
Thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ tự bao giờ đã khác xa qua lăng kính của những thi nhân để rồi mang theo một nét đẹp có hồn mà các nhà thơ đã thổi vào. Nếu Quang Dũng với bút pháp lãng mạn đã phác họa nên bức tranh thiên nhiên và con người Châu Mộc thật thơ mộng, mơ hồ qua khổ thơ:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
của thi phẩm Tây Tiến thì với Hàn Mạc Tử, tài thơ đã đưa độc giả đến với bức tranh “nguyệt giang sầu” thật đẹp nhưng thấm đượm một nỗi sầu từ nội tại ở khổ thơ thứ hai của thi phẩm Đây thôn Vĩ Dạ. Có thể nói, cả Quang Dũng và Hàn Mạc Tử với cặp mắt tinh tế vẽ ngòi bút điêu luyện đã cho độc giả những góc nhìn về thiên nhiên rất đỗi mới mẻ mà nghệ thuật.
Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh. Khi đó nhà thơ vừa rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Thi Phẩm được viết bởi những hồi tưởng sâu đậm một thời của Quang Dũng.
Đoạn thơ thuộc phần hai khổ thứ hai của bài thơ với cảm hứng là nỗi nhớ về buổi chia tay đi Châu Mộc. Nỗi nhớ bao trùm lên bài thơ và đoạn thơ, Quang Dũng liên tục đưa độc giả đến với hàng loạt bức tranh chạy dọc theo dòng hồi tưởng của tác giả. Nếu ở những câu thơ trước, thi nhân cho ta bước vào cảnh liên hoan rực rỡ, vui tươi thì đến với những câu thơ tiếp theo, Quang Dũng lại cho ta thả hồn mình vào cái mờ ảo, mênh mang của cảnh sông nước miền Tây:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Cả không gian lúc chiều xuống được giăng mắc bởi màn sương mờ ảo cho ta thấy nét đặc trưng của núi rừng nơi đây. Sâu vào bên trong lớp vỏ ngôn từ, đâu đó đọc giả cảm nhận được một cảm giác bâng khuâng, man mác một nỗi niềm hoài cổ. Với câu thơ “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” đã tạo nên một màu sắc hoang vắng, hiu hắt và tĩnh lặng cho không gian. Những cây lau vô tri vô giác bỗng chốc trở nên có linh hồn. Những trần lau xăm lạc phất phơ theo chiều gió đưa đẩy, qua cảm nhận của người ra đi có chất chứa nỗi lòng thật quyến luyến, như có hồn phảng phất trong gió trong cây.
Mặc dù Quang Dũng thổi vào thiên nhiên một nỗi nhớ, một nỗi buồn man mác, lưu luyến pha chút tiếc nuối nhưng ông không để cho bức tranh thiên nhiên của mình hiu hắt không bóng người – một cảnh tượng mang dáng dấp của nỗi sầu trong thơ mới. Quang Dũng đã khắc họa thêm những nét trong bức tranh hoài niệm còn đang dang dở. Giữa thiên nhiên hoang vu, tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc chợt xuất hiện hình ảnh của con người khỏe khoắn, rắn rỏi:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Thi nhân không tả mà chỉ gợi hình ảnh, dáng vóc của chàng trai hay cô gái chèo con thuyền độc mộc trên sông thượng nguồn. “Độc mộc” là con thuyền làm bằng cây gỗ to, khoét trũng dùng để vượt thác leo ghềnh. Chính vì hình ảnh đó đã làm cho “dáng người” lại càng mang một vẻ đẹp khỏe khoắn, cứng cáp. Dáng người ấy có thể là cô gái Thái Mèo đã từng đưa các chiến sĩ vượt sông. Hình ảnh ấy đã để lại cho tâm hồn nhạy cảm của những người lính vốn dĩ xuất thân từ những chàng thanh niên trí thức đô thành Hà Nội một ấn tượng khó phai nhòa. Hòa vào khung cảnh nên thơ ấy là hình ảnh những cánh hoa rừng đong đưa trên dòng nước lã, gợi một cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng làm cho lòng người thêm say đắm bâng khuâng, vừa tạo cho độc giả một góc nhìn về sự khỏe khoắn, dẻo dai của bông hoa rừng hay cũng chính là người dân nơi đây.
Có thể nói, Quang Dũng với ngòi bút tinh tế cùng nỗi nhớ đã tạo nên một bức tranh hòa hợp giữa thiên nhiên và con người Tây Bắc. Đồng thời ta cũng có thể cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc của tác giả và hơn cả là của những người lính Tây Tiến, dù chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, tận hưởng từng khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Đến đây, người lính Tây Tiến như được sống trong một khung cảnh thanh bình mà họ như được tẩy rửa bụi đường mệt nhọc sau những trận hành quân dài.
Để độc giả có thể thấy được khung cảnh của một thời đã xa, cuộc thi nhân phải phác họa lại bức tranh với chất liệu là ngôn từ. Không giống như hội họa có thể tái hiện một cách tường tận và chân thật viễn cảnh thời chiến, thời gian của đoàn binh Tây Tiến, với thi ca, nhà thơ phải phác họa bức tranh ấy với ngòi bút điêu luyện của mình hòa vào trong một loại mực đặc biệt được pha chế bởi hồi tưởng, cảm xúc, nghệ thuật ngôn từ. Ở đây Quang Dũng cũng vậy, nhà thơ đã vận dụng một cách điêu nghệ bút pháp lãng mạn, trữ tình để cho những người lính Tây Tiến vừa rất đỗi anh hùng của một bậc chinh phu tráng sĩ mà cũng rất con người, hào hoa, lãng mạn, với những ước muốn bình dị. Nếu không có sự kết hợp giữa nghệ thuật miêu tả hết sức độc đáo cùng tính nhạc đặc sắc trong thi phẩm thì có lẽ độc giả đã không thể thấy một cách sắc nét khung cảnh mà Quang Dũng đã gợi nên. Tất cả nghệ thuật đã được thi nhân kết hợp nhuần nhuyễn để gợi được sự “điệu hồn” giữa thi nhân và độc giả. Đó chính là ranh giới mà nhà thơ phải vượt qua để đạt đến sự hoàn thiện trong thi phẩm.
Và Hàn Mạc Tử cũng không ngoại lệ để tạo nên một hồn thơ, cùng những tác phẩm nghệ thuật có thể tỏa sáng trên thi đàn. Thi nhân là một hồn thơ mãnh liệt có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn quằn quại đau đớn vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông cũng có một bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường” viết về thiên nhiên đất nước và con người… Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được viết khi ông nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, vì vậy bài thơ là bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng, nhất là khổ thơ:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Bước vào thế giới của Hàn Mạc Tử, độc giả cảm nhận rõ nét một nỗi buồn da diết, nhà thơ lấy cái sầu để phủ lên vạn vật. Tất cả đều chìm sâu vào dòng chảy cảm xúc của nhà thơ – nỗi buồn.
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Hai câu thơ là một bức tranh phong cảnh với đủ cả gió, mây sông, nước – bức tranh thủy mặc. Câu thơ “Gió theo lối gió mây đường mây” không chỉ tả cảnh, từ tính nhạc đến tính họa của thơ đều toát lên một cảm giác buồn bã, hiu hắt. Nhịp ngắt 3/4 với những chữ gió, chữ mây riêng rẽ ở từng vế câu đã tạo ra cảm giác có một sự ngăn cách, chia lìa thật quyết liệt. Từ sự phi lý về hiện tượng tự nhiên, Hàn Mạc Tử đã thể hiện sự hợp lý của tâm trạng trong cảnh ngộ của một con người gắn bó thiết tha với đời lại phải vĩnh viễn cách xa với đời. Thiên nhiên đã nhuốm màu tâm trạng con người, hay đúng hơn, thiên nhiên chỉ là những hình ảnh được nhà thơ nhắc đến để gửi gắm tâm trạng và thể hiện cảnh ngộ của chính bản thân mình. Như ý thơ của Nguyễn Du:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nỗi sầu không dừng lại ở đây, nó đã phải lấy cả những câu thơ sau:
“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Phép nhân hóa trong hình ảnh dòng nước của con sông Hương buồn thiu vừa làm hiện lên một dòng sông phẳng lặng như ngưng trệ, không trôi chảy, vừa gợi tả nỗi buồn. Và có phải chăng dòng sông ấy hay cũng chính là dòng cảm xúc của thi nhân, cứ mãi đọng lại một nỗi sầu nặng trĩu không sao tan biến.
Thử hòa hợp giữa xúc cảm và nghệ thuật để đắm chìm một cảnh tượng thật sầu. Không gian hoang vắng, chia lìa trong một thời gian ngưng trệ, cảnh vật hờ hững, lạnh lẽo với con người. Bức tranh phong cảnh trở thành bức tranh tâm cảnh mà ở đó, thiên nhiên chính là phương tiện để thể hiện cõi lòng u ám, buồn bã khi con người trở về với cõi thực của bi kịch riêng mình trong hiện tại.
Hàn Mặc Tử tiếp tục xoay lăng kính sang một cảnh vật mới – “nguyệt giang sầu”:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Vạn vật dường như trở nên mờ ảo, nhạt nhòa, lạnh lẽo như thực, như mơ bởi ánh trăng. Lại tiếp tục một sự nghịch lý xuất hiện ngay trong đoạn thơ. Nếu theo quy luật của tự nhiên ánh trăng soi sáng mọi ngóc ngách của cảnh vật đêm tối thì ở đây, Hàn Mặc Tử lại hóa ánh trăng đi ngược với quy luật tạo hóa. Có lẽ đây là thế giới của cõi mộng. Trong cảm giác mông lung của thi nhân, sông trở thành hình ai thấp thoáng, nhòa mờ trong trăng…Hình ảnh sông trăng có thể hiểu là ánh trăng lai láng khắp thế gian…Dù hiểu theo cách nào thì sông Hương thực của xứ Huế cũng từ cõi thực chảy trôi vào cõi mộng để bồi đắp vào dòng chảy xúc cảm đang dâng trào của thi nhân. Hai câu thơ đựng trong đó ít nhất hai câu hỏi da diết, đau đáu về một cõi mơ đẹp huyền ảo ngập tràn sắc trắng cứu rỗi vốn luôn xuất hiện trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc Tử. Thi sĩ khao khát sống, khao khát yêu đời lại phải chia lìa cách biệt với cuộc sống thực tại, cách biệt với thế giới của những vẻ đẹp thực mà giờ đây đã là dĩ vãng đối với Hàn Mặc Tử nên ông chỉ có thể bám víu vào bóng ai trong ánh trăng huyền ảo, miên man vào cõi mộng để hình dung như được trở lại với đời. Cách diễn đạt phiếm chỉ trong câu hỏi “thuyền ai đậu bến sông trăng đó” tạo ra một cảm giác tội nghiệp, dường như nhà thơ đang bị vây bọc bởi thế giới tăm tối, lạnh lẽo, chới với vọng hỏi một ai đó ở thế giới bên ngoài. Khát khao thoát khỏi ranh giới thực tại chỉ có thể để hồn thơ vượt qua ranh giới đó, nhưng đổi lại, nó đã nhuốm màu của nỗi sầu tăm tối.
Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều có một cặp mắt tinh tế để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên được chính tâm hồn lãng mạn của các nhà thơ thể hiện rất sinh động giàu sức gợi hình, gợi cảm.
Nhưng với mỗi hồn thơ, mỗi lăng kính khai thác và hoàn cảnh riêng thì nét đẹp của thiên nhiên lại được thể hiện một cách khác nhau.
Đối với Hàn Mạc Tử, cái nhìn thiên nhiên gợi cảm xúc buồn da diết, cảnh vật tuy đẹp nhưng u sầu, đau đớn. Bởi lẽ vì chính nỗi sầu thế hệ, chính tâm trạng lúc này của Hàn Mặc Tử khi đang chịu những cơn đau của căn bệnh quái ác và hơn cả là phải đối diện với cái chết, nhà thơ của chúng ta đã treo ngay trước cặp mắt của mình một lăng kính mang tên nỗi sầu.
Còn Quang Dũng, cái nhìn thiên nhiên được thể hiện một cách đầy thơ mộng, trữ tình với một hồn thơ đầy tinh tế và nhạy cảm, tạo cho độc giả một cảm giác bâng khuâng và nao lòng trước cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Bằng chính cái tôi lãng mạn, hào hoa của mình, nhà thơ muốn thể hiện sự quyến luyến, nhớ nhung khi phải chia tay thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Hàn Mặc Tử và Quang Dũng với mỗi hồn thơ đặc trưng đã hóa những trang viết từ ngôn từ trở thành những bức tâm cảnh đầy sôi động. Ở đó, độc giả như chìm đắm vào dòng chảy xúc cảm của thi nhân. Phải là một con người giàu tình yêu thiên nhiên thì mới có thể dễ dàng hóa vật nên tình, tạo cảnh thành tình của hai thi nhân.