Soạn bài Danh từ (tiếp theo), Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 6: Danh từ (tiếp theo). Kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo!
Trong quá trình học tập môn Ngữ Văn lớp 6, đa số học sinh phải chuẩn bị bài trước khi đến lớp, đặc biệt là đối với các bài thuộc phần tiếng Việt.
Chính vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Soạn văn 6:Danh từ (tiếp theo), hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho quý bạn đọc.
Soạn văn Danh từ (tiếp theo)
I. Danh từ chung và danh từ riêng
1. Dựa vào kiến thức đã học ở bậc Tiểu học, hãy điền các danh từ ở câu sau vào bảng phân loại.
“Vua nhớ công ơn tráng sĩ, phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở làng Gióng, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội”.
(Theo Thánh Gióng)
BẢNG PHÂN LOẠI
Danh từ chung |
vua, tráng sĩ, đền thờ, làng, xã, huyện |
Danh từ riêng |
Hà Nội, Phù Đổng Thiên Vương, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội |
2. Nhận xét về cách viết các danh từ riêng trong câu trên.
– Những danh từ riêng trong các câu trên đều được viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng.
3. Nhắc lại các quy tắc viết hoa đã học, cho ví dụ minh họa.
– Quy tắc viết hoa tên người, tên địa lý Việt Nam (viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng). Ví dụ: Nguyễn Thị Kim Dung, Hà Nội, Hải Phòng…
– Quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài (viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó, nếu bộ phận gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối. Ví dụ: Héc-quyn…
– Quy tắc viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, các danh hiệu, giải thưởng, huân chương… (viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ). Ví dụ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
=> Tổng kết:
– Danh từ chỉ sự vật gồm danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật. Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương.
– Khi viết danh từ riêng, ta phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó. Cụ thể:
- Đối với tên người, tên địa lý Việt Nam và tên người tên địa lí nước ngoài phiên âm qua âm Hán Việt: viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng
- Đối với tên người, tên địa lí nước ngoài phiên âm trực tiếp (không qua phiên âm trực tiếp): viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên riêng đó, nếu bộ phận gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối.
– Tên riêng của các cơ quan, tổ chức, các danh hiệu, giải thưởng, huân chương… thường là một cụm từ: viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ.
II. Luyện tập
Câu 1. Tìm danh từ chung và danh từ riêng trong các câu sau:
“Ngày xưa ở miền đất Lạc Việt cứ như bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân”.
(Con Rồng cháu Tiên)
– Danh từ chung: ngày xưa, miền đất, nước, vị, thần, rồng, con trai, tên.
– Danh từ riêng: Lạc Việt, Long Nữ, Lạc Long Quân.
Câu 2. Các từ in đậm trong SGK có phải là danh từ riêng không? Vì sao?
Các từ in đậm đó đều là danh từ riêng để gọi một sự vật cá biệt chứ không phải để chỉ chung các sự vật.
Câu 3. Có bạn chép đoạn thơ sau đây của nhà thơ Tố Hữu mà quên viết hoa một số danh từ riêng. Em hãy viết lại các danh từ riêng ấy cho đúng.
– Viết lại:
“Ai đi Nam Bộ
Tiền Giang, Hậu Giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
rực rỡ tên vàng.
Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta!
Ai đi Nam – Ngãi, Bình – Phú, Khánh Hòa
Ai vô Phan Rang, Phan Thiết
Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc
Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, bến Hải, cửa Tùng…
Ai vô đó với đồng bào, đồng chí
Nói với Nửa – Việt Nam yêu quý
Rằng: nước ta là của chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!”
Câu 4. Chỉnh tả (nghe – viết): Ếch ngồi đáy giếng (cả bài).
– Học sinh tự viết.
– Chú ý những lỗi sai về chính tả dễ mắc phải.
* Bài tập ôn luyện:
Câu 1. Xác định danh từ chung và danh từ riêng trong các câu sau:
a. Lão gọi ba con gái ra, hỏi lần lượt từng người một.
b. Hằng ngày, Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng.
c. Nghe Thạch Sanh nói việc tìm công chúa, Thạch Sanh thật thà kể chuyện đã bắn đại bàng bị thương và biết hang ổ của đàng bàng.
d. Tên Mã Lương không chết đói thì cũng chết rét, ta hãy đến chuồng ngựa xem sao.
Câu 2. Hãy tìm và viết lại cho đúng các danh từ riêng trong đoạn thơ sau:
“Những đường việt bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
hoà bình, tây bắc, điện biên vui về
Vui từ đồng tháp, an khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…”
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Gợi ý:
Câu 1.
a.
– Danh từ chung: lão, con gái, người
– Danh từ riêng: không có
b.
– Danh từ chung: ngày, đàn bò, đồng, tối, chuồng.
– Danh từ riêng: Sọ Dừa
c.
– Danh từ chung: việc, công chúa, đại bàng, hang ổ,
– Danh từ riêng: Thạch Sanh
d.
– Danh từ chung: tên, chuồng ngựa
– Danh từ riêng: Mã Lương
Câu 2.
– Chép lại:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…”
(Việt Bắc)