Soạn bài Miêu tả trong văn tự sự, Kính mời bạn đọc tham khảo tài liệu Soạn văn 9: Miêu tả trong văn tự sự, giúp học sinh hiểu rõ cách sử dụng yếu tố miêu tả trong
Yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, các em sẽ được tìm hiểu cách sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự.
Tài liệu Soạn văn 9: Miêu tả trong văn tự sự, sẽ được chúng tôi đăng tải chi tiết dưới đây. Mời bạn đọc tham khảo.
Soạn văn Miêu tả trong văn tự sự
I. Tìm hiểu yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự
1. Đọc đoạn trích trong SGK
– Học sinh tự đọc.
2. Suy nghĩ và trả lời câu hỏi:
a. Đoạn trích kể về trận đánh nào? Trong trận đánh đó, nhân vật Quang Trung làm gì, xuất hiện như thế nào?
– Đoạn trích kể về trận đánh đồn Ngọc Hồ của của nghĩa quân Tây Sơn.
– Trong trận đánh đó, nhân vật vua Quang Trung là người chỉ huy binh linh. Vua Quang Trung hiện lên đầy mưu trí và bản lĩnh.
b. Chỉ ra các chi tiết miêu tả trong đoạn trích. Các chi tiết miêu tả ấy nhằm thể hiện những đối tượng nào?
Các chi tiết miêu tả trong đoạn trích:
– Sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức.
– Hạng lính khỏe mạnh, cứ mười người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn, hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”.
– Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn.
– Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.
– Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành sông, quân Thanh đại bại.
c. Kể lại nội dung đoạn trích trên, một bạn có nêu ra các sự việc như trong SGK. – Nếu chỉ kể những sự việc như trên thì nhân vật Quang Trung không nổi bật, trận đánh cũng không còn sinh động.
– Lý do: Câu chuyện chỉ là liệt kê đơn giản theo các sự kiện, không có sự hấp dẫn.
– Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gợi cảm và sinh động hơn.
=> Tổng kết: Trong văn bản tự sự, sự miêu tả cụ thể và chi tiết về cảnh vật, nhân vật và sự việc có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gợi cảm, sinh động.
II. Luyện tập
Câu 1. Tìm những yếu tố tả người và tả cảnh trong hai đoạn trích Truyện Kiều vừa học (Chị em Thúy Kiều, tr. 81 và Cảnh ngày xuân, tr. 84). Phân tích giá trị của những yếu tố miêu tả ấy trong việc thể hiện nội dung mỗi đoạn trích.
* Chị em Thúy Kiều:
– Miêu tả vẻ đẹp của hai chị em:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
– Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân:
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
– Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều:
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
=> Việc miêu tả nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều, cũng như ngầm dự báo trước về cuộc đời của cả hai.
* Cảnh ngày xuân:
– Tả cảnh: con én đưa thoi; Cỏ non xanh tận chân trời; Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; Ngổn ngang gò đống kéo lên; Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay; Tà tà bóng ngả về tây; phong cảnh có bề thanh thanh; Nao nao, dòng nước uốn quanh; Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
– Tả người: Gần xa nô nức yến anh; Dập dìu tài tử giai nhân; Ngựa xe như nước, áo quần như nêm; Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
=> Cho thấy khung cảnh mùa xuân cũng như không khí lễ hội nhộn nhịp của ngày xuân.
Câu 2. Dựa vào đoạn trích Cảnh ngày xuân, hãy viết một đoạn văn kể về việc chị em Thúy Kiều đi chơi trong buổi chiều ngày Thanh Minh. Trong khi kể vận dụng các yếu tố miêu tả để tả cảnh ngày xuân.
Gợi ý:
Mùa xuân thấm thoát đã trôi qua được hơn nửa. Đến tháng ba, hương xuân đã tràn ngập khắp nơi. Những thảm cỏ xanh mướt nối dài đến tận chân trời. Trên những cành lê đã điểm những bông hoa trắng muốt. Nhân dịp Tết Thanh Minh, chị em Thúy Kiều cùng nhau đi tảo mộ. Ngoài đường, ngựa xe như nước, còn người đi lại cũng thật đông đúc. Hai chị em dạo chơi đến khi bóng chiều đã ngả về phía Tây thì liền ra về. Họ đi dọc những theo con suối quanh co, uốn khúc. Phía xa xa, có một chiếc cầu nhỏ bắc ngang. Phong cảnh chiều tà đầy thơ mộng.
Câu 3. Giới thiệu trước lớp về vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều bằng lời của mình.
Gợi ý:
Chị em Thúy Kiều vốn là con gái nhà họ Vương. Thúy Kiều là chị còn Thúy Vân là em. Mỗi người có một vẻ đẹp riêng nhưng đều “mười phân vẹn mười”. Thúy Vân mang một nét đẹp trang trọng, cao quý. Nàng có một khuôn đầy đặn với nét đẹp phúc hậu, dịu dàng. Điểm trên khuôn mặt đó là “nét ngài nở nang” gợi ra vẻ đẹp của đôi lông mày hơi đậm. Không chỉ vậy, Thúy Vân còn có giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười e thẹn mang nét đoan trang. Vẻ đẹp của nàng Thúy Vân phải khiến cho tạo hóa phải nhường nhịn. Nhưng so sánh Thúy Kiều lại hơn cả về sắc lẫn về tài. Đôi mắt của nàng trong tựa như làn nước mùa thu, đôi lông mày đẹp thanh thoát như nét núi mùa xuân. Vẻ đẹp của Kiều còn khiến thiên nhiên phải ghen tị “ghen”, “hờn” – vẻ đẹp dường như đã vượt qua mọi chuẩn mực của thiên nhiên, có sức làm “khuynh quốc khuynh thành”. Không chỉ xinh đẹp, Thúy Kiều còn rất tài năng. Thông minh vốn sẵn tính trời nên ở lĩnh vực nào nàng cũng đều am hiểu: cầm – kỳ – thi – họa. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là ở tiếng đàn. Nàng thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm (đàn cổ) thành thạo. Hơn thế, nàng còn giỏi sáng tác nhạc nữa: “Khúc nhà tay lựa nên chương/Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”. Mỗi nàng lần đánh đàn, nàng lại cất lên thiên “bạc mệnh” làm cho người nghe phải đau khổ, sầu não. Bản đàn cất lên từ một trái tim đa sầu đa cảm. Hai chị em sống một cuộc sống êm đềm, chuẩn mực của con nhà gia giáo mặc cho ngoài kia là những lời ong bướm, đường mật.