Soạn bài Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I, Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc tài liệu Soạn văn 6: Bài kiểm tra tổng hợp cuối kì I giúp ích cho bạn đọc ôn tập
Bài kiểm tra tổng hợp cuối kì I sẽ giúp ích cho học sinh ôn tập lại toàn bộ kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 6.
Chính vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 6: Bài kiểm tra tổng hợp cuối kì I, kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo.
Soạn văn Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I
I. Những nội dung cơ bản cần chú ý
1. Về phần Văn
a. Truyền thuyết
* Khái niệm: Truyền thuyết là loại truyện dân gian, kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các nhân vật và sự kiện lịch sử được kể đến.
* Đặc trưng:
– Thường kể về các nhân vật, sự kiện lịch sử.
– Sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
b. Truyện cổ tích
* Khái niệm: Truyện cổ tích là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc.
* Các kiểu nhân vật:
- Nhân vật bất hạnh (người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí…)
- Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ
- Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch
- Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người).
* Đặc trưng:
– Thường có yếu tố hoang đường.
– Thể hiện ước mơ niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, sự công bằng đối với sự bất công.
c. Truyện ngụ ngôn
* Khái niệm: Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn truyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ, răn dạy người ta bài học nào đó trong cuộc sống.
* Đặc trưng:
Truyện kể có ngụ ý (tức là truyện không chỉ có nghĩa đen mà còn có nghĩa bóng mới là mục đích)
- Nghĩa đen: là nghĩa bề ngoài, nghĩa cụ thể của chính câu chuyện
- Nghĩa bóng là ý sâu kín được gửi gắm trong câu chuyện được suy ra từ ý nghĩa của truyện và thường được diễn đạt như những bài học cho con người trong cuộc sống.
d. Truyện cười
* Khái niệm: Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.
* Đặc trưng:
– Truyện cười thường ngắn, nhưng dù ngắn truyện vẫn có kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ để có thể gây cười.
– Nghệ thuật gây cười phải làm cho cái đáng cười được bộc lộ để người đọc, người nghe phát hiện ra nó mà cười.
* Phân loại
– Truyện cười thiên về mua vui: truyện hài hước
– Truyện cười thiên về phê phán: truyện châm biếm
2. Phần tiếng Việt
a. Cấu tạo từ
– Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa dùng để đặt câu.
– Từ gồm hai loại là: từ đơn và từ phức. Từ đơn là các từ chỉ gồm một tiếng, từ phức là các từ có hai hay nhiều tiếng.
– Từ phức gồm từ ghép và từ láy. Từ ghép là các từ có quan hệ với nhau về mặt nghĩa, từ láy là các từ có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm.
b. Từ mượn
– Từ mượn là những từ được vay mượn của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.
c. Nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ
– Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ…) mà từ biểu thị.
– Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.
– Trong từ nhiều nghĩa có:
- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa chuyển.
- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
d. Các loại từ
– Danh từ
- Là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khá niệm…
- Gồm: danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật
– Động từ: là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật
Gồm:
- Động từ tình thái (thường đòi hỏi động từ khác đi kèm).
- Động từ chỉ hoạt động, trạng thái (không đòi hỏi động từ khác đi kèm).
– Tính từ là những từ chỉ tính chất, đặc điểm, trạng thái…
Có hai loại:
- Tính từ chỉ đặc điểm tương đối (có thể kết hợp với các từ chỉ mức độ: rất, hơi, khá…)
- Tính từ chỉ đặc điểm tuyệt đối (không kết hợp được với các từ chỉ mức độ)
– Số từ và lượng từ:
- Số từ là những từ chỉ số lượng và số thứ tự của sự vật: một, hai, ba…
- Lượng từ là những từ chỉ lượng ít nhiều của sự vật, ví dụ: những, các, tá…
– Chỉ từ: là những từ dùng để trỏ sự vật, nhằm xác định vị trí của sự vật trong không gian hoặc thời gian.
e. Cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ
3. Phần Tập làm văn
a. Văn tự sự là gì?
– Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, một ý nghĩa.
– Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen chê.
b. Dàn ý của bài văn tự sự
Dàn bài bài văn tự sự thường gồm ba phần:
- Phần mở bài giới thiệu chung về nhân vật và sự việc
- Phần thân bài kể về diễn biến của sự việc
- Phần kết bài kể về kết thúc của sự việc (tích cực hay tiêu cực).
c. Ngôi kể
– Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện.
– Gồm:
- Ngôi kể thứ ba là: các nhân vật được gọi bằng tên gọi của chúng, người kể tự giấu mình đi; người kể có thể kể tự do, linh hoạt những gì diễn ra xung quanh nhân vật.
- Ngôi kể thứ nhất là: người kể xưng “tôi”, trực tiếp kể lại những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, có thể nói trực tiếp cảm tưởng và suy nghĩ của mình.
d. Thứ tự kể
– Khi kể chuyện, có thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tự tự nhiên, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau cho đến hết.
– Nhưng để gây bất ngờ, gây chú ý hoặc để thể hiện tình cảm nhân vật, người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại ra kể trước, sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các sự việc đã xảy ra trước đó.
II. Đề kiểm tra đánh giá
Gợi ý đáp án:
Phần I. Trắc nghiệm
1. B
2. C
3. B
4. A
5. C
6. B
7. C
8. B
Phần II. Tự luận
Hãy đóng vai bà đỡ Trần trong truyện “Con hổ có nghĩa” để kể lại câu chuyện ấy.
Gợi ý:
Tôi là bà đỡ Trần người huyện Đông Triều làm nghề đỡ đẻ. Một đêm nọ, khi tôi đang nằm ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Tôi bèn tỉnh dậy ra mở cửa. Nhưng ra đến nơi nhìn trước nhìn sau thì không thấy ai cả. Bỗng nhiên có một con hổ lao tới cõng tôi. Vì sợ quá, tôi bị ngất đi. Đến khi tỉnh dậy thì thấy con hổ cong mình lao như bay trong rừng, hễ gặp bụi rậm thì nó liền né sang một bên. Tới nơi, hổ thả tôi xuống. Tôi nhìn sang bên cạnh thấy một con hổ cái đang nằm dưới đất quằn quại đau đớn. Nghĩ rằng hổ định ăn thịt mình, tôi sợ hãi lùi ra xa. Bỗng nhiên hổ đực cầm tay tôi rồi quay sang nhìn hổ cái rớm nước mắt. Tôi liền lại gần hổ cái thì thấy bụng nó đụng đậy, là một bà đỡ giàu kinh nghiệm, tôi đoán ngay ra là hổ cái sắp sinh. Sẵn có thuốc luôn mang theo bên mình, tôi hòa với nước suối cho hổ cái uống và xoa bụng nó. Lát sau, hổ cái sinh được, đứa con mới chào của chúng trông thật đáng yêu. Hổ đực chơi đùa với con, còn hổ cái nằm nghỉ vì quá mệt. Sau đó, hổ cãi tiễn tôi ra khỏi cánh rừng. Trước khi đi, nó còn quỳ xuống lấy chân đào lên một cục bạc và đưa cho tôi. Biết đây là sự đền ơn của hổ, tôi nhận lấy và nói với hổ hãy trở về rừng. Nhờ có số bạc ấy mà tôi đã sống được qua những tháng ngày mất mùa đói kém vào năm ấy.