Soạn bài Cổng trường mở ra, Tài liệu Soạn văn 7: Cổng trường mở vô cùng có ích trong quá trình chuẩn bị bài môn Ngữ Văn. Kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo.
Văn bản Cổng trường mở ra nằm trong chương trình Ngữ Văn lớp 7 đã gợi cho học sinh những kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên.
Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 7: Cổng trường mở ra, sẽ có ích trong quá trình chuẩn bị bài học.
Xem Tắt
Soạn văn Cổng trường mở ra chi tiết
I. Một vài nét về tác giả
– Lý Lan sinh năm 1957.
– Bà là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả.
– Quê hương: Bà sinh ra tại Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương.
– Một số tác phẩm sáng tác như: Chàng nghệ sĩ (truyện dài đầu tay), Cỏ hát (tập truyện ngắn đầu tay). Cổng trường mở ra được in trong SGK Ngữ Văn 7, tập 1
II. Đôi nét về tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
Cổng trường mở ra được in trên báo Tuổi trẻ, số 166 ngày 1 tháng 9 năm 2000.
2. Tóm tắt
Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được. Còn con thì háo hức nhưng mẹ chỉ dỗ một lát là con đã ngủ ngon lành. Khi con đã ngủ say, mẹ nhớ lại ngày đầu tiên con đi học lúc con mới ba tuổi. Nhìn con, mẹ cũng nhớ lại tuổi thơ của mình với buổi khai trường đầu tiên khi được bà ngoại đưa tới trường. Mẹ nhắc đến câu chuyện ở Nhật, người ta coi ngày lễ khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn thường nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường còn đường phố thì được thu dọn sạch sẽ và trang hoàng lộng lẫy. Cuối cùng, mẹ tưởng tưởng về hình ảnh ngày mai, mẹ sẽ đưa con đến trường cầm tay con dắt qua cánh cổng rồi buông tau mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Xem thêm tại Tóm tắt truyện Cổng trường mở ra
3. Bố cục
Gồm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “mẹ vừa bước vào”. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con.
- Phần 2. Còn lại. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục.
4. Giá trị nội dung
“Cổng trường mở ra” giống như những dòng nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.
5. Giá trị nghệ thuật
– Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình.
– Ngôn ngữ giàu hình ảnh.
III. Đọc – hiểu văn bản
1. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con
– Hành động của con:
- Háo hức như trước những chuyến đi chơi xa vì ngày mai vào lớp 1.
- Tranh dọn dẹp đồ chơi với mẹ.
- Chuẩn bị đầy đủ quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới, mọi thứ đã sẵn sàng.
- Không có mối bận tâm nào khác ngoài ngày mai thức dậy cho kịp giờ.
- Giấc ngủ đến với con dễ dàng.
=> Con là một đứa trẻ hồn nhiên vô tư nhưng cũng ý thức được trách nhiệm khi bắt đầu vào học lớp Một.
– Diễn biến tâm trạng của mẹ:
- Không tập trung làm được một việc gì cả.
- Mẹ dặn mình phải đi ngủ sớm nhưng lại trằn trọc không ngủ được.
- Nhớ lại ngày đầu tiên con đi học hồi ba tuổi đã biết thế nào là trường, lớp, thầy, bạn. Cả ngôi trường mới cũng đã quen với thầy cô và bạn bè mới.
- Mẹ nhận ra không phải vì lo lắng cho con đến nỗi không ngủ được.
- Tin tưởng rằng con đã lớn và sự chuẩn bị chu đáo của con trước ngày khai trường.
- Nhớ lại kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên của chính mình.
- Cảm giác nôn nao, hồi hộp của ngày hôm ấy như vẫn còn y nguyên khi cùng bà ngoại đến trường.
=> Mẹ luôn yêu thương và dành cho con sự quan tâm, tin tưởng. Sự kiện ngày khai trường đầu tiên khi con vào lớp Một đã gợi lại trong mẹ kỉ niệm về thời thơ ấu của người mẹ. Ngày đầu tiên khai trường với những hồi hộp và rạo rực.
2. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục
– Người mẹ nhớ đến câu chuyện ở Nhật:
- Ngày khai trường là một ngày lễ trọng đại của toàn xã hội. Người lớn nghỉ làm để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn dẹp sạch sẽ và trang trí tươi vui.
- Các quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường chia nhau đến dự lễ khai trường ở khắp các trường học không chỉ để thăm hỏi mà còn xem xét để kịp thời điều chỉnh chính sách giáo dục.
=> Tầm quan trọng của giáo dục: ảnh hưởng đến một thế hệ mai sau, sai một li có thể đi một dặm.
– Lời nhắn nhủ của mẹ: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
=> Lời nhắn nhủ thể hiện niềm tin tưởng và lạc quan vào hành trình của con trong suốt những năm tháng sau này.
Soạn văn Cổng trường mở ra ngắn gọn
I. Trả lời câu hỏi
Câu 1. Sau khi đọc, hãy tóm tắt nội dung của văn bản Cổng trường mở ra bằng một vài câu văn ngắn gọn. (Trả lời câu hỏi: Tác giả viết về cài gì, việc gì?)
Cổng trường mở ra là lời tâm tình của người mẹ dành cho đứa con trước ngày khai trường đầu tiên của con. Qua đó, tác giả cũng muốn đề cao vai trò của nhà trường đối với mỗi con người.
Câu 2. Đêm trước ngày khai trường, tâm trạng của người mẹ và đứa con có gì khác nhau? Điều đó biểu hiện ở những chi tiết nào trong bài?
* Mẹ:
– Không ngủ được.
– Không tập trung làm được việc gì.
– Nhìn con ngủ một lát, rồi mẹ xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con.
– Mẹ lên giường và trằn trọc, nhớ lại những kỉ niệm về ngày khai trường đầu tiên của mình.
* Con:
– Giấc ngủ đến với con thật dễ dàng.
– Không có mối bận tâm nào ngoài việc ngày mai phải thức dậy cho đúng giờ.
=> Mẹ thì thao thức không ngủ được, triền miên suy nghĩ còn con thì thật thanh thản, nhẹ nhàng và đầy vô tư.
Câu 3. Theo em, tại sao người mẹ lại không ngủ được? Chi tiết nào chứng tỏ ngày khai trường đã để lại dấu ấn thật sâu đậm trong tâm hồn người mẹ?
– Người mẹ không ngủ được:
- Mặc dù đây không phải là ngày đầu tiên con đi học, nhưng đây là buổi lễ khai trường quan trọng nhất của con: buổi lễ khai trường khi con vào lớp Một.
- Mẹ nhớ lại những ngày rạo rực, những cảm xúc bâng khuâng trong ngày đầu khai trường của mình. Hy vọng con cũng có được những ấn tượng sâu sắc đó.
=> Người mẹ không ngủ được không phải vì quá lo lắng cho con, mà chỉ vì những kỉ niệm về buổi ngày khai trường của mình làm mẹ thấy bồi, xúc động.
– Chi tiết chứng tỏ ngày khi trường để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn mẹ: Cứ nhắm mắt lại dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.
=> Đây là những câu văn của Thanh Tịnh nói về kỉ niệm ngày khai trường.
Câu 4. Có phải người mẹ đang nói trực tiếp với con không? Theo em, người mẹ đang tâm sự với ai? Cách viết này có tác dụng gì?
– Người mẹ không trực tiếp tâm sự với con hoặc một ai khác.
– Người mẹ giống như đang tâm sự với chính mình.
– Cách viết này giúp nêu bật được tâm trạng của người mẹ, khắc họa được diễn biến nội tâm cũng như những tình cảm mà đối thoại trực tiếp không thể diễn tả được.
Câu 5. Câu văn nào trong bài nói lên vai trò quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ.
– Câu văn: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
– Lý do: Người mẹ đang nhắc đến “thế giới diệu kỳ” với hy vọng con sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị: thế giới của kiến thức, của những hoạt động trải nghiệm bổ ích, của tình thầy cô bạn bè…
Câu 6. Người mẹ nói: “…bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Đã bảy năm bước qua cánh cổng trường , bây giờ em hiểu thế giới diệu kỳ đó là gì?
– Em đã học được rất nhiều kiến thức phong phú.
– Gặp gỡ được nhiều bạn bè thân thiết và được sự chỉ bảo của thầy cô.
II. Luyện tập
Câu 1. Một số bạn cho rằng, có rất nhiều ngày khai trường, nhưng ngày khai trường để vào học lớp Một là ngày có dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm hồn mỗi con người. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?
– Quan điểm của bản thân: tán thành với ý kiến trên.
– Lý do:
- Trước đó, nhiều bạn học sinh đã đi học mẫu giáo được tiếp xúc với thầy cô và trường lớp. Nhưng không phải bạn nào cũng được đi học mẫu giáo hay trải qua ngày khai trường. Còn vào lớp Một lại đánh dấu một sự kiện quan trọng – một dấu mốc trong cuộc đời.
- Tất cả những bạn học sinh đều được bố mẹ chuẩn bị mọi thứ rất chu đáo. Ai cũng được bố mẹ đưa đến trường, ăn mặc chỉnh tề để dự lễ khai giảng.
- Vào học lớp Một những cô bé, cậu bé dường như trưởng thành hơn: biết thu dọn đồ đạc, chuẩn bị sách vở…
- Cảm xúc bỡ ngỡ và mới mẻ.
Câu 2. Hãy nhớ lại và viết thành đoạn văn về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường đầu tiên của mình.
Gợi ý:
– Kỉ niệm đó là gì: Ông nội đưa đến trường, Cô giáo gọi lên đọc bài…
– Kể lại diễn biến:
- Buổi sáng hôm ấy, em thức dậy rất sớm. Sau khi vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng xong, em thay bộ đồng phục mới tinh thơm tho.
- Ông nội đưa em đến trường trên chiếc xe đạp cũ của ông.
Trên đường, nhiều bạn nhỏ cũng được bố, mẹ chở đến trường. Khuôn mặt ai cũng hân hoan, vui vẻ. - Khi đến trường, em được ông đưa đến bên cô giáo chủ nhiệm.
- Cô đưa em vào hàng cùng các bạn.
- Buổi lễ khai giảng bắt đầu: thầy hiệu trưởng phát biểu, tiết mục văn nghệ của các anh chị lớp trên, tiếng trống trường báo hiệu năm học mới vang lên.
- Khi lên lớp học, bài học chúng em được học đầu tiên là tập đọc.
- Cô giáo hướng dẫn chúng em đọc bài. Em được cô mời lên đọc bài.
- Em đọc đúng và to rõ nên được cô khen. Em cảm thấy rất hạnh phúc.
– Cảm xúc của em khi nhớ lại buổi đầu đi học: bồi hồi, xúc động và đầy tự hào.