Soạn bài Ẩn dụ, Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn soạn văn lớp 6: Ẩn dụ, đây là một tài hữu ích giúp cho các bạn nhanh chóng chuẩn bị bài trước khi đến
Hôm nay, đội ngũ Tài Liệu Học Thi chúng tôi xin giới thiệu đến tất cả thầy cô và các bạn tài liệu soạn văn 6: Ẩn dụ, được đăng tải tại đây.
Tài liệu soạn bài Ẩn dụ ở trong bài viết này sẽ bao gồm: soạn văn chi tiết và soạn văn ngắn gọn. Chúng tôi hy vọng rằng, tài liệu này sẽ giúp cho các bạn có thể bổ sung thêm kiến thức về môn Ngữ văn 6. Sau đây, mời các bạn cùng tham khảo.
Xem Tắt
Soạn văn Ẩn dụ chi tiết
I. Kiến thức cơ bản
A. Ẩn dụ là gì?
1. Trong khổ thơ dưới đây, cụm từ Người Cha được dùng để chỉ ai ? Vì sao có thể ví như vậy ?
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
(Minh Huệ)
Trả lời:
Trong khổ thơ trên, Bác Hồ được ví như Người cha bởi tình cảm của Bác Hồ đối với các anh đội viên cũng giống như tình cảm của một người cha dành cho các con vật. Nhà thơ đã bộc lộ cảm nhận của mình về sự giống nhau ấy và thể hiện bằng hình ảnh ẩn dụ “Người Cha mái tóc bạc”.
2. Cách nói này có gì giống và khác với phép so sánh?
Trả lời:
– Giống nhau: Về ý nghĩa, cũng mang nghĩa so sánh.
– Khác nhau : Vế A không xuất hiện mà để người đọc tự liên tưởng và cảm nhận.
B. Các kiểu ẩn dụ
1. Các từ in đậm dưới đây được dùng để chỉ những hiện tượng hoặc sự vật nào? Vì sao có thể ví như vậy ?
Về thăm nhà Bác làng Sen,
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
(Nguyễn Đức Mậu)
Trả lời:
Từ “thắp” thể hiện việc dùng lửa nhen vào những vật có khả năng cháy.
– Lửa hồng: hiện tượng lửa cháy mạnh
Dùng từ “thắp” và “lửa hồng” để chỉ những hình ảnh đẹp, rực rỡ và ấm áp của hàng râm bụt trước cửa nhà Bác.
2. Cách dùng từ trong cụm từ in đậm dưới đây có gì đặc biệt so với cách nói thông thường ?
Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
(Nguyễn Tuân)
Trả lời:
Ta có thể nói “Bánh phồng tôm giòn tan” bởi đó là một vật ăn ngon dễ vỡ nát. Ở đây, nắng là sự vật không định hình, không khối lượng. Dùng những hình ảnh vốn được nhận biết bằng những cơ quan cảm giác khác nhau để kết hợp thành một hình ảnh dựa trên những nét tương đồng nào đó, kiểu này thuộc ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
3. Từ những ví dụ đã phân tích ở các phần I và II, hãy nêu lên một số kiểu tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng thường được sử dụng để tạo phép ẩn dụ.
Trả lời:
Có 4 kiểu ẩn dụ:
- Ẩn dụ hình thức.
- Ẩn dụ cách thức.
- Ẩn dụ phẩm chất.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
II. Rèn luyện kĩ năng
1. So sánh đặc điểm và tác dụng của ba cách diễn đạt sau đây :
– Cách 1 :
Bác Hồ mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
– Cách 2 :
Bác Hồ như Người Cha
Đốt lửa cho anh nằm
– Cách 3 :
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
(Minh Huệ)
Trả lời:
– Cách 1 là cách kể thông thường, làm thiếu đi ý nghĩa của Người Cha.
– Cách 2 có sử dụng sự so sánh nhưng thiếu đi ý nghĩa của mái tóc bạc – thể hiện tuổi tác và sự vất vả.
– Cách 3 là ẩn dụ tạo nên những liên tưởng thú vị, tạo sự cô đọng, có tính hình tượng.
2. Tìm các ẩn dụ trong những ví dụ dưới đây. Nêu lên nét tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh ngầm với nhau.
a. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
(Tục ngữ)
b. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
(Tục ngữ)
c.
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
(Ca dao)
d.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
(Viễn Phương)
Trả lời:
a. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: sự biết ơn, tưởng nhớ tới những người tạo ra giá trị cho ta hưởng thụ, tiếp nhận.
– Quả: thành quả, giá trị được tạo ra.
– Kẻ trồng cây: người tạo ra giá trị.
b. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng: khuyên nhủ con người nên tìm môi trường sáng, tốt để sống
– Mực: ẩn dụ cho những môi trường, những người xấu → dễ khiến chúng ta lây nhiễm thói xấu
– Đèn: ẩn dụ cho nơi tốt đẹp, người tốt đẹp sẽ giúp ta học được thói quen tốt, đức tính tốt.
c. Thuyền: ẩn dụ cho ra đi – người con trai.
Bến: ẩn dụ cho người ở lại – người con gái.
→ Tấm lòng chung thủy, đợi chờ của người con gái dành cho con trai.
d. Mặt trời: dùng để chỉ Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc Việt Nam, người mang lại nguồn sống cho mọi người.
3. Tìm những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong các câu văn, câu thơ dưới đây và nêu lên tác dụng của những ẩn dụ ấy trong việc miêu tả sự vật, hiện tượng.
a. Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt.
(Tô Hoài)
b.
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
(Hoàng Trung Thông)
c.
Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
(Trần Đăng Khoa)
d.
Em thấy cả trời sao
Xuyên qua từng kẽ lá
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười của bố.
(Phan Thế Cải)
Trả lời:
Các từ ngữ ẩn dụ:
+ (Mùi hồi chín) chảy:
=> thể hiện được cụ thể hơn, rõ ràng hơn cái đắm say, ngây ngất của mọi người khi ngửi thấy mùi hồi chín.
+ (Ánh nắng) chảy:
=> sự chuyển đổi này giúp gợi tả sinh động hình ảnh của nắng, nắng không còn đơn thuần là “ánh sáng” mà còn hiện ra như là một “thực thể” có thể cầm nắm, sờ thấy.
+ (Tiếng rơi) rất mỏng:
=> cái nhẹ của tiếng lá rơi được gợi tả tinh tế, trở nên có hình khối cụ thể (mỏng – vốn là hình ảnh của xúc giác) và có dáng vẻ (rơi nghiêng – vốn là hình ảnh của thị giác).
+ Ướt (tiếng cười):
=> gợi tả được tiếng cười của người bố qua sự cảm nhận của tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên.
4. Chính tả (nghe – viết): Buổi học cuối cùng (từ Tuy nhiên, thầy vẫn đủ can đảm đến lớn lao đến thế).
Trả lời: Tự chép chính tả văn bản Buổi học cuối cùng.
Soạn văn Ẩn dụ ngắn gọn
I. Ẩn dụ là gì?
Câu 1 (trang 68 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
– Cụm từ Người Cha ở đây là chỉ Bác Hồ.
– Có thể ví như vậy bởi vì tình thương của Bác với bộ đội như là của người cha đối với những đứa con của mình vậy.
Câu 2 (trang 68 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
Cách nói này khá giống với phép so sánh là người đọc thấy được sự tương đồng giữa các chủ thể.
Khác với phép so sánh ở hình thức thể hiện, người đọc muốn tìm được tầng nghĩa phải vận dụng sự liên tưởng của mình.
II. Các kiểu Ẩn dụ
Câu 1 (trang 68 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
– Từ “thắp” là chỉ việc dùng lửa châm vào một vật có khả năng bốc cháy.
– Từ “lửa hồng” là hiện tượng về sự vật bị cháy mạnh.
– Có thể ví như vậy vì dựa trên cơ sở mối liên tưởng tương đồng giữa màu đỏ của hoa râm bụt và hình ảnh ngọn lửa. Hình ảnh hoa râm bụt đỏ khẽ đưa trong gió giống như ngọn lửa đang cháy.
Câu 2 (trang 69 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
– Từ giòn tan được chỉ dùng để chỉ đặc tính đồ ăn được sấy khô hoặc chiên kỹ.
– Kết hợp từ “nắng giòn tan” là sự chuyển đổi cảm giác từ thị giác chuyển sang vị giác, tạo ra lối diễn đạt thú vị, giàu ý nghĩa.
Câu 3 (trang 69 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
Có những kiểu ẩn dụ tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng được sử dụng là:
– Ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
III. Luyện tập
Câu 1 (trang 69 sgk Ngữ văn 6 tập 2):
Cách 1: Diễn đạt bình thường, không sử dụng phép tu từ nào.
Cách 2: Có sử dụng phép so sánh thông qua từ “như”, giúp người đọc hiểu rõ tâm tư tình cảm của người viết về Bác Hồ.
Cách 3: phép ẩn dụ giúp câu thơ hàm súc, cô đọng, vừa thể hiện tình yêu tâm tư, sâu nặng của người viết với Bác.
Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
a.
– Ăn quả: người hưởng thành quả của người đi trước.
– Kẻ trồng cây: Người tạo ra thành quả, người đi trước.
b.
– Mực: đen, khó tẩy rửa.
– Sáng: sáng sủa.
– Mực (đen) có sự tương đồng với hoàn cảnh xấu, người xấu.
– Đèn (sáng) có sự tương đồng với hoàn cảnh tốt, người tốt.
c.
– Thuyền: sự vật, phương tiện giao thông vận tải đường thủy, có tính chất cơ động.
– Bến: sự vật, đầu mối giao thông, có tính chất cố định.
– Thuyền có sự tương đồng với người đi xa.
– Bến có sự tương đồng với người ở lại.
d.
– Mặt trời (đi qua trên lăng): mặt trời tự nhiên.
– Mặt trời (trong lăng rất đỏ): hình ảnh ẩn dụ, ngầm chỉ Bác Hồ.
– Bác Hồ đem lại cho đất nước và dân tộc những thành quả cách mạng vô cùng to lớn.
– Thể hiện lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với Bác.
– Cả Bác Hồ và mặt trời đều là cội nguồn của ánh sáng, sự sống của người dân Việt Nam.
Câu 3 (trang 70 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
a. Mùi vốn được cảm nhận bởi thính giác này được chuyển sang cảm nhận bằng thị giác.
→ Mùi hồi thơm như những dòng chảy bất tận đi ngang mặt. Cách viết thể hiện được cụ thể cái say đắm, ngất ngây trong cảm nhận tinh tế của tác giả.
b. Ánh nắng trở nên rõ ràng, có hình khối, dáng vẻ một cách cụ thể.
→ Cách diễn đạt khiến cho hình ảnh ánh nắng trở nên mềm mại, tự nhiên và gần gũi với con người.
c. Phép ẩn dụ: tiếng rơi rất mỏng.
→ sự chuyển đổi từ thính giác sang thị giác khiến người đọc hình dung được tiếng rơi khẽ khàng của chiếc lá, một tiếng rơi được cảm nhận bằng tấm lòng của người yêu cái đẹp.
d. Phép ẩn dụ: ướt tiếng cười của bố.
→ Gợi sự liên tưởng thú vị, mới lạ về tiếng cơn mưa rào. Sự hòa quyện, thâm nhập của cơn mưa vào tiếng cười.
Câu 4 (trang 70 sgk Ngữ văn 6 tập 2)
Học sinh tự thực hiện.