Soạn bài Lời văn, đoạn văn tự sự, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu cho bạn đọc bài soạn văn lớp 6: Lời văn, đoạn văn tự sự. Tài liệu trên sẽ giúp ích cho bạn đọc chuẩn
Hiện nay, quỹ thời gian học trên lớp khá hạn hẹp nên đối với môn Ngữ Văn lớp 6 học sinh thường phải chuẩn bị bài trước ở nhà để có tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Tài Liệu Học Thi xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn Văn 6: Lời văn, đoạn văn tự sự, hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho học sinh trong việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Soạn văn Lời văn, đoạn văn tự sự
I. Lời văn, đoạn văn tự sự
1. Lời văn giới thiệu nhân vật
Trả lời câu hỏi trong SGK:
* Các câu văn đã giới thiệu nhân vật ngắn gọn và đầy đủ:
– Ở đoạn 1: Gồm hai câu:
- Câu 1: Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu.
=> Giới thiệu nhân vật Vua Hùng về thời đại và gia đình, nhân vật Mị Nương về chân dung, tính cách.
- Câu 2: Vua cha yêu thương nàng hết mực, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng.
=> Tình cảm của Hùng Vương dành cho con gái, dẫn tới nguyện vọng.
– Ở đoạn 2: Gồm năm câu:
- Câu 1: Giới thiệu chung về Sơn Tinh và Thủy Tinh.
- Câu 2, 3: Giới thiệu về xuất thân, tài năng của Sơn Tinh.
- Câu 4, 5: Giới thiệu về xuất thân, tài năng của Thủy Tinh.
* Các câu văn giới thiệu thường dùng những từ như: có, là; cụm từ: người ta thường gọi, người ta gọi…
2. Lời văn kể sự việc
Trả lời câu hỏi trong SGK:
– Đoạn văn trên đã dùng những từ: đùng đùng nổi giận, đem, hô, gọi, dâng để kể những hành động của nhân vật.
– Các hành động được kể theo thứ tự: tăng dần, hành động sau là kết quả của hành động trước.
– Hành động ấy đem lại kết quả: Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một bể nước.
=> Hậu quả to lớn.
– Lời kể trùng điệp (nước ngập…, nước ngập…, nước dâng…) gây ấn tượng về hình ảnh một biển nước mênh mông, sức mạnh và sự tàn phá của nước càng ngày càng dữ dội.
3. Đoạn văn
– Trong các đoạn văn (1), (2) và (3) trong SGK đã biểu đạt được những ý chính:
- Đoạn (1): Nguyện vọng của Vua Hùng là tìm một người chồng xứng đáng cho con gái. Câu biểu đạt là câu 1.
- Đoạn (2): Giới thiệu về hai chàng trai đến cầu hôn, đều tài giỏi và xứng đáng như nhau. Câu biểu đạt là câu 1.
- Đoạn (3): Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh. Câu biểu đạt là câu 1.
=> Người ta gọi các câu trên là câu chủ đề vì câu văn trên đã nêu bật nội dung chính của đoạn văn, có tính khái quát cao.
– Để dẫn đến ý chính ấy, người kể đã dẫn dắt từng bước bằng cách kể các ý phụ sau ý chính, nội dung mở rộng cho ý chính.
Các ý phụ:
- Đoạn (1): câu 2
- Đoạn (2): câu 2, 3, 4 và 5
- Đoạn (3): câu 2 và 3
=> Các câu sau làm rõ hơn nội dung của câu trước, đặc điểm hành động sau là kết quả của đặc điểm hành động trước.
– Em hãy kể hoặc viết đoạn văn nêu ý chính: Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun lửa giết chết giặc Ân, hoặc viết đoạn văn nêu ý chính: Tuệ Tĩnh thấy ai có bệnh nặng thì lo chữa trước cho người đó, không kể người bệnh đó có địa vị như thế nào, giàu hay nghèo.
Gợi ý:
- Đoạn 1: Thánh Gióng mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa giết chết giặc. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ cụm tre bên đường quật thẳng vào giặc, giặc chết hết lớp này đến lớp khác.
- Đoạn 2: Tuệ Tĩnh là một thầy thuốc có tâm có đức nổi tiếng vào đời Trần, giúp người không phân biệt giàu nghèo. Một hôm, có nhà quý tộc trong vùng cho con đến mời Tuệ Tĩnh vào xem bệnh đau lưng cho mình thì có hai vợ chồng nghèo khiêng đứa con bị ngã đến, mếu máo xin ông chạy chữa. Trước hoàn cảnh đó, Tuệ Tĩnh đã chọn cứu chữa cho đứa trẻ bị ngã, sau đó mới đến chữa cho nhà quý tộc.
=> Tổng kết:
– Văn tự sự chủ yếu là văn kể người và kể việc. Khi kể người thì có thể giới thiệu tên, họ, lai lịch, quan hệ, tính tình, tài năng, ý nghĩa của nhân vật. Khi kể việc thì kể hành động, việc làm, kết quả và sự thay đổi do các hành động ấy đem lại.
– Mỗi đoạn văn thường có một ý chính, diễn đạt thành một câu gọi là câu chủ đề. Các câu khác diễn đạt những ý phụ hướng đến ý chính, hoặc giải thích cho ý chính.
II. Luyện tập
Bài 1. Đọc các đoạn văn trong SGK và trả lời câu hỏi:
– Mỗi đoạn văn trên kể về điều gì:
- Đoạn a: Tài năng chăn bò của Sọ Dừa.
- Đoạn b: Thái độ của ba cô con gái phú ông với Sọ Dừa.
- Đoạn c: Tính cách của cô Dần.
– Câu chủ đề có ý quan trọng nhất của mỗi đoạn:
- Đoạn a: “Cậu chăn bò rất giỏi”.
- Đoạn b: “Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kỳ, thường hắt hủi sọ dừa, còn em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế”.
- Đoạn c: “Và tính cô cũng như tuổi cô còn trẻ con lắm“.
– Các câu văn trên triển khai chủ đề ấy theo thứ tự:
- Đoạn 1: Các hành động sau bổ sung cho hành động trước (câu 1: giới thiệu hành động, câu 2: nhận xét chung về hành động, câu 3, 4: miêu tả chi tiết hành động, câu 5: kết quả của hành động).
- Đoạn 2: Câu 1 đóng vai trò dẫn dắt. Câu 2, 3 giả thích cụ thể hơn.
- Đoạn 3: Câu 1, 2 nối tiếp nhau nếu ra nhận xét chung. Các câu sau giải thích chi tiết cụ thể hơn tính cách ấy như thế nào.
Bài 2. Đọc đoạn văn trong SGK, theo em, câu nào đúng câu nào sai?
Gợi ý:
– Theo em, câu a sai, câu b đúng.
– Vì:
- Câu a các hành động diễn ra không đúng logic: không thể đang cưỡi ngựa rồi mới nhảy lên yên ngựa.
- Câu b các hành động diễn ra đùng theo logic: đóng chắc yên ngựa, nhảy lên yên rồi cưỡi ngựa lao vào bóng chiều.
Bài 3. Hãy viết câu giới thiệu các nhân vật: Thánh Gióng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tuệ Tĩnh.
– Giới thiệu về Thánh Gióng: Thánh Gióng là vị anh hùng có công tiêu diệt giặc Ân, được Vua Hùng phong là Phù Đổng Thiên Vương.
– Giới thiệu về Lạc Long Quân: Lạc Long Quân, là con trai thần Long Nữ có công diệt Ngư tinh, giúp nhân dân an cư lạc nghiệp.
– Giới thiệu về Âu Cơ: Âu Cơ là vợ của Lạc Long Quân, thuộc họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần.
– Giới thiệu về Tuệ Tĩnh: Tuệ Tĩnh là vị danh y nổi tiếng đời Trần có tấm lòng y đức cao cả.
Bài 4. Viết đoạn kể chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt xông trận, ngựa phun lửa giết giặc Ân và đoạn kể chuyện Thánh Gióng khi roi sắt gãy, đã nhổ tre đằng ngà tiếp tục đánh đuổi giặc Ân.
Gợi ý:
Thánh Gióng là vị anh hùng có công dẹp tan giặc Ân bảo vệ đất nước. Bây giờ, khi giặc đã đến chân núi Trâu, cũng là lúc sứ giả mang áo giáp sắt, roi sắt và ngựa sắt đến. Thánh Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt và cưỡi ngựa lao thẳng đến quân giặc. Ngựa phun lửa giết chết lũ giặc. Bỗng nhiên roi sắt bị gãy, Thánh Gióng đã nhổ bụi tre đằng ngà quật vào lũ giặc. Quân giặc vỡ trận, đám tàn quân tháo chạy giẫm đạp cả lên nhau. Sau khi đánh thắng giặc, cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ ở quê nhà.
* Bài tập ôn luyện: Viết đoạn văn kể chuyện Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh.
Gợi ý:
Khi nghe Vua Hùng đưa ra yêu cầu về sính lễ thì sáng hôm sau, Sơn Tinh đã chuẩn bị đầy đủ và đem lễ vật đến trước. Thấy Sơn Tinh lấy được Mị Nương, Thủy Tinh đùng đùng nổi giận dâng nước đánh Sơn Tinh. Nước ngập khắp đồng ruộng, nhà cửa khiến cả thành Phong Châu nổi lềnh bềnh trên một biển nước. Sơn Tinh thấy thế không hề nao núng, dùng phép lạ bốc từng quả đồi dời từng dãy núi ngăn dòng nước lũ. Cuối cùng, Thủy Tinh kiệt sức nên đành rút quân. Thù hận vẫn không hết, hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thua cuộc.