Soạn bài Mạch lạc trong văn bản, Tài Liệu Học Thi xin được giới thiệu bài Soạn văn 7: Mạch lạc trong văn bản, hy vọng đây sẽ là tài liệu có ích cho việc chuẩn bị bài
Đối với chương trình Ngữ Văn lớp 7, phần Tập làm văn sẽ cung cấp những kiến thức quan trọng cho học sinh.
Chính vì vậy, Tài Liệu Học Thi xin giới thiệu bài Soạn văn 7: Mạch lạc trong văn bản, kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo.
Soạn văn Mạch lạc trong văn bản
I. Mạch lạc và những yêu cầu về mạch lạc
1. Mạch lạc trong văn bản
a. Mạch lạc trong văn bản có những tính chất:
– Trôi chảy thành dòng, thành mạch.
– Tuần tự đi qua khắp các phần, các đoạn trong văn bản.
– Thông suốt, liên tục, không đứt đoạn.
b.
– Ý kiến: Trong văn bản, mạch lạc là sự tiếp nối của các câu, các ý theo một trình tự hợp lí là đúng.
– Lý do: Các câu văn, các ý văn chính là những yếu tố cơ bản làm nên một văn bản. Chỉ khi các yếu tố này được viết theo một trình tự hợp lý, chặt chẽ thì mới tạo ra một văn bản mạch lạc.
2. Các điều kiện để có một văn bản mạch lạc
a.
– Toàn bộ sự việc trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” xoay quanh sự việc chính: Hai anh em Thành và Thủy phải chia tay nhau do bố mẹ ly hôn.
– “Sự chia tay” và “những con búp bê” đóng vai trò xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.
– Quá trình chia đồ chơi của hai anh em, sự chia cắt của hai con búp bê và cuộc chia tay đẫm nước mắt của hai anh em.
– Hai anh em Thành và Thủy là những nhân vật chính của câu chuyện.
b.
Một loạt những từ ngữ và chi tiết trên là chủ để liên kết các sự việc thành một thể thống nhất. Đó có thể được xem là mạch lạc trong văn bản.
c.
– Các đoạn ấy được nối với nhau theo mối liên hệ về thời gian (sáng sớm hôm ấy, gần trưa, chiều), không gian (ở nhà, ở trường)
– Những mối liên hệ ấy diễn ra hết sức tự nhiên và hợp lý.
=> Tổng kết:
– Văn bản cần phải mạch lạc.
– Một văn bản có tính mạch lạc là văn bản:
- Các phần các đoạn các câu trong văn bản đều nói về một đề tài, biểu hiện một chủ đề chung xuyên suốt.
- Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng, hợp lý, trước sau hô ứng nhau nhằm làm cho chủ đề liền mạch và gợi được nhiều hứng thú cho người đọc (người nghe).
II. Luyện tập
Câu 1. Hãy tìm hiểu tính mạch lạc:
a. Văn bản “Mẹ tôi”:
– Có lời giới thiệu của nhân vật tôi: lý do mà bố viết thư cho mình.
– Sau đó, nội dung bức thư được En-ri-cô nhắc lại toàn bộ:
- Việc En-ri-cô hỗn láo với mẹ vào buổi sáng khi cô giáo đến thăm.
- Bố nhắc lại quá khứ mẹ lo mất con, đánh giá sự hy sinh của mẹ.
- Đặt giả thiết ngày mẹ mất và con sẽ cảm thấy hối hận như thế nào.
- Yêu cầu con không lặp lại lỗi lầm.
– Chủ đề xuyên suốt trong văn bản: tình mẹ
– Các đoạn văn có sự liên kết.
b.
(1) Văn bản: Lão nông và các con
– Chủ đề xuyên suốt: Lao động sẽ đem lại cho con người những giá trị to lớn.
– Bố cục:
- Mở bài: 2 câu đầu. Đặt vấn đề
- Thân bài: 14 dòng tiếp theo. Kể lại chi tiết diễn biến.
- Kết bài: 4 câu cuối. Ý nghĩa của câu chuyện.
(2)
– Chủ đề xuyên suốt: Khung cảnh làng quê giữa ngày mùa.
– Bố cục:
- Mở bài: Giới thiệu đối tượng cần miêu tả: khung cảnh làng quê giữa ngày mùa với màu vàng là chủ đạo.
- Thân bài: Miêu tả chi tiết khung cảnh giữa ngày mùa: từng sự vật với những sắc vàng khác nhau.
- Kết bài: Cảm xúc về sắc vàng.
=> Trình tự ba phần thống nhất với chủ đề xuyên suốt.
Câu 2.
– Câu chuyện xuyên suốt trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”: cuộc chia tay của hai anh em và hai con búp bê.
– Sự việc chia tay của bố mẹ Thành và Thủy chỉ đóng vai trò là nguyên nhân của cuộc chia tay ấy, nên không cần thiết phải kể rõ ra.
– Nếu kể chi tiết sẽ khiến cho câu chuyện chính bị phân tán, làm cho văn bản không có sự thống nhất, mất đi tính mạch lạc.
* Bài tập ôn luyện: Hãy cho biết tính mạch lạc trong văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan.
– Chủ đề xuyên suốt: Tình cảm yêu thương và niềm tin của người mẹ dành cho đứa con được thể hiện trong đêm trước ngày khai trường vào lớp Một của con. Vai trò của nhà trường đối với sự phát triển của mỗi con người.
– Bố cục hợp lý với hai phần bao quát chủ đề văn bản.
- Phần 1: Từ đầu đến “ mẹ vừa bước vào”. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con.
- Phần 2. Còn lại. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục.
– Nhân vật chính: mẹ và đứa con.
– Các câu văn, đoạn văn được liên kết với nhau chặt chẽ, thống nhất trong một chủ đề chính của văn bản.