Soạn bài Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, Soạn văn 6: Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử là một tài liệu vô cùng hữu ích giúp cho các bạn nhanh chóng và dễ dàng
Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu đến các bạn tài liệu soạn văn lớp 6: Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, đã được chúng tôi đăng tải tại đây.
Chúng tôi hy vọng rằng với hai phần: soạn văn chi tiết và soạn văn ngắn gọn ở phía dưới đây, thì mọi người có thể nhanh chóng chuẩn bị nội dung bài học trước khi đến lớp. Sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu soạn văn 6: Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử.
Xem Tắt
Soạn văn Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử chi tiết
I. Đôi nét về tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Văn bản “Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử” của tác giả Thúy Lan, in trên báo Người Hà Nội.
2. Tóm tắt
Với lời văn mềm mại sâu sắc nhà báo đã mang đến cho chúng ta những cái nhìn khái quát nhất về cây Cầu Long Biên mà ngày nay đã trở nên cổ kính. Cuộc đời của cây cầu gắn liền với cuộc đời của đất nước Việt Nam. Nó được xây dựng vất vả đổi bằng xương máu của đồng bào ta để rồi cùng đồng bào ta trải qua biết bao nhiêu chặng đường của lịch sử. Những người anh em đồng chí thì đã mãi mãi ra đi nhưng chúng ta vẫn còn may khi cây cầu lại trở thành nhân chứng lịch sử còn mãi tới tận ngày nay.
3. Bố cục
– Phần 1 (từ đâu đến “anh dũng của thủ đô Hà Nội”): Giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại.
– Phần 2 (tiếp đó đến “nhưng vẫn dẻo dai, vững chắc”): Cầu Long Biên – một nhân chứng sống của lịch sử.
– Phần 3 (còn lại): Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại
– Vị trí: cầu bắc ngang sông Hồng.
– Độ dài: 2290m.
– Trọng lượng: 17000 tấn.
– Hình dáng: như một dải lụa uốn lượn vắt ngang qua sông Hồng.
→ Miêu tả thông qua so sánh với những số liệu chính xác.
→ Cầu Long Biên là cây cầu to, đẹp và đồ sộ.
2. Cầu Long Biên – chứng nhân của lịch sử
– Quá trình xây dựng cầu:
+ Xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 do kĩ sư người Pháp thiết kế.
+ Khi mới khánh thành, cầu mang tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Đu-me.
+ Được xây dựng bằng bao mồ hôi, xương máu của nhân dân.
+ Đánh đập dã man, hơn 1000 nông phu bị chết.
→ Gợi nhắc một thời thực dân áp bức, nô lệ và bạo tàn, bất công.
– Sau năm 1945:
+ Cầu được đổi tên là cầu Long Biên.
+ Cầu chứng kiến người dân thủ đô cùng trung đoàn thân yêu ra đi bí mật.
+ Chứng kiến cảnh đất trời bốc lửa, thành đô nghi ngút cháy.
→ Cầu Long Biên chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh và sự anh dũng, son sắt, quyết tâm bảo vệ Hà thành của người dân thủ đô.
– Hòa bình sau chống Pháp:
+ Cầu chứng kiến màu xanh của bãi mía, nương dâu, bãi ngô, vườn chuối.
+ Chứng kiến những ánh đèn mọc lên như sao sa.
→ Cầu chứng kiến sự hồi sinh của Hà Nội trù phú, tươi đẹp, quyến rũ.
– Những năm kháng chiến chống Mỹ:
+ Cầu bị bom mỹ đánh phá nhiều lần.
+ Cầu rách nát giữa trời, tả tơi như ứa máu.
+ Nhân dân ta hàn cầu, bảo vệ cầu.
→ Cầu oằn mình chịu đựng những đau thương, mất mát, bạo tàn mà Mỹ gây nên.
– Những năm tháng lũ lụt: cầu dẻo dai, vững chắc chứng kiến người dân chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên.
⇒ Cầu chứng kiến sự trưởng thành của một dân tộc kiên cường, bất khuất, dũng cảm, cần lao.
3. Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại
– Hiện tại cầu Long Biên đã rút về vị trí khiêm nhường.
– Tương lai: trở thành điểm dừng chân của du khách năm châu khi đến thăm Việt Nam.
⇒ Cầu Long Biên mãi mãi có giá trị vô giá.
4. Tổng kết kiến thức
* Nội dung:
– Hơn một thế kỷ qua, cầu Long Biên đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng, bi tráng của Hà Nội. Hiện nay, tuy đã rút về vị trí khiêm nhường nhưng cầu Long Biên vẫn mãi mãi trở thành một chứng nhân lịch sử, không chỉ riêng của Hà Nội mà của cả đất nước.
* Nghệ thuật:
– Phép nhân hóa.
– Lối viết giàu cảm xúc bắt nguồn từ những hiểu biết và kỉ niệm về cầu đã tạo nên sức hấp dẫn cho bài văn.
Soạn văn Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi trong sgk
Câu 1 (trang 127 Ngữ Văn 6 tập 2)
Bài văn có thể chia làm ba đoạn:
– Đoạn 1: Từ đầy đến anh dũng của thủ đô Hà Nội: Giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại.
– Đoạn 2: Tiếp đến dẻo dai, vững chắc: Cầu Long Biên như một nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng.
– Đoạn 3: Còn lại: Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại và cảm nghĩ của tác giả.
Câu 2 (trang 127 Ngữ Văn 6 tập 2)
– Đoạn văn từ Cầu Long Biên khi mới hình thành đến bị chết trong quá trình làm cầu cho thấy: Bên cạnh xuất phát điểm nhìn từ ngôi thứ ba, tác giả còn sử dụng phương thức thuyết minh nhằm cung cấp cho người đọc về lai lịch, độ dài, cấu tạo, trọng lượng của cầu; mối quan hệ giữa sự xuất hiện của cầu với đời sống lịch sử – xã hội. Từ đó, khẳng định vai trò “chứng nhân lịch sử” của cầu Long Biên.
– So sánh với tư liệu được cung cấp qua hai đoạn đọc thêm về cầu Thăng Long và Chương Dương, ta có thể thấy được tuy cầu Long Biên có quy mô nhỏ hơn nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong nhiều mặt suốt gần 100 năm khi mà cầu Thăng Long và cầu chương Dương chưa xuất.
Câu 3 (trang 127 Ngữ Văn 6 tập 2)
a. Những cảnh vật và sự việc được ghi lại:
– Màu xanh của bãi ngô, mía, nương dâu, vườn chuối.
– Buổi chiều, đèn mọc như sao sa phía Hà Nội.
– Nhìn xuống cầu nhớ đoàn quân bí mật rời đi năm 1947.
– Nhìn bầu trời nhớ những năm tháng oanh liệt chống không lực Hoa Kỳ, những lần cầu bị đánh bom.
– Những ngày nước cao: sông Hồng đỏ rực cuồn cuộn chảy, chiếc cầu như chiếc võng đung đưa nhưng vẫn dẻo dai bền chắc.
→ Cảnh và việc đã cho ta biết nhiều sự kiện lịch sử: sự kiện Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội năm 1947, những lần Mỹ ném bom, những lần cây cầu kiên cường chống chọi với dòng lũ hung dữ của sông Hồng.
b. Việc trích dẫn một bài thơ, lời một bản nhạc trong đoạn văn đã có tác dụng tạo nên chứng nhân về nghệ thuật cho cây cầu, thể hiện sự gắn bó thân thiết của cây cầu với ký ức con người. Tình cảm đối với quê hương đất nước, với di tích lịch sử của thế hệ sau đã được thế hệ trước nuôi dưỡng.
c. Tình cảm tác giả thể hiện ở đoạn này bộc lộ rõ ràng và tha thiết hơn ở đoạn trên vì cây cầu gắn biết bao kỉ niệm, cảm xúc, cụ thể so sánh ta sẽ thấy:
– Cách kể chuyện ở đoạn này bộc lộ rõ tình cảm của tác giả hơn ở đoạn trên.
– Người kể xưng tôi tức là kể chuyện cây cầu thông qua cảm nhận riêng tư của bản thân.
– Kết hợp kể ,tả, bộc lộ cảm xúc với việc dùng từ ngữ gợi cảm: cầu như một dải lụa uốn lượn vắt ngang sông Hồng, những ánh đèn mọc lên như sao sa,….
Câu 4 (trang 127 Ngữ Văn 6 tập 2)
a. Tác giả đặt tên cho bài viết là Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử, không thể thay chứng nhân bằng chứng tích, bởi vì: cách dùng chứng nhân là dùng thủ pháp nhân hóa. cách này giúp người đọc có cảm giác tác giả đã thổi hồn vào sự vật, coi cầu Long Biên là người đương thời của những thăng trầm lịch sử:
Những sự kiện lịch sử mà cầu Long Biên đã “chứng kiến”:
– Cuộc kháng chiến chống Pháp với sự kiện đầu năm 1947 – khi Trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ.
– Năm 1972, cầu Long Biên bị giặc Mỹ trút bom đánh phá.
– Cầu Long Biên với quá nhiều tồn tại của mình đã trở thành chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và cả của thủ đô Hà Nội nói riêng.
b. So câu cuối bài với câu rút gọn: Còn tôi, tôi cố gắng truyền tình yêu cây câu của mình vào trái tim họ, để du khách ngày càng xích lại gần với đất nước Việt Nam. Câu cuối trong bài văn tuy dài hơn nhưng có sắc thái biểu cảm rõ hơn nhờ cách diễn đạt gợi những liên tưởng thú vị (nhịp cầu vô hình).
– Sở dĩ có thể nói nhịp cầu bằng thép của cầu Long Biên lại có thể trở thành nhịp cầu vô hình nối những con tim bởi vì: cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử “sống động, đau thương và anh dũng” của người Việt Nam khiến khách du lịch nước ngoài phải “trầm ngâm”, “đứng ở nhiều góc độ, ghi lại hình ảnh chiếc cầu” mỗi khi đến thăm nơi đây.
II. Luyện tập
Trả lời câu hỏi trang 128 sgk Ngữ văn 6 tập 2
– Tuỳ vào từng địa phương (nơi các em đang ở) mà tiến hành công việc thống kê, tìm hiểu những di tích lịch sử có ở địa phương mình. Lưu ý xem lại phần giải nghĩa cụm từ chứng nhân lịch sử để đảm bảo sự đúng đắn và chắc chắn trong việc sắp xếp, tìm hiểu, thống kê.