Soạn bài Chữa lỗi dùng từ, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài Soạn Văn lớp 6: Chữa lỗi dùng từ. Tài liệu trên sẽ giúp ích cho bạn đọc chuẩn bị bài trước
Hiện nay, quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà để có tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn Văn 6: Chữa lỗi dùng từ, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách nhanh chóng nhất.
Soạn văn Chữa lỗi dùng từ
* Một số lỗi dùng từ thường gặp:
1. Lặp từ
2. Lẫn lộn các từ gần âm
3. Dùng từ không đúng nghĩa
I. Lặp từ
1. Gạch chân dưới những từ giống nhau trong các câu dưới đây:
a. Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
(Thép Mới)
b. Truyện dân gian thường có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nên em rất thích đọc truyện dân gian.
2. Việc lặp từ tre ở ví dụ a có gì khác biệt việc lặp từ ở ví dụ b?
– Ở ví dụ a: việc lặp lại từ “tre” có ý nghĩa nhấn mạnh vai trò của cây tre trong việc chống lại kẻ thù, bảo vệ đất nước con người.
– Ở ví dụ b: việc lặp lại từ “truyện dân gian” khiến cho câu văn trở nên lủng củng, khó hiểu.
3. Chữa các câu mắc lỗi.
– Gợi ý:
- Em rất thích đọc truyện dân gian vì truyện có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.
- Truyện dân gian thường có nhiều chi tiết kì ảo nên em rất thích đọc.
=> Tổng kết:
– Trong khi nói hoặc viết, học sinh thường sử dụng một từ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Việc lặp đi lặp lại như vậy được hiểu là một loại lỗi dùng từ là lỗi lặp.
– Lỗi lặp gây ra cảm giác nhàm chán, khó hiểu; không những không cung cấp được nội dung mới mà còn nhắc lại nội dung cũ một cách máy móc.
– Vì vậy, cần nâng cao vốn từ để tránh mắc phải lỗi lặp từ.
II. Lẫn lộn các từ gần âm
1. Trong các câu sau, những từ nào dùng không đúng?
a. Ngày mai, chúng em sẽ đi thăm quan Viện bảo tàng của tỉnh.
– Trong câu a, học sinh đã dùng từ “thăm quan” sai do nhầm lẫn giữa từ tham quan và thăm quan.
b. Ông họa sĩ già nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc.
– Trong câu b, học sinh đã dùng sai từ “nhấp nháy” do nhầm lẫn giữa từ mấp máy và nhấp nháy.
2. Nguyên nhân mắc các lỗi trên là gì?
Nguyên nhân mắc các lỗi trên là do nhầm lẫn giữa âm đọc của các từ trên.
3. Hãy viết lại các từ bị dùng sai cho đúng.
a. Ngày mai, chúng em sẽ đi tham quan Viện bảo tàng của tỉnh.
b. Ông họa sĩ già mấp máy bộ ria mép quen thuộc.
=> Tổng kết:
– Khi nói hoặc viết, do nhầm lẫn giữa âm đọc hoặc chưa hiểu được nghĩa của từ nên học sinh thường dùng sai từ.
– Vì vậy, cần kiểm tra kỹ cách phát âm cũng như nghĩa của từ đó trước khi sử dụng.
II. Luyện tập
Bài 1. Hãy lược bỏ những từ ngữ trùng lặp trong các câu sau:
a. Bạn Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên cả lớp ai cũng đều rất lấy là quý mến bạn Lan.
=> Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên ai cũng rất quý mến.
b. Sau khi nghe cô giáo kể câu chuyện ấy, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện này vì những nhân vật ấy đều là những nhân vật có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
=> Sau khi nghe cô giáo kể, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện ấy vì họ đều có phẩm chất đạo đức tốt.
c. Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành, lớn lên.
=> Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành.
Bài 2. Hãy thay từ dùng sai trong các câu dưới đây bằng những từ khác. Theo em nguyên nhân chủ yếu của việc dùng sai đó là gì?
a. Tiếng Việt có khả năng diễn tả linh động mọi trạng thái tình cảm của con người.
– Từ dùng sai: linh động (không quá xem trọng quy tắc, dễ dàng thay đổi)
– Cách sửa: sinh động (có khả năng gợi ra nhiều hình ảnh, nhiều dáng vẻ)
b. Có một số bạn còn bàng quang với lớp.
– Từ dùng sai: bàng quang (một bộ phận của cơ thể con người)
– Cách sửa: bàng quan (thờ ơ, không quan tâm đến)
c. Vùng này còn khá nhiều thủ tục như: ma chay, cưới xin đều cỗ bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng bái…
– Từ dùng sai: thủ tục (những công việc phải làm theo quy định của một cơ quan tổ chức nào đó)
– Cách sửa: hủ tục (những phong tục đã lỗi thời)
=> Như vậy, các từ trên đều do lẫn lộn giữa các từ gần âm, hiểu sai nghĩa của từ.
* Bài tập ôn luyện:
Bài 1. Em hãy chỉ ra các lỗi sai trong các câu sau và sửa lại:
a. Hùng là một chân sút rất tài năng nên Hùng được cử đi thi đấu quốc tế.
b. Khung cảnh Hồ Tây vào mùa thu rất lãng mạng.
c. Cuộc thi này chỉ tuyển chọn ra những tài năng tinh tú nhất.
d. Những thiệt hại sau vụ động đất ở Nhật Bản không thể tính bằng con số hay số liệu cụ thể.
Bài 2. Thi kể tên một số từ thường bị dùng sai do lẫn lộn giữa các từ gần âm?
Bài 3. Hãy lược bỏ các từ ngữ trùng lặp trong các câu sau:
a. Quỳnh là đứa em rất hiền lành, nhân hậu.
b. Hằng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào Thủy Tinh cũng thua.
c. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là một bài thơ thể hiện được tình cảm của bác Hồ dành cho bộ đội và nhân dân.
d. Vua Hùng chỉ có một người con gái là Mị Nương nên Vua Hùng hết mực yêu thương Mị Nương.
Gợi ý:
Bài 1.
a.
– Lỗi sai: Lặp từ “Hùng”
– Cách sửa: Hùng là một chân sút tài năng nên (cậu) được cử đi thi đấu quốc tế.
b.
– Lỗi sai: từ “lãng mạng” do lẫn lộn giữa các từ gần âm, hiểu sai nghĩa của từ.
– Cách sửa: Khung cảnh Hồ Tây vào mùa thu rất lãng mạn.
c.
– Lỗi sai: từ “ tinh tú” do lẫn lộn giữa các từ gần âm, hiểu sai nghĩa của từ.
– Cách sửa: Cuộc thi này chỉ tuyển chọn ra những tài năng tinh túy nhất.
d.
– Lỗi sai: lặp từ “số liệu” và “con số” là hai từ đồng nghĩa.
– Cách sửa bỏ từ “số liệu”: Những thiệt hại sau vụ động đất ở Nhật Bản không thể tính bằng con số cụ thể.
Bài 2.
Một số từ thường bị dùng sai do lẫn lộn giữa các từ gần âm:
Từ đúng |
Từ sai |
– tham quan – lãng mạn – phong thanh – bàng quan – độc giả – chín muồi – nhậm chức – chẩn đoán… |
– thăm quan – lãng mạng – phong phanh – bàng quang – đọc giả – chín mùi – nhận chức – chuẩn đoán… |
Bài 3.
a. Quỳnh là đứa em rất hiền lành, nhân hậu.
=> Quỳnh là đứa em rất hiền lành.
b. Hằng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào Thủy Tinh cũng thua.
=> Hằng năm, Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào (thần) cũng thua.
c. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là một bài thơ đã thể hiện được tình cảm của bác Hồ dành cho bộ đội và nhân dân.
=> Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ đã thể hiện được tình cảm của bác Hồ dành cho bộ đội và nhân dân.
d. Vua Hùng chỉ có một người con gái là Mị Nương nên Vua Hùng hết mực yêu thương Mị Nương.
=> Vua Hùng chỉ có một người con gái là Mị Nương nên hết mực yêu thương (nàng).