Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương, Tài Liệu Học Thi sẽ giới thiệu tài liệu Soạn văn 9: Chuyện người con gái Nam Xương. Kính mời bạn đọc cùng tham khảo!
Chuyện người con gái Nam Xương của là một tác phẩm thuộc chương trình Ngữ Văn lớp 9.
Dưới đây là tài liệu Soạn văn 9: Chuyện người con gái Nam Xương, kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho học sinh trong quá trình chuẩn bị bài.
Xem Tắt
Soạn văn Chuyện người con gái Nam Xương chi tiết
I. Tác giả
– Nguyễn Dữ – có sách phiên âm là Nguyễn Tự (chưa rõ năm sinh – năm mất).
– Người huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
– Ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử – Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Ông sống ở thế kỉ XVI là thời kì triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc Trịnh tranh giành quyền bính, gây ra các cuộc nội chiến kéo dài.
– Nguyễn Dữ là một người học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan có một năm rồi xin về quê nuôi mẹ già và viết sách, sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời khác.
II. Tác phẩm
1. Xuất xứ
– “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong hai mươi truyện của “Truyền kì mạn lục”.
– Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn những chuyện kỳ lạ được lưu truyền ) là tác phẩm được viết bằng chữ Hán. Tác phẩm này có chịu ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Trung Quốc – một thể loại truyện thường có yếu tố kỳ lạ, hoang đường. Nhưng điểm khác là Nguyễn Dữ đã biết khai thác các truyện cổ dân gian, các truyền thuyết lịch sử, dã sử của Việt Nam để sáng tạo ra tác phẩm của mình.
– Nhân vật chính của truyện thường là những người phụ nữ bất hạnh, khao khát hạnh phúc nhưng bị các thế lực bạo tàn và cả lễ giáo khắc nghiệt xô đẩy vào hoàn cảnh éo le, oan khuất và bất hạnh.
2. Bố cục
Gồm 3 phần:
– Phần 1: Từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh.
– Phần 2: Tiếp theo đến “nhưng việc trót đã qua rồi”. Sự hiểu lầm của Trương Sinh dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương.
– Phần 3. Còn lại. Vũ Nương được giải oan.
3. Tóm tắt
Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra giữa dòng ngồi trên chiếc kiệu hoa đa tạ chàng rồi biến mất.
Xem thêm tại Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương
III. Đọc – hiểu văn bản
1. Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh
– Vũ Nương tính thùy mị, nết na lại có tư dung tốt đẹp.
– Trong làng có chàng Trương Sinh đem lòng yêu mến, liền xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về.
– Vũ Nương biết chồng có tính đa nghi, phòng ngừa vợ quá sức. Nhưng nàng cũng giữ gìn khuôn phép, vợ chồng không có gì phải bất hòa.
– Chiến tranh xảy ra, Trương Sinh tuy nhà hào phú nhưng vẫn bị bắt đi lính.
– Khi chồng ra chiến trường, nàng ở nhà hết mực lo lắng cho gia đình: sinh con, chăm sóc mẹ chồng, khi mẹ chồng mất thì lo ma chay chu đáo.
=> Vũ Nương là một người vợ đảm đang, hiền thục và hết lòng vì chồng, gia đình nhà chồng.
2. Sự hiểu lầm của Trương Sinh dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương
– Hoàn cảnh:
- Trương Sinh đi lính trở về, biết tin mẹ mất liền bế con ra mộ thăm mẹ.
- Đứa con không chịu nghe lời, ngây thơ hỏi: “Hóa ra ông cũng là cha tôi ư?…”
=> Trương Sinh hiểu nhầm vợ ở nhà có người khác.
– Diễn biến: Về nhà, Trương Sinh la um cho hả giận. Vũ Nương tìm cách giải thích nhưng không được.
– Kết quả: Biết không thể giải thích được nỗi oan, Vũ Nương tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời than rằng: “Kẻ bạc mệnh này…” rồi nhảy xuống sông tự vẫn.
=> Vũ Nương đau đớn, thất vọng trước sự nghi ngờ của chồng. Nàng lựa chọn cái chết để rửa sạch nỗi tủi nhục. Qua đây, thấy được số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.
3. Vũ Nương được giải oan
* Trực tiếp:
– Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo: “Cha Đản lại đến kìa”. Chàng hỏi đâu, đứa bé liền chỉ vào cái bóng ở trên tường.
– Khi hỏi rõ ra mới biết những lúc ở nhà một mình, vợ thường đùa con trỏ vào cái bóng của mình và bảo đấy là cha Đản.
=> Sự hối hận muộn màng.
* Gián tiếp:
– Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung.
– Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình.
– Trương Sinh làm theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang, rồi thấy Vũ Nương hiện về lúc ẩn lúc hiện.
=> Vũ Nương đã giải được nỗi oan khuất nhưng vẫn không thể tiếp tục cuộc sống nơi trần thế nữa.
IV. Tổng kết
– Nội dung: Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, tác phẩm đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa.
– Nghệ thuật: các yếu tố tưởng tượng, kì ảo, nghệ thuật dựng trên, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình.
Soạn văn Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn
Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
Câu 1. Tìm bố cục của truyện.
Gồm 3 phần:
– Phần 1: Từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh.
– Phần 2: Tiếp theo đến “nhưng việc trót đã qua rồi”. Sự hiểu lầm của Trương Sinh dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương.
– Phần 3. Còn lại. Vũ Nương được giải oan.
Câu 2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì?
– Trong mối quan hệ vợ chồng hàng ngày:
- Trương Sinh có tính đa nghi, phòng ngừa vợ quá mức.
- Biết chồng như vậy nên luôn giữ gìn khuôn phép, vợ chồng ít khi bất hòa.
=> Một người vợ thấu hiểu.
– Trong những ngày xa chồng:
- Chăm sóc con cái, mẹ chồng
- Chăm sóc chu đáo khi mẹ chồng ốm: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”
- Lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất.
=> Một người mẹ hiền, dâu thảo.
– Khi bị chồng nghi oan: Hết lời giải thích, nhưng khi bị đẩy đến bước đường cùng thì đành lựa chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch.
=> Khi đặt nhân vật vào những hoàn cảnh tình huống khác nhau, tác giả đã thể hiện được những nét tính cách tốt đẹp của nhân vật một cách chân thực và cụ thể.
Câu 3. Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó, em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?
– Nguyên nhân trực tiếp: Do chồng nàng là Trương Sinh có tính hay ghen, đa nghi và không chịu nghe lời vợ giải thích.
– Nguyên nhân gián tiếp: Do xã hội phong kiến đã gây ra bao nhiêu bất công, phân biệt đối với người phụ nữ khiến cuộc đời, số phận của họ phải chịu nhiều bi thảm.
Câu 4. Hãy nêu nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện, những lời trần thuật và những lời đối thoại trong truyện.
– Tình huống truyện đầy bất ngờ, căng thẳng.
– Những lời trần thuật tự nhiên, chân thực.
– Những lời đối thoại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tình huống câu chuyện, góp phần giãi bày tâm trạng của nhân vật.
Câu 5. Tìm những yếu tố kì ảo trong truyện. Đưa những yếu tố kì ảo và một câu chuyện quen thuộc, tác giả nhằm thể hiện điều gì?
– Những yếu tố kì ảo:
- Phan Lang nằm mộng cứu Linh Phi
- Phan Lang được Linh Phi cứu xuống thủy cung
- Vũ Nương còn sống và gặp lại Phan Lang dưới thủy cung
- Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về lúc hiện lúc ẩn.
– Ý nghĩa:
- Tạo ra một cái kết có hậu hơn cho câu chuyện.
- Thể hiện niềm cảm thương của nhà văn dành cho số phận người phụ nữ trong xã hội xưa.
- Thể hiện niềm tin, ước mơ của nhân dân: người tốt sẽ được minh oan và đền đáp xứng đáng.